Từ đời vào văn

2/4
8:57 PM 2017

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: TÀI NĂNG CỦA CÁ NHÂN-TÀI SẢN CỦA XÃ HỘI

Hội Nhà văn Việt Nam đang bước tới điểm mốc lễ kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập của mình vào đầu tháng 4 năm 2017. 60 năm đồng hành cùng sự nghiệp Cách mạng của dân tộc, 60 năm gắn bó máu thịt với đời sống của nhân dân. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo Văn nghệ nhân dịp này.

                                               Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam   

Có thể nói, trong suốt hành trình ấy, với Hội Nhà văn Việt Nam là cả một quá trình luôn vận động để phát triển, với tất cả tài năng, tâm huyết và khát vọng sáng tạo…

“Tài năng của nhà văn trước hết thuộc về cá nhân, nhưng nó cũng là tài sản của xã hội. Tài năng chỉ trở nên có giá trị khi mang ý nghĩa xã hội…”. Bài học từ thành tựu của 60 năm qua đã được đúc kết lại để làm hành trang bước sang một giai đoạn mới, với tất cả mọi thuận lợi cũng như nghiệt ngã của nó.

60 năm là một thành tựu. Nhưng thành tựu đó cũng là cơ sở của một khởi đầu.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo Văn nghệ nhân dịp này. Cuộc trao đổi ngắn, nhưng đã đề cập vào những vấn đề hết sức trọng tâm của đời sống văn học, hôm qua, hôm nay và cả tương lai.

 

 

Lý tưởng và khát vọng sáng tạo luôn gắn với trách nhiệm xã hội của nhà văn           

 

Đây là thành tựu, và cũng là bài học lớn nhất sau 60 năm của Hội Nhà văn. Trong 60 năm qua, các nhà văn Việt Nam luôn là người đồng hành chung thủy cùng dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến, sang thời kỳ đổi mới… ở thời kỳ nào, nhà văn cũng là những người luôn dấn thân hết mình vào với sự nghiệp Cách mạng, thực sự giữ vai trò là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận Văn hóa tư tưởng, tiếp năng lượng tinh thần cho nhân dân và cho những người lính ngoài mặt trận. Trong sự nghiệp ấy, các nhà văn đã xông pha vào những nơi gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến cũng như của đời sống, nhiều người đã ngã xuống như một anh hùng… Sự hy sinh to lớn ấy đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi và thành quả Cách mạng của nhân dân. Và đó cũng là lý tưởng xã hội của nhà văn…

 

Thâm nhập với đời sống để tạo ra một nền văn học mới

 

Đó là một nền văn học rất thời sự, luôn gắn bó với những sự kiện trọng đại của đất nước và cũng rất đời thường. Đó là một nền văn học rất truyền thống nhưng lại cũng rất hiện đại; rất Việt Nam nhưng lại nhịp bước cùng nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử có những con người bình thường đã bước chân vào văn học như một nhân vật trung tâm. Đó là nền văn học đổi mới sâu sắc của tư duy văn học, của nội dung tư tưởng chứ không phải chỉ riêng hình thức… Có thể nói những gắn bó sâu sắc với đời sống mà các nhà văn Việt Nam trong 60 năm qua đã tạo nên được một nền văn học đầy hào khí đa dạng, phong phú, xúc động và tỏa sáng các giá trị …

 

Xây dựng Hội và tập hợp đội ngũ

 

60 năm cũng là quá trình Hội Nhà văn Việt Nam tập hợp được đông đảo các nhà văn có khát vọng, có tài năng tâm huyết cùng sánh bước dưới mái nhà chung ấm áp của mình. Nhiều lớp nhà văn mới đã xuất hiện, đem tài năng và tâm sức của mình sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị. Tài năng của nhà văn trước hết thuộc về cá nhân, nhưng nó cũng là tài sản của xã hội. Tài năng chỉ trở nên có giá trị khi mang ý nghĩa xã hội… Trách nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam là phải luôn mở rộng cánh cửa để tập hợp, đoàn kết các tài năng văn học ấy, từ đó tạo điều kiện để khuyến khích các nhà văn sáng tạo và cống hiến. Một gia đình yên ấm, một mái nhà đồng thuận sẽ làm cho mỗi người say mê hơn, tự tin hơn trên con đường sáng tạo hết sức cô đơn của nhà văn…

 

Mở rộng giao lưu & hội nhập quốc tế

 

Giao lưu và hội nhập quốc tế được xem là một cánh cửa để giới thiệu vẻ đẹp của văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới bằng con đường văn học. Thông qua văn học, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn và ngược lại, cũng nhờ có giao lưu mà chúng ta cũng học được từ thế giới rất nhiều những tinh hoa tốt đẹp để làm giàu hơn cho nền văn học Việt Nam. Với quan điểm không để Việt Nam chỉ là thị trường tiêu thụ văn hoá thế giới, mà phải là đối tác giao lưu văn hoá với thế giới trên tinh thần bình đẳng và thân thiện, chúng ta cần hiểu biết thế giới thì thế giới cũng có nhu cầu hiểu biết Việt Nam; trong những năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh các mối quan hệ ngoại giao trên lĩnh vực văn hóa và văn học. Kết quả của những hoạt động này đã khẳng định một hướng đi đúng, làm thức dậy nhiều tiềm năng và hiệu quả... Không chỉ có thế, thông qua giao lưu văn học, chúng ta còn hướng đến những mục đích cao cả, mục đích bảo toàn thế giới của văn học, bằng việc thiết lập những cây cầu hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc và các quốc gia…

 

Luôn luôn tự hoàn thiện và đổi mới

 

Nhìn lại chặng đường 60 năm đã qua, có thể nói nền văn học Việt Nam là một nền văn học luôn vận động và phát triển. Vượt qua rất nhiều cột mốc, vượt qua sự ấu trĩ, sơ lược, xơ cứng, gò bó… nền văn học của chúng ta thực sự là một quá trình liên tục của sự tự hoàn thiện và tự đổi mới. Biết tiếp nhận cái mới có thể xem là một trong những đặc điểm của văn học Việt Nam. Đặc điểm này sẽ là cơ sở vững chắc và đảm bảo cho những cọ xát của văn học với những biến động của đời sống xã hội hiện nay…

Có thể nói chưa bao giờ nhà văn có được những điều kiện thuận lợi như bây giờ. Đất nước hòa bình là cơ sở để văn hóa tiếp cận ngày càng sâu rộng với đời sống. Nhà văn đứng trước vô số những cơ hội để đi lại, giao lưu, tiếp xúc với thực tế đời sống của nhân dân, tiếp cận thông tin, tiếp  cận với văn hóa thế giới… Điều kiện in ấn, xuất bản cũng thuận tiện hơn cho việc công bố tác phẩm… Tuy nhiên chúng ta cũng đang phải đối mặt với vô số những khó khăn, thử thách, mà một trong những thử thách lớn nhất chính là vấn đề thị trường. Làm thế nào để sản phẩm của văn học vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường mà vẫn giữ được những giá trị của một sản phẩm văn hóa thực thụ, chứ không bị biến thành những món hàng rẻ rúng? Làm thế nào để văn học vừa giữ được tính dân tộc trong khi vẫn tiếp thu những giá trị của thế giới? Tất cả những vấn đề đó đang là trách nhiệm đặt trên vai mỗi nhà văn, mà để làm được một điều gì đó, không có cách nào khác là nhà văn phải luôn luôn tự làm mới mình…

*

Văn học chỉ có thể trở thành những giá trị lâu bền khi nó thực sự trở thành văn hóa. Chính vì vậy mà một trong những nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho văn học lúc này là phải tập trung vào chất lượng và hiệu quả. Đây chính là yếu tố tác động trực tiếp vào con người, vào tư tưởng, tình cảm, vào quá trình Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Thực tế hiện nay thị trường đang tạo ra một áp lực rất lớn đối với văn học. Trách nhiệm của nhà văn là phải vượt lên khỏi những áp lực đó, tránh lối viết chạy theo thị trường, chạy theo những thị hiếu tầm thường… Bạn đọc ngày nay khác trước nhiều lắm rồi, vừa hiểu biết, vừa sành điệu. Dân trí càng cao, người đọc càng có quyền lựa chọn, và họ càng đòi hỏi những tác phẩm thực sự có chất lượng. Nói người đọc quay lưng lại với văn chương không thôi thì chưa hẳn, vì thực ra họ chỉ quay lưng lại với những sản phẩm nhạt nhẽo, trung bình. Người đọc hiện nay không chấp nhận sự trung bình…

Chúng ta trân trọng mọi tài năng, trân trọng mọi tìm tòi, sáng tạo của mỗi người. Song tài năng của cá nhân chỉ được phát huy khi tạo ra những sản phẩm tác động vào xã hội trở thành ký ức của nhân dân. Với văn học, chất lượng và hiệu quả của tác phẩm chính là thước đo giá trị của nhà văn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh kết luận như vậy.

Lương Ngọc An thực hiện

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *