Ống kính phê bình

5/4
11:27 PM 2016

Tháng Ba gọi người

Cầm trong tay tập thơ Gọi tháng Ba (*) của tác giả Hàm Anh, một người mà tôi chưa từng quen biết, gặp mặt bao giờ. Những tưởng như bao tập thơ khác tôi được tặng trước đây, chỉ đọc để biết. Nào ngờ tập sách đã cuốn hút tôi từ hình thức thể hiện đến nội dung và xúc cảm qua mỗi bài thơ. Vậy là tôi đọc nghiến ngấu một mạch cho đến trang cuối cùng.

Gọi tháng Ba là tập thơ thứ hai của tác giả Hàm Anh, sau tập Màu tự nhiên xuất bản 2008. Đây là tập thơ in song ngữ Việt- Anh do dịch giả Trịnh Lữ chuyển ngữ. Phần tiếng Anh in bản chữ vi tính, còn phần tiếng Việt in chữ viết tay của tác giả, dày hơn 100 trang, giấy và bìa nền nã. Hàm Anh từng tốt nghiệp trường viết văn M. Goóc- ki, Mátxcơva (Liên bang Nga). Chị đã nhận được giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam và Tuần báo Văn nghệ cho các bản dịch thơ của Anna Akhmatova, cách đây hai mươi năm có lẻ (1994). Nhưng có lẽ văn chương không phải là công việc chính của chị, nên chỉ khi nào không thể không viết thì Hàm Anh mới đặt bút.

48 bài thơ trong tập sách trải dài qua một chặng đường trên dưới tám năm (2008-2015), mà dịch giả Trịnh Lữ cho là 48 viên đá quí trong túi vải thô dấu trên ngực người hành hương còn chưa biết nơi nao sẽ là đất thiêng của mình. Nói như vậy để thấy công việc làm thơ đối với Hàm Anh công phu và nhọc nhằn biết nhường nào, cẩn trọng và cao quí, tưởng chừng như có lúc chị đã phải vắt kiệt sức mình ra để có thể viết nên một bài thơ vỏn vẹn chỉ có bốn câu, mười sáu chữ: Đầm sen lặng gió/ Phơi đen cọng gầy/ Lá khô quặn héo/ Cá trời đớp mây. (Cuối Đông).

Bài thơ có cấu tứ chặt đến mức không thể chặt được hơn được nữa, xúc cảm dồn nén, đặc biệt rất kiệm lời, mà vẫn tỏ ý. Ba câu trước thiên về tả cảnh, nhưng là khung cảnh của những ngày cuối mùa Đông, ai cũng dễ dàng cảm nhận được. Nhưng chỉ cần câu thứ tư có bốn chữ, mà đã làm cho ý thơ đổi khác và giá trị nghệ thuật của bài thơ được nâng lên rõ rệt, vượt ra ngoài giới hạn của một bài thơ tả cảnh Đông tàn, tất cả được phơi bày trên mặt đầm sen.

Đọc bài thơ này tôi liên tưởng đến thể thơ truyền thống của Nhật Bản- Haiku. Ta hãy đọc một bài thơ tả cảnh mùa thu để thấy được sự tương đồng về lập tứ, chọn từ và dồn nén cảm xúc của hai nhà thơ cách nhau gần một thế kỷ. Bài Nàng thu soi gương sáng của nhà thơ Fujiwara no Ietaka (1158- 1237): Khi ánh trăng rải vàng/ Lên mặt hồ Biwa/ Nàng thu đến soi mình/ Trên những cánh hoa/ Sóng. (bản dịch thơ của Đặng Tương Như).

Trong tập Gọi tháng Ba chúng ta không quá khó để tìm được những bài tương tự như bài Cuối Đông. Chẳng hạn như: Giấc mơ nghiêng, Cổ tích, Mây, Sang mùa, Thu muộn, Hẹn, Đường sương, Hoa, Ủ Xuân, Lưới nắng,... đều là những bài thơ như thế.

Gọi tháng Ba phần lớn là những bài thơ giàu chất chiêm nghiệm về tình yêu

con người, cuộc đời, quê hương, đất nước, những miền đất mà Hàm Anh đã từng đặt chân tới, hơn là những vần thơ bày tỏ tâm trạng, cảm xúc cá nhân nhất thời trong khoảnh khắc: Những đêm thức chong em thích nằm nghiêng/ biết đâu nếu thiếp đi/ sẽ thấy mình được Anh che chở/ bằng đôi cánh lớn/ Giấc mơ nghiêng không khép lại bao giờ... (Giấc mơ nghiêng).

Rõ ràng đây là sự chiêm nghiệm của một người phụ nữ từng trải, biết rõ giá trị của những đêm thức chong, cần phải làm gì để không rơi vào tâm trạng bối rối, lo âu và hoảng hốt khi không có Anh ở bên để che chở. Thế thì cứ hãy nằm nghiêng lại mà mơ như đang có Anh bên cạnh. Có lẽ vì thế mà giấc mơ nghiêng mới linh diệu làm sao. Nó làm cho người ta bớt đi cảm giác cô đơn, lạnh giá để người phụ nữ vững bước hơn trên con đường đời đầy chông gai, cạm bẫy.

Cổ tích là bài lục bát duy nhất trong tập này. Nhưng đây là bài thơ khá hay về sự chiêm nghiệm giữa cái hữu hạn và cái vô hạn trong tình duyên, kiếp người. Bài thơ không dài cũng không phải khó đọc, nhưng mà lạ thay, khi đọc xong người ta có cảm giác như bị bài thơ lấy hết hồn vía. Sự hợp tan, tan hợp vốn là lẽ thường trong tình duyên của con người. Ấy vậy mà, nhiều khi chỉ một cái tặc lưỡi chuyện hợp tan đã làm đổi thay số phận của một đời người, khiến ai đó dù có muốn cũng là đã quá muộn, như giọt nước tràn ly không thể nào vớt lại được: Chỉ là cách một sải tay/ Mà xa... suốt một đời này vẫn xa/ Đẹp như một ánh chớp lòa!/ Đau như tia sét vỡ òa... lặng câm!/ Trong veo giọt nước mắt thầm/ Bao nhiêu kiếp ấy- một lần mà thôi/ Gặp nhau- trọn vẹn kiếp Người/ Lỡ làng- ta đã ngậm lời kiếp sau/ Bếp sương cổ tích chìm sâu/ Cời tro chạm phải nguyện cầu kiếp xưa. (Cổ tích).

Cổ tích thực sự là một bài thơ có sức gợi rất mạnh, tạo nên sự ám ảnh trong tâm trí người đọc, khiến ai đó đã, đang gặp nhau và chưa kịp lỡ làng thì hãy suy nghĩ kỹ càng và cẩn trọng hơn, đừng để tình duyên của mình trở thành cổ tích.     

Nhìn chung Gọi tháng Ba của Hàm Anh là thứ thơ đọc để ngẫm ngợi về sự đời, lòng người, chứ không phải là thứ thơ đại ngôn hùa theo phong trào, trường phái và đám đông, nên chắc chắn nó sẽ kén người đọc, nhất là trong điều kiện văn hóa mạng xô bồ như hiện nay. Nhưng ở một chiều kích khác Gọi tháng Ba lại nhắc nhở chúng ta chỉ có sống chậm và đọc chậm mới có thể cảm nhận được hết ý nghĩa đích thực và lớn lao của cuộc sống mà Thượng đế đã ban cho con người.  

Chân thành cám ơn nữ thi sĩ Hàm Anh đã đem đến cho tôi nhiều điều bổ ích sau khi đọc tập sách này. Chúc mừng chị và hy vọng sẽ được đọc nhiều hơn nữa những thi phẩm của chị trong thời gian tới.   

..............

(*) Gọi tháng Ba, Tập thơ song ngữ Việt- Anh của Hàm Anh, Nxb Văn học, 2016.

 

ĐỖ NGỌC YÊN

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *