Tác phẩm và dư luận

3/6
8:32 AM 2017

LAN MAN VỀ THƠ VĂN ĐẮC THI SĨ

Ngô Minh-1. Đầu Xuân Giáp Ngọ (2014), nhà thơ Văn Đắc tặng tôi tập THƠ VĂN ĐẮC ( NXB Hội Nhà văn, 2013) dày 270 trang. Có lẽ đây là tập tuyển thơ của nhà thơ Xứ Thanh quý mến này. Tôi đã đọc kỹ, rất thích, định viết cái gì đó về tập thơ rất đáng đọc này.

                                             Nhà thơ Văn Đắc

Nhưng rồi “đồng tiền bát gạo” bận bịu cứ kéo người đi, nên ý định cứ trôi theo. Hôm trước, lục lọi tìm cái gì đó trong tủ sách, gặp lại Thơ Văn Đắc, lại đọc lần nữa. Dù đã quen thơ, quen người, vẫn rất ngạc nhiên về sức cuốn của Thơ Văn Đắc!. Thế là lan man về thơ Văn Đắc để tìm ra cho mình cài gì đó trên con đường thơ thăm thẳm.

 

        Tôi người Thanh Hóa/ …/Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên. Đó là những câu thơ thốt lên, vang lên từ tâm khảm. Thốt lên khác với nghĩ ra hay làm ra. Chỉ có thi sĩ thực sự mới thốt lên thơ như thế. Chỉ có thi sĩ mới bất chợt nhận ra Tôi người Thanh Hóa. Đó là câu cảm thán chứ không phải câu kể hay khai lý lịch. Chỉ có thi sĩ lãng tử, ngu ngơ mới bỗng giật mình thấy bầu trời quê hương như cái vó, mình được vớt lên từ cái vó ấy. Thật ám ảnh! Hội nhà văn Việt Nam ước có hơn 500 hội viên thơ, nhưng thi sĩ thật sự thì không nhiều. Có những người in tới chục tập thơ, nhưng tìm đọc đỏ mắt không thấy câu thơ  tài hoa, thi sĩ. Đó gọi là những người làm thơ. Họ sắp xếp chữ, câu để thành một bài thơ theo một chủ đề nào đó. Thơ họ chặt chẽ cấu tứ, nội dung, khôn ngoan hướng về những đề tài đang nóng, để dễ nhận giải thưởng. Nhưng thơ ấy không phải thứ thơ thốt lên, không làm người đọc nổi da gà, vỗ đùi reo lên “tiên sư thằng Táo Tháo!”

 

      Văn Đắc là thi sĩ. Thi sĩ là người sống lãng đảng, lơ ngơ trước đời, trước người với hồn thơ như ăng ten giăng mắc. Nhờ cái ăng ten thơ ấy họ lang thang tìm và  đến với cái đẹp, như ong bướm đến với bông hoa. Bài thơ Tôi người Thanh Hóa của Văn Đắc  gồm 7 đoạn, 130 câu thơ, lại nói về một đề tài quê hương, rất dễ bị “ tuyên giáo hóa”, nhưng với Văn Đắc thi sĩ lại khác. Hình như anh không muốn dạy dỗ ai điều gì. Mà anh chỉ nói về mình “ Tôi không lẫn vào ai đượcChỉ rặt một màu Thanh Hóa mẹ cha tôi ”. Anh chỉ nói về mẹ cha, anh chị, bà con, làng xóm , người lên núi Nhồi đập đá “ ngực đập âm âm tiếng đá núi Nhồi ‘. Anh nói về dân rau má, về rượu Cầu Lộc, về Trang Quỳnh bông lơn, về Mai An Tiêm  “không ở đất liền thì ra đảosinh hạ những mùa dưa…. Rứa mà thành quê hương hồn cốt. Có đoạn thơ thật say, thật đẹp về cái chất “anh hùng xứ Thanh” :

                            Thích thì vác đá xây thành

                             Uất thì chọc thủng trời xanh mà cười

                             Lành làm gáo, vỡ làm môi

                             Rượu suông rất dễ động trời mà say

                                                          ( Tôi người Thanh Hóa)

 

      2. Người đời hay nói “anh này / cô này rất nghệ sĩ hay rất thi sĩ”. Thi sĩ là người phóng túng, lãng mạn tung tẩy, thích xê dịch, tâm hồn rất trẻ nít. Nhà thơ Văn Đắc là người như vậy. Cái làng Triều, vùng biển Sầm Sơn Thanh Hóa ấy đã sinh ra một người con lạ lùng, ắp đầy chất biển. Biển như thi sĩ. Chất chứa mà thẳm xanh. Mênh mông mà cô độc. Lặng im mà bão tố. dông gió mà bao dung…  Văn Đắc đang làm thấy giáo dạy cấp 3, dạy Cao đẳng Sư phạm hẳn hoi,”tương lắm lắm”, lại bỏ đi làm thơ , tức là làm ra cái vu vơ, rách việc!  Và từ đó anh chỉ biết có thơ. Với Văn Đắc, thơ là Thánh Đường, mình là con chiên, không màng chức tước, danh vị, cả nhắn tin điện thoại cũng không biết, chẳng meo miếc gì…. Có lẽ vì vô tư thế mà thơ Văn Đắc có quá nhiều câu thơ tưng tửng mà hay và lạ, viết như không viết. Ngỡ như không phải người viết mà ma viết!. Xin đọc to vài câu cho sướng. Tôi không chú trích ở bài nào vì những câu thơ hay bao giờ cũng có thể đứng độc lập:

 

       Trời cửa Lạch như một vần thơ cổ; Ta lẻn khỏi tuổi ta; Gió cung phi thổi mãi; Thì em mồ hôi ướt hai đầu vúĐang vui phấp phỏng buồn đây/ Rượu ngon phấp phỏng mình say một minh ; Có người lấy đũa uốn cong / Đo trời đất ở trong phòng mà chơi ; Mới biết đất này tắt cả những dòng sông / Chảy mạnh vô cùng mà vô cùng im lặng…Viết về người đi kheo để đánh cá ở biển,chiều vác kheo về,  nhà thơ viết: Và tôi thấy/ Biển nằm ngang trên vai bác thì tài quá! Đây nữa: Cái nỗi muôn đời thi sĩ / Luôn có cuộc đưa tang trong khoảng trống tâm hồn; Tóc vừa xỏa xuống vòng tay / Buông ra trắng một khoảng mây rợn trời ;  Phai thì lặng lẽ mà phai / Tím như áo tím phơi ngòai chiêm bao; Ai kê sông lệch bên trời/ Để câu ca Huế một đời rơi nghiêng; Thời trai trẻ tôi đi tìm/ Bến xưa đã lở vào miền bơ vơ.v.v…Có câu thơ viết như đừa, như không mà thẳm sâu triết lý :Đá đã ngủ mà tôi còn cúi hỏi /Biển cợt đùa cứ ngỡ biển đăm chiêu…Trong thơ Văn Đắc hình như bài nào cũng có những câu thơ hay, đa nghĩa, đa cảm như thế. Những câu thơ sâu thắm, lấp lánh ấy có thể viết cảm bình đầy cả trang giấy!

 

       3. Thi sĩ là loài ( chữ của Hàn MặcTử) đa tình, đa mang, hay vơ vào. Văn Đắc cũng cái nòi ấy. Thì ta đâu dám quản chi / Một mình trèo núi, lội khe với tình. Ảnh bảo Ai cũng giống nhau cái tình/ Thế mà…/ Ai cũng…/ Trói cái tình thật dày. Rồi thi sĩ bâng khuâng, lí lắc  Gửi lời đến với ai đây / Buông ra thì khổ, cầm tay lại sầu (Gửi những người đàn bà). Khi đã si mê thì cái gì cũng sẽ đến :Tay em đã vịn vào cành/ Thì bao nhiêu lá cũng thành lời yêu (Vụng thầm). Có khi tình rất quyết liệt. Em là rượu để thi sĩ say. Em rót vào ta/ Rượu rót vào chai…đến lúc:

                               Chả lẽ ôm chai khô khốc trong tay

                               Để chịu khát hết một đời trai trẻ

                               Dẫu mang tiếng ta cũng đành đập vỡ

                               Xem mảnh chai nào ngấm rượu của em không.

Văn Đắc có câu thơ tình rất đưa đẩy, “nịnh đầm” quá khéo: Mùa đông có già đâu / Mà em ghé đầu vào anh cho trẻ lại/ Để suốt đời trong anh em là con gái ( Áo đỏ- tặng vợ T. Kh). Chao ơi, thơ như thế xin bái lạy!

 

       Nhưng Văn Đắc không phải chỉ yêu em, tìm em, theo em, luôn mơ tưởng đến người đẹp :Ta nhận ra em nhìn nửa mắt sau vai, mà thi sĩ còn bồng bế, ôm ấp: Mà sáng nào cũng thế/ Em dậy sớm/ Rúc vào anh như con chó con ( Chấp nhận). Nhà thơ nổi tiếng Nguyên Sa có câu thơ hay được nhiều người khen : Hôm nay Nga buồn như con chó ốm . Nếu so thì câu thơ  Rúc vào anh như con chó con của Văn Đắc đậm sắc dục hơn, vì không chỉ nhìn, cảm mà còn “đụng chạm”. Thơ tình của Văn Đắc có nhiều trực cảm sex, hiện đại ám thị; Chiêu đã khép ngực trời sau lưng/ Hai ta áo đen cài hàng khuy lại ; Thân thể nàng một sợi mây lột vỏ/ Quấn vào ta…; Cô gái xốc chàng trai vào ngực / Quất ngựa lồng lên trên sa mạc điên rồ…Ghê quá! Nhân đây tôi xin nói thêm một điều rất hệ trọng với thơ: Hình như Văn Đắc luôn ở trong “từ trường yêu” thường trực ấy. Nhờ sống trong cái từ trường yêu đó nhà thơ luôn hưng phấn cao độ, sáng láng cao độ, luôn đẩy tới tận cùng của tư duy hình tượng, từ đó viết về đề tài gì cũng hay!

 

       4. Nhà thơ Trần Nhuận Minh bảo rằng, khi anh ngồi tuyển lại thơ mình, cả mấy trăm bài thơ viết suốt mấy chục năm, từ 1986 trở về trước, anh loại bỏ gần hết, anh chỉ chọn 27 bài in tuyển để kỷ niệm, để người đọc biết rằng thời ấy mình đã viết như thế. Vì thơ ấy là thơ để tuyên truyền, phục vụ, thơ của cái “chúng ta”, không phải của mình! Thơ Văn Đắc thời “ muôn người như một” ( ca từ Hoàng Vân) ấy, cũng viết về cái ta mà cứ thấm đẫm cái “tôi”. Bài thơ Làng sơ tán  viết năm 1969-1979, viết về làng anh, nhưng là viết về nhà anh, mẹ anh rất đỗi thân thuộc, gần gũi: Chiếc chum vỡ mẹ kê dựng nước/ Nhớ mặt giếng xây thao thức một vầng trăng. Bài thơ Hạt phù sa viết ở Thạch Thành tháng 8/1975 là cảm xúc của cái tôi đa tình: Vầng trăng cuối tháng lẳng lơ / Ai hái dâu về tắm bến. Bài Thăm đền An Dương Vương viết ở Diễn Châu, Nghệ an 1974 cũng đậm cái tôi ấy: Tôi bâng khuâng đứng lặng ráng chiều hồng/ Nghe gió bấc lật qua nhiều trang sử. Kể về cô gái làng Yên Vực xắn quần lội qua phù sa trong bài thơ Bài thơ làng Yên Vực viết ở Hàm Rồng năm 1985, nhà thơ cứ hỏi mãi Cô gái chèo thuyền đi đâu, để rồi bâng khuâng  : Như là hẹn và như là lỡ hẹn / Tôi cứ đi như một kẻ si tình. Hay bài thơ dài Tôi người Thanh Hóa mà tôi đã dẫn ở trên, tuy nói về tình yêu quê hương xứ sở, nhưng Văn Đắc moi ruột gan mình ra mà viết, lấy cái tôi bao phen khốn khổ của mình ra để trò chuyện với người đọc: Cái khuôn đức sẵn của trời / Đã xoay đủ cách vẫn trồi tôi ra, hay Rau má là tôi, là anh/ Cứ xanh mắt lá hiền lành là ta…

        Vâng, Văn Đắc là vậy. Thơ Văn Đắc là vậy. Ngồi ăn đặc sản tán toàn chuyện vua…/Đổ hết miếng ngọt miếng cay vào người/ Tỉnh ra thằng đứng thằng ngồi/ Thằng đứng nhớ núi thằng ngồi nhớ cây…Nhà thơ cảm bằng cái tôi, nhưng đưa đến cho người đọc những thi ảnh nói về chuyện đời, chuyện của phận buồn kiếp người.

 

       5. Ở Xứ Thanh có hai thi sĩ Việt Nam hiện đại mà tôi rất mê và rất cảm phục. Đó là hai thi sĩ Hữu Loan và Nguyễn Duy. Họ thơ hay mà nhân cách cao cả. Trong tập tuyển Thơ Văn Đắc cũng có in hai bài viết tặng hai nhà thơ tài hoa nổi tiếng này. Với Hữu Loan, Văn Đắc vẽ chân dung ông, cũng với kiểu thơ thốt lên như vậy: “Thật là ông tú Loan dân gian / Ông tú Loan ngang phè / Ông tú Loan quái gỡ / Già gần chết rồi còn chèo thuyền thơ dạo chơi khắp nước…”(Hữu Loan). Còn với Nguyễn Duy thì Văn Đắc tít mắt cười nâng chén :

                       Triết lý làm gi, “quỳ lạy nhân dân”

                       Là Duy đấy, một Nguyễn Duy “Cầu Bố”

                       “Nâng chén rượu ngang mày” mời vợ

                       Phả khói thuốc lào vào “Bụi” gõ “Tình tang”

 

Đọc khổ thơ Văn Đắc kết bài thơ Nguyễn Duy tôi cứ ngỡ như đấy chính là anh- cùng loài thi sĩ Văn Đắc!

 

                                                                    Nguồn Văn nghệ số 22/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *