Thời sự văn học nghệ thuật

19/9
9:56 PM 2016

VĂN TRẺ-“ỒN ÀO VÀ LẶNG LẼ”…

HOÀNG ĐĂNG KHOA

Đến hẹn lại lên, hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 5 năm một lần lại sắp sửa diễn ra tại Hà Nội. Đây thực sự là một ngày hội được các cây bút trẻ trên mọi miền đất nước đón đợi với tâm thế hứng khởi, háo hức.

Văn trẻ mùa này vắng những ồn ào

Những người viết văn trẻ, đúng như danh xưng của họ, nhiều táo bạo, dũng cảm trong tìm tòi, thể nghiệm, quyết liệt trong “đi tìm mặt” nhưng cũng nhiều “nổi loạn”, và cả không ít “phá bĩnh”. Lấy Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ VII tổ chức tại Hội An năm 2006 để so chiếu chẳng hạn, thì Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ IX sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào đầu quý IV năm 2016 này đội ngũ đại biểu tham dự chắc hẳn sẽ “hiền lành” hơn về cá tính, “trầm lặng” hơn về tiếng tăm. Hội nghị VII quy tụ những gương mặt “đình đám” (có trường hợp được bồi trợ thêm bởi những “sự vụ”, yếu tố ngoài văn chương) như Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận, Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè, Đỗ Bích Thúy với Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Vi Thùy Linh với Khát, Đồng tử, Phan Huyền Thư với Nằm nghiêng, Rỗng ngực, Ly Hoàng Ly với Lô lô, Nguyễn Vĩnh Tiến với thơ - nhạc, rồi các tên tuổi xuất thân từ các hội bút nức tiếng trước đó như Hương đầu mùa trên báo Hoa học trò, Vòm me xanh trên báo Mực tím, rồi nhóm Ngựa Trời với Dự báo phi thời tiết bừng bừng tinh thần “nổi loạn”… Đành rằng, người đọc đủ tỉnh táo, thông minh để nhận diện đâu là văn chương đích thực, và thời gian đủ sức, đủ nhanh để thải loại những gì là phi/phản văn chương, tuy nhiên, thiết nghĩ, một ít “ồn ào” đôi khi cũng có tác dụng khuấy động đời sống văn học, thu hút nhiều hơn sự chú ý của công chúng về phía văn chương, khi mà các loại hình giải trí nghe nhìn đang bành trướng không gian văn hóa đương đại. Những hiện tượng có khả năng gây tạo chú ý theo kiểu này kiểu kia như thơ của nhóm Mở Miệng, tiểu thuyết dịch Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của Trang Hạ, tiểu thuyết tự truyện Người tình New York của Hà Kin, tiểu thuyết Sợi xích của Lê Kiều Như, tập thơ Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng của Nồng Nàn Phố… thời gian này đột nhiên đi vắng, chưa “tái xuất”. Văn học mạng, sau kỳ cao trào với nhiều ồn ào thì lúc này đang đi vào thoái trào, trầm lắng.

Một ít ồn ào nếu có trong không gian văn trẻ hiện nay là thuộc về dòng văn học của các tác giả còn rất trẻ như Anh Khang, Hamlet Trương, Phan Ý Yên… với nhiều ấn phẩm có số lượng phát hành từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn bản. Người thì cho đây là “văn học thị trường”, “văn học thời trang” chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí nhất thời, chỉ là sản phẩm “cận văn học”, người thì bảo những ấn phẩm ấy phải có cái gì, phải như thế nào hơn thế thì mới được giới trẻ đón nhận như thế, chứ có phải cứ muốn là được đâu…  

Như vậy, nhìn một cách tổng quan, có thể nói, hiếm khi văn trẻ lại chuyển động trong một mùa có vẻ bình lặng như mùa đang diễn ra này.

“Lặng lẽ viết là cách thể hiện ồn ào nhất”

Phát biểu này của nhà văn trẻ Văn Thành Lê xem ra không chỉ đúng với riêng trường hợp của anh mà còn đúng với cả một thế hệ văn chương mới, thế hệ  8x, 9x - những cây bút được định danh là “trẻ”, xét về độ tuổi.

Về văn xuôi, đó là Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận) - quán quân cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội 2013-2014, giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi 2013-2015 thuộc Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do Nxb Kim Đồng phối hợp với Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức, đã xuất bản 6 đầu sách, mà gần đây đáng chú ý là tập truyện ngắn Đỉnh khói; là Nhật Phi (Hà Nội) - quán quân cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V (2014) với truyện dài Người ngủ thuê. Ngoài ra là Đinh Phương, Dương Giao Linh (Quảng Ninh), Lê Minh Nhựt (Cà Mau), Cao Nguyệt Nguyên, Linh Lê, Lý A Kiều, Nguyễn Văn Toan, Nguyệt Chu, Hương Thị, Chu Thùy Anh, Dương Hằng, Nguyễn Văn Học (Hà Nội), An Khang, Hamlet Trương, Phan Ý Yên, Hồng Sakura, Tiểu Quyên, Văn Thành Lê, Vũ Văn Song Toàn, Lưu Quang Minh (Tp. Hồ Chí Minh), Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Meggie Phạm (Huế), Trác Diễm (Quảng Bình), Chu Thị Minh Huệ (Hà Giang), Kiều Duy Khánh (Sơn La), Chu Thanh Hương, Nguyễn Luân (Lạng Sơn), Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ), Hoàng Công Danh (Quảng Trị), Trần Quỳnh Nga (Hà Tĩnh), Trịnh Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nông Quốc Lập (Cao Bằng)… - những cây bút giàu nội lực, đang dần định hình phong cách, nhiều người trong số này cũng đã được vinh danh tại những cuộc so tài văn chương danh giá, sang trọng.

Có một nghịch lý khá thú vị là, những người viết văn trẻ đang thực hành nghề nghiệp trong thời đại được định danh là thời của fastfood, cái đọc, cái viết theo đó cũng hướng đến tiêu chí nhanh và tiện, nhưng hiện tại, những cây bút truyện ngắn đã thành danh như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên… thì rẽ sang hướng tiểu thuyết, những cây bút truyện ngắn mới nổi lên như Tống Ngọc Hân, Đinh Phương… cũng nhanh chóng bập vào tiểu thuyết, những tác giả rất trẻ như Meggie Phạm, Trác Diễm… thì chọn trình làng những tác phẩm đầu tay cũng là tiểu thuyết. Phải chăng, vì những cái viết ngắn đến lượt lại không đủ thỏa mãn bộ phận người đọc tinh hoa muốn được phiêu lưu dài hơi trong sự đọc, sự nghĩ, sự thưởng ngoạn thẩm mĩ? Hay vì những người viết văn trẻ muốn tìm đến tiểu thuyết để vừa thử sức, vừa bung trỗ, khẳng định sức vóc văn chương của chính mình?

Về lý luận - phê bình, văn đàn đang chứng kiến sự trình hiện ấn tượng của một lực lượng phê bình trẻ đông-và-mạnh (chứ không phải mỏng-và-yếu như một mặc định cửa miệng của những người quan liêu không đọc, không quan sát, chỉ biết hoặc phán bừa, hoặc nói theo người khác). Có thể nói được rằng, văn chương đang đi vào thời của phê bình trẻ, bởi vài năm trở lại đây, giới chuyên môn nói riêng, người yêu văn chương nói chung thích thú trước sức trỗi dậy của ý thức và trình độ phê bình khi những công trình phê bình của các tác giả trẻ liên tục được công bố. Đó là Đoàn Ánh Dương với Không gian văn học đương đại, Đoàn Minh Tâm với Văn học trẻ như tôi hình dung Văn chương nhìn từ Nhà số 4, Nguyễn Thanh Tâm và Ngô Hương Giang với Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác, Nguyễn Thanh Tâm với Loại hình Thơ mới Việt Nam (1932-1945), Ngô Hương Giang với Chân lý và hư cấu, Nguyễn Mạnh Tiến với Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H'mông, Phan Tuấn Anh với Gabriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại, Hoàng Cẩm Giang với Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI - cấu trúc và khuynh hướng, Nguyễn Đức Toàn với Văn xuôi Việt Nam đương đại - hiện tượng và bút pháp… Ngoài ra là những tiếng nói phê bình trẻ khác đang dần khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín nghề nghiệp như Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Trần Thiện Khanh, Đỗ Thị Hường (Hà Nội), Trần Việt Phương (Hòa Bình), Nguyễn Nhật Huy (Thái Nguyên), Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thuấn, Thái Phan Vàng Anh (Huế), Nguyễn Văn Huy (Đà Nẵng), Hồ Tấn Nguyên Minh (Phú Yên), Hoàng Phong Tuấn, Hồ Khánh Vân (Tp. Hồ Chí Minh)… Họ là những người được đào tạo bài bản, đa phần đã nhận học vị tiến sĩ văn học.

Về dịch thuật, đó là những gương mặt ấn tượng đủ cơ sở để giới chuyên môn cũng như bạn đọc nói chung tin tưởng vào một “phiên đổi gác” dịch thuật sắp sửa, như Nham Hoa, Minh Thương, Cao Việt Dũng, Thiên Thai, Nguyễn Huy Hoàng, Trần Ngọc Hiếu, Thiên Lương, Lê Nguyên Long, Nguyễn Đào Nguyên, Phạm Phương Chi, Trần Trọng Dương, Trần Quang Đức, Trần Nhật Mỹ, Lê Nguyễn Lê, Hoàng Anh, Đoàn Hương Giang, Hoàng Phương Thúy, Ngô Hà Thu, Lương Việt Dũng (Hà Nội), Nguyễn Vũ Hưng, Hoàng Phong Tuấn, Hoàng Long (Tp. Hồ Chí Minh)…

Về thơ, mặc dù trầm lắng hơn nhưng cũng không khó để điểm danh những cây bút đang làm nên diện mạo của thơ trẻ như Phạm Vân Anh, Lữ Thị Mai, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Lý Hữu Lương, Đào Quốc Minh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Du Nguyên, Lương Đình Khoa, Viễn Hải (Hà Nội), Nguyễn Phong Việt, Trần Võ Thành Văn, Từ Hồng Sơn, Kai Hoàng (Tp. Hồ Chí Minh), Nguyễn Minh Cường (Bắc Ninh), Phạm Văn Vũ (Thái Nguyên), Ngô Thị Thanh Vân, Lê Vi Thủy (Gia Lai), Lương Kim Phương, Trần Ngọc Mỹ (Hải Phòng), Nguyễn Hồng (Nghệ An), Hoàng Chiến Thắng, Phùng Thị Hương Ly (Bắc Kạn), Hoàng Anh Tuấn (Lào Cai), Võ Mạnh Hảo (Long An), Lê Hòa (Lâm Đồng), Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Quang Trạng (An Giang), Ngô Thị Thục Trang (Quảng Nam), Kiều Mai Ly (Ninh Thuận)… Họ đang điềm tĩnh đi giữa lằn ranh của truyền thống và hiện đại. Họ biết lắng lọc để chỉ học hỏi, tiếp thu những yếu tố tích cực nơi những thực hành cách tân thơ nhiều khi ồn ào, thái quá của những người đi trước.

Hãy cùng tin tưởng và hy vọng

Đành rằng không có hội nghị Những người viết văn trẻ thì những cây bút trẻ vẫn cứ viết theo đam mê, bằng nội lực của riêng mình. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò, khả năng “tạo cú hích”, “tiếp lửa” đối với những người viết văn trẻ của 8 kì hội nghị đã lần lượt diễn ra. Không nên đặt quá nhiều kì vọng vào những “thể loại” hội nghị hội thảo, nhưng chắc hẳn hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX sẽ là không gian tinh thần rộng mở cho những người viết văn trẻ cả nước quy tụ, gặp gỡ, giao lưu, là dịp để điểm danh, biểu dương lực lượng, xốc lại đội ngũ, là cơ hội để cùng nhìn lại và nhìn về phía trước. Mong rằng tại đây, các cây bút trẻ mạnh dạn cất lên tiếng nói của họ, khát vọng của họ về văn chương, cuộc sống và con người.

Không chiến thuật, chiêu trò gây “sốc”, từ chối những chủ ý gây tạo ồn ào bên ngoài trang viết, những người viết văn trẻ đang lặng lẽ cần mẫn gieo cấy trên cánh đồng chữ nghĩa. Với sự lựa chọn tâm thế văn chương này, văn trẻ đang đi những bước điềm tĩnh nhưng chắc chắn, không vấp váp, sa ngã, không chệch đường, lạc đường. Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng và hy vọng vào một mùa văn chương mới.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *