Ống kính phê bình

19/8
4:28 PM 2018

TRUY VẤN VÀ ĐỐI THOẠI NHƯ LÀ BẢN CHẤT CỦA NGHỆ THUẬT: TRƯỜNG HỢP LƯU QUANG VŨ

Tính đến thời điểm 2018 này, Lưu Quang Vũ đã từ biệt cõi thế tròn ba mươi năm. Sự ra đi bất ngờ của ông và nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, sau chừng ấy thời gian dường như vẫn còn gây chấn động, tiếc nuối, thậm chí chưa dứt hẳn những băn khoăn...

                                                  Nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ

Còn nhớ, khoảng dăm năm về trước, trong bối cảnh sân khấu đương đại ngày càng vắng người xem, khi tuần lễ kịch Lưu Quang Vũ đỏ đèn, hầu như đêm diễn nào cũng chật kín khán giả([1]). Người ta đến với Lưu Quang Vũ không đơn giản để tìm về ký ức, mà quan trọng hơn, họ vẫn tìm thấy trong thế giới nghệ thuật của ông những đối thoại đương đại, những suy ngẫm về giá trị và triết lý nhân sinh. Như vậy, Lưu Quang Vũ chưa hề thuộc về cái đã-là. Ông vẫn hiện lên trong tư cách của kẻ đang-là, như ông đã viết: :Anh yêu em anh tồn tại! Những câu thơ của Vũ không dẫn tôi nghĩ đến mệnh đề triết học của René Descartes mà trái lại, dẫn tôi đến với tự sự của một lãng tử nhạc Việt hiện đại là Trịnh Công Sơn. Trong cõi tạm này, cả Trịnh Công Sơn và Lưu Quang Vũ đã không ngừng suy tư về phận người giữa bao nhiêu biến cố lịch sử đau thương và phi lý. Đó là những suy tư thấm đẫm tinh thần nhân bản. Nhờ những suy tư nhân bản ấy mà họ đã trả “nợ đời”, “nợ người” bằng tinh huyết của tình yêu và tinh hoa của nghệ thuật.

Nói thế để xác tín một điều, là những nghệ sĩ tài hoa, họ vừa biết vượt lên thực tại, vừa biết níu bến trần gian. Họ luôn đứng về kẻ yếu và trái tim họ nghiêng nhiều về duy cảm, duy mĩ. Chất trí tuệ trong thế giới nghệ thuật của họ lắm khi không hiện lên qua những triết lý cao siêu mà nằm trong trong những phiêu diêu đầy mộng tưởng.Trong cõi phiêu diêu ấy, họ thấy cái đẹp thật mong manh.Và vì quá mong manh mà phải trân quý, tranh đấu để giữ gìn.Đó là sự tranh đấu bằng tình yêu và hy vọng, biến cái mong manh thành trường cửu.Dẫu biết hai kẻ tài hoa này khác nhau về nhiều phương diện, nhưng không phải ngẫu nhiên mà thơ – nhạc trở thành ám ảnh lớn nhất trong đời họ.Thì đấy, với Trịnh Công Sơn là âm nhạc đầy thơ, còn Lưu Quãng Vũ, là thơ thấm đầy nhạc.

Lưu Quang Vũ làm thơ từ rất sớm, và nhanh chóng được nhiều nhà phê bình chú ý([2]). Năm 1968, Hương cây – Bếp lửa (in chung với Bằng Việt) ra đời, có ý nghĩa như một trình làng ấn tượng của hai nhà thơ trẻ. Cả hai đều mê đắm, trong trẻo, non xanh, tin yêu cuộc sống.Nhưng cá tính nghệ thuật của từng người chưa hẳn đã rõ trong tập thơ này. Ngay cả những hình ảnh “bảy sắc cầu vồng” hay “xanh như là thương nhau” vẫn là ký hiệu thẩm mỹ chung của thế hệ thơ trẻ thời ấy. Nét riêng của Lưu Quang Vũ trong tập thơ này và giai đoạn này chủ yếu nằm ở sức mạnh của trực giác và cảm giác, qua cảm giác mà tạo một thế giới đầy màu sắc đang chuyển động: Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao (Thôn Chu Hưng). Rồi cũng từ cảm giác mà nhận biết yêu thương: Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình/ Điều chưa nói thì bàn tay đã nói/ Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại/ Còn bồi hồi trong những ngón tay ta (Hơi ấm bàn tay)… Cảm giác cũng tạo nên trường từ ngữ thơm tho và trong trẻo tình đầu: Rối rít trong lòng một nỗi em em (Vườn trong phố). Đây là những câu thơ tự nhiên, dường như không hề có bóng dáng của kỹ thuật cầu kỳ. Henri Bergson có lý khi khẳng định thứ trực giác kia là dấu hiệu riêng của nghệ sĩ, mà Lưu Quang Vũ lại chính là một nghệ sĩ bẩm sinh. Thứ trực giác này, về sau, khi được đẩy lên sắc nhọn, sẽ trở thành những tiên cảm nghệ thuật độc đáo.

Trong số những thi phẩm sáng tác vào thập kỷ sáu mươi, Vườn trong phố là một bài thơ được nhiều người nhớ. Ở đây, vườn hiện lên như một giới hạn, là biểu tượng mang chứa ý nghĩa của một thiên đường. Thiên đường ấy có sự hòa quyện giữa hương thơm, ánh sáng và tình yêu. Về bản chất, nó là một kiểu Eden trong vùng yêu - mơ Lưu Quang Vũ. Tại đó cảm giác về hạnh phúc tình yêu là giai điệu chính: Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm/ Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc/ Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất/ Qua dịu dàng trong trẻo của làn môi (Vườn trong phố). Tuy nhiên, ở tầng nghĩa rộng hơn, người đọc đương đại có thể bắt gặp ý tưởng sinh thái toát lên trong thi phẩm này. Trong sự ngột ngạt của văn minh đô thị hiện đại, vườn là một ký hiệu xanh, một môi trường văn hóa thấm đầy nhân tính để con người thụ hưởng hạnh phúc, tình yêu. Đây là độ mở của văn bản nghệ thuật, bởi lẽ, khi viết về nó, chưa hẳn Lưu Quang Vũ đã ý thức được về cái gọi là văn học sinh thái([3]). Nhưng không hề chi, những cây bút tài năng là những người lãnh sứ mệnh mở đường bằng linh giác thiên phú của họ.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, chất giọng Lưu Quang Vũ vẫn nằm giải phổ giọng điệu thơ thời chống Mỹ. Đó là trường giọng chi phối nhiều cây bút, kể cả những cây bút đã từng du học như Bằng Việt: Ta quen sống những giờ đột biến/ Bỗng sững sờ trước một sớm không đâu/ Thành phố trong mưa. Hoa rắc trên đầu/ Hoa mưa nở từng bông trên mái tóc/ Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất/ Nhưng thủy chung như một sắc mai già (Tình yêu và báo động). Phải đến những năm bảy mươi, khi Lưu Quang Vũ trực diện đối mặt với nhiều nỗi đau và vấp váp, thơ ông mới bắt đầu khác.Và khác hẳn.Cái tươi vui đã nhường chỗ cho u uất, niềm tin đã nhường chỗ cho nghi kỵ.Mặc cảm lạc loài, lạc điệu đã xuất hiện và ngày càng chói gắt. Một khối cô đơn đậm đặc, không lối thoát đã khiến Lưu Quang Vũ từ cái nhìn hướng ngoại chuyển dần sang hướng nội, đầy hoài nghi: Anh nghi ngờ cả đến hạt sương rơi (Những ngày chưa có em). Trong thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn này, chất lãng mạn đã lùi lại phía sau, cảm thức thế sự và nỗi ưu tư đã trội lên ở bề mặt. Trong cay đắng, chàng trai trẻ chợt nhận ra mình: Tôi là đứa con cô đơn khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao/ Giữa sự thông minh của đông vui bè bạn (Mấy đoạn thơ). Thực ra những dự cảm về cô đơn, tan vỡ, mong manh đã lấp ló trong thơ Lưu Quang Vũ ngay từ khi sự bồng bột còn là âm chủ. Nhưng phải đến khi trực tiếp trải nếm những cú sốc, trở thành kẻ lạc lõng giữa thời và thế, Lưu Quang Vũ mới vượt qua ảo tưởng và sự ngây thơ nghệ thuật. Tôi nghĩ, nếu không có Lưu Quang Vũ giai đoạn 1971–1973, chúng ta sẽ không có một Lưu Quãng Vũ khác biệt so với chính ông thời Hương cây – Bếp lửa bởi quán tính nghệ thuật là sự trì níu dai dẳng. Và khác chính là khởi đầu của mới.Để khác phải có những cú hích chí mạng, những thay đổi mang tính bước ngoặt.Đó là những cú hích có khả năng làm thay đổi quỹ đạo của đường bay. Trong đau khổ, Vũ nói nhiều về rách nát, bí bách: Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều/ Rách tan cả những làn sương đẹp phủ (Gửi một người bạn gái); Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn/ Một tấm gương chẳng biết soi gì/ Một đáy giếng cạn khô một hốc mắt đen sì/ Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng/ Thành phố đầy bụi bặm/ Những mặt người lì nhẵn chen nhau/ Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu (Có những lúc),…và những hình ảnh đầy bế tắc: quyển sách xếp lầm trang,cơnmưa đen xám xịt, góc phố viển vông, cay đắng, u buồn,… Nhiều nhà nghiên cứu đã rất chính xác khi coi khoảng thời gian khủng hoảng này như một chuyển đổi quan trọng trong đời sống tinh thần của Lưu Quang Vũ nhưng lại băn khoăn về sự “chệch hướng”. Tôi nghĩ, Lưu Quang Vũ không chệch hướng.Chỉ là ông muốn nhìn cuộc sống trong tính toàn vẹn, đặc biệt là nỗi đau người. Bởi vậy, những hoang mang trong thơ Lưu Quang Vũ là những cảm xúc thành thực: Những chiếc xe tăng đi qua/ Những khẩu súng đi qua/ Những người lính đi qua/ Chẳng có gì cùng ta ở lại (Mặt trời trong nước lạnh). Âm hưởng buồn thương này gắn với những  suy tư về số phận con người sau cuộc chiến ngay khi cuộc chiến còn diễn ra hết sức ác liệt.  Đó là những suy tư về sau sẽ tiếp tục một cách sâu sắc trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Sự khác nhau giữa hai cây bút này là ở chỗ, điểm nhìn của Lưu Quang Vũ là điểm nhìn hiện tại, khi cuộc chiến đang diễn ra, điểm nhìn của Bảo Ninh là khi cuộc chiến đã khép lại. Một bên là tiên cảm, băn khoăn, một bên là “nghiền ngẫm”, miêu tả, diễn giải chiều sâu. Cả hai cây bút này, tuy thời điểm khác nhau, nhưng cái nhìn của họ thực chất là suy tư về thân phận, một vấn đề cốt yếu của triết học nhân sinh hiện đại([4]).Nếu hình dung như thế sẽ thấy những chấn thương tinh thần và nỗi cô đơn của kẻ lạc nhịp kia chính là quá trình tích tụ năng lượng nghệ thuật để có được Lưu Quang Vũ sung mãn về sau. Nó là tác nhân quan trọng giúp ông sớm nhận ra những giới hạn sử thi, lãng mạn để chuyển sang những vấn đề thế sự và lịch sử - văn hóa trên tinh thần đối thoại. Không có những đối thoại mang tính phản tư này chắc chắn sẽ không có một Lưu Quang Vũ riết róng, sắc sảo trong chặng đường nghệ thuật tiếp theo. Phải là người rất nhạy cảm, Lưu Quang Vũ mới đủ sức thoát ra đám đông để nhận ra mình, nhận ra giới hạn và vượt lên giới hạn: Chúng ta tụm năm tụm ba/ Họp hành giễu nhau uống trà đọc thơ đi thực tế/ Ta viết những suy tư ngây ngô vờ là trí tuệ/ Những câu thơ nhạt phèo chiếu lệ/ Những lời nhàm tai ai cũng quen rồi/ Mọi người quanh ta ai cũng mang nỗi khổ oằn vai/ Ngực đất nước tai ương xé rách/ Ta viết mãi những điều vô ích/ Vô duyên sao cứ nhoẻn miệng cười/ Những phường bát âm thánh thót/Mong cuộc đời xuôi tai (Nói với mình và các bạn). Đây là những câu thơ được viết trong cảm hứng nhận thức lại, thứ cảm hứng mà phải hơn mười năm sau mới xuất hiện nhiều văn học đương đại.Một khoảng cách tưởng ngắn nhưng thực ra lại rất dài, và rất sớm.Xin lưu ý, bài thơ được viết vào năm 1970, khi cuộc chiến tranh còn dữ dội, mới thấy được sự nhạy cảm trong cái nhìn nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Trong bài thơ này, Lưu Quang Vũ đặt ra ba vấn đề quan trọng, mang tầm đột phá.Thứ nhất, Lưu Quang Vũ đã sớm nhận thấy bản chất của thơ ca không nằm ở “chứng minh” mà nằm ở phát hiện. Đây chính là nhận thức nghệ thuật vượt qua sự hạn hẹp của mệnh đề văn học phản ánh hiện thực có phần đơn giản lúc bấy giờ. Bởi trong nghệ thuật, chứng minh thực chất là “minh họa”.Thứ hai, thơ không phải là những lời nói “xuôi tai” mà “sinh sự”, tức gây hấn, đối thoại, truy vấn không ngừng về nhân sinh và lịch sử. Muốn sinh sự, nghệ sĩ cần hội đủ hai yếu tố: sự nhạy bén và ý thức phản biện. Thứ ba, tất cả đều phải xuất phát từ sự chân thành: “càng yêu thương càng không vừa ý với mọi điều”. Chỉ như thế, nghệ thuật và thi ca mới thực sự “là bó đuốc thiêu, là bàn tay thắp lửa”. Điều đáng nói là những đối thoại nghệ thuật của Lưu Quang Vũ không rơi vào khiêu khích, cực đoan bởi nó được viết từ trái tim nhân hậu. Tôi nghĩ, khi lần theo những dấu mốc thời gian và đọc những đối thoại này, chắc hẳn các nhà viết lịch sử văn học Việt Nam đương đại sẽ phải đính chính lại nhiều chi tiết, trong đó có việc thừa nhận Lưu Quang Vũ thuộc số những người mở đường cho đổi mới văn học và xác lập văn học đổi mới về sau([5]).

Từ những thay đổi mang tính bước ngoặt ấy, Lưu Quang Vũ đã mở rộng trường cảm xúc và suy tư  khi viết về lịch sử và dân tộc. Việt Nam ơi (1978) là một trong những thi phẩm thể hiện rõ nhất sự mở rộng cảm quan nghệ thuật Lưu Quang Vũ. Vấn đề đáng quan tâm là Lưu Quang Vũ không nhìn lịch sử bằng cái nhìn phiến diện với những lời tụng ca dễ dãi. Ông nhìn lịch sử, dân tộc chủ yếu từ phía đau thương và sáng tạo, qua đau thương mà hiện lên sức sống mãnh liệt, quật cường.Đây là tác phẩm chứa đựng nhiều nỗi băn khoăn. Những băn khoăn ấy rồi ra sẽ bám riết Lưu Quang Vũ, mở ra nhiều hướng khác nhau: về hạnh phúc, về số phận con người, về đất nước, nhân dân,…Theo đó, Lưu Quang Vũ bắt đầu khám phá và biểu đạt cuộc sống từ góc nhìn văn hóa. Từ góc nhìn này ông nhận ra vẻ đẹp của tiếng Việt, nhìn thấy lịch sử trong chiều kích huyền thoại:

Những con chim lạc mỏ dài

Bay qua vầng trăng lớn

Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực

Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng

(Đất nước đàn bầu)

Rõ ràng, những năm tháng gian nan nhất trong cuộc đời Lưu Quang Vũ chính là thời điểm xuất hiện tinh thần/ tư duy đối thoại, và đây sẽ là nhân tố quan trọng có khả năng tạo đột biến. Nói theo cách diễn đạt của Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ là kẻ sớm biết “nói” trong khi nhiều nghệ sĩ cùng thời vẫn còn say mê “hát”. Thực ra, Nói với mình và các bạn hay Việt Nam ơi!chưa phải là những tác phẩm đạt đến độ chín muồi về nghệ thuật, nhưng đây lại là những thi phẩm đánh dấu bước chuyển quan trọng về nhận thức. Gọn hơn, đó là một hình thức tách đàn để xác lập đường bay - đường bay của chim báo bão.

Bên cạnh các chủ đề thế sự, dân tộc và lịch sử, chủ đề tình yêu là chủ đề lớn xuyên suốt đời thơ Lưu Quang Vũ. Thơ tình Lưu Quang Vũ giàu cảm xúc, nhưng màu sắc tự sự cũng rất nổi bật.Mỗi bài thơ tựa như một câu chuyện nhỏ về tình yêu.Tại đó, hình ảnh của những người đàn bà đã đi qua đời ông hiện lên khá đậm nét. Ở giai đoạn đầu, thơ tình của Vũ nồng say, trong vắt. Ở giai đoạn thứ hai, thơ tình Lưu Quang Vũ gắn với mặc cảm tan vỡ, cô đơn. Ở giai đoạn cuối, thơ tình của Vũ ấm nóng tình yêu trong cuộc sống thường nhật.Dù mỗi giai đoạn mang màu sắc khác nhau, nhưng thơ tình Lưu Quang Vũ yêu thương gắn liền với trân quý, chia sẻ gắn liền với biết ơn.Một tầng nấc rất quan trọng trong thơ tình Lưu Quang Vũ là chịu ơn. Bên cạnh những dòng thơ chịu ơn người mẹ, Lưu Quang Vũ nhiều lần nói đến việc chịu ơn người đã gắn bó với ông suốt 15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài. Đúng hơn, biết ơn xen lẫn với chịu ơn. Vũ viết nhiều cho người đàn bà đã tái sinh mình trong khổ đau bằng những khúc hát mê đắm và chân thành:

Biết ơn em, em từ miền gió cát

Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng

Anh thành người có ích cũng nhờ em

Anh biết sống những ngày không sợ hãi

(Và anh tồn tại)

Rất có thể, trong thời khắc tuyệt vọng nhất, nếu không có điểm tựa Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã trượt hẳn vào tuyệt vọng.Họ đã chia sẻ cùng nhau lo toan đời sống cơm áo, vợ chồng, nghệ thuật.Thơ chính là phương tiện để họ tâm sự, động viên nhau vượt qua giông bão.Những chia sẻ ấy chỉ có thể có được sau nhiều đổ vỡ, bế tắc mà cả hai từng nếm trải. Cũng vì thế, từ góc nhìn liên văn bản, có những biểu tượng trở đi trở lại trong ngôn ngữ nghệ thuật của họ, trong đó, hoa cúc trở thành một điểm nhấn nghệ thuật đáng chú ý. Thực ra, có thể nhận thấy ba hình thức liên văn bản trong thơ, kịch Lưu Quang Vũ. Một là với thế hệ nhà thơ cùng thời. Ở đó, có gặp gỡ, cùng dòng, và tất nhiên, có cả “ngược dòng”, “lệch dòng” khi Lưu Quang Vũ rơi vào khủng hoảng. Hai là liên văn bản với riêng Xuân Quỳnh, một tri kỷ, tri âm. Giữa Xuân Quỳnh và Lưu Quãng Vũ đã hình thành một “họa thơ”  độc đáo trong thơ Việt hiện đại. Ba là liên văn bản trên cơ sở tiếp nhận và cải biến những cổ mẫu văn hóa từng có trong nghệ thuật dân tộc và nhân loại. Nếu tiếp cận Lưu Quang Vũ từ góc nhìn này, tôi nghĩ sẽ có những phát hiện sâu, mới về các giá trị nghệ thuật mà ông đã sáng tạo nên.

Là tài năng đa dạng, Lưu Quang Vũ thử sức trong cả lĩnh vực truyện ngắn.Một số truyện ngắn của Lưu Quang Vũ gây được ấn tượng, trong đó, đáng chú ý là truyện ngắn Anh Thình. Tuy nhiên, truyện ngắn không phải là lĩnh vực nổi bật của ông, mặc dù ở đấy, người đọc vẫn nhận thấy một Lưu Quang Vũ tinh tế trong quan sát, nhạy bén trong cảm nhận. Còn về thực chất, qua hai tập truyện ngắn đã xuất bản (Mùa hè đang đếnNgười kép đóng hổ, cùng in năm 1984), Lưu Quang Vũ chưa tạo được ngôn ngữ tự sự cá nhân. Về điều này, Phong Lê tỏ ra có lý khi cho rằng truyện ngắn Lưu Quang Vũ là “chiếc cầu nối giữa thơ và kịch”([6]).

Với hơn 50 vở kịch được viết từ 1979 đến 1988, Lưu Quang Vũ đã để lại một gia tài phong phú về số lượng, thuyết phục về chất lượng. Có người khẳng định ông là kịch tác gia lớn nhất của văn học Việt Nam hiện đại.Tôi thấy nhận định này thỏa đáng và hợp lý. Sức lao động đáng kinh ngạc của Lưu Quang Vũ và tầm vóc của một nhà văn hóa trong vóc dáng một nhà viết kịch tài năng đã bảo đảm cho Lưu Quang Vũ vị trí hàng đầu trong loại hình văn học kịch. Vậy thì nguyên nhân nào đã giúp Lưu Quang Vũ, vốn làm thơ từ sớm và có nhiều thơ hay, coi thơ là ám ảnh lớn nhất của mình lại có thể bước sang lĩnh vực sân khấu một cách tự nhiên đến thế? Tôi nhận thấy có ba lý do chính để giải đáp mối băn khoăn này. Trước hết, mối lương duyên sân khấu của Lưu Quang Vũ xuất phát từ truyền thống nghệ thuật của gia đình.Cha ông là nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Thuận.Từ nhỏ, Lưu Quang Vũ đã sớm tiếp xúc với sân khấu và làm quen với những công việc bếp núc của loại hình nghệ thuật tổng hợp này.Vì thế, sân khấu không phải là môi trường lạ đối với Lưu Quang Vũ nếu không muốn nói là môi trường rất quen thuộc.Thứ hai, những nhận thức mới mẻ về bản chất nghệ thuật trong “thời kỳ bóng tối” đã giúp ông nhanh chóng rời đàn để cô đơn sáng tạo. Đó là lý do ông nắm bắt rất nhanh những chuyển động ngầm ẩn bên trong đời sống, phát hiện ra những “nghịch lý” trong khi nhiều người vẫn coi đó là “thuận lý”. Nhận thức này đã giúp Lưu Quang Vũ đi thẳng vào những vấn đề thời sự đổi mới.Công chúng nghệ thuật tìm đến Lưu Quang Vũ bởi những vở kịch của ông đã nói với họ về những vấn đề nóng bỏng nhất, bằng thứ ngôn ngữ trực tiếp nhất là ngôn ngữ kịch.Năng lực nhạy bén trong nắm bắt vấn đề, khả năng châm biếm, giễu cợt và sự thông minh của Lưu Quang Vũ được phát huy tối đa ở mảng đề tài thế sự. Điều đó có thể thấy trong hàng loạt vở kịch như Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Bệnh sĩ, Ông không phải là bố tôi,…Như vậy, Lưu Quang Vũ đã tham dự vào tiến trình đổi mới với tư cách là người tiên khởi. Lý do thứ ba mà tôi muốn nói là sự gặp gỡ và giao thoa thể loại. Về bản chất, thơ và kịch, tuy khác nhau về cách biểu đạt cuộc sống, nhưng sâu xa, chúng có điểm gần.Thơ là loại hình nghiêng về ẩn dụ, là tiếng nói nội tâm.Kịch là ngón chơi trực diện thông qua xung đột. Nhưng điểm chung giữa chúng là độ nén và cao trào. Chính điểm gặp thể loại này đã giúp Lưu Quang Vũ thành danh cả trong cả hai thể loại tưởng như rất xa nhau về  logic hình thức. Khác với hai thể loại trên, văn xuôi, theo lời Roman Jakobson, là nghệ thuật hoán dụ. Lưu Quang Vũ không mạnh về hoán dụ, ông mạnh hơn hẳn về ẩn dụ và cao trào. Vì thế, thơ và kịch mới là ngón chơi sở trường của Lưu Quang Vũ. Chính Lưu Quang Vũ cũng nhận thấy sự gần gũi và chuyển hóa của hai thể loại này([7]). Với kịch, những ý tưởng đổi mới và những đối thoại đời sống của Lưu Quang Vũ sẽ được phát tán và khúc xạ qua sự sáng tạo của đạo diễn và diễn viên, trên cơ sở tái sinh thể loại. Đó là nơi có thể tạo nên trùng phức sáng tạo trong không gian đa chiều của sân khấu hiện đại. Ưu thế của nghệ thuật không gian (sân khấu) sẽ giúp cho nghệ thuật thời gian (văn học) được mở rộng chiều kích trong việc thu phục công chúng tiếp nhận.

Theo ý tôi, phần tinh hoa và sức sống lâu bền của kịch Lưu Quang Vũ chủ yếu sẽ đọng lại ở những tác phẩm xoay quanh các chủ đề có ý nghĩa nhân sinh lâu dài như sống - chết, còn - mất, thật - giả,… Trong số gia tài Lưu Quang Vũ để lại trong lĩnh vực kịch, tôi đặc biệt chú ý đến ba vở: Tôi và chúng ta, Hoa cúc xanh trên đầm lầyHồn Trương Ba da hàng thịt.

Tôi và chúng ta được viết vào những năm tiền đổi mới (khoảng 1982- 1984). Đây là vở kịch tái hiện lại tâm thế của một giai đoạn lịch sử mà nhu cầu đổi mới đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết([8]). Tuy nhiên, vượt lên những vấn đề mang tính thời sự, người ta sẽ còn nhớ về nó bởi Tôi và chúng ta đã trực diện đặt ra vấn đề cũ - mới, cá nhân- cộng đồng.Đó là những vấn đề thời nào cũng phải đối mặt, chỉ có điều, biểu hiện và mối tương quan giữa chúng ở mỗi thời là khác nhau.

Dù được sáng tác cách đây đã hơn ba mươi năm, nhưng Hoa cúc xanh trên đầm lầy là tác phẩm vượt tầm thời đại. Yếu tố giả tưởng trong vở kịch này cho thấy sự phóng khoáng đến kinh ngạc trong tư duy sáng tạo và tiên cảm nghệ thuật Lưu Quang Vũ. Khi Lưu Quang Vũ viết vở kịch này, internet, truyền thông đa phương tiện, người máy,… là những khái niệm còn xa lạ với người Việt. Vậy mà Lưu Quang Vũ đã bắt đầu chạm đến những vấn đề trọng yếu của tương lai, khi loài người đối mặt với trí tuệ nhân tạo. Vở kịch xoay quanh mối tình tay ba giữa Hoàng, Liên, Vân. Họ từng là những người bạn gắn bó với nhau từ thuở ấu thời, có chung kỷ niệm với hoa cúc xanh trên đầm lầy. Nhưng thật oái oăm, ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày cô trao thiệp cưới với Vân.Mọi rắc rối bắt đầu từ đấy. Song Lưu Quang Vũ không chạy theo những motif tình tay ba vốn nhan nhản trong những tác phẩm câu khách thông thường. Là một kỹ sư tài năng, Hoàng đã sáng chế ra hai phiên bản. Các phiên bản này mang trong mình nó nét đẹp nhất của hai người bạn thân của Hoàng là Vân và Liên. Nhưng chính vì sự hoàn hảo mà hai phiên bản kia quá khác biệt với nguyên bản và lạc lõng giữa đời sống thực, nhất là khi xung quanh chúng là sự tha hóa, tục lụy của cõi người. Từ những tình tiết kịch sống động, Lưu Quang Vũ đã đưa ra một thông điệp: Hạnh phúc đích thực chỉ có thể có được khi con người biết tìm đến nhau từ sự ấm nóng của trái tim. Nhưng mặt khác, vở kịch cũng toát lên một cảnh báo, nếu con người quá say mê và phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo, rất có thể đó sẽ là thảm họa của tương lai([9]).

Sử dụng khá nhiều vốn/tích folklore để nói về đương đại, từ đương đại mà nhìn sâu vào các mối tương quan giá trị, Lưu Quang Vũ đã đem đến cho sân khấu nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó tiêu biểu nhất là  Hồn Trương Ba da hàng thịt. Theo ý tôi, kịch hiện đại Việt Nam có nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng có hai đỉnh cao vượt hẳn lên: nửa đầu thế kỷ XX là Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, nửa sau thế kỷ XX là Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Từ một chuyện cổ dân gian quen thuộc, Lưu Quang Vũ đã thổi vào đó cái nhìn hiện đại. Và từ mối quan hệ hồn – xác vốn đã trở thành mặc định của một điển mẫu, Lưu Quang Vũ đã mở ra nhiều lớp nghĩa mới xoay quanh các mối quan hệ: hiện tượng và bản chất, thật và giả, sống và chết,…Đây là những vấn đề có ý nghĩa triết học sâu sắc. Lưu Quang Vũ không dừng lại ở sự nhầm lẫn bề ngoài, từ nhầm lần này dẫn đến nhầm lẫn kia để làm nổi bật cái trớ trêu hài hước mà ông biết tạo dựng các đối thoại, giằng xé giữa hồn và xác, giữa thật và giả. Không thoát ly hoàn toàn quan niệm hồn quan trọng hơn xác vốn đã tồn tại từ trước, nhưng là nghệ sĩ hiện đại, Lưu Quang Vũ coi thể xác cũng là một tiếng nói, tiếng nói ấy không ngừng đối thoại với linh hồn, đặc biệt là khi phải đối mặt với các cám dỗ tham-sân-si thế tục. Không tách rời một cách siêu hình hồn và xác, Lưu Quang Vũ muốn nhấn mạnh đến sự tương hợp, tương thích giữa hai mặt của một sinh thể thống nhất.Bất cứ một sự đổi mượn nào trái tự nhiên cũng dẫn tới sự bi hài. Thông điệp mà Lưu Quãng Vũ đưa đến cho người đọc là một triết lý đạt tầm phổ quát: trung thực với chính mình, đó là nghĩa lý cao nhất của sống. Bởi thế, việc chấp nhận cái chết, khước từ thân xác anh hàng thịt của Trương Ba là một hành động có ý nghĩa lựa chọn.Để được là mình, đúng với mình là điều quan trọng nhất chứ không phải là sự tồn tại vay mượn và chắp vá.

Như vậy, nếu Hoa cúc xanh trên đầm lầy là một dự báo thể hiện tầm nhìn xa trong nhãn quan nghệ thuật Lưu Quang Vũ thì Hồn Trương Ba, da hàng thịt lại cuốn hút ở chiềusâu triết lý.Sâuxa trong tư duy nghệ thuật cùng với sự linh hoạt của  “kịch pháp” là những yếu tố cần và đủ để thiết tạo một vương quốc nghệ thuật của riêng Lưu Quang Vũ. Phan Ngọc đã rất chính xác khi nhận xét về bí quyết của Lưu Quang Vũ trong kịch: “Không ai biệt tài bằng Vũ trong việc nêu lên cái muôn đời trong cái bình thường, biến cổ tích, huyền thoại thành chuyện thời sự, dùng cái hư để nói cái thực, dùng cái thô lỗ để khẳng định cái cao quý. Không ai đuổi kịp Vũ trong việc phê phán cái xấu, nhưng không có thành kiến, không có ác ý dụng tâm nên những lời phê phán được chấp nhận”([10]).

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là ở chỗ, ngay cả trong kịch, Lưu Quang Vũ vẫn mang đến cho thể loại này dư vị của thi ca. Bởi thế, kịch của ông giàu khoảng trống, và ở những vở kịch xuất sắc nhất, luôn chất chứa nhiều suy tưởng vừa giàu ý nghĩa thời sự vừa mang tầm phổ quát nhân loại. Ông khao khát về sự hoàn thiện, nhưng đó là sự hoàn thiện trên cơ sở thức tỉnh, đối thoại. Cũng bởi thế, trong quãng đời hoạt động nghệ thuật ngắn ngủi và chói sáng, Lưu Quang Vũ đã chạm được vào cốt tủy của nghệ thuật. Đó  là lý do ta hiểu vì sao ông mãi tồn tại trong tư cách sẽ là

 

 

(*)PGS.TS. – Viện Văn học.

 

 

([1])Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ từ 9-15/2013.Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một Liên hoan sân khấu dành riêng cho một tác giả.

([2])Trong cuộc trò chuyện với tôi tại Viện Văn học, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ cho biết: Lưu Quang Vũ làm thơ từ hồi còn học cấp 1, và bài thơ đầu tiên in báo là bài Áo cũ, năm ông học lớp 9. Chùm thơ đầu tiên xuất hiện là khi ông đã nhập ngũ, in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội: Lá bưởi, lá chanh; Gửi các anh; Qua sông Thương. Khi tập thơ đầu tay của ông in chung với Bằng Việt [Hương cây – Bếp lửa, Nxb. Văn học, H., 1968] chưa xuất bản, chỉ qua không nhiều bài thơ, ông đã lọt vào mắt xanh nhà phê bình Hoài Thanh (xem Hoài Thanh: “Một cây bút trẻ nhiều triển vọng. Tạp chí Văn học, số 12, (12/1966), tr.39-47); còn khi tập thơ đầu đã nhắc đến ở trên ra mắt, nhà phê bình Lê Đình Kỵ cũng đã viết bài khen ngợi trên tuần báo Văn nghệ (xem Lê Đình Kỵ: “‘Hương cây – Bếp lửa’, đất nước và đời ta. Văn nghệ, số 294, ra ngày 15/5/1969). Cần nhớ thêm là, vào thời điểm ấy, cả Hoài Thanh và Lê Đình Kỵ đều được coi là  những nhà phê bình hàng đầu  của nền văn học; và Tạp chí Văn học và tuần báo Văn nghệ là hai diễn đàn quan trọng  của văn nghệ Việt Nam.

([3])Về vấn đề văn học sinh thái và phê  bình sinh thái, xin xem: Phê bình sinh thái, tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu (Kỷ yếu Hội thảo quốc tế do Viện Văn học tổ chức, tháng 12/2017) Nxb. Khoa học xã hội, H., 2017.

([4]) Theo ý tôi, các nghiên cứu về tư tưởng hiện sinh trong văn hoc Việt Nam hiện đại cũng có thể tìm thấy các dẫn liệu trong sáng tác của nhiều nhà văn, trong đó có Lưu Quang Vũ và Bảo Ninh, đặc biệt là cảm thức cô đơn và phi lý.

([5])Trước nay, phần lớn các nhà nghiên cứu thường quan tâm đến các sự kiện mang tính dự báo trong giai đoạn hậu chiến (1975–1985): về tiểu luận là Nguyễn Minh Châu với Viết về chiến tranh (Văn nghệ quân đội. số 11/ 1978), Hoàng Ngọc Hiến với Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua (Văn nghệ, số 23, ra ngày 9/6/1979); về sáng tác là Nguyễn Trọng Oánh với Đất trắng (1979), Nguyễn Minh Châu với Bến quê (1983),… và thơ của Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Dư Thị Hoàn,… đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, cần lưu ý, những đối thoại nghệ thuật và ý thức đổi mới, ít nhất trong lĩnh vực nghệ thuật đã xuất hiện trong thơ Lưu Quang Vũ khoảng chục năm trước đó, mà trường hợp tiêu biểu là Nói với mình và các bạn (1970), Việt Nam ơi (1978),…

([6]) Phong Lê: “Văn xuôi Lưu Quang Vũ – cầu nối giữa thơ và kịch”, trong Lưu Quang Vũ - Về tác gia và tác phẩm), (Lý Hoài Thu – Lưu Khánh Thơ tuyển chọn và giới thiệu), Nxb. Giáo dục, H., 2007, tr.231.

([7])Về thơ và kịch, xin tham khảo thêm quan niệm của chính Lưu Quang Vũ trong  bài trả lời phỏng vấn trên  tạp chí Văn nghệ quân đội, 2/1988:  “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ với kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi. Đều là hai thể loại lớn và khó của văn học, thơ và kịch đều là sự sống và thế giới bên trong của con người ở dạng tinh chất, cô đọng và mãnh liệt nhất, đối với tôi, kịch cũng là một thứ thơ được trình bày trong không gian và thời gian kỳ diệu của sân khấu, thông qua diễn xuất của diễn viên. Kịch - đó là thơ của thời hiện đại, của đời sống công nghiệp của nền văn minh nghe nhìn của bầu không khí dân chủ của đô thị, đám đông và của tuổi trẻ…”.

([8]) Từ góc nhìn xã hội học văn học, nhu cầu đổi mới xã hội đã bắt đầu được một số cây bút nhạy bén miêu tả vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Gần gũi với chủ đề của Tôi và chúng ta là các tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Tuấn: Đứng trước biến (1982), Cù lao Tràm (1985),…

([9])Những tranh luận về thành tựu trí tuệ nhân tạo sẽ còn kéo dài.Ngày 25/10/2017, Sophia là robot đầu tiên đã được trao quyền công dân tại Saudi Arabia.Đây là sự kiện gây chấn động trong làng công nghệ thế giới. Mặc dù đã thân thiện hơn với con người, nhưng cảnh báo của thiên tài vật lý Stephen Hawking về nguy cơ diệt vong con người do trí tuệ nhân tạo vẫn là một cảnh báo đáng chú ý.

([10])Phan Ngọc: “Kịch pháp Lưu Quang Vũ”, [Tạp chí Tia sáng, số 5/ 1996], in lại trong Lưu Quang Vũ - Về tác gia tác phẩm, Sđd., tr.266.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *