Tin tức

27/4
11:15 AM 2017

NHIỀU HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CHÀO MỪNG NGÀY 30-4 VÀ 1-5

TUYÊN HÓA tổng hợp

Triển lãm ảnh "TP Hồ Chí Minh 42 năm hòa bình, phát triển và hội nhập"

Sáng 25-4-2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn đã khai mạc triển lãm ảnh "Thành phố Hồ Chí Minh 42 năm hòa bình, phát triển và hội nhập". Triển lãm trưng bày 80 ảnh giới thiệu khái quát cuộc đấu tranh hào hùng của quân và dân miền Nam, sự đóng góp công sức, chi viện từ tiền tuyến lớn miền Bắc, bằng sự động viên sức người, sức của to lớn để tiến công và giành chiến thắng trên cả 3 mặt trận: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Sài Gòn. Triển lãm cũng giới thiệu đến người xem hình ảnh Sài Gòn-TP.HCM sau 42 năm hình thành và phát triển với nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, hiện đại, xứng đáng một đô thị năng động trong khu vực và thế giới.

Cùng thời điểm này, tại trục đường Đồng Khởi và Cung Văn hóa Lao động, Ban Tổ chức các Ngày lễ lớn của thành phố cũng trưng bày triển lãm “Phát huy truyền thống yêu nước của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và Triển lãm “Tích cực bảo vệ sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”.

Triển lãm giới thiệu 120 bức ảnh sinh động về phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, lực lượng công nhân đã chủ động, phát huy vai trò tiên phong góp phần đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Các triển lãm trên diễn ra từ nay đến hết ngày 10-5-2017

(Theo: dangcongsan.vn)

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc

 Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội vừa thông báo rộng rãi kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn. Theo đó, dự kiến các đoàn nghệ thuật của Hà Nội sẽ thực hiện 30 buổi diễn trong hai ngày 30-4 và 1-5 tại 30 quận, huyện, thị xã trong toàn thành phố.

Cụ thể: Nhà hát Cải lương Hà Nội chuẩn bị các tiết mục tân cổ, chùm hài kịch ngắn để biểu diễn tại quận Ba Đình; Nhà hát Chèo Hà Nội chuẩn bị các tiết mục dân ca, trích đoạn chèo biểu diễn tại quận Nam Từ Liêm và Đông Anh; Nhà hát kịch Hà Nội thì dọn “đặc sản” là chùm hài kịch gồm các tiểu phẩm “Thử thách”, “Ghen”, “Tình yêu lính đảo” để đến vùng ngoại thành Ba Vì, Phú Xuyên trình diễn… Bên cạnh đó, những đoàn nghệ thuật khác như: Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Trung tâm Văn hóa thành phố, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam… cũng có nhiều chương trình ca nhạc ca ngợi quê hương đất nước, Hà Nội… Ngoài ra, hai đoàn nghệ thuật của tỉnh bạn cũng góp vui với sân khấu Thủ đô. Đó là Đoàn Cải lương Hải Phòng tham gia với vở diễn “Một giờ ở nhà hộ sinh” và chùm ca khúc tân cổ… biểu diễn tại quận Long Biên. Đoàn Cải lương Thái Bình dàn dựng trích đoạn “Hoa hậu dạy chồng”, “Nghêu sò ốc hến” và các bài hát tân cổ để phục vụ nhân dân huyện Đông Anh…

Bà Trịnh Thúy Mùi, giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, các nghệ sĩ của Nhà hát luôn sẵn sàng cho các chuyến đi biểu diễn phục vụ bà con trong những ngày lễ trọng đại của đất nước. Các tiết mục của Nhà hát cũng được các nghệ sĩ dàn dựng và tập luyện biểu diễn từ nhiều ngày nay.

Chương trình nghệ thuật “Bài ca hòa bình” diễn ra tại Tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ vào lúc 20h ngày 29-4 là điểm nhấn trong loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng ngày 30-4 và 1-5. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở dòng nhạc nhẹ như: Tùng Dương, Lưu Hương Giang, Thu Minh… Tuy mời những gương mặt của làng giải trí tham gia biểu diễn nhưng đơn vị tổ chức đã dàn dựng 14 tiết mục là những ca khúc cách mạng tiêu biểu và nổi tiếng.

Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động khác như: trưng bày triển lãm chuyên đề ảnh tại di tích Nhà tù Hỏa Lò và nhà Bát giác (khu vực Tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ); Tổ chức chiếu phim phục vụ các tầng lóp nhân dân Thủ đô...

(Theo: hanoimoi.com.vn)

Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 7-2017

Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 7-2017 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sẽ diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5-2017 tại thành phố Huế. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định, nâng cao vị thế của Cố đô Huế - thành phố Festival của Việt Nam - thành phố Văn hóa ASEAN và là nơi tôn vinh các làng nghề truyền thống.

Trải qua 6 kỳ tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế đã tôn vinh nhiều nghề truyền thống ở Huế cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Các nghệ nhân và thợ truyền thống ở khắp nơi ngày càng hào hứng tham gia Festival. Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề kim hoàn Tịnh Tâm Kim Cổ tại thành phố Huế đã ra đời, được triển khai xây dựng bắt nguồn từ Festival Nghề truyền thống Huế, khi nghề kim hoàn được tôn vinh. Làng hoa giấy Thanh Tiên của Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cũng được nhiều người biết đến nhiều hơn từ Festival Nghề truyền thống, rồi trở thành điểm đến hấp dẫn và được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là “Làng nghề được yêu thích nhất Việt Nam năm 2015”...

Tại Festival Nghề truyền thống Huế năm nay, người dân và du khách đến Huế tiếp tục được chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm nghề truyền thống nổi tiếng của vùng đất cố đô và của nhiều làng nghề trong nước gồm: Thêu, dệt, pháp lam, kim hoàn, chạm khảm, mỹ nghệ đồng, trúc chỉ, gốm, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, tranh Đông Hồ... và các loại bánh, đặc sản ẩm thực Huế. Các hoạt động văn hóa như trưng bày bộ sưu tập “Gấm vóc vàng son thời Nguyễn” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và nhà sưu tập Hoàng Văn Kim gồm tranh, trướng thêu bằng chỉ màu trên gấm vóc và các vật phẩm bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng thời Nguyễn; Liên hoan diều nghệ thuật “Những cánh bay Việt Nam” cũng được đưa vào tại Festival lần này.

Đặc biệt, Festival năm nay có nhiều làng nghề trong nước và quốc tế hội tụ. Hiện tại đã có trên 34 cơ sở nghề, làng nghề truyền thống ở Huế và 20 cơ sở nghề, làng nghề tiêu biểu, đặc sắc trong cả nước đăng ký tham dự. Trong đó có những làng nghề và cơ sở nghề ở xa, lần đầu tiên tham dự Festival, như dệt lanh thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình); làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); dệt lụa Nam Cao (Thái Bình); làng gốm Mỹ Thiện 200 năm tuổi; dệt làng Teng (Quảng Ngãi); làng nghề sản xuất gốm, thảm lục bình xã Bình Ninh (Vĩnh Long); mộc mỹ nghệ Chuyên Mỹ (Hà Nội)... Dọc con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và một số khu vực công viên phía nam sông Hương là nơi trưng bày của các làng nghề Việt Nam, nhằm thuận tiện trong việc quảng bá sản phẩm.

Festival làng nghề Huế không những là nơi tôn vinh tinh hoa nghề Việt, mà từ năm 2013 đến nay, còn là nơi gặp gỡ các làng nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các thành phố quốc tế. Festival năm nay có sự tham gia của 5 thành phố và doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, góp phần tạo nên sự phong phú, mới lạ, nâng tầm Festival. Không gian trưng bày của các thành phố quốc tế sẽ là Bảo tàng Văn hóa Huế .

(Theo: laodong.com.vn)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *