Nhà văn - Tác phẩm

6/7
6:03 PM 2016

NHÀ THƠ CHẾ LAN VIÊN

Vanvn.net ra mắt trang Nhà văn- Tác phẩm để giới thiệu tiểu sử và tác phẩm của hơn 1000 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu của các nhà văn, các nhà nghiên cứu, các thầy, cô giáo và đông đảo bạn đọc yêu mến văn chương.

                                                                                           Nhà thơ Chế Lan Viên (ảnh: Internet)                         

                                             CHẾ LAN VIÊN

                                                 (1920-1989)

Nhà thơ Chế Lan Viên, tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 14 tháng 1 năm 1920 tại Diễn Châu, Nghệ An. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Mất ngày 24 tháng 6 năm 1989 tại TP. HCM

Trước cách mạng sống ở Quy Nhơn. Năm 1939, ông ra học tại Hà Nội sau đó vào Sài Gòn làm báo rồi ra  dạy học ở Thanh Hóa và Huế. Tham gia cách mạng tháng 8-1945 tại Quy Nhơn. Sau đó ra Huế làm báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, làm báo chí ở Liên khu IV, khi ở Thanh Hóa, khi ở vùng bị chiếm Bình Trị Thiên. Hòa bình lập lại, hoạt động ở Hà Nội. Đã đảm nhiệm nhiều công việc: ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam. Đại biểu Quốc hội các khóa 4,5,6,7, ủy viên Ban thống nhất của Quốc hội khóa 4 và 5.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Thơ: Điêu tàn (1937); Gửi các anh (1954); Ánh sáng và phù sa (1960); Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967); Những bài thơ đánh giặc (1972); Đối thoại mới (1973); Hoa trước lăng Người (1976);Hái theo mùa (1977); Hoa trên đá (1984); Tuyển tập thơ Chế Lan Viên (tập I, 1985; tập II, 1990); Di cảo thơ I, II (1992, 1993). Văn xuôi và ký: Vàng sao (1942); Thăm Trung Quốc (bút ký, 1963); Những ngày nổi giận (bút ký, 1966); Giờ của đô thành (bút ký, 1977). Tiểu luận phê bình: Nói chuyện thơ văn (1960); Phê bình văn học (1962); Suy nghĩ và bình luận (1971); Bay theo đường bay dân tộc đang bay (1976); Nghĩ cạnh dòng thơ (1981); Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981).

Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996); Giải A giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1995 (tập thơ Hoa trên đá); Giải  

thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994 ( Di cảo I và Di cảo II)

 

                                        THƠ CHẾ LAN VIÊN

 

TRÊN ĐƯỜNG VỀ

 

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ 
Quay về xem non nước giống dân Hời 
.................................. 
.................................. 

Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi 
Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian 
Những sông vắng lê mình trong bóng tối 
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than 

Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn 
Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi 
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn 
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui! 

Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận 
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang 
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận 
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn 

Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm quốc 
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi 
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp 
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui 

Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng 
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh 
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng 
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành 

Đây, trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo 
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà 
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo 
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa 

Những cảnh ấy Trên Đường Về ta đã gặp 
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi 
Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập 
Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời

 

ĐIỆU NHẠC ĐIÊN CUỒNG

 

Hầu ran nóng, lửa hồng bừng cháy mắt 
Máu hồng tươi lay vỡ cả thành tim 
Ðâu điệu nhạc điên cuồng ta khao khát 
Chẳng vang lên tràn ngập suối träng êm? 

Ðem mau đây, chiếc sọ dừa ứ huyết 
Chiếc xương khô rợn trắng khí tinh anh! 
Và rót mau trong hồn ta tê liệt 
Những nguồn mơ rồ dại, hỡi yêu tinh! 

Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ 
Ta sẽ ca những giọng của Hồn Ðiên 
Ðể máu cạn, hồn tàn, tim tan vỡ 
Ðể trôi đi ngày tháng nặng ưu phiền! 

Ðể hưởng lấy một giờ không tục lụy 
Ðể uống vào một phút chết say sưa! 
- Nhạc trần gian khôn vui hồn quạnh quẽ 
Rượu trần gian gây nhớ vết thương xưa

 

ĐỢI NGƯỜI CHIÊM NỮ

 

Tối hôm nay chị Hằng nghiêm nghị quá 
Dãy cây vàng đợi mộng, đứng im hơi 
Không một mối trăng ngà rung muôn lá 
Không một làn mây bạc vẩn chân trời 

Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở 
Trong sương mờ huyền ảo, lắng tai nghe 
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ 
Tan dần trong Im Lặng của đồng quê 

Bên cửa Tháp ngóng trông người Chiêm Nữ 
Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng 
Vài ngôi sao lẻ loi hồi hộp thở 
Một đôi cành tơ liễu nhúng trong trăng! 

Nàng không lại, và nàng không lại nữa! 
Cả thân ta dần tan trong hơi thở 
Ôi đêm nay, lòng hỡi, biết bao sầu! 
Kìa trời cao, trên mãi chín từng cao 
Hồn ta bay trong một làn khói tỏa 
Chẳng biết rồi lưu lạc đàn nơi nao?

 

NGƯỜI THAY ĐỔI ĐỜI TÔI, NGƯỜI THAY ĐỔI THƠ TÔI

 

Những năm ấy tôi đi giữa lòng Hà Nội 
Không hay trong xà lim anh Hoàng Văn Thụ đang nằm 
Không biết anh Trần Đăng Ninh bị cùm tay mỗi tối 
Không hay trên biên thùy Bác đã dừng chân 

Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp 
Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa 
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép 
Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ 

Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết 
Người thay đổi đời ta đã về kia, ta vẫn không hay 
Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết 
Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày 

Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời thơ ấy 
Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không 
Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy 
Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng! 

Ta làm con nai lạc giữa rừng thu 
Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo 
Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ 
Làm tất cả! chỉ trừ không đổ máu! 

Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về 
Xa nước ba mươi năm một câu Kiều, Người vẫn nhớ 
Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa 
Lòng son ngời như buổi mới ra đi 

Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia. Ta nghe bừng tỉnh dậy 
Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường 
Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy 
Bức tranh làng Hồ và cô Tố nữ dáng quê hương 

Người đánh thức tương lai đã về kia, Bác hôn lên hòn đất 
Nghe trong tay trở dậy những thành đồng 
Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc 
Chừng Điện Biên rực lửa đã nằm trong 

Tôi ở đâu? Đi đâu? Tôi đã làm gì? 
Đời thấp thoáng sau những trang sách Phật 
Đất nước đau dưới gót bầy ngựa Nhật 
Lạc giữa sao trời, tôi vẫn còn mê... 

Chưa có gì dính líu giữa thơ tôi và truyền đơn Bác viết 
Tôi không biết khi Bác đau phải ăn một nắm lá rừng 
Trong nước mắt thơ tôi, tôi chưa ngờ chất thép 
Chưa thấy trong máu mình sắp cuộn máu nhân dân 

Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào? 
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc 
Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác 
Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu 

Ấy là khi ta có thể nhảy vào đồn mà không sợ lửa 
Ăn một miếng khoai bùi ta cảm thấy là ngon 
Khi riêng tây, ta thấy mình xấu hổ 
Khi nhìn đời, mỗi lá mỗi tơ non 

Khi uống ngụm nước trong, lưỡi ta không còn đắng chất thị thành 
Đời tươi mát như ao sen mùa hạ 
Anh em bốn bên mà ta ở giữa 
Có được trái cây thơ, ta biết quí cả mùa lành 

Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc 
Thành một nhành hoa mát mắt cho đời 
Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp 
Ta biết trong đời ta Bác đã đến rồi


 

TỔ QUỐC BAO GIỜ ĐẸP THẾ NÀY CHĂNG?

 

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm 
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? 
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất 
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc 
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn 
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc 
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng... 

Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả 
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn! 
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả 
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn 
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ 
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn... 

Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời 
Cửa vẫn đóng và Đời im ỉm khoá 
"Những pho tượng chùa Tây Phương" không biết cách trả lời 
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ... 
Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi! 

Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn 
Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ 
Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng 
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ 
Thịt xương ta giặc phơi ngoài bãi bắn 
Lại tái sinh từ Pắc Bó, Ba Tơ... 

Không ai có thể ngủ yên trong đời chật 
Buổi thuỷ triều vẫy gọi những vầng trăng 
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt 
Gỗ trăm cây đều muốn hoá nên trầm 
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt 
Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng... 

Ôi! Trường Sơn vĩ đại của ta ơi! 
Ta tựa vào Ngươi, kéo pháo lên đồi 
Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát 
Dưới chân ta, đến đầu hàng Đờ Cát 
Rồng năm móng vua quan thành bụi đất 
Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười! 
Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác 
Chim cu gần, chim cu gáy xa xa... 
Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt 
Đêm no ấm, giọng chèo khuya khoan nhặt 
Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta 

Rồi với đôi tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê... Đảng làm nên công nghiệp 
Điện trời ta là sóng nước sông Hồng 
An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép 
Loa thành này có đẹp mắt Người chăng? 

Ong bay nhà khu tỉnh uỷ Hưng Yên 
Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em 
Cây xanh ngắt đất bạc màu Vĩnh Phúc... 
Ôi! cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc 
Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên? 

Ôi, cái buổi sinh thành và tái tạo 
Khi thiếu súng và khi thì thiếu gạo 
Nhưng phù sa này đẻ ra những Cà Mau thịnh vượng mai sau 
Dẫu là Chúa cũng sinh từ ruột máu 
Ta đẻ ra Đời, sao khỏi những cơn đau 

Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn! 
Ôi! thương thay những thế kỷ vắng anh hùng 
Những đất nước thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận... 
Nhà thơ sinh đồng thời với mưa phùn và những buổi hoàng hôn 
Cả xứ sở trắng một màu mây trắng! 
Ai biết mây trên trời buồn hơn hay thơ mặt đất buồn hơn? 
Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn năm nào đấy nhỉ? 
Cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời 
Mắt được thấy dòng sông ra gặp bể 
Ta với mẻ thép gang đầu là đứa trẻ sinh đôi 
Nguyễn Văn Trỗi ra đi còn dạy chúng ta cười... 
Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ 
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ 
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi

 

 

TỪ THẾ CHI CA (I)


Anh không ở lại yêu hoa mãi được 
Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa 
Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó 


Anh thành một nhúm xương gio trong bình 
Em đừng khóc 
Ngoài vườn hoa cỏ mọc 


Cho dù trái đất không còn anh 
Anh vẫn còn nguyên trái đất 
Tặng cho mình 


Những kẻ nguyền rủa anh sẽ buồn 
Chả còn anh cho họ giết 
Dao sẵn rồi, họ không dễ để yên 


Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ 
Trong hạt sương, trong đá... 
Trong những gì không phải anh 

Anh tồn tại mãi 
Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi 
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên


(Viết trước khi mổ 21 ngày 
Bệnh viện Chợ Rẫy 29-8-1988)

 

TỪ THẾ CHI CA (II)

 

Có thể là trái đất mất anh hơn là anh mất nó 
Nó mất anh như mất một hạt bụi có nghĩa gì? 
Còn anh ngày mai khi đã là linh hồn, anh vẫn nhìn thấy nó 
Cha vẫn nhìn thấy con, thấy mẹ, thấy khu vườn 
Có điều ở thế giới ấy trong sáng, người ta không đau, không dùng nước mắt 
Người ta trong như thủy tinh, chỉ còn có tình thương 
Con vẫn nằm trong tầm mắt cha khi con đau khổ hay là khi hạnh phúc 
Còn như mồ cha, cái bình tro xương cha 
Có phải cha đâu? 
Ờ, ở thêm cùng các con, cùng mặt đất này dăm năm, dăm tháng, dăm ngày 
Có khi cũng là hay đấy 
Nhưng biết đâu chất thủy tinh sau đấy sẽ đục hơn 
Cuộc sống của vũ trụ là một Bi Kịch Vui 
Hay đó là một nỗi Buồn vĩ đại làm phấn chấn 
Và khi nhìn trời xanh, con yêu, ấy chính cha rồi!

8-9-1988 

 

ĐÔNG KY SỐT

 

Quá nhiều bất công 
Tội ác trùng trùng 
Chả hiệp sĩ nào buồn xách gươm lên ngựa 
Gươm muốn làm lành cùng cối xay 
Bảo là nó không xay người 
Mà chỉ là xay gió! 
Đuynxinê khuyên chàng thúc thủ 
Đừng ăn cơm nhà, đi làm các chuyện vô công! 
Xăng sô tìm nơi ngủ 
Tin rằng không cần nhiều sự 
Tự nhiên trời đất sẽ hồng 
Con ngựa gầy, thả ra cho nó đi ăn cỏ... 
Đông Kisốt tản bộ 
Cùng cô nàng đi dạo bên sông... 

Cấm tái bản Đông Kisốt 
Hoặc in toàn bộ 
Tóm nó lại thành bài ca 
Thiên hạ đại đồng

1985 

 

NGƯỜI MAI SAU

Cái không đáng khóc bây giờ, ta sẽ khóc mai sau 
Mai sau, mai sau khi chẳng còn ta nữa 
Một chút nắng xao ở đầu ngọn gió 
Là ta đấy mà, ai có biết đâu? 
Họ ngờ chỉ là mùa xuân trong vườn của họ 
Có biết đâu đấy là người xưa về trong gió còn đau 
Họ có khóc, ngờ đấy là lệ họ 
Không hay nhân loại nằm ở dưới bề sâu
 

 

THƠ THẾ KỶ 21

 

Thơ không thể cù lần 
Các chữ hóa thần 
Các chữ thành thiêng 
Mà thơ cần cà chớn 
Đấy là một cách đa nghi thơ 
Ưng bay trên đầu người, trong khí quyển 
Ta lôi thơ xuống bùn, chạm vào đất đen 
Nói chuyện thường ngày, vặt vãnh quàng xiên 
Lột trần áo bào và mũ triều thiên 
Thơ cầm bị gậy đi ăn xin ở bên đường nhân loại trẩy... 
Thơ thế kỷ 21 mà! 
Làm sao có thể hồn nhiên 
Sau hai ngàn năm tìm tòi phá phách 
Râu dưới cằm và lông trong nách 
Tóc trên đầu hay bóng người trên vách... 
Thơ cũng nói hết rồi! 
Hàng ngàn năm nghiêm trọng đủ rồi! 
Giờ thơ thử chơi: 
Chơi! Nghịch. Đùa. Thế tục. 
Thượng đế có tên: Cậu Huế


1987 


 

ĐỊNH NGHĨA DÂN TỘC

Dân tộc muốn sống giữa lửa chiến tranh và lũ lụt của người 
Vỡ đê biển với vỡ đời 
Dân tộc không thể biến đi mà chỉ hóa 
Không để Tháp, Mộ Lăng, Mồ Mả... 
Để Hề Gậy, tiếu lâm và một chuỗi cười 
Dân tộc bốn nghìn năm bị cái dạ dày làm khổ 
Buôn đầu chợ bán cuối chợ 
Khổ trên sông và khổ bên sông 
Lụt sông Mã, sông Thương, sông Cái, sông Hồng... 
Bo bo hạt gạo bằng trời của mình 
Tấm mẳn của mình 
Vơ bèo gạt tép mà tồn tại 
Do đó phải nhờ Bụt, nhờ Trời, nhờ Chúa, nhờ Nàng Tiên cứu rỗi 
Khi sống ăn cơm 
Chết nhờ húp cháo lá đa mà tồn tại 
Dân tộc có quá nhiều kẻ thù 
Nên phải làm lành 
Dân tộc Thiền tông 
Hết giặc rồi, đổ căm thù xuống bể xuống sông 
Gieo nắm thóc trên đất đen cho nó nảy mầm 
Gieo nắm thóc trên đất đen như máu đỏ bầm 
Gieo cái hôn trên môi như thóc cháy nảy mầm 
Ấy thế mà hay lật ngược mình ra phơi tiềm lực 
Hôm nay (...) chỉ vì hôm qua có 
Hôm nay lợn ỷ, gà chuồng 
Mà ngày mai gà lợn âm dương 
Đám cưới chuột huy hoàng 
Ngũ sắc 
Hóa, hóa chứ sao? 
Không thể chỉ có một bề, một mặt 
Hôm qua là chú bé Gióng 
Hôm nay roi, ngựa sắt 
Hóa xoan đào, hóa vàng anh, hóa Nàng Tiên... 
Nhiều tai ương 
Nên phải nhờ thần Kim Qui, nhờ Đạm Tiên, nhờ Bụt... 
Dân tộc trầm luân trong sóng Tiền Đường 
Thế nhưng đánh giặc xong rồi 
Thì vất đi roi sắt 
Vất cả khóm tre ngà nhổ lên đánh giặc 
Hóa làm đứa trẻ thơ 
Lạy mẹ 
Rồi bay về trời, mắt thơ ngây đầy lệ 
Bay về trời hút bóng giữa tre xanh 
Dân tộc làm gián cách 
Hề về những nỗi đau khiến mình xé rách 
Lấy tiếng cười tạo ra nỗi đau, quãng cách 
Trước khi đau 
Thành Hề Gậy, Hề Mồi, tiếu lâm, chú Tễu... 
Cuộc đời rất đểu 
Phải vui mà đương đầu 

Ừ dù sao cũng không thể biến đi mà cần tồn tại 
Và phải hóa thì mới đương đầu nổi 
Trở thành Ta cật vọt hơn mình 
Bác đã làm như vậy 
Đất nước nghèo, từ người thư sinh áo vải 
Hóa thân thành lãnh tụ 
Xong giặc rồi, hóa tinh thần 
Về lại giữa ca dao


1987 
(Nguồn: Chế Lan Viên toàn tập, Nxb Văn học, 2002 (Vũ Thị Thường sưu tầm, biên soạn)

 

QUAN NIỆM THƠ

Làm thơ xưa như ông từ trịnh trọng vào đền 
Như chú rể lần đầu tiên sang nhà bố vợ 
Như thần tử quì trước ngôi mặt Chúa 
Như là người mọc cánh thành tiên... 
Làm thơ ngày nay như người diễn xiếc 
Như chú hề lùn yêu cô nàng mắt biếc 
Có cái gì quỉ quái ngây ngô 
Primitif như tranh của Rousseau 
Rất đỗi dại khờ 
Tỉnh bơ 

*** 

Làm thơ chứ không để thơ làm 
Càng không để rượu làm, chữ làm, vần làm 
Cuồng tín 
Thơ là chưa bay mà đã đến 
Là đang yêu bỗng giã từ 
Là ba chữ thôi mà là bể, là giếng, là kho vàng hiển hiện 
Là hoa sen cười nửa miệng mà Chân Như

 

HỒI KÝ BÊN TRANG VIẾT

 

Tôi tiếp cận trang giấy ngày mười sáu tuổi 
Bây giờ sáu ba 
Cái trang mơ ước một đời chưa với tới 
Dần xa 
Tôi như người xâu sợi chỉ vào cây kim ngay trước mặt 
Chỉ sắp lọt rồi. Kim bỗng lùi xa 
Tôi bước lên một bước. Kim lùi thêm một bước 
Ấy thế mà hết một cuộc đời văn học 
Tính tháng ngày, nửa thế kỷ trôi qua... 
*** 
Phải đâu tôi quá nhác lười 
Khi gà te te đầu thôn, gà te te cuối xóm 
Tôi đã dậy, cày vào trang giấy trắng 
Ngọn đèn thơ đối chọi ánh sao Mai 
Khi trong tổ mẹ con chim còn ngái ngủ 
Sông bên ngoài còn chậm chạp dòng trôi 
Lá còn giọt sương đêm trong mắt nhỏ 
Con ong thơ đã bay đi kiếm mật phía chân trời... 
Biết bao đêm, trang giấy ngủ rồi, tôi thức gắng 
Con vạc ăn khuya, con mối chết bên đèn 
Mùi hoa bưởi lừng lên giữa trời vắng lặng... 
Những gì chưa kịp nghĩ ban ngày, tôi đợi giữa lòng đêm 
Tôi tỉnh dậy! Chói lòa Trang giấy trắng 
Như con đường hun hút về Vô Tận 
Để bơ vơ ngòi bút của tôi qua 
Nhìn trang giấy biết mình hữu hạn 
Ngủ đi thôi! Kìa lại sắp tiếng gà! 
Nhớ buổi đầu trang giấy gọi kêu tôi 
Cái quãng trống, quãng trắng, quãng vô hình cần chiếm lĩnh 
Cái đỉnh tư tưởng, ngôn từ lên cao sẽ với được trời 
Tôi ngỡ dễ! Lao ào vào trận đánh 
Mẹ đói cần cơm ăn, tôi cho mẹ Trang Thơ và nhúm cỏ hái trên Trời 
Ôi, tuổi trẻ thơ ngây và khờ dại 
Một chút biếc ở đầu cây, tôi ngỡ đấy là tài 
Sức lực bé mà ham nói điều vĩ đại! 
...

1983 
(Bài thơ còn dở dang, chưa viết xong) 

 

KỊCH 2

 

Như nhà đóng kịch, đóng trăm vai bây giờ chán kịch 
Về cuối đời chơi con rối ngu ngơ 
Không tin vào cái thông minh của mình mà tin vào con rối dại khờ 
Nó gật đầu ư, hồn mình gật theo 
Nó chớp mắt, lòng ta chớp với 
Như nhân loại đã nghìn vạn năm nhân loại 
Bây giờ muốn đóng đứa trẻ thơ một tuổi 
Xưa tôi làm thơ, giờ thử để Thơ làm


1987 


 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *