TIỂU THUYẾT NGÔN TÌNH TRUNG QUỐC TẠI VIỆT NAM DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG
Kết quả trên cho thấy đây là một “hiện tượng đọc” rất đáng quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, mặc dù xuất hiện tại nước ta trong một khoảng thời gian không ngắn, gây xôn xao dư luận với những luồng ý kiến khác nhau nhưng hiện tại vẫn chưa có những nghiên cứu khoa học, cặn kẽ về thể loại này với tư cách là một hiện tượng văn hóa đại chúng ngày nay.
Bài viết của chúng tôi nhằm trả lời cụ thể cho vấn đề trên.
Nhìn tiểu thuyết ngôn tình như một hiện tượng của văn hóa đại chúng, chúng ta sẽ nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của dòng tiểu thuyết này. Văn hóa đại chúng có đối tượng thụ hưởng là đại đa số dân chúng - những người có trình độ giáo dục ở mức độ tương đối. Đó là những sản phẩm văn hóa được sản xuất cho số đông, đại trà, không phân biệt giới tính, quốc gia, tuổi tác, quốc tịch... được phổ cập, truyền bá và chịu sự chi phối của các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, truyền thanh, truyền hình, internet... Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân đưa ra nhận xét: văn hóa đại chúng có hai đặc tính nổi bật là tính thương mại và tính giải trí. Điều này bắt nguồn từ việc nền văn hóa đại chúng phải đáp ứng hai tiêu chí cơ bản là “hiệu quả tiêu thụ của sản phẩm văn hóa” và “thị hiếu của đại chúng toàn cầu”(1). Chúng ta có thể kể ra hàng loạt những ví dụ của văn hóa đại chúng đã và đang tác động đến Việt Nam như phim ảnh Hollywood hay thậm chí Bollywood; làn sóng “Hàn lưu” bao gồm phim Hàn, nhạc Hàn, ẩm thực Hàn...; nhạc pop, rock của phương Tây; tranh Manga, cosplay Nhật... Với những đặc điểm trên, chúng ta hoàn toàn có thể xếp tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc là một sản phẩm của văn hóa đại chúng tại Việt Nam. Trước hết, tiểu thuyết ngôn tình phục vụ cho số đông và chịu sự chi phối rất rõ của truyền thông, trong đó có thể kể đến nhiều nhất là internet. Tiểu thuyết ngôn tình bán rất chạy, có “hiệu quả tiêu thụ” rất cao. Rõ ràng nó đã đáp ứng một cách hoàn hảo “thị hiếu của đại chúng”. Để trả lời cho câu hỏi tại sao tiểu thuyết ngôn tình xuất phát từ Trung Quốc lại thu hút độc giả Việt Nam đến vậy, thiết nghĩ bước đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc của nó.
Gọi là tiểu thuyết ngôn tình vì đây là dòng tiểu thuyết bàn về chuyện tình yêu. Dù được chia làm nhiều thể loại như xuyên không (nhân vật vượt thời gian, không gian hiện tại để đến một thời gian, không gian khác), cổ đại (mang không khí cổ xưa), huyền huyễn (có yếu tố kì ảo), hắc đạo (xã hội đen), đam mĩ (tình yêu đồng tính nam), bách hợp (tình yêu đồng tính nữ), quân nhân (tình yêu của các cô gái và những người xuất thân trong quân đội), viễn tưởng..., nhưng nói chung, dòng tiểu thuyết này mô tả những chuyện tình yêu nam nữ đẹp đẽ, phản ánh đa diện xã hội hiện đại. Tiểu thuyết ngôn tình không phải mới xuất hiện ở Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng, trái lại nó là một “mạch ngầm ngàn năm” trong dòng chảy văn học của quốc gia này. Chỉ dấu đầu tiên của thể loại này là Tư Mã Tương Như liệt truyện trong Sử kí Tư Mã Thiên. Truyện đề cập đến mối tình phong hoa tuyết nguyệt giữa Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như. Đến đời Đường, Trung Quốc nở rộ những truyện truyền kì tình yêu như Oanh Oanh truyện (Nguyên Chẩn), Li hồn kí (Trần Huyền Hựu), Lí Oa truyện (Bạch Hành Giản), Hoắc Tiểu Ngọc truyện (Tưởng Phòng)… Đây đều là những câu chuyện tình li kì, được lưu truyền rộng rãi rồi sau đó biến thành những vở hí khúc (Oanh Oanh truyện chuyển thể thành Tây sương kí của Vương Thực Phủ, Li hồn kí thành Thiếu nữ li hồn của Trịnh Quang Tổ). Đời Tống - Nguyên, truyện truyền kì lại một lần nữa chứng tỏ sức hấp dẫn của nó với Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu. Tiễn đăng tân thoại có khá nhiều truyện miêu tả chuyện tình yêu, chuyện phòng the táo bạo như Ái Khanh truyện, Kim Phượng Thoa kí, Mẫu Đơn Đăng truyện… Đến đời Minh - Thanh, truyện truyền kì được thay thế bằng tiểu thuyết tài tử - giai nhân. Độc giả thời kì này rất hâm mộ các tiểu thuyết viết theo motip trên như Ngọc Kiều Lê, Kim Vân Kiều truyện, Bình Sơn Lãnh Yến, Định tình nhân, Hảo cầu truyện, Xuân liễu oanh, Lưỡng giao hôn, Cô sơn tái mộng, Ngô Giang Tuyết, Phi hoa diễm tưởng, Uyển như ước, Tái sanh duyên… Cuối đời Thanh, tiểu thuyết tài tử giai nhân suy yếu, nhường chỗ cho một thể loại khác cũng mang phong vị tình yêu là tiểu thuyết uyên hồ (uyên ương hồ điệp). Trong Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc (tập hai), những nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng: “Tác giả phái “uyên ương hồ điệp” phần lớn lấy đề tài hôn nhân, tình yêu, viết các mối tình trai gái không xa rời nhau như một đôi bướm, một cặp uyên ương. Đó là một loại tiểu thuyết tài tử giai nhân mới, chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết giai nhân thời Minh - Thanh và tác phẩm chủ nghĩa cảm thương của giai cấp tư sản nước ngoài, sinh ra trên mảnh đất của người nước ngoài nửa thực dân ở Thượng Hải, về tư tưởng vẫn không thoát khỏi quan niệm đạo đức luân lí phong kiến”(2). Theo quan sát của chúng tôi, nếu kết cấu của tiểu thuyết tài tử giai nhân là hội ngộ - gặp loạn li tán - đoàn viên, kết cấu của tiểu thuyết uyên hồ là hội ngộ - gặp khó khăn, trắc trở - li tán thì kết cấu của tiểu thuyết ngôn tình là sự kết hợp của kết cấu hai thể loại truyện trên theo motip hội ngộ - gặp khó khăn - li tán - đoàn viên/ chia lìa.
2. Tiểu thuyết ngôn tình vào Việt Nam từ khi nào, bằng con đường nào?
Theo chúng tôi, tiểu thuyết ngôn tình tuy là dòng mạch tiếp nối tiểu thuyết tài tử giai nhân và tiểu thuyết uyên ương hồ điệp nhưng vẫn là một thể loại có những đặc trưng riêng. Lướt qua sự truyền bá rầm rộ của nó trong khoảng năm năm gần đây, chúng ta thấy nó có nguồn mạch từ những năm 2006-2007, sau khi trào lưu văn học linglei (với những tác giả như Vệ Tuệ, Cửu Đan, Xuân Thụ...) tạm lắng xuống. Tào Đình được cho là tác giả đầu tiên có sách xuất hiện ở Việt Nam với tiểu thuyết khá đình đám lúc bấy giờ qua bàn tay của dịch giả Trang Hạ Xin lỗi, em chỉ là con đĩ. Cùng với Tào Đình, là Trương Duyệt Nhiên, tác giả khá trẻ của cuối mùa văn học linglei với những tác phẩm cũng mang hơi thở ngôn tình như Thủy tiên đã cưỡi chép vàng đi, Mèo đen không ngủ, Hoa hướng dương lạc lối… Sau đó là sự đổ bộ của hàng loạt những tác giả Tân Di Ổ, Phỉ Ngã Tư Tồn, Đồng Hoa, Minh Hiểu Khê, Diệp Lạc Vô Tâm... những tên tuổi khá nổi tiếng của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Tất cả đều được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt, tạo nên “cơn sốt” tiểu thuyết ngôn tình. Cơn sốt này có thể lí giải bằng những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, trên phương diện phóng tác, sáng tác. Các truyện thơ Nôm nước ta đa phần đều mượn cốt truyện từ tiểu thuyết tài tử giai nhân đời Minh - Thanh. Bình Sơn Lãnh Yến được Phạm Mĩ Phủ (chưa rõ tên thật) chuyển thể thành truyện thơ Nôm lục bát; Trung hiếu tiết nghĩa Nhị Độ Mai được chuyển thể thành truyện thơ Nôm lục bát Nhị Độ Mai. Các tiểu thuyết tài tử giai nhân khác của Trung Quốc như Ngọc Kiều Lê, Hảo cầu truyện cũng đều được chuyển thể thành các truyện thơ Nôm lục bát cùng tên ở Việt Nam... Đến giai đoạn đầu thế kỉ XX, dòng tiểu thuyết uyên ương hồ điệp kế thừa từ tiểu thuyết tài tử giai nhân tiếp tục ảnh hưởng đến sự hình thành tiểu thuyết Việt Nam trước năm 1930. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tiểu thuyết uyên ương hồ điệp ở Trung Quốc mà đặc biệt là tiểu thuyết ái tình của Từ Chẩm Á được dịch khá nhiều ở Việt Nam và có ảnh hưởng rất lớn đối với phương pháp sáng tác của các nhà văn thời kì này. Trong Theo dòng, Thạch Lam viết: “Ngày trước ta có rất ít tiểu thuyết, chỉ phỏng theo hay dịch của Tàu. Rồi chúng ta bắt chước viết tiểu thuyết, từ quyển Cành hoa điểm tuyết của Đặng Trần Phất đến quyển Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, qua những tiểu thuyết dịch của Từ Chẩm Á như Tuyết hồng lệ sử và Ngọc lê hồn; đó là thời kì tiểu thuyết bắt đầu nảy nở trong văn chương ta”(3). Qua nhận định của Thạch Lam, chúng ta có thể thấy sức ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với tiểu thuyết Việt Nam lớn như thế nào. Sự mô phỏng, phóng tác tiểu thuyết Trung Quốc từ quá khứ tiếp tục đến đương đại. Với trào lưu linglei của Trung Quốc, chúng ta có một số tác giả có phong cách gần gũi như Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Di Li... Với tiểu thuyết ngôn tình, chúng ta bắt gặp một thế hệ những nhà văn trẻ mô phỏng theo từ nội dung đến văn phong như Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương...
Thứ hai, trên phương diện tiếp nhận của người đọc. Người đọc Việt Nam vốn hâm mộ tiểu thuyết tình yêu Trung Quốc, từ người đọc bình dân đến người đọc bác học. Nếu người đọc bình dân đọc Mạnh Lệ Quân thì người đọc bác học đọc Hồng lâu mộng. Trước năm 1975, biết bao người đọc Việt Nam thích đọc Quỳnh Dao đến độ thành một trào lưu. Việc tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc hấp dẫn độc giả Việt Nam xuất phát từ nguồn gốc sâu xa như vậy.
Thứ ba, trên phương diện nội dung. Truyện ngôn tình khá hấp dẫn về mặt nội dung. Đa dạng về đề tài, đáp ứng được nhu cầu của nhiều loại độc giả. Cốt truyện đơn giản, mạch lạc, dễ theo dõi, lại nói về chuyện tình yêu rất phong phú, có gay cấn, hồi hộp, có lãng mạn, trong sáng. Ngôn ngữ dễ hiểu, dễ tiếp thu. Nhân vật có tính cách, tâm lí, thói quen gần gũi với bạn đọc trẻ. Vì đặc điểm bình dân, đại chúng, nó phù hợp với số đông độc giả vốn không thích đọc cái gì quá cao siêu, khó hiểu, nhất là trong thời đại đầy sự căng thẳng và áp lực như ngày nay.
Thứ tư, trên phương diện truyền bá. Thị trường xuất bản sách nước ta được mở rộng hơn trước đây. Việc xuất bản nhiều loại sách khác nhau từ bình dân đến bác học tạo ra một thị trường sách phong phú, đem lại nhiều món ăn cho độc giả lựa chọn. Mặt khác, tiểu thuyết ngôn tình còn được sự giúp sức của internet. Chỉ cần một cái kích chuột, các bạn trẻ có thể đọc được, nếu không biết tiếng Hoa thì đã có phần mềm dịch thô (bản convert), hoặc bản edit (bản đã qua biên tập). Có thể nói chưa bao giờ việc đọc truyện ngôn tình lại dễ dàng đến thế. Việc chuyển thể các tiểu thuyết ngôn tình thành phim cũng góp phần vào việc truyền bá thể loại này ở Việt Nam.
Thứ năm, trên phương diện xã hội. Xã hội Việt Nam đương đại hiện đang thiếu vắng những hiện tượng văn hóa đại chúng tự thân, nội tại nên phải tìm kiếm ở những hiện tượng ngoại lai.
Từ những lí do trên, sự xuất hiện và được hâm mộ cuồng nhiệt của truyện ngôn tình ở Việt Nam là điều hoàn toàn dễ hiểu. Hiện đang có hàng nghìn trang web đăng truyện ngôn tình, từ nội dung tích cực đến tiêu cực; có hàng loạt hội những người yêu thích truyện ngôn tình mà theo khảo sát đến 99% là nữ giới, dao động từ 15 đến 30 tuổi; phần lớn sách dịch của một nhà xuất bản là sách Trung Quốc (mà chủ yếu là ngôn tình)(4); một loạt những từ mới mà giới trẻ đang sử dụng như một trào lưu được lảy ra từ tiểu thuyết ngôn tình như bá đạo, phúc hắc, soái ca...
3. Giải pháp nào cho việc định hướng thị hiếu của độc giả?
Cấm đoán hay phê phán quyết liệt là bất khả thi. Với tư cách là một sản phẩm của văn hóa đại chúng, khó có thể dùng cách thức cấm đoán hay phê phán để người đọc bỏ được. Quan trọng nhất là tạo một sân chơi có nhiều sản phẩm, người đọc sẽ phân tán sự chú ý ra nhiều thể loại sách khác. Hiện nay, thị trường sách vẫn mang tính ngắn hạn, cái gì có lợi cho nhà xuất bản thì làm.
Theo chúng tôi, để ngôn tình tràn lan, xô bồ như bây giờ, lỗi nằm ở phía người làm sách và hệ thống kiểm duyệt. Vì lợi nhuận, nhiều nhà sách bày bán rất nhiều sách ngôn tình bất chấp nội dung của nó là gì. Các nhà xuất bản mải chạy theo doanh thu, câu khách nên in nhiều tác phẩm mang tính khiêu dâm, đầy rẫy cảnh nóng hoặc giật gân, cổ súy cho việc cưỡng hiếp, loạn luân, ấu dâm, ngoại tình... Khâu kiểm duyệt cũng bị buông lỏng. Tuy ngôn tình ở trên mạng khó quản lí và ngăn chặn, nhưng độc giả vẫn chủ yếu đọc sách giấy. Kiểm duyệt nguồn này rất quan trọng, cần chú trọng khâu này để có những tác phẩm “sạch”. Ranh giới để biết đâu là sách ngôn tình hay và độc hại rất mong manh. Đa số bạn đọc trẻ không có khả năng và trình độ để phân biệt. Họ cần được định hướng kĩ càng. Để làm được điều này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí bằng những mục, bài điểm sách nghiêm túc, chất lượng.
Văn học đại chúng hiện đang là một “thị trường” bỏ ngỏ đối với các nhà nghiên cứu, phê bình hàn lâm. Giới nghiên cứu, phê bình hàn lâm bỏ qua những hiện tượng này, cho rằng nó không có giá trị về văn học, không nghiên cứu về nó. Họ cho rằng đây là việc “đem đại bác bắn chim sẻ”, “giết gà dùng dao mổ trâu”... Theo chúng tôi, những nghiên cứu về văn hóa đại chúng, đặc biệt là những trường hợp cụ thể như tiểu thuyết ngôn tình cũng cần có sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu, các nhà nghiên cứu.
Việc định hướng thị hiếu cho thanh niên không chỉ phụ thuộc vào những nhà nghiên cứu, phê bình, mà còn ở những chính sách vĩ mô hơn. Nhà nước cần có những định hướng cho giới làm sách nên chọn dịch những tác phẩm như thế nào. Rõ ràng thị trường văn học dịch hiện nay ở nước ta đang rất lộn xộn. Các công ti sách áng thấy tác giả nào câu khách, bán sách được thì chọn dịch. Như vậy, bề mặt văn học dịch nước ta bị lệch lạc. Các tác giả lớn không được dịch, tác giả nhỏ lại được dịch nhiều. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Thứ nhất, ảnh hưởng đến thị hiếu người đọc. Thứ hai, nó cho thấy định hướng thị hiếu không rõ. Thứ ba, xét trên phương diện quốc gia, người nước ngoài nhìn vào họ thấy thị hiếu đọc ở Việt Nam mình quá tệ.
Tóm lại, tiểu thuyết ngôn tình là một hiện tượng của văn hóa đại chúng. Nhìn nhận nó trong dòng chảy của việc tiếp nhận những hiện tượng của văn hóa đại chúng thế giới tại Việt Nam sẽ giúp chúng ta có những giải pháp để vừa phát huy tính tích cực vừa hạn chế các khía cạnh tiêu cực.
(Nguồn: VNQĐ)
-------
1. Nguyễn Văn Dân, Toàn cầu hóa văn hóa và đa dạng văn hóa, http://www.vanhoahoc.com.
2. Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, Nhiều tác giả, tr.10, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000.
3. Dẫn theo Vương Trí Nhàn, Khảo về tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2003.
4. Thống kê từ nhà sách Bách Việt: từ 2010 đến 6/2014 sách văn học Việt Nam có 26 đầu sách thì văn học Trung Quốc là 121 đầu sách, gấp 4-6 lần.