Ống kính phê bình

17/1
5:37 PM 2019

THƠ BA LAN VIẾT VỀ VIỆT NAM CHIẾN ĐẤU

NGUYỄN CHÍ THUẬT-Tháng 10 năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, một sự kiện văn học có ý nghĩa lớn lao đã được ghi nhận ở Ba Lan. Đó là sự ra đời tuyển tập thơ Các nhà thơ thế giới vì Việt Nam do Viện xuất bản Quốc gia Ba Lan ấn hành.

Tác giả Lời giới thiệu cuốn sách là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng Jaroslaw Iwaszkiewicz, khi đó là Chủ tịch đương nhiệm Hội Nhà văn Ba Lan. Bài thơ mở đầu tập thơ là bài Thơ Xuân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

Tuyển tập Các nhà thơ thế giới vì Việt Nam, xuất bản theo sáng kiến của ủy ban Toàn quốc Các chiến sĩ bảo vệ Hòa bình Ba Lan, tập hợp gần 200 bài thơ của 176 nhà thơ trên khắp thế giới, trong đó có cả các nhà thơ Việt Nam. Trong dàn đại hợp xướng ca ngợi cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc Việt Nam, Ba Lan góp mặt 19 nhà thơ với 27 bài thơ và trích đoạn trường ca. Có mấy nhà thơ Ba Lan được chọn đến ba bài đưa vào tuyển tập. Người nhiều tuổi nhất khi có thơ in trong tập thơ này đã xấp xỉ tuổi 70 (Anatol Stern sinh năm 1899, Julian Przybos - 1901, Stefan Flukowski - 1902), nhà thơ trẻ nhất có mặt trong tuyển tập là Andrzej Zaniewski, sinh năm 1940, khi đó mới 28 tuổi. Nữ nhà thơ Halina Poswiatowska (1935 - 1967) sống vẻn vẹn được 32 năm, trong đó mấy năm cuối đời phải vật lộn với căn bệnh tim quái ác và chấp nhận thực tế về sự ngắn ngủi của cuộc đời mình, vậy mà bà đã viết bài thơ nhan đề Việt Nam 1965 vô cùng cảm động. Trước khi chết bà không hề biết là mình đã góp phần làm nên món quà vô giá của Ba Lan tặng cho Việt Nam. Đưa ra những con số thống kê như vậy để thấy tình yêu Việt Nam của các nhà thơ Ba Lan không phụ thuộc vào tuổi tác. Cũng cần phải nói thêm rằng trong số các nhà thơ Ba Lan có thơ in trong tuyển tập này, nhiều người đã thành danh, có vị trí cao và vững chắc trong nền thơ của một dân tộc vốn có truyền thống thơ ca. Có thể kể ra ở đây những tên tuổi như Stanislaw Ryszard Dobrowolski, Julian Przybos, Stefan Flukowski hay Wislawa Szymborska, người được trao Nobel Văn học vào năm 1996 và là nhà thơ Ba Lan thứ hai có vinh dự lớn lao này (sau Czeslaw Milosz, Nobel Văn học 1980).

Trong hai cuộc kháng chiến - chống Pháp và chống Mỹ - giành độc lập dân tộc, Việt Nam có rất nhiều bạn bè quốc tế. Riêng trong trường hợp Ba Lan, chúng ta có thể nêu ra rất nhiều ví dụ về sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực và hiệu quả, thể hiện tình cảm đặc biệt của những người từng trải qua cảnh ngộ tương tự, hiểu rõ cái giá của xương máu đổ ra vì độc lập, tự do. Ba Lan tham gia ủy ban quốc tế giám sát Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hiệp định Pari về Việt Nam. Con tàu Ba Lan mang tên Kilinxki chở cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Nhưng nét đặc biệt hơn cần được ghi nhận trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là mặc dù cách xa nhau về địa lý, có những khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, quan hệ giữa hai nước có truyền thống lâu đời và để lại những dấu ấn vô cùng sâu đậm. Trong một tài liệu xuất bản ở Ba Lan vào năm 1629, những thông tin về Việt Nam đã xuất hiện. Sau đó trong một số cuốn sách giáo khoa địa lý xuất bản trong thế kỷ XVII, những số liệu đầu tiên về Việt Nam cũng có thể tìm thấy. Một số người Ba Lan phục vụ trong đội quân lê dương của Pháp, sau khi có mặt ở Việt Nam, đã viết sách về vùng đất mình đã sống, góp phần làm cho độc giả Ba Lan hiểu thêm về một đất nước xa xôi nhưng có nền văn hóa đặc sắc cần tìm hiểu[1]. Thông qua một nước trung gian là Pháp (đối với Ba Lan là đồng minh, đối với Việt Nam - kẻ xâm lược), Ba Lan và Việt Nam trở nên gần gũi, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch và xuất bản ở Ba Lan vào năm 1927[2]. Trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, rất nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu... đã ra mắt Bạn đọc Ba Lan. Văn học Ba Lan cũng được biết đến rất sớm ở Việt Nam. Ngay đầu thập niên 40, trong một bài viết của mình về dịch thuật, học giả Kiều Thanh Quế đã nhắc đến Tadeusz Boy-Zelenski, dịch giả văn học Pháp nổi tiếng ở Ba Lan[3]. Tiếp theo, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ, trong rừng sâu Việt Bắc, các nhà thơ Việt Nam, trong đó có Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông đã miệt mài dịch thơ của đại thi hào dân tộc Ba Lan, Adam Mickiewicz, để sau đó, chỉ một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cho ra đời tập sách Adam Mickiewicz, nhà thơ lớn của Ba Lan và thế giới, kỷ niệm 100 năm ngày mất của người con vĩ đại của dân tộc Ba Lan.

Nói về quan hệ Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, không thể không nhắc đến một việc làm đầy ý nghĩa cao cả của các bạn Ba Lan là trong hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đó là việc hàng chục nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, các nhà làm phim Ba Lan đã sang Việt Nam, viết nên những bài thơ, tác phẩm văn xuôi, tác phẩm hội họa, những thước phim rất có giá trị, phản ánh chân thực cuộc kháng chiến hào hùng của Việt Nam, giúp độc giả Ba Lan hiểu rõ con người và đất nước Việt Nam, để sự giúp đỡ của họ đã chí tình chí nghĩa càng chí tình chí nghĩa hơn.

Trở lại với tuyển tập thơ Các nhà thơ thế giới vì Việt Nam, có thể nói các nhà làm sách, các nhà thơ thế giới, trong đó có các nhà thơ Ba Lan có mặt trong tuyển tập, đã tặng cho Việt Nam một món quà vô giá. Đây là sản phẩm của trái tim và trí óc, cho nên nó cần được đặc biệt trân trọng. Lời giới thiệu tuyển tập thơ của Jaroslaw Iwaszkiewicz được viết dưới nhan đề Sự nhục nhã và sự thần ký của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nỗi nhục tất nhiên là khái niệm để nói về kẻ xâm lược, còn sự thần kỳ là từ để ca ngợi một dân tộc tuy nhỏ yếu, nghèo nàn, lạc hậu, đã dám chấp nhận cuộc đương đầu với một kẻ thù được coi là hùng mạnh nhất thế giới. Các nhà thơ Ba Lan tạo thành một đội ngũ đông đảo trong đội quân hùng hậu dùng ngòi bút ủng hộ Việt Nam, bởi vì họ hiểu hơn ai hết rằng nhà thơ, nhà văn vốn nhạy cảm với những vấn đề thuộc về lương tri, nên họ có bổn phận nói lên tiếng nói chân tình trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa. Họ thấy cần chứng tỏ sự đoàn kết quốc tế trong một sự nghiệp lớn lao của loài người. Jaroslaw Iwaszkiewicz đã nhận xét rất đúng: "Thật sự là niềm vui lớn khi chúng ta biết rằng các nhà thơ xuất sắc nhất của tất cả các dân tộc, các lục địa, với tình cảm tràn trề, đã kịp đến để nói với dân tộc Việt Nam, bằng những ngôn từ nóng bỏng nhất, rằng họ luôn bên cạnh Việt Nam, đứng về phía Việt Nam, bởi vì họ không thể trực tiếp cầm vũ khí, nên họ muốn giúp Việt Nam bằng lời, nhưng với toàn bộ sức mạnh trong khuôn khổ khả năng của mình"[4].

Có nhiều điều có thể nói khi nhắc đến tuyển tập Các nhà thơ thế giới vì Việt Nam, song trong phạm vi một bài viết, xin được đề cập chủ yếu đến các nhà thơ Ba Lan góp mặt trong tuyển tập. Cần phải nói ngay rằng con số 19 nhà thơ Ba Lan với 27 bài thơ tiếng Ba Lan in trong tuyển tập chưa thể là sự tập hợp đầy đủ tiếng nói của những người cầm bút trên quê hương Adam Mickiewicz ủng hộ Việt Nam. Ví dụ điển hình là bài thơ Lá chắn của Wislawa Szymborska, cũng về đề tài Việt Nam, không có trong tuyển tập này. Tuy nhiên con số nêu trên vẫn là những con số đầy ấn tượng.

Để giải thích sự có mặt đông đảo của các nhà thơ Ba Lan trong việc dùng thơ ca ủng hộ Việt Nam, cần phải đi ngược lại thời gian một chút, đến với truyền thống thơ ca Ba Lan trong sự gắn bó với cuộc đấu tranh giành độc lập nói riêng và sự gắn bó mật thiết với những vấn đề lớn của dân tộc nói chung. Một trong số thi hào dân tộc Ba Lan, nhà thơ Jan Kochanowski (1530 - 1584) có câu nói nổi tiếng: Nếu có đường lên thiên đàng thì con đường đó phải dành cho những người có công phụng sự Tổ quốc"[5]. Trong lịch sử Ba Lan, những nhà văn, nhà thơ lớn luôn là những người mà đề tài tác phẩm gắn liền với vận mệnh đất nước, với những vấn đề sống còn của người dân nước mình. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Adam Mickiwicz và một số nhà thơ lớn khác cùng thời đã được coi là lãnh tụ tinh thần, được gửi gắm niềm tin chiến thắng. Tadeusz Rozewicz đại diện cho tiếng nói về nỗi đau của đất nước Ba Lan chìm đắm trong đau thương, mất mát do hậu quả của chiến tranh thế giới thứ II mang lại. Cho nên dễ hiểu là khi chiến tranh Việt Nam trở thành vấn đề của lương tri loài người, các nhà thơ Ba Lan, bất kể sự chênh lệch về tuổi tác, sự khác biệt về quan điểm nghệ thuật..., đã có mặt kịp thời và đông đảo.

Dễ nhận ra một điều là đề tài tác phẩm viết về Việt Nam của các nhà thơ Ba Lan có mặt trong tuyển tập Các nhà thơ thế giới vì Việt Nam rất phong phú. Nhà thơ lão thành Stefan Flukowski dành riêng một tác phẩm thơ của mình để nói về lãnh tụ Hồ Chí Minh với nhan đề Bác Hồ. Ngay cách đặt tên bài thơ của tác giả đã cho thấy nhà thơ Ba Lan hiểu rất rõ tình cảm của người Việt Nam đối với lãnh tụ của mình, bởi người châu Âu nói chung không có cách gọi lãnh tụ như vậy. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn khi chúng ta được biết rằng, khác với một số nhà văn Ba Lan lấy Việt Nam và Bác Hồ làm đề tài sáng tác, Stefan Flukowski không có may mắn, dù chỉ một lần, có mặt ở Hà Nội, càng không có vinh dự được gặp Hồ Chí Minh. Khi viết bài thơ này, tác giả đã bước sang tuổi 65, lại là người nước ngoài, cho nên nếu có sự gượng ép về tình cảm hay sự hời hợt về hiểu biết phong tục, tập quán phương Đông, thì đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng ở đây, có thể khẳng định bài thơ Bác Hồ là sản phẩm của sự thôi thúc tình cảm, được viết trên nền những hiểu biết sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam. Trong một bài thơ không quá dài cũng không quá ngắn như bài Bác Hồ, những gì làm nên tính cách con người Hồ Chí Minh như ung dung, thư thái, giản dị, kiên định... đã được Flukowski thể hiện đầy đủ và tài tình.

Bài thơ Bác Hồ đặc sắc trước hết ở cách tư duy của tác giả. Đó là việc nhà thơ hình tượng hóa mỗi tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh thành một con hổ đẹp và dũng mãnh. Đây là đoạn mở đầu:

Vào một ngày của thời kỳ mới

Bác Hồ

Giữa rừng sâu nhiệt đới

Từ trái tim dân tộc

Thả con hổ màu đỏ ra

Cho nó được tự do

Như ký một chữ thật to

Dưới bản trường ca

Nhân danh CÁCH MẠNG[6].

Rồi vẫn với mạch thơ chậm rãi ấy, ba tư tưởng chủ đạo khác của Hồ Chí Minh là Hòa hợp dân tộc, Tự do, Tiến bộ khoa học đã được tác giả bài thơ khái quát thành những con hổ có màu sắc khác nhau: đỏ thẫm sọc vàng, mắt tía lông vàng, lông màu điện tử. Bốn tư tưởng đó của Hồ Chí Minh một khi được vận dụng khéo léo, đồng bộ sẽ tạo cho dân tộc mà Người lãnh đạo sức mạnh to lớn, có thể chiến thắng mọi kẻ thù:

Khi những chiếc máy bay thù nặng nề bay đến

Xích sắt xe tăng băm nát đất quê hương

Đại bác giặc gầm lên rung chuyển

Làm cho mây trời tan tác bốn phương

Rừng run rẩy dưới bàn tay tàn bạo

Bác Hồ cho gọi bốn con hổ đến bên mình và bảo:

- Đã đến lúc lịch sử cần các người phải ra tay

Bắt lũ hung thần đền tội ác nơi đây

Hãy xé xác chúng ra

Nhân danh CÁCH MẠNG

Nhân danh ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Nhân danh TỰ DO

Nhân danh TIẾN BỘ KHOA HỌC.

Đoạn kết bài thơ để lại trong tâm trí người đọc ấn tượng mạnh mẽ, trước hết là câu thơ diễn tả giọng nói Bác Hồ:

Tiếng Người âm vang trên những đồng lúa chín.

 

Bài thơ Việt Nam 1965 của Halina Poswiatowska cũng là một trường hợp đặc biệt. Như đã đề cập ở phần trên, nữ thi sĩ Ba Lan tài hoa này đã không may bị bệnh tim bẩm sinh, thời gian còn lại của cuộc đời mình được tính bằng năm tháng ngắn ngủi. Tuy vậy bà vẫn dành cho Việt Nam món quà tinh thần đặc sắc dưới dạng một bài thơ dài chứa chan tình cảm. Sự đặc sắc của bài thơ thể hiện ở chỗ ngoài cái đầu đề Việt Nam 1965, tên Việt Nam không được nhắc thêm một lần nào, song ai cũng hiểu tác giả đang nói về cái gì.

Bài thơ viết dưới dạng lời tâm sự của cô gái trẻ với người yêu của mình. Đây là đoạn mở đầu bài thơ:

May mắn quá

Cha mẹ sinh ra em

và phú cho em một tấm thân dễ dàng bùng cháy

để chỉ cần một que diêm

hay một giọt xăng

vô tình dây vào váy...

Đọc đoạn tiếp theo, chúng ta hiểu rằng cô gái, vì tình yêu Việt Nam, muốn mình bùng cháy thành ngọn lửa, để soi sáng những gì từ trước đến nay cô và mọi người chưa nhìn rõ trong vấn đề chiến tranh Việt Nam. Đối với cô, một khi chưa làm được việc này, mọi thứ khác đều là vô nghĩa:

Xin đừng nói với em về tình yêu anh nhé

đừng gợi cho em nhớ đến hương rừng

về mái tóc xanh, ngón tay mềm cũng thế

đừng nói nữa anh, đừng nói nữa, đừng...

Cô gái nói với người yêu về chuyện cô chủ động biến mình thành ngọn đuốc sống để thắp sáng lên sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong thực tế, ở nước Mỹ đã có chàng thanh niên Morison làm việc này. Song nếu so sánh hai trường hợp, có thể thấy rõ sự khác nhau giữa một bên là hành động có thật đã xảy ra và một bên là hình tượng văn học. Chàng thanh niên Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam, vì nếu phải đi lính, rồi sang Việt Nam tham chiến, khả năng sống sót trở về là rất nhỏ. Vì vậy anh chọn cái chết trong danh dự. Nhân vật trữ tình trong bài thơ của Halina Poswiatowska không bị bất cứ cái gì thúc ép. Cô hành động thuần túy vì tấm lòng đối với Việt Nam. Cô nói với người yêu:

anh hãy nhìn xem

vì tình yêu - em cháy thành ngọn lửa.

Cô giải thích hành động của mình:

Lâu nay

lòng tin của em - đượm chút thơ ngây

đã bị sự bạo tàn giết chết

em đã có thể viết nên nhiều vở kịch hay

viết những dòng thơ đẹp

em có thể nuôi những đứa con ền nếp

và dạy chúng biết căm thù.

Xúc động biết bao trước tấm lòng của một con người mặc dù không được số phận mỉm cười, bản thân phải đối mặt với cái chết từ tuổi thanh xuân, vậy mà trái tim vẫn đập cho những con người ở một đất nước xa xôi mình chưa bao giờ đặt chân tới và sẽ không bao giờ có cơ hội đặt chân tới. Hai năm sau khi hoàn thành bài thơ rất hay về Việt Nam, Halina Poswiatowska đã qua đời. Nhưng nơi suối vàng, chắc chắn bà có niềm an ủi là tác phẩm được viết từ sâu thẳm trái tim mình của bà đã có mặt trong một tuyển tập thơ có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với Việt Nam.

Suy nghĩ bao trùm trong thơ của các tác giả Ba Lan viết về Việt Nam là làm gì để bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam, chia sẻ với Việt Nam gánh nặng của cuộc chiến đấu khi đất nước này phải chống lại kẻ thù vừa hung bạo vừa có tiềm năng kinh tế, quân sự hơn mình gấp bội phần. Canh cánh bên lòng các nhà thơ Ba Lan là hình ảnh Việt Nam chiến đấu, Việt Nam cần đến bạn bè quốc tế. Nhà thơ Henryk Gaworski đặt đầu đề cho bài thơ của mình là Nghỉ hè bên bờ Ban-tích, nhưng từ đầu đến cuối nói về Việt Nam cho dù tên Việt Nam chỉ được nhắc đến thoáng qua. Tác giả lần lượt điểm qua việc làm của ba loại người đi nghỉ hè ở biển: cậu bé áp sát chiếc vỏ ốc vào tai với mong muốn nghe rõ tiếng rì rầm của biển, người phụ nữ ngồi phơi nắng với hy vọng sẽ có nước da ngăm đen khác với phần lớn phụ nữ châu Âu, người đàn ông ngồi đọc báo để nắm tin tức trong nước và thế giới. Nhưng với cậu bé, "trước khi giấc ngủ dưới bóng thông ngọt ngào đi đến, trong đầu em là hình ảnh chiếc mũ rơm", trong trường hợp người phụ nữ, niềm vui soi gương thấy nước da đẹp sau một ngày tắm nắng không lấn át được ý nghĩ "Nơi xa ấy lửa vẫn đang bốc cháy" trong khi "Nơi này mới bình yên làm sao, với các cậu, các ông, các bà, biển vẫn đẹp biết bao", còn người đàn ông, "liếc qua cột báo thấy một vùng quê khác, ở đồng bằng sông Mê-công lúa màu đỏ chứ không xanh". Đọc bài thơ này, chúng ta sẽ thật sự xúc động khi chúng ta biết rõ rằng người châu Âu nói chung và người Ba Lan nói riêng rất thích du lịch mùa hè. Có khi cả năm họ dành dụm tiền bạc và thời gian chỉ cốt sao có được những giây phút tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên khi đối diện với biển xanh. Vậy mà trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều người Ba Lan đã quên đi vẻ đẹp tự nhiên, sự diệu kỳ của biển, dành suy nghĩ của mình cho một vùng quê xa tít tắp không phải ai cũng có dịp đặt chân, mà chủ yếu có trong suy nghĩ, trong óc tưởng tượng của họ mà thôi.

Mối quan tâm đến những khó khăn, gian khổ của Việt Nam thường trực trong suy nghĩ của người Ba Lan có nguồn gốc từ việc dân tộc Ba Lan đã trải qua chiến tranh hủy diệt, đã chịu cảnh hơn một trăm năm đất nước bị chia cắt, Tổ quốc mình bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Nhà thơ lão thành Stanislaw Ryszard Dobrowolski trong bài Lời than thở đã miêu tả hình ảnh những cây dừa ở Việt Nam vật vã, những dòng sông ở Việt Nam nhuốm máu và gọi những cây bạch dương, những dòng sông ở Ba Lan là những chị em gái thân thiết. Tác giả bài thơ đã rất thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình:

những người chị em gái

bên dòng Vituyn

đau đớn ngày đêm

những cây dừa Việt Nam cháy trụi

vì bom na pan

thành than

thành những mẩu nhỏ

vì chúng ta đó.

Bài thơ kết thúc bằng câu hỏi:

Hỡi các người

Các người đang ở đâu?

Ủng hộ Việt Nam, đến với Việt Nam, sát cánh cùng Việt Nam là thái độ nhất quán của nhà thơ Ba Lan. Leon Pasternak đặt tên bài thơ của mình là Việt Nam gọi với câu mở đầu:

Mang lời này tôi đến với các anh

Cầu mong nó biến thành dao găm, lựu đạn

Thành tên độc, thành hầm chông bày sẵn

Thành viên đạn đồng xé nát ngực xâm lăng.

Và đây là câu kết thúc:

Mang những lời này tôi chạy vội tới nơi

Dù Hải Phòng, Mê-công hay sông Hồng nước đỏ

Lời nói ấy - vũ khí lòng tôi đó

Tôi gửi qua bao miền thế giới xa xôi.

Người dân Ba Lan nói chung và các nhà thơ Ba Lan nói riêng hiểu Việt Nam, đồng cảm với Việt Nam vì một trong những lý do là họ không quên sự đau thương mà đất nước mình đã trải qua trong Chiến tranh thế giới thứ II. Đi trên đường phố Hà Nội trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ nhằm vào miền Bắc, nhà thơ Leopold Lewin liên tưởng ngay đến thủ đô nước mình trong đống đổ nát sau năm 1945, liên tưởng đến những người con anh hùng của quê hương Sô-panh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của cả dân tộc:

Tôi bỗng dưng cúi xuống - dưới mặt trời

Nhìn những ngôi nhà đã hóa thành thánh tích

Chắc hẳn Người đau những vết dao kẻ địch

Như những đổ nát ngày nào giữa Varsava...

Bóng râm lạc sâu trong những ngôi nhà

Đấy là các bạn tôi - đã chết rồi còn đến vội

Để được chết lần thứ hai trên đất này: Hà Nội.

(Báo động ở Hà Nội)

Leopold Lewin cũng là tác giả bài thơ thứ hai viết về Hà Nội, bài Hồ Hoàn Kiếm[7]. Có thể thấy nhà thơ Ba Lan này có niềm đam mê tìm hiểu lịch sử Việt Nam và ông nhận ra rằng sức mạnh vô biên của Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử oai hùng của dân tộc này. Ông tìm về lịch sử Việt Nam xa xưa:

Chuyện kể nơi đây sáu trăm năm trước

Khi giặc Minh đến xâm lược đất này

Con rùa lớn hiện lên trên mặt nước

Thanh kiếm thần màu lửa trao tay.

 

Khi dân tộc trở thành người chiến thắng

Kiếm báu kia xin trao lại Rùa vàng

Lưỡi kiếm đỏ còn chưa khô máu giặc

Mùi hôi tanh của một lũ xâm lăng.

để giải thích nguyên nhân những chiến thắng vĩ đại hôm nay:

Việt Nam ơi, hôm nay như lần trước

Chúng nó lại đến đây, nhưng là lũ cướp trời

Rùa vàng hiện lên, như sẵn lời hẹn ước

Dâng kiếm thần ánh thép vẫn ngời soi.

 

Trong ánh hào quang của thanh gươm ấy

Máy bay thù thành khói giữa tầng không

...

Sức mạnh ấy còn có nguồn gốc từ tình yêu vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên đất nước mình, chẳng hạn như vẻ đẹp mê hồn ở Hạ Long:

Thượng đế ở Việt Nam

Sinh ra màu xanh những cây tùng cây bách

Trên những gò đồi Hồng Gai

Phật muốn hoàn thiện thêm tác phẩm của Ngài

Nên điểm tô xung quanh bằng muôn vàn dấu chấm

Thế là thành lấm tấm

Ngàn đảo nhỏ Hạ Long.

(Marian Kubicki - ở Hồng Gai)

Nhưng thiên nhiên chỉ đẹp khi sống trong lòng nó là những con người có tâm hồn đẹp:

... nơi đây những phụ nữ Việt Nam

oằn vai dưới đôi quang, đòn sóc

răng trắng nhuộm đi thành màu đen nhằn nhọc

... chỉ lúa trên đồng vẫn bát ngát màu xanh!

(Marian Kubicki - ở Hồng Gai)

Dưới bài thơ tác giả đề rõ ngày tháng sáng tác: Hồng Gai tháng Một năm 1963. Chúng ta khó có thể đòi hỏi nhà thơ Ba Lan ở thời điểm đó phải hiểu cặn kẽ tục nhuộm răng đen của người Việt, hiểu rõ bài thơ đọc trước khi đánh trận Ngọc Hồi của vua Quang Trung:

Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó trích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

nên có thể chấp nhận được chuyện tác giả chỉ nhìn thấy răng đen là màu đen nhằn nhọc ở phụ nữ Việt Nam. Vả lại sự hy sinh màu trắng của hàm răng, chịu oằn vai dưới đôi quang, đòn sóc để cho lúa trên đồng vẫn bát ngát màu xanh, đối với tác giả, đâu phải là sự hy sinh vô ích.

Các nhà thơ Ba Lan, thông qua tác phẩm của mình, thể hiện thái độ, tình cảm, hành động dành cho nhân dân Việt Nam đang chiến đấu và chiến thắng thật muôn hình muôn vẻ. Có những bài thơ sôi sục căm thù, tác giả của nó muốn có mặt ngay ở Việt Nam, sát cánh cùng Việt Nam chiến đấu. Có những tác giả trầm tĩnh quan sát cảnh tượng diễn ra trong cuộc sống bình yên hàng ngày trên đất nước Ba Lan hàng chục năm được sống trong hòa bình để nhấn mạnh giá trị ẩn náu bên trong: mối quan tâm đến một Việt Nam xa xôi đang trong máu lửa chiến tranh. Nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborski chọn cách thể hiện rất điển hình. Bà ủng hộ Việt Nam, tỏ thái độ dứt khoát của mình là đứng về phía nhân dân Việt Nam, nhưng bằng cách ca ngợi tấm gương một phụ nữ Pháp tên là Raymonde Dien, người đã dũng cảm nằm chắn ngang đường ray, không cho đoàn tàu chở vũ khí từ Pháp sang tham gia vào cuộc bắn giết nhân dân Việt Nam. Hành động ủng hộ Việt Nam của bà có khi còn đơn giản hơn nữa, vì nó chỉ thông qua việc ca ngợi một nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam là hy sinh cuộc đời để bảo vệ những đứa con trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Wislawa Szymborska đã thể hiện điều này trong bài thơ nhan đề Việt Nam vô cùng đặc sắc. Bài thơ được viết dưới hình thức cuộc đối thoại giữa tên lính Mỹ với người phụ nữ Việt Nam đang bảo vệ những đứa con trong một trận càn của quân Mỹ (phần lớn các dịch giả Việt Nam, khi dịch bài thơ này ra tiếng Việt, đều hiểu đây là cuộc đối thoại giữa tác giả và nhân vật của bài thơ). Toàn văn bài thơ như sau:

VIỆT NAM

Ê, mụ kia, tên mụ là gì? - Tôi không biết.

Mụ sinh ngày tháng năm nào? Quê mụ ở đâu? - Tôi không biết.

Tại sao mụ lại đào hầm trong lòng đất? - Tôi không biết.

Mụ từ đâu đến đây ẩn náu? - Tôi không biết.

Sao mụ lại cắn vào ngón tay ta? - Tôi không biết.

Mụ có biết bọn ta không làm điều gì xấu? - Tôi không biết.

Mụ đứng về phía nào chiến tuyến? - Tôi không biết.

Thời buổi chiến tranh mụ phải chọn đi. - Tôi không biết.

Xóm làng của mụ còn không? - Tôi không biết.

Đây là những đứa con mụ phải không? - Phải.

Bài thơ đặc sắc ở chỗ nó chỉ gồm những câu hỏi và những câu trả lời. Với chín câu hỏi và gợi ý đầu tiên, người phụ nữ dứt khoát trả lời Tôi không biết. Chỉ với câu hỏi cuối cùng hỏi về những đứa con mình, chị trả lời không do dự: Phải. Điều tác giả muốn đề cập ở đây là sức mạnh tình cảm của người mẹ dành cho con mình. Chị không hề run sợ trước lưỡi lê họng súng quân thù. Chị không quan tâm đến bất cứ thứ gì khác. Những đứa con chị là quan trọng nhất. Chúng cần được bảo vệ. Đáng trân trọng biết bao những người phụ nữ biết hy sinh hạnh phúc gia đình vì vấn đề sống còn của dân tộc, đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù. Song cũng đáng trân trọng biết bao những phụ nữ biết đối mặt với kẻ thù để bảo vệ con cái trong thời khắc mối nguy hiểm cho tính mạng mình sẵn sàng ập xuống. Nữ thi sĩ Ba Lan đã khai thác khía cạnh tình cảm này một cách tài tình, rất phụ nữ.

Gần nửa thế kỷ sau ngày tuyển tập Các nhà thơ thế giới vì Việt Nam ra đời ở Ba Lan, trên thế giới cũng như ở Ba Lan và Việt Nam đã có những thay đổi sâu sắc. Quan hệ Ba Lan - Việt Nam sau năm 1989 diễn ra trên những nguyên tắc hoàn toàn mới, song tình cảm và sự ủng hộ Việt Nam mà các nhà thơ Ba Lan thể hiện không hề cũ. Vì đó là thái độ đúng đắn đối với chính nghĩa, công bằng. Đó là thái độ của trái tim trước một vấn đề lớn lao mang tính thời đại. Nhưng giá trị nghệ thuật cao trong thơ của các tác giả Ba Lan viết về Việt Nam cũng là điều đáng nói. Vì làm thơ về đề tài một cuộc chiến tranh diễn ra bên ngoài biên giới nước mình, yếu tố tuyên truyền chính trị là không tránh khỏi. Vậy mà viết hay, đạt trình độ lay động lòng người, sự tài tình ấy ở các nhà thơ Ba Lan, đất nước giàu truyền thống thơ và nhạc, có lẽ rất đáng để mọi người suy nghĩ.

Nguồn: Tạp chí Thơ

 

[1] Literatura Polska, Przewodnik Encyklopedyczny, Warszawa, 1987, trang 109

[2] Nguyễn Xuân Sanh, W Polsce i w Wietnamie, nguyệt san Literatura na świecie, số 6/1986, trang 163

[3] Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam, Tuyển tập khảo cứu phê bình của Kiều Thanh Quế, Nguyễn Hữu Sơn và Phan Mạnh Hùng biên soạn, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2009, trang 203

[4] Jaroslaw Iwaszkiewicz, Hanba i cud wojny wietnamskiej, Poeci swiata Wietnamowi, PIW, Warszawa, 1968, trang 5

[5] Ignacy Chrzanowski, Historia literatury Polski Niepodleglej, PIW, Warszawa 1971, trang 3

[6] Tất cả các trích dẫn trong bài đều do tác giả bài viết dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan, rút trong Poeci swiata Wietnamowi, PIW, Warszawa, 1968

[7] Bản dịch cả hai bài thơ này của Nguyễn Chí Thuật đã đăng trong tập Hà Nội với những tấm lòng gần xa, NXB Hà Nội, 2010

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *