CHỢ TẾT CẦU MAY Ở QUÊ TÔI
Chợ Lạng họp ngay trên con đường trước đình làng, dưới gốc cây đa làng. Ngay từ sáng sớm mùng bốn Tết, trời mưa phùn, lành lạnh, nhưng chợ đã rất đông người. Người đi lại tấp nập, vui như trẩy hội. Có thể nói, cả làng tôi đi chợ, già, trẻ, gái, trai mặc đẹp rủ nhau đi chợ Tết, chợ xuân, cầu may. Để cầu may ai cũng phải mua một thứ hàng gì đó. Trẻ con là thích nhất, vì đi chợ Tết chẳng những được mặc đẹp, được chơi bời mà còn được mua quà và ăn quà ngay tại chợ. Đi chợ Lạng không chỉ có dân làng tôi mà cả dân các làng khác trong vùng như Hổ Đàm, Mỹ Lý, Vận Quy, Viên Nội, Viên Ngoại, làng Khoai, làng Vạc, làng Rỵ... Suốt đoạn đường làng dài chừng bốn trăm mét người ta bày la liệt những mặt hàng được gọi là “cây nhà lá vườn”, như táo, bán bằng xâu, mỗi xâu 12 quả (quê tôi có hai thứ quả người ta bán bằng xâu: đó là táo và bồ quân – xâu táo, xâu bồ quân), chuối xanh, chuối chín, bán từng nải hoặc cả buồng, chè lam, bánh tráng (bánh đa), kẹo lạc, kẹo kéo, kẹo mạch nha quấn que, bỏng ngô, mía tấm, mía cây, tò he, trống bỏi vv…Đồ chơi và quà bánh là đắt hàng nhất. Vì chợ rất đông trẻ con. Trẻ con đứng bâu quanh ông nặn tò he, để xem, vì hiếu kỳ, vì lạ mắt, và chờ mua. Tò he vừa chơi, vừa ăn được, vì được nặn bằng bột gạo nếp đã nấu chín, màu có nguồn gốc thực vật, an toàn, cho nên trẻ con rất thích. Tôi đứng, trố mắt nhìn ông nặn tò he đầy tài năng. Trước mặt ông là một cái mẹt to đựng bốn vắt bột màu đỏ, đen, vàng, xanh. Tay ông thoăn thoắt nặn bột mầu, những con vật, tỷ như: công, gà, trâu, bò, lợn, cá, chim… lần lượt xuất hiện trên đôi bàn tay tài nghệ của ông. Tôi phục lăn. Lũ trẻ con chạy lăng xăng khắp chợ nô đùa, hò hét, tay cầm trống bỏi lắc qua lắc lại, tiếng trống bỏi vang vọng khắp nơi làm cho không khí chợ Tết càng thêm rộn ràng, càng đậm chất quê. Một bé gái tay cầm chiếc gậy tre dắt người đàn bà hát xẩm khiếm thị đi vào khu vực giữa chợ. Ngay lập tức người ta đứng vòng trong vòng ngoài vây quanh người đàn bà hát xẩm đang dõng dạc nói lời khai mào: “Kính thưa bà con, mắt mù chân chậm con dậm tới đây, hát dăm ba bài, mua vui ngày Tết”. Nói đoạn người đàn bà hát rong tay kéo nhị miệng cất giọng hát: “ Công cha ngãi mẹ sinh thành. Mang con chín tháng thai sinh một giờ. Trong lòng chẳng ngại tanh dơ. Nuôi con từ thủa ngây thơ như là. Chớ quên ngãi mẹ công cha. Công mẹ cũng lắm công cha thời nhiều. Nào khi bồng bế nâng niu. Sinh con đâu quản công lao nhọc nhằn. Nào khi con bú cho ăn. Đêm nằm quần áo chiếu chăn ướt đằm. Ướt thời mẹ chịu đành… Cha trồng cây đức mẹ rầy đền ân. Khuyên con giữ đạo hiếu thân. Cảm thương cha mẹ ân cần ra con…”. Dân chợ, nhất là các bà các chị đứng nghe hát rất say sưa. Có lẽ là vì bài xẩm ca ngợi công đức của cha mẹ này hợp với nỗi lòng và tâm tư của họ, những người đang làm mẹ và sẽ được làm mẹ.
Dọc con đường trước đình làng tấp nập cảnh du xuân họp chợ, trong sân đình diễn ra trận cờ người với sự tham gia của những tay cờ cao thủ, cự phách nhất làng. Cờ người là cách chơi cờ dùng người thay cho quân cờ, phân thành hai đội để thi đấu. Bàn cờ được vẽ bằng vôi trắng trên sân đình lát gạch rộng lớn. Những “quân cờ người” là những nam thanh nữ tú, vững tay cày, giỏi tay cấy, ăn mặc quần áo truyền thống phù hợp với vai cờ của mình. Trên tay mỗi người cầm một chiếc trượng gỗ đề rõ quân cờ: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt. Từng người đứng hoặc ngồi tại vị trí quân cờ tương ứng trên sân. Người chơi cờ điều khiển các quân cờ dịch chuyển. Khi nghe hiệu lệnh, các quân cờ người dịch chuyển, khua chân múa tay, nom rất đẹp mắt và oai phong. Mỗi nước cờ hay, ăn được quân của đối phương, được người xem reo hò vỗ tay tán thưởng. Cứ mỗi lần như vậy một hồi trống được gióng lên khiến không khí cuộc chơi cờ người càng thêm sôi động, thôi thúc. Tôi còn nhỏ, không biết chơi cờ, không hiều gì về cờ, nhưng vẫn say sưa đứng xem, vỗ tay reo hò nhiệt tình. Cờ người đặc biệt thu hút các bậc trung niên và cao niên trong làng, đa phần họ là những người biết chơi cờ. Họ bình phẩm, họ trầm trồ, tấm tắc khen mỗi khi được thưởng thức một nước cờ hay.
Có lẽ khu vực chơi đu tiên là đông vui và sôi nổi nhất, nơi thu hút hầu hết trai gái của làng. Lũ trẻ con chúng tôi vốn nghịch ngợm, thích mạo hiểm, thích cảm giác mạnh thì không thể bỏ qua mục chơi đu mà dân làng tôi thường gọi là “đánh đu”, cho dù còn quá nhỏ chúng tôi không chơi được. Việc dựng cây đu ngày Tết rất công phu. Người ta phải lùng tìm những cây tre đẹp nhất làng, những cây tre đáp ứng đầy đủ các “tiêu chí đu tiên”. Ngay trước đình làng tôi là khu ruộng mạ. Làng tôi thường cấy xong trước Tết, cho nên những ruộng mạ đất trống phẳng lì sau vụ cấy này là nơi lý tưởng đề “trồng cây đu tiên”. Cây đu gồm có trụ đu, thượng đu, tay đu và bàn đu. Sáu cây tre cao, chắc, khỏe, được chôn làm hai cột trụ, thượng đu là một thanh tre, cũng chắc khỏe, đặt ngang nối hai cột trụ đu với nhau. Tay đu làm bằng hai cây tre nhỏ, vừa với tay cầm của người chơi đu, khi chơi đu người chơi cầm vào tay đu được buộc vào thượng đu. Bàn đu được chốt chặt vào phần cuối của tay đu, nơi người chơi đu đứng giẫm chân.
Có thể chơi đu đơn hoặc đu đôi. Đu đơn là chơi một người, đu đôi là hai người cùng chơi. Đu đôi thường là đôi nam nữ. Hai người leo lên bàn đu, đứng úp mặt vào nhau, hai tay nắm chặt tay đu và hai chân nhún mạnh cho đu bay lên. Mỗi lần người chơi đu co chân nhún mạnh là một lần người xem bên dưới hô to: lên! lên! lên!. Chân người chơi đu càng nhún mạnh đu càng bay cao. Khi tay đu ngang tầm với ngọn đu, đôi nam nữ kẻ nằm ngửa, người nằm sấp úp mặt vào nhau trên không trung, dưới vòn trời xanh, rất ngoạn mục, vô cùng lãng mạn và đẹp mắt. Mỗi khi như vậy, người xem, nhất là lũ trẻ con chúng tôi, vỗ tay vang trời, miệng hô lớn: “Hay! hay! hay!”. Đương nhiên tôi là một trong những cổ động viên nhí hăng hái nhất làng, hô to đến nổ cả cổ. Chưa hết, ngay bên cạnh cây đu, trên ngọn một cây tre, người ta treo một chiếc khăn đỏ, cao ngang tầm thượng đu, người chơi đu phải nhún cho cánh đu bay cao và giật cho được chiếc khăn kia để giành phần thắng, nhận giải thưởng. Người xem bên dưới lại vỗ tay reo hò vang trời khi người chơi đu tay nắm chiếc khăn đỏ vừa mới giật được đang tung bay trên trời cao.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không quên những kỉ niệm đẹp, những ấn tượng sâu sắc về những cuộc chơi đu mùng bốn Tết, khi tôi được mục sở thị người làng tôi bay cao dưới trời xuân ám áp.
Tôi thật sự lấy làm tiếc, từ khoảng năm 1954 đến nay không còn thấy có phiên chợ Lạng mùng 4 Tết hàng năm nữa. Một nét đẹp văn hoá, một truyền thống quý giá của làng tôi đã bị lãng quên, và bây giờ chỉ còn là một hoài niệm. Tôi ao ước, đến một ngày đó, Chợ Lạng 4 Tết hàng năm ở làng tôi, một dấu ấn hồn làng, sẽ được khôi phục.
Chợ Chuộng mùng 6 Tết
Chợ Lạng mùng 4 Tết của làng tôi không còn, nhưng chợ Chuộng mùng 6 Tết ở xã Đông Hoàng, chỉ cách làng tôi một cánh đồng, thì hiện nay vẫn tồn tại. Cũng như chợ Lạng, chợ Chuộng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên vào mùng 6 Tết Nguyên Đán. Dân vùng tôi có câu: “Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng”. Về lai lịch của chợ Chuộng thì có câu chuyện kể rằng, ngày mùng 6 Tết, năm Lê Lợi tập hợp nghĩa quân chống lại ách đô hộ của nhà Minh, một vị tướng nước ta bị giặc Minh đuổi bắt chạy qua làng, nơi có chợ Chuộng bây giờ. Vị tướng bèn bàn mưu tính kế với các bô lão trong làng tìm cách đánh lừa quân giặc. Và một phiên chợ trá hình đã được tổ chức với sự tham gia của dân chúng. Nghĩa quân được hoá trang thành dân đi chợ, trà trộn với dân thường. Vũ khí được cất giấu trong những gánh hàng chợ. Khi quân Minh ập đến chúng tưởng đây chỉ là một phiên chợ quê của vùng này nên chúng bị mắc mưu, sa bẫy. Bất thình lình, vị tướng nước ta ra lệnh tấn công, nghĩa quân được nguỵ trang thành dân thường đi chợ và dân làng nhanh chóng cầm vũ khí được cất giấu trong các gánh hàng, nhất tề xông lên đánh giặc. Bị tấn công bất ngờ, không kịp trở tay, quân Minh tháo chạy và thua trận. Sau trận thắng này, năm đó là năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, làm ăn buôn bán phát tài, được coi là một năm may mắn đối với dân làng. Để kỉ niệm chiến công ngày đó và để cầu may trong Năm Mới, hàng năm, cứ đúng ngày mùng 6 Tết Nguyên Đán cư dân sinh sống bên sông Hoàng và trong vùng rủ nhau đi họp chợ gọi là chợ Chuộng. Chợ Chuộng họp tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, đã trải qua nhiều đời và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Từ sáng sớm ngày mùng 6 Tết, hàng đoàn người kéo nhau đi chợ Chuộng. Không chỉ dân Đông Sơn mà dân các huyện khác, như Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hoá, thậm chí Tỉnh Gia, Hà Trung … cũng lũ lượt về đây họp chợ. Hàng ngàn người tứ xứ có mặt tại đây. Phiên chợ Chuộng được coi là phiên chợ cầu may. Ai đến được phiên chợ Chuộng đầu năm, người đó sẽ không bị xui xẻo và gặp nhiều may mắn trong Năm Mới. Chính vì thế, dù bận trăm công ngàn việc, cứ đến ngày 6 Tết, người ta lại kéo nhau về đây họp chợ. Ném nhau bằng cà chua chín đỏ là nét độc đáo của chợ Chuộng. Ai bị nhiều cà chua ném vào người thì Năm Mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, có nhiều lộc nhiều tài. Cho nên tại chợ Chuộng hàng năm người ta bán rất nhiều cà chua chín đỏ. Vì cà chua chín đỏ là “vũ khí may mắn” dùng để ném nhau trong phiên chợ duy nhất trong năm này. Vì thế cho nên mới có câu “choảng nhau cầu may”. Tôi chẳng dám quả quyết, câu nói đầy bạo lực này là đúng hay sai.
Hồi tôi còn nhỏ, thời kháng chiến chống Pháp, đôi ba lần tôi được mẹ cho đi chợ Chuộng cầu may, chơi Tết và du xuân. Chợ Chuộng đông người hơn chợ Lạng làng tôi. Mẹ tôi dắt tôi đi chơi chợ, mua quà cho tôi, như tò he, trống bỏi, mía, bánh đa gấc (màu đỏ lấy may) và đưa tôi vào lều chợ ngồi ăn bánh hỏi, rồi hai mẹ con ra về. Chỉ thế thôi. Và quả đúng là năm đó tôi đã gặp may, cuối năm học tôi được lên lớp. Chẳng biết có phải là vì đầu năm tôi đã đi chợ Chuộng cầu may hay không?!