Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Giữ lấy đức tin

Nhà văn Lê Phan Nghị - 31-03-2012 11:20:10 AM

VanVN.Net - Mấy trăm năm trước, trong "Bình Ngô đại cáo" Nguyễn Trãi đã viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân ". Những gì Nguyễn Trãi viết luôn đúng với mọi thời đại. Từ thuở Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh việc "Yên dân" luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi sự quan tâm. Thánh tổ nhân Hoàng đế Minh Mạng trong lần Bắc tuần 1831, trên đường từ Kinh đô đến Thăng Long, qua địa phận nào Nhà vua cũng dừng lại hỏi han tình hình đời sống của dân chúng và khi biết mùa màng thất bát, con dân đói nghèo thì tha thuế cho dân. Lần vi hành đến vùng mỏ Hải Ninh, Hồng Quảng nghe Tổng đốc cai quản vùng này tấu trình đời sống nhân dân đói khổ, Nhà vua đã ân sủng ra Chỉ dụ cho phép dân được khai thác than để bán lấy tiền cứu đói (Chỉ dụ ngày 06 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 20-1839).

Thời đại Hồ Chí Minh thì mọi chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước "Dân" luôn được gọi là “Gốc". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chủ tịch đã khơi dậy lòng dân, họ sẵn sàng hy sinh của cải, vật chất, tinh thần và tính mạng vì độc lập tự do của đất nước, của dân tộc. Điều đó được thể hiện thực tế và sinh động trong cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi Chính phủ kêu gọi ủng hộ tài chính cho cuộc kháng chiến thì toàn dân hưởng ứng. Có gì ủng hộ nấy: Lúa gạo, tiền, vàng, nhà cửa... Công trái kháng chiến ngày ấy mãi những năm sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước mới được Chính phủ thanh toán hoàn trả. Những năm đầu sau giải phóng Miền Bắc 1954 chủ chương cải tạo và xây dựng kinh tế được nhiều nhà tư sản, tiểu tư sản đã góp của cải, nhà máy, công xưởng để tiến hành công cuộc Công tư hợp doanh; một số điền chủ ủng hộ cho Nhà nước cả ngàn héc - ta rừng cọ, đồi chè, đất ruộng, đồng cói ... để xây dựng Nông trường tạo công ăn việc làm cho ngàn, vạn người lao động.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đồng bào ta ở khắp mọi miền đất nước đồng tâm hiệp lực góp công, góp của, hy sinh tính mạng để chiến đấu chống kẻ thù giành thắng lợi. Biết bao gia đình, bao bà mẹ, người vợ tiễn chồng, con em lên đường tòng quân đánh giặc nhiều người chỉ có ngày đi không có ngày về. Biết bao diện tích đất được nhân dân tự nguyện giao cho quân đội làm kho, làm trận địa đánh giặc; bao ngôi nhà, vườn cây được tự nguyện dỡ chặt lát đường chống lầy để xe qua kịp giờ G xung trận. Mấy năm gần đây mặc dù trong cơ chế thị trường, đất đai có giá nhưng không ít gia đình, dòng họ tự nguyện hiến đất để xây trường học, nhà mẫu giáo, nhà văn hoá, làm đường giao thông... Sự tự nguyện, cống hiến hy sinh ấy được bắt nguồn từ tư tưởng chỉ đạo: "Lấy dân làm gốc" và ý Đảng hợp với lòng dân.

Hai mươi lăm năm đổi mới và hội nhập đất nước thay đổi về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Những khu chế xuất, khu công nghiệp ra đời làm thay đổi diện mạo của mọi miền Tổ quốc, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao đồng và đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của đất nước. Sự xuất hiện các khu chế xuất, khu công nghiệp, sân gôn, khu du lịch sinh thái đã lấy đi nhiều diện tích đất ruộng, đất rừng, đất vườn, đất thổ cư... thuộc quyền sử dụng của công dân nhưng việc bồi thường cho chủ lại không thoả đáng, chưa cập với quy định của Nhà nước tạo nên sự búc xúc trong nhân dân và xã hội. Cũng không ít diện tích sau khi được giao sử dụng không đúng mục đích hoặc sang tay kiếm lời, vụ lợi cho số ít người. Việc ra quyết định thu hồi đất và cưỡng chế ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là một sự đáng tiếc. Mấy năm trước cũng đã có những trường hợp xảy ra ở Đồ Sơn (Hải Phòng); ở Thái Bình, việc dựng lều cắm trại, bịt cổng ra vào của những nhà máy, Công ty xí nghiệp ở khu công nghiệp An Khánh ( Hà Tây); nhiều vụ khiếu kiện đông người cũng chỉ vì bức xúc do việc cấp đất thu hồi đất không thoả đáng.

Dư luận rất hoan nghênh sự chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ đối với vụ việc ở Tiên Lãng. Ngày 11/02/2012 trao đổi với phóng viên cổng thông tin điện tử Chính phủ, nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đã bày tỏ: " ...Theo tôi vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan toả ra cả nước, cho nên sự phản ứng ở Tiên Lãng là một báo hiệu của người dân không thể coi nhẹ". Vấn đề đặt ra là lãnh đạo thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang nhận thức ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và xử lý vụ việc thế nào? Các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ có khách quan và đúng với quy định của pháp luật hay không? Việc đã rồi nhắc lại thêm đau lòng nhưng thực sự không bằng lòng với những trả lời vô cảm của một số cán bộ chủ chốt ở địa phương. Quân đội là từ nhân dân mà ra, phải có trách nhiệm bảo vệ dân. Trong 10 lời thề của chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam có một lời thề là: "Không đụng đến cái kim sợi chỉ của dân". Tham gia vào việc cưỡng chế thu hồi đất đai, tài sản của dân là làm mất đi hình ảnh " Anh Bộ đội cụ Hồ". Điều lệ Đảng ghi rõ: Bí thư cấp uỷ Đảng đồng thời là Bí thư Đảng bộ Quân đội địa phương cùng cấp. Vậy việc huy động Quân đội tham gia cưỡng chế dân Bí thư cấp uỷ ở đó sao nỡ làm ngơ???.

Hơn 80 năm xây dựng và phát triển của Đảng; sáu mươi sáu năm xây dựng nền Cộng hoà Đảng và Nhà nước có rất nhiều Chỉ thị, Nghị quyết nhằm xây dựng Đảng ta có một đội ngũ Đảng viên trong sạch, tổ chức Đảng vững mạnh như Chỉ thị 192/CT (Khoá III); Nghị quyết Trung ương 6 lần II (Khoá VIII)... Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là đỉnh cao của tiến trình rèn luyện Đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Chúng ta có cơ chế dân chủ ở cơ sở; qui chế phối hợp lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; qui chế giám sát; qui định những việc Đảng viên không được làm; qui định 76 của Bộ chính trị về việc giữ mối quan hệ giữa các Đảng viên đang công tác với cấp uỷ và Chi bộ nơi cư trú ... nhưng xem ra những chủ trương đó vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa thành nề nếp sinh hoạt trong các tổ chức của Đảng, vẫn là lấy lệ. Hệ thống chính trị của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở phường, xã đều có 4 cấp: Đảng, Cơ quan lập pháp, Cơ quan hành pháp và Cơ quan phối hợp giám sát là Mặt trận Tổ quốc. Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc bấy lâu nay do nhiều nguyên nhân dường như bị mờ đi. Lần này mặt trận vào cuộc giám sát ở vụ việc Tiên Lãng Hải Phòng là sự đáng mừng.

Tổng kết 4 năm cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (2006 - 2010) có nhiều gương sáng được tuyên dương; nhiều tác phẩm văn học, báo chí, âm nhạc, nghệ thuật... được khen và trao thưởng ở nhiều cấp, nhiều ngành. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa xứng tầm với sự mong muốn. Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, mất dân chủ vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Không phải ngẫu nhiên khi triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Bộ chính trị có chỉ thị 03/CT-TW về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ thị 1973/CT-TTg về vấn đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Mới đây Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Ban chấp hành Trung ương nhấn mạnh: Đáng lo ngại là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao.

Đảng ta luôn luôn lấy phê bình và tự phê bình là vũ khí sắc bén để rèn luyện cán bộ Đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 là một bước đột phá quan trọng vào những mắt xích trì trệ, quan liêu, hách dịch, cậy quyền cậy thế, ê-kíp dưới trên... làm phương hại đến uy tín, thanh danh của Đảng; ảnh hưởng xấu đến quá trình xây dựng đất nước; làm mất lòng tin của dân với Đảng. Uỷ ban kiểm tra Trung ương công bố quyết định thi hành kỷ luật Đảng đối với một lãnh đạo cấp cao của tỉnh Đắc-lắc và một cán bộ cấp cao của Bộ Y tế vào giữa lúc toàn Đảng đang triển khai học tập Nghị quyết Trung ương 4 là một việc làm hết sức có ý nghĩa, được dư luận rộng rãi trong Đảng và nhân dân đồng tình, phấn khởi.

"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mới nghe tưởng chừng dễ dàng và đơn giản nhưng là một sự phấn đấu trung thành cả đời của mỗi cán bộ, Đảng viên chân chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương trong sáng về: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người luôn đi đầu trong việc thực hiện để làm gương cho các thế hệ người Việt Nam noi theo. Mọi người còn nhớ vào những ngày đầu sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà non trẻ đã kiên quyết xử lý một cán bộ cấp cao trong quân đội có liên quan đến tham nhũng (mà sau này chuyện đã dựng thành vơ kịch "Đêm trắng"). Quan điểm của Người: Là công bộc của dân phải hết lòng tận tuỵ với dân, thương dân, thương nước dù phải hy sinh tính mạng của bản thân. Trong thời khắc vừa giành được độc lập từ tay thực dân Pháp, đồng bào cả nước lại phải hứng chịu cái đói khủng khiếp, Hồ chủ tịch đã kêu gọi toàn dân đoàn kết bên Chính phủ lâm thời chung tay chống thù trong giặc ngoài. Với thù trong là giặc dốt, giặc đói. Lời kêu gọi của Bác được toàn dân hưởng ứng và "hũ gạo kháng chiến" ra đời. Bác Hồ là người đầu tiên tự nguyện bớt khẩu phần ăn của mình mỗi bữa để góp vào hũ gạo kháng chiến. Theo gương Bác ở khắp mọi miền đất nước từ đồng bằng, miền núi, đô thành, nhà chùa.... nhà nhà đều lập "Hũ gạo kháng chiến". Tuy nhỏ nhưng hũ gạo kháng chiến đã góp một phần không nhỏ vào cuộc trường kỳ kháng chiên thắng lợi.

Trong điều kiện ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm giảm đầu tư công, kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội là môt chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện tại; phù hợp với nội dung yêu cầu chỉ thị của Bộ chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Một nhiệm kỳ Đại hội Đảng ít nhất có mười kỳ họp Ban chấp hành Trung ương; sẽ có mười Nghị quyết Trung ương; một nhiệm kỳ Quốc hội cũng sẽ có mười Nghị quyết của Quốc hội chưa kể mỗi tháng Chính phủ họp một lần sẽ có các Nghị quyết cụ thể. Nghị quyết nhiều, chỉ đạo không sát sao sẽ là những Nghị quyết suông. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Đảng phải luôn luôn  xem xét lại những Nghị quyết và những Chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những Nghị quyết và Chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng".

Mọi việc làm, mọi sự chỉ đạo sai lệch với đường lối, chủ trương của Đảng; mọi sự vụ lợi vun vén cá nhân, tha hoá  biến chất đều làm tổn hại đến thanh danh của Đảng, của Nhà nước. Đảng vì dân, Dân tin Đảng. Dân chỉ cần sự công minh, trung thực vì lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và của nhân dân.  Đảng tin dân, Dân tin Đảng. Niềm tin ấy là vĩnh cửu. Hãy giữ lấy đức tin ấy./.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...