Chuyện văn chương

6/4
9:44 AM 2017

MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM KINH DỊ CỦA DI LI

TRẦN THỊ VÂN-Trong số những gương mặt trẻ của văn xuôi Việt Nam đương đại, Di Li đã chọn cho mình một hướng đi độc lập, ít người dấn thân: dòng văn học trinh thám kinh dị. Với Trại hoa đỏ (NXB Công an Nhân dân, 2009) và mới đây là Câu lạc bộ số 7 (NXB Công an Nhân dân, 2016), Di Li đã thực sự khẳng định vai trò người mở đường của mình đối với dòng tiểu thuyết trinh thám Việt đương đại.

Nhìn vào lịch sử văn học nước nhà, có thể thấy văn học Việt Nam trước đây đã có truyện kinh dị và tiểu thuyết trinh thám, tuy nhiên số lượng không nhiều và chưa thực sự có sức hút đối với đông đảo bạn đọc. Trong văn học trung đại, Nguyễn Dữ đã đưa những yếu tố hoang đường kì ảo như người và ma có thể chung sống, có lối thông đi lại giữa dương thế và địa ngục… vào tậpTruyền kì mạn lục. Về tiểu thuyết trinh thám, nhà nghiên cứu Trần Thanh Hà trong Nhận diện tiểu thuyết trinh thám Việt Nam khẳng định cuốn Vết tay trên trần xuất bản năm 1936 của Phạm Cao Củng là tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học hiện đại nước nhà. Từ cuối những năm ba mươi của thế kỉ trước cho đến trước năm 1945 là thời kì phát triển nở rộ của tiểu thuyết trinh thám ở nước ta với các tác giả như Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Bùi Huy Phồn... Trong số đó, Thế Lữ được biết đến với loại hình trinh thám lãng mạn, Phạm Cao Củng thành danh với thể loại trinh thám suy luận và trinh thám mạo hiểm. Khi đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến, kiến quốc, tiểu thuyết trinh thám vì những lí do chủ quan và khách quan đã “im hơi lặng tiếng”, “rời rạc”, “đứt đoạn”. Đến những năm sau 1975, tiểu thuyết trinh thám bắt đầu manh nha phát triển trở lại với nhiều hình thức khác như tiểu thuyết tình báo phản gián, tiểu thuyết vụ án, tiểu thuyết điều tra xã hội… Chỉ với sự xuất hiện của Di Li, nền tiểu thuyết trinh thám Việt Nam mới có tiểu thuyết trinh thám - kinh dị đích thực.

Việc đi tiên phong trên con đường khám phá một thể loại mới đã mang đến cho Di Li nhiều khó khăn. Bản thân chị khi viết được một phần ba cuốn Trại hoa đỏ nhiều lúc thấy nản và muốn buông bút, nhưng rồi chính lòng say mê với trinh thám đã giúp chị hoàn thành tác phẩm. Nếu như Trại hoa đỏ là tiểu thuyết trinh thám kinh dị mang tính “cổ điển” thì đến Câu lạc bộ số 7, Di Li làm mới mình bằng việc đi sâu khai phá đề tài mới mẻ - tôn giáo và giới tính thứ tư. Ở cả hai tiểu thuyết, các yếu tố người kể chuyện, sự pha trộn giữa yếu tố thực và  ma mị, kì bí;  bất ngờ, kịch tính đã làm nên sức hút cho tác phẩm.


Có thể nói, Di Li đã xây dựng thành công hình tượng người kể chuyện trong tác phẩm của mình, tận dụng tối đa ưu thế của người kể chuyện với sự biến đổi điểm nhìn linh hoạt và đa dạng để đem lại cho người đọc cái nhìn khách quan nhất, cho phép người đọc hóa thân làm thám tử điều tra phá án. Trại hoa đỏ mở đầu với sự kiện chiếc xe của vợ chồng Trần Hoàng Lưu trên đường về vùng đất mới Lưu mua tặng vợ. Dường như người kể chuyện đã triệt để ẩn mình, người đọc không thể tìm thấy câu chữ nào thể hiện sự hiện diện của người kể chuyện. Mọi sự kiện diễn ra nối tiếp sau đó, hay những dòng đối thoại của nhân vật Bách - Diên Vĩ, Ráy - Diên Vĩ, hai mẹ con Diên Vĩ - Bảo… hiện lên rất tự nhiên, khách quan, tác giả không để lại lời bình luận nào. Yếu tố khách quan ấy đã dẫn dắt người đọc qua các sự kiện của câu chuyện. Người kể chuyện ngôi thứ ba - người kể chuyện “biết tuốt” trong tác phẩm này đã biết cách chi phối người đọc một cách khéo léo và dẫn dắt người đọc đi qua những sự tò mò để dần khám phá sự thật.
Tuy vậy, nếu như người kể chuyện trong Trại hoa đỏ chỉ giữ vị trí khách quan để dẫn dắt người đọc xuyên suốt câu chuyện thì chắc hẳn sẽ gây cảm giác nhàm chán. Vì thế, Di Li đã khéo léo cung cấp cho người dẫn chuyện của mình một điểm nhìn đa dạng với sự biến đổi hết sức linh hoạt. Trong số 35 chương truyện, ngoài một số cái nhìn được đan cài trực tiếp qua nhân vật Diên Vĩ trong chương số 5, 7, 10 hay nhân vật Bách trong các chương 13, 17, 28… thì tác giả dành toàn bộ chương số12 Những lời khai bí ẩn để giúp người đọc thể nghiệm cảm giác làm thám tử điều tra vụ án. Chương 12 là toàn bộ những lời khai xung quanh cái chết của người phụ nữ tên Di. Lời khai của tất thảy bảy người có liên quan đến vụ án ở những mức độ khác nhau: Ráy, bà già cổ quái, người vợ (bà Miến), người chồng (A Bằng), A Cách, trưởng bản, Diên Vĩ cùng với những mâu thuẫn về quãng thời gian mà họ sử dụng, sự e ngại, lúng túng khi đối diện với cảnh sát điều tra… khiến người đọc dường như cũng nhập thân vào các nhân vật, để điểm nhìn của mình di động theo từng nhân vật. Sự vận dụng linh hoạt và chuyển đổi điểm nhìn đa diện qua các nhân vật là một trong những yếu tố làm nên bố cục chặt chẽ và sức hấp dẫn của Trại hoa đỏ, khiến tác phẩm này có mạch truyện kín và không hề dễ đoán. Vẫn tiếp tục mạch truyện “không dễ đoán” ấy, Di Li dẫn dắt người đọc vào Câu lạc bộ số 7, theo chân thiếu tá Phan Đăng Bách đi phá án. Trong hành trình khám phá bảy vụ án giết người, nhân vật người kể chuyện ngôi thứ ba vẫn được Di Li tận dụng hết khả năng “biết tuốt” của mình. Trong các chương miêu tả vụ án, tác giả hóa thân làm người kể chuyện khách quan, trần thuật những sự kiện, chi tiết xảy ra một cách cụ thể, không có bình luận, không có sự dẫn dắt người đọc. Ví dụ các chương:  số 1 (Đêm Halloween), số 2 (Chiếc taxi Hoa Sen), số 6 (Chung cư An Phát)… đều kể về các sự kiện và nhân vật với con mắt nhìn của kẻ ngoài cuộc, có lúc là người chứng kiến trực tiếp sự việc, có lúc chỉ đơn thuần kể lại dưới con mắt nhân vật… Đan cài vào đó là các chương kể về hành trình điều tra phá án của thiếu tá Phan Đăng Bách. Những cái chết tưởng chừng chẳng có một chút liên quan nào đến nhau: nạn nhân được tìm thấy ở các địa phương khác nhau, khi thì là đoạn đường hoang vắng, lúc là khúc sông hẹp, lúc là khu nhà bỏ hoang, khi là tầng áp mái… với các phương thức chết khác nhau, chỉ duy nhất chung đầu mối là chiếc taxi Hoa Sen và nạn nhân là các cô gái trẻ đẹp. Sự biến đổi đa dạng về các vai kể và các góc nhìn, lúc là người trong cuộc, lúc là người chứng kiến, lúc lại hóa thân trực tiếp vào các nạn nhân khiến mạch truyện sinh động hơn, gây tò mò hơn. 
Bên cạnh người kể chuyện, những yếu tố kì bí, ma mị và giàu sức ám ảnh cũng là một điểm nhấn quan trọng trong tiểu thuyết trinh thám kinh dị của Di Li. Với Trại hoa đỏ, đó là các chi tiết chiếc xe của vợ chồng Trần Hoàng Lưu xô vào con chó rừng mà ngay sau đó lại không thấy xác con vật đâu, là bóng ma người đàn bà áo đen “mặt đầy lỗ thủng, bụng ngập máu” luôn hiện diện trong những giấc mơ của Diên Vĩ, là lời nguyền về những cô gái của dòng họ Quách, lúc nào cũng chịu một kết thúc bất hạnh - tự tử, đời này sang đời khác, là tiếng sáo luôn lặp lại một điệu duy nhất dẫn dắt Diên Vĩ đi trong ma trận, tiếng sáo mà chỉ cô và bé Bảo nghe thấy, tiếng sáo mỗi lần xuất hiện đều báo hiệu có một việc chẳng lành… Trong Câu lạc bộ số 7, ngay chương đầu tiên Đêm Halloween đã gợi cho người đọc cảm giác ma mị khi theo bước chân Mỹ Anh vào quán bar được trang trí theo kiểu rùng rợn để hút khách, sự xuất hiện thoắt ẩn thoắt hiện của bóng áo đen… Đó là cảm giác ghê rợn xung quanh những vụ giết người, đồng thời với những ám ảnh ma quái không giải thích được như trong chương 9 (Ngôi nhà ma ám), chương 15 (Mặt nạ quỷ), chương 19 (Nghĩa địa trinh nữ), chương 33 (Hành lễ). Khi theo bước nhân vật Vũ Phương Đăng, người đọc tưởng chừng như chìm sâu vào trong nỗi sợ hãi và ám ảnh của nhân vật này về người bạn gái mới chết với ảo giác về cô gái ở khắp mọi nơi trong phòng ngủ, trên chùa, trong đoạn chat với người chết…  

 Tất cả những yếu tố kì bí, rùng rợn và ám ảnh đó được Di Li đan cài trong một không gian hiện thực rất thật, đầy logic và lí trí. Sự pha trộn vô cùng khéo léo giữa hai không gian hiện thực và tâm linh đã tạo dựng được một hiệu ứng rất riêng với người đọc: cảm nhận sự ma mị và kì bí bằng một tâm thế rất tỉnh táo, logic. Không gian hiện thực của Trại hoa đỏ được tác giả trải dài, giãn rộng và mang đậm tính chân thực, tràn ngập hơi thở cuộc sống. Không gian điều tra của nhân vật Bách kéo dài về mặt địa lí, trải khắp các vùng miền của đất nước.  Nhưng khi xây dựng không gian tâm trạng cùng với các yếu tố tâm linh, Di Li chỉ tập trung xoáy sâu vào thế giới nội tâm rất nhỏ hẹp của các nhân vật. Những suy nghĩ trẻ con của một đứa trẻ luôn yếu ớt và lệ thuộc vào mẹ, sự sợ hãi khi chứng kiến những gì mình chưa từng biết đến, sự háo hức khi lần đầu tiên được đặt chân đến nơi ở mới với những con vật chỉ nhìn thấy trên ti vi… tất cả những cảm nhận đó của Bảo trong Trại hoa đỏ được tác giả tái hiện rất rõ nét tuy sự xuất hiện của nhân vật không quá nhiều trong tác phẩm. Nhân vật Vũ Phương Đăng của Câu lạc bộ số 7cùng với sự hoảng loạn của cậu ta dường như cũng kéo theo sự mơ hồ của người đọc, không biết hình ảnh hai cô người yêu cũ vừa mới bị giết ám ảnh cậu ta khi đi cùng người yêu mới là do cậu ta mất mát quá lớn mà sinh bệnh hay có luật nhân quả ở đây.

Điểm làm nên sức hấp dẫn nhất của tiểu thuyết trinh thám là sự bất ngờ, kịch tính. Tiểu thuyết của Di Li cũng không ngoại lệ. Với Trại hoa đỏ và Câu lạc bộ số 7, yếu tố bất ngờ và kịch tính thể hiện rõ nét trong cách sắp đặt các chi tiết của tác giả và ở cái kết. Di Li thường đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, có những khi tưởng chừng như các sự kiện không hề có sự liên quan với nhau, nhưng đến cuối cùng lại có mối liên hệ vô cùng mật thiết, làm cơ sở để soi sáng cho vấn đề đã được nói đến. Từ những chương đầu tiên trong Trại hoa đỏ, khi giới thiệu về cậu bé ốm yếu bệnh tật tên Bảo, với tình yêu thương vô bờ bến của Diên Vĩ, bạn đọc chắc hẳn đều thấy bất ngờ khi đến chương 27, tác giả làm rõ thân thế của cậu bé và mối quan hệ mẹ kế - con chồng giữa Diên Vĩ và Bảo. Từ những hành động yêu thương ban đầu của Diên Vĩ, tác giả tạo hiểu lầm cho người đọc ở hành động giơ dao định đâm cậu bé, rồi sau đó lại tháo nút bằng hành động trốn Trần Hoàng Lưu, đi về trại hoa đỏ ngay trong đêm để bảo vệ cậu bé Bảo… Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, và đến cuối cùng tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi những cảm xúc chân thành và tình yêu thương vô bờ bến mà Diên Vĩ dành cho cậu bé con riêng của chồng mình. Những yếu tố bí ẩn về thân phận ẩn sau dáng vẻ mĩ miều thanh lịch bề ngoài của Diên Vĩ cũng làm người đọc bất ngờ. Cuối cùng, khi nghe cô lí giải về hành động cầm dao để lấy máu gót chân nhằm làm bùa tránh tà cho Bảo, chắc hẳn ai cũng nao lòng khi thấu hiểu cho tấm lòng của một người mẹ dành cho con. Càng bất ngờ hơn khi Trần Hoàng Lưu, một doanh nhân thành đạt, một người cha thương con, người chồng yêu thương vợ vô bờ bến… thực chất lại là hiện thân của những gì xấu xa nhất của con người: một kẻ tham vọng, sẵn sàng mưu hại người khác, kể cả người thân để đạt được điều mình mong muốn.

Với Câu lạc bộ số 7, Di Li còn đẩy sự việc đến đỉnh điểm của mâu thuẫn rồi mới tháo nút rất chậm rãi. Hàng loạt các chi tiết khiến cuộc điều tra của Phan Đăng Bách tưởng chừng lâm vào bế tắc hoàn toàn, các nạn nhân của vụ án chết trong các cảnh ngộ hoàn toàn khác nhau: Trần Mỹ Anh được cho là chết do tai nạn giao thông, Lê Hoàng Mai chết do đuối nước, Hoàng Cẩm Tú chết do ngã từ vách núi xuống, Mai Thủy Lê chết do giết người cướp của, Linh Đan bị giết do nghi ngờ bị đánh ghen… Tất cả chỉ có manh mối để lại là chiếc taxi Hoa Sen có mặt ở hiện trường. Mất bao nhiêu thời gian, công sức, thậm chí cả dằn vặt về đức tin của bản thân, Phan Đăng Bách mới hé mở dần được manh mối vụ án. Anh phát hiện mỗi thi thể thiếu mất một bộ phận: ngón tay, tai, mắt, tóc, răng… từ đó liên hệ đến hoạt động của một hội kín của những kẻ thuộc giới tính thứ tư - không có ham muốn tình dục với người đồng giới cũng như khác giới, chủ trương giữ thân mình trong sạch, bài trừ dục tính. Thực ra, các vụ giết người được che giấu dưới các hình thức khác nhau nhằm lấy một bộ phận của những cô gái thanh xuân để hoàn thành một nghi thức tế lễ man rợ. Chính lúc tưởng chừng đã có hướng đi mới cho vụ án thì Phan Đăng Bách bị cấp trên loại ra khỏi ban chuyên án, lập luận của anh bị bác bỏ. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi chính bản thân anh bị đồng nghiệp nghi ngờ là kẻ nằm trong giáo phái tà ác đó. Kịch tính được đẩy lên cao trào lúc Mỹ Lâm - người yêu của Phan Đăng Bách bị giết và bị móc mất trái tim. Điều đó làm Phan Đăng Bách sụp đổ và hoàn toàn bế tắc. Di Li đã xây dựng nhiều yếu tố bất ngờ và tạo dựng một cái kết không báo trước qua mặt đối lập của các nhân vật: Vũ Phương Đăng - một cậu công tử hào hoa ăn chơi trác táng nhưng lại có cuộc sống tinh thần bi kịch; Vũ Phương Vinh - cha Vũ Phương Đăng với vỏ bọc một doanh nhân giàu có, có nhiều cống hiến cho xã hội thực chất lại là kẻ bệnh hoạn biến thái; Mỹ Lâm - một nhà báo năng động, xinh đẹp lại có tuổi thơ khốn khổ, bị bạo hành tình dục bởi mẹ và bố dượng của mình… Cuối cùng không ai ngờ đến thủ phạm là Nguyễn Trí Hữu, một kẻ chưa từng xuất hiện từ đầu trang sách, chỉ điểm xuyết ở bức hình cậu bé không tên con nuôi của Vũ Phương Vinh.

 Cái kết bất ngờ của tác phẩm thu hút người đọc đến trang sách cuối cùng. Thông điệp của tác phẩm được gửi gắm qua những tình huống không ngờ ấy là dù ở nơi nào, đô hội hay chốn rừng núi, có con người là có thù hận và tội ác, có lòng tham và những mặt trái đen tối. Mọi tội ác đều có căn nguyên của nó. Bóng ma hay lời nguyền đều bắt nguồn từ chính tâm trí của con người.

Có thể nói, Trại hoa đỏ và Câu lạc bộ số 7 của Di Li là những cuốn tiểu thuyết đáng đọc hiện nay. Từ chỗ dũng cảm khai phá một con đường mới, Di Li đã tạo dựng được cho mình chỗ đứng vững chãi trên mảnh đất văn chương trinh thám kinh dị.  Sau tất cả những li kì, thật giả đan cài, sự trân trọng những giá trị chân thật của cuộc sống luôn là điều đọng lại cuối cùng qua hai cuốn tiểu thuyết, với khát vọng đẩy lui những mảng tối của tham vọng, của thù hận, luôn hướng thiện để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *