Thời sự văn học nghệ thuật

14/10
5:22 PM 2017

ĐỌC SÁCH:NHỮNG CHỤC NĂM HĂNG HÁI ĐỔI THAY MÌNH

Hoàng Hoa (“Thơ Lê Huy Quang”, NXB Hội nhà văn, 2017) Người đa tài Lê Huy Quang – NSND, họa sĩ, nhà thơ, nhà báo - in cuốn thơ được Nhà nước đặt hàng: “Thơ Lê Huy Quang”, như một tuyển thơ hội tụ những điều tâm đắc từ cả nửa thế kỷ trước, khi còn rất trẻ, đi những bước đầu tiên vào nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nhiều tác phẩm đã in đây đó, những tập thơ và trường ca “Bác Hồ và người chiến sĩ”, “Tuổi học trò”, “Tóc quê”, “Mắt quê”, “Phải khác”…, nay nối vào mạch sáng tác theo thời gian nửa đời người trong cuốn sách này, cho người đọc thú vị thấy một Lê Huy Quang hăng hái làm khác, làm mới mình từ rất sớm, và như không ngừng tâm niệm “tôn chỉ” đó.

Phải thế, nên hàng bao năm trước, khi mặt bằng chung còn phổ biến thơ theo vần, giữ nhịp đều đặn, với những nội dung thiên về tả thực, dung dị, gần gũi, thì thi sĩ – họa sĩ trẻ Lê Huy Quang đã phá cách, không nệ vần mà chạy theo mạch cảm xúc, câu chữ tự do bay nhảy, dài ngắn đan xen, cắt dòng đầy hào hứng. Hậu thuẫn cho tác giả, hẳn là có gốc gác “tuồng gia truyền” ngôn ngữ vốn chọn lọc, nhiều ý; có chuyên môn và đam mê hội họa, giúp nhà thơ tưởng tượng, sử dụng khéo nhiều hình ảnh, đường nét; và có cả cái nền văn hóa truyền thống cùng chất sống hăng hái, để những diễn biến cuộc đời thực tại được Lê Huy Quang lượm nhặt lấy, đưa vào thơ trở nên sinh động, biểu cảm.

Vậy là, thơ, họa, chất sân khấu và vốn văn hóa cùng đời thực chuyển hóa vào nhau, qua một trái tim hăng hái và cái đầu luôn muốn làm khác mình, đã cho tác giả, cho bạn đọc nhiều năm trước đến bạn đọc bây giờ, nhiều câu thơ, bài thơ rung động: “…Chỗ anh đứng lâu ngày/lõm/xuống/Thụ thai người gác cổng/thức/canh em!!!” (Thanh âm, 1970), “Hè năm nay/Tôi gieo hạt giống em/(mảnh đất bỏ hoang chưa người cày cuốc)/Ta phải lòng nhau/chưa định ngày thu hoạch/nơi bắt đầu/gốc gác/những mùa sau” (Hạt giống, 1976), “…Hai bờ sông…/người đi hai bờ sông/trăng rất sáng…/chiến tranh vỡ ra từng mảng/Tôi ngắm Hải Phòng…/Sự - sống - sẽ - sinh - sôi” (Hải Phòng, 1967-1972)…

Có thể nhận ra nhiều điều muốn nói ở thơ Lê Huy Quang qua nhiều chục năm: niềm hứng thú khơi gợi nét sinh sôi của mùa xuân, và nét xuân trẻ phơi phới gợi cảm từ con người; những hy vọng nhỏ bé nhưng bền bỉ để sống vượt qua chiến tranh, vượt qua khó khăn; cả những u trầm, muộn phiền nhưng cũng âm thầm, như luyện cho con người đi qua tháng ngày… Nhưng đó là việc của những bài bình thơ, những tiểu luận. Còn với một cuốn sách trên tay, lật giở thấy nhiều câu từ gợi hình, gợi ý thú vị, đã đủ cho một niềm vui thích, như khổ thơ “Mưa vỗ về trên tóc ướt em/Mái nhà tan sau bão/Nhìn xuyên trời đêm mong manh vạt áo/Em náu mặt mình đau kẽ tay” trong bài “Mưa Vinh” năm 1984. Hoặc như bài thơ “Ngõ”: Em về ngõ nhỏ nơi đầu ngọn xoan/Thay áo hè xòe hoa gọi gió/Nơi ngọn đèn xanh lá/Ôm quanh thức trở ngọn trời//Máy nước đầu ngõ đòn gánh cong lưng/Ngực tròn sức lớn/Sóng – sánh – tóc - nước - đọng/Đèn - nhòe – lay – chân – thùng//Ngõ nhỏ trả về tuổi nhỏ/Nơi dấu đường ôm đầu ngọn xoan/Sao Mai sao Hôm ôm ngọn lá/Nơi anh/chờ/ngọn em”.

 

Ảnh: Thơ Lê Huy Quang

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *