Ống kính phê bình

5/5
10:30 AM 2016

Con Rối Tha Hương, thêm một cái nhìn người Việt tại CHLB Đức

Với 233 trang sách, tiểu thuyết Con rối tha hương (1) lần đầu tiên, có một tác giả người Đức Karin Kalisa, cung cấp cho bạn đọc một sự quan sát sâu sắc và tinh tế quanh đời sống người Việt ở Đức.
Năm nào ở Tiệp người ta ồn ào quanh cuốn tiểu thuyết Rồng Vàng và Ngựa Trắng của Jan Cempírek, một nhà văn người Tiệp giả dưới cái tên Việt Nam viết về cộng đồng VN ở Séc. Có lẽ rồi ra, Con rối tha hương sẽ được cộng đồng Việt khắp nơi trên thế giới lưu tâm nhưng không phải sự lạ như vụ án tên tác giả Rồng Vàng và Ngựa Trắng, mà bằng sự kì lạ hấp dẫn tự thân của nó, dưới lăng kính của một nhà văn Đức rọi soi vào cõi khuất lấp của người Việt bấy nay trên trang văn học Đức.

Giọng văn rất nhẹ nhàng và đôi khi hài hước, trào lộng Con rối tha hương là câu chuyện dài kể về một gia đình người Việt di dân và định cư tại trung tâm Berlin, khu đông dân Prenlauer Berg. Nhân vật chính tên Sung, gã con trai, thế hệ thứ Hai của bà Hiền và cha anh, ông Gấm, thế hệ thứ Nhất tới Đức sinh cơ lập nghiệp trong cuối thập kỉ 80 và hệ thống nhân vật Việt và những cư dân bản địa Đông Đức. Cùng với hệ thống nhân vật phụ xoay quanh mối quan hệ với gia đình Sung, ở cửa hàng tạp hóa lẫn ăn uống của Bà Hiền, Con rối tha hương tựa như cuốn biên niên sử của một bộ phận kiều dân người Việt Ở Đức mà trong nó khá đầy đủ hạnh ngộ, cả cái được, cái mất, hạnh phúc và bi kịch của con người ta khi bị bứt ra khỏi cội nguồn của mình.
Tác giả hẳn là người rất tường cuộc sống người Việt ở Đức, cũng như tinh thần văn hóa bản địa để chọn ra nhiều chi tiết khá điển hình và sinh động, lại có tính khái quát mà làm nên cốt lõi một vấn đề khá lớn và sâu sắc là bi kịch của các dân tộc khi rời bỏ quê hương và giải quyết vấn đề trên cũng chính bằng văn hóa. Cụ thể ở đây là, nhiều mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa cả chính quyền và cư dân bản địa với người di dân đã được hóa giải, được cảm thông và chia sẻ thông hiểu nhau, thông qua nghệ thuật rối nước, những con rối được mang đi từ Việt Nam, mang đi từ hình hài cụ thể trong bầy rối mà những người Việt ở Berlin đã tạo ra, nhưng thực chất là Tinh thần văn hóa ấy,cái bản chất tốt đẹp rất người, rất Việt tính chưa bao giờ chết trong những con người buộc phải rời xa tổ quốc mà điển hình la người mẹ của Sung, một trí thức tên Hiền.
Con Rối Tha Hương là một cuốn tiểu thuyết hiện đại. Tốc độ phát triển, mạch truyện khá nhanh và hấp dẫn. Cách thức xây dựng nhân vật Sung và gia đình của anh cũng là thi pháp kinh điển, khi từ nhân vật cụ thể mà khái quát khá sâu sắc và tinh tế nhiều vấn đề của người Việt trong di dân, phản ánh đúng nhiều mặt của thực chất bi kịch khó tránh khỏi của vấn đề di dân toàn cầu chứ không riêng gì người Việt. Đó là bi kịch khi con người ta tách bỏ khỏi quê cha đất tổ, đi sống ở một vùng văn hóa khác biệt, phải bứt ra khỏi vùng văn hóa mà họ cất dấu trong dòng máu của mình. Con Rối Tha Hương có cái nhìn đầy nhân văn và hợp lí khi hóa giải những mâu thuẫn, bi kịch đã đặt ra, hóa giải bi kịch của Sung và gia đình của anh, cũng như nhiều nhân vật khác bằng cái nhìn cốt lõi của con người, đấy là tình yêu con người khác màu da phong tục, thông qua sự tìm hiểu lẫn nhau mà cụ thể là từ sự chia sẻ cụ thể qua hình tượng văn hóa Việt Nam điển hình- nghệ thuật rối nước Việt Nam.
Có người nói: Con Rối Tha Hương là câu chuyện cổ tích hiện đại, cũng có lí khi nó kết thúc có hậu, khi nó phần nào nghiêng về cái nhìn tích cực màu hồng của tác giả về cuộc sống người Việt ở Đức. Điều đó có lẽ không sai khi tiểu thuyết thể hiện rất rõ tình cảm ấm áp, thậm chí khoan dung của tác giả với nhiều sự thật của cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Nhưng tôi còn cho rằng, tác giả cũng không né tránh những khiếm khuyết rất đáng phê phán của người Việt trong quá trình hội nhập. Thậm chí, dù chỉ là câu văn, đoạn kể rất ngắn, tác giả văn không né tránh, che dấu và phản ánh nó khá chua sót những dị tật của đòng bao ta trên nước đức ở quá trình hội nhập. Nhưng dù động tới vài điều đáng buồn ấy, những khiếm khuyết ấy, một người đề cao tính dân tộc như tôi vẫn thích thú đến thú vị với cuốn sách, bởi nó được diễn giải vừa đủ, đôi khi rất hài hước để người bị phê bình thấy rõ tình cảm lương thiện và tốt đẹp của tác giả, người phê bình.
Cũng không thể không nói tới Con Rối Tha Hương thành công khi lôi cuốn người đọc đọc một mạch không nghỉ là nhờ sự chuyển ngữ rất tài tình của dịch giả Lê Quang. Khá nhiều đoạn văn, câu nói được Việt hóa một cách nhuần nhị mà vẫn không tiêu diệt, dập tắt hơi thở, văn phong Đức của nhà văn Đức Karin Kalisa. Trong tình hình dịch hiện nay, Lê Quang là một hiện tượng rất chuyên nghiệp để thẩm thấu ngôn ngữ Đức mà lại tài tình chuyển ngữ ra tiếng Việt để cho cuốn sách thêm thú vị và hấp dẫn.(2)

Khép lại bài viết này xin trích lời nhân vật Sung, kẻ ở Đức được đào tạo cẩn thận mà trong nhiều trang đầu, không hiểu được chính mình thuộc về văn hóa Đức hay Việt, bơ vơ giữa các nền văn hóa bản địa và quốc tế, thì ở cuối sách khi nghe mẹ mình nói lại một cách gốc gán nền nghệ thuật rỗi nước anh đã nhận ra: „Sung tựa vào tường và chăm chú lắng nghe. Dần dần anh đã được nhận cả một gia đình. Trước tiên là một người chị.Bây giờ có cả ông, người điều khiển con rối. Và thêm một ông nữa, chuyên chế tạo con rối....“ Ở đây rõ ràng tác giả đưa ra một thông điệp rằng, con người ta không có khái niệm gia đình đơn điệu chỉ trong quan hệ vợ chồng nữa, có một gia đình huyết thống, nguồn cội. Một gia đình mà tinh thần của nó phải chăng là đất nước, cội nguồn mang trong: “Gỗ Sung bên bờ sông Đà, sơn ta làm từ cây sơn, phết 25 lớp; màu áo dài pha từ đất và màu chàm...“(trang 196-CRTH)
Con Rối Tha Hương là một tiểu thuyết lớn, dù nó chỉ hơn 200 trang, nhưng nó đặt ra một vấn đề đâu chỉ của riêng người Việt Nam ở Đức, mà hình như nó khi nó khái quát vào trúng một vấn đề khá bức thiết ở vấn nạn di dân hiện nay, đang là khó khăn có tính bức bách toàn cầu khi vấn nạn di dân vì chiến tranh đang tập trung ở Đức. Một cuốn sách tựa vào văn học, nghệ thuật dường như nêu được một chân liys muôn thuở rằng, chỉ có thể hóa giải các xung đột giữa các sắc tộc, chính bằng văn hóa, sự chia sẻ cảm thông tìn hiểu lẫn nhau qua cái cầu văn hóa. Cũng như khi cuối sách_ nhận thức của một ông giám đốc sở người Đức đã nhận ra: “Trời ơi không đi học thì thôi. Làm sao có sự hiểu biết giữa các dân tộc khi trẻ con không được du lịch...„

 

Chú thích:

  1. Nhà xuất bản văn học và công ty cổ phần sách Alpha. Xuất bản 2016- Giá bìa 79 ngàn.
    Được biết 4-5 -2016 tại viện Gớt sẽ có lesung rộng rãi về cuốn sách này.
  2. Nguyên thủy tựa đề tiểu thuyết mang tựa đề Cửa hàng của Sung, khi chuyển dịch xuất bản ở VN đã chuyển thành Con rối tha hương. Tựa đề này thực gợi và cũng đúng với thông điệp chính của tiểu thuyết. Âu cũng là sự tài tình của Nhà xuất bản và dịch thuật.

 

NGUYỄN VĂN THỌ 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *