Chân dung văn

7/7
10:33 PM 2020

ĐẠI DỊCH (ĐINH TRANG MỘNG CỦA DIÊM LIÊN KHOA)

ĐẶNG LƯ- Viết xong cuốn tiểu thuyết Đinh Trang mộng, nhà văn Diêm Liên Khoa thổ lộ: “Duy có một điều khiến tôi cảm thấy bất an là trong thế giới đầy hoan lạc này, khi các bạn đọc tiểu thuyết của tôi, khi đọc Đinh Trang mộng, tôi không thể đem đến cho các bạn niềm vui, mà chỉ có thể đem đến cho các bạn nỗi đau đớn nhói lòng. Về điều này, tôi xin cáo lỗi với các bạn”.

Viết xong cuốn tiểu thuyết Đinh Trang mộng, nhà văn Diêm Liên Khoa thổ lộ: “Duy có một điều khiến tôi cảm thấy bất an là trong thế giới đầy hoan lạc này, khi các bạn đọc tiểu thuyết của tôi, khi đọc Đinh Trang mộng, tôi không thể đem đến cho các bạn niềm vui, mà chỉ có thể đem đến cho các bạn nỗi đau đớn nhói lòng. Về điều này, tôi xin cáo lỗi với các bạn”.

Thế giới đầy hoan lạc mà nhà văn nói đến là thế giới nào vậy? Nó đã tồn tại ở đâu? Hay chỉ cần những ngày thường vui buồn bất chợt đan xen của cuộc sống bất cứ nơi nào trên trái đất này cũng đáng được xem là thế giới hoan lạc nếu đem so sánh với những gì đã diễn ra ở cái thôn Đinh Trang trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa? 

Câu trả lời sẽ có ngay, sau khi người đọc nếm trải cái cảm giác ghê rợn, kinh hoàng gợn lên bởi từng câu từng chữ của cuốn tiểu thuyết.

Nếu không đọc những dòng phi lộ của tác giả, dễ nghĩ những gì được mô tả trong tiểu thuyết này chỉ thuần là sản phẩm hư cấu, tưởng tượng và được thể hiện bằng bút pháp cường điệu, biểu trưng. Hóa ra “Đinh Trang mộng”  được viết dựa trên một câu chuyện có thật ở một thôn có nhiều người bị bệnh AIDS mà Diêm Liên Khoa đi thực địa”. “Đinh Trang là địa danh tiểu thuyết của một làng hẻo lánh “trên bình nguyên xa xôi bên cổ đạo Hoàng Hà, ở đó, cuộc sống vốn khốn cùng của người dân giàu lên nhanh chóng nhờ những cuộc bán máu phi pháp”.

Tuy nhiên, biết được những gì đã xảy ra trong thực tế cũng như việc nhà văn đã thâm nhập thực tế ấy như thế nào không phải là điều quá quan trọng, bởi vì, 341 trang sách (bản dịch tiếng Việt) đã đủ để dẫn người đọc vào một thế giới, ở đó, có đủ mọi sắc màu: bần cùng thâm căn và phồn hoa nhất thời; lạc hậu kinh niên và tân tiến chớp nhoáng; thiện lương sáng ngời và ác độc tăm tối; mù lòa bản năng và sáng suốt lí trí; chân thành thủy chung và phản trắc lật lọng; toan tính mưu mô và ngây thơ nông dại; lý tưởng cao cả và dục vọng thấp hèn; cảm xúc bi thương và tiếng cười hài hước; thực tại trụi trần và ảo mộng phù phiếm; bát nháo dương gian và hỗn độn âm giới… Mọi cung bậc cảm xúc của người đọc như con lắc chao qua chao lại giữa những thái cực ấy.

Nguyên cớ nào khiến một làng hẻo lánh bình yên phải chịu sự càn quét tàn khốc của dịch nhiệt (AIDS) để cuối cùng cả làng bị xóa sổ, trở thành hoang địa như sau trận hồng thủy? Thèm khát giàu có - ấy là câu trả lời đích xác.

Ước muốn giàu có và hưởng thụ là mẫu số chung của nhân loại xưa nay. Từ một góc nhìn nào đó, ước muốn ấy được xem là chính đáng. Nhưng thật khốn nạn, ở Đinh Trang, giàu có trở thành một thứ dục vọng cuồng điên, sục sôi trong huyết quản mọi người. Già trẻ trai gái, tất tật đều muốn kiếm thật nhiều tiền để có nhà cao cửa rộng, tiện nghi đủ đầy, đua tranh với thiên hạ. Làm gì để có tiền? Con đường duy nhất để kiếm tiền thật nhiều, thật nhanh là… bán máu. Bán máu một cách ngu muội, liều lĩnh, lạ thay lại được coi là hành vi khôn ngoan của những kẻ thức thời. Trạm thu mua máu mọc lên đầu làng cuối xã, xe mua máu lưu động đi lại như con thoi. Người mua đưa dụng cụ lấy máu ra tận bờ ruộng; người bán buông cày cuốc, lên nằm ngay trên bờ vén tay áo cho người ta chích kim hút máu. Bán xong, lảo đảo đi không vững thì nằm dốc đầu xuống để máu tuần hoàn lên não, cho hết xây xẩm mặt mày. Đầu nậu mua máu tranh nhau tăng giá để thu hút người bán. Người bán vì hám tiền, hễ được giá là sẵn sàng bán ngay, dù mặt mày xanh mét hay vàng võ vì cơ thể chưa kịp phục hồi. Bịch đựng máu là những bao ni lon, được dùng đi dùng lại, sau mỗi lần trút máu ra giao cho đầu mối ở trên về, được giặt qua bằng nước ao hồ. Thu mua máu đã trở thành một thứ nghề dễ phát đạt nhất. Những kẻ làm nghề ấy hoàn toàn nghiệp dư, không mảy may có chút kiến thức tối thiểu về Y học. 

Hậu quả là cả thôn Đinh Trang trở thành ổ dịch. Do những mũi kim tiêm lấy máu được dùng hết người này đến người kia một cách bừa bãi, bệnh AIDS lây lan với tốc độ chóng mặt.

Đã có vô số tài liệu nói đến sự đáng sợ của căn bệnh thế kỷ này, song vẽ ra được một bức tranh toàn cảnh về một cộng đồng đang dần dần rữa nát cả thể xác lẫn tinh thần bởi sự tàn phá khủng khiếp của loài vi rút HIV quái ác, thì có lẽ hiếm thấy tác phẩm văn học nào sánh được Đinh Trang mộng của Diêm Liên Khoa.

Viết Đinh Trang mộng, chủ đích nghệ thuật của tác giả chưa hẳn ở chỗ phản ánh một mảng hiện thực đã xảy ra trên đất nước Trung Quốc trong những năm tháng mở cửa, chạy đua kinh tế, dù sự phản ánh đó là vô cùng sắc nét. Xét ở chiều sâu của nó, Đinh Trang mộng đã dựng nên một thế giới chưa từng thấy, thế giới ấy như một thứ dung dịch đặc biệt, bị “nhúng” vào đó, mỗi cá nhân - con bệnh sẽ lập tức biến màu, phô ra tất cả những gì âm u sâu kín nhất trong bản thể vốn có.

Khi mà bệnh nhiệt tấn công mọi nhà, theo sáng kiến của Đinh Thủy Dương - một người bảo vệ trường làng, giờ được gọi bằng danh xưng đầy tôn kính: thầy giáo Đinh - người ta đã biến ngôi trường thành khu cách li. Người Đinh Trang, ai mắc bệnh nhiệt đều có thể đem tư trang vào ở khu cách li đó. Lương thực thì phải đóng góp theo quy định chung. Ở đây, có người quản lí (thầy giáo Đinh), có người tiếp phẩm, có đầu bếp,… tất cả đều phải tuân thủ nội quy sinh hoạt tập thể.

Một đám người võ vàng, xanh xao, kiệt sức vì bệnh nan y, ai cũng đã bị tuyên án tử, phải lìa cha mẹ, vợ/chồng, con cái, sống biệt lập một nơi, kẻ trước người sau rồi sẽ ra đi trong cô độc, đớn đau, tủi hổ. Thế giới cận tử ấy như một ốc đảo bị cách li cuộc sống bên ngoài. Lẽ ra, đó phải là môi trường của sự cảm thông, trắc ẩn, sẻ chia giữa những kẻ đồng bệnh. Nhưng không, cái “đáy chảo” đã bị nung nóng kia vẫn mang đầy đủ tính chất một xã hội thu nhỏ của cái giống sinh vật được gọi là “người”. Ở đó, hằng ngày vẫn diễn ra những bi hài xộc xệch, nhếch nhác như muôn đời nay vốn vậy. Hơn thế, chính cái thể trạng ốm yếu cùng môi trường sống đặc biệt đã làm phát lộ những căn bệnh tinh thần trầm kha ủ bấy lâu trong chừng ấy con người. 

Có những kẻ gian dối lén bỏ gạch đá lẫn trong gạo cho đủ cân theo tiêu chuẩn phải nộp.

Có những kẻ đang tâm ăn cắp, từ bát gạo, đồng tiền đến cái áo ấm mà chủ của nó luôn giữ bên mình như báu vật.

Có những đôi thông dâm với nhau giữa không gian ngột ngạt, vướng vất tử khí, ngay cả khi tử thần đã điểm danh.

Và mưu mô. Đầy rẫy mưu mô. Ghê tởm nhất là hành động cài bẫy của hai kẻ khốn nạn Đinh Dược Tiến và Giả Căn Trụ để rắp tâm giật quyền quản lí khu cách li từ tay thầy giáo Đinh công tâm, đáng kính. Và khi đã nắm quyền, chúng tha hồ tự tung tự tác: riêng thụ hưởng tiêu chuẩn đặc biệt giữa một đám người khốn khổ đang lê lết về cõi chết; phá nát cơ ngơi ngôi trường mà thầy giáo Đinh đã dành một đời vun vén, giữ gìn bằng tất cả công sức và tâm huyết; tùy tiện ban phát tài sản của nhà trường cho người nhà và lũ đàn em cánh hẩu; bớt xén, ăn cắp mọi thứ mà chính quyền cấp trên cung ứng cho đám bệnh nhân HIV; tùy cảm tình cá nhân thiên vị người này, bất công với người kia trong việc chia chác cổ thụ trong thôn cho từng nhà làm hậu sự chôn cất người chết; toan tính lợi ích vật chất lẫn tinh thần ngay khi sự sống chỉ còn đếm từng ngày… Không khó để nhận ra ở hai “cán bộ” quản lý khu cách ly hình ảnh của đủ loại quan chức to nhỏ trong cái xã hội mà bệnh hám quyền, tham lam đã là một não trạng. Con dấu - bảo chứng của quyền lực - trở thành vật tổ của thứ bái - vật - giáo - quái - dị thời hiện đại. Để có được con dấu, người ta không từ một thủ đoạn nào, và cả khi sắp chui vào huyệt mộ, vật tùy táng mà người ta ao ước có được cũng chỉ là con dấu. Máu quyền lực vốn là căn tính muôn thuở của nhân loại, qua ngòi bút của Diêm Liên Khoa, nó đã mang khuôn mặt cụ thể và địa chỉ xác định. 

Đọc Đinh Trang mộng mới thấy, hóa ra cái món “quốc dân tính” Trung Hoa mà Lỗ Tấn đã khám phá và thể hiện sắc sảo trong hàng loạt sáng tác của ông vẫn còn vẹn nguyên, sống động trong thực tại hôm nay. Dù biến thái tinh vi trong điều kiện mới của thời đại, nhưng căn tính ấy vẫn mang đầy đủ những yếu tố di truyền của một dân tộc. Ấy là sự ngu muội đến kì cục, là lạc hậu đến quái đản, là sự tham lam vô độ, là khao khát giàu có đến si dại, là ham quyền lực đến cuồng điên… 

Nụ cười chát đắng trong Đinh Trang mộng bật lên ở bao nhiêu tình tiết đầy ẩn ý. Người Trung Hoa thường tự hào về nền văn minh rực rỡ, lâu đời. Thì đây, thứ văn chương du dương phù phiếm muôn thuở đang trơ xác ở những câu đối lâm li giả tạo sáo rỗng dán trước nhà người chết; những kỳ công của nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc rốt cuộc chỉ điểm tô cho những hầm mộ phù hoa phô trương đến mức bệnh hoạn. Phải thừa nhận, qua cách miêu tả tỉ mỉ, kì khu, Diêm Liên Khoa đã chứng tỏ có một vốn hiểu biết thâm hậu về nghệ thuật truyền thống Trung Hoa. Nhưng sự uyên bác ấy dường như chỉ tập trung cho mục đích trào lộng thâm thúy. Hóa ra, cái tinh túy của văn hóa Trung Hoa chỉ cốt điểm trang lộng lẫy và xa xỉ cho cõi âm. Tuyệt nhiên không hề thấy ý nghĩa nhân sinh tích cực nào. Cảm hứng giải thiêng bao trùm toàn bộ cuốn tiểu thuyết.

Tương phản, đối chọi là bút pháp được Diêm Liên Khoa ưa dùng, và ở Đinh Trang mộng, bút pháp đó đã phát huy tối đa hiệu lực của nó. Trên cái nền u xám, bi thương, tác giả cho người đọc chứng kiến một cuộc quyết đấu dai dẳng. Đại diện cho hai lực lượng (lương tri sáng suốt và dục vọng tăm tối) trong cuộc quyết đấu một mất một còn ấy, ác nghiệt thay lại là hai cha con: thầy giáo Đinh Thùy Dương và Đinh Huy - con trai cả của ông.

Đinh Huy là nhân vật điển hình cho loại người đắm đuối dục vọng giàu có và quyền lực. Từ một gã buôn máu ở thôn, anh ta trở thành trùm đầu nậu máu của cả vùng. Khi bệnh nhiệt trở thành đại dịch, Đinh Huy nhảy phóc lên làm cán bộ xử lý dịch bệnh, nắm khâu phân phối quan tài cho cái vùng quê người chết như ngả rạ vì AIDS. Ngoài quản việc phát/bán quan tài, anh ta còn quản thêm việc phối âm hôn (dựng vợ gả chồng cho âm hồn những người trẻ đã chết vì bệnh nhiệt mà chưa lập gia đình). Ở vị trí nào, bằng những thủ đoạn bẩn thỉu, quái quỷ, gian manh, hắn đều kiếm được bộn tiền. Để có tiền và củng cố địa vị, hắn có thể làm những điều kinh rợn, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Hắn sẵn sàng vứt bỏ cơ ngơi đàng hoàng ở Đinh Trang, chạy khỏi vùng đất chết, lên tỉnh, nhập làng quan, sở hữu biệt thự sang trọng khiến thứ dân đi qua không dám ghé mắt nhìn. Hắn có đủ sức mạnh để thực hiện những ý đồ đen tối, kể cả lấy mạng sống của ai đó ở quê, nếu muốn. Đối xử với cha, ban đầu là hỗn láo, ngược ngạo bất chấp đạo lý, sau đó hắn thể hiện ý chí bẻ gãy sự cứng cỏi, cương trực, cuối cùng là đắc ý cợt nhạo bởi cho mình luôn ở thế trên. Những gì hắn làm cho vợ chồng đứa em xấu số hay cho cha, chỉ xuất phát từ một động cơ: thiên hạ hãy mở mắt ra mà biết sức mạnh vô đối của Đinh Huy ta.  

Có thể nói, Đinh Huy là đại diện cho một lớp người hãnh tiến, được xem là thành đạt trong xã hội kim tiền hiện đại. Ở loại người này, những tiêu chuẩn tối thiểu của đạo lý, lương tri đều bị vứt bỏ. Để thỏa mãn dục vọng cá nhân, chúng sẵn sàng biến cả những gì thiêng liêng nhất thành phương tiện. Những nhân vật tha hóa từ thời tích lũy tư bản nguyên thủy ở phương Tây xa xôi đã tái sinh ở đất nước Trung Hoa thời hiện đại, nhưng do sự chi phối của điều kiện địa chính trị, địa văn hóa, chúng hiện ra với hình thù quái đản và sức tàn phá khủng khiếp hơn mẫu gốc rất nhiều.

Chọi với Đinh Huy, không ai khác là thầy giáo Đinh Thùy Dương - người cha của hắn. Chỉ có thầy giáo Đinh mới thấu suốt ruột gan, nhận ra rất sớm sự bất lương vô đạo của thằng con trai. Vốn là người công chính, ông không thể chấp nhận hành vi gieo rắc tội ác với cộng đồng của Đinh Huy. Ông muốn chặn đứng những toan tính mưu mô mà Đinh Huy hàng ngày rắp tâm thực hiện. Cái điệp khúc: mày hãy quỳ lạy người dân Đinh Trang đi, mày hãy chết trước mặt người dân Đinh Trang đi mà ông luôn thét vào mặt thằng con đã cho thấy giới hạn cuối cùng sự chịu đựng của ông. Nhưng trong cuộc đấu sinh tử này, ông luôn bị dồn vào thế bí. Không những thất bại vì bị tước đoạt quyền quản lý khu cách ly, ông còn tỏ ra bất lực khi nhìn Đinh Huy thăng tiến, cả tài sản và địa vị. Mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ông. 

Và nặng nề làm sao khi tác giả đã đặt nhiệm vụ tiêu diệt con quỷ khốn kiếp Đinh Huy vào tay người cha già của nó, vốn đã cạn kiệt sức lực và niềm tin. Khi mà cả Đinh Trang ai cũng muốn Đinh Huy phải chết để đền tội, nhưng không biết bằng cách nào để giết hắn, khi mà Đinh Huy đang tận hưởng cảm giác đắc thắng sau những thách thức ngạo mạn, thì điều không ngờ đã xảy ra: thầy giáo Đinh giơ cây gậy gỗ dẻ dài năm thước đập vào gáy, kết liễu thằng con trời đánh. Ông giết một cách quyết đoán, mau lẹ. Ông thỏa mãn vì đã làm một việc nghĩa: bắt Đinh Huy phải trả món nợ máu với dân Đinh Trang. Ông đến gõ cửa từng nhà hoan hỉ báo tin việc mình “một gậy đánh chết Đinh Huy”. Âm hưởng lạc quan cất lên từ sự kiện bi thiết, ấy là cái đối nghịch của cảm xúc thẩm mĩ mà Diêm Liên Khoa đã tạo ra bằng bút pháp đậm tính lãng mạn và giàu nghĩa biểu trưng. Và cũng thật lãng mạn ở ước mơ xóa sạch thế giới già nua, bệnh hoạn này để xây dựng một thế giới mới thanh tân từ những mầm sống khỏe khoắn như sau cơn hồng thủy. Hoàn toàn có thể nghĩ đến điều đó không chỉ bởi những hình ảnh của “một thế giới mới nhảy nhót” vui tươi ở cuối tác phẩm gợi ra, mà còn bởi các biểu tượng từ Kinh Thánh vốn được Diêm Liên Khoa sử dụng thường xuyên trong các tiểu thuyết của ông.

Tôi ghi lại những cảm nhận khi đọc Đinh Trang mộng giữa những ngày đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới. Khi những dòng này được viết ra, trên thế giới đã có hơn 11,7 triệu người nhiễm bệnh, hơn 540 ngàn người đã tử vong. Đối mặt với đại dịch thế kỷ, loài người đã giật mình vì nhận ra bao nhiêu điều bất ổn, từ các thể chế chính trị, chính sách xã hội, hành vi đạo đức… cho đến ý nghĩa sự sống và cái chết của mỗi cá nhân. Những dòng suy tư đa chiều, bất tận, không thể nắm bắt hết. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với bài giảng trực tuyến của Diêm Liên Khoa cho lớp sau đại học ở Hồng Kông “về coronavirus, ký ức cộng đồng và những người sáng tác sẽ nói về đại dịch này như thế nào” vào thời điểm mà thông tin về những ngày đen tối tại thành phố Vũ Hán khiến cả nhân loại phải lo âu. “Khi chúng ta đối diện với sự tái hiện của “vở kịch tử thần” này một lần nữa, chẳng phải ít nhất ta cũng nên tự hỏi chính mình rằng ta có những ký ức gì về biến cố đã xảy ra trong quá khứ mà ta là một phần trong đó?” - Diêm Liên Khoa đã căn dặn các học viên như thế, và hơn ai hết, chính ông đã luôn ý thức việc lưu giữ trong kí ức của mình những biến cố thương tâm mà cộng đồng đã trải qua.

Từ góc nhìn ấy, Đinh Trang mộng há chẳng phải là sự lên tiếng của kí ức nhà văn về một “vở kịch tử thần” từng diễn ra đối với đồng bào ông ở một thời điểm không được phép quên?

 

NGUỒN: VĂN HÓA NGHỆ AN

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *