Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Một thuở chưa xa…

Nguyễn Trung Hiếu - 11-05-2011 01:18:12 PM

VanVN.Net - Thời kháng chiến chống Pháp, giữa vùng tự do và vùng bị chiếm ở Liên khu V gần như hoàn toàn cách biệt. Đối phương không chỉ dùng bom đạn, càn quét đánh phá, còn bao vây, phong tỏa ta về kinh tế!...

Tuy vậy, vẫn có người, chủ yếu các anh chị, các cô (thời ấy, có mốt quý bà chải tóc phồng) cũng lọt ra được vùng bị chiếm An Tân, Tam Kỳ, đi bộ thôi, mua mấy thứ lặt vặt, như đá lửa (hồi đó có được viên đá lửa quý lắm). Vài chai an-côn, ít xấp vải ka ki, giấu rất khéo, nên đã có vè chế các bà: “Đầu phồng đá lửa/ Ruột chửa ka ki/ Chửa tại Tam Kỳ(1)/ Vô Bồng Sơn(2) đẻ”.

Vùng tự do khá rộng, dân đông, chuyên làm nông, không đủ ăn, nay phải chu cấp cho cả bộ máy chính quyền và quân đội vừa mới phôi thai – một thách thức lớn! Nhưng rồi, cái khó đã mở được cái khôn. Lời kêu gọi tăng gia sản xuất tự túc của Cụ Hồ như luồng khí thiêng – muôn người như một, rất rập ràng: “Lúa khoai ta gắng trồng/ Sườn non cho tới bờ sông/ Áo ta chưa ấm dày/ Thay mía ta trồng bông…”.

Bài hát có sức truyền cảm lạ lùng, ai cũng hát, tiếng hát như lan theo nhịp đường cày, lát cuốc. Ruộng đồng mỗi ngày thêm rộng ra, xanh mướt hơn, lúa, bắp, mì, lang… bời bời.

Cùng thời điểm đó, đồng tín phiếu ra đời, lại một cú đấm bất ngờ, khiến đồng bạc Đông Dương của Pháp phải chịu co lại những nơi họ còn kiểm soát. Như được mở cờ, dân hát mừng Hoan nghênh Tín phiếu:

“Ta tiêu Tín phiếu là tiêu bạc Việt Nam/ Ta tiêu Tín phiếu là giết quân tham tàn/ Tình tang tang, tình tang tang/ Dân Việt Nam chớ quên thù chung/ Muốn cho trường kỳ kháng chiến, chúng ta đều tiêu Tín phiếu/ Hoan nghênh Tín phiếu/ Hoan nghênh Tín phiếu/ Ta tiêu Tín phiếu là tiêu bạc Việt Nam, ta tiêu Tín phiếu…”.

Bấy giờ cái ra-đi-ô ra sao, không ai biết! Chỉ có tờ tin của Ty Thông tin Tuyên truyền và lâu lâu mới thấy tờ báo nho nhỏ, in bảng đá của Liên khu. Vậy mà tình hình ngoài mặt trận thế nào, hậu phương đều biết và ngược lại, là nhờ số dân công đi, về kể chuyện, cả tuần không hết.

Sau mỗi trận đánh, bộ đội lại về chỉnh huấn, chỉnh quân, “đại bản doanh” của họ là Lòng Dân! Nhà hẹp, một tổ ba người, nhà rộng hơn chút, hai tổ và bao giờ dân cũng dành chỗ tốt nhất cho bộ đội. Ăn uống có bộ phận hỏa đầu quân - có nơi gọi Anh Nuôi - lo liệu, nhưng chỉ hai bữa. Bữa sáng, bộ phận ở gia đình nào thì cùng gia đình đó ăn củ lang, củ mì, bắp nấu, bắp nướng hoặc lá bắp trộn đường…, cơm thì không mấy khi.

Trừ lúc chỉnh huấn, chỉnh quân hay ra trận, bộ đội đều cùng dân tăng gia sản xuất, khai mở cả đồi gò, bãi sông… trồng dâu, bông vải, lang, mì, mè, đậu, bắp… nên có cái ăn, cái mặc, tuy cũng cơm khoai áo vải.

Mỗi năm, bộ đội được cấp hai bộ quần áo (lúc đầu chỉ một) xi-ta xám, vải tự dệt, bông vải tự trồng, súng đạn tự đúc và lấy của Tây – cả thuốc chữa bệnh, giấy viết, giấy in…, tự túc tất tật. Quân phục xi-ta xám, áo có cầu vai, rất giản dị, nhưng nó có cái gì rất dễ thương, dễ mến nên khi qua đò, không bao giờ chủ đò hỏi tiền. Những chiến sĩ đã giải ngũ, vẫn được mặc quân phục xám, nhưng áo không có cầu vai, qua đò cố nhiên phải trả tiền.

Đi công tác lẻ hay nghỉ phép, lỡ đường vào nhà dân xin ở nhờ, các anh vẫn được đối xử tử tế. Một chi tiết, dân hay để ý người đến ở, xem tay họ có ghẻ ruồi không, vì bộ đội gần như ai cũng có ghẻ, điều này đã được đúc rút: “Bộ đội không ghẻ như đồng bào không Thẻ tùy thân”.

Bộ đội ghé nhà dân. Tranh Phạm Thanh Tâm

Thẻ tùy thân, như Chứng minh nhân dân bây giờ, nhưng không có ảnh đính trên góc trái của thẻ - đúng 18 tuổi đều được cấp thẻ. Thẻ đơn giản, nhưng không ai làm giả.

Có bộ đội về ở, nhà nhà vui hẳn, trẻ con cứ bu lấy các anh, một hai đòi dạy hát. Không mấy chiến sĩ ta không thuộc đôi ba bài hát, không phải để “lên sân khấu” mà là bài dân vận đầu tiên. Có thể nói, đã là bộ đội thì đều biết hát.

Một số không ít chiến sĩ ta còn chơi giỏi các nhạc cụ dễ mang theo, như sáo trúc, ác-mô-ni-ca, măng-đô-lin, ban-giô. Nghe có tiếng hát, cả làng lớn nhỏ í ới kéo nhau đi nghe cho bằng được các anh bộ đội hát, nhất là những đêm mát trời, ầm ầm như hội: “Trăng lên tập họp hát om nhà”. Các cụ thân hào, mẹ binh sĩ còn ưng nghe cả chuyện ngoài mặt trận đánh được mấy đồn Tây, thu được bao nhiêu súng đạn… Rồi họ lại kể cho nhau trong những dịp giỗ chạp hoặc khi họp hội đoàn thể.

Bộ đội với dân như cá với nước, rất đúng nghĩa! Dân coi bộ đội là con em nên rất thương, rất quý. Không ai vận động mà xóm nào, làng nào cũng có Hội Mẹ binh sĩ. Hội phân công cụ thể những ai nuôi gà, ai chăm sóc phần đất cho bộ đội trồng lúa, trồng khoai… để khi bộ đội về… ủy lạo. Nhiều người còn dành phần ruộng tốt nhất cho anh bộ đội nào được gia đình nhận làm con nuôi.

Khi bộ đội chuyển nơi khác, cả đêm như không ai ngủ, nhất là các cô, các chị, các em thiếu niên nhi đồng cứ thấp tha thấp thỏm: “Các anh đi đến khi nào trở lại/ Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong…”. Tình cảm với anh bộ đội cứ mang mang da diết: “Các anh từ độ đi rồi/ Là thôi đi cả niềm vui của làng/ Nhà buồn hóa rộng thênh thang/ Hàng tre nghiêng xuống con đàng vắng tanh…”.

Cả vùng tự do Liên khu V, không mấy người có nhà ngói, dù chỉ nhà cấp 4. Toàn nhà tranh vách đất, chỉ đủ cho gia đình họ, nhưng lạ, các cơ quan, đoàn thể, quân đội đều ở nhà dân hết lớp tới lớp, lại còn các trường trung học: Bình Dân, Rừng Xanh, Lê Khiết, cùng hàng chục cơ xưởng: quân giới, dệt, may, sản xuất giấy, in Tín phiếu… Nếu không được dân hết lòng thương yêu, chở che, đùm bọc, chắc khó bề!

Các trường trung học, các cơ xưởng ấy đã để lại ấn tượng đẹp đến giờ! Về sau, rất nhiều học sinh trường này trở thành những kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, nhà khoa học, nhà văn, chính khách, một số định cư ở nước ngoài là những chuyên gia giỏi ngành hàng không vũ trụ, điện tử, hạt nhân…

Liên khu V cũng là nơi quy tụ khá đông trí thức, văn nghệ sĩ, như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sơn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tuân, Tế Hanh, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Vĩ, Thanh Tịnh, Phan Huỳnh Điểu, Vân Đông, Yến Lan, Quách Tấn…

Ngoảnh lại một thời chưa xa ấy, nơi vùng đất Liên khu V kiên trung, bền bỉ, người nông dân Liên khu V chất phác, hiền lành… để mà thương mà nhớ…

(Nguồn Tạp chí Hồn Việt)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin đã đăng

Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...