Chân dung văn

26/6
10:08 AM 2020

LÁ CHẮN BIÊN THÙY

Cầm Sơn- Những hình ảnh của chuyến đi thăm chốt cứ lướt qua tôi và nổi bật lên trên tất cả là sắc áo loang lổ mầu lá cây dưới vòm mái lều trên chốt...Và cuối cùng là hình ảnh đoàn nhà văn ghi hình cùng các chiến sĩ Biên phòng bên những lều chốt cạnh đường mòn, lối mở dọc ngang lắm ngả ngược xuôi giữa đại ngàn Trường Sơn thâm u, hùng vĩ.

1- Màu áo lính biên cương                              

  Xe của đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam đến trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh lúc 17h30 ngày 25 tháng 5 năm 2020. Đoàn được Thượng tá Chánh văn phòng Trần Văn Toản và Thiếu tá Phó chánh Văn phòng Nguyễn Tiến Tùng đón tiếp, bố trí nghỉ ngơi tại Nhà khách của Bộ chỉ huy. Buổi tối, đoàn được Đại tá Hà Học Chiến - Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Đại tá Hoàng Việt Dũng Phó Chỉ huy kiêm Tham mưu trưởng, Đại tá Nguyễn Thái Bình Phó Chính ủy cùng nhiều sĩ quan chỉ huy tiếp đón, thống nhất chương trình và lịch làm việc của đoàn.

  Trung tá Trần Mạnh Hùng – Trưởng Ban Tuyên huấn được lãnh đạo Bộ chỉ huy phân công đi cùng hướng dẫn đoàn. Theo lịch làm việc, ngày 26 tháng 5 đoàn đi ngược đường Quốc lộ số 8 lên huyện Hương Sơn. Xe chạy dọc theo sông Ngàn Phố nước trong xanh, có nhiều con thuyền đánh bắt thủy sản loại nhỏ cắm sào xếp thành dãy trên mặt sông với hai bên bờ là trùng trùng lớp lớp ngàn xanh của rừng trồng phủ kín tạo ra khung cảnh yên bình, làm dịu mát bầu không khí như thiêu như lửa của nắng nóng giữa mùa hạ miền Trung.

  Xe đưa đoàn đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo hồi 9h06 phút. Đoàn được Thượng tá chính trị viên Phan Duy Vỵ cùng một số sĩ quan chỉ huy đón tiếp. Thượng tá Phan Duy Vỵ cho biết: Toàn tuyến biên giới của tỉnh Hà Tĩnh giáp nước bạn Lào dài 164km, riêng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo quản lý 44,3km gồm 16 cột mốc và 2 cọc dấu trên địa bàn huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh trong đó có Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Phía bên kia là Cửa khẩu Namphao thuộc huyện Khamkhenth tỉnh Bolikhamxay của nước bạn Lào. Là Đồn Biên phòng luôn giữ được truyền thống từng hai lần được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng vào những năm 1967 do chủ tịch Hồ Chí Minh ký và năm 2011 do Chủ tịch Trương Tấn Sang ký, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị - Trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn khu vực hoạt động. Trong thời gian chống dịch, Đồn đã thành lập 8 chốt, mỗi chốt có từ 8 đến 12 người, cử 88 cán bộ chiến sĩ cùng 50 người của Bộ Chỉ huy tỉnh tăng cường, chốt chặn ở các điểm đường mòn dân sinh tự mở, đường mòn hai bên cánh gà cửa khẩu, không để người vượt biên trái phép, ngăn chặn từ gốc nguồn lây lan dịch bệnh…

   Đầu giờ chiều, đoàn được Trung tá Phan Đông Đức hướng dẫn lên thăm Trạm Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Trên đường đi, đoàn đã dừng lại thăm các chiến sĩ ở một chốt. Đây là chốt cuối cùng nằm ngay sát Quốc lộ số 8, cùng với một chốt nữa đặt cạnh đường ở  khu vực Eo Cô Gái chặn con đường họng phễu. Có thể có những trường hợp trốn tránh lọt qua được các chốt ở cánh gà, đường mòn lối mở biên giới nhưng không thể không đi qua hai chốt này, đảm bảo công tác kiểm soát chặt chẽ đến mức tuyệt đối vì chỉ cần một người từ nước ngoài vùng đang còn có dịch lọt qua vào trong nội địa thì nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh sẽ khó lường.

   Tại trụ sở Trạm Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, đoàn được đón tiếp bởi Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình, hiện đang giữ chức vụ Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và Đại úy Phó trạm trưởng Đỗ Mạnh Hùng. Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình là quân số tăng cường và được lãnh đạo Bộ chỉ huy tỉnh phân công trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid19 khu vực biên giới phía Tây. Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình có học vị tiến sĩ, nguyên là giảng viên Học viện Biên phòng mới được điều chuyển về công tác thực tế tại Hà Tĩnh. Thượng tá Bình cho biết, ngoài công tác thường nhật của Bộ đội Biên phòng ở một cửa khẩu, trong chiến dịch chống giặc Covid19 vừa qua, cán bộ chiến sĩ của trạm đã phải căng mình làm việc liên tục không có tuần, thứ đã đành còn không có cả giờ giấc nữa. Có trường hợp như của Thượng úy Võ Anh Tuấn đã gửi thiệp hồng mời cưới vợ gặp đúng dịp dịch bệnh tăng cường lên chốt đành gác lại ngày cưới, đến tận hôm nay khi dịch bệnh đã được Chính phủ và Nhân dân cả nước đẩy lùi anh mới có dự định sang tháng sau sẽ về làm đám cưới. Bản thân Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình cũng đã chốt liên tục trên trạm Cửa khẩu này trên ba tháng. Tôi hỏi mấy chiến sĩ khác, có người là lính của đồn, có người là lính từ nơi khác đến tăng cường đều trả lời là đã có vợ, có con nhưng ba, bốn tháng nay vẫn liên tục bám chốt chứ chưa khi nào có thời gian được nghỉ về thăm gia đình.

   Ngày nào số người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu cũng có đến hàng trăm. Đặc biệt đông nhất là vào ngày 30 tháng 3 năm 2020 có tới 1.180 người về nước. Trong những ngày cao điểm, trụ sở trạm phải dành nhiều phòng cho người nhập cảnh cư trú tạm trong khi chờ xe chở về khu cách ly. Các chiến sĩ phải làm thủ tục, phát khẩu trang, phun thuốc khử trùng, đến bữa phải phát khẩu phần ăn, phân loại người tỉnh khác, người trong tỉnh thì phân loại đến từng huyện để cho đoàn xe của một công ty vận tải trong tỉnh tình nguyện không thu tiền chở người về các điểm cách ly. Phần lớn các chiến sĩ đều phải mặc đồ bảo hộ bằng nilon để tiếp xúc với người nhập khẩu. Thiếu tá Trưởng trạm Trần Văn Sông cho biết: “Thời gian cao điểm, người về nước quá đông thì trạm phải dành phòng cho người cách ly tạm trú. Còn bây giờ thì khẩn trương, dẫu tối cũng phải làm xong ngay trong ngày, nếu không làm xong, trạm phải bố trí nơi ăn nghỉ cho người cách ly thì rất rắc rối”.

     Tại cửa khẩu vẫn có rất nhiều xe vận tải loại lớn qua lại. Chủ yếu là chở quặng sắt và gỗ là hoạt động kinh tế thường xuyên của nước bạn nối lục địa Lào với cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, trong đó có cảng Việt Nam dành cho bạn Lào mượn nên không thể  dừng hoạt động. Được biết khi làm thủ tục qua cửa khẩu thì xe được khử trùng và đổi người điều khiển xe, lái xe ở địa phận nước nào thì hoạt động trong địa phận nước ấy nên không phải cách ly.

    Đoàn được Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình hướng dẫn đến thăm một lều chốt. Đây là một chốt phía taluy âm có khoảng cách rất gần với trạm và dễ đi nhất vì các nhà văn nhiều người cao tuổi nên không bố trí đến các chốt khác, những chốt ở khu vực taluy dương là  những chốt ở rất cao, nhiều đoạn đường phải cắm gậy chống xuống mới bò lên được, và khó khăn hơn là khi đi xuống, rất dễ bị ngã lăn nhào xuống vực. Mỗi nhà văn được các chiến sĩ chặt cây đành hanh trên đường đi làm cho một cái gậy chống. Sau khoảng 20 phút đi trên đường mòn trong rừng nguyên sinh thì đoàn đến chốt. Được biết anh em ở chốt phần lớn đi tuần tra trong rừng, chỉ còn có vài người ở lại lều chốt. Có đi mới thấy, đúng là rất khó khăn, đường mòn trong rừng rất nhiều ngả, rất nhiều lối. Có những lối người dân mới mở, nếu không tuần tra, canh gác thường xuyên thì không thể phát hiện và ngăn chặn được người vượt biên trái phép. Tại chốt, ngoài các cán bộ chiến sĩ của đồn, cán bộ chiến sĩ của tỉnh tăng cường còn có cả các chú chó nghiệp vụ cùng tham gia tuần tra. Các nhà văn đã thoải mái phỏng vấn, khai thác tư liệu từ các chiến sĩ trực tiếp hàng ngày, hàng giờ, không kể đêm ngày, liên tục từ trên ba tháng nay uống nước suối, ăn rau rừng, ngủ nghỉ tại lều chốt. Tại đây, Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình đã đọc hai bài thơ do ông sáng tác trong những ngày chống dịch.

     Chia tay cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, xe chở đoàn trở lại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh để tiếp tục đi đến những điểm biên giới khác. Buổi trưa, ngoài trời thì nắng nóng nhưng ngồi trên xe có máy lạnh cộng với màu xanh miên man dịu mát hai bên đường và tiếng máy xe đều đều như lời ru kéo người ta vào trạng thái nửa ngủ, nửa thức. Gật gù, mơ mơ màng màng, tôi lại nghe thấy vang vọng bên tai tiếng đọc thơ của thượng tá Phạm Lê Xuân Bình:

Lính Biên phòng lạ lắm, chẳng giống ai

lá chắn sống nơi biên thùy chống dịch
vì nước quên thân, vì dân phục vụ
mãi trọn lời thề với Đảng với Dân.

         (Lính biên phòng – Phạm Lê Xuân Bình)

  Những hình ảnh của chuyến đi thăm chốt cứ lướt qua tôi và nổi bật lên trên tất cả là sắc áo loang lổ mầu lá cây dưới vòm mái lều trên chốt, hoặc đứng bên cạnh chú chó nghiệp vụ, hoặc loay hoay bên một lạch nước bé ty chỉnh sửa lại một đầu ống cũng bé ty là ống dẫn nước về phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ ở chốt, hoặc đang dùng dao sửa chữa, cắt gọt những cây gậy chống cho các nhà văn mang về làm kỷ niệm. Và cuối cùng là hình ảnh đoàn nhà văn ghi hình cùng các chiến sĩ Biên phòng bên những lều chốt cạnh đường mòn, lối mở dọc ngang lắm ngả ngược xuôi giữa đại ngàn Trường Sơn thâm u, hùng vĩ.

 2- Cho biển mãi xanh trong           

     Sáng ngày 28 tháng 5, đoàn được hướng dẫn ra thăm và làm việc với Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Áng – Sơn Dương. Tại đây, đoàn được Trung tá Nguyễn Văn Lương - Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy cùng Trung tá Hồ Sĩ Thắng - Chỉ huy trưởng, Trung tá Nguyễn Văn Quý - Phó chỉ huy trưởng đón tiếp và trao đổi công việc. Đoàn được hướng dẫn đi thăm khu chăn nuôi, trồng trọt của Ban chỉ huy. Cả một vườn rau từ rau cải, rau dền đến dưa hấu đang ra quả đều được trồng trên cát, lại còn có cả một cái ao rau muống, chúng tôi được giải thích là phía dưới đáy ao đã được lót vải nhựa rồi đổ đất lên trên mới giữ được nước. Lại có cả một vườn ổi rộng cũng đang ra quả, dưới tán cây là gà, hàng trăm con gà thoải mái dạo chơi, cào bới theo bản năng.

  Tiếp nối, đoàn được Đại úy Nguyễn Văn Đức - Phó trưởng Trạm Biên phòng Sơn Dương sang Ban chỉ huy đón, hướng dẫn ra thăm Trạm Biên phòng và cầu cảng Sơn Dương. Đến Trạm, đoàn lại được Thiếu tá Trạm trưởng Dương Văn Thanh cùng lên xe đưa đi tham quan cầu cảng. Cảng Sơn Dương chủ yếu phục vụ cho hoạt động của Tập đoàn Fomosa. Ở đây, ngoài các chiến sĩ Biên phòng làm nhiệm vụ còn có nhiều bảo vệ của Tập đoàn Fomosa. Tôi sách máy ảnh đi ra phía cầu cảng thì được một bảo vệ đạp xe đạp đến nhắc nhở: “Các bác thăm cảng đề nghị đi theo đoàn, không tách đi riêng lẻ, chúng cháu không kiểm soát được”. Cảng có những con đập bằng bê tông vững chãi vươn dài ngăn một vùng biển rộng tạo thành vịnh biển nhân tạo không bị ảnh hưởng của sóng, bão biển khơi bảo vệ an toàn cho tàu bè cập cảng. Ngoài những cần trục to cao được bố trí dọc theo bờ cảng ngoài trời, cảng còn có những điểm đỗ trong nhà có mái che cho tàu để sử dụng trong những trường hợp bốc dỡ hàng tại thời điểm mưa bão. Khi đoàn chúng tôi đến thì đang có một con tàu lớn của Tập đoàn Vinacomin bốc sắt lên tàu ở khu vực âu tàu có mái che.

  Chia tay các chiến sĩ Trạm Biên phòng Cảng Sơn Dương, đoàn được đích thân Trung tá Nguyễn Văn Lương hướng dẫn ra thăm Trạm Biên phòng Cửa khẩu Vũng Áng. Vì đã gần 12 giờ trưa nên xe đưa đoàn đến luôn một khu vực bờ biển được cải tạo, xếp đá thành một con đập dọc theo bờ chắn thành một cái lạch biển cho tàu đánh bắt hải sản loại nhỏ có thể đi vào. Phía sát bờ được đổ các cột beton tạo mặt bằng làm thành một dãy hàng quán phục vụ các món ăn hải sản tươi sống. Tại đây, ngoài Trung tá Nguyễn Văn Lương, Trung tá Nguyễn Văn Quý ra đoàn còn được Thiếu tá Đinh Văn Thông - Chính trị viên, Đại úy Nguyễn Viết Công - Phó Trạm trưởng Trạm Cửa khẩu Vũng Áng đón tiếp. Các nhà hàng ở đây có món “mực nhảy” là món ăn đặc biệt, đặc sản của khu vực biển Vũng Áng. Được biết con mực khi ra khỏi nước là chết ngay nên các quán ăn hải sản chủ yếu phục vụ món mực tươi bằng những con mực đã ướp lạnh. Còn ở đây, khách đến đặt hàng thì nhà hàng mới lấy vợt múc những con mực đang bơi lội dưới bể nước lên. Khi cái vợt được nhấc lên thì những con mực này nhảy tanh tách như những con tôm trong lưới nên gọi “mực nhảy” là vậy. Món mực nhảy phải để cả con không thể cắt ra bởi vì trong bụng chúng vẫn còn có mực. Thực khách khi cắn mực sẽ trào ra đen đặc trong miệng, khác hẳn với mực bị ướp lạnh vì khi gặp lạnh mực đông cứng và biến chất không còn màu đen nữa. Đó là một nét văn hóa ẩm thực đặc biệt thú vị của món “mực nhảy” ở vùng biển Vũng Áng này. Ngoài ra, món sứa nộm ở đây cũng rất ngon, nó ngon ở chỗ rất ròn, không mềm nhão như nhiều nơi khác. Món tôm hùm hấp cũng là một món khoái khẩu, con tôm hùm trông bề ngoài cứ tưởng toàn vảy cứng, hóa ra khi hấp chín, bổ đôi ra trông chỉ thấy những thịt và thịt, cái vỏ bên ngoài rất mỏng chứ không dày cứng như ta thường nghĩ, ngoài ra những cái chân của nó cũng chứa đầy thịt, quả là một món hải sản quý.

   Sau bữa cơm trưa, nghỉ ngơi một chút, đoàn được phát mỗi người một chiếc áo phao rồi lên tàu đi ra thăm đảo Sơn Dương. Ngồi trên tàu có thể ngắm toàn cảnh cảng Vũng Áng theo một chiều chạy dài trên biển. Đảo Sơn Dương không có dân sinh sống, có diện tích trên dưới một cây số vuông nằm cách đất liền gần 4 hải lý, là một núi đá lẫn đất có nhiều loài cây nhỏ và vừa phủ xanh kín đảo. Có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, án ngữ cửa ngõ ra vào cảng Vũng Áng, đảo Sơn Dương được ví như một “con mắt thần” giữa biển khơi theo dõi, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng và hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển đồng thời cũng là nơi cho tàu thuyền của ngư dân trú ngụ khi đang hoạt động gặp thời tiết xấu.

  Đón tiếp đoàn tại khu nhà độc nhất trên đảo có Đại úy Đảo trưởng Nguyễn Đức Cu, Đại úy Chính trị viên Đặng Thế Hùng và nhiều sĩ quan khác. Đại úy Nguyễn Đức Cu cho biết, khó khăn nhất và cũng là thứ quý hiếm nhất ở nơi này là nước ngọt. Trên đảo chỉ có một cái giếng nước duy nhất, giếng này chỉ vào mùa mưa mới có nước còn quá nửa thời gian trong năm là khô cạn. Hiện tại đảo đã được đầu tư xây dựng một bể chứa nước mưa 150 m3. Lượng nước này dùng tiết kiệm cũng vẫn không đủ cho các chiến sĩ trên đảo sinh hoạt vào mùa hè. Trước đây nó là một hòn đảo hoang, năm 1972, Ban chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Anh cho đặt một Trung đội Pháo binh nhằm ngăn chặn từ xa các cuộc tập kích của không lực và tàu chiến Mỹ. Đến nay thì trên đảo đã có một Đại đội trực thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đóng chốt làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác biển.

  Rời đảo Sơn Dương, chúng tôi quay về trụ sở Trạm Biên phòng Cửa khẩu Vũng Áng, ngồi dưới tán lá những cây lộc vừng xanh tươi, râm mát. Trong cuộc giao lưu chuyện trò, trao đổi, nhà văn Nguyễn Hùng Sơn nói người quê ông gọi cây lộc vừng là cây mòng, có câu ca dao như sau:

Cá lẹp mà kẹp lá mòng

Chồng gắp nặng đũa, vợ trừng mắt ra

  Thi thoảng có những câu tán vui như vậy cũng làm nhẹ bớt đi cái nắng nóng oi gắt của mùa hạ miền Trung. Được biết, theo chương trình thì đoàn sẽ tiếp tục dùng cơm tối tại đây cho nên đồng chí Thiếu tá Trạm trưởng cử đồng chí Trạm phó đi tiếp đoàn bữa cơm trưa còn Trạm trưởng ở nhà vừa lo công việc thường nhật của Trạm vừa chỉ đạo triển khai chuẩn bị bữa cơm tối tiếp đoàn. Các nhà văn ai cũng thấy cảm động về thịnh tình và thái độ trọng thị của anh em cán bộ chiến sĩ Biên phòng đối với đoàn.

   Về chống giặc dịch Covid19, không khí ở khu vực ven biển không sôi động, khẩn trương như khu vực biên giới vùng rừng núi phía Tây. Bản thân một số anh em chiến sĩ ở đây cũng đã được Bộ chỉ huy tỉnh trưng dụng điều động tăng cường cho các Đồn Biên phòng phía Tây. Nhưng  như thế không phải là không có những khó khăn, vất vả. Hàng ngày các anh vẫn phải luôn đề cao cảnh giác, luôn tuần tra, túc trực phòng chống những tội phạm về buôn lậu, về an ninh, an toàn biên giới, hủy hoại môi trường biển, canh gác, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cho sự bình yên của biển trời, hải đảo. Xin được ghi chép lại một vài mẩu chuyện của các anh trong 5 tháng đầu năm vừa qua:

 -   16 giờ 30 phút ngày 21 tháng 01 năm 2020, ngư dân Hoàng Văn Tính trú tại thôn Đông Yên – xã Kỳ Lợi đánh cá ở khu vực đảo Sơn Dương phát hiện một thi thể trên biển cách đảo Sơn Dương khoảng 100 mét về phía đông, Nhận được thông tin, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Đại đội Đảo Sơn Dương vớt đưa thi thể nạn nhân lên bờ.

-  15 giờ 40 phút ngày 23 tháng 02 năm 2020, có 8 người dân ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên đến khu vực biển Mũi Ròn xã Kỳ Lợi cạo rong biển, một người trong số 8 người không may bị sóng đánh rơi xuống biển. Tin báo đến Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng – Sơn Dương. Đơn vị nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện ra địa điểm trên để cứu người gặp nạn. Mặc dù sóng lớn, bãi đá gập ghềnh, phương tiện khó tiếp cận. Nhưng Đến 16 giờ cùng ngày thì lực lượng cứu hộ của đơn vị đã cứu vớt được nạn nhân.

- Vào khoảng 3h00 ngày 05 tháng 3 năm 2020, tàu Đức Minh mang số hiệu 555 thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Đông Đô chở đá vôi từ phía Bắc vào Quảng Ngãi thì bị mất điều khiển lái, trôi dạt tự do trên biển. Đến 5h sáng, tàu trôi dạt vào vùng biển xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, và bị nghiêng chìm do va vào đá, nước ngập ca bin. Ngay sau khi nhận được thông tin. Ban Chỉ huy Biên phòng cảng Vũng Áng –Sơn Dương đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Áng nhanh chóng triển khai lực lượng, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh huy động phương tiện khẩn trương cùng với Đồn Biên phòng Kỳ Khang ứng cứu các thuyền viên. Tuy biển động, việc cứu nạn rất khó khăn nhưng lực lượng biên phòng và ngư dân đã đưa được các thuyền viên vào bờ an toàn.

- Vào khoảng 15 giờ ngày 18/4/2020 tại khu vực vùng biển thôn Hải Thanh, xã Kỳ lợi, tàu câu mực của anh Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1978, trú tại thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi, đang thả lưới đánh bắt cá thì bị một tàu không số đâm chìm. Nhận tin báo, Ban Chỉ huy đã cử lực lượng phối hợp với ngư dân truy đuổi. Do tàu của đơn vị có công suất nhỏ nên không bắt được tàu vi phạm. Sau đó đơn vị đã phối hợp với thôn Hải Thanh giúp gia đình anh Hạnh trục vớt và kéo thuyền vào bờ.

-Trong 5 năm qua, xử lý 18 vụ với 26 đối tượng liên quan đến hình sự; 28 vụ với 43 đối tượng vi phạm hành chính. Tang vật thu giữ 517.8 kg pháo hoa; 73,2 kg thuốc nổ, 1000 lít dầu Diezen; 18.049 viên ma túy tổng hợp... Nộp phạt kho bạc nhà nước 180.500.000đ.

    Nếu những ngày ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo phía Tây đã ghi dấu ấn hình ảnh mầu áo của các chiến sĩ Biên phòng hàng ngày, hàng giờ không quản ngày đêm canh chốt, gìn giữ bình yên, làm lá chắn sống chặn giặc dịch không để lây lan tràn vào đất nước thì tại Cửa khầu cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương, chúng tôi lại ghi đậm dấu ấn hình ảnh của các anh, những chiến sĩ áo xanh, xanh như màu nước biển cũng luôn hằng ngày, hàng giờ canh giữ cho sự bình yên của biển đảo, của những con thuyền ngư dân hàng ngày lướt sóng ra khơi, canh gác, giữ gìn cho màu đại dương thân yêu của Tổ quốc mãi mãi xanh trong.

 

                                                                                                        C.S

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *