Chuyện văn chương

24/2
2:28 PM 2017

BÍ KÍP VĂN CHƯƠNG

VŨ XUÂN TỬU - Năm 1972, kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm, học hết lớp tám, phải nghỉ một năm đi làm ruộng. Một hôm, trời nắng như đổ lửa, vừa cày xong thửa ruộng, tôi liền cao hứng viết Bài ca con trâu và cái cày.

                                                                Nhà văn Vũ Xuân Tửu

Bài thơ có đoạn:
Nhạc sĩ nhìn đường cày như
                                       dòng nhạc
Họa sĩ nom đường cày như nét
                                          bút lông
Ôi những đường cày vồng vồng
Giống lưỡi gươm cong của người
                                          chiến sĩ
Nhưng chỉ có người nông dân
Tay phải cầm cày và tay trái
                                       đuổi trâu
Miệng giục hoài: vắt vào, đi, diệt
Mới may chăng hiểu hết
                                      đường cày...


Vậy là tôi đến với văn chương đầu tiên bằng một bài thơ tơ lơ mơ như thế. Lúc đó, mười bảy tuổi, chẳng có bí kíp gì. Tôi có máu buồn từ nhỏ. Hai mươi sáu năm sau, tôi viết truyện ngắn đầu tay Nợ văn chương. Đời tôi là một chuỗi ngày buồn, văn chương cũng chảy theo mạch buồn ấy. Khi viết gia phả, tôi lần tìm về nguồn cội, thấy các cụ tổ nhà mình ở cái làng của ông Yết Kiêu, tận Hải Dương. Là dân chài lưới, các cụ từ bến sông Quát lần mò đánh cá sang sông Đáy (Ninh Bình), rồi cắm sào nơi ngã ba sông Hoàng Long, lập nên làng Đáy. Đến đời bố tôi, cả nhà dắt díu nhau lên Tuyên Quang khai hoang. Trong truyện ngắn Cánh chân sào, tôi có kể điều này. Về sau, tham dự trại sáng tác Đại Lải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, theo hướng dẫn của quản trại, tôi ghép thêm truyện Yếm thắm, Con chim lửa, thành bộ ba có tên chungNgười sông nước.

Nhà văn Ma Văn Kháng từng nhận xét rằng, Vũ Xuân Tửu có bí kíp viết truyện ngắn. Bí kíp gì nhỉ, tôi cảm thấy phân vân.

Lại nói thêm về nỗi buồn của tôi. Nỗi buồn này chảy vào tiểu thuyết, tạo ra không gian mênh mông buồn. Chuyện trong làng ngoài xã, thì nỗi buồn thấm đẫm cả ba đời. Nguyên mẫu đều là người thân thích, hoặc quen biết cả. Chỉ có mỗi nhân vật Thiêm mắt tròn mắt dẹt thì tôi bịa hoàn toàn. Thế mà hồi còn mồ ma nhà văn Đinh Công Diệp, có lần ông tâm sự: “Làng tớ, tổng An Vệ, có một người như nhân vật này, nhưng không biết bây giờ ở đâu”. Tiểu thuyết này được tái bản mang tên Chuyện làng. Một hôm xem mạng internet, thấy thông báo Đài phát thanh Quảng Ninh đang đọc. Đất Quảng Ninh đối với tôi có một chuyện buồn. Hồi ấy, chuyến xe đêm qua phà Bãi Cháy, tôi mua một bộ xổ số, đâu như trúng giải đặc biệt mà không biết. Thầy tướng bảo, tôi sẽ có ba lần trúng số độc đắc, một lần qua rồi, chắc còn hai lần nữa và tôi chờ vận may.

Nhưng vận may không đến bằng tiền bạc, mà bằng văn chương. Mười năm trước, tôi gặp vận may, trúng giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, với ba truyện:Chuyện ở bản Piát, Cỏng Hò và Bí mật cuốn gia phả. Cả ba truyện đều là truyện buồn, truyện này người đi bộ đội chết bên Lào, truyện nọ thì mất vợ, truyện kia thì phải xin con. Hai trong số này, tôi viết tại Nhà sáng tác Đại Lải. Ngồi buồn chả biết làm gì, đành mở bản thảo ra sửa, mỗi truyện viết đi chép lại ba lần. Giải thưởng có uy tín của Tạp chí khiến tôi tự tin hơn trong bước đường sáng tác tiếp theo. Có một vài người khuyên tôi nên về Hà Nội, sẽ thuận lợi hơn trong việc viết lách. Nhưng tôi chỉ bám trụ ở Tuyên Quang. “Nhà văn đi xe lửa, hãy ngồi toa hạng ba” - một người nổi tiếng thế giới đã khuyên như thế. Về già, càng nghiệm thấy đúng là chân lí.
 

 


Có người bảo, mở trại sáng tác là không cần thiết, nhà văn đến trại chỉ giao đãi, tốn tiền bạc Nhà nước. Nhưng tôi thấy không phải như vậy. Đi trại nào tôi cũng tận dụng thời gian để viết, mỗi ngày thường là mười hai tiếng, chia đều ra sáng bốn tiếng, chiều bốn tiếng, đêm cũng bốn tiếng. Bởi tôi túng, chẳng có tiền chơi bời, lại không thuộc loại quảng giao, lơ ngơ buồn một mình nên ngồi viết thế mà tự nhiên thành. Truyện ngắn Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng, tôi viết tại Nhà sáng tác Tam Đảo, một câu chuyện buồn về cô gái Mông thất tình ăn lá ngón tự tử.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: “Văn Vũ Xuân Tửu là một lối văn có nhịp điệu khẩn trương nhưng không vội vàng, mạnh mẽ nhưng không bạo liệt, trầm lắng nhưng không cô tịch nên phù hợp với kiểu độc giả thích sống nhanh, nhưng đồng thời cũng hợp với những ai thích sống chậm. Vũ Xuân Tửu có ý thức chăm chút câu văn. Đọc truyện ngắn và tiểu thuyết, độc giả thường chú ý đến “chuyện”, đã đành. Nhưng độc giả vẫn quan tâm đặc biệt đến “văn”, vẫn rất thích sự ngời sáng lên, lấp lánh hơn của câu chữ. Đó mới chính là cái nhã thú văn chương đích thực, lâu bền”. Tôi cầm bút viết văn chỉ xác định hai điều: một là, ngòi bút phải luôn hướng về dân; hai là, viết văn phải có “văn”. Hay đây chính là bí kíp?

Người có máu rượu, buồn thì lôi rượu ra uống giải sầu. Tôi giải sầu bằng sách, bình quân mỗi năm tôi đọc một vạn trang sách, không kể báo và tạp chí. Khi viết tiểu thuyết lịch sử càng phải đọc nhiều hơn. Viết tiểu thuyết lịch sử Đinh Tiên Hoàng Đế tôi đọc hai vạn trang tư liệu, và hiện đang viết tiểu thuyết lịch sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng phải đọc ba vạn trang tài liệu tham khảo.

Cũng bởi có tính buồn, nên tôi thường viết tay bằng bút bi mực tím rồi mới tự đánh máy vi tính, sau đó kì công sửa chữa bản thảo, có tiểu thuyết viết đi viết lại ba mươi lăm lần nhưng chưa in. Tôi rất ngạc nhiên khi có người viết tiểu thuyết khoe rằng, viết thẳng lên vi tính, xong rồi cắm máy in, bản thảo rơi ra đến đâu vợ nhặt lấy mang đến nhà xuất bản và thành sách liền. Nghe mà bái phục, tưởng như một dây chuyền sản xuất văn chương thời công nghiệp hóa...

Viết tay là một thú vui, nhấn nhá câu chữ, sàng lọc chi tiết. Những chi tiết tôi nhặt nhạnh trong đời sống xã hội và sách vở, chép vào sổ tay, đến khi viết thì xâu chuỗi lại và thổi nỗi buồn nhân thế vào, tức thì thành văn chương. Có bạn đọc khen tôi giàu chi tiết. Ồ, có khi đó là bí kíp đấy. Hàng ngày, cặm cụi ngồi viết tay, thấy tập bản thảo dày dần lên, thì trong lòng khấp khởi mừng thầm. Nhưng khi đã hết một gam giấy A4, chừng năm trăm tờ, mà ngồi đánh lại vi tính cũng phải rùng mình. Đánh vi tính coi như viết lại bản thảo, thường mất hai đến ba tháng ròng. Tôi thường làm việc tám đến mười hai tiếng mỗi ngày. Bây giờ, bước vào tuổi sáu mươi hai, sức khỏe giảm sút, chỉ còn duy trì được từ sáu đến mười tiếng mỗi ngày. Trong căn phòng vắng, tôi cảm thấy cô đơn vô cùng, nối ra với bên ngoài chỉ bằng điện thoại và internet. Buồn, lọ mọ viết... Trong cõi mê tôi thấy hiện lên những dự cảm. Bởi vậy, trong tác phẩm của tôi, ngoài nỗi buồn thì thường có những giấc mơ. Giấc mơ nói hộ người ta nhiều điều về phía góc khuất của cuộc sống, về phía bên kia của cõi người. Phải chăng, đó cũng là bí kíp?

Đọc tư liệu để viết tiểu thuyết lịch sử có khác với cách đọc thông thường, hay đọc giải trí. Khi tìm được tài liệu rồi, đọc sơ qua xem có liên quan không, sau đó đọc kĩ lại để ghi chép vào sổ lưu trữ, khi lập biên niên sự kiện nhân vật lại xới lên lần nữa và khi viết bản thảo, đôi chỗ cũng phải giở tư liệu. Nếu là hiện vật thì phải đo vẽ cụ thể kích thước, mô tả xuất xứ. Nếu là nhà cửa thì phải đặt la bàn đo hướng và chiếu kích cỡ theo thước Lỗ Ban... Tư liệu càng cụ thể, tỉ mỉ thì khi viết càng chắc tay, nhưng ngón viết phải bay bổng. Lúc viết mà câu nệ tư liệu thì bí lắm, ngòi bút không chạy được. Bởi, viết tiểu thuyết là câu chuyện văn chương, chứ không phải chép lại nhân vật và sự kiện lịch sử đã xảy ra. Đây cũng chính là điểm phân biệt nhà văn với sử gia.

Đọc sách giúp ta tạm rời khỏi hiện thực quanh mình để bay vào thế giới văn chương. Từ đó, có thể thu lượm được biết bao nhiêu hoa thơm quả ngọt nuôi dưỡng tác phẩm của mình. Và đã là người cầm bút thì phải viết không ngừng nghỉ. Nếu dừng lại thì đồng nghĩa với kết thúc. Có nhà văn tâm sự, bỏ bút thời gian dài, khi bắt đầu viết lại sẽ khó khăn vô cùng. Tôi được nghe một câu chuyện thú vị gợi nghĩ đến điều này. Quả trứng đại bàng ngẫu nhiên lăn vào ổ trứng gà. Đại bàng con nở ra và sống cùng đàn gà. Gà có cánh mà không bay, đại bàng con cũng làm theo như vậy. Đến một ngày kia, con đại bàng nhìn thấy trên bầu trời đồng loại của mình đang sải cánh tưng bừng, nhưng nó đành bất lực. Bởi cứ ngỡ mình là gà, nên nó bỏ phí đôi cánh rộng, không tập bay và không dám đối chọi bão tố thường ngày, đến lúc ngộ ra, muốn bay lên cũng không được nữa. Phải viết liên tục, “bay” liên tục, không chờ cảm hứng mới viết, đó cũng là bí kíp của nhà văn.

Vừa rồi, tôi in tập thơ Bầu trời của những con gà. Nhà thơ Đoàn Thị Ký ngó qua, nói: “Có khi đại bàng, chứ không phải gà!”.
Những con gà bay lên bầu trời
Đỉnh của chúng cao bằng ngọn ớt
Bầu trời chỉ như cái lồng thôi...


Nói vậy, chứ không phải suốt ngày khuôn mình trong bốn bức tường. Tôi nghiệm lại, mình thuộc loại đi nhiều. Khi viết Đinh Tiên Hoàng Đế, tôi phải chạy xe máy khoảng một nghìn cây số, tới bốn mươi địa điểm liên quan, xa nhất là huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Thu thập tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải tới bảy mươi địa điểm, xa nhất là Cao Bằng, Điện Biên, Vũng Tàu... Khác với đi tham quan du lịch chủ yếu là thưởng ngoạn danh thắng, người cầm bút đi thực tế theo dự tính sáng tác phải quan sát địa hình địa vật, đối chiếu với binh pháp, phán đoán cách bày binh bố trận của nhân vật... rồi thổi hồn vào trang viết.

Viết tiểu thuyết lịch sử về những nhân vật xa xưa, như Đinh Bộ Lĩnh cách đây một nghìn năm, hay Chúa Bầu (Vũ Văn Uyên, Vũ Công Mật) cách đây năm trăm năm, có cái khó là tư liệu thành văn không nhiều, hiện vật cũng đã phôi pha theo thời gian, nhưng khi viết lại dễ phóng tay. Về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì ngược lại, tư liệu nhiều, nhân chứng lắm, hiện thực xã hội vẫn đang diễn ra, nên rất dễ đụng chạm, gây phiền toái. Bởi vậy, tôi dụng công sưu tầm và phân tích tư liệu trong khoảng hai năm, rồi viết hai năm nữa, sửa một năm và cố gắng hoàn thành trước năm 2020, với chừng 500 trang in. Đại tướng là bậc khai quốc công thần, thân phận bi hùng, nhân vật có chiều kích lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, và cũng đã có nhiều người sáng tác nhưng rất may là chưa có ai viết tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng, ngoài một số tác phẩm thuộc thể loại sưu tầm lịch sử (Alian Ruscio - Võ Nguyên Giáp một cuộc đời; Phạm Hồng Cư - Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ) hoặc tiểu thuyết tư liệu (Hữu Mai - Không phải huyền thoại)...

Bây giờ, tình hình rất phức tạp, nên trước mỗi chuyến đi thực tế, tôi đều sửa lễ mọn lòng thành thắp hương cầu khấn thần linh, thổ địa các nơi sẽ đi qua phù hộ. Tới quê hương bản quán các nhân vật trung tâm, nhân vật chính, nhân vật phụ tôi đều dâng hương bày tỏ tấm lòng; xong bản thảo, thắp hương lễ tạ... Mỗi người có một cách đi thực tế riêng, tôi thích tự túc tự cấp, ít khi đi theo đoàn bao cấp. Kiểu đi thực tế này, có nên gọi là bí kíp? 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *