Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Vị thế con người trong sử thi Iliad

Mai Lan - 03-08-2011 11:32:16 AM

VanVN.Net - Con người từ ngàn xưa vẫn luôn khao khát được khẳng định vị thế của mình giữa bao la vũ trụ...

Từ rất lâu rồi, khi Homer viết thiên sử thi Iliad, ông đã thể hiện một thái độ tin tưởng vào khả năng và vai trò của con người. Thái độ đề ấy trước hết thể hiện ở việc tác giả để Con Người đứng ra phân xử, chấm giải xem ai là người đẹp nhất trong các nữ thần. Tìm “Người đẹp nhất” - đó là chuyện của con người. Mà đã là chuyện của con người thì chỉ có con người mới làm được. Vì vậy, Zeus không thể, nhưng Paris – một Con Người – lại có thể đứng ra làm trọng tài phân xử. Những chi tiết trên không phải là ngẫu nhiên hay phi lí, mà nó mang một ý nghĩa kín đáo. Đó là sự đề cao vai trò và vị trí của con người trong cuộc sống.

Giá trị to lớn mà Homer đã đóng góp cho nhân loại là lần đầu tiên đưa con người vào văn học và tôn vinh họ với những phẩm chất cao đẹp của chính con người. Họ đẹp lung linh với vẻ ngoài hoàn hảo, sức mạnh phi thường cùng những hành động kiêu hùng... nhưng họ cũng đẹp một vẻ đẹp trần thế, một vẻ đẹp rất Người. Đó là vẻ đẹp của trái tim. Cho dù có những phút giây người anh hùng say mê lập chiến công, coi việc chém giết như một thú vui nhưng khi đối diện với những người họ thương yêu, khi thể hiện tình cảm đối với những người ấy, người anh hùng lại cho chúng ta thấy một tình cảm yêu thương vô cùng sâu sắc. Tiêu biểu là Achilles và Hector.

Achilles không chỉ là hiện thân của sức mạnh mà còn là hiện thân cho vẻ đẹp của người Hi Lạp - vẻ đẹp tâm hồn. Khi giận Agamemnon, mặc dù không tham chiến, nhưng Achilles cũng đau lòng trước những tổn thất mà người Hi Lạp phải chịu. Khi Patroclus chết, Achilles đau đớn tột cùng. Chàng khóc bạn bằng một tình cảm thật cảm động: “Chàng nằm vật xuống, tấm thân vạm vỡ sóng xoài trên một khoảng đất lớn, và giơ tay tự bứt từng nắm tóc”. Từ xưa đến nay, liệu có mấy người thương yêu bạn bè như Achilles? Tình cảm ấy là nguyên nhân gây nên cái chết thảm khốc cho hàng loạt chiến sĩ thành Troy, nó khiến người anh hùng có những hành động man rợ, nhưng chính tình cảm ấy cũng khẳng định trái tim Achilles nóng bỏng tình người.

Trước mái đầu bạc phơ và những lời lẽ thương tâm của ông già Priam đến chuộc xác con, Achilles mủi lòng đến phát khóc. Ai còn bảo chàng có trái tim rắn lạnh?

Cao thượng trong cuộc sống, đồng thời Achilles cũng cao cả trong tình yêu: “Bất cứ người nào có tim óc cũng đều yêu vợ, chăm lo cho vợ, như tôi đây, tôi yêu tha thiết người đàn bà đó mặc dù nàng chỉ là người tôi chiếm được với cây lao”. Đối với Achilles, sự mất mát người đẹp không chỉ là sự mất mát vật chất mà chủ yếu là mất mát tinh thần, tức là sự xúc phạm đến danh dự. Chính sự xúc phạm danh dự đó đã làm nổ ra cơn giận xung thiên của Achilles, làm thành chủ đề của anh hùng ca. Đó là sự nổi giận của cả thời đại được khái quát lại trong cơn giận của một người, khi con người ý thức được giá trị làm người của mình. “Nhìn Achilles, người ta có thể nói: Đó là một con người! Trong con người này, ta thấy có nhiều mặt cao thượng trong bản tính con người” (Heghen).

Bên cạnh bán thần Achilles dũng mãnh là một Hector trần thế đầy thông minh, lịch lãm và giàu nghĩa tình. Chàng là người công dân trung nghĩa, hết lòng yêu gia đình. Ở Hector, chiều sâu của cuộc sống đã bắt đầu được phát hiện, nhờ Homer đã xem chàng như một con người thực sự, không dính dáng gì đến dòng máu thần linh.

Hector ra nơi chiến trường, đối mặt với Achilles tức là đối mặt với cái chết, nhưng lòng chàng vẫn hướng về người vợ thân yê. Sự lo lắng lớn nhất lúc này không phải dành cho bản thân người anh hùng mà là dành cho người mà chàng yêu thương nhất. Giây phút ly biệt của đôi vợ chồng trẻ thật khiến người đọc ngậm ngùi.

Lúc sắp bước vào trận chiến đấu sinh tử, có lúc Hector đã do dự và lo sợ. Nỗi sợ ấy không làm chàng đê hèn, nhút nhát, cũng không làm cho hình ảnh người anh hùng xấu đi. Đó là nỗi sợ rất bình thường của mỗi con người trước một đối thủ rất mạnh. Điều quan trọng là chàng đã vượt qua sự sợ hãi ban đầu ấy để chiến đấu đầy dũng khí. Hector chiến đấu anh dũng và chết một cách vinh quang trước cổng thành. Chàng đã làm tròn nghĩa vụ của một người chiến sĩ, một vị tướng, một người công dân trong cuộc chiến bảo vệ quê hương.

Xây dựng hình tượng hai người anh hùng lí tưởng Achilles và Hector, Homer muốn khẳng định và đề cao vai trò của con người trong cuộc sống. Họ chiến đấu bằng sức mạnh của bản thân mỗi người, bằng ý chí và lí tưởng trong trái tim đầy nhiệt huyết. Chiến thắng của người anh hùng hoàn toàn do mỗi người định đoạt chứ không hẳn do thần linh hay số mệnh quyết định.

Trong truyện có cả một thế giới thần linh đầy quyền năng với vai trò chi phối cuộc chiến, số mệnh áp đặt con người đi theo một cái đích đã được định trước nhưng con người mới thực sự là người chủ động và độc lập thực hiện hành động của mình. Nó diễn ra trong tâm hồn con người thành các dòng cảm xúc rất nhân văn. Đây là đoạn tả cảm xúc của Achilles khi nghe những lời nói của Priam: “Cụ nói như vậy, khiến Achilles động lòng thương cha muốn khóc. Chàng đặt tay lên người cụ, khẽ đẩy cụ ra. Cả hai người đều nhớ lại. Quỳ dưới chân Achilles, Priam nhớ đến Hector, và khóc dầm dề; còn Achilles khóc vì thương cha, hoặc thương Patroclus, tiếng kêu than của hai người vang dậy cả nhà. Khi đã khóc than chán, nhẹ lòng cả hai người Achilles thần thánh bỗng nhảy xuống ghế, đỡ cụ già dậy. Thấy cụ đầu râu tóc bạc, chàng thương hại nói với cụ những lời có cánh”. Dù thần Zeus yêu cầu Achilles chấm dứt hành động trả thù thi hài của Hector nhưng chính những lời cầu xin của Priam mới làm cảm động tâm hồn Achilles. Sự diễn biến trong tâm hồn chàng thì không một vị thần nào có thể sắp đặt được.

Như vậy, ý chí, tâm hồn, tư tưởng con người có trước rồi mới đem gán cho thần thánh. Và con người vẫn sáng đẹp trong vai trò của mình trước cuộc sống. Homer đã đưa những người anh hùng – con người vào trong tác phẩm với tư cách là nhân vật chính và tôn vinh giá trị của họ.

Ta có thể thấy rõ hơn vai trò của con người trong sử thi Iliad khi so sánh với sử thi Mahabharata của Ấn Độ ở hai điểm sau đây:

Thứ nhất, trong Iliad, những chiến binh chiến đấu và chiến thắng bằng chính sức mạnh, tài năng và sự nỗ lực của mình. Tuy có thần linh hỗ trợ nhưng cũng chỉ tác động đến một phần nào đó mà thôi. Chính người mới là chủ nhân, trung tâm của cuộc chiến, quyết định thắng bại của cuộc chiến.

Còn trong Mahabharata, cuộc chiến bị chi phối phần lớn do uy quyền của các tu sĩ. Cái chết của nhiều anh hùng cũng được giải thích bằng motif hậu quả lời nguyền của đạo sĩ. Chẳng hạn Karna – anh ruột của các Panđava – nói dối mình là dòng dõi Bàlamôn để làm đệ tử của đạo sĩ Parasurama, vì vậy học được pháp thuật Brahmastra cao cường để chiến đấu. Nhưng khi Parasurama phát hiện ra sự gian dối đó của Karna, đạo sĩ đã đọc thần chú trừng phạt khiến Karna quên pháp thuật học được vào đúng lúc lâm nguy trên chiến trường và phải chết.

Thứ hai, ở Iliad, sự xuất hiện của thần linh là để làm cho người anh hùng thêm rực rỡ, để tô đậm và nâng cao hơn sức mạnh cũng như giá trị của người anh hùng. Trong bức tranh có cả người anh hùng và thần linh, thường người anh hùng – con người mới là nhân vật trung tâm, thần linh chỉ làm cho hình ảnh người anh hùng thêm rực rỡ.

Còn trong Mahabharata, ngoài những bức tranh có người anh hùng làm trung tâm, vẫn có những bức tranh khác hẳn. Khi các anh hùng thi đấu với các đối thủ hơn hẳn họ và bị thua cuộc, họ luôn cho rằng đối thủ chỉ có thể là thần thánh. Họ bèn cầu khấn thần linh và thần linh xuất hiện. Ở bức tranh loại này, không còn hình ảnh người anh hùng chiến đấu bất chấp sự thần thánh của đối thủ, không còn nữa người anh hùng luôn tự tin vào sức mạnh và khả năng của mình như trong Iliad (ví dụ như Achilles chiến đấu với thần sông) mà lúc này thần linh đã thay thế người anh hùng.

Dù vẫn còn những hạn chế của thế giới quan thần thoại, nhưng sử thi Iliad đã xuất hiện những yếu tố tiến bộ của một thế giới quan mới đúng đắn hơn. Thế giới quan này mang chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc khi hướng vào con người, khẳng định vai trò và vị trí của con người trong cuộc sống. Hàng thế kỉ nữa sẽ trôi qua, nhưng những đóng góp của Homer cho văn học nhân loại vẫn luôn là suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tình cảm mỗi con người.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...