Tác phẩm và dư luận

17/5
4:25 PM 2017

THỊ DÂN- TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ

Trời nóng hầm hập. Liên tiếp những tòa nhà bê tông vô cảm hắt bóng xuống lòng đường nhựa mềm nhũn chang chang nắng không một vòm cây. Những phố của ngày xưa nhỏ hơn, hiền như những người ở thời đó, nhiều bóng mát và không dữ dội trơ trọi như thế này.

                                          Minh họa: Lê Thiết Cương

 Thằng Bảo nhấn thêm chân ga, vặn mát điều hòa ở mức lạnh nhất. Cứ những ngày bọn trẻ đi thi, trời đều nóng hầm hập. Hôm thằng Bảo thi đại học cũng nắng, nhưng nhờ còn vài cái hồ, đám thí sinh không đến nỗi bị hầm nhừ. Nó trúng hay trượt nhỉ, vì hồi ấy giấy gọi nhập ngũ bao giờ cũng đến trước giấy báo đỗ. Phố cổ tuyển quân đại loại cũng vui vẻ. Sau đoạn ca hùng tráng lá còn xanh như anh đang còn trẻ, lá trên cành như anh trong đoàn quân thì loa phường oang oang đọc tên nó là con ông ấy bà ấy ở số nhà ấy. Mẹ nó khẽ cau mày, cái người đang đọc trên loa đấy ngày xưa ở trên chợ làm thằng nhỏ cho bà nội sai vặt. Đợt tuyển quân đó phố thằng Bảo gọi đi bộ đội chừng dăm đứa, nó chỉ nhớ thằng Hào “mông xinh”, nhà bán đồng hồ ở bên dãy số lẻ. Hồi cuối lớp phổ thông, nó với thằng Hào cùng yêu con bé Hằng ở Ngõ Gạch.

Thằng Bảo đỗ cái Camry vào sát cửa quán Hightland chênh chếch cổng trường Sư phạm, kĩ lưỡng dặn dò con gái nó. Phòng thi không cho mang di động vào nên xe bố để đúng chỗ này, cũng có thể bị công an đuổi nên bố sẽ đánh đi chỗ khác. Con cứ vào quán, nếu không thấy thì có thể bố đi toa lét, con cứ đứng chờ. Con bé mặc đồng phục trường chuyên, mệt mỏi mụ mị gật gật đầu. Cả tháng nay, con bé liên miên học gạo vì chương trình thi thay đổi luôn xoành xoạch theo hướng tôn trọng thí sinh. Hình như trước đấy người ta chỉ coi trọng giám khảo. Thằng Bảo có dự một cuộc phổ biến quy chế thi cử, nó nghe mãi chẳng hiểu. Một ông tóc bạc mang vẻ của người Bộ Giáo dục an ủi các phụ huynh cứ yên tâm, bọn trẻ bây giờ vừa trưởng thành lại vừa thông minh. Ông ta chắc sống độc thân. Tháng này con bé nhà thằng Bảo sinh nhật tròn mười tám tuổi, cứ ra đường gặp bất cứ chuyện gì là loay hoay gọi bố. Mẹ con bé sang Úc làm thạc sĩ rồi vợ chồng li hôn khi con bé chưa đầy sáu tuổi.

Thằng Bảo vào quán, loanh quanh kiếm mãi mới tìm được chỗ trống. Quán đông, ghế kiểu cách quê mùa có tựa lưng nên khách bừa bãi duỗi chân. Duy nhất một bàn nhỏ có một thiếu phụ ngồi, thằng Bảo nhã nhặn xin phép, nàng khẽ nhấc cái túi LV xã giao mỉm cười nhường ghế. Thằng Bảo dò dẫm nhìn list đồ uống, nó ghét những quán cà phê ở ven ô, bia chỉ có hai loại nó đều không thích. Thằng Bảo chỉ đại một thứ có chữ “chanh”, mojito gì đấy. Con bé chạy bàn tóc vàng mũ đỏ, mặc váy phơi rốn, chắc chắn là nói ngọng đưa luôn hóa đơn tính tiền. Lúc bưng ra, cốc của thằng Bảo y hệt cốc của thiếu phụ. Một cốc nhựa dùng một lần, có ống hút to đùng xuyên qua nắp đậy, cắm xuống lưng lửng nước lờ nhờ xám lều bều nổi mấy tép chanh lổn nhổn lá bạc hà. Hồi bà nội thằng Bảo còn ở Hàng Đào, cụ ghét nhất thứ đồ ăn uống mà giống nhau. Cụ là dâu trưởng, thích cầu kì làm cỗ. Mẹ thằng Bảo khéo tay như thế, vậy mà khi soạn cỗ giỗ, sợ mẹ chồng đến mức nửa đêm ôm con vẫn mơ nói lắp bắp “xin lỗi mẹ”. Thiếu phụ rời mắt khỏi cái smartphone, lịch sự xếp gọn mấy thứ linh tinh của nàng trên mặt bàn. Một cái kính râm Armani, một gói giấy ướt Petuna để chùi mồm những khi ăn quà vặt. Thằng Bảo vẫn giữ thói quen dùng khăn mùi xoa. Ngay từ lúc nó đi nhà trẻ, mẹ nó hay cài kim băng vào ngực áo sơ mi của nó một cái màu xanh hòa bình. Mẹ thằng Bảo bán hàng khô trên chợ Đồng Xuân gần năm chục năm. Nếu bây giờ tính cả bà chị nó đang tiếp tục ngồi thì sạp hàng nhà nó đã giữ được qua bốn đời.
- Chị cũng đưa cháu đi thi à.
- Vâng, con bé nhà em thi vào trường Y.

Giọng không hãnh tiến nhưng có đôi chút tự hào. Thằng Bảo làm vẻ tấm tắc khen, nói là con bé nhà nó chỉ dám chọn Sư phạm. Thực ra với nhà thằng Bảo, trường nào cũng giống như trường nào. Ở phố cổ, chỉ cần đàng hoàng tảo buôn tảo bán rồi có tiền tự tin trở thành tử tế là được. Giàu nhà quê cũng không bằng ngồi lê Hà Nội nên chẳng mấy ai quá cố gắng học hành, cứ đều đều dư dật là sướng nhất. Nếu muốn theo nghiệp nhà, con bé sẽ lên chợ ngồi bán hàng như bà nội nó, như cụ nội nó. Còn không, thì nó cứ về trông quán cà phê mà bố nó mới mở lại dăm năm nay. Quán này có xuất xứ từ ông ngoại thằng Bảo. Sau 1954 giải phóng Thủ đô, ông ngoại nó không bán cà phê rong nữa, tần tảo gom đủ tiền mua nhà ở Hàng Bồ mở quán. Khách đến uống đủ loại, đa phần là bọn cao bồi già sành mồm. Có một đám không đông lắm văn nghệ sĩ nghèo nhưng sang. Đem thơ, đem nhạc, nhất là tranh, đến gán trừ dần tiền uống. Chừng mươi năm lại đây, ba người trong đám linh tinh ấy được Hà Nội đặt tên phố.

  

 
 

- Chị trẻ thật, cứ nghĩ là đưa em đi thi.
Thiếu phụ cười tiếp chuyện, kệ cho tin nhắn vừa rung vừa kêu tới facebook. Con gái thằng Bảo cũng không rời được smartphone. Bà nội nó mắng, thứ đồ của ma quỷ, con gái con đứa suốt ngày ngồi gục mặt vào, chân thì hớ hênh dạng tơ hơ. Thiếu phụ hơi khẽ khép chân, đùi nàng không đi tất. Mịn, thuôn và trắng.

- Chắc bạn bị tảo hôn.
Thiếu phụ nắc nẻ cười, bẽn lẽn nhận. Trước khi lấy vợ, giống như nhiều thằng ở loanh quanh Bờ Hồ, thằng Bảo lãng mạn yêu nhiều. Nhưng người nó yêu nhất vẫn là vợ nó. Tóc tết đuôi sam, học trường chuyên, ngoan ơi là ngoan. Có lẽ vì thế mà vợ nó ngoại tình được gần hai năm thì nó mới biết. Nó có gặp thằng kia một lần, trình “dẻo mỏ” chắc cũng phải gần ngang thằng Bảo. Thằng ấy có cái tên rất đĩ, nửa đực nửa cái. Thằng ấy lấm lét xin lỗi nó, ngấm ngầm thanh minh là vợ thằng Bảo chủ động. Trước khi cưới chừng một tuần, thằng Bảo hạnh phúc rủ vợ tò mò đi xem tử vi. Thầy bói mù ở Ngã Tư Sở lẩm bẩm bấm bàn tay trái nói là vợ nó hay bị giai lừa.

- Con gái anh lớn thế mà không thấy anh đeo nhẫn nhỉ.
Thế là nàng quan tâm, thế là chắc ổn rồi. Có điều, mọi chuyện phải thật từ từ. Thằng Bảo có thâm niên yêu sớm. Khoảng giữa lớp 9 và lớp 10, nó đã yêu một con bé lớp bên cạnh. Con bé phổng phao, vừa trắng vừa đen, con một cô giáo dạy toán hay dạy văn thì chịu không nhớ nổi. Thằng Bảo nhẫn nại chờ cho tới lần hôn đầu, sau đấy thì chính con bé sờ soạng thằng Bảo. Con gái trường Hoàn Kiếm thì không quá làm mình làm mẩy như bọn ở nơi khác. Yêu sớm như vậy nhưng thằng Bảo lấy vợ muộn và chỉ lấy một lần. Lí do đơn giản là hầu hết các thiếu phụ hay thiếu nữ nó yêu, cứ gần đến ngày cưới thì lăn đùng ra mất. Chết đúng theo nghĩa đen. Mĩ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu. Đàn bà yêu nó chẳng hẳn là mĩ nhân thế nhưng đều chết yểu. Thảo nào các danh tướng thời nay có quá đông người sống lâu. Hôm nọ đến quán nó uống cà phê có một cặp tình tứ hai cụ, chắc cũng là lằng nhằng nhớ tình cũ nghĩa xưa nên trốn con trốn cháu. Cụ ông hình như là tướng, còn cụ bà thuở trung học là hoa khôi trường Trưng Vương. Cụ bà đài các nhấp một ngụm “nâu” nóng, móm mém kể lể.

“Lúc ấy lê la trước cửa nhà tôi đông nghẹt bọn đẹp giai, mặt mũi cũng gần được như cậu”.
Thằng Bảo đẹp giai được xếp hạng ở phố, xếp gần ngang nó là thằng Hào. Thằng này nhạt nhẽo vụng nói, nhưng nhà buôn bán có tiền nên thỉnh thoảng đào hoa. Đôi lúc mèo không hẳn mù cũng vớ được một con cá béo rán. Hồi bao cấp trong trắng, tuy gái hư còn ít nhưng các em xúm theo thằng Bảo cả một bầy. Nó nhớ một kho truyện tiếu lâm, nó biết “quạt chả” ghi ta hát nhạc trẻ Pháp. Đặc biệt nó biết nhả khói thuốc tròn rồi lõm thành hình trái tim tròng vào cổ các em vì răng cửa bị sứt do một lần tranh gái bị thằng Hào đấm. Thời đấy chưa có tạp nham facebook, thằng Bảo thường nhận được vô số thư tình. Đại loại viết là “Bố mẹ em dạo này toàn cãi nhau, buổi sáng nhìn mưa buồn quá. Hôm nọ anh có nói, đời là một bể cô đơn, quay đầu nhìn lại may mắn lắm chỉ thấy một người. Hình như em đã nhìn thấy người đấy. Tối nay em không tới được chỗ hẹn đâu, nhưng buổi chiều hai đứa có thể đi xem phim ở rạp Tháng Tám. Cái phim mà chỉ nghe anh kể thôi, em đã cảm động lắm rồi…”.

- Không hiểu bọn trẻ con tan đúng mấy giờ nhỉ.
Nàng có vẻ bối rối khi hỏi một câu vô nghĩa, bởi cả hai đều sốt ruột, đều biết chắc chắn giờ tan thi.
- Bạn có muốn uống một cái gì khác không. Thú thật là tôi không chịu nổi cái thứ nước này.
Nàng vô thức lắc rồi lưỡng lự gật. Sau một hồi dò dẫm thì nàng và thằng Bảo đành phải chọn cà phê đen đá. Thằng Bảo đăm đắm nhìn nàng. Thật từ từ, thật từ từ thôi. Từ từ đều đặn như cuộc sống vốn dĩ của nó. Nhiều lần giữa đêm tỉnh rượu, thằng Bảo bàng hoàng tự thấy, rượu chè trai gái cũng chỉ là thêm gia vị cho cuộc đời đỡ nhạt nhẽo. Yêu đương là cái quái gì. Chỉ có bọn đàn bà mới hay hoang tưởng lầm lẫn. Trời chứa chan nắng làm thời gian ở quán loãng ra. Thằng Bảo khuấy hộ cốc cà phê cho nàng, cố tình giật mình khi tay của hai đứa khẽ chạm nhau.

- Bạn ở xa đây không.
- Nhà chồng em trước ở trên phố cổ, nhưng đã bán gần chục năm rồi.
Nàng kể tên cái khu biệt thự nàng đang ở, hoàn toàn không có ý khoe khoang. Khách quen của quán thằng Bảo, cũng có một cặp trung niên thiếu phụ nồng nhiệt ngoại tình, nhà ở khu đấy. Bọn họ dư dật nhàn rỗi, luôn cố tìm cách thương yêu nhau. Ngày nào cũng như ngày nào, buổi sáng ngồi uống cà phê, cả hai đều riêng rẽ chúi mặt vào iPhone lướt “phây”. Hiếm hoi lắm mới thầm thì. Thằng Bảo vài lần nghe hóng, thấy thiếu phụ cứ nhắc đi nhắc lại về một chuyến vụng trộm đi xa bằng ô tô mà chị ta tự lái. Trong mấy đồ linh tinh của nàng lúc nãy vứt trên mặt bàn, thằng Bảo thấy có chìa khóa xe Civic. Đàn bà thích tự lái ô tô thường lẳng lơ dâm đãng. Người tình đang sắp sửa chia tay của thằng Bảo trắng trợn nói thế. Cô ta đi BMW, chủ một hàng bia hơi khá to. Tay chồng là cao bồi phố Phủ, thích tỏ ra mình là phóng khoáng sâu sắc nên đi phượt tối ngày. Thằng Bảo những hôm mệt mỏi muốn giã rượu, tạt qua vỉa hè làm cốc bia mát buông mồm tán chơi, cô chủ đổ cái rầm. Chúng nó đều đặn tuần hai buổi vào khách sạn kín đáo ba sao Đức Hạnh ở phía cuối đường Bà Triệu, giá đắt hơn nhà nghỉ 100 ngàn. Cô ta có thói quen vừa làm tình vừa bật tivi xem “nếch tóp mo đồ”, chương trình thi tuyển người mẫu. Lúc hừng hực cao trào, nàng chủ quán bia hét ầm lên, có lẽ do đoán đúng cái con bé nói ngọng chân dài đồng hương đã thắng trong phần thi hùng biện.

- Những lúc buồn bã nhất thì bạn làm gì.
Nàng khẽ cười, đuôi mắt có vệt mờ mờ của bất hạnh. Nàng chợt nhìn thằng Bảo, không dài không ngắn.
- Em gọi sang số máy anh nhé.
Thằng Bảo đọc số phôn của nó, cẩn thận lưu số của nàng bằng nickname “Number five”. Cô chủ quán bia là “Number four”.

Quán đổi nhạc nền từ K-pop sang V-pop, cũng na ná nhau thôi nhưng ca từ dễ nghe hơn. Nàng mông lung thầm thì hát theo, còn mãi khung trời đó, mình gặp nhau lúc đầu. Ngày tháng hoa mộng đó…  Thằng Bảo kể một chuyện cười trong kho chuyện tiếu lâm của nó. Nàng chăm chú nghe nhưng chưa cười ngay, “number two” phải mất hai ngày mới bật cười. Rồi nàng rũ rượi hồn nhiên nắc nẻ, chỉ tay vào trán nó.
- Anh đểu lắm.
Ở nhiều cuộc chia tay, nhiều phụ nữ thường nói câu đó với thằng Bảo. Họ có yêu nó không và liệu có phải nó là thằng họ Sở. Những thằng con giai của vỉa hè Hà Nội, đa phần đều vô tình và đều tử tế, chúng nó lọc lõi một cách chân thành. Lần cuối cùng thằng Bảo nghe câu này là từ một con bé học năm cuối trường báo chí. Nó có giả dối không, không biết nữa. Lúc bị biết chuyện vợ mình, nửa đêm thằng Bảo phi xe máy lên cầu Thăng Long, lầm lũi nhìn lòng nước đen sẫm sông Hồng. Nó đã ra sát mép lan can cầu. Và chỉ tới khi tự chùi mấy giọt mặn nóng trên má lạnh buốt, nó mới bàng hoàng nghĩ lại tới bố mẹ, tới đứa con gái.

Điện thoại của nàng bỗng khe khẽ cao vút một đoạn giọng của Bằng Kiều. Nàng nhìn, có vẻ muốn đi ra ngoài cửa. Thằng Bảo tế nhị đứng lên xin phép, ra hiệu là mình đi về phía toa lét. Nàng nhẹ nhõm gật đầu vẻ hài lòng. Thằng Bảo mót đái thật, liên miên rượu và gái làm thận nó kém.
Vì quán thuê tiền sảnh chung cư, nên toa lét phải đi thang máy tận tầng tư. Khá đông người đang chờ, hôm nay khu ẩm thực tầng tư có buffet khuyến mại. Cửa thang máy mở, người trong la hét chưa kịp ra, người ngoài đã ùn ùn chen vào. Tất cả mọi người đều ăn mặc giống như người Hà Nội. Thằng Bảo nhìn quen rồi nhưng vẫn cố nuốt nghẹn. Ngay cả lúc vất vả đói khát nhất, Hà Nội của nó cũng không bao giờ như thế. Thằng Bảo lững thững cay đắng đi cầu thang bộ.
Toa lét sạch và rộng không ngờ. Thằng Bảo thỏa mãn, quay ra thì gặp bạn cũ. Đã bao nhiêu năm mà thằng Hào “mông xinh” trông vẫn không khác.

- Mày đi đâu mà lạc xuống tận đây.
- Tao đưa con bé nhà tao đi thi.
Thời gian bóng câu qua cửa, hai thằng tóc đã muối tiêu từng là bạn cùng phố đồng cảm thán. Lâu ngày không gặp làm chúng nó nao nao. Cả phố, bây giờ chỉ còn mình nhà thằng Bảo là chưa bán. Phố cổ hôm nay dày đặc đám ngoại tỉnh thừa tiền. Hai đứa đi cầu thang bộ xuống, thằng Hào không ngớt lời hỏi thăm phố cũ. Tao ở chỗ mới đã chục năm mà vẫn thấy xa lạ, hóa ra bé Hạnh “tầu” mê phim đã chết thật à. Thế sang tuần tao với mày ra quán ngồi uống nhé. Không, về nhà tao, vợ tao nấu ăn ngon không kém gì mẹ mày. Thằng Bảo ô kê. Chúng nó vui chuyện, cùng tiến về bàn có thiếu phụ ngồi. Nàng đang chăm chú lướt “phây”, ngỡ ngàng đứng dậy, hoảng hốt nhìn cả hai. Thằng Hào điệu đà huyênh hoang.

- Xin hân hạnh giới thiệu với bạn, đây sẽ là đầu bếp siêu đẳng của vụ nhậu tới.
Hà Nội quẩn quanh hẹp nhỉ, câu này nghe quen quá. Ông nội thằng Bảo từng nói vậy, rồi bố nó cũng từng nói vậy. Phía bên kia đường, đám phụ huynh đang sốt ruột ngọ nguậy chờ chợt nhiên nhớn nhác ồn ào, chắc bọn trẻ đã tan thi. Vợ chồng thằng Hào xã giao chào tạm biệt. Thiếu phụ như vội vàng đánh rơi kính vào chân chồng, may mà không vỡ. Thằng Bảo lần chần ngồi lại một mình, lơ đãng khuấy cốc cà phê đã tan hết đá, vừa loãng vừa nhạt. Ngày mai con bé thi nốt môn cuối, thằng Bảo sẽ vẫn phải đưa đi. Có lẽ, nó sẽ vẫn ngồi chỗ này.

Trên màn hình tivi treo ở chính giữa quán, phát thanh viên của mục dự báo thời tiết đang đều đều nói. Ngày mai, trời Hà Nội cũng sẽ giống hệt ngày hôm nay. Mà ngày hôm nay thì đã giống hệt ngày hôm qua.
N.V.H

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *