Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tham luận tại Tọa đàm văn học tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm”

Lê Huy Quang - Phạm Viết Đào - Đỗ Ngọc Yên - 25-11-2011 03:18:57 PM

 Nhìn “Thần thánh và bươm bướm” - Từ  góc độ nghệ thuật…

Lê Huy Quang


Cách đây không lâu, khi tôi và hai nhà văn Nguyễn Đình Chính, Nhật Tuấn đang ngồi nhâm nhi ly cà phê ven bờ hồ Trúc Bạch - Hà Nội, thì Đỗ Minh Tuấn gọi di động, và một lúc sau, anh mang đến tặng mỗi người một cuốn tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm. Nhà văn Nhật Tuấn cho biết - Tuấn xi-nê đã gửi tiểu thuyết đầu tay này đến Nhà xuất bản Văn học từ năm 1974, do chính anh được giao biên tập; viết về sinh viên thời chống Mỹ, rất thông minh, hấp dẫn, nhưng gai góc quá, lúc ấy không in được. Vậy mà đến nay, mặc dù “Nhà sách Kiến thức” đã cho đánh máy bản thảo từ mấy năm trước, đề nghị Đỗ Minh Tuấn sửa mo-rát cho in; nhưng anh vẫn không chịu, mà lại cặm cụi hoàn thành Thần Thánh và bươm bướm; vì anh thấy cuốn tiểu thuyết đầu tay thời sinh viên, chưa hội tụ đủ những điều mà anh có hôm nay...

Vậy thì, những điều Đỗ Minh Tuấn “đã có” cho cuốn tiểu thuyết hôm nay là gì? Đó chính là sự tổng hợp cách nhìn, cách nghĩ, cách thể hiện của một nhà thơ, một họa sỹ, một người viết hài kịch và một đạo diễn điện ảnh. Do đó, chúng tôi muốn nhìn tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm của anh, từ bốn góc độ nghệ thuật: Một bài thơ, một bức tranh, một vở hài kịch và một bộ phim.

1. Một bài thơ về thân phận nông dân.

Đỗ Minh Tuấn là một nhà thơ đã thành danh, từ đầu những năm 80 (TK XX), với những bài thơ day dứt, trí tuệ, nhiều tìm tòi; được giải thơ hay của báo Văn Nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội. Đến năm 1990, anh được Giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ, với bài thơ gan ruột xúc động tài hoa Mẹ tôi người hay lo. Năm 1992, anh cho ra liền 4 tập thơ Những cánh hoa tiên tri, Tỉnh Giấc, Con chim giấy, Thơ tình. Vậy thì, những tập thơ này có dính líu gì đến Thần thánh và bươm bướm không? Vì những hình tượng quan trọng nhất trong bốn tập thơ, với gần 600 trang, đều có mặt trong Thần thánh và bươm bướm. Đó là hình ảnh người phụ nữ, người mẹ lam lũ, tần tảo, nhẫn nhục vị tha, hết lòng vì chồng con; người lính lạc quan, mạnh mẽ và mơ mộng; người dân lao động ở cả nông thôn và thành thị đã đau khổ trong chiến tranh vì trong nhà nhân dân luôn vắng một đứa con/ bầu trời của nhân dân luôn thiếu một màu mây /trên áo của nhân dân luôn thiếu một vết nhàu vì vòng tay ôm ấp”… đến hòa bình, họ lại phải tất bật lo toan trong đời thường, luôn luôn mang khát vọng đổi đời dù chỉ là một sự đổi đời khiêm nhường đến tội nghiệp; rồi hình ảnh những người đổ máu ra đúc tượng mình để ngắm, những chiếc áo lính bị lãng quên trong chính các Bảo tàng… Những nhân vật  này đã bị biến dạng trong môi trường văn xuôi nhưng lại được nhà đạo diễn biến thành những tài tử xi-nê trong nhiều pha kịch tính, nhà viết kịch biến họ thành những nhân vật hoạt kê, còn nhà họa sỹ thì đặt hội họa vào một không gian ảo.

2. Một bộ phim về những tính cách Việt.

Đỗ Minh Tuấn là một đạo diễn với phong cách độc đáo, phim của anh đã dự mấy chục liên hoan phim quốc tế, đoạt 15 Giải thưởng Điện ảnh trong và ngoài nước, trong đó có 5 phim được hơn chục nước mua bản quyền phổ biến đưới nhiều hình thức. Đặc biệt, Vua bãi rác là phim đầu tiên trong nước sản xuất đủ tiêu chuẩn tham dự Oscar. Các phim này đều thể hiện hình ảnh con  người VN  nghèo khổ, lam lũ, nhưng nhân hậu, vị tha, giàu lòng tự trọng và không nguôi khát vọng đổi đời trong những tình huống khắc nghiệt nhất. Thần thánh và bươm bướm cũng có những nhân vật như vậy, nhưng đầy chất điện ảnh. Cốt chuyện vừa mang tính hình sự ly kỳ, vừa mang tính thần thoại giả tưởng, với những phân tích tâm lý xã hội sâu sắc, về tính cách, tâm lý và thân phận của người nông dân. Những cảnh Thao làm tình với vợ, trên đê trong đêm mưa; Thánh Chấn chữa bệnh bằng tình dục; ông bố Thao thưởng thức trộm thân thể nõn nà của các mợ, các cô qua khe cửa; rồi những cảnh nông dân đuổi bắt bươm bướm trên đồng; hay những xung đột tranh chấp quanh gốc bưởi; cho đến những đám tang của dân làng Đông Phúc chôn lão ăn mày, với chiếc xe công nông chất đầy hoa đồng nội… đã ghi đậm chất điện ảnh nghệ thuật hết sức dữ dội, nhưng cũng đầy chất quê trữ tình và đằm thắm.

3. Một vở hài kịch về nông thôn thời đổi mới.

Đỗ Minh Tuấn cũng thành công trong lĩnh vực hài kịch. Anh đã có ba vở hài kịch và hai chùm hài  kịch ăn khách do Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch VN dàn dựng. Các chùm hài kịch Đời cười 3, Internet về làng đã cháy vé, mỗi ngày diễn 2, 3 suất, đến nỗi Đài NHK của Nhật phải làm một phóng sự ngắn về hiện tượng ăn khách của Internet về làng. Các vở Lễ nhận huân chương, Loa phường thời chúng khoán cũng khá  gai góc và ăn khách. Hài kịch của Tuấn cười ra nước mắt, giễu cợt những căn bệnh của xã hội thời hội nhập bằng cái hài tình huống và cái hài tính cách, rất sâu sắc và hấp dẫn. Thần thánh và bươm bướm cũng  là một tiểu thuyết hoạt kê, cười giễu những căn bệnh sĩ diện, hám lợi và hoang tưởng đến tội nghiệp của con người Việt Nam hôm nay. Chỉ khác là cái cười trong tiểu thuyết thâm thúy nhẹ nhàng hơn, thâm sâu hơn, không rộ lên như tiếng cười trên sân khấu. Vì anh đã biết khai thác những tình huống hài tinh tế, tỏ ra là một người am hiểu tâm lý nông dân. Nhưng cái cười này không ác độc - mà là cái cười sẻ chia, thông cảm và phê phán nhẹ nhàng, tiếng cười có pha lẫn nỗi đau của người trong cuộc.

4. Một bức tranh lộng lẫy, huyền ảo về nông thôn.

Đỗ Minh Tuấn là một họa sỹ tự học, nhưng khá thành công, bởi chính từ lòng đam mê hội họa của một nhà thơ, một đạo diễn điện ảnh. Từ khi cầm bút vẽ năm 1993 đến nay, anh đã có 3 triển lãm chung ở Hà Nội, Hải Phòng và 3 triển lãm cá nhân ở Hà Nội, Paris, Singapore. Tranh của anh thuộc trường phái cắt dán hiện đại, phối hợp giữa hình họa và trừu tượng; đặt nhân vật thực trong không gian ảo; bảng màu thường rực rỡ, với hòa sắc tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ. Trong Thần thánh và bươm bướm, anh cũng đăt nhân vật thực trong nhiều không gian ảo. Những cây gạo ma quái, những cây bưởi, cây chuối linh thiêng, những đàn bướm trên đồng quê rực rỡ. Nhìn sâu hơn, có thể thấy Thần thánh và bướm bướm là một tác phẩm sắp đặt trình diễn mang tính giễu nhại hiện đại, sắp đặt nhiều số phận khá đặc biệt vào các tình huống giả tưởng trớ trêu, để làm bật lên thần thái mộng du và ấn tượng bi hài kịch của một thời. 

Là một người cũng làm thơ, vẽ tranh, làm sân khấu, một nhà báo theo dõi về nghệ thuật... tôi rất thích thú khi đọc Thần thánh và bươm bướm; để đồng cảm, sẻ chia từ bốn góc độ nghề nghiệp mà cả hai chúng tôi cùng đam mê. Chắc chắn, anh sẽ phát huy được mặt mạnh của một người đa tài, đa tình, đa phương tiện trong các tác phẩm sau này của mình; nhưng trước hết và là điều quan trọng nhất, như tâm niệm của Đỗ Minh Tuấn - Lao động, sáng tạo là niềm vui và là niềm hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sỹ!

 

Chất “liêu trai quái dị” trong tiểu thuyết

“Thần thánh và bươm bướm" của Đỗ Minh Tuấn

Phạm Viết Đào

Thần thánh và bươm bướm (TTVBB) là tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Minh Tuấn, một thể nghiệm, một hướng tìm lối thoát cho cái “bồn chứa” đang bị giam cầm những cảm thức thời cuộc của một lớp người, một thế hệ có trong mình chút ít máu mê của kẻ sĩ...

Biết Đỗ Minh Tuấn hơn 30 năm, chăm chú theo dõi những hoạt động sáng tạo nghệ thuật của anh từ thơ, kịch, họa, điện ảnh, viêt phê bình-tiểu luận văn học... và bây giờ Tuấn chuyển sang mần món tiểu thuyết.

Tôi tò mò đọc Thánh thần và bươm bướm khi còn ở dạng bản thảo, tôi đã góp cho Tuấn một vài ý trong việc nâng chỗ này, kê kích chỗ kia để nâng tầm và độ vững chắc trong kết cầu nội tại của ngôi nhà ngôn ngữ này và để cho chuyện trong tiểu thuyết nó nhắng và quái dị hơn. Đỗ Minh Tuấn đã truyền tải hệ thống hình tượng trong cuốn tiểu thuyết của mình bằng lối viết trào lộng theo kiểu “liêu trai...quái dị”...

Câu chuyện xảy ra trong tiểu thuyết của Đỗ Minh Tuấn là một cái làng ở vùng quê Bắc Bộ, một cái làng nửa tỉnh nửa quê; một cái làng mà cơn lốc thị trường ập vào làng đã làm méo mó, biến dạng cách nghĩ, cách sống đến nói năng đi lại cư xử của cư dân của cái làng này với nhau...

Một cây gạo tự nhiên thiêng theo truyền thuyết hay do đồn thổi bỗng dưng trở thành món hàng béo bở cho những kẻ “buôn thần, bán thánh“; một cậu trai làng mới lớn dở dở ương ương bỗng một hôm tự dưng được phong thánh, được tôn thờ cúng bái như thánh như thần và tất nhiên còn được hưởng lộc còn hơn cả Thánh...

Một tình huống khá ngộ của TTVBB đó là: không chỉ bản thân cậu ta được phong thánh, hưởng lộc hơn cả thánh mà bố mẹ cậu vốn xuất thân là phần tử “chân đất, mắt toét” nghiễm nhiên được tôn thờ, đắp đền dựng tượng trong lòng nhiều người y như là “bố thánh”, “mẹ thánh“...

Chưa hết cô gái làng tên Minh, chị gái của Thánh, con bố Thánh, do có nhan sắc và có cặp đùi khỏe, dài ra thành phố làm cave trúng mánh vì đắt hàng, do moi được tiền của những ông tây, ông Nhật háu gái đem một ít về công đức đền chùa làng nên trở nên vênh vang như một thứ Việt kiều yêu nước thứ thiệt, một kẻ cứu nhân độ thế làm cho cả họ phải trầm trồ...

Rồi nữa, cả cái làng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời quanh năm mà không đủ ăn bỗng dưng có kẻ nào đó mách nước rằng: bọ hung và bươm bướm làng có giá lắm đầy, thế là một dự án thu gom kinh doanh bươm bướm, bọ hung hình thành làm cho cuộc sống của làng sôi động, năng động và khởi sắc hẳn lên...Từ chỗ chỉ biết cân đong đo đếm bằng đầu ngón tay đã chuyển sang bàn đến hợp đồng ký kết với các khách hàng ngoại...

Bên trên cái nền nhố nhăng, quỷ quái đó là một câu chuyện được dẫn dắt từ đầu đến cuối: cái làng Đông Phúc này đang trong tầm ngăm của một dự án đầu tư sân gôl; lúc đầu dân làng nhẹ dạ cả tin tưởng người ta chỉ thu gom mấy sào ruộng nên gật đầu tắp lự vì họ chán cái nghề trồng lúa khổ ải lắm rồi. Thế nhưng khi vỡ lẽ ra thì cái dự án này nếu được triển khai, cả làng phải di dời, bao nhiều chỗ thiêng như đền, miếu, cây gạo, cây bưởi sẽ bị bứng đi sạch để giánh đất cho sân gôl; thế là dân làng tá hỏa...

Có người cho rằng TTVBB có chất hiện thực huyền ảo kiểu Market. Điều đó cũng đúng. Nhưng có lẽ chất huyền ảo trong TTVBB gần với chất “liêu trai chí dị“ trong truyện của Bồ Tùng Linh hơn, vì nó không chỉ phủ lên đồng quê Việt Nam một sắc thái huyền ảo kiểu thần thoại linh thiêng, mà còn thấm vào trong thiên nhiên và con người và phát tiết ra những sắc thái kỵ dị và ma quái, như là sản phẩm của của các quan hệ giữa những con người thời đại nhà văn sống trước một thiên nhiên ẩn mờ những điều u tối, bất trắc. Ta hãy khảo sát cái chất Liêu trai quái dị này trong các hình tượng gọi là “hiện thực huyền ảo” trong “Thần thánh và bươm bướm”.

Có thể nói hai hình tượng trung tâm thấm đẫm văn hóa tâm linh Việt trong tiểu thuyết của Đỗ Minh Tuấn là cây gạo và cây bưởi. Cả hai cây đều như có phép lạ, nở hoa bốn mùa, hoa có phép thiêng xâm nhập vào đời sống như cac lực lượng siêu nhiên ma quỷ, thần linh. “Cây gạo có ma, cây đa có thần”. Ở đây, tác giả không tả cây đa, nhưng cây bưởi dường như mang sứ mệnh thần linh cứu đời thay cây đa. Hai cây này tạo nên một không gian tâm linh, một vòng xoáy tình thần cuốn mọi sự việc của làng Bái hạ quay quanh nó.

Cây gạo và cây bưởi thay nhau nối nhịp cho mọi diễn biễn trung tâm các câu chuyện trong “Thần thánh và Bươm bướm”. Có thể nói, đó là nền tảng tâm thức cộng đồng với đôi bờ thiện ác được hiện ra như nền móng tinh thần của câu chuyện, như một bè trầm của một dàn giao hưởng, trên đó, các tầng quan hệ rối ren, hỗn độn và bất trắc trong thời đại mới cất lên những giai điệu đan xen giữa bản năng, tham vọng, khát vọng, ảo vọng và giằng xé của người nông dân Việt trong thời buổi kinh tế thị trường. Và, cây gạo, cây bưởi, cái nền tảng tâm linh tưởng là bắt rễ sâu trong tâm thức Việt, cư trú vĩnh viễn trong văn hóa Việt, rốt cục cũng bị kinh tế thị trường biến thành những hàng hóa tâm linh quái dị, bị nổ tung, bị bứng đi mang đến một phương trời khác. Đây là ẩn dụ về sự diệt tộc về tâm linh, nguy hiểm hơn cả sự diệt tộc về văn hóa.

Trong một bài tiểu luận trong cuốn “Ngày văn học lên ngôi”, Đỗ Minh Tuấn đã cảnh báo về sự diệt tộc về văn hóa, rằng dân tộc Do Thái có lúc mất đất đai, phải sống lang thang nhưng còn giữ được văn hóa, nên dân tộc ấy vẫn còn. Nay mất đi văn hóa, bị diệt tộc về văn hóa, thì dù đất đai lãnh thổ vẫn còn, thậm chí được mở mang thì dân tộc vẫn tiêu vong, chỉ còn là cái bóng của một dân tộc khác. Mất văn hóa còn nguy hiểm vậy, mất tâm linh còn nguy hiểm đến đâu? Mất tâm linh là mất khả năng phục sinh văn hóa. Đó là sự tận diệt của một cộng đồng.

Như vậy, có thể nói, chất “ Liêu trai quái dị” trong tiểu thuyết TTVBB của Đỗ Minh Tuấn là chất phát tiết từ các quan hệ cung cầu của thị trường thời mở cửa hội nhập, tạo nên một không gian nghệ thuật mang tính ẩn dụ nền tảng, để cảnh báo về nguy cơ tận diệt của tâm linh văn hóa dân tộc trong một thứ tư bản trường rừng rú, hỗn loạn, vô đạo, vô luật và vô văn hóa.

Ta hãy đi sâu phân tích cây gạo, cây bưởi và những đàn bươm bướm trong tác phẩm TTVBB để thấy rõ quá trình kinh tế thị trường, đồng tiền và lòng tham vật chất đã từng bước tận diệt tâm linh văn hóa Việt diễn ra như thế nào trong tiểu thuyết của Đỗ Minh Tuấn.

“Cây gạo có ma”

Trong hai thứ cây mang truyền thống tâm linh của làng quê Việt là cây gạo và cây đa, thì cây gạo đã được dân gian xác định là biểu tượng của nguyên lý Ác và cây Đa được xác định là biểu tượng của nguyên lý Thiện qua câu thành ngữ “ cây gạo có ma , cây đa có thần”.

Cây gạo là nhân vật đầu tiên xuất hiện với những hành tung ma quái và thi vị theo kiểu khác thường, nhuộm đỏ cả một làng Bái hạ bằng những bông hoa gạo trái mùa cứ nở rộ quanh năm. “Cây gạo có ma” như tục ngữ nói thì đúng rồi, vì tất cả tất cả những gì liên quan đến cây gạo này đều như xa gần gắn với cái ác, cái ma quái theo những kiểu khác nhau. Tác giả đã cụ thể hóa cái nguyên lý ác bộc lộ trong thời hiện đại bằng mấy chương sách. Trước đây, cây gạo này đã từng là nơi cắm cờ cách mạng và có nhiều kỷ niệm thi vị của tình nghĩa gia đình, làng xóm, nhưng nó cũng là nơi xử tử những du kích và những người bị quy oan trong cải cách ruộng đất. Nay không biết vì hóa chất dưới gốc cây hay vì quy luật đắp đổi nào mà những bông hoa quái dị bống nhiên sống quá tuổi thọ cho phép của mùa hoa, cứ gan lì lặng lẽ bốn mùa đỏ rực, rồi rụng xuống, nhuộm đỏ một vùng quê, xác định sân khấu bi hài kịch của làng Bái Hạ.

Màu đỏ trái mùa ấy lây lan ra ruộng vườn, hồ ao, tạo nên những tấn bi hài kịch mới. Gia đình ông Cảnh và thằng Giác xuất hiện trong màn đầu tiên được lộc từ hũ vàng bắt được đã trở thành kẻ sát nhân như là hậu quả của việc hưởng lộc không chính đáng. Ông lão ăn mày ghé qua làng được ông Cảnh đưa về chăm sóc rốt cụ cũng chết một cách lãng xẹt do một con thạch sung từ ống sáo chui vào họng khi ông nổi hứng trong sự cảm động và hạnh phúc rút sáo ra thổi để hồi ức lại kỷ niệm thuở văn công quân đội ngày xưa. Và ông Bổng đáng thương, người hàng xóm nhân từ đã từng yêu thương thằng Giác thuở chăn trâu, người chỉ biết lầm lụi ngày ngày bưng rổ bèo đỏ quạch nuôi đàn lợn, bỗng nhiên bị thằng Giác giết chỉ vì nó nghi ngờ ông biết việc nó trộm vàng.

Bi kịch nhà ông Cảnh diễn ra sau khi đào được hũ vàng ở vườn nhà mình với hai cái chết phi lý tức tưởi như ma làm của hai người tử tế được tả lại một cách sinh động và ấn tượng trong mấy chương đầu là cách Đỗ Minh Tuấn định nghĩa không gian văn hóa tâm linh của làng Bái Hạ thời buổi mới bước vào kinh tế thị trường và bị truyền thông ám thị, để tạo nên một nền móng tinh thần, một không gian nghệ thuật ấn định để thả nhân vật chính là Thao vào đó, cho anh ta bắt đầu cuộc hành trình ma ám, cây ám, súng ám, hoa ám và bướm ám. Đó là những định mệnh tâm linh xô đẩy qua những việc không đâu để rồi đưa anh đến án tù 7 năm vì tội ngộ sát khi anh cố thoát khỏi những thế lực hắc ám “liêu trai quái dị” có nguồn gốc từ kinh tế tư bản rừng rú, hoang dã. Thao cũng là nạn nhân của mối tình đầu điên dại với đồng tiền, với vật chất của những người nông dân bao đời nay nghèo khó nhưng trọng nghĩa khinh tài.

Cây bưởi có thần bị tiêu diệt

Cây bưởi là thứ cây thị vị, gần dân, mang bao ký ức về tình yêu và sức đẹp trong lành của người phụ nữ Việt Nam, với hương hoa bưởi trong làng quê, lá bưởi xông tẩy sạch độc tố trong lúc ốm đau. Trong TTVBB, Đỗ Minh Tuấn đã gắn cho cây bưởi những ký ức lịch sử của dân tộc, những bí tích tôn giáo hứa hẹn một mùa hoan lạc khi Đức Di Lạc sẽ đi qua ngồi dưới gốc cây theo lịch trình của nhà Phật vào một ngày tương lai. Sau đó lại đẩy cây bưởi lên tầm cây tâm linh mang Phúc Lành như biểu tượng TÂM ĐỨC của làng Đông Phúc, để cho những bông hoa bưởi trắng muốt thơm phức bốn mùa trở thành hy vọng duy nhất cho vợ chồng anh cựu chiến binh Lôi trong cảnh ngộ đứa bé quái thai con họ là nạn nhân chất độc da cam chỉ có thể sống nhờ ngửi hương hoa bưởi trên cây đó. Cây thiêng bị đe dọa đốn bỏ để người Đài Loan xây sân Golf. Dân Đông Phúc quyết giữ đất thiêng cây thiêng, giữ bàn thờ đền thờ tổ tiên.

Chính trong lúc ấy vợ chồng Lôi bế con đến gốc cây bưởi kêu gọi lòng thương. Thao cũng mang súng lục gỉ đến để bảo vệ cây bưởi, quyết không cho ai động đến khi làng Đông Phúc không muốn đổi đất lành và cây thiêng lấy một đô thị vô hồn và một tương lại giải trí của các Đại gia. Nhưng có một làm sóng tinh thần khác, ma quái, quyết liệt từ những ham hố vật chất, những toan tính thị trường từ làng Tây Lợi và một số người mệt mỏi với truyền thống tâm linh dần dần biến thành cơn bão quật đổ cây bưởi, làm đưa bé đáng thương bị chết vì mất môi trường văn hóa tâm linh truyền thống.

Ở đây, cuộc đấu tranh giữ cây bưởi có thần được Đỗ Minh Tuấn mô tả như là một cuộc đụng đầu giữa hai nguyên lý tinh thần, một Thiện một Ác và cuối cùng cái Ác đã chiến thắng. Làng Bái Hạ trở thành một sân Golf mất sạch ký ức văn hóa tâm linh ngàn đời. Hy vọng đổi đời của anh chàng Quỳ, một đứa con có hiếu muốn đưa xác mẹ về đất lành, chôn mẹ dưới gốc bưởi để cùng Thao quyết tử cũng bị sụp đổ vì những kẻ buôn bán hài cốt người xưa đã bán nhầm hài cốt mẹ anh. Án mạng xảy ra, Quỳ và Thao bị đi tù. Con ma thị trường ám vào những kẻ trục lợi đã gây ra những bi kịch cho Thao và đồng đội trong hành trình cứu chữa nạn nhân của chất độc màu da cam, bảo vệ nguyên lý Thiện.

Đàn bướm mộng mơ trở thành hàng hóa

Ngay từ khi Thao đang toàn tâm toàn ý bảo vệ cây thiêng thì thông tin về việc danh nhân Đài Loan mua một con bọ hung mấy ngàn đô và một con bướm mấy trăm đô la do người Tây Lợi đưa ra đã thổi vào Thao một luồng khí độc thị trường cờ bạc, thị trường săn bắt tài nguyên có sẵn của Trời cho để cả làng đổi đời trong khoảnh khắc. Khi Thao vung khẩu súng gỉ trước mặt anh con rể tương lai người Mỹ nói huyên thuyên nhằm cứu vớt một hình ảnh lố bịch trong quá khứ, nhưng anh con rể kia không hiểu, Thao thẫn thờ ngồi xuống bãi giong riềng.

Ngòi bút Đỗ Minh Tuấn thật tài tình khi mô tả cái khoảnh khác Thao bất lực ấy. Tác giả đã xuất thần cho Thao nhìn thấy một đám bọ hung, và sau đó là một đàn bươm bướm từ cây bưởi bay lên, kéo anh khỏi nỗi buồn danh dự và đạo lý bị tổn thương, nhen nhóm lại trong anh một khát vọng thị trường. Từ khoảnh khắc ấy, cây bưởi không còn thiêng nữa, nó đã trở thành cái ổ buớm, cái shop đựng hàng hóa của Thao. Cây thần trở thành cây ma. Thao hăm hở say sưa với kế hoạch hợp tác với chàng rể Mỹ để bán bọ hung bươm bướm cho thế giới. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng Tổng, Thao chưa chi đã vênh vang hãnh diện với vị thế đại gia khi anh tổ chức cho cả làng bán được hàng trăm hàng ngàn con bọ hung và bươm bướm. Đến khi cây thiêng bị đốn ngã, Thao phải vào tù, thì con bướm đồng quê trong con mắt vợ Thao cũng trở thành một thứ hàng hóa mà người nông dân mơ ước đóng gói bán cho Tây! Còn làng Bái Hạ của Thao thì trở thành nơi khai thác mỏ kim loại của nước ngoài, cánh đồng quê đầy hoa sen thơ mộng ngày xưa đã trở thành hồ bùn mênh mông do mỏ kim loại thải ra, đám cưới chèo thuyền trên sông in bóng cô dâu chú rể xuống bùn đen! Cái nghèo, cái nhục cộng sinh với sức mạnh của đồng tiền thời hội nhập đã sinh ra những thứ “Liêu Trai quái dị” từng bước ám vào thiên nhiên, tâm hồn của con người Việt Nam, khiến họ vì tham tiền, vì khiếp nhược hay vì thương mình, thương làng xóm quê hương muốn đổi đời mà trở thành con buôn ma quái, có nguy có biến tất cả thiên nhiên, thần thánh, bướm đẹp hoa thơm thành hàng, tiền...

Lời cảnh báo của Đỗ Minh Tuấn thật sâu sắc và quyết liệt. Những điều bịa đặt về thế giới tâm linh và sự lụi tàn, sự ác hóa của nó đã lôi cuốn và làm cho người đọc tin cậy, lo lắng. Vì Đỗ Minh Tuấn đã để cho thế giới của đời thực diễn ra sinh động, chân thực và ấn tượng trong không gian huyền thoại. Ngay cả những người nông dân hăm hở say sưa đi săn bướm bắt bọ hung nộp cho chính quyền để bán cho thương gia Đài Loan cũng được mô tả một cách hồn nhiên, sinh động và hài hước, cười ra nước mắt. Giống như người xếp ghế trong rạp xiếc, Đỗ Minh Tuấn cũng biết cách nối liền thế giới đời thường chân thực, hồn nhiên của những người nông dân bao đời nghèo khó với thế giới nghệ thuật hoàn toàn bịa đặt của những cây thiêng, bướm ma, để từng bước một đưa nhân vật lên tầm cao của hoang tưởng, tha hóa và thất bại. Trước không gian tâm linh, không gian huyền ảo, nhân vật cũng bộc lộ tâm lý y như trong thế giới thực. Đó là cái mánh cao tay của Đỗ Minh Tuấn để tạo cho chất “Liêu Trai quái dị” có gốc rễ thị trường rừng rú thấm dần, ám dần vào con người, hoa lá, mơ ước, tình yêu.

Chúc mừng Đỗ Minh Tuấn về thành công đầu của anh. Hy vọng với bút lực tổng hòa của một nhà thơ, một họa sỹ, một đạo diễn điện ảnh, một người nghiên cứu và thực nghiệm tâm linh có tiếng một thời, anh sẽ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm thành công hơn nữa./.

 

“Thần thánh và bươm bướm”  - Một thể nghiệm đầy trăn trở

Đỗ Ngọc Yên

Đã từng cầm bút viết phê bình văn học hàng chục năm, cho mãi đến gần đây  tôi mới nghiệm ra một điều, viết về những người khá nổi tiếng như Đỗ Minh Tuấn là việc làm khó, thậm chí rất khó. Bởi lẽ anh không thiếu gì những người khen, những tiếng vỗ tay, hay những lời chê trách chân thành mà bỏng cháy. Ai cũng biết Đỗ Minh Tuấn đã từng tả xung hữu đột trên nhiều lĩnh vực văn chương - nghệ thuật khác nhau. Chỉ cần đọc hết danh sách các giải mà anh đã đoạt trong cuộc đời hoạt động văn chương - nghệ thuật, người yếu bóng vía cũng có thể bị choáng. Từ Giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc về Thủ đô năm 1976; Giải thơ hay tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1977, báo Văn Nghệ, năm 1978; Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1988-1989; Giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cánh diều Vàng 2004; 12 Giải thưởng trong nước và quốc tế; Triển lãm tranh tại Pháp, năm 1994 và tại Singapore, năm 2008. Ngoài ra anh còn có 4 tập thơ, 2 cuốn nghiên cứu - phê bình - lý luận, 6 phim truyện nhựa, 12 phim truyền hình, 4 vở kịch và một cuốn vựng tập Tranh Đỗ Minh Tuấn, NXB Mỹ Thuật xuất bản năm 1994,... Chỉ với từng ấy tác phẩm mà Đỗ Minh Tuấn đã hoàn thành, công bố trên các lĩnh vực văn chương - nghệ thuật cũng đã cho thấy một năng lực lao động nghệ thuật ghê gớm, mà trên văn đàn, sàn diễn hay màn hình đương đại, không có nhiều người làm được như vậy.

Với cuốn tiểu thuyết “Thần thánh và bướm bướm”, Đỗ Minh Tuấn đã cho trình làng, một bức phác họa về nông dân - nông thôn hiện nay ở chiều sâu tâm thức văn hóa đang được dịch chuyển từ quá khứ sang hiện tại. Qua đấy người đọc có thể thấy được số phận lịch sử không phải của cái làng Bái Thượng, Bái Hạ cụ thể nào, mà là của cả các vùng quê Việt Nam trong quá trình lột xác, đắp đổi thịnh suy.

Trước hết về đề tài, Đỗ Minh Tuấn là một trong những người đầu tiên đưa lên trang tiểu thuyết của mình những vấn đề nhức nhối nhất của xã hội nông thôn hiện nay đang được dư luận quan tâm. Chẳng hạn như: vấn đề về môi trường, các dự án sân golf, chữa bệnh bằng nghi lễ và tình dục, lấy chồng ngoại quốc,...đã được hiện lên vừa cụ thể sinh động, vừa có tầm khái quát dưới cái nhìn hài hước của một nhà tiểu thuyết, trong khi nhiều cây bút khác, thường có xu hướng đi vào mảng đề tài  nhạy cảm, dưới dạng hồi ký văn chương, truyện ngắn hay tiểu thuyết nhằm làm thỏa mãn sự hiếu kỳ của một bộ phận công chúng. Điều này cho thấy trách nhiệm công dân của Đỗ Minh Tuấn, vì anh quan tâm đến số phận của hàng triệu người nông dân từ bao đời nay chỉ quen cày cấy trên mảnh đất của mình để làm ra củ khoai, hạt thóc nuôi sống bao thế hệ người Việt Nam, làm nên lịch sử của một dân tộc anh hùng, từng “chấn động địa cầu” trong quá khứ và giờ đây lại về trước mục tiêu Thiên niên kỷ

của Liên hợp quốc 7 năm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, từ ngày đổi mới đến nay, chính những người nông dân ấy phải hiến tặng mảnh đất, như là một phần máu thịt của đời mình cho các dự án sân golf, các khu công nghiệp, đô thị mới chỗ này thì mọc lên như nấm sau mưa, còn chỗ khác lại treo lơ lửng hàng chục năm, buộc chính quyền các cấp phải thu hồi, khiến những người nông dân xót xa, nuối tiếc. Vẫn biết xu hướng đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế nhằm đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng đói nghèo và lạc hậu là không thể cưỡng lại được. Nhưng, với tư cách là một đứa con của làng quê nghèo Việt Nam, Đỗ Minh Tuấn muốn cảm thông, chia sẻ với họ. Phải chăng “đó là cách nhìn của một đứa con thấm đẫm văn hóa ký ức của thời xưa với những ấn tượng sâu sắc về cây đa bến nước đọng lại từ tuổi ấu thơ. Đó là sự nhập thần của một nhà thơ và một đứa con vào số phận người nông dân mà mình ít nhiều đồng cảm, muốn chia sẻ với họ…” như chính anh đã từng nói trước báo giới.

Về khía cạnh bút pháp, Đỗ Minh Tuấn đã ý thức một cách sáng rõ việc cho cọ xát giữa các mô thức văn hóa thành thị - nông thôn, nông dân - trí thức, phương Đông - phương Tây, bản địa - ngoại lai, thiêng liêng - trần tục, văn hóa - phát triển, quá khứ - hiện tại, cũ - mới,... làm bật ra những tiếng cười đầy tính chất bi hài, vốn là thế mạnh của anh. Anh đã từng thành công ở lĩnh vực sân khấu và điện ảnh về thể loại này. Cái hài của Đỗ Minh Tuấn là đằng sau những trận cười hả hê trước những cảnh chéo ngoeo, trật khấc, chẳng ai lại có thể cầm nổi nước mắt, thương cho những người nông dân hay số phận một dân tộc. Sự giàu sang, phú quí, lắm tiền, nhiều bạc, nhà cao, cửa rộng, môi trường sống trong lành,...chẳng ai không  muốn. Nhưng cái sự muốn ấy lại chẳng ai giống ai, vì thế mới làm nảy sinh ra những tiếng cười vừa mỉa mai, châm biếm, vừa hài hước, chua xót, nhưng cũng thật sự vô tư và chân thành.

Thao, nhân vật chính của tiểu thuyết là một nông dân cựu chiến binh, một hình tượng nhân vật đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Anh bị xô đẩy bởi những diễn biến vô thường trong đời sống thực, lúc lặn, lúc ngụp vừa trôi nổi bồng bềnh, lại vừa lắt léo, quanh co. Có lẽ qua nhân vật Thao tác giả muốn tái hiện những khát vọng văn hóa mang tính nhân bản của người nông dân Việt Nam trước cảnh vật đổi, sao dời hôm nay. Bản thân Thao cũng như bao người khác trên cõi đời này, làm hết việc này đến việc nọ mà không hay biết được kết cục sẽ ra sao và số phận mình bị xô đẩy tới đâu. Dù vậy, người đọc luôn cảm thấy những ý nghĩ, toan tính cùng những hành động của anh chân tình, nhưng cũng không kém phần mãnh liệt, khiến anh trở thành một Đôn Ky-ô-tê của làng quê Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI.

Thật khó ai có thể lý giải được, vì sao một người như Thao, vừa quá nhỏ bé trước những nghịch cảnh oái oăm của đời sống và hoàn toàn bất lực trong việc giải quyết những cái trớ trêu của cuộc đời, nhưng lúc nào cũng phải tham gia vào những chuyện không đâu vào với đâu. Anh không do dự, bởi sự hối thúc của lương tâm. Lúc thì anh chủ động lao theo, lúc thì bị xô đẩy vào những việc ngoài khả năng và tầm kiểm soát của mình, để cuối cùng Thao bị sa vào tấm lưới bi hài của số phận làm người, dường như đã được giăng mắc sẵn để bủa vây anh.

Tính chất bi hài đó đã được Đỗ Minh Tuấn đẩy đến cực điểm khi Thao trở thành một ông bố vợ bất dắc dĩ. Một người nông dân quê mùa sau những ngày đăng lính, Thao lại trở về với lũy tre làng. Đùng một cái anh trở thành ông bố vợ của một chàng Jonh lạ hoắc và là con trai nghị sỹ Mỹ. Chính ở đây, bản tính dương dương tự đắc của người nông dân được hiện rõ nguyên hình. Vừa muốn nhờ cậy người ta để đổi đời, nhưng lại vừa bất cần. Vừa mơ về một ngày xa ngái có cây gạo trổ hoa đỏ thắm, cạnh cái điếm canh đầu làng,...lại vừa muốn quê hương được thay da đổi thịt, giàu có như người với những quán karaoke, sân golf to đoành nằm ngay trên mảnh đất ngày xưa có cây bưởi lạ bốn mùa nở hoa trắng muốt và bầy bướm bướm lập lòe đêm đêm.

Phải chăng, đấy là một thách thức quá lớn của một đất nước đang trong quá trình hiện đại hóa, hòa nhập quốc tế và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà đối với những người nông dân như Thao dường như lúc nào cũng quá sức không thể làm nổi. Vậy là anh ta vướng vào mối bòng bong rối như tơ vò khiến người đọc cảm thấy thật sự thương cảm, xót xa cho số phận những con người nhỏ bé hay số phận của một dân tộc đang loay hoay tìm cách thoát ra khỏi cái vỏ bọc lịch sử của chính mình. Sự lớn lao và vĩ đại của dân tộc ta trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước là điều không ai có thể phủ nhận được. Nhưng nếu nhìn nhận một cách thật sự nghiêm túc, biết đâu đến một lúc nào đấy, chính điều đó lại trở thành một người bảo mẫu lịch sử quá lớn, không dễ gì cho phép đứa con của mình thoát khỏi vòng tay nhân ái của bà. Đấy chính là nghịch lý muôn thuở của dân tộc ta.

Kết cục tấn bi hài kịch là Thao đã phải đi tù 7 năm. Với một người như anh, ngay cả khi ngồi trong tù, cũng không thể dứt bỏ những hoài vọng hão huyền về một ngày mai vô định, mà chính anh cũng không biết nó sẽ như thế nào. Dù chỉ là hoài vọng, nhưng xem ra nó cũng là một cái gì đó hết sức nực cười: “Thao nhắm mắt lại cố hình dung những bông hoa gạo, những cánh bướm năm xưa, nhưng cả trong ký ức của anh, thần thánh và bươm bướm cũng không còn cư trú. Chẳng lẽ mình lại mụ mẫm đãng trí và vô tâm đến thế hay sao? Thao vẫn hy vọng những ảnh hình xưa vẫn ẩn náu đâu đó trong sâu thẳm hồn anh và sẽ có một ngày kia hồi phục…” (tr 432).

Chẳng ai lại có thể nghĩ được rằng, một ngày nào đó bên cạnh một sân golf hiện đại hay những khu nhà chung cư cao cấp, những khu chế xuất, khu công nghệ cao,... lại hiện nguyên hình một cây gạo cổ thụ, những cây bưởi lạ, điếm canh và một cánh đồng đầy sao bươm bướm. Vậy mà trong tâm tưởng của ông nông dân cựu chiến binh và một ông thông gia Tây như Thao điều ấy lại cứ hiện ra. Quả thật chỉ có một bút pháp hiện thực mang đậm chất bi hài như Đỗ Minh Tuấn, điều ấy

mới có thể làm cho mọi người hiểu và chia sẻ được./.

-------------

Ảnh: Đỗ Hiếu

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn