Thời sự văn học nghệ thuật

27/7
8:12 AM 2017

NHỮNG NGÀY MƯA THÁNG BẢY

Lương Ngọc An-“Có lẽ trên đất Việt này, hiếm nơi nào đất đai lại ấp ủ trong lòng nó nhiều ân tình, và cả những món nợ âm thầm nữa, như ở mảnh đất miền Trung mà chúng tôi đang sống những ngày này”

Tháng Bảy chùng chình. Tiết trời ở vào cái cữ Hạ thì đang qua mà Thu còn chưa tới, vậy nên những cơn mưa cũng thất thường lạ lắm. Vừa bất chợt ầm ào lại vừa nghèn nghẹn ưu tư thổn thức… Ấy là chuyện của trời của đất. Còn với người, cụ thể hơn là người Việt, thì tháng Bảy cũng lại là tháng duy nhất trong suốt 12 tháng của năm, người ta đón nó với một nỗi niềm vừa trang nghiêm thành kính, lại vừa da diết nâng niu… Ở hầu khắp mọi nơi trên con đường mà chúng tôi vừa đi qua, đâu đâu cũng nghe lâng lâng ngan ngát khói hương, nghe u uẩn não nùng tiếng nhạc bản "Hát Giang trường hận" trầm hùng mà ai oán, nghe thăm thẳm dặt dìu tiếng kinh cầu siêu miệt mài cho những anh hùng liệt sỹ đã bỏ mình vì nghĩa; khiến cho lòng người dường như cũng lắng lại, chùng xuống, lặng đi… Bàn chân thì vẫn như vô thức bước về phía trước, trong khi hồi ức lại âm thầm ngược về hút hắt, nơi những câu chuyện vọng đến tự cái thời ngổn ngang bom đạn ngày nào…


Tham gia Hành trình tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ của cán bộ, nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, dọc mảnh đất miền Trung, nối dài từ Nghệ An, qua Hà Tĩnh, tới Quảng Bình, Quảng Trị theo lời mời của Tổng Giám đốc Phan Đức Tú tháng Bảy năm nay, nhà thơ Trần Quang Quý gọi đó là chuyến đi “dọc miền tâm tưởng”. Còn nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thì bảo đây là một chuyến “hành hương về nguồn”. Cũng là cách nói của nhà thơ, tôi hiểu Nguyễn Hữu Quý dùng chữ “về nguồn” ở đây không đơn thuần chỉ bởi những chuyến đi như thế này từ nhiều năm qua đã trở thành nghĩa cử trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa thường niên của BIDV. Lại càng không phải chỉ vì số tiền hàng chục tỷ đồng mà BIDV đã đầu tư cùng với sự phát tâm công đức của cán bộ công nhân viên Ngân hàng cùng nhân dân cả nước đã đóng góp để xây dựng nên các công trình này. Mà hơn thế, nó chính là tâm thức Uống nước nhớ nguồn của hết thảy mọi con dân nước Việt, mà sự ung dung thư thái lồng lộng thênh thang hôm nay, có thể nào khác hơn là được bắt đầu từ nguồn của bao máu xương đã đổ, của bao nước mắt đã cạn khô, bao hạnh phúc đã trở nên dang dở trên chính mảnh đất này…

Mưa tháng Bảy bởi thế mà dường như có thêm vị mặn, chảy xót xa nghèn nghẹn trên những gương mặt nặng trĩu ưu tư… 

*

Có lẽ trên đất Việt này, hiếm nơi nào đất đai lại ấp ủ trong lòng nó nhiều ân tình, và cả những món nợ âm thầm nữa, như ở mảnh đất miền Trung mà chúng tôi đang sống những ngày này. Chuyến hành hương dù được chuẩn bị từ khá lâu, nhưng rồi đến phút chót lại rơi vào đúng giữa hai cơn bão đầu mùa song lại khá muộn màng tháng Bảy. Ấy vậy mà từ tận đáy lòng, dường như ai ai cũng thấy bình tâm và thanh thản, bởi tin rằng chẳng thể có gì bất trắc cho những chân tình. Và thế là trên suốt hành trình ấy, sự ưu tư nhuốm đầy cả không gian và thời gian, bắt đầu từ Quảng trường Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh, qua Đô Lương vượt đường chiến lược 15A thời chiến tranh để dừng chân tại di tích Truông Bồn trên dãy núi Thung Nưa, lặng đi trước câu chuyện về sự hy sinh anh dũng mà tức tưởi của của 13 chiến sĩ tiểu đội thanh niên xung phong từng được mệnh danh là “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An vào ngày 31 tháng 10 năm 1968, chỉ trước ngày ngừng bắn có mấy tiếng đồng hồ… sang Ngã ba Đồng Lộc, địa danh nổi tiếng trên đất Hà Tĩnh bởi câu chuyện về sự hy sinh của 10 cô gái giữa tuổi đôi mươi, mà sau này bao nhiêu bài thơ viết về nơi này, bài nào cũng vang lên những tiếng gọi quặn lòng thảng thốt: 

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ mặt:

Nhỏ - Xuân – Hà – Hường – Hợi – Rạng – Xuân – Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

Chỉ thiếu mình em

Gối còn thêu dở

Cơm chiều chưa ăn!

Ở đâu hỡi Cúc

Đồng đội tìm em

Đũa găm cơm úp

(CÚC ƠI!... - Yến Thanh)

Hay:

Chén rượu trắng chắc em không biết uống

Khói hương thơm bay hết cả lên trời

Giọt lệ anh rơi vào lòng đất

Có ấm chỗ en nằm? Hà ơi!

Màu hoa đỏ cành bông trang bên mộ

Nhắc anh không quên được một thời

Ngã ba này, những mất mát - Hà ơi!

(HÀ ƠI!... - Bùi Quang Thanh)

Rời Ngã ba Đồng Lộc khi tiếng vọng của những câu thơ khiến cho nước mắt còn chưa khô trên mặt, chúng tôi trở lại Quốc lộ 1A tiếp tục hành trình xuôi Nam để tới viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, một khoảng lặng tâm linh mới hình thành ở mảnh đất mỏng manh mà gan góc này, khi mặt trời đã ngả hẳn về Tây… Người nằm đó thanh thản uy nghiêm giữa một chiều lất phất những hạt mưa mặn chát mà sao gần gũi đến nghẹn lòng…

Đêm nay biển Nhật Lệ tấp nập như một lẽ thường tình của ngày cuối tuần, dường như cơn bão số 3 còn đang ở tận đâu đâu xa lắm. Thế nhưng giữa bao nhiêu ồn ào náo nức của một thành phố trẻ đang sung sức kia, vẫn còn nhiều lắm những khoảng lặng hoác huơ đầy xao xác của lòng người…

Ngoài trời, những đám mây vẫn ầng ậng nước như một ánh mắt thăm thẳm chiều nay…

 
 
 

*

Chẳng phải đến bây giờ, mà đã tự khi nào, tôi cảm thấy mình như có duyên nợ gì với đất và người miền Trung đến thế. Đất đai ở đây, con người ở đây lạ lắm, mà tất cả những ai đã từng qua, đã từng gửi gắm, từng tri âm với nơi này, dù chỉ một chút gì, cũng đều nhận thấy như vậy. Chia tay thành phố Đồng Hới, theo hướng Tây lên đường Hồ Chí Minh, đoàn tiếp tục vượt đường 20 Quyết thắng, một phần của con đường Trường Sơn huyền thoại nối hai nhánh Đông và Tây, để tới Hang Tám cô trên địa bàn huyện Bố Trạch - Quảng Bình. Di tích có lẽ là được quy tập muộn nhất, và cũng là đơn vị được công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân muộn nhất trong các di tích trên hành trình này. Trong nhạt nhòa cơn mưa rừng vật vã của một ngày chớm bão, câu chuyện về tiếng kêu cứu của những cô gái lịm dần sau tảng đá nặng hàng trăm tấn bị bom đánh sập bịt kín cửa hang suốt 8 ngày, cùng những giọt nước mắt xót xa bất lực của đồng đội bên ngoài như một lưỡi dao sắc lịm, cứa âm thầm nhói buốt trong lòng… 

 
 
 


Cho đến ngày họ được đồng đội phá cửa hang đưa về đất mẹ vào năm 1996, thời gian đã 24 mùa cây trút lá, 24 mùa mưa rừng đằng đẵng sụt sùi. Nơi đây sau này vào những ngày vắng vẻ, đôi khi vẫn thảng một tiếng cười trong trẻo từ đâu đó vọng về. Nghe được hay không còn tùy vào duyên… 

*

Lâu nay ở Quảng Trị lưu truyền một câu mang tính tổng kết như thế này: Cầu phước (phúc) La Vang (Nhà thờ La Vang); Cầu an (bình an) Sắc Tứ (chùa Sắc Tứ - Thị xã Quảng Trị); Cầu tự Trường Sơn (Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn); Cầu ơn Thành Cổ (Di tích Thành cổ Quảng Trị). Bốn địa chỉ hình thành nên một vòng tròn tâm linh đó từ bao giờ đã có mặt trong đời sống của người dân ở đây không ai rõ. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng, mà nếu để ý một chút thì sẽ thấy qua sự lựa chọn đó có một số chi tiết rất đáng suy ngẫm:

Thứ nhất là cả bốn địa chỉ nói trên, dù rất linh thiêng, nhưng không có địa chỉ nào phục vụ cho những mưu cầu mang tính vụ lợi, như kiểu cầu tài, cầu lộc cả. Tất cả chỉ là Hạnh phúc, Bình an, Con cái, và Ơn nghĩa. Những khao khát rất đỗi bình thường và chính đáng của con người. Hình như đất Quảng Trị này không phải nơi dung túng những giấc mơ vị kỷ...

Thứ hai là trong số 4 địa chỉ tâm linh nói trên, có 2 địa chỉ là những di tích Cách mạng. Đặt những di tích Cách mạng ngang tầm với những địa chỉ cực kỳ linh thiêng của hai loại tôn giáo lớn vào bậc nhất ở nước ta, phải chăng người dân Quảng Trị đã biểu lộ thái độ trân trọng đến tận đáy lòng đối với những người đã đem xương máu của mình hiến dâng cho Tổ Quốc... Cũng chẳng có gì là lạ. Cho đến hôm nay, người ta đã thống kê chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng và oanh liệt của dân tộc, trên mảnh đất Quảng Trị này, nằm lại hai Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, là 10.333 chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ này. Còn Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 bên đường quốc lộ 9, thuộc địa bàn thị xã Ðông Hà, cũng có tới hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ với đầy đủ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, và đa phần là liệt sỹ vô danh… Đó là chưa kể đến những nghĩa trang do tỉnh và các huyện, xã chịu trách nhiệm chăm sóc, quản lý mà bất cứ nơi nào cũng có thể gặp được trên mảnh đất đã từng một thời khốc liệt đạn bom và máu lửa này. Rồi còn bao nhiêu nữa, âm thầm trong lòng đất, âm thầm dưới đáy sông những vong linh chưa một ngày yên nghỉ, dù rằng sự bình yên đã trở lại với nơi này trên 40 năm nay... 

Nhấp nhô

Đến cạn cánh cò,

Nghiêm trang

Như dưới Quân kỳ điểm danh.

Hôm xưa với lá,

Áo xanh;

Hôm nay với nắng,

Áo thành tinh khôi...

Gọi nhau bằng khói nhang thôi,

Vô danh!

Có!

Tiếng trả lời...

Vô danh...

(GHI NHANH Ở NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TRƯỜNG SƠN)

Ấy là bài thơ viết vội trong một lần dừng lại nơi này…

*

Thế hệ sinh ra sau năm 1972 hôm nay về Quảng Trị chỉ thấy hiển hiện trên mặt đất, giữa lòng Thị xã, một chứng tích hiên ngang như một tượng đài của sự quật cường được tạc nên từ bom đạn. Đó là một góc ngôi trường Bồ Đề trên đường Trần Hưng Đạo, ngôi trường đã từng một thời là niềm kiêu hãnh của người dân Quảng Trị về truyền thống hiếu học của quê hương mình, cũng là công trình kiến trúc duy nhất còn lại mang dấu tích của một Quảng Trị hào hoa xưa, sau khi Thị xã đã bị san phẳng trong 81 ngày đêm lửa đạn mùa hè năm 1972. Những thương tích in hằn trên mình ngôi trường còn lại tới hôn nay là một minh chứng thuyết phục về những gì mà chiến tranh từng đem đến nơi đây, dù chỉ là một phần rất nhỏ. Giữ lại nguyên vẹn ngôi trường này để làm di tích chiến tranh, như vết sẹo trên một cơ thể lành mạnh, Quảng Trị như muốn nói lại với muôn sau những ký ức không thể nhạt phai về một mùa hè đỏ lửa, và nhắc với mỗi người đang ung dung dạo bước trên hè phố kia, rằng mảnh đất mà họ đang vô tư đặt chân lên ấy, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều từng thấm đẫm máu đào...

Nếu như trường Bồ Đề là dấu tích còn lưu lại trên mặt đất một Quảng Trị những ngày oanh liệt, thì âm thầm trong lòng đất nơi đây là cả một kho tàng. Vào ngày 12 tháng 7 năm 1972, ngày thứ 15 của 81 ngày đêm rung chuyển toàn cầu, hãng tin Mỹ UPI đã đưa tin: Có tuần lễ Hoa Kỳ đã huy động máy bay chiến đấu của ba quân chủng ném tới 7.000 tấn bom và bắn 10 vạn quả đại bác vào Thị xã Quảng Trị... Nhiều báo chí phương Tây đã bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống Quảng Trị trong thời gian này vào khoảng 328 nghìn tấn, tương đương với sức nổ của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945, khiến cho khoảng hơn 1 vạn ngôi nhà ở Thị xã Quảng Trị khi đó bị phá huỷ hoàn toàn. Trong lịch sử chiến tranh, hầu như chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ là đánh chiếm một toà thành có chu vi hơn 2.160 mét, người ta lại có thể huy động một lực lượng quân đông và sử dụng đến một lượng chất nổ khổng lồ đến như vậy. Sau chiến dịch mang tính huỷ diệt ấy, mỗi tấc đất ở đây đã vùi xác hàng trăm tên địch, và cũng đã hoà tan biết bao xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta. Thành cổ cũng như toàn bộ Thị xã Quảng Trị trở thành một khối đổ nát, hoang tàn, “đến một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn”, dòng Thạch Hãn từng có những ngày nước ngầu máu đỏ, phải thật lâu sau mới trở lại xanh trong...


Và từ những hoang tàn, đổ nát ấy, suốt một thời gian dài, chỉ còn lau trắng, phượng hồng tự khi nào bỗng vi vút cất lên những khúc ca tưởng niệm... Nhà báo Lê Đức Dục, tác giả của “Thành cổ Quảng Trị, khúc tưởng niệm của lau trắng và phượng hồng”, một trong những bài báo thậm hay và cảm động về khu di tích đầy máu xương và lửa đạn này, đã từng kể, rằng vào cái ngày khởi công xây dựng khu tượng đài trung tâm Thành cổ ấy, chiếc xe Bel chở đất đầu tiên đã không thể nào đổ được, buộc người ta phải dùng tay để xẻ đất xuống. Đoạn anh kết luận: “Những người đã nằm xuống, nhất là những người trẻ tuổi, thường linh lắm. Họ muốn nhắc nhở đấy...”. 

Và để rồi mới thấy câu thơ của một cựu binh đầu đã hoa râm, nghẹn ngào cất lên trong một lần về thắp hương cho đồng đội kia thực sự là một nỗi niềm:

... Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm...

(Lê Bá Dương)


*

Những ngày mưa tháng Bảy

Một hành trình dọc miền tâm tưởng hay một cuộc hành hương về nguồn, nói thế nào thì cũng vậy, đều là sự trở về. Của lịch sử, của ký ức, của ân tình… Lại nhớ ngày nào lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây, tất cả đều xa vời lạ lẫm. Vậy mà từ những gì gì sâu thẳm lắm tôi đã yêu mảnh đất này như chính mình từng sinh ra ở đây vậy. Thật lạ lùng, nhưng chẳng ngạc nhiên chút nào cả, bởi có ở nơi nào trên đất nước này mà đất với người lại nặng nợ, nặng tình với nhau như ở đây không...

Rồi để đến hôm nay tôi lại một lần nữa được sống những ngày thật ý nghĩa với mảnh đất ân tình và duyên nợ này như những ngày vừa qua, mặc dù thời gian chảy trôi đã khiến bao vật đổi sao dời, bao hợp tan còn mất. Song mảnh đất miền Trung yêu thương đau đáu này tuy vẫn từng ngày từng giờ thay da đổi thịt, trẻ trung, kiêu hãnh vượt qua bao nhiêu những nghiệt ngã của thiên nhiên, của hoàn cảnh, để trở nên bề thế và sức vóc như ngày hôm nay; thì tự đáy lòng người vẫn như cây Bồ Đề ở Nghĩa trang Trường Sơn, cứ lặng lẽ bám rễ, vươn cành, làm dịu lại cả một vùng trầm mặc, dịu lại bao nỗi lòng cả của người đi qua cũng như người nằm lại suốt bấy nhiêu năm qua... 

Và rồi giữa sâu lắng của lòng mình, chợt như vừa nghe có điều gì thầm nhắc, rằng ta hãy còn đang nợ cuộc đời này nhiều ân tình lắm. Cả hôm nay cũng đang còn nợ hôm qua nhiều việc phải làm lắm lắm. Để có được những bình yên của hôm nay, cả một chặng rất dài hôm qua đã phải vắt hết mình ra, cả mồ hôi, cả máu, cả hạnh phúc, bình yên... Có lẽ chính vì vậy mà mỗi bước chân trên mảnh đất này ngày hôm nay cứ có điều gì đó thật lạ, vừa như mới đến, vừa như đang quay về từ một thuở nào đó thật xa xăm. Rồi lòng cũng vậy, cứ vừa như muốn nói một điều gì thật thành kính, lại vừa không thể cất lên thành lời. 

Thì thôi đành vậy, thắp lên một vài sợi khói hương cho ấm áp nương về...

 
Miền Trung, tháng 7/2017

LNA

Nguồn Văn nghệ số 30/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *