Chân dung văn

30/8
3:18 PM 2020

DUYÊN NỢ GIỮA VĂN MINH VÀ CỘI RỄ

Lâm Hà Bảo Ngọc-Ở tuổi 90, nữ nhiếp ảnh gia gạo cội Brazil, Claudia Andujar được ghi nhận như một gương sáng công dân toàn cầu, quên mình cho một dân tộc thiêu số của nước này. Đó là tộc người Yanomamis ở rùng Amazone rộng lớn.

Bà sinh năm 1931 ở Thụy Sĩ. Năm 1952, học xong, bà được nhận làm việc cho Liên hợp quốc, như một hướng dẫn viên du lịch. Năm 1955, khi biết tin mẹ đã trôi dạt tới Brazil, bà xin phép đi thăm mẹ. Phần thương mẹ, phần người Brazil cởi mở và gần gũi hơn người Mỹ, bà ở lại hẳn ở xứ sở xa lạ mà thân thiết. Bà dạy tiếng Anh và tiếng Pháp để độ nhật. Các vùng đất và con người Brazil giúp bà như tìm thấy lại thiên đường tuổi thơ của mình. Nên khao khát ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, như những kỷ niệm vô giá. Thế là bà mua máy ảnh, tự học, và dần dần trở thành một nữ “phó nháy” có tay nghề. Bà bắt đầu hoạt động như một nhà báo ảnh. Cho nhiều báo và tạp chí, không chỉ ở Brazil.

Đời sống các tộc người thiểu số Brazil ngày một lôi cuốn bà. Bà đi ngày càng xa càng sâu tới những vùng xa vắng. Tấm lòng của bà đối với Brazil được lan truyền rộng rãi. Giáo sư Darcy Ribeiro (1922-1997), nhà nhân loại học, kiêm nhà văn Brazil, nhận ngay ra lòng nhân ái công bằng và thâm hậu của Claudia Andujar. Nên khuyên bà “Đến với các dân tộc thiểu số tự trị, đặc biệt là dân Yanomami”.

 

Claudia Andujar tiến hành những chuyến đi dài gần như vô tận đến những nơi khỉ ho cò gáy ở Brazil. Đôi lần bà tưởng mình sắp hụt hơi rồi. Quỹ John Simon Guggenheim lừng lẫy của Hoa Kỳ bèn liên hệ và xin cung cấp cho bà một gói hỗ trợ hai năm đáng nể. Đó là năm 1971. Năm ấy, bà được nhận quốc tịch Brazil. Cũng năm ấy, bà lần đầu tiên vươn tới dân tộc Yanomami. Hai năm sau, Quỹ nhân đạo trên hỗ trợ tiếp cho bà một gói hai năm nữa. Cuộc xâm nhập kiểu “ba cùng” (cùng ăn cùng ở cùng lao động) của bà vào thế giới những người đáng mến và đáng lo được thực hiện khá mỹ mãn. Năm 1976, Quỹ FAPESP (Quỹ trợ giúp nghiên cứu) của bang Sao Paulo, Brazil, nơi mẹ con bà cư ngụ, rót tiền cho bà như một ghi nhận công lao của bà cho nhân dân Brazil. Nhờ vậy, bà đã có thể đến sống cùng những người Yanomami suốt 14 tháng liền. Có điều, nhà cầm quyền (độc tài quân sự, 1964-1985) không dễ bỏ qua chuyện ấy. Bao đời nay, dân Yanomami vẫn sống bằng nghề săn bắn và làm vườn. Họ cũng biết tiếp nhận ánh sáng văn minh. Một số con em họ đã nỗ lực học hành, giao thiệp được với các tộc người lai hay da trắng. Những con cháu ấy trở thành người phát ngôn của dân Yanomami trước đất nước Brazil và toàn cầu. Một trong những người nổi tiếng nhất là pháp sư Davi Kopenawa, sinh năm 1956… Lo sợ những bất mãn hay bạo loạn tiềm năng, chính phủ độc tài cho một người của Quỹ thổ dân quốc gia Brazil (thành lập năm 1967) đến nói với bà khi đang sinh sống với dân Yanomami: “Người ta không hiểu việc bà làm ở nơi này. Mời bà thu xếp quay về nơi xuất phát”. Họ gần như áp giải bà ra máy bay chờ sẵn. Đó là năm 1977. Bà không đơn độc trong cuộc chiến đấu cho quyền được sống của dân Yanomami. Nhiều nhà nhân chủng học, dân tộc học, nhiếp ảnh gia, nhà báo, chuyên gia hoạt động xã hội của Brazil và nhiều quốc gia sát cánh cùng bà. Họ cổ vũ, hỗ trợ bà lan truyền rộng rãi trên thế giới tiếng nói của bà, lẽ phải và chính trực. Nhất là trong việc công bố tác phẩm. Bà tiếp tục viết sách về dân tộc ấy, công bổ ở Brazil, Mỹ và các nước khác. Bà chọn lọc nhiều ảnh mà bà chụp được mấy năm vừa rồi, đưa lên nhiều ấn phẩm báo chí, bên cạnh những cuộc triển lãm ảnh gọn nhẹ và thiết thực. Những triển lãm ấy đều ấn tượng, đặc biệt ở Hoa Kỳ, nơi có trụ sở Liên hợp quốc, một đích quan trọng của nhóm công tác của bà. Năm 1978, bà và hai chiến hữu thân cận nhất, thành lập Ban vận động xây dựng Khu bảo tồn Yanomami. Ban này chính thức yêu cầu nhà nước Brazil thừa nhận sự cần thiết của khu ấy và xác định biên giới của nó trên thực địa. Ba người và các chiến hữu lăn lộn nhiều năm, bất chấp vô số cam go tưởng chừng không vượt nổi. Ví dụ, từ đầu những năm 1980, chính phủ Brazil cho mở quốc lộ xuyên qua khu vực Amazone. Việc ấy ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống dân Yanomami: nơi ở và vườn tược bị xâm phạm, rừng cây và sông nước bị tàn phá nặng nề, dịch bệnh bùng phát. Claudia Andujar kịp thời ghi lại và công bố những cảnh nhói lòng như xe ủi húc đổ nhà chung của dân, phá tan những mảnh vườn, trẻ em ốm o vì bệnh sởi, đậu mùa… Từ Brazil và nhiều nơi trên thế giới, từ Liên hợp quốc, cất lên mạnh mẽ nhiều tiếng nói phản biện chí lý. Chính phủ Brazil phải thận trọng và đối xử đúng mực với người Yanomami.

Cuộc đấu tranh của Claudia Andujar và các chiến hữu, trong đó có Davi Kopenawa, lãnh tụ tinh thần và người phát ngôn của dân tộc Yanomami, giành được chiến thắng năm 1992: Chính phủ Brazil tuyên bố khai sinh Vườn quốc gia Yanomami rộng tới 96.000 km2. Tuy nhiên, quyền sống của dân tộc khoảng 30.000 người này chưa hoàn toàn được bảo đảm. Từ giữa những năm 1990, hàng nghìn người xâm nhập vào Amazone để tìm vàng và kim loại. Do đó, nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh tật lan tràn. Claudia Andujar vận động được một chiến dịch tiêm phòng hữu hiệu. Nhờ bà, thuốc thang được ủng hộ không thiếu... Năm 2008, bà được trao tặng Huân chương Công trạng văn hóa của chính phủ Brazil. Bà vẫn đi về với gia đình thứ hai, tức tộc người Yanomami. Chuyến gần nhất là năm 2018. Năm ấy, bà được tổ chức một triển lãm ảnh hoành tráng và chấn động mạnh ở Sao Paulo. Đầu năm nay, Quỹ Cartier vì nghệ thuật hiện đại của Pháp dành cho bà cuộc triển lãm tương tự ở Paris, kéo dài nhiều tháng liền. Tiếp đó, cuộc triển lãm sẽ luân lưu sang Italia và nhiều nước khác. Ấy là do bà là một trong những nhà nhiếp ảnh đặc sắc nhất và cách tân nhất thế giới hiện thời. Từ những năm 1960 và 1970, bà đã chụp được từ trên cao cả một khu rừng rộng lớn, toàn màu hồng rực. Đây hẳn là tượng trưng cho sức sống của thiên nhiên, của các dân tộc thiểu số quấn quýt với rừng. Một ảnh khác, cũng chụp từ trên cao, giữa rừng bát ngát là một vật thể lạ, trông xa như một chiếc nón úp khổng lồ, đó là một ngôi nhà chung, trong đó 250 người có thể chung sống tiện lợi và thoải mái. Điều quan trọng hơn cả khiến bà được tôn sùng là nhìn nhận nhân bản, và do đó chuẩn xác nhất, của bà về cõi đời. Hơn ba trăm bức ảnh của bà trình bày khá toàn diện cuộc sống của người Yanomami, bộc lộ tâm sự cảm động của một nghệ sĩ, một người thường, về nhân tình thế thái.

Toàn bộ khu triển lãm của Quỹ Cartier được dành cho sự nghiệp của bà. Ánh sáng xen kẽ bóng tối, âm nhạc đan xen phim tài liệu, Triển lãm “Claudia Andujar – Cuộc đấu tranh cho dân tộc Yanomami” thực sự lôi cuốn và để lại dư âm thánh thiện.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *