Thời sự văn học nghệ thuật

7/9
8:14 PM 2016

TỔNG KẾT CUỘC THI THƠ LỤC BÁT “TỔ QUỐC VÀ ĐẠO PHÁP” 2016

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Hội đồng chung khảo cuộc thi thơ lục bát)

 Từ ngàn xưa tới nay, thơ lục bát được coi là thi điệu của tâm hồn Việt, là sức sống bền bỉ của văn hóa Việt, và là một phần quan trọng làm nên Minh triết Việt. Cụ Phạm Quỳnh, chủ báo Nam Phong cách đây hơn nửa thế kỷ có nói một câu nổi tiếng “Truyện Kiều còn - tiếng ta còn, tiếng ta còn-nước ta còn”. Nay có thể nói “Lục bát còn-thơ ta còn, thơ ta còn-nước Việt còn”. Vì thế các cuộc thi thơ lục bát những năm qua đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Thời gián qua, Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác Thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp” Bính Thân – 2016 đã nhận được các chùm thơ dự thi của hàng ngàn tác giả trên mọi miền đất nước. Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, Hội đồng Chung khảo cuộc thi Thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” Bính Thân – 2016 gồm: nhà thơ Vương Trọng  (Trưởng Ban Chung khảo); Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Ủy viên); Nhà thơ Lê Đình Cánh (Ủy viên); Nhà thơ Trương Nam Hương (TP.HCM – Ủy viên); Nhà thơ Đặng Vương Hưng (Thường trực) đã thống nhất quyết định: Trao tặng 3 giải trăng vàng  và 6 giải trăng bạc. Có thể nói trong vườn hoa lục bát của mùa thi thơ năm 2016 này, chúng ta đã phát hiện được 9 tác giả với 9 chùm thơ lục bát khá đặc sắc và giầu cảm xúc suy tư.

Trong cuộc thi này, cái ấn tượng đầu tiên lay động tôi chính là 2 bài thơ của tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh ở Hải Phòng với những câu thơ giàu thi  ảnh và thi cảm trong bài Bà Nội:

Mõ chuông đã rải tím trời
Hoàng hôn rẽ tóc một người nằm mơ
Đồng xưa nối với bây giờ
Mảnh thon cái hạc ngẩn ngơ gọi chiều

Đỏ vườn cay mắt hạt tiêu
Mẹt nong bà sảy hoang liêu về đồng
Nỗi buồn đã kịp trổ bông
Quả chuông úp xuống thinh không cuộc đời

Bám quê bám ngọn lửa cời
Rặng tre xòe ngón gọi mời ngày xưa
Áo tơi manh nón chạy mưa
Đội mùa tất tả sấm vừa tới nơi

Những câu thơ lục bát nói trên của Nguyễn Thị Thùy Linh thật đẹp trong một mỹ cảm mới. Tuy nhiên, nhà thơ Vương Trọng đã rất có lý khi cho rằng câu thơ “Nỗi buồn đã kịp trổ bông” không khắc họa được đúng cái nghĩa căn cốt của nỗi buồn xót xa trong lòng người bà vì nỗi buồn chắc chắn không thể là hoa trong hồn người. Và, nếu là tôi, tôi sẽ sửa câu thơ này như sau: “Nỗi buồn không thể trổ bông/Quả chuông úp xuống thinh không cuộc đời” nghe sẽ thấy nó có tính tư tưởng và logic, chặt chẽ hơn về mặt tượng hình. Rất hay là sau đó, mạch thơ lục bát của chị đã cất cánh lên với những câu thơ giầu suy cảm:

Áo bà đã hóa phù sa
Ao sen lặng giữa chén trà mùa thu
Lời Kinh cũng móm mém như
Miệng bà dẫn hạt đi tu dặm trường

Hai tay dắt nhớ dìu thương
Về đêm về với vô thường thời gian
Hương nhu, bồ kết chưa tàn
Thấy bà chải tóc cuối hoàng hôn xa.

Có thể nói tác giả trẻ  Nguyễn Thị Thùy Linh sinh năm 1991 ở Hải Phòng, giải trăng vàng là một phát hiện mới khá thú vị của cuộc thi lục bát năm 2016, bởi tiêu chí lớn nhất của mỗi cuộc thi là phát hiện các tác giả mới, các cây bút mới đặc biệt là các cây bút trẻ có tài năng để chúng ta bồi dưỡng một thế hệ mới cho sự phát triển của văn học đương đại.

 Trong 3 tác giải trăng vàng của cuộc thi này, Nguyễn Ngân ( ở Tây Ninh) có một giọng thơ giàu nhạc điệu tâm tưởng khi tác giả hướng hồn thơ của mình về với thiên nhiên, về với những địa danh của quê hương có nhiều kỷ niệm gắn bó với đời người như trong bài thơ “Cung trầm gửi Cần Thơ”:

Muốn về một chuyến Cần Thơ
Em trông Bình Thủy, mẹ chờ Hậu Giang

Ta đi theo lá thu vàng
Lỏng rồi sợi lạt buộc ràng cùng quê

Bây giờ làm chú gà què
Quê người đứng phố ngồi hè bao năm
Tiếng thương vọng lại cung trầm
Tiếng yêu dỗ tiếng than thầm đêm đêm

Bây giờ những buổi chiều lên
Bát cơm thẹn nỗi đáp đền phù sa
Nhắn cùng cây ớt đương hoa
Hãy cay xé miệng đậm đà xưa sau

Nhắn cho tàu chuối, tàu cau
Gió đưa hãy vẫy chào nhau thật lòng
Nhắn về con rạch, con sông
Có ta bơi phía cuối dòng tìm nhau

Lục bình trôi trước, ta sau
Đón ta, xin đến bên cầu Cần Thơ

  Một tác giả giải trăng vàng khác là chị Nguyễn Thị Thúy Ngoan ( ở Hải Phòng) với câu thơ: “ Trường Sơn Người nghỉ yên rồi/Em tôi hóa đá nung vôi kiếp mình...” trong bài thơ “Em tôi” thật sự đã chạm được vào tâm khảm của người đọc với nỗi đau thương day dứt về cuộc chiến tranh đã đi qua với bao nhiêu mất mát máu xương không thể gì bù đắp nổi. Bài thơ này như một tiếng thở dài được nén lại trong thi điệu lục bát khá nhuyễn và nhiều gợi cảm:

Nhớ ngày em đi làm dâu
Trăng tròn mười sáu lưng cầu gió đưa
Nhà nghèo bờ dậu cũng thưa
Bước chân vụng dại chiều mưa bồi hồi

Tóc buông cắn chỉ làn môi
Liếp che phòng cưới nụ cười đến thương
Bấm tay tuần nữa lên đường
Trường Sơn lửa khói dặm trường xẻ đôi

Một thân lẻ bóng lẻ hơi
Lấy chồng chưa bén mặt người đã xa
Đêm nằm đếm mấy canh gà
Bàng hoàng ngơ ngẩn vào ra rạc ngày

Em như hoa thắm trên cây
Cành non ứa nhựa tóc mây xanh rờn
Bóng thời gian ngả dỗi hờn
Lược gương biếng chải rối mòn ngày rơi

Chiến tranh bom Mỹ mù trời
Đài tin thắng trận bồi hồi mong tin
Bặt tăm như thể cánh chim
Tiếng đâu sét đánh nổi chìm bóng anh

Trải năm tháng rách chẳng lành
Hồn người gửi lại rừng xanh không về
Em heo may nhuộm chiều quê
Sáu lăm xuân ấy lê thê phận người

...

Trường Sơn Người nghỉ yên rồi
|Em tôi hóa đá nung vôi kiếp mình...

Xin chúc mừng 3 tác giả được trao giải trăng vàng. Với 6 tác giả được trao giải trăng bạc, tôi cũng xin được chúc mừng các anh, các chị đã có những bài thơ hay, những câu thơ hay như anh Huy Trụ với bài thơ “Mẹ ru… tháng bảy” với nhiều câu thơ xa xót và cảm động như:

 

Mỗi lần tháng bảy mẹ tôi
Nén hương ai thắp, mẹ ngồi nhớ con...

Người còn được nấm mồ chôn
Sao con trai mẹ, nắm xương, chả còn?

Mẹ ngồi ôm tấm hình con
Cúi đầu vái lạy bốn phương đất trời
Con à! Con của mẹ ơi
Linh thiêng, dẫn mẹ về nơi con nằm...

Mẹ giờ tuổi đã tám lăm
Vẫn cầu mong được một lần gặp con
Nước non giờ đã vuông tròn
Nhà cao, cửa rộng xanh rờn bóng cây

Mẹ nhìn trời đất hôm nay
Càng thương con mẹ giờ này ở đâu?
Mỗi lần, gió động tàu cau
Giật mình, mẹ lại nghẹn ngào gọi con!

Vườn nhà, buồng chuối chín thơm
Nải to mẹ cất, chờ con trai về
Trẻ hàng xóm, mỗi lần qua
Mẹ xoa đầu... cứ gọi là “đích tôn”

Vòng tay mở, vòng tay ôm
Mẹ ru con mẹ như còn đâu đây!
Gửi hồn theo gió theo mây
Mẹ ru tháng bảy... kết hình hài... Con!

Cũng với tứ thơ viết về nỗi đau chiến tranh như Huy Trụ, Nguyễn Thị Thúy Ngoan, tác giả Trần Kế Hoàn ở Nam Định có bài thơ “Viếng bạn” viết ở nghĩa trang Trường Sơn với những câu thơ có tính khắc họa khá độc đáo như “Khói nhang nghi ngút... cồn cào/Giật mình... ngỡ khói thuốc lào ngày xưa” và “Vô danh còn biết bao người.../Cầm chai rượu dốc ngược trời Trường Sơn...”. Viếng bạn là một bài thơ ngắn, hay và khá hàm xúc:

Thuốc lào một điếu chuyền tay
Bạn phà hơi khói thấm say lòng mình
Keo sơn một thuở chiến chinh
Cuộn băng chia nửa, tâm tình bó chung

Nhường nhau... cơn khát giữa rừng
Nửa bi đông nước ngập ngừng không vơi
Một hầm che cả năm người
Đêm nghe tiếng ngáy tìm nơi bạn nằm.

Nghĩa trang... ngủ với gió trăng?
Không còn tiếng ngáy tìm thăm nơi nào?
Khói nhang nghi ngút... cồn cào
Giật mình... ngỡ khói thuốc lào ngày xưa

Lập cập vấp nắng, vấp mưa
Một mình đành để bỏ thừa mình thôi...
Vô danh còn biết bao người...
Cầm chai rượu dốc ngược trời Trường Sơn...

  Trong 6 tác giả được giải trăng bạc, tôi khá ấn tượng với chùm thơ của anh Trần Văn Đôn ở Tây Ninh và tôi tin rằng với những bài thơ nhiều nỗi niềm tự sự và suy ngẫm như vậy, chắc anh sẽ còn đi xa trên con đường sáng tạo thi ca của mình như bài thơ “Nghe đêm” dưới đây 

 

Cong lên một mảnh thuyền trôi

Đêm cạn lòng phố mắt bồi sỏi hoa

Nắng mưa ủ giấc mơ xa

Quả đa chín rụng vỡ ra cánh đồng

 

Đưa tay ngắt ngọn đòng đòng

Bờ môi khô nẻ chạm dòng sữa quê

Ô kìa cong xuống triền đê

Trăng hay mẹ gánh tôi về tuổi thơ

 

Tôi ngồi học chữ bi bô

Hiên chùa chao phiến vàng mơ bồ đề

Tôi đang thức hay đang mê

Xòe tay hứng vỡ dầm dề giọt chuông

 

Giật mình vai áo đẫm sương

Nghe đêm lặng lẽ hành hương sao trời.

 

Với tác giả Vũ Xuân Hồng ở Quảng Ninh, mỗi bài thơ lục bát của anh là một bức tranh nhỏ, một khắc họa nhỏ như bài “Trở về”:
Ngả mình vào rạ vào rơm
Thoảng hương bùn đất thơm thơm nhẹ lòng
Gọi ta bờ bãi dòng sông
Cánh cò cõng nắng, cải ngồng đơm hoa

Tuổi thơ níu áo mẹ cha
Cánh diều no gió đồng xa, đồng gần
Chợt nghe hoa cỏ tần ngần
Vạt đê ấm lại dấu chân thuở nào...

Hả hê tắm trận mưa rào
Khí  trời, hương đất tan vào thịt da...
Trở về ta được là ta
Cần lao thương giọt phù sa giữa đời!

Còn với tác giả Hoàng Việt Tài cũng ở Quảng Ninh, giải trăng bạc chính là sự ghi nhận cho chùm thơ dự thi của anh, trong đó có bài “Thân cỏ” với những câu thơ lục bát khá nhuyễn:
Cỏ đâu vươn được tới trời

Chỉ là thân cỏ ngóc ngoi đất cằn

Bao lần nát dưới bàn chân

Bấy lần quoằn quại bấy lần ngoi lên

 

Đau nhiều rồi cũng thành quen

Vẫn sinh sôi vẫn ngóc lên để bò

Đất cằn cỏ chẳng chịu khô

Sau con mưa xuống bấy giờ lại xanh

 

Cỏ đâu không biết tranh giành

Cỏ không phải những bức tranh treo tường

Chỉ là thân cỏ bình thường

Vươn lên để sống để trường tồn xanh

Tác giả cuối cùng tôi nhắc tới trong bản tổng kết này là Trần Huy Minh Phương ở TP. HCM có 2 bài thơ “Mưa trượt” và “Phiến mơ trắng” được trao giải trăng bạc, Bài thơ anh viết tặng mẹ như một lời tạ lỗi xót xa, thấm thía của một người con:
Từ con về lại cơn mơ
Nghe mây sũng nắng, gió sờ rét lưng
Đêm nầy lạy giấc mơ cong
Đừng hong trên tóc mẹ bồng trắng mây

Từ con vấp ngã cơn say
Mé mơ chợt thấy mẹ bay về trời
Giật mình thức giũ bời rời
Dựng câu kinh dậy con ngồi điểm khuya

Ra bờ sinh - diệt: ớ kìa!
Lời ru mẹ níu nẻo về trong con
Ngày thêm xa, đêm cuộn tròn
Í a nhật nguyệt trắng hương mẫu từ.

  Thưa quý vị, với 9 tác giả và 9 chùm thơ được trao giải nói trên, chúng ta có thể thấy giữa các bài thơ hay, những câu thơ hay với những bài thơ bình thường và những câu thơ bình thường vẫn còn một khoảng cách khá xa. Theo tôi, đấy mới  chính là sự vi diệu và đầy thú vị của thơ lục bát- thể thơ mà cứ tưởng rằng bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể ngâm ngợi một đôi câu để cùng nhau giao đãi như một hình thức giao lưu văn hóa, văn nghệ thường ngày. Từ bao đời nay, thơ lục bát dễ làm mà khó hay cũng như thơ lục bát có nhiều bài thơ hay một cách “dễ dãi”  nhưng muôn đời vẫn luôn hiếm hoi những bài thơ hay một cách “khó khăn” chạm ngưỡng thiên tài như của Đại thi hào Nguyễn Du và nhiều nhà thơ nổi tiếng khác. Phải chăng vì thế thơ lục bát vẫn luôn là một thách thức sáng tạo đối với mỗi người cầm bút hôm nay và vẫn như một chân trời nghệ thuật thi ca luôn vẫy gọi chúng ta- mỗi người dân đất Việt yêu thơ ca như máu thịt của tâm hồn mình. Một lần nữa xin chúc mừng thắng lợi của cuộc thi sáng tác Thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp” Bính Thân – 2016 và các tác giả được trao giải.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *