Từ đời vào văn

14/3
9:31 AM 2017

BAN THẦN- TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN CHIẾN

Làm chân thị lang bộ Lễ kiêm Giám quản Bách Thần cả nước nó cứ phải khốn nạn vậy. Những cuộc rượu, tuần trăng, những đêm ăn vụng vợ thằng lính thú đang trấn ngoài biên ải của ngài thường dậy đủ thứ mùi, khi cốm đầu nia, lúc xạ cầy hương, vất không thể tưởng.

                                       

                                         Ảnh minh họa- Internet

Xẩm chiều quá oi khiến Đặng Giảng không muốn làm việc, chỉ lơ mơ đến bà tư chắc đã đi tắm sớm. Ngài sầm mặt khi nghe tiếng bà cả: “Có cử Đăng đợi”.

- Bảo lão mai ra văn phòng.

- Thế ông quên mấy tháng trước nhận lễ ở nhà à?

Cử Đăng lưng khòng khúm núm nhưng mắt cú vọ, móng vuốt cắp cái mo nang. “Có chút sá sùng khô, dân Bùm gửi biếu phu nhân quan thị lang ạ”.

- Vẽ quá. Từ bể lên kinh xa xôi, việc gì phải diệu vợi. Cái việc ông nhờ coi như xong rồi. Tôi đã trình lên thượng thư bộ Lễ, lân này ngài ấn triện sắc phong Thành hoàng cho Bùm cùng bốn mươi tám làng nữa. Danh sách đây…

Nói rồi nhấc đít ra ý xong việc. Nhưng mặt cử Đăng đần ra, mấp máy. “Bẩm, nguyên Thành hoàng làng chúng tôi là Bùi Thắng Lâm, đây ghi thành họ Quách”.

Thị lang ớ ra. Nhầm thật. Chính do ở mình. “Lão lại già hậu đậu rồi”, ngài lẩm bẩm. “Nhưng cái họ thì can hệ gì!”.

- Bẩm tôi thì không sao, nhưng dân Bùm lắm đứa đáo để, sắc rước về e nó giẫy nẩy chẳng nhận.

- Ta sẽ xem lại. Ông về đi.

Đặng Giảng phẩy tay, vào hẳn. Cuộc vầy vò làn da mát như mỡ đông của bà tư tối ấy oẳng lên mùi sá sùng tanh tao. Thứ sâu bể móc lên từ bãi cát làng Bùm chúa sừng nhất nước, càng tanh nồng càng quý, cân khô đáng cả lạng vàng. Làm chân thị lang bộ Lễ kiêm Giám quản Bách Thần cả nước nó cứ phải khốn nạn vậy. Những cuộc rượu, tuần trăng, những đêm ăn vụng vợ thằng lính thú đang trấn ngoài biên ải của ngài thường dậy đủ thứ mùi, khi cốm đầu nia, lúc xạ cầy hương, vất không thể tưởng.

Trong giường trọ đầy chuột bọ, cử Đăng trải qua giấc ngủ nhọc nhằn. Hổn hển, oằn oại giống quan thị lang, nhưng là mộng ác nó đè, tấm thân già như bị voi xé, đau đớn lắm. Vào một lúc bị hành quá, lão tỉnh hẳn, nhận ra mình quá dại. Cái dại của một ông cử đã trải đủ kinh luân, ở tuổi ngoài sáu chục, đến là gớm ghê.

Làng Bùm lập cách giờ dăm trăm năm, nơi cửa sông Son đùn phù sa thắm đỏ ra bể, cho những sú vẹt tiến trước, ngô đỗ đậu lạc theo sau. Nhà cửa dựng trên bãi, lúc triều lên vớt được cả rá rươi, những con rươi màu xanh lúc nhúc làm lông xong đập trứng vào, thêm vỏ quýt thái mỏng, rán lên trôi rượu không thể tưởng. Dần dần mặn hết, cây lúa cắm xuống lên bời bời. Dễ sống quá, nên đàn đống di ra như cái kiến. Cái kiến ăn rào rào cạn cả dưỡng chất phù sa, lúa ngô đậu lạc cọc dần, mặt người lại dại đi. Ông Bùi Thắng Lâm quanh năm vọc đất, chỉ độc manh khố bọc bìu dái đen như cứt phơi ba nắng, ai ngờ nghĩ được diệu kế, là hốt những phân bắc phân trâu đầy bờ bụi bỏ ruộng. Lúa nhà lên bời bời, ông lại bốc phân bỏ ruộng những góa bụa neo đơn cùng kẻ khó, tiến kêu van những tháng ba ngày tám đỡ lắm.

Dịch dình dinh

Lều chõng lai kinh

Chả bằng thối inh

Chiều về hai sọt

Họ Bùi đến sau nhưng được dân Bùm tính như một tiền hiền khai canh. Kịp khi đầy diều rồi sung túc lên, làng bàn dựng ngôi đình cho bằng được những làng cổ trong đồng. Đất Thổ Công sông Hà Bá, cảnh thổ nào phải có Thành hoàng ấy. Nhìn quanh thấy toàn ông phơi muối với chị gõ hà, dân Bùm bèn bầu Bùi Thắng Lâm, lúc ấy quá cố đã trăm năm, lên thờ.

Đất vượt ra bể, đình quán đơn sơ, sự thờ cúng cũng giản lược. Ngôi bài vị trong hậu cung không chữ nghĩa gì sất, mà ngự rẻ xương sườn trâu trắng ởn, sinh thời cụ Bùi dùng để gắp phân, và cái sọt tre quét phẩm dành dành vàng tươi. Nhưng bên dưới cũng năm gian lát gỗ trải chiếu, cúng tế xong ngả cỗ xì xụp chả thua gì ai, ai ai hỉ hả chén ông chén cụ nhắc công tích ông lão họ Bùi, câu bãi phân miếng lòng xào dứa cứ thế lùa cả cái.

Đất đai mát mẻ hợp với lão gắp phân hay sao, mà làng xin sắc phong Thành hoàng được ân thưởng ngay, có điều không được Thượng hay Trung đẳng thần. Thôi thế cũng thỏa, cụ Bùi thơm ở nhà mình chứ ra ngoài vừa mũi thiên hạ thế nào được.

Dăm chục năm trước nước có biến. Giặc từ biển tràn vào, vua bỏ kinh chạy lên ngược. Những cột mít mái gianh biến theo ngọn lửa, mạng người leo lét chả biết còn được ngày mai. Rồi quan quân quay lại đánh dẹp, giặc bị bệnh thời khí hoành hành rút tiệt. Dân tứ tán về đất cũ dựng căn lều gieo hạt lúa. Sấp mặt vất vả mấy vụ, đến lúc đủ ăn thì lại có lệnh truyền ra, lần này từ phủ chúa, vì vua giờ không phải là vua ngày trước và ngồi chỉ làm vì, rằng không được thờ cúng những bách thần xì xằng lăng nhăng nữa. Cả nước sẽ chỉnh đốn, xì xụp trước vong linh tưng nấy vị thôi, là những vị nào thì bộ Lễ sẽ chọn lựa trình lên để phủ Chúa chọn duyệt, để ai bỏ ai không có li leo ý tứ gì của Ngài Ngự sất.

Đình Bùm bé nhỏ đã hư nát trong can qua, giờ teo lại thành ngôi miếu, đồ thờ cũng như cách thức cúng bái vô cùng khiêm tốn. Qua mươi mùa phong đăng hòa cốc, ăn bát cơm đầy ú hụ không phải lo cho ngày sau, dân thấy phải rước ông gắp phân về ngôi nhà thật đẹp mới được. Vào một sớm mai, mấy cây gỗ chò trôi trên sông Son tấp vào bến làng. Điềm trời đấy. Bèn ngâm xuống ao, mua thêm lim dổi, chọn hai hiệp thợ cho thi nhau có thưởng. Tòa đình mới, dẫu chả nguy nga như này nọ, hiện lên từng đường nét mỗi ngày. Nhưng ngôi miếu đơn sơ bên cạnh vẫn giữ lại, biết đâu đấy…

Việc soạn bản văn, về kinh xin sắc phong cho Đức Ngài Bùi Thắng Lâm làm phúc thần, dân Bùm không chọn ai khác ngoài cử Đăng. Đã đỗ đạt, đi đó đây nhậm trị, nay về làng ngồi chân  tiên chỉ, lão còn đủ trí lực, không ngây ngô mà cũng chưa lẩm cẩm quá.

*

Lễ cấp sắc phong Thành hoàng cho bốn mươi chín làng làm ở kinh. Uy nghi. Tráng lệ. Đích thân thượng thư bộ Lễ chủ trì, ngài mời bằng được thái sư cùng quan chức lục bộ dự. Đức kính cẩn, quyến luyến đặt vào nơi Thành hoàng từng làng sẽ làm nên rường mối đạo đức, lòng tin trong cả nước. Lễ ở kinh long trọng mười, về nơi lũy tre nhạt đi vài phần thời vẫn còn giữ được chuẩn mực.

Bốn mươi chín tên đại diện cho bốn mươi chín làng quỳ dưới ánh nắng mỗi lúc mỗi gay gắt. Đa phần già cả, ở nhà con cháu nó đấm bóp, ra đây phải ngậm sâm. Vậy mà thỉnh thoảng có kẻ rụng  “độp”, lệ lôi vào chỗ mát quạt phành phạch.

Cứng người trong quần áo mũ mãng, cử Đăng chao mình như đang ở con thuyền giữa bể. Ran ran lời tuyên Thành hoàng, những là ông thợ mộc chị nuôi tằm, hoặc giả xả thân chống quân xâm lược làm bền vững non sông… Đi kèm là tên thụy, hiệu, những mỹ tự, khiến lão nhớ đến lũ rởm chữ trong vùng gọi chòi canh ngao là “gác Thanh Hư”, cầu “tõm” bắc ra ao là “Vọng Nguyệt lâu”; ý nghĩ chả đúng chỗ nhưng thêm cho thân già chút hơi sức.

Tuyên xong, từng người lên lãnh sắc, trở về chỗ quỳ lại. Đức thái sư nói lời nhắn nhủ. Đại diện bốn mươi chín làng hứa hẹn kính trọng Thành hoàng, giáo dưỡng chúng dân biết trông vào truyền thống mà sống cho trung thành. Đến lúc xong cuộc, ai nấy lử đử ra về, riêng hai thân già còn quỳ trơ trơ. Viên tham tri ra hỏi, cử Đăng trả lời cụ tôi là Bùi Thắng Lâm chứ không phải Quách Thắng Lâm như sắc viết. Bên kia rằng Thành hoàng làng tôi, trên đồng rừng, cũng tên Thắng Lâm, nhưng cả mấy trăm năm nay họ Quách chứ không phải  Bùi.

Bên trong tiếng Đặng Giảng thì thầm, rồi đích thân thượng thư bộ Lễ bước ra, lập tức thị oai với lão già đồng bể: “Ta nghe ông đã đỗ cử nhân, đây đó nhiều sao còn thậm ngu?”.

- Dạ.

- Có biết là trên chủ trương chỉnh đốn lại thờ cúng, trước tiên là đuổi hết tà thần yêu thần đê tiện thần đi không?

- Bẩm, nhưng ông gắp phân cứu cho dân Bùm hẳn mấy vụ đói…

- Nỏ mồm! Những thần ăn mày chết trôi trộm cắp, với thằng gắp phân đều một phường cả, phải bỏ. Để mà thờ phượng người có công. Đâu đâu cũng vậy thì sự tin yêu trong nước mới đặt vào chỗ đúng đắn.

- Bẩm, nhưng lai lịch ông Quách Thắng Lâm ra sao, ơn huệ gì cho Bùm, thì cả làng chả ai tường.

- Năm trăm năm trước, triều vua xưa gả công chúa cho tù trưởng họ Quách làm phên giậu giữ biên cương, nay hậu duệ rất chi phát đạt, một nhánh nảy ra thân sinh thái sư đương triều. Ông đọc sách không biết nhẽ ấy thì vẫn là anh dốt nát, đã vậy còn lý sự chày cối. Triện đóng rồi, hay còn muốn cãi phép vua, thì bảo!

Bấy nhiêu nhẽ đanh thép giữa khiên giáo sáng lòe khiến cử Đăng bạc tóc cấm khẩu. Lại nhớ đến câu trong sách cổ đại ý việc phong thần là ở triều đương đại, bèn cúi đầu nhận sắc.

Quan thượng thư quay sang bên kia. Lão già đồng rừng đã sùi bọt mép, lưỡi rụt vào họng móc chẳng ra.

                                           *

Khổ nỗi dân Bùm cả đời đứng nơi của bể làm thế nào thủng những điều bố cử Đăng cũng chả thủng nổi. Ấp úng tường lại những câu ngài bộ Lễ nói, lão phải nghe những điều cay nghiệt của hội tiên chỉ Bùm:

- Thôi thế là rồi đời những sá sùng với chim thu nụ đé với ngân khoản làng bòn mót từ đũng khố thằng đánh rậm. Đổi lại là tổ thằng mán trên rừng, có dễ nó ăn sâu bọ với nhái ôm măng, giờ phải sì sụp nhục lắm.

-  Có dễ cử Đăng đang thờ bố thằng hàng xóm ông ấy.

Lễ đón nhận sắc phong thậm khó đánh giá thể diện. Quan tỉnh về tíu tít, từ tổng đốc, tri phủ đến đốc học, tri huyện. Vì được chọn làm mực thước cho các làng soi vào thờ phụng, Bùm được úy lạo bộ bát bửu loạt soạt, phủ việt dùi đồng bóng loáng, lại kèm  đủ trái bí, đất sét, da thuộc, gỗ, đá, kim, tơ, tre trúc của phường bát âm. Hậu hỹ đấy, nhưng lại khó cho quan viên đang rất chi bỡ ngỡ với Phúc thần được cấp.

Đình Bùm mới dựng sáng trưng cuốn thư câu đối bức hoành. Bộ cửa võng trổ cầu kỳ, là trên ban tặng, quá khổ không lắp được, đành đánh dây treo lên, kẻ làm lễ bên dưới ngước thấy đu đưa rất hãi. Bát hương thỉnh từ đồng rừng về cháy rừng rực, khói cuộn ôm lấy bài vị chạm chữ “Quách”. Cử Đăng đùn chân soạn và đọc chúc văn cho tú tài họ Bùi. Ngâm nga đến câu “Ngài được Đức Kim Thượng đương triều ban cho mỹ tự “Linh Cảm Dũng Liệt Ứng Thiên Huệ Tín Đại Đại Vương”, thốt nhiên viên này ngửa cổ lên trời, tiếng cười khành khạch rất khó nghe.

Cử Đăng ốm thật, nhất là khi thằng con, gã sinh đồ nức tiếng hay chữ bảo không đi thi nữa, “đỗ đạt kẻo rồi lại tai nạn như cha”. Nhưng là tiên chỉ, lão không trốn được cuộc tế. Toàn thị quan trên với hương chức dự, tráng đinh biến sạch dù thằng mõ khua thớt chan chát. Giữa khói hương sì sụp, quỳ lậy ê ẩm, cử Đăng xây xẩm như phải gió, bèn tránh ra ngoài. Quái lạ, ngôi miếu thờ ông gắp phân như có đám cháy. Người đâu đông quá, toàn đám bạch đinh nhiêu mõ, gái góa với trẻ em, chả ra thể thống nhưng im phắc ra điều thành kính. Dưới bài vị đơn sơ dựng độc rẻ xương sườn trâu là cái mâm đồng sáng loáng, lù lù khoanh cứt trâu bằng bột nếp rang ngào mật đen trùi trụi, chắc nịch.

Nhìn kìa, thằng sinh đồ nhà lão làm “chủ tế”, bẻ từng miếng “cứt trâu” ngào ngạt thơm chia cho lũ khốn cùng. Những gương mặt cả đời chỉ gằm xuống hạt phù sa thụ lộc sao mà rạng rỡ.

                                                                       T.C

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *