Nhà văn - Tác phẩm

2/4
9:36 PM 2017

CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN- TÁC PHẨM: NHÀ VĂN HỮU MAI

Cố nhà văn Hữu Mai (1926-2007), Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm 2001 cho các tác phẩm: Tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng, Vùng trời (3 tập), Ông cố vấn (3 tập). Mới đây ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật cho hai tác phẩm: Tiểu thuyết “Đêm yên tĩnh” (2000) và tiểu thuyết ký sự “Người lữ hành lặng lẽ” (2001).

                                                     Nhà văn Hữu Mai

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ xin giới thiệu quan niệm của ông về văn chương, trích từ tư liệu do gia đình nhà văn cung cấp.

 

Năm 1957, tôi tham gia Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, chính thức trở thành người viết chuyên nghiệp. Tôi quyết định chuyển hẳn từ thơ sang văn xuôi. Tôi đã nhận thấy thơ là một ân huệ trời cho, càng tìm càng mất. Và thơ không chứa đựng được những tư liệu đầy ắp trong cuộc sống chiến đấu tôi đã thu thập.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được cử đi tham gia công tác Cải cách ruộng đất, lúc đầu ở một đội công tác, sau đó về bộ phận sửa sai. Năm 1957, cuốn sách mà tôi không dự kiến trước ra đời: Những ngày bão táp.

Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, viết về sai lầm trong cải cách ruộng đất, những ngày bão táp trong đời sống nông thôn. Sự thôi thúc tôi viết cuốn sách này là muốn góp một tiếng nói trong việc đánh giá những sai lầm trong cải cách ruộng đất, trong lúc có những người coi đây như những sai lầm mang bản chất chế độ.

Sau khi sách phát hành, tôi được báo Nhân Dân mời tới, đồng chí Phan Nhân, Trưởng ban Văn nghệ của báo nói: “Chúng tôi không sợ nhà văn viết về sai lầm, nhưng phải viết về sai lầm như thế nào? Đây là một cuốn sách mà chúng tôi đang mong đợi”. Sau đó anh Phan Nhân viết một bài giới thiệu “Những ngày bão táp” trên báo Nhân Dân theo tinh thần anh đã nói với tôi.

“Những ngày bão táp” khi đó được dư luận khá chú ý, với nhiều bài phê bình có khen, có chê. Lẻ tẻ cũng có nhận xét: Cuốn sách chĩa mũi dùi vào sự lãnh đạo của Đảng, không khí u ám, bi quan, không nói lên được sự phấn khởi của nhân dân sau khi sửa sai...

Tôi đã trực tiếp chứng kiến những đau thương do sai lầm trong cải cách ruộng đất đã tạo ra. Nhưng nhận thức của tôi khi đó về những nguyên nhân dẫn đến sai lầm còn khá hạn chế. Tư tưởng của tôi lúc này chỉ muốn khẳng định Cải cách ruộng đất là một chủ trương đúng của Đảng nhằm mang lại ruộng đất cho nông dân, nhưng một số sai lầm trong chỉ đạo và cách làm mù quáng của những người thực hiện đã dẫn đến tai ương.

Tôi nghĩ mình là một người lính cầm bút cần có một tiếng nói góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị đang rối ren khi vẫn còn nửa nước chưa giải phóng.

Trong những cuốn sách sau này tập trung vào đề tài chiến tranh của tôi, Những ngày bão táp có vẻ như tách ra. Nhưng tôi thấy nó vẫn nằm trong cái chung là sự say mê đi vào những vấn đề thời sự nóng hổi, những chủ đề càng phức tạp càng tốt. Điều này đã chứng minh trong phần lớn những sáng tác của tôi...

Phần lớn những nhân vật của tôi đều có nguyên mẫu trong cuộc đời. Khi viết, tôi thường phải điều chỉnh lại những điều trong thực tế cuộc sống của họ cho phù hợp với câu chuyện, với chủ đề. Thực ra, không bao giờ có một tác phẩm văn chương trùng khít với sự thật ngoài cuộc đời. Cuộc sống nếu muốn trở thành văn chương, nó phải được tái tạo. Tôi hoàn toàn không phản đối những nhà văn có cái nhìn yêu thương đối với con người, muốn cho con người mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Có những trường hợp vui vui. Năm 1967, tôi viết truyện ngắn “Đôi mắt” nói về một cuộc tình duyên đẹp và cảm động giữa một anh thương binh mù với một cô gái; tôi ghi là chuyện có thực và giữ nguyên tên và địa chỉ của những nhân vật. Nhiều bạn đọc, nhất là anh em bộ đội, cán bộ miền Nam tập kết, gửi thư yêu cầu kết nghĩa với hai vợ chồng anh thương binh. Khi trả lời, vợ chồng anh thương binh đã dùng đúng những chi tiết tôi đã “điều chỉnh” trong truyện ngắn để kể lại cuộc đời của họ. Không phải anh chị dùng cách này để “đề cao” mình, mà đơn giản, vì thấy những điều tôi đã viết có lý hơn.

Khác với những nhà văn cùng thế hệ, cái gì tôi đã viết dù dưới dạng tiểu thuyết, ký sự, truyện ngắn… đều ít nhiều mang tính những ghi chép lịch sử. Dường như trong những nhà văn hiện đại Việt Nam, ít ai đầu tư nhiều vào việc tìm hiểu hai cuộc kháng chiến, những vấn đề về nghệ thuật quân sự trong chiến tranh Việt Nam lâu dài như tôi.

Một số bạn văn hỏi tôi: Tại sao không đẩy một số tình huống trong truyện lên tới cực điểm? Đây là điều tôi có chủ định không làm. Tôi thích giữ sự trầm tĩnh, bình dị trong bút pháp, không gây cảm xúc hoặc sự hấp dẫn đối với bạn đọc bằng cách cường điệu, hoặc những thủ pháp giả tạo. Ngay trong khi viết về các chiến sĩ tình báo (Ông cố vấn, Đêm yên tĩnh), tôi cũng tránh dùng những thủ pháp của thể loại này. Tôi muốn tạo sự tin cậy của bạn đọc và lôi cuốn họ bằng chính sự chân thật của cuộc sống.

Thực lòng mà nói, tôi không dành nhiều thời gian cho việc tìm tòi những cái mới trong nghệ thuật, tôi không có nhiều tham vọng văn chương, vì tôi biết rất rõ thế hệ chúng tôi không có thời giờ để làm công việc này. Tôi chỉ mong ghi lại được thật nhiều về một giai đoạn lịch sử, tôi cho là đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, mà tôi đã có may mắn được chứng kiến. Một cuộc chiến tranh gắn liền với vận mệnh dân tộc, với phẩm giá con người sẽ không bao giờ cũ. Trong tương lai chắc chắn sẽ có những nhà văn, nhà nghệ thuật tài năng tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh Việt Nam để làm tiếp những gì chúng tôi ngày nay chưa làm được.

Sẽ không đầy đủ, nếu không nói thêm là tôi không thích một số kiểu tìm tòi “cái mới” trong nghệ thuật làm cho văn chương tách rời người đọc, mất đi bạn đọc, góp phần vào việc tiêu diệt chính văn chương.

Tôi được động viên, an ủi khi một số cuốn sách viết từ lâu tiếp tục được tái bản dù số lượng không nhiều, thỉnh thoảng lại có một nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh, nhà sử học, có khi là một chính khách từ những nước ngoài đến tìm gặp, xin dịch sách hoặc hỏi về một nhân vật, một giai đoạn lịch sử trong chiến tranh Việt Nam. Tôi cảm thấy mình chưa bị bỏ quên vì vẫn còn những người cần tới mình...

Tôi vẫn còn nợ một mảng lớn về đề tài chiến tranh và không biết mình sẽ làm được tới đâu.

Tôi chưa có dịp hoàn thành bộ sử thi mơ ước của mình. Với độ lùi về thời gian, không bị ràng buộc về yêu cầu chiến thắng như khi còn chiến tranh, chắc nó sẽ tốt hơn những cuốn sách tôi đã viết. Chuẩn bị đã nhiều, nhưng vẫn chưa có thời gian thực hiện.

Tôi đã viết khoảng bốn mươi đầu sách. Tôi tạm bằng lòng một số cuốn sách có ích, vì nó sẽ mang lại cho những người quan tâm đến thời kỳ lịch sử này một cái nhìn chung về những gì đã diễn ra.

Nguồn Văn nghệ

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *