Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Giao hưởng và âm vang thơ trẻ thời chống Mỹ

Nguyên An - 07-06-2011 10:04:12 AM

VanVN.Net - Còn nhớ, vào các mùa hè 1967, 1968 và 1971, 1972, trong số hàng nghìn hàng vạn thanh niên chia tay các trường cấp III, các trường đại học khoác súng đi thẳng ra chiến trường, hầu như trong ba lô của bạn nào cũng có mấy cuốn sổ tay chép những bài thơ. Nhiều người trong chúng ta còn nhớ: khi các vần thơ có cánh ấy đến với mình, gây xúc động bồi hồi, thì cũng là lúc người làm thơ đã vĩnh viễn ra đi...

Vào nửa cuối những năm 1960, thơ của Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm..., và cả Trần Quang Long, Ngô Kha… với một ít bài hát của Trịnh Công Sơn từ chiến trường chống Mỹ đã đến với thanh niên, sinh viên chúng tôi, cùng với những Bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc. Dăm bảy năm sau, tiếng thơ của những Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt…, và đặc biệt, của Hoàng Nhuận Cầm và Vũ Đình Văn đã thực sự cuốn hút, lay động giới học sinh, sinh viên ở các trường đại học tại Hà Nội, Vinh và Hải Phòng.

Không chỉ bạn sáng tác, bạn yêu thơ văn với nhau, mà rất nhiều, rất nhiều thanh niên học đường hồi đó đã tìm đọc thơ các anh thật say sưa. Còn nhớ, vào các mùa hè 1967, 1968 và 1971, 1972, trong số hàng nghìn hàng vạn thanh niên chia tay các trường cấp III, các trường đại học khoác súng đi thẳng ra chiến trường, hầu như trong ba lô của bạn nào cũng có mấy trang sổ tay chép thơ các anh.

Đã có bao nhiêu biến cố, sự kiện đi qua, nay nhìn lại, chúng ta vẫn có thể nói rằng thơ theo người ra trận chống Mỹ cứu nước những năm ấy quả là một hiện tượng nổi bật, kì vĩ trong đời sống thật gian lao của xã hội Việt Nam. Hơn cả một thế kỷ vừa rồi, có lẽ chưa bao giờ thơ trẻ Việt Nam lại tạo ra một giao hưởng hào hùng và có sức âm vang như thế.

Tuổi trẻ miền Bắc lên đường vào chiến trường miền Nam

Thành quả ấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.

Tìm lại một số trang tư liệu, chúng ta được biết thêm là: Trong số các nhà thơ vừa kể ở trên, Phạm Tiến Duật (1940-2007) và Trần Quang Long (1941-1968) là nhiều tuổi nhất, còn Vũ Đình Văn (1951-1972) và Hoàng Nhuận Cầm (sinh 1952) là ít tuổi nhất, thì cùng trang lứa với các bạn học sinh, sinh viên đã hâm mộ thơ và đời mình.

Tất cả họ, người làm thơ và người đọc thơ hồi bấy giờ, đều đang ở tuổi ngoài 20 đến ngoài 30, họ là những người đồng thời.

Bấy giờ, Phạm Tiến Duật đã được bạn đọc biết đến qua các bài như Cái cầu (1964), Chuyện hàng cây yêu đương (1966), Tiếng bom ở Seng Phan (1968)…; Với Trần Quang Long thì còn sớm hơn, từ những năm 1962, 1963, như là một thủ lĩnh của phong trào học sinh, sinh viên chống Mỹ - Diệm chia cắt đất nước, thơ anh ở các bài như Nghiêng nón, Huế ơi, và sau đó ít lâu là Lớn lên không ngừng, Thưa Mẹ, trái tim, đã được bao trí thức trẻ một dọc thị thành như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, Sài Gòn tìm đọc, bất chấp sự đe dọa của bọn cảnh sát và chỉ điểm ngụy.

Nhiều người trong chúng ta còn nhớ: khi các vần thơ có cánh ấy đến với mình, gây xúc động bồi hồi, thì cũng là lúc các anh đã vĩnh viễn ra đi! Lê Anh Xuân hi sinh trên đường cùng đồng đội tổng tấn công vào Sài Gòn mùa Xuân Mậu Thân - cuối tháng 5 năm 1968; Trần Quang Long qua đời vì bom Mỹ ở căn cứ Tây Ninh - giữa tháng 11 năm 1968; Vũ Đình Văn hi sinh trong những ngày "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội vào cuối tháng 12 năm 1972.

Còn Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm… vào đầu các năm 1970 ấy, người thì vừa thoát khỏi nhà tù của giặc, đang gùi sắn trỉa ngô làm rẫy làm thơ ở Tây Thừa Thiên, người thì đang chạy xe không kính trên những cung đường mấp mô trồi sụt khét lẹt đạn bom hai bên Đông và Tây Trường Sơn, người lại đang là chiến sĩ phòng không dọc các tuyến đường ác liệt Quảng Trị, Quảng Bình…

Đó là ngẫu nhiên của thời thế đất nước với bước đi của mỗi cuộc đời hay là sự sắp đặt nào đó của lịch sử một thế hệ, một chặng đường thơ ca? Hay đó là tất cả?

Chỉ có thể nghĩ rằng: Nếu các anh có một phút sờn lòng, ngại gian khổ hi sinh hay suy bì này nọ…, thì cầm chắc, với lí lịch ấy và thành tích học tập ấy, những Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Trần Quang Long, Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn… đã có thể ở nơi xa bom đạn, trở thành một công chức, và cũng có thể làm ra được một ít thơ như ai…

Nổi trội lên từ phong trào, cao trào thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước, các anh đã tự nguyện dấn thân vào cuộc sinh tồn của dân tộc và giải phóng cho Tổ quốc như những người ở tuyến đầu của tuổi trẻ học đường Việt Nam buổi đất nước lâm nguy.

Trong sự chào đón thật hồ hởi lúc đó, đã có lúc người ta ngỡ như thơ các anh là của chính mình cùng làm ra, vì nó nói lên được khát vọng sống - chiến đấu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc vốn có ở mỗi người. Nhưng sau ít ngày ít tháng, công chúng, nhất là lớp trẻ học đường đã dần nhận ra: Khát vọng thì là một, như vốn đời và sự trải nghiệm của thơ và người làm ra nó, thì có lẽ còn lâu mình mới thật chia xẻ và thấu hiểu được. Tuy nhiên, cái khoảng cách có thật này một khi đã rõ dần, thì kì lạ thay, nó lại làm cho người đọc quý thơ và đời hơn! Theo gương những chàng trai cô gái có dáng dấp anh hùng trong thơ mà sống và học tập, đó là một sự ấp ủ thực lòng của người yêu thơ ngày ấy; Viết cho hết những ý tưởng, những nghiệm suy, những nồng ấm và tiếc nuối xót xa… của mình mà không sợ bị hiểu lầm là tâm lí sáng tạo của các nhà thơ thời đánh Mỹ gian lao kia.

Nếu không có sự chia sẻ, không có nhu cầu trao đổi đến mức nào đó, hẳn sẽ chẳng có sáng tác văn chương, thơ ca. Đây là sự chia sẻ của cả hai phía - người sáng tác và người đọc. Trong một góc nhìn đã có độ lùi của hơn 40 năm - thấm thoắt, thế mà đã dài lâu thế! Và ở một phạm vi hẹp là thơ trẻ với công chúng học sinh sinh viên, chúng tôi nhận thấy: Đó là một sự trao đổi trao gửi sẻ chia những điều mắt thấy tai nghe, những chuyện hằng nghĩ hằng tâm niệm còn bình dị, tưởng như nhỏ nhoi vụn vặt mà thật cao cả. Nó gợi cho chúng ta cảm nghĩ rằng đó là cuộc tâm sự của những tâm hồn có dáng vẻ tầm vóc anh hùng.

Ngày ấy ở Trường Sơn, Phạm Tiến Duật viết liền một hơi Bài thơ về tiểu đội xe không kính, từ tên bài, đến cả bảy khổ thơ trong đó, như là một ghi chép chuyện vừa thấy trong một ngày, rằng:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng

... Không có kính, ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

Bài thơ anh, như đồng điệu với thơ Tố Hữu: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai! Nhưng bằng những chi tiết xác thực được đưa vào thơ một cách tự nhiên, mà hình tượng người chiến sĩ trẻ, từ vẻ bên ngoài phong trần, đến cái thế ngồi, cái nhìn thẳng, cái cách hút thuốc rồi cười... quả đã có sự thân gần với bạn trẻ và có sức hấp dẫn họ theo cái cách riêng. Cũng làm toát lên khí phách một thời của sức trẻ Việt Nam, một đằng là lối viết khái quát, có dáng dấp khẩu hiệu, một đằng là như kí sự một đoạn đường chiến trận, cả hai, đều có đóng góp.

Nhưng điều chúng tôi muốn lưu ý ở đây là: Thơ trẻ Việt Nam nói riêng và thơ Việt Nam nói chung, đến Phạm Tiến Duật, qua bài này và rất nhiều bài khác, với cách viết dường như do anh khai mở như thế, đã cho thấy một sự vượt lên thật đáng quý. Đó là sự vượt lên không chỉ ở hình tượng của nhân vật trữ tình đã được tái hiện, khắc họa như thế nào, mà cái gốc sâu xa hơn, là từ một quan niệm về chất thơ trong đời và vẻ đẹp mới của thơ trong nghệ thuật viết. Tiếp theo Phạm Tiến Duật và song hành cùng Phạm Tiến Duật vào những năm 1970, một loạt nhà thơ trẻ hồi đó đã hiến cho thi đàn Việt nhiều sáng tác hay, có ý nghĩa bứt phá, tạo ra thành tựu mới. Đến đây, dường như không có chuyện khoảng cách của những thành công đã quen thuộc do Tố Hữu hay Chế Lan Viên, Xuân Diệu hay Huy Cận, Chính Hữu và Trần Hữu Thung tạo ra so với thành công của thơ trẻ, mà có chuyện này: Bên cạnh thành công của các bậc đàn anh, đã có sự thành công của một lứa tác giả mới trẻ trung, với một quan niệm thẩm mỹ mới, một phong cách sáng tạo mới.

Thơ nào thì độc giả ấy: và độc giả là người tôn vinh thơ. Đấy là câu chuyện có tính chất đúc kết về quy luật của thành tựu thơ ở mọi chặng đường. Thơ trẻ Việt Nam cuối những năm chống Mỹ cứu nước được chào đón ở nhiều nơi, nhưng rầm rộ và tâm đắc hơn cả vẫn là ở các trường học. Trong các cuộc trò chuyện với một số nhà thơ đã thành danh từ các năm ấy như Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc…, chúng tôi đã có dịp nhận ra là: Cái chất học trò và cái chất lính chiến binh nhất binh nhì trong thơ các anh nhiều khi cùng lúc tự thể hiện ra, và hình như, đó là một trong những nguyên cớ trực tiếp hiển hiện khiến cho tác phẩm của các anh được thích thú đến mức chính các anh cũng không ngờ.

Còn nhớ, Phạm Tiến Duật đã viết:

Cái vết thương xoàng mà đưa viện

Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo

Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy, nhớ lưng đèo

(Nhớ, 1969)

Bài thơ viết thay Lời một chiến sĩ lái xe như anh nói, mà nhiều bạn đọc là sinh viên ở Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Vinh và cả Đại học Tổng hợp Văn đã bảo đấy là lời anh bạn của chính họ mới gửi lại sách vở cho bạn bè để ra trận mấy tháng nay.

Còn nhớ, Hoàng Nhuận Cầm từng viết cho bạn học cùng đi bộ đội (có lẽ là Vũ Đình Văn):

Dấu chân chúng mình chắc đã gặp nhau

Mùa thu trong thành phố với rừng sâu

Đất nước rộng, ta đi nghe súng nổ

Những chiến trường nào ai đến trước đến sau

Một thoáng tâm trạng, một chút ý nghĩ, tưởng là rất riêng tư, nhưng thơ viết tự nhiên ra như thế, đã chạm vào đặc trưng của một thời đánh giặc: Sung sướng bao nhiêu: tôi là đồng đội/ Của những người đi, vô tận, hôm nay (Chính Hữu), bài thơ đã được bạn trẻ học đường chép vào sổ tặng nhau bởi nó gợi ra và chung hòa với cái cảm hứng thật là thường trực của họ, là tìm nhau, nhận ra nhau... được là đồng đội đồng chí của nhau (Thời nào mà tuổi trẻ chả có nhu cầu, và có cách riêng để tìm nhau rồi nhận ra nhau?).

Trần Quang Long (1941-1968) sinh trưởng tại Huế, trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Anh là một sinh viên yêu nước nhiệt thành, một thầy giáo trẻ theo tiếng gọi sơn hà, theo mệnh lệnh đầy trách nhiệm của trái tim và bộ óc một trí thức chân chính mà hành động… Như nhiều thanh niên học sinh có lòng tự trọng, sống trong cảnh quê hương bị tàn phá, anh tâm sự:

Tủi nhục nuôi hồn tôi xót đắng

Nhìn đời sao chỉ thấy bơ vơ

Mơ làm một áng mây phiêu lãng

Trôi nổi, lênh đênh khắp bãi bờ...

Nhưng cái ước mơ bình dị nhỏ bé đáng mến thương ấy ở anh, ở nhiều bạn học sinh, sinh viên đô thị miền Nam dạo ấy đã qua nhanh. Sau hai lần bị giặc đánh đập truy bức trong nhà tù, nhà thơ chiến sĩ nơi anh đã nhận ra nhiều điều về lẽ sống, về con đường tranh đấu, anh viết tiếp:

Tôi muốn tặng những người ưa cổ vật

Một thanh gươm họ Lý ngang tàng

Một cây súng trường Cao Thắng hiên ngang

Đang vẹn toàn trong trái tim dân tộc

Tôi muốn tặng những người yêu văn học

Một bài Bình Ngô đại cáo mực còn tươi

(Lớn lên không ngừng)

Và cũng viết:

Nếu thơ con bất lực

Con xin nguyện trọn đời

Dùng chính quả tim mình làm trái phá

Sống chết một lần thôi

(Thưa Mẹ, trái tim)

Thơ Trần Quang Long là một hành trình tư tưởng, tình cảm. Thơ và đời, đời và thơ anh thống nhất hài hòa và nổi lên như một hiện tượng vừa có phần kiệt xuất, có ý nghĩa đại diện, lại vừa rất có bản sắc cá nhân như vậy. Tôi có gặp một số người cùng thời và có hoạt động với anh, để hỏi: Tại sao bọn cảnh sát ngụy hồi bắt giam anh lần thứ hai đã nói: Thơ Trần Quang Long là thơ "tuyên truyền cộng sản", nên phải triệt? Và chúng tôi gặp câu trả lời này: Trong mỗi người Việt Nam yêu nước thương nhà, trong một trí thức chính danh, không kể trẻ hay già, đều có một chất cộng sản đích thực và trong sáng. "Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình", thời đánh giặc, người Việt Nam ta đã đồng ca như vậy.

Kể và tả tâm trạng cá nhân, mà phác họa được tâm thế của thời đại, là một dòng thơ trong nền thơ ta. Trực tiếp trình bày những suy ngẫm về thân phận con người và vận mệnh đất nước, cũng là một hướng viết, tạo ra một dòng thành tựu thứ hai của lịch sử phát triển thơ ca Việt Nam… Trong muôn vàn cảm hứng và cách viết lúc thì song hành, lúc thì như hòa trộn vào nhau của các dòng thơ Việt lâu nay, nói đến thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước, nhất là thơ trẻ đi từ trường học và có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lứa thanh niên, còn có thể kể đến cả Nguyễn Khoa Điềm và Bằng Việt, dạo ấy, họ là những người có nhiều ý lạ có một số bài để lại ấn tượng được viết theo dòng thứ hai này.

Nhà thơ nào cũng đã và còn có thể viết về nhân dân và đất nước theo cái cách của riêng mình. Tìm hiểu ngọn nguồn sáng tạo trực tiếp của các văn thi gia, chúng tôi nhận thấy là: Thường khi, những tác giả nào có một nền học vấn cơ bản, hệ thống và ở mức đại học (do đã học qua trường hay tự đào tạo qua các nguồn khác), thì họ có thuận lợi mà bật ra được những ngôn từ, hình ảnh có sức khái quát về nhân dân và Tổ quốc ở các tình thế, trạng huống khác nhau. Ngày còn tráng niên, Nguyễn Đình Thi thật sâu sắc và tài hoa khi chỉ trong một bài thơ ngắn, đã có thể dựng lên được hình tượng Tổ quốc Việt Nam thật hàm súc và sinh động. Đó là một đất nước giàu truyền thống chống xâm lăng và áp bức, bất công. Đất nước ấy có tính cách quyết liệt và có tầm nhìn sâu xa, có những con dân từng Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa, đó là một đất nước từ trong máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa...

Từ chiến trường gửi ra cuối năm 1973 ngay khi chưa in thành sách, trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm đã được giới học sinh sinh viên, rồi sau đó, là công chúng chào đón, hoan nghênh. Tác giả là một tài năng đày triển vọng, người ta nói về Nguyễn Khoa Điềm như vậy. Trong trường ca này có chương Đất nước, góp vào dòng thơ viết về Tổ quốc Việt Nam những trang đặc sắc. Ở đây, như là một sự nối tiếp tự nhiên mạch thơ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về..., nhà thơ trẻ bấy giờ lại phát triển hình tượng Tổ quốc theo một hướng khác, là bắt đầu từ một tương quan thật cụ thể:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"

Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"

và khi nhà thơ viết tiếp:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất nước trong ta hài hòa nồng thắm.

thì sự cụ thể đã được gắn với trách nhiệm, cũng thật rõ ràng và lớn lao như không thể nào khác được.

Dám và biết lĩnh trách nhiệm, đó là một thái độ sống, hơn thế, khi cơn hiểm nghèo của vận mệnh quốc gia đang đến, hành động đó cũng hàm nghĩa sẵn sàng chấp nhận hi sinh. Tuổi trẻ Việt Nam và thơ trẻ Việt Nam đã từng bày tỏ như vậy. Những áng thơ trẻ viết từ chiến trường trong trẻo, tràn đầy cảm hứng lớn về nhân dân và đất nước như thế từng được hâm mộ và sẽ còn được tìm đọc là phải.

Đôi khi, để tiện cho một sự tập hợp ban đầu, người ta đã chia thành các nhóm theo chủ đề - đề tài, hay lứa tuổi - nghề nghiệp… Trong thực tế sáng tác, cũng có lúc nhà thơ viết bài này bài kia là "cho một người đọc" cụ thể. Xin nhắc lại, đó chỉ là bước khởi đầu. Còn cái kết cục của thơ, là hay hay chưa hay. Đạt đến hay, tức là nó đã vượt lên trên cái ban đầu ấy.

Chúng ta nói thơ học trò, học đường, thơ chiến trường chiến sĩ, cũng là một cách gọi có tính chất ước lệ mà thôi.

Vả chăng, nếu có một cái được gọi là chất học đường, gần đồng nghĩa với chất trẻ trong thơ, thì có lẽ, cần bàn thêm về sự trong trẻo hồn nhiên, sự tinh nghịch tinh tế, cái bồi hồi e ấp… trong thơ nữa mới phải. Nhưng đó là công việc của một tập biên khảo, tiểu luận công phu hơn.

Điều chúng tôi muốn nhắn lại ở đây là: Chất trẻ, chất học đường trong đó thơ thời chống Mỹ cứu nước, có một đặc điểm là người sáng tác và người thưởng thức thường nhạy cảm, rất có ý thức giãi bài, chia xẻ các cảm nhận, nghĩ suy đối với những vấn đề lớn lao của một cuộc đời, của vận mệnh quốc gia và khí phách của con người trong bối cảnh cuộc sống còn có nhiều gian truân.

Khi viết theo hướng đó, quả nhiên, thơ trẻ thời đánh giặc đã không chỉ ghi nhận được tâm sự riêng, dựng lại được một ít bối cảnh bình thường mà đặc sắc của bức tranh xã hội, nó còn khắc họa được dáng vóc anh hùng của con người Việt Nam và sự kì vĩ của Tổ quốc ta.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn