Tác phẩm và dư luận

30/4
8:58 AM 2017

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

BỮA CƠM CHIỀU TRONG DINH ĐỘC LẬP

Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
Rau muống xanh như hái tự ao nhà
Trời còn đầy ắp hoa và pháo
Nhìn nhau chưa vội mở vung ra

Màu xanh - sân cỏ xanh mải miết
Quây quần đồng đội đến vui chung
Hàng cây so đũa cùng ta đó
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng

Khách thường: Thương mấy anh nhà báo
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày
Sáng chiếm núi Bông, chiều cửa Thuận
Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây

Tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu
Xích còn vương đất đỏ Phan Rang
Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận
Chia thêm tổng-thống-ngụy-đầu-hàng

Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi

Bỏ lại đằng sau bao trận đánh
Kịp vào thành phố sáng tên Người
Độc lập theo tăng vào cổng chính
Cờ treo trên đỉnh nước non ơi!

Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói, say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông

                                      HỮU THỈNH

Lời bình của nhà thơ MAI NAM THẮNG:

Tên bài thơ khiến người đọc nghĩ ngay đấy là bữa cơm chiều ngày 30-4-1975, diễn ra tại dinh Độc Lập. Chắc chắn không ai nghĩ khác như thế! Cái sự mặc định nghiễm nhiên, tất nhiên, rất dễ hiểu nhưng cũng rất khó giải thích rành rẽ ấy làm nên giá trị, sức hấp dẫn của bài thơ, khiến người ta phải đọc tiếp bài thơ để tìm hiểu xem cái “bữa cơm chiều” hôm ấy còn có những điều gì đặc biệt.

Là bởi vì ngày 30-4-1975 là một ngày hết sức đặc biệt, vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày ấy ở Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của chế độ tay sai bán nước, những chiếc xe tăng quân giải phóng ầm ầm xốc tới những mục tiêu đầu não như dinh Độc Lập (phủ Tổng thống ngụy), trại Trần Hưng Đạo (Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam cộng hòa), sân bay Tân Sơn Nhất… Các chiến sĩ quân giải phóng dũng mãnh lao lên cắm cờ chiến thắng sau khi đập tan những ổ kháng cự cuối cùng của địch. Hàng vạn đồng bào đổ ra đường vẫy cờ hoa đón chào quân giải phóng… Đó là những hình anh đã được quay phim, chụp ảnh, ghi chép đầy đủ và đã khắc sâu trong tâm trí của hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Nhắc đến ngày 30-4-1975 lịch sử là nhắc đến những hình ảnh, những sự kiện trên đây. Nhưng với cảm quan của một nhà thơ áo lính tài hoa, Hữu Thỉnh lại nhắc đến cái ngày trọng đại ấy bằng việc kể về bữa cơm chiều ngày ấy trong dinh Độc Lập. Kể rằng: Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện / Rau muống xanh như hái tự ao nhà / Trời còn đầy ắp hoa và pháo / Nhìn nhau chưa vội mở vung ra… “Chưa vội mở vung ra” vì vui quá, phấn khởi quá mà quên cả đói; mặc dù chắc chắn suốt chiến dịch vừa rồi bữa cơm nào cũng là dã chiến qua quýt vội vàng, thậm chí nhiều bữa chỉ lương khô nước lã. Bây giờ có cơm nấu bếp điện hẳn hoi, lại có cả rau xanh nữa, vậy mà vì “trời còn đầy ắp hoa và pháo” nên ai nấy mải vui chẳng thiết gì cơm nước. Đến khi sắp bát, so đũa ngồi vào mâm rồi vẫn:
Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi!

Thì ra, “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” chỉ là cái cớ để nhà thơ nói về tâm trạng của đồng đội các anh-những người chiến thắng-trong ngày đại thắng. Các anh đã thực hiện xuất sắc mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa…” với khí thế tiến công như vũ bão: Sáng chiếm núi Bông, chiều cửa Thuận / Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây… và ngay chiều nay, khi đã đến đích cuối cùng mà “Xích còn vương đất đỏ Phan Rang” đủ thấy quân ta đã “thần tốc, táo bạo” đến mức nào; đã bỏ lại đằng sau bao trận đánh / Kịp vào thành phố sáng tên Người, trong niền vui như triều dâng thác đổ:
Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói, say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông

Có một chi tiết cần lưu ý: Tên bài thơ là “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” nhưng toàn bài thơ không thấy ai ăn như đã nói trên đây, lại cũng chẳng thấy có thức ăn gì, ngoài bát canh chắc là canh rau muống. Đoán như vậy bởi đầu bài thơ có nói đến rau muống. Nhắc rau muống nhưng không nói để luộc hay xào, mà chỉ là cái cớ để nhớ về quê hương, nhớ về hậu phương bền chặt và vững chắc của cuộc chiến tranh thần thánh. Giây phút thiêng liêng trọng đại của chiến dịch lịch sử, ai cũng rưng rưng bồi hồi nghĩ về quê nhà, về mẹ. Đó là tâm lý nhân văn của người chiến sĩ. Ca dao truyền thống có câu: “Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Chính nhà thơ Hữu Thỉnh trong một chiến dịch trước đó, cũng từng viết: Chiến dịch này ăn cơm không phải độn / Mừng thì mừng mà thương mẹ biết bao nhiêu… Bởi anh biết để các anh có bữa cơm không phải độn, những bà mẹ ở hậu phương phải chắt chiu, vất vả vô cùng; thậm chí mẹ phải ăn cơm độn để dành gạo cho các con ngoài mặt trận ăn no, đánh thắng. Và như thế, kết thúc bài thơ có nhắc đến bát canh nhưng cũng không phải để nói chuyện khẩu vị, mà là để ví von: Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông…

Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Bính, nguyên cán bộ tuyên huấn Quân đoàn 2-Binh đoàn Hương Giang-đơn vị có lữ đoàn xe tăng 203 vinh dự đánh chiếm dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, sinh thời có bài viết nói rằng: Bài thơ “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” có 2 chi tiết sai sự thật: Một là, chiều hôm ấy đơn vị các anh “hạ trại” trong vườn dinh Độc Lập, có chuyện nấu cơm nhưng là nấu bằng củi mang theo chứ làm gì có chuyện “cơm dã chiến nấu bằng bếp điện”. Hai là, bữa cơm chiều hôm đó ngoài “khách thường” là mấy nhà báo đi cùng chiến dịch, có chuyện các anh mời cơm một số hàng binh được đi theo để dẫn đường, làm gì có chuyện “chia thêm tổng thống ngụy đầu hàng”? Nhưng hai chi tiết “bịa” trên đây lại quá hay, quá “thật”, nó làm nên “hồn vía” của bài thơ.  

    Thật vậy, nếu không có chuyện “Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện” và khi sắp mâm bát phải “chia thêm tổng thống ngụy đầu hàng” thì làm sao định vị được đấy là bữa cơm chiều 30-4-1975, tại sào huyệt cuối cùng của kẻ địch, mặc dù bài thơ không hề nhắc đến những con số thời gian mang ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại trên đây!

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *