Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Trường ca "Tổ quốc - đường chân trời" của Nguyễn Trọng Văn

06-06-2011 11:13:03 AM

VanVN.Net - Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn gửi đến vanvn.net phần trích trường ca với lời tự bạch: “Tháng Tư năm 2007 tôi được vinh dự theo Đoàn công tác của Thủ đô Hà Nội ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Tôi coi đây như là cuộc trở về thăm lại đồng đội bởi vì tôi đã có 17 năm cầm súng, trong đó có 10 năm trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Những cảm xúc mới mẻ ùa về cùng bao náo nức thời tuổi trẻ. Trong đó tình cảm tha thiết với phần đất máu thịt xa xôi nơi phía đường chân trời lại cho tôi nhiều nghĩ suy.Tôi chọn kết cấu gồm 9 khúc (chương) như để thêm một lần khẳng định tình máu thịt của Trường Sa với đất Mẹ Việt Nam như là Chín khúc ruột mềm trong cơ thể con người. Và 108 trổ (đoạn) để chứng minh chân lý Tổ quốc Việt Nam ta bền vững đã có hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.” Nhân những ngày cả nước quan tâm đến chủ quyền biển đảo, chúng tôi trân trọng giới thiệu và cùng bạn đọc chia sẻ tâm tư…

12.

Nơi bắt đầu.

Hai chữ:

- Quê hương.

Những người lính nguyện thân làm “Cột mốc”.

Họ băng qua những ngày biển động.

Gạt sương mù đón ánh mai lên.

Tia nắng mặt trời.

Mọc ở trái tim.

Mọc ở nơi biết mình đang sống.

Mặt trời mọc trên từng ngọn sóng.

Mọc trên từng tấc đảo Trường Sa.

- Chính nơi đây Đất nước ông bà!

 

27.

Biển hôm ấy rì rào lời kể:

Hải Âu bay chao chít khoảng trời.

Những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi.

Đi đánh Đảo.

Lần đầu ra đánh Đảo.

Mệnh lệnh đã ban:

Táo bạo!

Mệnh lệnh ban.

Không phút chần chừ.

Tổ quốc đang chờ như người vợ mong thư.

Như Mẹ ngóng con xa.

Như đêm chờ trời sáng.

Như ngôi sao tìm về phía bạn.

Như ngọn gió lành thổi mát ngày giông

 

38.

Chúng tôi nhìn theo cánh chim bay.

Vô tư thế.

Chim vô tư là thế.

Biển thì rộng.

Mà cánh chim bé nhỏ.

Nên biết kết đàn cho thân tựa lấy thân.

Chim xa đàn chim còn biết bâng khuâng.

Chim lẻ bạn… chim bay đi tìm bạn.

Có miếng mồi ngon.

Chim dành.

Chim hẹn.

Ngọn sóng bạc đầu nâng cánh chim bay.

Có những hôm gió cuốn tầng mây.

Lỡ một cánh chim trời chiều rã cánh.

Nó sa xuống.

Ngỡ mình rơi rụng.

Ngỡ mình trôi trên sóng bạc đầu.

Nhưng bầy chim không quản biển sâu.

Không quản hiểm nguy soài bay cứu bạn.

Xoà đôi cánh chim làm bờ bến.

Thân che thân.

Qua biến cố nhọc nhằn.

Những cánh chim trên sóng hiền lành.

Không tự soi mình … bởi biển có khi nào nguôi sóng.

“Chim không muốn sống cuộc đời phẳng lặng.

“Chim tìm về với đảo sinh sôi.

Chim tìm về cất tiếng: Biển ơi.

 

42.

Chúng tôi đi những bước thảnh thơi.

Sóng vỗ đôi chân.

Cát mềm như lụa.

Nào cúi xuống, vốc tay lên xem thử.

San hô hoá kiếp mình cho Đảo thêm vui.

Đảo thêm đông.

Náo nức những nụ cười.

Đồng đội bên nhau.

Xếp thành đội ngũ.

Người lớp trước mở nền.

Khai phá.

Kẻ đi sau tạo dáng quê nhà.

Cứ thế ngày ngày Đảo một rộng ra.

Cây xanh lá.

Và lá, xanh mát Đảo.

 

62.

“Con nằm đây, giữa cát bỏng.

Trường Sa.

Bên bờ sóng vỗ.

Đã sắp Mười năm,

Sẽ lại Mười năm nữa,

… Mười năm nữa…

- Tuổi Hai mươi sáu con như cánh buồm neo bến đậu,

Chờ buổi tốt trời, dóng hướng ra khơi.

Mẹ ơi,

Mỗi sớm mai lên Mẹ trông về phía Mặt trời,

Coi như Mẹ,

Vâng, đã thấy con của Mẹ,

Nước Đại dương vốn nồng nàn sẽ thay thế vòng tay của Mẹ,

Ủ ấp con qua tháng năm dài”.

 

72.

Chúng tôi ngồi dưới tán rặng Phong Ba,

Rì rào chuyện,

Biển có bao câu chuyện tình của biển-

Giữa thời buổi hiện thời … toàn chỉ nói “Số đo”,

Thời của “Chân dài”,

Của “Phím Enter”,

Của “Vào cầu, đánh quả”

Thời của “Đồng tiền lót cửa”

Của khéo lo toan “ Chạy chức, chạy quyền”,

Và nói chung, thời của “Bon chen”,

“Ai khôn hơn thì sống”?

Thời của những “Cuộc tình chóng vánh”,

Tình yêu “đã bấm đồng hồ“,

Nhưng tình yêu của lính đến giờ,

Rất lãng mạn mà không hề xa xỉ,

Bởi Biển kia đang rì rào những câu chuyện kể,

Chúng tôi ngồi đưới tán Phong Ba.

 

“Có một người con gái mê thơ.

Yêu tiếng sóng,

Nên say, người lính Đảo.

Mỗi khi “Động trời” nghe Đài báo bão,

Se sẽ lòng,

Mắt hướng … nơi xa”.

 

81.

 

“Quấn chặt lá cờ

Vào sát ngực mình

Bên phía trái tim.

(Vật duy nhất còn lại trên Nhà Giàn - 2A/DK1/6).

Đại uý Vũ Quang Chương

Gồng mình,

Hít hơi thở cuối,

Anh mỉm cười thấy đồng đội đã xuống tàu cứu hộ an toàn.

Anh mỉm cười …

Một con sóng chồm lên,

- Cờ Tổ quốc còn nguyên bên ngực.

Chỗ anh đứng

Sóng liên hồi kỳ trận,

Sóng liên hồi

Từng đợt lại chồm lên,

Anh mỉm cười,

- Đâu cũng quê hương.

Biển thẳm sâu, ru Anh vào giấc ngủ.

Anh không chết (!)

Đấy

Lúc

Anh được nghỉ.

Được nghỉ sau “Phiên trực trong ngày”.

 

94.

- Đất nước!

Chúng tôi yêu Tổ quốc này.

Bởi Đất nước.

Có Chúng tôi.

“Đất nước của những người con gái con trai

Xa nhau không hề rơi nước mắt”.

Nhưng.

Hôm nay.

Hôm nay, ôm lấy nhau mà khóc!

Mấy phút nữa,

Tàu hú còi chào Quân cảng.

Đảo ở lại,

Biển ngoài kia,

Còn em rời bến.

Nhớ trong lòng lưu luyến,

- Trường Sa!.

Đêm,

Chầm chậm trôi,

Trong tiếng sóng ầm ì.

Trăng đầu tháng nõn nà như mắt biếc.

Đảo ở lại,

Chúng tôi rời bến.

Tổ quốc mình ở phía Trường Sa.

 

101.

“Thời cơ đến trước giờ nó đến”.

Câu thơ này,

Tôi nhặt được như một giấc mơ.

Đến Trường Sa

Mới chợt nhận ra:

Thời cơ.

Hiển hiện trong mắt nhìn lính trẻ.

Hiển hiện trong từng con sóng vỗ.

Lớp lên,

Lớp xuống xô bờ.

Những ngọn đèn lấp lánh về khuya.

Những vì sao,

Càng tối trời càng tỏ.

Có ra biển mới biết mình bé nhỏ.

Mới biết mình.

Chất chứa những khát khao.

Biển triệu triệu năm

Biển không hết dạt dào.

Biển không hết cồn cào ước vọng.

Biển cho ta, thoát cơn nghèo túng.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Nhà văn đọc sách  

“Chiều muộn”- Sự gửi gắm, sẻ chia và tri kỷ...

VanVN. Net -  Trong tác phẩm “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội nhà văn-2010), phần suy nghĩ về nghề văn, nhà văn Chu Thị Thơm đã viết:  “Văn chương là sự gửi gắm, chia sẻ hữu hiệu nhất. Ở ...