Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Tọa đàm tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Bài, ảnh: Phong Lan - 19-04-2012 11:58:55 AM

VanVN.Net – Sáng 19/4/2012, tọa đàm tiểu thuyết Việt Nam đương đại được tổ chức tại Nhà sáng tác Đại Lải, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nhân dịp bế mạc trại sáng tác tiểu thuyết 2012. Đến dự tọa đàm có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (chủ trì); nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung – Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc; các nhà văn thuộc chi hội Nhà văn Việt Nam tại Vĩnh Phúc; các nhà văn cao tuổi, tác giả tiểu thuyết, nhà phê bình, dịch giả; các trại viên dự trại sáng tác; giám đốc nhà sáng tác Đại Lải; các phóng viên báo đài đến dự và đưa tin.

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà văn Tô Đức Chiêu (trưởng trại) báo cáo đánh giá kết quả trại sáng tác trong 15 ngày: tất cả các thành viên dự trại đều là các nhà văn có thành tựu về văn học, và tính đến nay đều là những người viết còn giữ được niềm say mê đối với công việc sáng tác. Quá trình làm việc nghiêm túc, hiệu quả, mỗi nhà văn đều có những dự định được “hiện thực hóa” bằng những trang viết… Ngoài ra còn có một số công việc khác: NXB Quân đội nhân dân đã lên tiếp cận và làm việc với các thành viên dự trại; Đài Tiếng nói Việt Nam có buổi làm việc, quan tâm đến từng đề tài của các nhà văn; Hãng phim Hội Nhà văn VN đã ghi hình tư liệu về các nhà văn; các trại viên đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả sáng tác trại Đại Lải (từ ngày 04 đến 19/4/2012): 13 nhà văn đã tham gia trại đều có kết quả nhất định: trong đó có 5 nhà văn viết về đề tài chiến tranh, 8 nhà văn đề tài xã hội.

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu: Tổ chức trại viết là công việc quan trọng của Hội NVVN, dự trại chính cơ hội trao đổi, gặp gỡ để khởi động nhận thức mới, có sự chuyển động mới về nghề nghiệp. Hiện nay Hội NVVN có 946 nhà văn, nhưng sức làm việc thực tế chưa phải là con số đó, vì những lí do: sức khỏe, điều kiện, cảm xúc và những điều khách quan khác nên chỉ có khoảng 600 tác giả đang viết. Trong 600 người đang viết đó thì phần lớn là sáng tác thơ, mảng văn xuôi ít hơn, viết tiểu thuyết lại càng ít. Do đó, đội ngũ các nhà viết tiểu thuyết hết sức được coi trọng. Thể tài này được coi là “cỗ trọng pháo” trong nền văn học. Từ 2002 đến nay, chúng ta đã phát động các cuộc thi tiểu thuyết và đã gặt hái được những thành quả. Nếu không có những cuộc thi tiểu thuyết thì văn học Việt Nam mới chỉ có diện mà chưa có điểm.

Trong cuộc thi tiểu thuyết lần đầu tiên, có 174 cuốn dự thi và đã chọn được những tác phẩm xứng đáng trao giải: Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh). Cuộc thi lần thứ hai: gần 200 tác phẩm - đây là cuộc thi thành công, số lượng và chất lượng đều tốt, giải thưởng được trao cho các cuốn: Dòng sông mía (Đào Thắng); Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức) – một cuốn tiểu thuyết sử thi viết về cuộc chiến đấu gay gắt, quyết liệt của hai chiến tuyến, phản ánh đầy đủ những số phận con người trong “chảo lửa chiến tranh” một cách sinh động, tâm huyết… Cuộc thi lần thứ ba: hơn 300 cuốn gửi tới dự thi, và các cuốn được trao giải: Quyên (Nguyễn Văn Thọ) viết về số phận người Việt tha hương; Chân trời mùa hạ (Hữu Phương) – miêu tả cuộc chiến tranh và cuộc chiến với những kẻ cơ hội; Lửa đắng (Nguyễn Bắc Sơn) – đi thẳng vào vấn đề cuộc sống hôm nay: cơ chế.

Những giải thưởng hàng năm cũng trao cho những cuốn tiểu thuyết hay của Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Chí Trung…

Với những điều đã làm được, có thể thấy nền tiểu thuyết của chúng ta đang chuyển động, có thành tựu nhưng hình như những món nợ với lịch sử, với quá khứ còn đè nặng trên vai các nhà văn. Văn học đang góp phần hàn gắn các vết thương dân tộc.

Về tiểu thuyết Việt Nam đương đại, có những vấn đề chính được đặt ra: Trở lại với đề tài lịch sử như thế nào? Tiểu thuyết đi vào những vấn đề đương đại, ngày hôm nay như thế nào? Vấn đề trung tâm của con người hiện nay gắn với lợi ích như thế nào? Trong tác phẩm thì coi vấn đề là trung tâm hay nhân vật là trung tâm? Đó là vấn đề gì? Nhân vật trung tâm của thời đại hiện nay là ai?

Tiếp đó là phần thảo luận của các nhà văn.

Nhà văn Tô Nhuần thông tin nhanh về đề án viết về đề tài chiến tranh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBTQ tổ chức các cuộc thi văn học sắp tới. Từ nay năm 2015 chủ trương của Đảng và Nhà nước về đề tài chiến tranh từ 1930 đến 1975.

 

Nhà văn Văn Chinh tổng kết: trong 10 năm qua Hội NVVN đã vận động thành công nhiều lần thi tiểu thuyết, đây là điểm nhấn xác đáng, có tác động đến đời sống văn học. Đồng thời đánh giá những cuốn tiểu thuyết thành công về đề tài lịch sử và xã hội. Nói về vai trò của các nhà phê bình đối với các nhà sáng tác. Trao đổi thẳng thắn về những cuốn tiểu thuyết mắc lỗi cơ bản về logic.

 

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói về “Dòng sông lửa” của Trần Chinh Vũ, “Lính trận” của Trung Trung Đỉnh và nhận định: vấn đề hiện nay của chúng ta không phải là nên viết theo kỹ thuật hiện đại, hậu hiện đại hay cổ điển? Tùy vào từng năng lực, sự chọn lựa của mỗi tác giả. Cốt là hay. Không nên lấy khuynh hướng, tiêu chí này khác để áp đặt cho một cuốn tiểu thuyết cụ thể. Các khuynh hướng đều đáng trân trọng, bạn đọc phân hóa thành nhiều loại khác nhau, không nhà văn nào có thể thỏa mãn được tất cả các tầng lớp bạn đọc. Quan trọng là tác phẩm hay và thu phục được người đọc.

 

Nhà văn Dương Duy Ngữ nêu ra vấn đề: dân tộc đang yêu cầu điều gì, nhà văn phải nói đúng, đi đúng vào yêu cầu, bản chất của dân tộc. Cảm nhận của nhà văn về bản chất dân tộc là quan trọng, tác phẩm văn học phải giải quyết được vấn đề cốt lõi của đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.

 

Nhà thơ Trần Ninh Hồ nhận xét: ở đâu (trên thế giới) có sách hay thì Việt Nam có cuốn đó được dịch sang tiếng Việt. Ông đánh giá vai trò của dịch giả đối với văn học Việt Nam. Tiểu thuyết Việt Nam hiện nay không còn băn khoăn về các phương pháp sáng tác, nhưng chưa giành được “thị trường” văn học trên thế giới.

 

Dịch giả Lê Bá Thự bàn về đề tài uống rượu – một vần đề rất gần gũi trong đời sống nhưng chưa có ở Việt Nam. Một tháng nữa ông sẽ ra mắt cuốn dịch từ tiếng Ba Lan: “Dưới cánh thiên thần” – tác phẩm được dư luận Ba Lan đánh giá cao: đó là nhìn nhận chức năng mới của văn học: chức năng chữa trị, thể loại này được coi là “tiểu thuyết trị liệu”.

 

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan phản biện ý kiến của nhà văn Văn Chinh: chủ nghĩa trong sáng tác văn chương thực chất là một vấn đề giả, một sự ngộ nhận về văn chương hậu hiện đại, bởi văn chương hậu hiện đại có những tiêu chí riêng, không hề giống như những nhầm lẫn trong cách nhìn nhận của một số độc giả hiện nay. “Yếu huyệt” của văn chương Việt Nam là chúng ta vẫn chấp nhận sự trung bình. Vấn đề đặt ra của nhà thơ Trần Ninh Hồ rất trúng: đó là nhà văn phải am hiểu sâu sắc nghề của mình, lĩnh vực mình quan tâm thì mới có thể cho ra đời những tác phẩm hay. Bên cạnh đó cần có những tọa đàm riêng về văn học dịch.

 

Nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương: đọc bài phát biểu: “Đôi điều tản mạn khi viết tiểu thuyết”.

 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: tán thành ý kiến của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Mong các  nhà văn đọc – hiểu văn bản trước khi viết phê bình. Đồng tình với vấn đề nhà thơ Hữu Thỉnh đưa ra: trung tâm của tác phẩm là vấn đề hay nhân vật? Về vấn đề dịch: các dịch giả Việt nam nên có sự kết hợp với các nhà văn, người làm văn hóa ở nước ngoài để có được những tác phẩm chuyển ngữ thành công hơn.

 

Nguyễn Chí Trung: nói về khó khăn về chính bản thân mình trong công việc sáng tác.

 

Dịch giả Trần Đình Hiến: Nói về giao lưu văn học Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.

 

Nhà văn Hà Phạm Phú nói đến vị trí, vai trò của nhà viết tiểu thuyết.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tổng kết bằng một câu chuyện về nhà bác học Anhxtanh. Nhà thơ bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi đã tổ chức thành công một cuộc gặp gỡ, trao đổi cởi mở, chân thành, thẳng thắn và khách quan về những vấn đề của tiểu thuyết Việt Nam đương đại giữa các nhà văn – các nhà viết tiểu thuyết có ít nhiều thành tựu, đóng góp cho nền văn  học nước nhà.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm kết thúc lúc 12h00.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...