Tác phẩm và dư luận

30/6
5:03 PM 2017

NHỮNG CUỐN SÁCH CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Ngụy Hữu Tâm-Cách đây không lâu, tờ Spiegel của Đức cho đăng bài báo dài 10 trang, đánh giá lại 50 cuốn tiểu thuyết hay nhất tính từ năm 1989, năm đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới chúng ta. Xin đượcgiới thiệu bản lược dịch.

Ngày 14.01.1989, hàng nghìn người Hồi giáo đã tụ tập lại ở thành phố Bradford miền bắc nước Anh để đốt cuốn tiểu thuyết  "Những vần thơ quỷ Sa Tăng" của nhà văn người Anh gốc Ấn Salman Rushdie, vì đã dám phỉ báng Nhà tiên tri Mohamet. Một ngày sau, chuỗi nhà sách lớn nhất nước Anh cho thu hồi cuốn sách. Một tháng sau, lãnh tụ cách mạng Hồi giáo Iran Ajatollah Chomeni hô hào tất cả những người Hồi giáo trên toàn thế giới hãy giết chết nhà văn và tất cả những ai phát tán cuốn sách ấy. Lời kêu gọi ấy vẫn có hiệu lực cho đến ngày hôm nay.

 

Cuốn sách mô tả xã hội cho tới nay là do '3 câu chuyện vĩ đại’ điều khiển: lịch sử, kinh tế và đạo đức, và kể rằng, nhân dân bây giờ đang bị một 'bộ máy nhà nước kín đáo’ loại trừ. Hệ quả của điều đó là 'họ đi tìm cách thỏa mãn đạo đức của mình ở cái cổ nhất trong những câu chuyện vĩ đại, chính là tôn giáo’.  Phải vạch lại chiến tuyến: 'thế tục chống lại tôn giáo, ánh sáng chống lại bóng tối’.

Tiểu thuyết trở nên hiện thực. Một thế giới mới hình thành. Sau cuộc đối đầu XHCN-TBCN thì rõ ràng bây giờ là cuộc đối đầu giữa tôn giáo và các nền văn hóa, cuốn tiểu thuyết này trở thành chiến trường trong cuộc chiến đó. Sợ hãi bao trùm tất cả mọi người, tất cả mọi nơi.

. Cách viết về tác giả và imam là anh em, người kiểm soát lịch sử, tương tự như Thomas Mann 1938 khi phải di tản cũng viết tiểu luận "Bruder-Anh Hitler", nhà văn và tên độc tài. Nhưng có khác biệt: người này đưa những kẻ tôi tớ về một câu chuyện, người kia cho tất cả các câu chuyện có thể.

Và rồi 1989 mở ra thời đại mới. Thế giới thay đổi nhanh và không ai tiên đoán được như trái bom nổ. Bức tường Berlin đổ, Liên Xô và phe XHCN tan rã. Phương Tây chưa kịp ăn mừng thì những xung đột mới đã nổ ra. EU mới hình thành thì cuộc chiến Nam Tư đã đe dọa tan vỡ. Tòa tháp đôi ở New York đổ, phương Tây tham gia vào những cuộc chiến mới, Hồi giáo cực đoan phát triển. Nỗi sợ khủng bố bóp nghẹt thế giới. Vấn đề di dân với chiến tranh, nghèo đói, đàn áp và xua đuổi là đề tài chính cho thời đại chúng ta.

Thế nhưng thời đại thông tin, quan sát cũng là thời đại của tự quan sát, thời đại của những kẻ ái kỷ. Bất cứ lúc nào cũng có cơ hội tiếp xúc với bất cứ ai trên thế giới, càng đơn giản hơn thì càng làm từng cá thể quan tâm tới chính mình, tới hình ảnh mình trước thế giới.

Thời đại của dao động, của tính năng động và tính dễ đổ vỡ cũng là thời điểm cho văn chương, cho nghệ thuật tạo dựng những khả năng lớn. Rõ ràng là khó được nghe thấy ở cơn giận dữ dữ dội của thế giới.

Những cuốn tiểu thuyết nào, những hư cấu nào tạo dấu ấn cho thời đại chúng ta? Khi trước đây 15 năm, Marcel Reich-Ranicki (sinh 2-6-1920 ở Włocławek; mất 18-9-2013 ở Frankfurt am Main, nhà phê bình văn học nổi tiếng người Đức gốc Ba Lan, được đánh giá là nhà phê bình có ảnh hưởng nhiều nhất tới nền văn học Đức hiện đại, Nhà sách Nhã Nam đã ấn hành cuốn "Đời tôi" của ông, NHT) đặt quy chuẩn của ông cho văn học Đức trên tờ Spiegel, ông nói về "nỗi sợ của nhiều người đương thời, được cung cấp quá nhiều thông tin mà vẫn là người không hiểu biết". Những cuốn sách nêu thành bảng ở dưới là 50 tiểu thuyết hay nhất thời đại chúng ta, là những cuốn sách từ khắp thế giới, về tất cả thế giới ngày hôm nay, ngày hôm qua và ngày mai.

1989 và những năm kế tiếp: chủ nghĩa tư bản lan rộng, toàn bộ thế giới trở thành một thị trường, ở Liên Xô đang tan rã các tài nguyên vô tận chỉ trong vài giây được chia cho chỉ vài đại gia, xuất hiện giàu có ở số ít, nghèo túng ở số đông. Đồng thời trong ít khoảnh khắc, phương Tây hiện lên như là ngày lễ, tự sướng, ham hưởng lạc, tính vị kỷ, từ biệt chính trị, hoan hỉ khoảnh khắc và vẻ đẹp.

Một nhà văn lớn vĩnh biệt bằng một tiểu thuyết. Friedrich Dürrenmatt ngồi trên hồ ở Neuchâtel để cho thế giới đổ sập lần cuối cùng trong "Thung lũng lộn xộn“. Nhân vật chính là vị thánh không râu nơi địa giới, rất nhiều quyền lực hơn vị được tưởng tượng trên trời. Một bố già mafia của CNTB hoang dã, không hiểu nổi. Giấc mơ của hắn là một trại nghỉ dưỡng cho các tỷ phú ở một thung lũng Thụy Sỹ. Tất cả đến, tất cả cháy, lâu đài của CNTB cháy, cứ như một tòa Tòa tháp đôi New York ở trên những ngọn núi Thụy Sỹ. "Tháp phương Tây đổ sập“, "tháp phương Đông run rẩy“, vị thánh, tác giả Dürrenmatt cười. "Ở một nhà vật lý, ông ta có lần đọc được rằng, nếu hiện thực có thể nói được thì nó sẽ không phát biểu các công thức vật lý, mà sẽ hát một bài hát dành cho thiếu nhi“. Điều ngạc nhiên cơ bản của bài viết của ông là, hiện thực điên khùng hơn bất cứ thứ hư cấu nào.

Ở Mỹ, nhà văn Mỹ gốc Nga Joseph Brodsky viết cuốn sách có tên "Bến bờ của những kẻ bị ruồng bỏ", về tất cả những cái mà ông cho là vẻ đẹp: "Bởi vì chúng ta sẽ lui đi mà vẻ đẹp sẽ ở lại. Bởi vì chúng ta chuyển động hướng về tương lai trong khi vẻ đẹp là hiện thực vĩnh cửu".

Châu Âu cũng vào những năm xử lý quá khứ. Nước Đức thống nhất quyết định công bố toàn bộ hồ sơ bộ máy giám sát ở CHDC Đức. Càng ngày quá khứ càng che lấp hiện tại. Xuất hiện một mạng lưới giám sát và phản bội không thể tưởng tượng nổi. Người bạn, người vợ, hàng xóm đều có thể thành kẻ phản bội. Địa ngục cho con người. Đấy là đề tài chiếm lĩnh nước Đức và văn học Đức. Và còn cả trước nữa cũng vậy, cái lịch sử kia, cái bóng dài dằng dặc của thời Nazi. Lịch sử mà nó sẽ không trôi qua và càng ngày càng tiếp tục tác động rõ ràng hơn lên các thế hệ kế tục. Lịch sử văn học Đức sau 1933 là lịch sử trốn chạy. Những tác giả hay nhất, vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất thế giới lại là những kẻ vốn bị xua đuổi.

1991 xuất hiện cuốn "Dòng sáu yên bình" của Monika Maron, cuốn sách của thù hận dồn lên thế giới những lão già. Maron có bố dượng là Karl Maron (cựu Bộ trưởng Nội vụ CHDC Đức), 1988 sang Tây Đức, viết câu chuyện về Rosalind Polkowski, người được vị cán bộ lãnh đạo lão thành Beerenbaum trả tiền viết hồi ký cho ông ta. Nỗi thù hận khét tiếng với tính tự phụ của những lão già, cái thế giới của những con người luôn tự cho là đúng suốt đời. Thử nghiệm đầy nghịch lý, qua lắng nghe và cùng viết để làm lão già câm đi, thất bại. Còn cái chết? Để dĩ vãng đang tán gẫu mãi này cuối cùng cũng sẽ kết thúc? Thế nhưng bà ta không thể thoát khỏi chính hồi ức. Cái đã viết ra vẫn tồn tại. Sau đám ma lão già, bà ta nhận được cuốn sách, nhưng bà sẽ chôn nó trên giá, nhất quyết không mở, bởi lẽ việc ấy cũng không giúp ích gì cho bà.

Cả ở tiểu thuyết "Herztier-Thú người" (đã có bản dịch tiếng Việt, NHT) của nữ văn sĩ giải Nobel Hertha Müller, cái chết không phải là lối thoát cho nghịch lý. Hertha Müller là người phụ nữ Đức thuộc dân thiểu số ở Rumani trở về Tây Đức năm 1987. Sau cuộc trốn chạy, mật vụ Rumani vẫn cùng bà viết "Thú người", cuốn sách về cuộc đời bị sợ hãi ám ảnh mãi mãi, nhưng cũng về lòng dũng cảm để nói và để viết ra.

W.G. Sebald không trở về lại văn học Đức, không trở lại Tây Đức, mà di tản sang Anh năm 1966 vì khinh bỉ nước mình, với dĩ vãng Munich bị thế chiến hai tàn phá. Cuốn sách "Những kẻ bị đi di tản" gồm 4 truyện dài để cuối cùng cho một câu chuyện đầy tính tiểu thuyết về cuộc đời phải đi di tản. Khi người kể chuyện tìm dấu vết của một trong các nhân vật của mình, anh ta chỉ tìm thấy sự lãnh đạm và câm lặng. Sebald viết văn học thế giới ở Anh bằng tiếng Đức cho đến cuối đời ông. Đó là thứ ngôn ngữ của hồi ức, ông nói vậy.

      ●

Chúng ta nhớ tới cái gì và nhớ như thế nào? Hồi ức nào nắm quyền điều khiển chúng ta và làm sao chúng ta viết về điều đó? Văn học và tiểu thuyết càng cổ hơn, thì nhận thức càng rõ ràng hơn rằng, chúng ta không thể kể theo cái cũ được nữa. Bây giờ là thời đại cá thể hóa, cá biệt hóa, cách biệt hóa hoàn toàn. Khi gia đình suy thoái, làm sao còn có thể viết về thế giới ở tư cách là tiểu thuyết gia đình? Khi các xã hội tan rã, làm sao còn có thể viết một cuốn tiểu thuyết xã hội, về thế giới ngày hôm nay? Liệu ngay từ đầu, cái ấy có phải là một sự dối trá liều lĩnh hay không?

Một người phụ nữ trẻ người Ấn bang Kerala chắc chắn không có hoài nghi đó, mà đơn giản bắt đầu viết ngay, một câu chuyện về quê hương bà, một xã hội tan nát về tôn giáo, kinh tế, chủng tộc, bà viết câu chuyện về cặp chị em song sinh Rahel và Estha, về "cặp song sinh Thái Lan" tách biệt thân thể nhưng lại chung một bản sắc, về ưu thế của "những cái lớn", chủ nghĩa Mác, tôn giáo, lịch sử thuộc địa, chế độ đẳng cấp, bóc lột tình dục, và về tiểu quyền lực cách mạng, "những cái nhỏ". Arundhatie Roy 35 tuổi khi "Chúa của những điều bé nhỏ" được ấn hành và lập tức thành công ở tầm thế giới. Đấy là một tác phẩm phản kháng cực hay, đầy sáng tạo, hiện thực như truyện cổ tích, thống thiết chống lại những sự ràng buộc của thế giới. Một tác phẩm về những cuộc chiến cuối cùng của những tín đồ bá quyền phương Tây. Chúng bắt cặp song sinh bất trị phải làm bài phạt là viết hàng trăm lần câu "Tôi sẽ luôn luôn nói tiếng Anh". Từ ba khiếm khuyết cuộc đời người phụ nữ là gầy, da đen và láu cá, bà đã tạo dựng cuốn tiểu thuyết phản kháng: "Những cái lớn luôn rình mò bên trong mình. Chúng biết rằng, chúng sẽ không thể đi đâu được. Chúng chẳng có cái gì cả. Chẳng hề có tương lai. Bởi vậy chúng bám vào những cái nhỏ".

Salman Rushdie đã viết: "Nhiệm vụ của nhà văn, cả trên công luận lẫn ở chỗ riêng tư, là làm trung gian cả cho xã hội lẫn cho tái tim con người“.

Trong cuốn tiểu thuyết gia đình tếu táo nhất và cũng đa văn hóa nhất thời đại chúng ta là "Chìa răng ra" của nữ văn sĩ người Anh Zadie Smith, bà gọi "Những vần thơ của quỷ Sa Tăng" là "Cuốn sách bẩn thỉu". Chính Millat, đứa con đã hết sức hội nhập của một cặp vợ chồng gốc Bangladesh, lại đến Bradford để đốt "Cuốn sách bẩn thỉu". Bố hắn gửi Magid, anh trai hắn, đứa con đã thành người Anh hoàn chỉnh với bộ com lê màu trắng và tiếng Anh chuẩn Oxford, về lại Bangladesh để nó khỏi bị phương Tây làm suy đồi đạo đức. Còn em nó ở lại Anh thì trở thành tên Hồi giáo cực đoan để râu, mà hắn làm tất cả để được công nhận ở cái đất nước này: "Nói ngắn gọn là, hắn biết rằng, ở cái đất nước này hắn không hề có một bộ mặt nào, ở cái đất nước này hắn không hề có một tiếng nói nào". Làm sao để người ta nhận ra chúng ta? Làm sao để chúng ta cùng chung sống? Zadie Smith đã viết một tiểu thuyết chân thực hiếm có về di dân, không im lặng bỏ qua các xung đột mà tận hưởng chúng. Lạc quan, cool, sẵn sàng tranh luận.

Chúng ta cũng thấy một cuộc chiến cuối cùng cho nền văn hóa chính mình ở cuốn tiểu thuyết gia đình "Những hiệu chỉnh" của Jonathan Franzen, vào cái tuần có ngày 11 tháng chín. Đó là câu chuyện về một gia đình suy tàn ở trung tâm suy tàn của nước Mỹ. Bố mắc bệnh Parkinson và suy giảm trí nhớ, những đứa con mắc chứng suy tàn hiện đại hiện đã lan ra khắp nước, người mẹ cố gắng lần cuối tụ tập gia đình về dự lễ Noel. Ép vào nhau bằng sức mạnh siêu nhân và chống lại tất cả hiện thực theo truyền thống lớn, nhỏ của Thiên Chúa giáo. Thất bại. Lực ly tâm quá lớn. Những đứa con không thể hiệu chỉnh cuộc đời thất bại của bố mẹ. Một truyện ngụ ngôn về cái tiềm lực đang suy tàn của Hoa Kỳ. Cuốn tiểu thuyết về một sự suy tàn, một trăm năm sau tiểu thuyết Đức về suy tàn "Gia đình Buddenbrooks". Rồi Tòa tháp đôi sụp đổ.

Thiên niên kỷ mới mong đợi bắt đầu với những bức tranh tận thế được dàn dựng tuyệt diệu này. Tòa tháp đôi Thương mại Thế giới thành một địa ngục. Làm sao phương Tây có thể bảo vệ mình đây? Làm sao chiếm lại được ưu thế cho những hình ảnh, cho lịch sử vừa mới bắt đầu? Bắt đầu về tự do lại đã kết thúc rồi chăng? Có quá nhiều người và nhiều quyền lực chẳng muốn có cái sự tự do này, cái tự do tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ. Tự do là một mối đe dọa. Nhiều người ở phương Tây cảm nhận nó như thế, nhưng trước hết là những người tuân theo câu chuyện khác, một câu chuyện tôn giáo.

Vào những ngày đó ở Đức cũng xuất hiện một tiểu thuyết ghê gớm về suy tàn, cuốn "1979" của Christian Kracht. Trước đó vài năm, trong tiểu thuyết đầu tay "Faserland- Nước sợi" của mình, ông cũng đã từng cho một chàng thanh niên khinh mạn trần đời đi suốt nước Đức về hướng suy tàn. Còn tiểu thuyết mới này bắt đầu ở Iran khi xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Đấy là cuốn sách đầy sự kinh tởm kiểu phương Tây, mệt mỏi, ước vọng về một cộng đồng mới, về sự trừng phạt đối với một cuộc sống vô ích, tha hóa. Con đường của anh ta dẫn nhân vật chính đang cần giải thoát tới ngọn núi Thần Kailasch ở Tây Tạng, và cuối cùng là một trại cải tạo Trung Quốc và kết thúc bằng câu: "Tôi đã cải tạo. tôi chưa bao giờ ăn thịt người".

Trước đó cũng đã có một người thân của tác giả Kracht xuất hiện: "Ngài chẳng còn rất trẻ nữa. Ngài sẽ chết, ngay bây giờ. Không sao đâu. Tôi ở đây. Tôi không để Ngài ngã đâu. Ngài hãy đọc tiếp đi". Đấy là Michel Houellebecq với cuốn sách đầu tay "Mở rộng khu vực chiến trường". Ông là nhà văn mới, thẳng thừng nhất thời đại. Ông nhìn thế giới hết sức lạnh lùng, nhưng cũng lại đầy hài hước khi phải mô tả những người thua cuộc trong thế giới đua tranh khốc liệt. Các nhân vật của Houellebecq đơn độc như ở dưới địa ngục. Còn ở "Hạt cơ bản", tiểu thuyết ấn hành 1998 ở Pháp, ông phát hiện một giải pháp cho nghịch lý thời đại chúng ta: "Thay đổi không xảy ra trong tâm mà ở gen". Thay con người cũ bởi con người mới, đầy hạnh phúc. Thế nhưng con người trên Trái Đất có tham gia hay không? Câu của Houellebecq để kết thúc cuốn sách hệt như hít sâu lần cuối ở cuối thế kỷ: "Hoàn toàn ngạc nhiên khi thấy mọi người bình thản, nhẫn nhục đến thế nào và có lẽ thậm chí còn nhẹ nhõm đồng ý với sự tan biến của chính mình".

Phải chăng tự do là cái mà dân Đông Âu mấy năm qua giành được? Tự do cũng là lời hứa của thế kỷ Hoa Kỳ. Thoát khỏi sức nặng không thể chịu nổi này là động cơ và ước vọng của các nhân vật của Houellebecq.

      ●

Tất cả mọi thứ đều có thể, nhân bản vô tính, vật và người, mở khóa bộ gen, mỗi người là một cuốn tiểu thuyết, mỗi người là một thánh nhân. Chúng ta có thể đọc, rồi viết lại theo ý mình, có thể sáng tạo tất cả mọi thứ từ đầu và như thế cũng có thể phá hủy tất cả mọi thứ. Ở tiểu thuyết "Tất cả những gì ta phải hiến tặng“ của tác giả Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro, các nhân vật sẽ sướng nếu họ có được cái tự do từ vương quốc của  Houellebecq.

Những thanh thiếu niên ở trường nội trú nước Anh cuối thế kỷ 20 một ngày kia được biết, họ chỉ là những người nhân bản vô tính được nuôi để làm kho cung cấp phụ tùng cho người thật ngoài đời. Họ phải tuân thủ số phận của họ hệt như các nhân vật của Kracht, như các nhân vật của Houellebecq. Họ chỉ cố gắng giữ thể diện của mình. Nhưng rồi có ai đó gợi ý, họ có thể héo dài tuổi thọ nếu họ cảm xúc được tình yêu đích thực. Niềm tin ấy là tôn giáo của họ. và tác giả sáng tạo Ishiguro cũng yêu họ vì họ có niềm tin ấy. Tình thương cho các nhân vật có thể cảm nhận từ mỗi trang sách, về cơ bản khiến ông khác với Kracht và Houellebecq.

Một năm sau tiểu thuyết của Ishiguro xuất hiện tác phẩm đen tối nhất thời đại chúng ta, lỗ đen ở phòng đọc này mà nó hút hết tất cả bạn đọc: "Con đường" của nhà văn Mỹ Cormac McCarthy. Vấn đề hầu như không xoay quanh gì khác ngoài hai cha con đi trên con đường ra biển, qua một thế giới hầu như không có người. Họ là dân tỵ nạn, hầu như là những người cuối cùng. "Vào những năm đầu tiên ấy thì những con đường đầy dân tỵ nạn, quần áo họ mặc hệt như vải niệm xác, đeo khẩu trang và kính bảo hộ và trong những bộ đồ ấy, họ ngồi bên vệ đường hệt như những kẻ nghèo khó ngồi trong khinh khí cầu". Tuyết xám, không đợi gì, cha lo cho con. Chẳng còn gì để hy vọng. McCarthy viết với sức nặng và sức mạnh làm người đọc phát sợ.

Các công trình xây dựng những năm sau khi bức tường Berlin đổ: Có cả bức tường Mỹ ở phía Nam. Các nhà chính trị châu Âu cũng muốn hay đã xây từ lâu các bức tường như biên giới rồi, để tự bảo vệ mình trước cái nghèo đói khốn nạn ở bên ngoài, tự bảo vệ mình trước lũ khốn vô vọng và vốn bị nhục mạ. Thế giới của tự do lưu thông hàng hóa lại muốn dùng tất cả mọi cách để ngăn cản tự do lưu thông con người. Một cuộc chiến tự vệ vô vọng, đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người trên con đường đi đến cái thế giới hằng mong ước.

Sử thi "2666” của nhà văn người Chile Roberto Bolaño tạo dựng nên nhân vật bí ẩn giống Ernst Jünger (nhà văn, sĩ quan, công tử bột, nhà nghiên cứu côn trùng người Đức, vẫn bị coi là người trí thức đã mở đường cho tư tưởng Quốc xã) tại thị trấn biên giới Mỹ-Mêhicô Santa Teresa, theo gương thị trấn biên giới có thật là Ciudad Juárez. Ở đấy thì địa ngục là thật sự, đó là thị trấn điên khùng của thế giới toàn cầu hóa, của chém giết thường nhật, của việc người giàu phải bảo vệ chống lại cuộc tấn công của người nghèo. Chính tại đây, chỗ nối của thời đại chúng ta, tác giả là cựu chiến binh Đức đã trốn ở lại để ngồi viết, tiếp cận "Unschuldstheater-Kịch viện vô tội" của người lính ngày trước để đi đến chân lý văn học. Nhà văn Bolaño dắt tay ông.

Trong khi ở phương Tây, cường quốc Mỹ già cỗi dao động và co lại, thì ở phương Đông, Trung Quốc càng ngày càng trỗi dậy. Thử nghiệm gắn kết chủ nghĩa cộng sản kiểu Trung Quốc với các sức mạnh của nền kinh tế thị trường đã ẩn chứa sức công phá lớn vô cùng, nên cần một quyền lực nhà nước để quản lý. Cả ở  Nga và Belarus người ta cũng cố gắng gắn kết tự do kinh tế với kỷ luật của cá nhân và chính kiến. Sức mạnh tự vệ của bộ máy nhà nước trước lực ly tâm của thị trường và của con người là khá hiệu quả.

Những cuốn sách của các vị anh hùng phương Đông lại đến, chẳng hạn của nữ văn sĩ Belarus Swetlana Alexijewitsch và nhà thơ Trung Quốc Liêu Diệc Vũ. Ngày trước ngồi tù, nay Liêu Diệc Vũ sống ở Berlin, sáng tác thi ca, tiểu thuyết, viết cuốn sách hội thoại "Cô Hallo và vị Hoàng đế nông dân", một bức tranh toàn cảnh về xã hội, đầy cảm xúc.

Swetlana Alexijewitsch theo đuổi dự án song sinh ở tiểu thuyết "Thời đại secondhand-nghe gián tiếp". Đúng vậy, đấy là một dàn đồng ca, những cuộc đàm thoại với những người đã gục ngã trước thời đại, những nhân vật của Houellebecq ở phương Đông, những người chẳng biết dùng sự tự do bỗng dưng có để làm gì. Alexijewitsch và Liêu sưu tập rồi sáng tác từ tư liệu chưa sẵn có. Chính họ là những nhà sưu tập. Là người tham gia vào lịch sử.

Thời đại thông tin đang phát triển toàn diện, cực nhanh, bùng nổ. Salman Rushdie cũng đã trải nghiệm cái ấy: "Như nhiều khẳng định sai được tung ra khi bắt đầu thời đại thông tin (hay phản thông tin), nó là đúng chỉ riêng qua sự lặp đi lặp lại. Hãy kể một điều dối trá, và nhiều người sẽ không tin. Hãy kể điều dối trá ấy một triệu lần và người ta sẽ tin".

Tiểu thuyết về tương lai nói về sự sửa chữa thế giới bằng tất cả mọi phương tiện, nhưng lại gây bất an nhất là cuốn "Circle- Đường tròn" của Dave Eggers. Đó là tiểu thuyết thực, đượm vui buồn của chính gia đình mình, cũng là tiểu thuyết về thời đại thông tin của chúng ta. Lẽ ra là một tiểu thuyết loan truyền, những nhân vật khắc gỗ, câu chuyện rõ ràng: Những lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn thông tin Google, Facebook, Apple được ghép chung vào tập đoàn đa quốc gia "Đường tròn". Trong tập đoàn này– giống như ở các tiểu thuyết dàn đồng ca của chúng ta– sẽ sưu tập các giọng, của tất cả mọi người, bất cứ lúc nào, từ tất cả mọi nơi và live-trực tiếp, nhưng mục tiêu không phải là phản sự thật, mà là tiểu thuyết tổng lực, kiểm soát hoàn toàn, lợi nhuận tối đa. Mọi người giao lại tự do mà họ đã từng khó khăn lắm mới giành được, họ chẳng có gì phải giấu. Món quà ý nghĩa cuộc sống bí mật, được tự do thì họ chỉ nhận ra khi đường tròn khép kín. Sức mạnh giải định của một tiểu thuyết mạnh đến mức bạn đọc thấy tương lai rất gần.

Karl Ove Knausgård tự giới thiệu mình, cuộc đời và gia đình ông qua tác phẩm đồ sộ 6 tập "Min Kamp-Cuộc chiến của tôi", lịch sử nỗi đau và cuộc đấu tranh của người đàn ông hiện đại. Phô trương quyền lực của cái tôi, Knausgård chẳng làm gì khác toàn thế giới ở thời đại tự thể hiện của thông tin và tính ái kỷ, nhưng– đấy chắc chắn là một phần làm cả thế giới đam mê tác phẩm này- ông không làm bộ. Ông chẳng quy cho mình vai anh hùng như tất cả các cái Tôi Facebook ngoài kia vẫn làm.

Tác phẩm của Knausgård đã đi từ chủ nghĩa hiện thực lên chủ nghĩa siêu thực. Salman Rushdie mô tả điều ấy như sau: "Chẳng có cái gì đó như cuộc sống bình thường. Ông ấy đã từng luôn thích thú niềm tin của người theo chủ nghĩa siêu thực, mà theo đó thì khả năng chúng ta cảm nhận thế giới như là cái gì đó bất thường bị thói quen giảm bớt đi... Vậy nhiệm vụ nghệ sĩ cũng là quét cái lớp gây mù này đi, phải làm mới lại khả năng ngạc nhiên của chúng ta“.

Cuối cùng lại là người đàn ông với điếu thuốc nhàu nát. Thi sĩ thời đại chúng ta. Lần này là anh hề không răng trên trang nhất tờ báo châm biếm Charlie Hebdo ngày 7-1-2015, nhân vật ở trang nhất chính là Houellebecq: "Vào năm 2022 tôi sẽ thực hành Ramadan". Hai tên che mặt đột nhập vào tòa soạn, giết chết 11 người và trên đường trốn chạy giết thêm một cảnh sát. Đấy là ngày tiểu thuyết "Khuất phục" được phát hành. Trong khi nhiều vùng của thế giới phương Tây thể hiện đoàn kết bằng câu "Nous sommes Charlie- Chúng ta là Charlie" thì Thủ tướng Pháp Manuel Valls lại bảo: "Nước Pháp không phải là sự khuất phục. Nước Pháp không phải là Houellebecq".

Điều gì vừa xảy ra. Houellebecq mắc tội gây ra cái chết của 12 người kia? Houellebecq đã đòi nước Pháp phải chịu khuất phục trước Hồi giáo? Làm sao được? Bằng một cuốn tiểu thuyết?

"Khuất phục" xảy ra vào năm 2022, nhân vật chính là François, nhà nghiên cứu văn học, mê các tác phẩm của thi sĩ thời suy tàn Huysmans: "Chỉ có văn chương mới truyền cho chúng ta cảm giác gắn kết quả với tâm hồn người khác, với tất cả những gì làm nên tâm hồn này". Nước Pháp bị cuộc nội chiến làm rung chuyển. Là kẻ kỳ lạ luôn nói ra cái anh ta thấy và nghĩ. Cô người yêu Myriam bảo anh ta: "Anh luôn có một loại gì đó của tính chân thực bất thường, không có khả năng thỏa hiệp".

Tiểu thuyết kể cho chúng ta về những khả năng của thế giới. Chúng ta soi mình trong đó. Chúng ta là thời đại chúng ta. Những tiểu thuyết hay nhất đọc cứ như hiện thực. Nếu chúng không như vậy thì chúng là hình ảnh của một thế giới có thể như thế. Trách nhiệm chúng ta là theo đuổi những tầm nhìn này hay tạo ra những tầm nhìn khác.

 

Nguồn Văn nghệ số 26/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *