Nhà văn - Tác phẩm

29/4
10:01 AM 2017

CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN-TÁC PHẨM: NHÀ VĂN MA VĂN KHÁNG

ANH CHI- Đầu năm 1974, trong một chuyến đi thực tế Bình Trị Thiên, đến thị xã Đồng Hới, chúng tôi được gặp hai nhà văn, Hà Minh Tuân và Ma Văn Kháng.

                                                         Nhà văn Ma Văn Kháng

 Hà Minh Tuân (1929 - 1992), người gốc Hưng Yên nhưng cả đời gắn bó với Hà Nội, một nhà văn tài danh của Việt Nam với những tác phẩm đặc sắc là Trong lòng Hà Nội, 1957; Hai trận tuyến, 1960; Vào đời, 1962. Còn Ma Văn Kháng, người làng Kim Liên, Hà Nội, đang được công chúng văn học rất chú ý bởi những truyện ngắn anh viết về cuộc sống, con người vùng cao Tây Bắc. 

Gặp hai anh, chúng tôi có cảm nhận: Chỉ mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng những tác phẩm quan trọng của đời văn Hà Minh Tuân đã được anh hoàn tất. Còn Ma Văn Kháng, cũng sắp vào tuổi bốn mươi, gần mười lăm năm cầm bút, giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1968, tập truyện Xa Phủ xuất bản năm 1969, đậm chất sắc tộc, ngôn ngữ giàu mỹ cảm, được bạn đọc và giới quan tâm đánh giá cao trong đời sống văn học; nhưng, những tác phẩm chủ yếu của anh có lẽ còn đang ở phía trước. Thể trạng anh không khỏe lắm, qua cách anh quan tâm tới những vấn đề đời sống, qua lối anh ngẫm nghĩ về chuyện đời và nghề văn, chúng tôi cảm thấy Ma Văn Kháng là một nhà văn rất dồi dào bút lực. Nghĩ, ước đoán vậy, chứ khi ấy chúng tôi còn chưa biết rằng, thời gian đó Ma Văn Kháng đang dốc sức sửa chữa hoàn tất một tác phẩm quan trọng của anh, là tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe

 

Tên thật của anh là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 18 tháng mười năm Bính Tý, 1936. Năm 1948, Đinh Trọng Đoàn được người anh đưa vào trường Thiếu nhi Việt Nam, rồi được chuyến sang Đội thiếu nhi nghệ thuật của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ít lâu sau, anh gia nhập trường Thiếu sinh quân Việt Nam, và được đoàn thể đặt cho cái tên Nguyễn Kháng (Kháng với nghĩa là kháng chiến). Kết thúc thời kháng Pháp, anh được học Trung cấp sư phạm tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), rồi về dạy học ở Lào Cai. Con đường số phận mỗi lúc một đưa anh xa Hà Nội, lên với Tây Bắc trùng điệp rừng núi. Có một thời gian anh được điều đi làm công tác thuế nông nghiệp tại thôn Tùng Dung, xã Nam Cường, huyện Bảo Thắng. Đận ấy anh bị sốt rét ác tính, nằm liệt giường nhiều ngày. Một người bạn lớn tuổi là anh Ma Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Bảo Thắng, đã lặn lội tìm thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho anh. Sau đó, hai người thành anh em kết nghĩa. Và rồi bút danh Ma Văn Kháng là do một ân tình cuộc sống mà có, chứ không phải là một cái tên đặt cho có vẻ miền núi, đã ký dưới tác phẩm đầu tay Phố cụt. Anh Ma Văn Nho là người dân tộc Kinh, quê ở Ấm Thượng, Yên Bái, chứ không phải là người dân tộc thiểu số. Truyện Phố cụt đăng báo Văn học, tiền thân của báo Văn nghệ. Năm 1962, Ma Văn Kháng đi học Đại học sư phạm Hà Nội. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp, anh lại lên Lào Cai, vừa dạy học vừa viết những truyện ngắn về cuộc sống, con người trên vùng đất Lào Cai, năm 1969 anh cho in trong tập Xa Phủ. Và cuộc đời lại có thêm một nhà văn.      

Một bước quan trọng nữa trên đường đời Ma Văn Kháng là, sự điều động anh lên làm thư ký cho ông Trường Minh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Ở cương vị công tác mới này, Ma Văn Kháng có cơ hội sục vào kho tài liệu lưu trữ của tỉnh ủy, được tiếp cận những tài liệu vừa có phần bí ẩn vừa rất sống động về công cuộc tiễu phỉ của Lào Cai nói riêng và của miền Tây Bắc nói chung. Sau nhiều năm, Ma Văn Kháng đã coi Lào Cai là quê hương thứ hai của mình với biết bao buồn vui, sướng khổ cùng vùng đất này. Giờ được sục vào những tài liệu chất chứa những biến động ghê người, anh hiểu thấm thía một hiện tượng cuộc sống đặc biệt đến quái dị, là chế độ Phong kiến thế tập phiên thần, đã tồn tại hàng trăm năm ở đây. Những dấu vết sau cả trăm năm còn lại ở Lào Cai mà Ma Văn Kháng vẫn còn nhớ khi mới lên sống nơi này. Thị xã, một con phố nhỏ với biển tên cũ còn sót lại Rue de Carvanes, kéo dài từ Hồ Kiều, dọc theo sông Đầm Thi, tới cái xóm nhỏ thuần dân lao động chuyên làm nghề cốn bè, đan cót, cắt cỏ ngựa. Con phố dài chừng ba trăm mét và còn mấy căn nhà gác kiến trúc kiểu Tây Âu của các nhà mại bản như Ả Lim, Trần Ca (người Hoa); vài cửa hàng thuốc Bắc, sòng bạc, mấy quán ăn với những chiếc đèn lồng đỏ treo suốt đêm trước cửa; còn có Sở Mật thám và vài công sở của Nhà nước bảo hộ. Từ con phố chính này, có những hẻm phố với bậc gạch xây dẫn xuống sông Đầm Thi trong xanh quanh năm... Ngoài cái thị xã Lào Cai như vậy, còn một Lào Cai to lớn, bao la, núi rừng hùng vĩ, dữ dội, Ma Văn Kháng cứ thấy hiển hiện khi anh sục vào nguồn tài liệu lưu trữ. Hiển hiện thực sự sinh động là cuộc sống của mấy cán bộ Việt Minh trong chuyến đi vô cùng mạo hiểm, ly kỳ đến các vùng Bắc Hà, Si Ma Cai, Pha Long, Mường Khương, Bản Lầu... nhằm thuyết phục các thổ ty góp công, góp sức tiêu diệt Việt Nam Quốc dân đảng, giải phóng tỉnh nhà. Bởi tình cảm gắn bó sâu sắc với Lào Cai, bằng sức cảm sức nghĩ của một nhà văn lớn, Ma Văn Kháng vô cùng hứng thú với cuộc “độc hành kỳ đạo, độc thiện kỳ thân” đầy kiêu hãnh của những cán bộ Việt Minh. Và, anh thấy hiện dần lên vóc dáng một tiểu thuyết sử thi, đó là Đồng bạc trắng hoa xòe, anh khởi thảo từ năm 1972.  

Ở đây, chúng tôi chỉ nói tới văn chương miền Bắc nước ta, thời gian này, đang rất ổn định với một dòng chủ lưu là biểu dương, minh họa. Là nhà văn bắt đầu được công chúng văn học ưa chuộng, nhưng Ma Văn Kháng chưa thấy hài lòng với những truyện ngắn mình đã xuất bản. Trong sự chưa hài lòng về văn của mình, hàm chứa sự chưa hài lòng về văn học đương thời. Anh là người ít nói, nghĩ nhiều, rồi viết. Một mạch sáu tháng liên tục, Ma Văn Kháng viết xong Đồng bạc trắng hoa xòe, hơn một năm sau mới tập trung sửa chữa. Và đến năm 1979 Nhà xuất bản Văn học cho ấn hành pho tiểu thuyết sử thi dày sáu trăm trang này. Đời sống xã hội cận - hiện đại của Lào Cai và của cả miền đất bao la đầy bí hiểm phía Tây Bắc nước Việt ta, được trình bày qua những trang văn giản dị, với một tấm lòng nồng nàn thương yêu lịch sử của nhà văn. Đời sống văn học đương thời đón mừng thành công mới của Ma Văn Kháng. Từ cuối năm 1976, Ma Văn Kháng đã chuyển về Hà Nội, làm việc ở Nhà xuất bản Lao Động, nhưng đời sống của Lào Cai, của Tây Bắc mà anh đã nếm trải mấy chục năm trời vẫn cuộn lên trong anh. Ma Văn Kháng viết tiểu thuyết Trăng non, xong lần đầu, để đấy. Và lại dồn sức viết tiểu thuyết với tên ban đầu là Thổ phỉ, năm 1983 được xuất bản với tên là Vùng biên ải. Đây là tác phẩm tiếp theo của Đồng bạc trắng hoa xòe. Những nhân vật mà nhà văn tạo nên lại đi tiếp đường đời của mình. Đó là Bí thư Tỉnh ủy Lê Chính, cán bộ dân sự Nguyễn Bắc, chàng trai Pao... Ma Văn Kháng mô tả họ trong cuộc dấn thân vào cơn lốc của chiến tranh giải phóng. Và, những thổ phỉ đầu sỏ Giàng A Lử, Châu Quán Lồ cũng tiếp tục xuất hiện rồi hoàn tất vai trò của mình. 

Dường như, dòng chảy của nền văn chương Việt Nam hiện đại, mỗi khi có thêm một tài năng lớn nhập vào, thì nó được mở mang thêm và chảy mạnh hơn. Có thể nói, Ma Văn Kháng hòa mình vào dòng chảy văn chương nửa sau thế kỷ XX với tác động như thế. Chúng tôi nhận thấy, văn chương nước ta, từ sau 1945, có thêm một chi lưu đặc biệt. Một số tài năng từ miền xuôi lên sống gắn bó nhiều năm với đời sống, con người các dân tộc ở miền núi, như Tô Hoài với Tây Bắc, Nguyên Ngọc với Tây Nguyên... Những nhà văn đó, bằng các tác phẩm tâm huyết, cùng những sáng tác của các tác giả dân tộc ít người ở địa phương, đã tạo nên một bộ phận đẹp đẽ của văn chương Việt Nam hiện đại, là văn chương viết về miền núi và dân tộc. Đi sau Tô Hoài và Nguyên Ngọc một chặng thời gian, Ma Văn Kháng được chuẩn bị chu đáo hơn về kiến văn và có được tầm nhìn thời cuộc mới hơn. Bắt đầu không chỉ bằng kể những câu chuyện có tính sắc tộc, Ma Văn Kháng sáng tác những tiểu thuyết sử thi, một thể loại văn học có tầm vóc xứng đáng nhất với số phận lịch sử của miền Tây Bắc cũng như số phận của những con người nơi này. Sau những tác phẩm mà chúng tôi nêu ở trên, anh xuất bản tiểu thuyết Trăng non, tiểu thuyết Gặp gỡ ở La Pán Tẩn. Rồi viết cả loạt truyện ngắn như Mã Đại Châu, Người quét chợ Mường Cang, Giàng Tả, Kẻ lang thang... sau này anh in trong tập Móng vuốt thời gian dày ngót 500 trang. Có thể thấy Ma Văn Kháng đã sửa lại và viết mới cả loạt tác phẩm trên vào đầu những năm tám mươi, là một việc làm rất can trường. Là sự tự thay đổi mình, như anh tâm sự, là phải kết thúc thứ văn chương minh họa, ấu trĩ, thiếu tính đời thực. Đó là bước đi mới của Ma Văn Kháng, tiến gần đến văn chương thật, cần thiết cho con người, có ích đối với cuộc đời. Ma Văn Kháng là một hiện tượng văn chương lớn. Chúng tôi mạnh dạn khẳng định, mảng văn chương viết về miền núi và dân tộc, được khởi lên từ đầu những năm 50 và đạt tới những thành tựu những năm cuối thế kỷ XX, là một thành công của văn hóa Việt Nam. Trong thành công đó, có sự đóng góp nỗ lực của Ma Văn Kháng tài năng. 

*

Nhìn lại đời văn Ma Văn Kháng, chúng tôi hay nghĩ đến lời tuyên bố quan trọng của Paul Eluard, thi hào của nước Pháp, trong diễn văn đọc tại London, nước Anh, rằng, “... tất cả các nhà văn có trách nhiệm khẳng định cuộc đời mình phải bắt rễ vào đời sống nhân loại”. Có thể, những năm mười tám, đôi mươi, Ma Văn Kháng chưa ý thức được cuộc bắt rễ đời mình vào đời sống, nhưng con đường số phận anh đã làm điều đó. Cuộc bắt rễ vào đời sống Lào Cai, Tây Bắc suốt mấy chục năm trường đã khiến anh có được những tác phẩm thực sự đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Phần đầu đời văn Ma Văn Kháng chủ yếu viết về chiến tranh giải phóng, những nhân vật của anh hầu hết là những con người hành động, bị cuốn theo những vận động lịch sử ở vùng thượng du. Đó là những cán bộ, chiến sĩ trong cuộc dấn mình vào cơn lốc chiến tranh khắc nghiệt và bi hùng. Đó là những người dân, đời nối đời, sống trong chế độ thổ ty quái dị, như những người trong gia đình Giàng Lầu đầy bi đát. Đó là những thổ phỉ đầu sỏ Giàng A Lử, Châu Quán Lồ... Rồi sự dẫn dắt của số phận lại đưa Ma Văn Kháng về quê hương Hà Nội của mình, và cuộc bắt rễ vào đời sống đô thị khiến anh làm nên phần thứ hai đời văn của mình. Cuộc sống thành phố sau chiến tranh nảy sinh nhiều điều không như người ta hy vọng. Đời sống vật chất thật nhiều cực nhọc. Đời sống tinh thần vập vào những bế tắc, cái cao đẹp có nguy cơ bị vùi dập trước những tha hóa đang tràn lan trong xã hội. Ma Văn Kháng đã phải nghĩ ngợi rất nhiều về thân phận của tầng lớp trí thức. Trí thức, là loại người ngày xưa được gọi là kẻ sĩ, có hiểu biết hơn người, nhạy cảm và hay bị dằn vặt trong tâm can, nên cũng dễ bị tổn thương trước những hỗn tạp, nhiễu nhương trong đời sống. Một khi cuộc sống xã hội suy thoái, người trí thức gặp rất nhiều những rắc rối trong đời sống riêng tư, dễ sa vào những bi kịch cay đắng.

Vào năm 1977, được dự một Hội nghị thi đua, nghe bản báo cáo nhan đề “Tìm diệt tổ mối trong thân đê” của một kỹ sư thủy lợi, Ma Văn Kháng mới biết hầu hết các vụ vỡ đê từ trước tới nay đều do ẩn họa tổ mối mà ra. Trên đường về nhà, anh cứ ngẫm nghĩ về câu thơ của Nguyễn Trãi, Tổ kiến nhỏ sụt toang đê vỡ... Câu thơ xưa, cuộc đời trước mắt bề bộn ngổn ngang với những xô dập ghê gớm, khiến lòng đau thắt, và thành một ám ảnh nặng trĩu. Và rồi nó bùng lên, thành cơn xúc cảm mạnh mẽ, khiến Ma Văn Kháng bắt tay vào viết tiểu thuyết Mưa mùa hạ. Từ cuộc sống ở nơi gia đình anh cư ngụ, ngõ 221 Nguyễn Khuyến, căn buồng 8 mét vuông mà cả nhà sáu người sống chen chúc, đến cuộc sống ngày ngày trên đường phố mà anh thường gặp. Rồi ở cơ quan, cán bộ, nhân viên đều có cặp lồng cơm đem theo để ăn trưa, cứ gặp nhau là ngồi quanh bàn nước bàn luận về giá cả sinh hoạt tăng chóng mặt, hay kể những chuyện vừa xảy ra ở hẻm nọ, phố kia... Tất tần tật, là vô cùng nhiều chi tiết, sự kiện, nhân vật, Ma Văn Kháng vơ lấy, rồi với tâm huyết, tình thương xót cuộc đời và tài năng riêng anh có, đã sáng tạo nên Mưa mùa hạ. Năm 1982, Mưa mùa hạ được xuất bản, nhưng gần một năm sau mới được phát hành, nó trở thành cuốn tiểu thuyết gây xôn xao nhất trong đời sống văn chương thời kỳ trước đổi mới. Trong tác phẩm này, có hai nhân vật tích cực theo quan niệm truyền thống, thì đều bị chết. Nam chết vì bạo bệnh. Trọng chết khi đang cứu đê, chống lũ. Còn có một đoạn văn hay xuất thần mô tả cuộc ái ân của loài mối. Những điều đó thành cái cớ cho một số người kêu ca, phàn nàn về Mưa mùa hạ, ngay cả khi nó đã chiếm được lòng mến chuộng của bạn đọc rộng rãi!

Nghĩ về hiện tượng văn chương Ma Văn Kháng, tôi hay nghĩ đến một hạn chế rất nặng nề, bao trùm lên nền văn học Việt Nam hiện đại nửa sau thế kỷ XX, đó là tính “Định hướng”! Định hướng, ở dạng thô sơ, là một từ vô hình vô ảnh, nhưng nó chi phối mọi nhà văn, khi sáng tác, hầu như họ đều phải làm nhiệm vụ chính trị xã hội của mình, là viết sao cho đúng chủ trương chính sách. Bởi thế, văn chương trở nên thiếu vắng những giá trị nhân bản... Ma Văn Kháng có một trí tuệ rất mẫn tiệp, anh không để bị coi là người đi trệch định hướng, nhưng cũng không để định hướng ghìm đầu mình xuống. Tài năng và lý tưởng nhân văn đã khiến anh làm được điều đó!

Năm 1985, Ma Văn Kháng xuất bản Mùa lá rụng trong vườn, rất nhanh chóng, tiểu thuyết này được giới quan tâm bàn luận nhiều. Là một tác phẩm nói về vấn đề gia đình. Sau khi chiến tranh kết thúc huy hoàng, chuyện mưu sinh ngày thường lại khiến một gia đình vốn ổn định trở nên chao đảo. Trên đường phố, trong cơ quan, trường học, nhà máy... nhan nhản chuyện tiêu cực; hầu như nơi đâu cũng gặp con phe, những kẻ buôn bán kiểu bắt chẹt người mua. Cuộc sống ngoài xã hội như vậy, tất yếu sẽ chen vào cuộc sống các gia đình. Quan hệ anh em, vợ chồng, cha con, và cả gia tộc nghiêng ngả như gặp sóng to gió lớn. Sự sa ngã của Lý, rồi sự hư hỏng của Cần là những tổn thương rất đau đớn của một gia đình, của cả gia tộc. Dù vậy, vẫn còn có Luận, vừa từng trải, vừa nhạy cảm, lại nhẫn nhịn. Nhân vật trí thức trong tác phẩm của Ma Văn Kháng thường là những con người tinh tế và nhạy cảm, như Luận. Phải là Luận mới có thể trong đêm đi bộ cả chục cây số về nhà, đứng bên ngoài, nhìn lên căn buồng của hai vợ chồng với tình yêu nồng nàn, êm dịu, và mới biết nhìn nhận lẽ đời thật giản dị, thấm thía: “Có dân tộc nào khổ như dân tộc mình! Trong hoàn cảnh (cơ cực) ấy, con người muốn sống được, phải lớn lao, cao thượng lắm, em à...”. Có thể nói, Ma Văn Kháng đã gửi gắm nhiều buồn khổ của đời anh về con người và sự đời vào những nhân vật trí thức mà anh tạo nên. Mưa mùa hạ và Mùa lá rụng trong vườn đã khiến Ma Văn Kháng thành nhà văn ăn khách, được đời sống bình dân cũng rất ưa chuộng. Hai tiểu thuuyết đó của anh như là những dấu hiệu đến sớm của một thời kỳ đời sống xã hội sẽ phải đổi khác hẳn trước. 

Và rồi, năm 1986, công cuộc đổi mới mở bung, không ít người ngỡ ngàng, có người còn choáng váng. Những người trí thức lập tức tự chuốc lấy một vai trò là phải nhận thức, nhận thức lại, nhận thức thêm về quá khứ, hiện tại, và muốn tiên liệu cả cuộc sống tương lai. Bút lực đang độ sung mãn, Ma Văn Kháng viết Đám cưới không có giấy giá thú, một tiểu thuyết luận đề vốn rất hiếm trong một nền văn chương quen với biểu dương, minh họa. Tính luận đề của tác phẩm dày đặc và mạnh bạo qua những đoạn đối thoại giao đãi, những khắc khoải tâm tư các nhân vật, đặc biệt là qua ba bức thư của một học sinh, những nỗ lực tìm lời giải đáp cho cuộc nhân sinh đang rơi vào bế tắc. Nhân vật chính của Đám cưới không có giấy giá thú là Tự, một người thường khắc khoải, dằn vặt bởi sự sa sút của người thầy. Anh có nhiều lo lắng và buồn tủi về thế cuộc, nhưng luôn gắng dành hết tâm lực cho học sinh. Một người trí thức thật đẹp, và cô đơn. Qua tiểu thuyết này, dường như Ma Văn Kháng viết về bản thân, trong cái nhìn tổng quan mấy chục năm, tại một trường cấp 3 bé nhỏ, ở một tỉnh lẻ, với biết bao hạnh phúc và tủi buồn của một thân kiếp cô lẻ. Tác phẩm này chứa đựng những ý tưởng rất không phù hợp với quan niệm chính thống đương thời. Anh tỏ ra rất cố gắng vận dụng các lý thuyết, nhằm lý giải cho kỳ được thân phận người trí thức tiểu tư sản ở nước Việt ta. Mặc dù là tiểu thuyết luận đề, tác phẩm này vẫn chứa đầy sự sống. Ma Văn Kháng là nhà văn tài ba trong tạo dựng chi tiết sống, nên những trang văn thật sinh động, khiến nội dung tác phẩm đi vào lòng người đọc tự nhiên, thấm thía. Đám cưới không có giấy giá thú được tái bản nhiều lần, bởi nó là luận đề, đã đặt ra cho người đọc những vấn đề lớn về con người, cuộc sống; và bởi nó là văn chương sinh động với những chuyện của cuộc đời này biết bao nước mắt mồ hôi và phập phồng hy vọng... Hơn mười năm sau, Ma Văn Kháng còn tạo dựng một nhân vật trí thức nữa trong tiểu thuyết Ngược dòng nước lũ, là Khiêm. Khiêm cũng trải qua nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần, nhưng vẫn tiến đến với người đàn bà anh yêu, như một cuộc ngược dòng nước lũ tìm tới những giá trị thực của con người. Không mới hơn những tác phẩm trước về ý tưởng xã hội, nhưng trong Ngược dòng nước lũ, nhà văn vẫn truyền cho người đọc những lo lắng của người trí thức cứ luôn phải đương đầu với nhiều cạm bẫy trên đường đời. Và, khiến người đọc thương cảm khi thấy những chuyện cơm áo hàng ngày cứ ghìm đầu người trí thức xuống.

Ma Văn Kháng là nhà văn đổi mới sớm nhất về tư tưởng văn chương ở nước ta nửa cuối thế kỷ XX. Đặc biệt, trong số những nhân vật anh tạo nên, nhân vật trí thức có vai trò quan trọng, là linh hồn và tư tưởng của nhiều tác phấm. Những năm tám mươi, thế kỷ XX, người đời lao vào kiếm tiền. Nhà nghiên cứu văn hóa thì chăm nuôi, kinh doanh chó cảnh, các chuyên gia kỹ thuật cuộn thuốc lá điếu bỏ mối các quán nước vỉa hè, giáo viên không dạy thêm ngoài giờ thì buôn tem phiếu. Để sống được, người ta làm bất cứ điều gì có thể kiếm thêm đồng tiền, kể cả chuyên chở hàng lậu trên tàu thống nhất Bắc - Nam... Trong cuộc sống xô bồ, chen lấn, người trí thức không né tránh đi đâu được. Là bởi họ yếu ớt, lại luôn muốn giữ mình trong sạch, nên thường bị rơi vào bi kịch. Ma Văn Kháng là nhà văn viết về bi kịch của những trí thức nước ta hay và thật thấu tình đạt lý. Xuất hiện sau những tác phẩm viết về trí thức của Ma Văn Kháng một thời gian ngắn, có một nhà văn cũng rất mạnh bạo viết về thân phận trí thức nước Việt ta, là Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mô tả người trí thức xưa kia cũng có những nhân cách cao thượng, như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương..., còn khi nhìn nhận người trí thức hiện tại thường chỉ thấy sự xấu xa, đê tiện, và cho đó là “sự ngu dốt của bọn có học”. Ma Văn Kháng viết về người trí thức với sự thương cảm sự có học ở họ cũng như bản chất chân, thiện của họ. Đó là các nhân vật Trọng, Luận, Kha, Tự, Khiêm. Anh mô tả bi kịch cuộc đời họ với những buồn khổ, tủi nhục, bị tước đoạt hạnh phúc, thất bại đau đớn. Và anh chỉ đúng căn ngưyên: Họ là nạn nhân của cái ác hoành hành, cái xấu lộng quyền, sự tha hóa của quản trị xã hội. Chúng tôi nghĩ, Nguyễn Huy Thiệp muốn mổ xẻ, cắt bỏ cái khối u trong giới trí thức ở giai đoạn xã hội bế tắc, suy vi. Còn Ma Văn Kháng có tham vọng sáng tạo nên những nhân vật lý tưởng thuộc giới có học trong thời đại của mình. Thực sự nỗ lực sáng tạo, những nhân vật trí thức của Ma Văn Kháng đã phần nào truyền được cho người đọc sự ấm nóng tình yêu cuộc sống và niềm tin rằng cái chân, thiện bao giờ cũng có trong cuộc đời.

*

Cùng những tác phẩm chúng tôi đề cập tới ở trên, Ma Văn Kháng còn có nhiều tác phẩm khác nữa. Năm 1989, anh xuất bản tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời, kể về Duy và một số thân phận trẻ nhỏ bị xô đẩy, phiêu dạt. Chừng 200 trang sách mà thấm đẫm bao buồn thương trần thế. Năm 1992, anh có tiểu thuyết Chó Bi, đời lưu lạc, cũng viết về những trẻ em bất hạnh. Trong tác phẩm này, nhiều trang miêu tả loài vật và cảnh sắc thiên nhiên bằng ngôn ngữ thật giàu mỹ cảm... Xen giữa thời gian viết tiểu thuyết, Ma Văn Kháng viết truyện ngắn, viết rất nhiều. Những năm tháng khó khăn về cơm áo, gạo tiền, nhất là quãng ngày mới chuyển cư về Hà Nội, các khoản nhuận bút truyện ngắn đăng báo thực sự có ích đối với gia đình anh. Hơn nữa, bản thân Ma Văn Kháng rất yêu thể tài này. Có những lần gặp nhau, chúng tôi nghe anh nói liên tục về truyện ngắn anh đang viết, sẽ viết. Trong đời sống văn chương Việt Nam hiện đại, Ma Văn Kháng đã tạo được một uy tín lớn trong thể tài tự sự nhỏ này. Kể cả hai phần đời văn Ma Văn Kháng, anh đã viết cặm cụi, liên tục hơn mười tiểu thuyết và chừng ấy tập truyện ngắn, và những tác phẩm đó tạo nên phẩm giá đích thực của Ma Văn Kháng. Anh là một sức chảy xiết, góp một lực mở mang dòng chảy văn chương nước Việt ta nửa cuối thế kỷ XX...

Đã hơn bốn mươi năm, kể từ lần gặp anh ở Đồng Hới, Bình Trị Thiên mà chúng tôi tiên cảm là những tác phẩm chủ yếu của Ma Văn Kháng đang còn ở phía trước. Nay thì những tác phẩm quan trọng của anh đã phía sau rồi. Anh đã vào tuổi tám mươi. Và, thay vì căn phòng 8 mét vuông trong ngõ 221 Nguyễn Khuyến vợ chồng con cái sống chen chúc, mươi năm nay anh cùng gia đình đã có căn nhà tương đối rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Nói là đời sống có đi lên, là đúng đối với anh. Nhưng, qua tiểu luận Hiện tượng văn chương Ma Văn Kháng này, điều tôi muốn nói là, một trong không nhiều đời văn thực sự thành công của nền văn chương Việt Nam hiện đại nếu tính từ Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc... cho đến nay, đó là đời văn Ma Văn Kháng!

Nguồn Văn nghệ

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *