Ống kính phê bình

23/4
7:02 PM 2016

Người viết và cuộc “đối mặt âm thầm”

Gần 10 năm lần tìm dấu vết của các nhân vật lịch sử, với những chuyến đi ngược lên vùng biên ải Đông Bắc của Tổ quốc, trăn trở trước vô số câu hỏi của lịch sử cần được giải mã, nhà văn Lưu Sơn Minh đã hoàn thành tiểu thuyết Trần Khánh Dư.

                                                                                  Các nhà văn Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp và Lưu Sơn Minh (ảnh Internet)

Ngay sau khi ra mắt, cuốn sách đã nhận được nhiều phản hồi từ độc giả. Nhà văn Phong Điệp đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Lưu Sơn Minh về tiểu thuyết Trần Khánh Dư (Nxb Văn học,  Công ty Văn hóa Đông A liên kết xuất bản năm 2016).

*Từ khi nào câu chuyện về Trần Khánh Dư thôi thúc anh bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết này?

 

- Nhân vật Trần Khánh Dư với vai trò phụ trong cuốn sách trước của tôi “Trần Quốc Toản” đã gây được sự chú ý của không ít độc giả. Chính tôi sau đó cũng bắt đầu tò mò về ông. Càng tìm hiểu, càng nhận thấy đây là một nhân vật thật sự hay, thật sự đáng để viết. Rồi, tôi thử bắt tay vào và càng viết càng thấy mình lựa chọn hoàn toàn đúng.

 

* Tại sao anh không chọn bối cảnh cho tác phẩm là nhà Trần tại thời điểm căng sức chiến đấu và chiến thắng quân Nguyên - Mông mà Trần Khánh Dư góp một công lao đáng kể?

- Tôi không có ý định xây dựng một anh hùng ca hay gương người tốt việc tốt. Để nhìn một con người cần phải nhìn từ nhiều phía, qua nhiều giai đoạn, nhất là với một nhân vật đa diện. Hơn nữa, nếu chỉ định mô tả một ông dũng tướng thuần túy, có lẽ tôi nên viết một tham luận gửi đến hội nghị nào đó.

 

* Và anh đã đặt nhân vật của mình sau những ồn ào của một cuộc chiến để lại tiếp tục phải đối diện với thù trong giặc ngoài, ngổn ngang những nghi kị và rơi đến tận đáy của nỗi cô đơn, để nhân vật bộc lộ mình một cách đầy đủ nhất, và cũng “đời” nhất. Ở đây văn chương đã làm được điều mà lịch sử khó có thể làm được. Không biết suy nghĩ này của tôi có đúng không?

- Tôi nghĩ là ở đây, văn chương phải làm điều mà sử sách đã không làm. Trong tác phẩm “Trăng nước Chương Dương”, nhà văn Hà Ân có để nhân vật nhà sử học Lê Văn Hưu nói về sự quý giá của từng dòng chữ trong sử. Sử sách không có trách nhiệm chia sẻ, thông cảm với từng nhân vật. Sự lạnh lùng đến khắc nghiệt của từng con chữ mới đảm bảo được tính độc lập và khách quan của những người chép sử. Nhưng, chính vì thế, văn học phải lách vào giữa từng lớp chữ, để mà khơi ra những thân phận và uẩn khúc đằng sau từng dòng sử. Tôi đã cố làm như vậy, để mà người đọc có thể gặp được một Trần Khánh Dư rất đời chứ không phải một chân dung hoàn toàn xấu như sử đã chép. Điều ám ảnh nhất khi tôi viết về nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư đó chính là nỗi cô đơn. Một nỗi cô đơn tột cùng của người “sinh lạc nhà, sống lạc thời và yêu lạc người”. Điều đó ám ảnh tôi cho tới từng dòng cuối cùng của cuốn sách kể cả mỗi lần đọc lại.

 

* Sự xuất hiện của hai nhân vật nữ Thiên Thụy và Thị Thảo trong tác phẩm tạo nên  những khoảng lặng ám ảnh, góp phần hoàn thiện thêm tính cách của Trần Khánh Dư. Nhưng tần suất xuất hiện của họ không nhiều?

- Họ cũng chỉ là một trong rất nhiều người đi ngang qua cuộc đời của Trần Khánh Dư. Bất cứ ai đi qua cuộc đời ông rồi cũng sẽ biến mất. Vì thế, nhiều hay ít chỉ là cảm giác đo đếm. Tôi tin, trong lòng nhân vật Trần Khánh Dư, cũng như trong lòng độc giả, sẽ còn không ít những khắc khoải về hai nhân vật chỉ lướt qua cuốn sách này...

 

* Trần Khánh Dư là một “ca lạ” trong lịch sử. Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Khánh Dư tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi”.  Dường như với cuốn sách của mình, anh đang muốn thay đổi cách nhìn nhận này?

- Tôi muốn cung cấp thêm những góc nhìn khác, công bằng và chia sẻ hơn với nhân vật. Theo cách nói hiện đại thì “thử đặt mình vào địa vị ông ấy xem, các vị ứng xử thế nào?!”

 

*Anh chia sẻ rằng viết về Trần Khánh Dư giúp mình thay đổi không ít về cách nhìn mọi thứ trên đời?

- Tôi vốn đã ngang ngược từ nhỏ. Viết Trần Khánh Dư, tôi càng thêm tin vào cách hành xử của mình (kể cả trong văn chương lẫn ngoài đời). Tôi tự tin hơn nữa với cách sống, tin vào những điều mình cho là đúng và làm theo điều đó, không bị ràng buộc bởi miệng tiếng.

 

*Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư, và cuốn tiểu thuyết mới tiếp tục những câu chuyện về nhà Trần cũng đang được anh triển khai. Có thể thấy rõ sự quan tâm của anh dường như có phần ưu ái với nhà Trần? Vì sao vậy?

- Duyên nợ - chỉ có thể nói như vậy. Từ ngày tôi còn nhỏ và là thằng nhóc gầy còm ốm đau suốt thì chính các nhân vật của nhà Trần trong truyện của nhà văn Hà Ân đã sống cùng tôi, họ gần gũi với tôi hơn bất cứ một ai khác. Và tôi nhất quyết phải kể tiếp câu chuyện về những nhân vật thân yêu ấy.

 

* Đó là lý do vì sao trong tác phẩm của anh có nhiều chú giải dẫn đến các tác phẩm của nhà văn Hà Ân và cả tác phẩm trước đó của anh. Một cách thú vị để mở rộng không gian cho các nhân vật, tạo tính liên thông giữa những tác phẩm văn học phản ánh về cùng một thời kì lịch sử. Nhưng cũng đồng thời đặt ra một nguy cơ, những gì anh viết sẽ chỉ là sự nối dài cho những tác phẩm trước đó. Anh vượt qua điều này bằng cách nào?

- Tôi không coi đây là nguy cơ. Càng không định vượt qua. Những bạn đọc mới toanh, nhất là bạn đọc trẻ hoàn toàn có thể không cần đọc các tác phẩm của nhà văn Hà Ân trước khi đọc của tôi. Những gì họ cần được nghe, tôi đều đã kể lại trong cuốn sách của mình. Tôi chỉ gợi ý trong các chú thích với ngụ ý, nếu các bạn muốn xem thêm về những nhân vật này từ các góc khác, hãy tìm đọc các truyện của Hà Ân.

 

*Chọn đề tài lịch sử là chọn con đường gập ghềnh, đầy thách thức. Ở trường hợp của mình, anh tự nhận thấy đề tài chọn người viết hay chính người viết quyết định đề tài mình cần phải theo đuổi?

- Đề tài luôn chập chờn bên ngoài người viết. Và với tôi, đề tài luôn chọn cách để tôi nắm lấy. Sau đó, đề tài sẽ dần dần dẫn dắt tôi qua từng chi tiết, từng nhân vật. Mà, nói cho đúng, văn chương luôn gập ghềnh, đâu chỉ riêng đề tài lịch sử? Chỉ là, riêng lịch sử, tác giả không thể tự tung tự tác bất chấp lý lẽ khi ứng xử với nhân vật được.

 

*Vậy với tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử sáng tạo/ hư cấu bao nhiêu là đủ, là chấp nhận được?

- Viết lịch sử, nhà văn không thể có quyền “tự tung tự tác” hành xử với nhân vật như cách các nhà văn khác có thể làm đối với nhân vật của họ. Tôi luôn tự giới hạn mình, chính xác là tự cảnh tỉnh mình: Viết sao cho nhân vật còn chấp nhận được sáng tạo của người viết. Nên nhớ, những nhân vật của tôi, đều là những vị giờ đã hiển linh trong tâm thức dân gian. Bịa tạc vu cáo về họ, là điều rất không nên.

Nói đơn giản thế này, có những khi vào một ngôi đền, sau khi thắp nén hương và ngẩng lên, tôi có thể gặp quá nhiều nhân vật của chính mình. Nếu không thực sự cảm thấy trong lòng mình thanh thản, liệu người viết có dám nghĩ đến việc đối mặt với người xưa không?

 

* Sự đong đếm xét trong trường hợp này quả là rất khó. Bởi có khi một nhân vật chỉ xuất hiện trong sách sử chỉ vài ba dòng nên nhà văn phải bồi đắp rất nhiều cho một cuốn sách vài trăm trang. Chưa kể quan niệm mỗi người mỗi khác nên sự can thiệp, tưởng tượng… được gọi tên bằng hai chữ “sáng tạo” ắt cũng sẽ gây ra những tranh cãi. Liệu có tiêu chí nào cho sự sáng tạo trong văn học viết về đề tài lịch sử để lịch sử không bị biến dạng, thậm chí bị hiểu sai lệch?

- Tôi nghĩ tiêu chí là một khái niệm quá mờ và bất lực trước khoảnh khắc sáng tác của nhà văn. Chỉ có chính người viết mới tự đặt ra biên độ an toàn cho hư cấu, tự đặt ra một ngưỡng đỏ không thể vượt qua khi những bay bổng lôi kéo quá đà. Không một nhân vật lịch sử nào có thể quay lại viết tâm thư trên facebook hay kêu cứu các ban ngành vì bị một người viết gán cho những thứ không có thật. Chỉ người viết, là đối mặt âm thầm với nhân vật lịch sử của mình.

 

* Viết về đề tài lịch sử kén người viết và kén cả người đọc vì phải có một kiến thức cần và đủ mới có thể hiểu và cảm nhận được cái hay của tác phẩm.Vậy theo anh, yếu tố nào sẽ giúp tạo nên sự hấp dẫn cho những tác phẩm viết về đề tài này ?

- Có lẽ sẽ không có đặc điểm giá trị chung cho sự hấp dẫn. Hơn nữa, giá trị đó biến động liên tục. Tôi nghĩ, đơn giản nhất là người viết nên cố gắng viết hết khả năng có thể. Đừng dễ dãi với mình. Còn sau đó, chắc là nín thở chờ những phản hồi từ thị trường...

 

*Anh có theo dõi các sáng tác về đề tài lịch sử thời gian gần đây, nhất là sự thử sức của một số tác giả trẻ. Anh cảm nhận như thế nào về những tác phẩm này?

- Rất khó để nói cho thấu đáo về vấn đề này vì có vẻ đây là vấn đề của các nhà nghiên cứu, nhà phê bình. Tôi chỉ nghĩ thế này, thử sức cũng tốt. Nhưng “lì đòn” để vững bước đi tiếp mới là vấn đề. Có lẽ, cũng cần một mức độ “ngổ ngáo, ngang ngược” nhất định để mà người trẻ tiếp tục viết về đề tài lịch sử. Vì nếu không có những “phẩm chất” ấy thì sẽ không chịu nổi được sức ép từ độc giả, từ các đàn anh hay bạn văn ngang hàng (nhất là cảm giác bị vượt qua). Hơn nữa, nếu viết gì đó mà bị “ném đá” (như ngôn từ facebook hiện nay vẫn dùng), những ai không đủ lì đòn và ngang ngược chắc chắn sẽ nhanh chóng nhụt chí mà thôi...

 

*Một câu hỏi gắn với thời sự: Giới trẻ học đường hiện nay đang sợ môn sử, bằng chứng là sự lựa chọn môn học, cũng như môn học yêu thích với họ thường không mấy khi “lịch sử” được gọi tên. Theo anh, văn học liệu có thể góp phần thay đổi được tình yêu của người trẻ với lịch sử nước nhà hay không? Nếu có thì bằng cách nào?

- Tôi không hy vọng vào ảnh hưởng của văn học đối với giáo dục. Những truyện lịch sử hấp dẫn có thể lôi cuốn khiến bạn đọc trẻ quan tâm đến lịch sử và quá khứ dân tộc. Còn việc hy vọng rằng văn học giúp cho giới trẻ yêu thích cái môn học mà trong đó chỉ toàn phải nhớ ngày tháng, số lượng giặc giết được, bài học lịch sử và nguyên nhân khách quan, chủ quan... thì quả là duy ý chí. Những giáo điều ấy, chỉ càng làm lớp trẻ quay lưng lại với lịch sử. Có chăng, chỉ nên hy vọng là nhờ văn học mà giới trẻ nhận ra, các bài học giáo điều đó không phải là lịch sử. Lịch sử thực sự là rất nhiều niềm tự hào, rất nhiều điều hấp dẫn, thú vị. Còn các bài học, mỗi người sẽ tự rút ra cho mình. Và các con số, thì cứ google mà hỏi. Văn học sẽ chỉ mang đến được những gì nhân bản của lịch sử đến với bạn đọc (kể cả bạn đọc trẻ) mà thôi.

      

* Mặc những ồn ào, nhà văn vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình trong thầm lặng. Bằng chứng là sau khi hoàn thành tiểu thuyết Trần Khánh Dư anh đã tiếp tục với cuốn sách mới - tiểu thuyết Bạch Đằng Giang. Sẽ mất 5 năm hay 8 năm? Điều đó không quan trọng. Điều ý nghĩa nhất là nhà văn được sáng tạo trong thế giới của riêng mình và tiếp tục cống hiến cho người đọc. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

PHONG ĐIỆP (thực hiện)

(Nguồn: Báo Văn Nghệ- HNV)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *