Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tiểu thuyết "Những ngã tư và những cột đèn" - Trần Dần

15-12-2011 08:50:31 AM

VanVN.Net - Trần Dần viết "Những ngã tư và những cột đèn" sau một thời gian tiếp xúc với nhiều ngụy binh cũ thời Pháp thuộc. Đây là bản viết tay duy nhất, đề năm 1966. Nhưng rồi xảy ra cuộc chia tay của tác giả và tác phẩm kéo dài 22 năm. Cho đến năm 1988, bản thảo được trở lại với nhà thơ Trần Dần. Năm 2011, lần đầu tiên “Những ngã tư và những cột đèn” được xuất bản (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) sau 44 năm tiểu thuyết hoàn thành và sau 21 năm, từ ngày bản thảo được sửa chữa. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân đánh giá cuốn sách: “những cách tân nghệ thuật và kỹ thuật ngôn ngữ đi trước thời đại rất xa của Trần Dần thể hiện trong tất cả những sáng tác của ông.” VanVN.Net xin trân trọng gửi tới bạn đọc 5 chương trích trong tiểu thuyết này.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Những ngã tư và những cột đèn"

 

Chương IV


Tôi sang nhà Lily 7 giờ. Cô ả ngủ muộn. Tình Bốp đang bán hàng. Hai thằng nháy nhau, là kiểu chào ngắn gọn. Tôi cất cái Stecling vào gara. Túi quần áo cũng vứt đấy. Tôi lên gác. Cửa buồng Lily đóng. Tôi cứ thế ẩy cửa vào, không cần gõ cửa. Lily rú khẽ. Lily còn nằm xoài trên giường, tận hưởng buổi sáng. Tôi thấy Lily ăn mặc đẹp quá. Nghĩa là Lily không mặc gì cả. Chỉ mỗi cây thập ác phập phồng trên ngực. Tôi đứng nhìn như thằng thộn. Rồi tôi nói: "Thi vị". Lily nói: "Bở", và quay người nằm sấp. Tôi lại gần. Lily nói: "Gì kìa". Tôi không quay lại nhìn, tôi không bị lừa. Lily ù té chạy. Cây thập ác được dịp đung đưa mạnh mẽ. Tôi đuổi theo Lily vào buồng tắm bên cạnh.

 

 

Vài giờ sau, trên chiếc thuyền gỗ Hồ Tây ban ngày, Lily ngồi cạnh tôi. Lily vận chiếc quần Quan Âm, cài cúc bấm. Tôi chèo thuyền ra chỗ vắng. Hai đứa mênh mông. Trời ơi, i như trong thánh kinh, tôi nói tôi sẽ chết. Vì còn 2 ngày nữa, Lily đi. Lily nói: "Không chết đâu". Tôi chèo thuyền ra chỗ vắng hơn. Chỗ vắng nữa. Chỗ vắng hơn nữa. Rồi một chỗ rất vắng. Giá tôi cứ chèo thuyền mãi như thế này. Chèo mãi, tôi nói vậy, chèo đến một chỗ trên trời. Lily nói: "Trên trời thế nào?" Tôi nói: "Mênh mông". Trong lúc nói tay tôi cũng muốn làm cái gì dễ chịu. Tôi hỏi trên trời: "Vì cớ gì mà sinh ra con người?" Vừa hỏi xong thì Lily hất tay tôi ra. Lily nói: "Bở". Tôi nói: "Lily làm bầu trời, nhé. Tôi làm thằng dằn di. Tôi hỏi. Lily trả lời, nhé". Lily hỏi: "Kịch à?" Tôi nói: "Kịch". Thế là hai đứa bắt đầu, như thế này. Tôi hỏi: "Trời cao ơi, vì sao sinh con người?" Lily đáp: "Biết đâu đấy". Tôi hỏi: "Không biết sao còn đẻ nó ra làm gì?" Lily đáp: "Ái, nhẹ tay chứ. Thích đẻ thì đẻ". Tôi hỏi: "Sao trời dại dột thế. Chỉ đẻ người tử tế, hiền lành, có hơn không? Sao lại đẻ ra cả một thế giới Tây, Tầu, linh tinh lình tình thế này?" Lily đáp: "Phải mỗi thứ một tí, mới làm nên món Nộm đời". Tôi lại hỏi: "Thế thằng Dưỡng là cái gì trong món Nộm đời?" Lily đáp: "Là miếng thịt gấu". Tôi lại hỏi: "Thế cô Lily là cái gì trong món Nộm đời?" Lily đáp: "Là cô Quan Âm mặc xilip". Nghĩ thế nào Lily nói thêm: "Ái, kìa. CÁ!" Rồi im bặt. Hóa ra vở kịch đã kết thúc. Tôi nhìn ra xa, thấy xa xa, một chiếc pêritxoa. Chiếc pêritxoa đi về phía chúng tôi. Tôi nhìn rõ một anh công an, vận đồng phục màu cá vàng rất đẹp, có cả phù hiệu đỏ gắn vai. Nhưng khi chiếc pêritxoa lại gần, không hiểu sao không thấy phù hiệu đỏ của anh công an đâu nữa, bộ quân phục kaki màu cá vàng thì vẫn còn nguyên. Lily bấm tay tôi đau nhói. Lily vẫn ngồi trên lòng tôi, im lặng. Tôi cũng không nói nữa. Anh này có cái gì rất đập vào mắt, mà 3 ngày sau, khi Lily đi rồi, tôi mới nhớ ra. Không phải là cái cằm, dài và nhọn, dài và nhọn như một cái đinh. Mà là cái nhìn vô cảm, không thể diễn đạt nổi. Còn bây giờ, tôi chỉ thấy, khuôn mặt anh này hiểm ác. Anh nhìn tôi, tợ hồ chụp ảnh. Lily rên khẽ. Lily bảo tôi chèo thuyền ra chỗ khác. Lily vẫn ngồi trên đùi tôi, vạt áo che chiếc quần Quan Âm, i như trong thánh kinh. Thuyền tôi đi đâu, chiếc pêritxoa theo đó. Theo mãi.

 

 

Vài giờ sau nữa. Trong rạp xinê vắng, Lily sang ngồi với tôi, trong cùng một ghế. Tôi chẳng hiểu phim gì, chỉ thấy rất căng thẳng. Tan buổi chiếu, tôi thấy anh công an có cái cằm dài nhọn, đứng vơ vẩn trước rạp. Lily kéo tôi đi. Hai đứa vào tiệm ăn. Lại có một chương trình dưới gầm bàn. Mắt Lily có tí rượu, lóe sáng mỗi khi đánh rơi đũa xuống đất, để tôi lại chui gầm bàn nhặt. Mà Lily cứ đánh rơi đũa luôn luôn. Tôi mải nhặt đũa, nên chẳng ăn được gì nhiều. Cũng may là không thấy đói. Đến khi ra ngồi Bờ Hồ, nhớ lại vở kịch còn dở. Tôi mới hỏi Lily: "Thằng nhọn cằm là cái gì trong món Nộm đời?" Lily trả lời: "Biết đâu đấy". Tôi hỏi: "Sau này thằng dằn di với cô Lily, trong món Nộm đời liệu có còn gặp lại?" Lily đáp: "Đừng nói sau này. Chỉ biết lúc này. Lúc này được miếng nào trong đĩa Nộm đời, là hay miếng ấy". Bờ hồ đêm đã 12 giờ 30. Tôi nói: "Cô Lily đi, thằng dằn di ở lại, nhớ lắm". Lily nói: "Tình cảm thế". Tôi nói: "Tình cảm là gì? Trời cao ơi". Lily nói: "Là cái vô tích sự nhất, trong món Nộm đời". Tôi nói: "Iêu thì sao? Không phải tình cảm à?" Lily nói: "Không. Iêu là xác thịt". Tôi nói: "Cô Lily đi trong món Nộm đời, sẽ không nhớ thằng dằn di". Lily nói: "Có. Thế mới khỉ. Cái vô tích sự trong món Nộm đời, có lúc lại cần hơn cái tích sự. Cho nên cô Lily cũng biết nhớ". Tôi và Lily cứ ôm ghì nhau, suốt buổi tối Bờ Hồ, về cuối rất có trình độ, khiến Lily cứ xuýt xoa, luôn miệng. Bỗng dưng, Lily thốt lên khe khẽ. Anh công an cằm nhọn, mặc thường phục, đứng ngay sau ghế đá. Lily đứng dậy, sửa quần áo, kéo tôi về.

 

 

 

5 giờ sáng. Tôi đứng cửa sổ buồng Lily, nhìn xuống phố sớm tinh mơ. Ngày mai Lily đi. Tôi nhìn mãi xe cộ và bộ hành, long tong, trong sương sớm. Tôi bỗng giật thót mình. Anh chàng cằm nhọn đang đứng, ngay dưới phố, cạnh cột đèn. Tôi thụt vào. Lily chớp mắt hỏi: "Gì thế?" Tôi nói: "Không". Rồi hỏi: "Mai đi thật à?" Lily nói: "Thật". Tôi nói: "Ngậm ngùi". Lily nói: "Kịch". Tôi không nói gì. Tôi vuốt ve Lily, được vài cái thì Lily gạt tay tôi ra, hỏi: "Xúvơnia đâu rồi?" Tôi vận quần áo. Tôi xuống nhà tìm mua xúvơnia cho Lily.

 

Tôi nháy Tình Bốp, dưới cửa hàng. Sáng sớm nên khách điểm tâm đông. Khách uống càphê, hút ba con 5, ăn bánh mì, jămbông, thịt gà. Tôi rỉ tai Tình Bốp: "Xùy tao vay 10 vạn". Tình Bốp nói: "Dữ thế". Tôi nói: "Vì cái việc nó dữ". Tình Bốp nháy mắt, cái nháy mắt có nghĩa là chờ tí, rồi tiếp khách. Tôi ghi sổ nợ thêm một bao diêm, một điếu Côtab. Tôi hút điếu thuốc buổi sáng, là điếu thuốc ngon nhất trong ngày. Hết điếu thuốc, Tình Bốp đưa tôi số tiền, gói trong giấy nhật trình. Tôi đi ngay. Tôi tạt qua nhà tôi. Em Cốm đã đi làm. Tôi mở cửa. Chợt thoáng thấy, anh chàng nhọn cằm đã đứng trong ngõ. Tôi đoán anh này vào để gặp chị Hòa, hoặc bác Mẫn. Tôi vào nhà. Nhà lạnh. Cửa sổ đóng. Bóng tối lờ nhờ khắp nhà. Tôi khóa trái cửa, hai vòng. Biết nhà vắng, tôi vẫn nhìn quanh, trong mọi góc khuất. Rồi mở tủ, khe khẽ. Có tiếng chân ngoài ngõ, tôi dừng lại nghe ngóng. Rồi lục tủ. Tôi thấy dây chuyền, nhẫn vàng quà cưới của Cốm, tôi cuỗm hết. Tôi khóa tủ lại, và nhìn xung quanh, như thể có ai núp đâu đấy. 7 giờ 30 sáng, tôi phóng Stecling lên phố Hàng Bạc. Vào một tiệm bạc, định đánh một quả tim vàng, nhưng rồi tôi lại chỉ thuê đánh một cái lúc lắc. Tôi bảo bà chủ hiệu sáng mai nếu không xong, tôi sẽ đốt cửa hiệu. Bà này cười: bà này béo và xấu, nhưng cũng thích nói đùa. Tôi trả một nửa tiền, rồi lên xe phóng về nhà. Thoáng thấy có ai đi theo, tôi nghĩ chắc là thằng nhọn cằm. Về đến nhà 9 giờ sáng, tôi lại đặt gói nữ trang của Cốm vào chỗ cũ, tự nhủ may mà tôi đổi í không làm quả tim vàng, cho Lily. Tôi quay ra và phóng xe lên chợ Đồng Xuân. Tôi vào chợ, chỗ mẹ tôi đang bán hoa quả. Có xoài, măng cụt và dứa đầu mùa. Tôi lấy mỗi thứ một ít, rồi nhăn nhó: "Mẹ cho con năm vạn". Mẹ tôi nói: "Tao làm gì có". Tôi càng nhăn nhó: "Thôi được, lát nữa tôi đi Hải Phòng". Mẹ tôi hết vía. Mẹ tôi hỏi: "Mày đi Hải Phòng làm gì?" Tôi nói: "Đi vay tiền. Có khi vui chân, tôi tếch". Thế là mẹ tôi mở giầu tượng: chiếc giầu tượng bằng lụa, cũ kĩ, vàng khè. Bà xùy cho tôi năm vạn. Tôi về, với cái kết luận: "Có tí mẹ, tiện thật". Tôi lại nhìn thấy thằng nhọn cằm, cũng từ trong chợ đi ra.

 

 

Về đến nhà Lily, thấy buồng Lily đóng, tôi đoán là để cho những vĩnh biệt ban ngày. Tôi đập cửa. Cửa khóa trái. Tôi biết Lily không phải là loại đàn bà dành cho một người. I như trong thánh kinh: quan niệm của Lily là rộng lượng với đàn ông. Tôi huýt sáo, trước cánh cửa đóng kín. Tôi nghe thấy Lily cười ngất bên trong. Tôi muốn lấy dao rựa bổ vỡ cửa. Nhưng tôi lại tự đấm vào hàm. Tôi xuống gác. Tôi phóng Stecling đi lung tung các phố. Tôi muốn đâm vào ôtô. Nhưng tôi đã không làm như thế.

 

 

Tôi không giận được Lily lâu. Bởi vì ngày mai Lily đi. Bởi vì thánh kinh xui tôi quay về với Lily. Tôi phóng xe về, đến nơi là 6 giờ tối. Cửa mở. Lily vừa tắm xong. Tôi vào buồng tắm để xem Lily, có lẽ là lần cuối, bước ra từ phía sau làn hơi nước. Lily bước ra thật, đẹp như mùa hè. Vạt áo pênhoa dập dềnh theo từng bước chân, giống hệt như biển. Lily hỏi tôi: "Làm gì bây giờ?" Tôi nói: "Tùy". Lily nói: "Đi đớp cái đã, rồi tính sau". Nói rồi Lily vận quần áo, để tôi đứng xem. Lily vận áo dài, bên dưới là quần Quan Âm. Tôi đèo Lily, đi trong nhiều phố, rồi lên Hàng Buồm. Lily gọi một tí cá hấp nhẹ nhàng. Sau đó, Lily lại rủ tôi đi chèo thuyền đêm. Tôi lại nghĩ, là lần cuối. Mặt trăng đêm ấy bằng cái móng tay, tôi và Lily vừa mơ mộng, vừa suồng sã. Tôi nói: "Chán quá cứ nghĩ đến ngày mai". Lily nói: "Đàn ông thì dễ lắm. Vườn hoa thiếu gì. Lại còn em Cốm ở nhà nữa, xinh đấy". Tôi nói: "Hay anh tếch với Lily?" Lily nói: "Tôi vào Nam vơ vét, chứ anh vào làm gì?" Tôi nói: "Anh cũng vơ vét. Dạo trước anh ngù ngờ, bây giờ khác rồi". Lily nói: "Anh vơ vét thế nào? Đi lính chỉ đủ ăn là giỏi". Tôi nói: "Anh sẽ đi ăn cướp". Lily bĩu môi. Tôi nói: "Liều là được. Rồi anh sẽ thành triệu phú. Rồi anh với Lily hai đứa đi một chỗ thật xa. Mua một cái vila iên tĩnh". Lily bĩu môi: "Đẻ mấy đứa?" Tôi nói: "Hai. Một trai một gái". Lily lại bĩu môi: "Rồi sao?" Tôi nói: "Rồi cứ thế. Mặt trời mọc, rồi lặn. Mùa xuân năm trước, rồi mùa hè năm sau. Iên tĩnh, như thế này, đến lúc hết". Lily nói: "Kiếp sau vậy nhé". Tôi chỉ biết nói hừm. Vả lại, hừm cũng là nói, và trên kia, và dưới này, và mọi chỗ, tôi đều nói chân thành với Lily. Lời nói lúc này còn nghĩa lí quái gì. Tôi nghĩ lai láng, giá như Lily không đi, giá như Lily ở lại bán càphê, giá như Lily lấy chồng một anh Hà Nội bốn túi, để còn thỉnh thoảng trông thấy mặt. Như thế, có lẽ sẽ không buồn lắm. Nghĩ xong, tôi nói lại với Lily như vậy. Lily lấy tay quệt vào mắt tôi và hỏi: "Dằn di, khóc đấy à?" Tôi chơm chớp mắt, tôi nói: "Không". Nhưng cảm động, từ lâu lắm rồi tôi không cảm động. Lily ngồi vào lòng tôi, và bắt tôi đưa thuyền ra chỗ đông người. Để có người nhìn, Lily mới thích. Trên đầu, có tí trăng bé như cái móng tay. Xung quanh, nước lấp lánh và thuyền gỗ nhiều tua tủa. Tôi bảo Lily, với tôi, gái là nhất. Lily cũng nói, rất chân thành, Lily đã là gái rồi cho nên với Lily, tiền là nhất. Tôi bèn triết lí về sự đời. Nhưng sự đời, tôi học trong ca dao, chỉ bé như cái lá đa. Cho nên triết lí vừa mới được một lúc, đã hết cái lá. Cũng là lúc tôi đèo Lily về. Dọc đường hai đứa đớp phở tái. Đường đêm vắng lặng. Sao trên trời bé li ti, trắng như gạo tám. Có người đi theo, nhưng không phải thằng nhọn cằm, tôi cũng không để í nữa. Về đến nhà, Lily đòi tôi bế lên gác. Tôi biết Lily không bao giờ cởi giày. Lily hất chân, giày văng vào đâu, vào lọ hoa hay cánh tủ, cũng được. Lần này, giày văng lên tận trần nhà. Lúc rơi, vào ngay giữa bàn, vỡ mất hai cái cốc.

 

 

Sáng hôm sau. Tôi và Lily từ hiệu vàng ra. Lily không bằng lòng. Lily chê ít. Mười lăm vạn còn chê ít. Tôi thở dài. Vả lại là cái xúvơnia, tôi nói vậy của ít lòng nhiều. Nhưng Lily bĩu môi, vì Lily không cần lòng nhiều. Lòng ít của nhiều Lily thích hơn. Tôi nói: "Chê thì đưa đây". Lily không đưa mà bỏ xúvơnia vào túi, rồi cười: "Ít còn hơn không". Tôi thở dài. Ở hiệu vàng ra tôi thở dài. Không để í gì nữa. Lúc Lily bấm tay, tôi mới nhìn thấy thằng nhọn cằm, lưởng vưởng vỉa hè bên kia. Tự nhiên không đầu không cuối, Lily nói: "Dằn di. Sang đường cho thằng nhọn cằm một quả. Để Lily xem!" Tôi nói: "Ngại lắm. Vì nó là CÁ. Đánh nó khéo đi tù". Lily nói: "Có nghe không? Không Lily ngất cho mà xem". Tôi nói: "Ngại lắm". Lily đếm 1, 2, đến số 3 thì Lily ngất thật, nằm sõng xoài ngay lòng phố Hàng Đào. Giao thông vì thế mà ùn tắc. Người qua phố xúm lại xem Lily quần áo mỏng tang mùa nực, đang nằm ngủ. Tôi gọi xiclô. Tôi bế Lily nóng hổi lên xe. Tôi biết, ngất cũng là một trò iêu thích của Lily, trong nhiều trò iêu thích khác. Tôi còn kịp nhìn, thoáng một cái, thấy anh chàng nhọn cằm nhếch mép cười, khó tả.

 

 

Ở nhà Lily lúc này tôi giặt. Từ 3 hôm nay, tôi toàn giặt quần áo cho Lily. Là vì Lily muốn vậy. Cũng từ 3 hôm nay, tôi nhặt nhạnh những đồ nho nhỏ của Lily, làm lưu niệm. Ví dụ tí lọ nước hoa, tí coócsê viền trắng. Đêm nay Lily đi. Nhưng lúc này Lily ngủ. Lúc này tôi giặt. Lúc này là thế nào? Lúc này, có một trăm cái lúc này. Em Cốm lúc này gánh cát ngoài bờ sông. Mẹ tôi lúc này trên chợ Đồng Xuân, với chiếc giầu tượng vàng khè, và đống hoa quả. Những thằng xiclô lúc này đạp xiclô. Những thằng ba gác đang kéo ba gác. Những thằng khuân vác thì đang khuân vác. Những thằng tề ngụy cũng đa số đi làm. Những thằng chứa gái đang chứa gái. Những thằng ăn cắp vẫn đang ăn cắp. Và nhất là thằng nhọn cằm, chắc chắn lúc này đang ở đâu đó bên ngoài cổng, rất gần thôi. Tôi cao 1 mét 7, nặng 60 kí, đời tôi 23 năm treo đầu sợi tóc, tôi ngồi giặt ở một chỗ vắng, trong nhà Lily. Chốc chốc, lại ngừng giặt, vì tôi nghĩ biết đâu tên tôi đang bị thằng nhọn cằm xóa đi trên bản đồ đi lại, và làm lụng, và đớp hít của nội thành. Cũng bắt đầu từ lúc này.

Đêm nay với Lily trên sân ga. Còi tàu giục. Tôi ôm Lily mà không kịp nghĩ đây là lần thứ mấy, có phải lần cuối cùng. Lily tiện thể cho tay vào túi quần tôi. Còi tàu lại giục. Lily leo lên tàu. Tôi thấy thằng nhọn cằm cũng lên tàu, cùng một toa với Lily. Vậy là anh này theo dõi Lily, chứ không phải tôi. Nhưng tôi không lí luận nữa. Bởi vì còi rít, không biết là còi tàu, hay còi nhà ga. Cũng bởi vì tàu chuyển bánh. Tôi bước những bước dài theo tàu. Lily thò tay qua cửa toa, vẫy vẫy. Tôi chạy vài bước, rồi đứng sững sờ. Tàu bỏ tôi vài chục mét. Tôi lại nhìn, thấy cánh tay Lily vẫy, lần này thêm chiếc mùi soa trắng. Tôi chạy theo. Tôi gào: "Lily! Lily!" Cánh tay Lily vẫy mạnh. Tàu đã xa, để lại chiếc mùi soa, như cánh bướm trong đêm. Màu trăng trắng, nhạt nhòa. Tôi chạy, đuổi theo chiếc mùi soa, trong bóng tối. Chạy mãi. Thế là hết. Không bao giờ còn gặp Lily nữa. Không bao giờ. Còi tàu rít, nghe xa lắm rồi. Tôi quay lại sân ga. Sân ga vắng. Tôi định bụng sẽ giữ chiếc mùi soa rơi, giữ mãi, i như nó thế này, suốt đời. Tôi không biết đi đâu. Rồi tôi cũng ra phố. Phố Hà Nội đêm trống rỗng. Một vài ánh đèn ngả trên đường nhựa. Đêm không đủ lạnh không đủ nóng. Trong tôi cũng không thấy đâu ngay cả một cơn gió ảo não. Để mặc đôi chân, đưa đi đâu, thì tôi theo đấy. Tôi không nghĩ gì, chẳng còn gì quan trọng nữa. Sao mà vô nghĩa thế. Tôi nhìn sao trời trắng lôm lốp, là sao tháng năm. Một lúc không rõ mấy giờ, tôi về đến cửa nhà Tình Bốp, nhưng tôi không vào. Cũng không í định về nhà tôi. Nhưng rồi không hiểu sao tôi lại về nhà. Tôi mở cửa. Tôi bật đèn. Nhà lạnh tanh. Em Cốm đang nằm khóc rưng rức, ở xó giường. Tôi ngồi xuống bên Cốm, lòng ngổn ngang. Nào tôi có muốn thế này. Cốm quay ra, mắt sưng húp. Mặt cũng sưng húp. Cốm nói: "Sao không hái mít nhà con đĩ Phòng Nhì đem về cho tôi?" Nói xong lại nấc lên, lại quay phắt vào tường. Cốm có mang 3 tháng, người Cốm cứ he hé như nhánh lúa con gái. Tôi nhìn ra cửa sổ, thấy mảnh vườn tháng năm, vừa quen, vừa lạ. Lá ổi chen lẫn lá nhãn, đen xì, he hé đó đây, mấy ngôi sao tháng năm. Bất chợt tôi giật thót tim. Nhô lên qua cửa sổ, là nó, thằng nhọn cằm. Rõ ràng là cái mặt nó, không thể nào lầm được. Nó cười. Nhưng không được nổi một tictăc, cái mặt đã biến mất vào đêm tối. Tôi chạy ra cửa sổ. Không có ai cả. Mảnh vườn vẫn êm ả. Vẫn mấy ngôi sao tháng năm, lẫn trong lá ổi, lá nhãn. Cốm nói: "Thôi đừng đóng kịch. Đừng này nọ đánh lừa gái này". Tôi không nói gì. Còn biết nói gì. Trống ngực đập một mình, tôi khép cửa sổ lại. Tôi tắt điện. Nhà mùa hè mà lạnh ngắt: tôi đã mất mùa hè. Tôi đã mất Lily.

 

 

 

 

 

Chương X


Một ngày dễ nhớ, tôi bất chợt đi đến một phát hiện sâu sắc. Buổi sáng trong tacxi, lúc từ Hà Nội đi Nam Định, ông Phúc vui vẻ pha trò. Lúc từ Nam Định về Hà Nội, ông đổi giọng cười, ông trở thành người khác. Kể từ ngày thứ hai bất thường, tôi làm thám tử, cho nên ngày thứ ba tôi bắt đầu phân biệt được, hai tiếng cười khác nhau và sau đó, hai ông Phúc khác nhau, chung sống cùng nhau. Khi muốn làm ông, ông cười hớ hớ. Khi xuống làm thằng, ông cười khợc khợc, ở một chỗ sâu trong cổ họng. Ông Phúc số 1 tử tế, chất phác, lai láng những tình cảm phúc đức, và thường xuyên buồn rầu. Ông Phúc số 2 đểu cáng, du côn và hay vui vẻ cười đùa. Vào ngày thứ ba dễ nhớ, xe lại chạy một chuyến. Dường như ông Phúc muốn bình thường hóa việc chạy xe một chuyến. Từ Nam Định về, ông đánh thẳng xe đến Mĩ Kinh. Ông chọn một ngăn, khuất nẻo trên gác. Ông nói nhỏ với tôi: "Để khao cậu một bữa. Hôm nay là thứ ba. Có lẽ tôi với cậu sắp phải chia tay". Ông gọi món tả pí lù. Bấy giờ là 11 giờ sáng. Tôi ngồi. Trước mặt là nồi nước dùng, lục xục. Trước mặt là ông Phúc số 1 đang buồn rầu. Trên bàn la liệt những tôm sống, cá tươi sống, thịt ba chỉ sống, rau sống. Ông Phúc số 1 nói: "Hồi còn ông giáo bố cậu, ông thích nhất gỏi cá mè, cho mùa hè, tả pí lù cho mùa rét. Hôm nay tự dưng, tôi nhớ ông giáo. Hôm nay là thứ ba. Hôm nay, coi như bữa li biệt. Có lẽ buộc lòng, tôi phải thải cậu. Nhưng thôi ta cứ vui, với nhau đã. Vong linh ông giáo khôn thiêng chứng cho tôi". Mặt ông, giọng ông càng buồn thảm. Tôi cũng làm mặt buồn. Kì thực, ăn uống thế này, tôi không buồn. Ông Phúc thải, hay không thải, cũng được. Vấn đề ở chỗ khác: ở chỗ để xem, ông Phúc muốn gì ở tôi, tôi muốn gì ở ông. Ông Phúc nói: "Dính vào với cậu, tôi mua cái lôi thôi. Tôi không ngụ í trách cậu, cậu đừng hiểu lầm. Vì câu chuyện rắn giun hôm thứ bảy, ban bảo vệ tỏ í nghi ngờ tôi. Việc lấy cậu vào làm, người ta cũng xoay thành chuyện khác. Tôi bàn với cậu thế này: để nước đến chân mới nhảy, không kịp. Mọi việc ta nên làm sớm, tuần sau, tuần sau nữa là cùng. Hôm nay là thứ ba. Cậu xem có việc gì khác, cứ xin trước đi. Công xá, hỏa hồng, thù lao, và ba tháng công thải người, tôi sẽ chu tất. Tôi không bao giờ để cậu thiệt. Sau đó, tôi cũng bán quách chiếc tacxi, cho xong việc. Cậu thông cảm cho tôi. Mấy tháng vừa rồi cậu giúp tôi, chăm chỉ đêm hôm, thật quả không có gì trách cậu. Buộc lòng tôi phải làm thế thôi". Tôi nói: "Ông iên trí. Lúc nào muốn ông cứ nói, tôi sẽ thôi việc ngay. Tôi rất hiểu. Ông giúp tôi rất nhiều rồi. Biết vậy, hôm thứ bảy tôi ỉm đi mới phải. Tôi xốc nổi quá, làm ông bị vạ lây". Ông Phúc rót rượu. Ông nói: "Ấy là tôi nói trước thế thôi. Làm sao hại được tôi. Tôi thù oán gì cậu, mà phải mưu sát cậu. Cậu mới đến nhà, cậu không biết, rắn giun ở nhà tôi vô khối". Tôi nói: "Không ngờ, chuyện lại ầm ĩ lên, như thế. Bà nhà ông thì thầm bảo tôi, bà nghi ông Khang. Ông Khang thì nói, rắn giun thế này không khéo bò từ trên gác xuống". Ông Phúc tái mặt. Ông hỏi: "Ông Khang nói nguyên văn, thế à?" Tôi nói: "Vâng. Nhưng tôi không tin". Ông Phúc nói: "Vậy cậu có cho đây là mưu sát hay không?" Tôi nói: "Tôi chưa kết luận gì cả. Lúc việc mới xảy ra, tôi luống cuống, cho là mưu sát. Tôi nghĩ đến ông Khang. Sau tôi nghĩ lại, thấy vô lí. Tôi phải biết bí mật của ông Khang, ông Khang phải biết bí mật của tôi, thế mới giết nhau. Tôi với ông Khang chẳng biết gì về nhau, không thù oán gì nhau, cho nên không phải vì động cơ cá nhân. Chỉ còn nguyên nhân chính trị. Tôi chưa nói với ông, những gì tôi biết về Macxen, Lily và Tình Bốp. Tôi mà nói ra, một số sẽ phải đi tù. Nếu đúng ông Khang mưu sát tôi, ông Khang phải là người của Macxen cài lại, và làm việc theo nhiệm vụ. Tôi chưa kết luận được". Ông Phúc im. Ông ăn. Và giục tôi ăn. Rồi ông Phúc số 2 nói: "Tại sao khi việc xảy ra, cậu nghĩ ngay tới ông Khang? Tại sao cậu lại chừa tôi ra? Theo lí luận của cậu, tôi cũng có thể vu vơ nằm trong cái ổ của Tình Bốp, do Macxen cài lại. Tại sao không? Tôi thịt cậu để bịt đầu mối, tại sao không?" Nói rồi ông Phúc số 2 cười khợc khợc. Tôi nói với ông Phúc số 1 như thế này: "Tôi không kết tội ông, vì ông tử tế. Tôi ngửi ông Khang, thấy năm mùi lẫn lộn: mùi thô lỗ, mùi cám hấp, mùi tri thức rẻ tiền, mùi nhút nhát, mùi tội lỗi. Nhưng ông Khang không phải lưu manh chuyên nghiệp, ông ấy còn áy náy rụt rè, đứng không iên, ngồi không vững. Thế là ông Khang còn biết sợ, công an mà tranh thủ, ông Khang có gì cũng phun ra hết. Tôi sẽ bỏ ra một ngày, để moi tin ông Khang. Khảo cung ông này dễ, nếu tôi khởi đầu, bằng một chầu thịnh soạn, vào mặt. Tôi sẽ lần được, đến thằng nhọn cằm, thằng phát súng, và những thằng hại tôi". Tôi im ở đây. Để làm vài ngụm Mai Quế Lộ. Ông Phúc bình tĩnh rót rượu. Ông Phúc có lẽ đang tính kế. Tôi cố tình tuyên chiến với ông trò tâm lí. Ông Phúc không nói gì. Cho nên tôi nói: "Còn Tình Bốp, phen này tôi cũng không để nó iên. Tôi đã có cách, để nó ra công an đầu thú. Vì tình bạn, tôi sẽ đặt nó vào thế cùng. Hoặc nó ra đầu thú, hoặc tôi tố giác nó. Ông thấy, tôi xử sự như vậy, có nhân nghĩa không?" Ông Phúc số 1 tỏ vẻ mừng. Ông số 2 nói: "Cậu giống ông giáo ngày xưa thật đấy. Làm việc gì cũng đắn đo nhân nghĩa. Hôm nay là thứ ba. Tôi cũng muốn giúp cậu, trong các việc lôi thôi của cậu. Nghe cậu nói đạo lí thì xuôi. Nhưng về thực tế, tôi e vô hiệu quả. Một thằng do Macxen cài lại, một thằng tội lỗi đầm đìa, có lẽ nào vừa nghe cậu dọa đã sợ? Qua những chuyện cậu kể về Tình Bốp, tôi thấy nó già dặn hơn cậu nhiều. Tôi e nó sẽ cười khẩy, vào mũi cậu, mà rằng, cậu chỉ là thằng bạn loạn trí, vì đọc quá nhiều trinh thám. Nó sẽ bảo cậu non choẹt". Tôi nghe vậy ức quá. Tôi nghĩ ông Phúc thông minh hơn Tình Bốp. Tôi ức, nhưng tôi nói: "Vậy, ông khuyên thế nào? Chẳng lẽ tôi đem luôn tang vật ra đồn công an? Và khai hết?" Ông Phúc ăn. Ông không tỏ vẻ gì. Lát sau, ông hỏi: "Tang vật có những gì?" Tôi nói: "Ông thông cảm, tôi không nói được. Bất đắc dĩ trước công an, tôi mới khai". Ông Phúc số 2 nói: "Kế này cũng hay. Nhưng phải làm sao đảm bảo kết quả. Dạo trước cậu nói, có cái quần lót chiếc mùi soa của Lily, nhưng đốt hết rồi. Té ra cậu chưa đốt. Nếu thật có bằng chứng, nên chìa cho Tình Bốp xem, hai năm rõ mười. Sau đó, cậu nói gì nó cũng phải nghe. Nhưng phải đề phòng, nó cướp tang vật. Cái của ấy ma mãnh quỉ quái, chứ không tử tế như tôi với cậu". Tôi nói: "Nếu vậy, ông giúp tôi một tay". Ông Phúc nói: "Ngại lắm. Nhưng tôi đồng í giúp. Việc của cậu trôi chảy, tôi cũng được cái thành tích. Tôi khuyên cậu thật tình thế này, cậu điều tra ông Khang là cậu mất công toi. Cứ đem tang vật mà dụ Tình Bốp, có thể ra lắm chuyện hay. Bây giờ, cậu hẹn Tình Bốp, đến một nơi nào đó kín đáo, nhưng phải đặt người nấp sẵn bên cạnh, để giúp cậu". Tôi nói: "Tôi không tin cậy ai. Ông giúp được thì tốt. Ông giúp tôi cả địa điểm nữa". Ông Phúc nói: "Nhưng trước hết, cậu phải suy nghĩ lại, có nên dính vào những nguy hiểm ấy không? Cậu đọc nhiều trinh thám quá, đâm lẫn lộn hư cấu và sự thực. Hôm nay là thứ ba. Cậu về xem lại tang vật, có đáng không, rồi báo tôi biết. Thật tình, tôi có cảm giác, kế hoạch của cậu còn ở trên mây. Cậu về suy nghĩ, tôi cũng suy nghĩ. Bởi vì tôi chưa thể ngã ngũ, có nên giúp cậu không. Nếu tang vật chỉ là mấy cái đồ phụ nữ lèm nhèm, tôi sẽ bị ê mặt". Tôi nói: "Tôi không giấu ở nhà. Đi lấy được cũng mất một ngày". Ông Phúc số 1 nói: "Cậu cứ nghỉ một ngày, 2 ngày cũng được. Tôi không trừ lương. Phải đặt lợi ích chung lên trên. Tacxi tôi sẽ chạy một mình. Hôm nay là thứ ba. Cậu cố gắng làm nhanh lên, và nhất là, tuyệt đối bí mật. Không được để người khác biết".

 

 

Tôi nhìn theo chiếc tacxi đen và ông Phúc lái tacxi. Tôi xuống phố đi bộ. Phố lả tả lá. Nội thành rét, bày biện những phố ít nhiều lá rụng, cây cành ít nhiều trần trụi, và người bộ hành lù xù áo bông áo dạ. Tôi vào hiệu ảnh, mua một cuộn phim Kôdak. Trong hiệu ảnh có cái gương, để tôi nhìn bóng tôi, để thấy bóng tôi áo dạ xanh công nhân, quần xanh công nhân. Nhưng mặt nó đỏ gay. Tôi trả tiền, rồi ra phố. Tôi thấy phố rét. Phố rét bày biện phong cảnh rét. Tôi vừa đi vừa nghĩ. Tôi nghĩ, nhịp nhàng theo gót giày. Vậy là hôm nay, tôi đã vạch bản đồ bụng, cho ông Phúc xem, cuộc chơi tâm lí đã bắt đầu. Tôi mường tượng ông Phúc trong tacxi, ông đang lẩm bẩm, oắt con mà lừa cáo già. Ông Phúc đang bày mưu tính kế, đang đặt giả thiết, nếu có tang vật, không có tang vật, nếu ông hành động trước tôi, ông chờ tôi hành động trước, nếu tôi là thằng nhãi ranh, tôi là thằng không-phải-tay-vừa, nếu ông thủ tiêu tôi, ông chưa thủ tiêu tôi. Tôi suy nghĩ tiếp, trên các giả thiết của ông Phúc. Ông Phúc, dù thế nào, cũng sẽ hành động. Hành động dễ hiểu nhất, là xồ ra từ bụi rậm, để cướp tang vật. Chưa biết tôi có tang vật gì, vì vậy ông Phúc chưa thể cướp được. Trò chơi sẽ còn dài. Phố hôm nay rét. Nhưng tôi không thấy rét. Gần tôi, có một bóng nữ ngang qua ngã tư, cười tươi. Các cô nữ thật kì lạ, rét hay nực đều cười tươi, ngày đại hàn cũng vẫn cười tươi. Tôi nhớ cụ Khổng bên Tầu, thấy các cô nữ, không nhìn, cụ quay đi. Tôi thì ngược lại. Tôi rất thích nhìn các đôi mắt nữ rét, cười tươi vào mùa rét. Tôi cũng thích nhìn ngón tay các cô nữ, trong mùa rét. Đi bộ trong phố rét, càng dễ nhìn. Tôi qua ngã tư. Tôi đến trước cổng nhà Đoành. Tôi vào ngõ nhỏ, để khỏi phải chào bố mẹ nó, đang ngồi chìm sâu, bên kia cửa hàng. Gặp chị nó trong sân, đang ngồi gội đầu, với hương nhu lá sả, mùi thơm nồng nặc. Cô chị nói: "Đoành dặn tôi, anh có đến thì bảo nó sang bên Ngỡi, lát nữa về. Anh có nhắn gì không?" Tôi nói: "Không", rồi hỏi thêm: "Bao giờ chị cưới?" Cô chị nói: "Khỉ. Còn lâu". Chị nó già, nhưng lúc này cười tươi. Chị nó cười tươi, vì trong phố đồn nhau, chị nó sắp lấy một anh cán bộ, gốc miền Nam. Tôi không hiểu chị nó, hễ gặp đàn ông thì đứng cúi mặt, cách xa một vỉa hè, làm thế nào mà gặp được anh miền Nam. I như trong thánh kinh: các cô nữ tài thật, bao giờ các cô cũng có cách của các cô.

 

 

 

Tôi đi tìm Đoành. Nó đang ngồi hàng phở Ngỡi. Hàng phở lúc này vắng khách. Hàng dựng bằng phên nứa. Sau lưng là cái sân đất. Sau sân, là nhà Ngỡi. Sau nhà, là chuồng lợn và vườn chuối. Trong vườn chuối, Ngỡi tay cầm roi tre, đang đuổi theo bọn trẻ con, miệng kêu: "Laxiết! Chúng mày không biết giờ này, là giờ gì à? Đi ngủ! Đi ngủ!" Vợ Ngỡi nằm trong nhà, cũng thét lên: "Chúng mày vào đây nhanh. Giờ laxiết rồi! Đứa nào không laxiết, bố đánh mẹ không bênh. Vào ngay, vào laxiết, cho bố mày thích". Tôi với Đoành nhìn nhau, vì nghe thấy, tiếng Pháp tiếng Việt lạ quá. Đoành nói với tôi: "8 giờ sáng, tao sang Tình Bốp làm tâm lí như đã bàn, chả ăn thua gì. Nó toàn cười nhạt. Nó bảo, trò trinh thám còn lạ gì. Và có vẻ bình tĩnh. Tao bắt đầu nản rồi". Tôi nói: "Phải lâu dài. Tao ngược lại, thấy he hé tí ánh sáng. Để tối sang, mày nằm nhà chờ tao". Vừa lúc ấy Ngỡi ra, tay vẫn còn cái roi tre, miệng toe toét. Ngỡi nói: "Hai anh ạ, phải dạy trẻ thế mới được. Mỗi ngày phải bồi dưỡng, cho bọn chúng một giấc laxiết. Mẹ nó cũng thế, lười ngủ là chết. Bác sĩ nói, ngủ bổ hơn ăn". Đoành nói: "Cho nên, mày nhường cho vợ con ngủ, còn mày ăn phải không? Đúng là đức hi sinh thật". Ngỡi nói: "Hai anh đừng bỉ đàn em. Bây giờ em có cửa hàng, đàng hoàng. Bàn kê hai chiếc to, một chiếc nhỏ không kể ghế dài. Ban tối điện thắp sáng trưng. Ơn nhờ khu phố, đàn em làm ăn khấm khá. Vợ con, bồi dưỡng ăn có, bồi dưỡng ngủ có. Tiêu chuẩn mỗi đứa trẻ mỗi ngày một bát phở năm. Muốn ăn lúc nào thì ăn. Sáu đứa sáu bát. Mẹ nó thì không hạn chế, nhưng hà tiện nên chỉ dám gặm xương. Hai anh đừng đánh giá em như trước. Thật mà, em không phải là thằng ăn hết phần vợ phần con". Nói đoạn, Ngỡi tươi cười ngồi vào bàn với Đoành. Tôi nói thêm vài câu, rồi chuồn. Đoành ở lại.

 

 

 

1 giờ chiều một ngày dễ nhớ, tôi xông thẳng lên gác dựng Tình Bốp dậy. Nó đang buồn. Tôi nói: "Cho tao mượn máy ảnh. Mai trả". Tình Bốp nói: "Ngồi đây đã. Uống ở đâu về thế?" Tôi nói: "Với Phúc-gian, ông chủ, ông Phúc. Giờ tao về đã. Đưa máy cho tao. Mai rỗi, tao sang mày". Tình Bốp nói: "Tao đang có chuyện. Lily lên tàu, đi Hải Phòng một mình, bây giờ mới biết. Tao nhờ người tìm khắp miền Nam, không thấy Lily đâu". Không hiểu, Tình Bốp muốn trách gì tôi, nhưng tôi thấy quặn lòng. Nhưng tôi đang vội. Tôi cầm máy ảnh, phóng qua ngã tư. Tôi về.

 

 

Ngày thứ ba dễ nhớ, tôi đến trước chỗ chôn kỉ vật của Lily. Rồi nằm rạp xuống đất, nhòm vào đấy. Tôi đếm hai hàng đá hoa từ chân giường, và thò tay vào rờ. Chỗ chôn vẫn i nguyên. Tôi đóng cửa ra vào, cửa sổ, rồi bật điện ngày. Bấy giờ là 1 giờ 30 chiều mùa đông, tôi cởi áo dạ trước gương. Bóng tôi mặt chỗ đỏ, chỗ trắng, là cái mặt đang hả rượu. Sọ tôi nói: "Đào kỉ vật lên, đếch là cái gì thì tẽn tò". Tôi mặc kệ. Gỡ xong hai miếng đá hoa, tôi đào đất bằng dao rựa, mũi dao chạm cái hộp sắt. Tôi bới đất xung quanh. Rồi bất chợt dừng lại, nghe ngóng. Bóng tôi im. Buồng tôi im. Ngoài vườn là tiếng lá lả tả. Rét luồn qua khe cửa vào nhà, thấm qua tường vào nhà, nhưng tôi không rét. Đúng 2 giờ chiều, tôi mang hộp sắt lên. Hộp sắt là cái hộp bánh bicqui, nhưng Cốm đã ăn hết bánh. Tôi phủi sạch đất. Tôi lấp đất, còn một khoảng trống trong hố, tôi đặt hai viên gạch hoa, vào chỗ cũ. Rồi quét nhà, lau sàn, chỗ dưới chân giường, lau cả cái hộp bicqui. Lau xong là 2 giờ 15. Tôi dọn sạch mặt bàn, rồi chiếu cả ba ngọn đèn vào. Tôi nhìn gói kỉ vật. Kỉ vật nằm, trong ba lần nilông, trong hộp bicqui vẫn còn thuốc sát trùng tôi rắc, từ lúc ấy mùa hè. Lily đi vào mùa hè. Bây giờ là mùa đông. Mới có vài tháng, mà xa lắc, bởi vì i như trong thánh kinh, kỉ niệm bao giờ cũng xa lắc. Tôi nhìn mặt bàn, lúc này sáng trưng. Gói kỉ vật sặc mùi kỉ niệm, sặc mùi quyển lịch hết hạn, mùi nhớ, mùi năm ngoái, mùi mùa hè năm ngoái. Bóng tôi trong gương chợt buồn. Tôi nhầm. Mùa hè vừa đi qua, mà ngỡ như đã một năm. Sọ tôi nói: "Lãng mạn". Rồi sọ bỏ đi, chơi một mình. Tôi ngồi lại với bóng, trong đống kỉ niệm. Hai đứa chơi với nhau. Nom bóng lãng mạn quá, mặt như con bú dù. Tôi nhớ, đêm trước khi Lily đi, Lily đòi được bế lên gác. Tôi biết Lily không bao giờ cởi giày, nên để mặc Lily hất chân, giày văng vào đâu, vào lọ hoa hay cánh tủ, cũng được. Đêm ấy, giày văng lên tận trần nhà. Lúc rơi, vào ngay giữa bàn, vỡ mất hai cái cốc. Nhưng Lily vui sướng lắm. Quần áo bao giờ cũng làm vướng víu, nên Lily đòi tôi lúc đầu dùng răng, sau đó dùng tay mà xé nhỏ, thành từng mảnh vụn. Lúc đầu xé, thì lộ ra một bờ vai. Sau đó là một bên ngực. Sau đó nữa là một chút trắng trắng, hồng hồng, chẳng biết là cái gì, ở đâu. Xé một lúc, thì lộ ra cây thập ác ngực mùa nực. Xé nữa thì lộ cánh tay. Xé nữa thì lộ rốn, Lily bảo phải nhỏ ba giọt rượu vào, cho đầy, nhưng không được uống. Đến chiếc quần Quan Âm thì Lily bảo tôi ngồi im, mà xem Lily xé. Tôi đã dùng răng cắn thủng được một lỗ, Lily tiếp tục làm rộng ra, bằng mười ngón tay trắng. Rồi Lily xé quần, để tôi xem ở đâu đôi đầu gối trắng, ở đâu đôi đùi trắng, rồi ở đâu toàn bộ đôi chân không tất. Lily không mặc xilip, cho nên xé xong cái quần, thì cũng chẳng còn gì mà xé nữa. Toàn bộ sàn nhà phủ đầy vải, vụn lả tả như xác pháo năm màu. Thế là Lily đòi được đưa đi tắm, nhưng tôi cứ để nguyên quần, nguyên áo, mà nhảy vào bồn tắm cùng Lily, để tha hồ Lily nhét bọt xà phòng vào hai túi quần tôi, làm tôi chẳng thể quên được. Thế rồi nước cứ chảy tràn, khắp sàn buồng tắm bởi vì Lily quên tắt vòi nước. Bọt xà phòng do đó nổi phập phồng từ buồng tắm, ra tận ngoài hành lang. Lúc sực nhớ, tôi muốn khóa vòi nước nhưng Lily lại cho cả hai tay, vào túi quần tôi để tìm bong bóng xà phòng, làm tôi chẳng khóa được vòi nước, làm tôi chẳng thể quên được. Lúc ấy, là 2 giờ 30, buổi sáng mùa hè. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, bây giờ cũng là 2 giờ 30 nhưng là buổi chiều. Bây giờ tôi ngồi, với đống kỉ vật của Lily. Đồng hồ tictăc. Là những tictăc mùa đông. Tôi nhớ, anh Trần B dặn, không được đốt cháy kỉ vật. Thế là tôi dấp nước, vào chiếc quần lót của Lily. Tôi giữ chặt bằng bốn ngón tay, mỗi bên hai ngón, đúng vào cái chun quần. Rồi giơ lên trước mặt, như phơi quần áo. Tôi chờ. Không thấy chiếc quần lót biến màu, chỉ thấy Lily đang bước ra từ đám hơi nước mùa hè. Mỗi bước đi của Lily dập dềnh như biển. Lily tìm cái quần lót, nhưng không thấy, tôi đã nhanh tay hơn Lily, đã giấu kĩ vào túi quần tôi rồi. Lily phải đi, không quần lót Lily vẫn đi, đúng vào lúc 2 giờ 40 phút. 2 giờ 40 phút, tôi lại cất trả chiếc quần lót, còn ẩm nước, vào gói nilông. Tôi lấy từ đấy ra chiếc mùi soa trắng. Tôi trải lên bàn. Chiếc mùi soa nằm, như con bướm trắng khổng lồ sãi cánh. Chiếc mùi soa đầy mùi li biệt, của năm ngoái. Thế là tôi lại lẫn lộn thời gian, lần nữa. Tôi đuổi theo chiếc mùi soa trên sân ga, mới mùa hè vừa rồi, mà vẫn ngỡ là mùa hè năm ngoái. Tôi lại nhớ anh Trần B dặn, không được dấp nước vào kỉ vật. Thế là tôi dấp nước, lên chiếc mùi soa, con bướm li biệt. Bóng tôi trong gương nghển cổ nhìn mặt bàn lúc này sáng rực. Là ánh sáng của ba ngọn đèn, cùng chiếu vào. Tôi vớ chiếc máy ảnh, chắc tôi hấp tấp lắm. Có những hàng mật mã, hiện dần trên chiếc mùi soa. Tôi kêu, trời ơi. Tôi bấm máy lia lịa, tôi bấm hết cả cuộn phim. Vẫn còn thời gian, tôi lấy giấy, tôi chép nhanh bản mật mã lên giấy, cho chắc ăn. Lúc ấy là 4 giờ chiều, thứ ba năm 1955.

 

 

 

 

Tháng hai 1966. Đồng chí Thái kể: bây giờ tôi là nhân viên, cục phản gián. Công việc của tôi lúc nào cũng nhiều, danh sách những đối tượng nghi ngờ, ngày một dài. Hồi ấy, khu vực tôi phụ trách phức tạp, tôi làm không xuể, cho nên đồng chí Trần B được bộ phái xuống, chỉ đạo trực tiếp và mở rộng diện tích điều tra, qua nhiều khu phố. Đồng chí Trần B vui tính, trời nóng trời rét sáng nào cũng tắm nước lã, đang làm việc, cũng vào buồng tắm, để dội vài gáo lên đầu, cho tỉnh táo. Đồng chí Trần B cho tôi biết một số việc quan trọng. Theo nhận định của bộ phận chuyên môn: một ổ tình báo lớn đang hoạt động, trong thành phố, theo tính cách trường kì mai phục, đặc điểm là sử dụng nhiều phụ nữ nhan sắc, để dụ dỗ cán bộ, moi tin tức và đánh cắp tài liệu. Hồ sơ về ổ tình báo dày hàng chồng giấy. Mạng lưới những người cộng tác của công an rất rộng. Họ là những chị đan len, trên các vỉa hè, dưới các cột đèn đêm, đầu các ngõ, trước cửa các số nhà. Họ là những em bé chơi loanh quanh phố. Là các bà nội trợ, các bà hàng nước, các thợ cắt tóc vỉa hè, các anh đạp xiclô. Họ có mặt khắp nơi. Lắm lúc tôi nghĩ, nên cho bọn gián điệp sừng sỏ Mĩ đến, tham quan miền Bắc, và mạng lưới toàn-dân-cảnh-giác của chúng tôi, để bọn chúng phát ghen, mà bỏ nghề tìm việc khác. Nói vui vậy, không phải vụ nào chúng tôi cũng phá được, nhanh gọn. Nhưng tôi sẵn sàng im lặng, theo dõi một đối tượng nghi vấn, 10 năm, 20 năm, để chứng minh giả thuyết. Nhọn-cằm là ai? Ở đâu? Chúng tôi vẫn chưa có trả lời. Chúng tôi theo dõi, những cô Hoa, cô X, cô Tám, cô Y, cô Lựu, là những cô gái có liên quan tới Nhọn-cằm, và là nhân viên của Macxen cài lại. Nhưng các đầu mối cứ lần đến lão Khang và Nhọn-cằm, thì tắc tị. Chúng tôi không biết gì nhiều hơn cô Hoa, cô chỉ gặp Nhọn-cằm vài lần để lấy chỉ thị và lấy tiền, rồi không biết Nhọn-cằm đã đi đâu, trong thành phố láo nháo. Cô Hoa, nếu không gặp Nhọn-cằm, sẽ chờ lúc vắng chồng, viết mật mã bằng chất hóa học, lên một trang trong quyển sách cũ, rồi kí tên Cô-Bé-Mắt-Tít nhỏ xíu ngoài bìa, rồi bí mật ném vào hòm thư nhà lão Khang. Cô chỉ biết mỗi thế thôi. Chúng tôi cũng không biết gì, nhiều hơn lão Khang. Buổi sáng, lão Khang mở hòm thư, nếu thấy một quyển sách cũ, nếu ngoài bìa có kí tên Cô-Bé-Mắt-Tít, lão hiểu ngay công việc của lão, là để quyển sách sang một bên. Lão không cần biết bên trong sách có gì đặc biệt. Cô-Bé-Mắt-Tít lão cũng không biết, là cô gái Hà Nội nào. Công việc của lão sau đó, là trương lên cửa, cái bảng đen rao vặt. Nếu đọc kĩ, thế nào cũng thấy dòng chữ phấn vàng: cần-mua-sách-cũ, giữa bao nhiêu dòng chữ các màu khác. Thế là lão xong việc. Một lúc bất ngờ nào đấy, Nhọn-cằm sẽ xuất hiện bất chợt, ngay trước mặt lão, chỉ làm hiệu chứ không nói gì, Nhọn-cằm trả tiền cho quyển sách, rồi biến mất qua cổng sau. Tất nhiên lão không biết, Nhọn-cằm là ai, ở đâu. Tuần trước, chúng tôi bí mật gọi lão, đến một địa chỉ bí mật, để gặp tôi và đồng chí Trần B. Lão vừa nhận được tin, đã run rẩy, chắc không phải do hiệu sách lạnh. Trên đường đến chỗ hẹn, lão vừa đi vừa run, trong chiếc áo dạ xù xì. Đến khi vào trong phòng ấm, lão vẫn run. Ngồi trước chúng tôi, lão tiếp tục run. Lão uống nước chè nóng mà không hết run. Đồng chí Trần B im lặng, bày lên bàn một số ảnh, do trinh sát bí mật chụp được. Trong ảnh, có cô Hoa, cô X, cô Lựu, các cô đang ném sách vào hòm thư nhà lão. Có ảnh lão Khang đứng bên hòm thư, tay ôm quyển sách. Có cả ảnh chụp những bản mật mã, bằng mực hóa học, bên trong sách. Tôi phụ trách khu vực nhà lão, song tôi không biết tất cả những tài liệu này, và cũng không hiểu trinh sát đã chụp chúng như thế nào, từ lúc nào. Nói chung, các bộ phận bên tôi hành động độc lập. Trông lão Khang xem ảnh, thật tội nghiệp. Lão khai ngay không chần chừ: lão là hòm thư của Nhọn-cằm, nhưng chỉ phụ trách thư đến. Còn thư đi, lão không hề biết. Lão nói: "Tôi biết, tôi có tội. Tôi chờ giờ phút bị bắt này, từ lâu rồi. Vì hoàn cảnh xô đẩy, thực bụng tôi không muốn. Mấy lần định ra đầu thú, nhưng tôi sợ bị trả thù, tôi sợ bị bắt đi tù". Nói xong, lão vẫn còn run. Đồng chí trần B hỏi: "Bây giờ ông muốn thế nào? Ông hoạt động phản quốc. Ông muốn nhà nước tha bổng à?" Lão Khang nói: "Tôi chỉ xin các anh giảm tội. Các anh giảm tù, cho năm nào tháng nào, tôi đội ơn các anh năm ấy tháng ấy". Đồng chí Trần B nói: "Chúng tôi nói để ông biết. Ông có thể chuộc tội. Lập công đến đâu, tội giảm đến đấy. Công to có thể xóa tội". Lão Khang mừng quá, nhưng vẫn run. Chúng tôi bảo lão về, lão không chịu về, vì sợ bị thủ tiêu. Đồng chí Trần B phải vạch kế hoạch cụ thể cho lão. Đồng chí nói: "Bây giờ, ông ra phố chơi. Đi xem xinê, đi ăn, cho khỏe. Sau đó, cứ bình thường như cũ. Trong bụng, phải căm thù địch, nhưng đừng lộ vẻ gì. Đối với ta, phải thật. Nếu trá hàng, hai mang, thì đừng trách chúng tôi". Lão Khang ra về, vừa đi vừa run. Cuộc gặp này có trước ngày cậu Dưỡng bị mưu sát hụt, hình như ngày thứ bảy. Chúng tôi cùng nhau xem xét sự việc, đồng chí Trần B nói: "Có lẽ sắp ra". Nghi ngờ của tôi về lão Khang, thế là được chứng minh, nhưng tôi gạt lão ra khỏi diện nguy hiểm. Chỉ còn trơ lại lão Phúc.

 

 

 

 

11 năm trước. Trích bản cung khai của Nhọn-cằm, tài liệu này do đồng chí Thái, nhân viên cục phản gián, cung cấp: tôi tồn tại dưới mật danh Nhọn-cằm. Phạm vi hoạt động là Hà Nội, chính thức từ năm 1954. Tôi được đào tạo chính qui, vì vậy giữa một thủ đô tấp nập hàng triệu nam nữ, tôi tính toán rất chi li kĩ lưỡng, để có thể chợt xuất hiện, rồi lại chợt biến mất. Tôi cố gắng hạn chế và loại trừ mọi khả năng có thể làm tôi sa lưới công an miền Bắc. Tất cả các đầu mối hoàn toàn không biết, tên tôi, lẫn chỗ ở. Mỗi năm tôi chỉ đến gặp họ, một vài lần, vào những lúc bất ngờ nhất, thường là đêm tối, thường là ngày giông bão, ngày rét mướt, ngày phố vắng người qua lại. Các cuộc gặp chỉ dài 3 phút, nhưng thường xuyên phải đợi nhau 9 tháng. Công an có phát hiện ra một đầu mối, do vậy cũng phải đợi 9 tháng. Khi gặp đầu mối, mọi chỉ thị và tiền thưởng, tôi đều giấu sẵn, trong những đồ vật thích hợp, với từng hoàn cảnh. Ví dụ bao diêm. Ví dụ bao thuốc bỏ quên. Ví dụ quyển sách. Rất chớp nhoáng. Trong trường hợp công an có đi theo, về nơi ẩn náu, cũng không thể tìm thấy tôi. Bởi vì tôi biến mất, như chưa hề tồn tại. Các đầu mối cũng có thể sử dụng hòm thư của ông Khang, để liên lạc với tôi. Tôi chỉ việc theo dõi tấm bảng đen, trước cửa hiệu sách, và chờ dòng rao vặt, bằng phấn vàng của ông. Trong trường hợp các đầu mối bị bắt, cả các cô gái xinh đẹp, cả ông Khang, cả ông Phúc nữa, cũng không thể lần ra tôi. Cho dù mất tất cả bọn họ, tôi vẫn ung dung trên phố.

 

 

Tôi hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Macxen. Một tháng trước ngày tiếp quản, Macxen và tôi có gặp nhau, để lên kế hoạch. Macxen dặn tôi, tranh thủ các cô gái xinh đẹp, mà Macxen đã đào tạo, cho họ nhiều tiền và không được ăn bớt, nhưng cũng không được cho họ quá nhiều tiền. Bản thân tôi cũng không được cấp trên cho ăn thật no, như tôi muốn. Các cô gái xinh đẹp của Macxen được tôi tung vào thành phố, để lung lạc cán bộ. Một năm nay, tôi theo kế hoạch của Macxen. Lúc đầu rất ổn. Nhưng ngày một, ngày hai, nhất là từ ngày khép cảng Hải Phòng, việc làm ăn khó dần, khó dần mãi. Tôi có cảm giác, bị cả xã hội bao vây. Xã hội là tất cả miền Bắc, là trẻ con, là cụ già, là kẻ quen người lạ, là muôn nghìn con mắt, nhòm ngó từng cử chỉ của tôi, ngày và đêm. Lắm lúc, tôi muốn đóng cửa, làm thằng rồ trong buồng. Tôi muốn đi Nam, nhưng cấp trên không đồng í. Tôi biết, bên châu Âu, châu Mĩ, bọn gián điệp sống sung sướng. Bên ấy, thừa chỗ để đập phá, để xả hơi sau những nguy hiểm. Bên ấy, có thể chuồn, dễ dàng từ nơi này qua nơi khác, nước này qua nước khác. Ở đây không như thế. Tôi ở đâu, là bị dính chặt vào đấy. Tổ chức xã hội ở đây theo sổ hộ khẩu, đi đâu phải khai báo, khách đến nhà phải khai báo, khách đi khỏi nhà cũng phải khai báo. Nhân dân ở đây, từ trẻ thơ, đến cụ già, nói chuyện chính sách rất giỏi. Nói thầm trong nhà, là có người nghe được, là thành câu hỏi. Tại sao không nói to? Buổi đêm thức khuya, đèn sáng cửa sổ, là bị hàng xóm báo cáo. Một con kiến, một con ruồi lạ, cũng bị đặt vấn đề. Ở đây câu cảnh giác, là câu cửa miệng, khẩu hiệu cảnh giác, treo đầy các phố. Hoạt động gián điệp, do đó vô cùng vất vả. Đời thằng gián điệp căng thẳng thường trực, mà không một thú vui khoái lạc, để quên đi trong chốc lát. Những lúc bị tâm lí hành hạ, tôi lại lồng lên, trong mưa bão. Tôi đến tìm các đầu mối, từ lâu thấy nằm im. Các cô gái tốt đen của tôi cũng nhiều cô chán nản, muốn giải nghệ đi lấy chồng. Tôi phải dọa nạt, cho thêm tiền. Những lúc khó khăn như thế, tôi muốn ra phô tài đọ sức, với công an, và khuấy động thành phố, bằng những sự kiện kinh thiên động địa, cho thỏa đời. Nhưng bao giờ tôi cũng dừng lại được, và chờ đợi.

 

Khi ra đi, Macxen còn để lại cho tôi giải quyết nốt, trường hợp cậu Dưỡng. Macxen nghi cậu ta đã chụp ảnh bản danh sách nhân viên của Macxen, được gài lại trên miền Bắc. Bản danh sách tuy được tìm thấy, trên sàn ôtô, nhưng có vết tay lạ. Macxen đã cho bắt ngay, anh bếp và u già nhà Lily. Nhưng họ không nhận. Macxen cho lính tìm bắt cậu Dưỡng, cậu này đã biến mất. Té ra, sau này tôi biết, cậu Dưỡng may mắn, trốn ngay trong hầm nhà cậu. Do vậy, sau ngày tiếp quản, cậu trở thành một mục tiêu của tôi. Phát súng ám sát hụt anh bộ đội, là tôi bắn. Để đổ mọi nghi ngờ của chính quyền lên cậu Dưỡng. Câu chuyện phức tạp như vậy, cũng vì cô Lily. Là gái điếm, nhiều nhân tình, nhưng lại mê cậu Dưỡng. Cô đứng ra bảo lãnh, để Macxen không bắt, và tra khảo cậu. Cô Lily bị chuyển vào Nam, cũng vì cô iếu đuối, trong tình cảm. Tôi nghi cậu Dưỡng có giữ những bí mật của cô Lily, cũng là những bí mật của tôi. Vì vậy, tôi muốn mượn tay công an, trừ khử cậu. Tôi tìm cách thủ tiêu sinh mạng chính trị, thủ tiêu cả con người cậu, nếu cần thiết. Sau 300 ngày, cảng Hải Phòng đến lúc khép cửa, cô Lily đi Nam, mang theo bản danh sách những đầu mối của tôi, tại Hà Nội, viết bằng mực hóa học đặc biệt, không bao giờ phai.

 

Bản danh sách, chính là chiếc mùi soa trắng, của cô Lily. Trên tàu, cô chơi ngông, lấy mùi soa ra phe phẩy, trước mọi người, rồi lại vẫy mùi soa, từ biệt cậu Dưỡng, đâu dè tuột tay, để gió cuốn đi mất. Tôi có nhiệm vụ bảo vệ cô Lily, xuống tận cảng Hải Phòng, nhưng vì chiếc mùi soa rơi, tôi phải nhảy xuống sân ga, mà muộn quá. Tôi tìm khắp không thấy. Tôi cho là cậu Dưỡng đã nhanh tay, nhặt trước tôi rồi. Thế là cô Lily đi Hải Phòng một mình. Tôi biết tổ chức đợi, để cô trao lại bản danh sách, khi cô đến miền Nam. Nhưng cô đã không đến miền Nam. Cũng không thấy cô quay lại Hà Nội. Cô đi đâu, ở đâu không ai biết. Sau này, tôi cố nhớ lại mọi chi tiết, tôi cảm giác cô đã cố tình ném chiếc mùi soa đi, có thể vì một chuyện nguy hiểm, mà tôi không biết. Nhưng là số phận rồi. Cô làm điếm, làm tình báo, mà còn dại dột, để tình cảm lấn át công việc. Cô Lily đáng thương. Còn cậu Dưỡng, cũng đáng thương. Họ đáng thương, nhưng họ làm tôi mất ăn mất ngủ. Tôi bí mật tấn công cậu Dưỡng, làm đầu óc cậu mê muội, hoảng loạn, để cậu quên đi chiếc mùi soa. Đồng thời, tôi tìm cách cướp lại bản danh sách. Tôi sẵn sàng thủ tiêu cậu, cho khỏi hậu họa. Một ngày mùa đông 1955, cậu Dưỡng nói chuyện với tôi, về chiếc mùi soa cậu vẫn còn giữ. Tôi không thể chần chừ được nữa. Hôm ấy, là ngày thứ ba.

 

 

 

 

 

Chương XII


Tháng tư 1966. Đồng chí Thái kể: bây giờ tôi là nhân viên, cục phản gián. Cứ như thể 11 năm đã qua, cậu Dưỡng vẫn nằm trong khu vực tôi phụ trách. Hồ sơ của cậu hôm nay, vẫn nằm nguyên vẹn, như gần 11 năm trước. Trong số những bạn bè đồng lứa, cậu có vẻ kín đáo hơn cả, cho nên tôi còn nhớ, tôi đã tin cậy trao một vài nhiệm vụ cho cậu. Xong cuốn sách, anh cho chúng tôi mượn bản gốc nhật kí, để chúng tôi chép lại, và hoàn thiện hồ sơ. Chúng tôi sẽ hoàn lại anh nguyên vẹn. Buổi tối tai nạn ấy, hình như là thứ ba, tôi không có mặt ở hiện trường. Ngay lập tức, nhà Dưỡng được ban bảo vệ khu phố niêm phong. Khi công an chuyên môn đến, hiện trường vẫn nguyên vẹn, nhưng kẻ gian không để lại dấu vết gì. Nốt tay cũng không. Trên sân, có nốt giày batkêt, là dấu vết duy nhất tìm thấy. Hôm sau Dưỡng xem lại đồ đạc trong nhà, không thấy mất gì cả, nhưng các tủ quần áo, bicphê commôt, các xó xỉnh đều bị lục lọi. Đống kỉ vật của Lily để lại, bị xáo trộn lung tung. Lúc ấy tôi nghĩ, có thể để cướp lại tang vật, mà kẻ gian đã phải liều lĩnh, táo tợn, như thế. Buổi tối hôm ấy, tôi nhận được tin báo về tai nạn, nhưng tôi đang làm nhiệm vụ khác. Đúng như giả thuyết của tôi, Nhọn-cằm không đến các cuộc hẹn, để các cô gái phải đợi đến tận đêm, rồi lại ra về tay không. Chúng tôi cử trinh sát theo lão Khang, nhưng Nhọn-cằm cũng không xuất hiện. Khoảng 10 giờ tối, tôi đến căn gác nhà cậu Đoành, thấy Đoành bày la liệt sách trinh thám, trên bàn, trên giường, hàng chục quyển. Đoành thuật lại kế hoạch của cậu ta với Dưỡng. Theo đúng kế hoạch, Đoành qua nhà Tình Bốp, khoảng 8 giờ tối, nhưng cổng sắt khóa xích, Đoành đứng gọi mãi, chờ hơn 5 phút, không thấy Tình Bốp xuống mở. Buồng của Tình Bốp có ánh đèn, nhưng toàn bộ ngôi nhà tối om. Đoành phán đoán, một là Tình Bốp ốm, phải đi ngủ sớm, hai là Tình Bốp giả ốm, không xuống mở cửa. Đoành phải quay về. Đoành nói: "Tôi nhức óc vô cùng. Tôi theo ông Dưỡng, tôi đi tìm kẻ gian, chưa tìm được gì, chỉ thấy đau đầu. Tôi xem sách để tra cứu tìm mẹo". Vậy là, trong lúc Dưỡng uống rượu với Ngỡi, kẻ gian đột nhập nhà Dưỡng, Đoành thì ngồi một mình. Cô Thạch, chị của Đoành, xác nhận cửa sổ buồng Đoành sáng đèn, cả buổi tối. Đến khi Đoành kể, về chiếc mùi soa mật mã, tôi không ngạc nhiên, nhưng tôi biết, thế nào cũng có chuyện không hay xảy ra. Ở đâu, như thế nào, tôi không phán đoán được. Tôi vội lấy xe, để xuống ngay bệnh viện Bạch Mai, tìm Dưỡng. Tôi không biết, Dưỡng có giắt mùi soa trong người, hay vẫn để nhà. Lúc ấy hình như, đã 11 giờ đêm. Trời lạnh và gió. Tới ngã tư S, tôi phân vân không biết Dưỡng có để thư lại cho tôi, ở địa chỉ bí mật không. Tôi quyết định rẽ theo ngả khác, để đến cây-si-già-rễ-đỏ. Nhà bà Hiếu đan len còn sáng đèn. Bà Hiếu trao lại tôi, gói nhật trình của Dưỡng. Tôi không cần đến bệnh viện nữa, tôi đi tìm đồng chí Trần B trên trụ sở. Đồng chí Trần B vẫn làm việc, và theo dõi trực tiếp, diễn biến đêm nay. Đồng chí xem thư và tang vật chiếc mùi soa, chưa xem xong, đã bật dậy. Đồng chí Trần B nói: "Anh kiểm tra nhà Tình Bốp thấy thế nào?" Tôi nói: "Cổng khóa xích. Đèn buồng Tình Bốp trên gác sáng. Trinh sát có mặt khoảng 7 giờ 30 tối. Không thấy ai ra vào, trừ Đoành. Đoành đến gọi cổng một lúc, không được thì bỏ về. Trong nhà tuyệt đối không động tĩnh gì". Đồng chí Trần B hỏi lại tôi: "Cổng vẫn khóa? Đèn trên vẫn sáng? Từ chập tối?" Tôi nói: "Từ lúc trinh sát đến. Trước đó không rõ". Đồng chí Trần B vỗ đầu một cái, lẩm bẩm: "Không khéo ta chậm mất rồi". Sau đó, tôi được trao nhiệm vụ chuyển, chiếc mùi soa và thư của Dưỡng, lên đồng chí Tóc Bạc, trên bộ nội vụ. Để bộ phận chuyên môn cấp tốc mở khóa mật mã. Đồng chí Trần B hấp tấp lạ thường, nhưng không phải vì chiếc mùi soa. Đồng chí đeo bao súng vào nách, khoác véttông ra ngoài, mang theo cả chiếc máy ảnh chụp đêm. Tôi chỉ nghe đồng chí lẩm bẩm: "Chậm, chậm". Đồng chí Trần B đạp xe xuôi xuống phố. Tôi đạp ngược lên bộ. Nếu tôi nhớ không nhầm, bấy giờ là 12 giờ đêm. Tôi vừa đạp xe, vừa nghĩ. Tôi đặt những giả thuyết, về nhân vật tạm thời mang tên Hắn, về hành động của Hắn đêm nay. Hắn có thể là Dưỡng, là Tình Bốp, là Nhọn-cằm, biết đâu là Đoành, là lão Khang, ông Phúc, cũng có thể là một ai đó, hoàn toàn đứng ngoài danh sách của tôi. Khoảng 12 giờ 30, ở trên bộ về, tôi đến thẳng nhà Tình Bốp. Cổng vẫn khóa, đèn vẫn sáng trong buồng. Không rõ trinh sát nấp ở đâu. Tôi ném xe vào một chỗ khuất. Rồi vượt tường, hệt như thời tôi làm tình báo nội thành. Nhà Tình Bốp tầng dưới tối om. Tôi men sát bờ tường, rồi vào nhà dễ dàng, như có người đã vào trước tôi rồi. Tôi lên cầu thang không một tiếng động. Buồng Tình Bốp có ánh đèn, lọt qua khe cửa. Cửa khóa. Tôi mở cửa, bằng chìa khóa nghiệp vụ mở-đâu-cũng-được. Buồng vắng. Ngọn đèn cháy một mình. Không hiểu Tình Bốp biến đâu. Từ buồng Tình Bốp, tôi sang những buồng khác. Tôi không bật điện, mà dùng đèn pin. Tôi đi một lượt, khắp các buồng. Chủ nhân ngôi nhà biến đâu mất. Ngược lại, đã có một người qua đây trước tôi, và để lại dấu vết. Tôi xuống cầu thang, để xem xét toàn bộ ngôi nhà. Không khí có cái gì không bình thường. Xuống được ba bậc thang, đèn điện đột nhiên bật sáng trưng. Tôi chạy ngược lên, sẵn sàng thủ thế chờ. Nhưng có tiếng gọi từ trong buồng, gọi đúng tên tôi: "Mời ông Thái vào đây!" Đồng thời một cánh cửa dưới chân cầu thang mở rộng, như để đón tôi vào.

 

 

 

Một ngày tím. Nhật kí tiếp tục: vào một buổi sáng iên tĩnh, tôi ngồi vườn hoa nhai bánh mì. Trời sáng rõ. Để tôi nhận ra, vườn hoa năm ngoái. Mùa đông năm ngoái, cũng tại vườn hoa này, tôi và Cốm lẫn vào dòng người nội thành, đi đón bộ đội tiếp quản. Một năm rồi. Bao nhiêu sinh sự. Và sự sinh. Có gì vừa nhanh, vừa đằng đẵng. Bao nhiêu ngã tư. Bao nhiêu cột đèn. Một năm, mất công lắm. Nhưng buổi sáng nay iên tĩnh. Vườn hoa có hoa, lá, chim, cành. Có buổi sáng sáng rõ. 6 giờ 10, tôi vẫn ngồi vườn hoa. Mọi nhốn nháo, tiếng động, và nốt chân hôm qua, đã thuộc về hôm qua rồi. Đã là nốt chân hôm qua, là tiếng động hôm qua. Là nhốn nháo hôm qua. Bây giờ tôi iên tĩnh. Xung quanh vườn hoa, nội thành đi lại, điểm tâm, làm lụng và nói cười một ngày mới. Tôi nhai hết miếng bánh mì gộc, thì cũng xong cơn lãng mạn. Tôi vốn không lãng mạn. Chỉ tại buổi sáng vườn hoa. Hôm nay là thứ tư. Tôi phải thu thập lại, nào thông minh, tôi có cả thông minh, nào trí nhớ, nào mưu mẹo. Tôi tự hỏi, tôi đang làm gì? Đang ở ngã ba nào? Sẽ rẽ đi đâu? Tối qua tôi đã bị thua bọn Tình Bốp, Nhọn-cằm và ông Phúc. Tôi đưa bộ ba đó lên mũi nhọn, của diện ngờ. Bọn chúng đã xuất kì bất í, cắn trộm tôi một miếng đau, đến chảy máu. Việc đột ngột, không lường trước. Hôm nay tôi phải trả thù như thế nào? Chưa rõ tối qua Đoành đã gặp Tình Bốp, ra sao? Có thành công không? Nhưng dù thế nào, tôi cũng sẽ qua Tình Bốp. Để ném đoạn phim vào mặt nó. Để vạch tội nó và đồng bọn. Dễ thôi. Vì tôi có tí diuđô, và vì tôi rất đểu, rất vô đạo đức. Tôi sẽ ra điều kiện, tôi không bán tang vật nữa, tôi cho nó 3 ngày, phải ra công an đầu thú. Trong 3 ngày này, nó hoặc đồng bọn, sẽ căng thẳng, sẽ thủ tiêu tôi. Tôi sẽ bắt quả tang. Cả tôi, cả chúng nó, đều đang ở đường cùng. Tôi nhớ, cả trinh thám, cả thánh kinh đều dạy, như thế này: kẻ bẫy người giỏi, đầu tiên và trước nhất, là kẻ vờ như bị bẫy. Vậy thì tôi sẽ đến, đập cửa nhà ông Phúc, để nói ông Phúc ôi, ông Phúc ôi, ông Phúc giúp tôi. Để sau đó tôi đi vào bẫy, của ông Phúc, với tất cả những đề phòng và bố trí cẩn thận. Cái bẫy của ông Phúc sẽ là dịp tốt, để hai bên đấu trí nhau. Với tí diuđô, tôi có thể chọi được ba người, không có diuđô. Nghĩ rồi, tôi đứng bật dậy. Tôi xem đồng hồ, đồng hồ chỉ 6 giờ 40. Vườn hoa tỏa mùi buổi sáng. Tôi rời vườn hoa, nhập vào nội thành đi lại. Tôi ra phố, phố bắt đầu nhốn nháo cái nhốn nháo hôm nay. Không ai biết, tôi có một dự định ghê gớm. Tôi bước sải, qua nhiều ngã tư và cột đèn. Tôi huýt sáo tuýt, tuýt, tuýt.

 

 

 

 

Tháng 5 năm 1966. Đồng chí Thái kể: bây giờ tôi là nhân viên, cục phản gián. Nhưng trước kia tôi là trinh sát nội thành, cho nên đủ khả năng trả lời lại bạo lực. Tôi xuống cầu thang. Tôi chờ trường hợp xấu nhất, là chạm trán với Hắn. Nhưng tôi không gặp Hắn. Tôi gặp đồng chí Trần B. Đồng chí Trần B nói: "Ông cụ gớm nhỉ. Đêm hôm vượt tường, vào nhà người ta. Phi gian tắc dâm". Tôi cười: "Không thế thì không bắt được anh, quả tang". Đồng chí Trần B nói: "Hỏng rồi. Bọn mình chậm". Và dẫn tôi ra sân sau, rồi bật đèn nhà vệ sinh. Tôi thấy một xác người, nằm trên miệng hố vệ sinh, đầu dốc ngược xuống thềm gạch bên dưới. Tôi không trông thấy mặt. Tợ hồ người này đi vệ sinh, bị ngộ cảm chết. Chìa khóa buồng rơi bên cạnh. Đồng chí Trần B nói: "Tình Bốp". Trong giọng đồng chí có gì, như tự phê bình. Đúng là chúng tôi chậm.

 

 

 

Một ngày tím. Nhật kí tiếp tục: thằng Đoành rên rỉ: "Thế là xong đời Tình Bốp. Không còn gì nữa cả. Hồi nhỏ, ba thằng đi học cùng nhau, ba thằng con chấy cắn ba. Sầu thật. Tất nhiên, bọn chúng thịt lẫn nhau. Nhưng tao cứ tự hỏi, không biết tao và mày, nhất là mày, có trách nhiệm gì, trong cái chết của nó? Từ sáng, tao nghe dân phố bàn tán. Có người đặt dấu hỏi to tướng, về mày. Vô lí sự đời. Việc gì cũng có cái sầu của nó, cả việc tử tế, cả việc vui mừng. Tao chịu đấy. Tao quay về món giải sầu đây. Ngày mai đến đài phát thanh nhận việc. Tao không đi theo mày nữa. Đi theo mày nhức óc vô cùng. Theo mày không biết còn bao nhiêu án mạng nữa. Chỉ một buổi tối, con mày chết, Tình Bốp chết, hai án mạng, trong lúc phố xá còn tấp nập. Thôi, tao quay về, đi hát giải sầu, iên trí hơn". Tôi nói: "Tại sao mày lại nghĩ Tình Bốp chết, là vì mày và tao, nhất là vì tao?" Nó nói: "Mày dạo này sống sượng. Có bao nhiêu loại trách nhiệm, mày còn lạ gì? Tất nhiên mày và tao không có trách nhiệm, về mặt pháp lí. Nhưng, về mặt xã hội học, và đạo đức học, mày phải suy nghĩ thế nào là tội ác, và cái gì xui ra tội ác. Tội ác là hiện tượng cá nhân hay xã hội? Xã hội phải tổ chức như thế nào, phải làm gì để hạn chế tội ác. Xã hội có thể trở thành một thiên đường phi tội ác, hay không? Mày suy nghĩ như thế, tức là mày có trách nhiệm tinh thần. Trách nhiệm pháp lí thì có hạn, ngược lại trách nhiệm tinh thần, thì vô hạn. Người ta khổ đau nhiều, người ta hoặc trở thành vĩ nhân, hoặc thành thằng điên rồ, cũng chính vì món trách nhiệm tinh thần này. Từ sáng, khi tao nghe tin sầu, tao cứ hỏi vớ vẩn mãi. Không chỉ trách nhiệm tinh thần, mà thực tế ra, có khi tao với mày có dính dáng, vào tội ác này. Mày khua lung tung, làm chúng giết lẫn nhau, để bịt đầu mối. Con mày chết biết đâu cũng vì mày, vì tao, tự dưng lại nổi cơn trinh thám. Tao ân hận và sầu quá. Mày muốn tiếp tục, thì mày tiếp tục. Tao xin thôi".

 

Vừa lúc ấy, thằng Chắt gõ cửa. Cả tôi cả Đoành, chả thằng nào buồn đứng dậy. Hôm nay là một ngày tím của tôi, là thứ tư của thằng Đoành, là chủ nhật của thằng Chắt. Chắt ngủ dậy muộn ngày chủ nhật, nghe tin dữ, vội chạy sang nhà tôi: cửa đóng. Nó sang nhà Ngỡi: hàng phở đông nghịt. Nó tới gõ cửa nhà Đoành: nó vào, chả chào ai. Tôi kể tóm tắt í kiến của Đoành. Tôi nói, theo í Đoành, hung thủ tối qua là tội phạm số 1, tôi và Đoành là tội phạm số 2. Tôi là 2A, Đoành 2B. Chắt ở đâu đến ngồi cùng chúng tôi, tự dưng thành tội phạm số 3. Tôi còn có thể vớ một cô qua đường, bất cứ cô nào xinh xinh, và cho cô ta thành thủ phạm, số 9, số 10. Tất nhiên, tội phạm tinh thần, công an không đến coòng tay, tòa án không kết tội. Nhưng luân lí cao siêu của Đoành kết tội. Luân lí của Đoành như thế có thể đưa toàn bộ thế giới, thành nhân loại tội phạm. Chắt nói: "Luân lí con khẹc gì vô lí vậy? Nghe hủi bỏ mẹ". Đoành nói: "Đấy là trách nhiệm tinh thần. Về sau, con cháu mình sẽ phết cho thời đại chúng mình chữ dã man, tiền sử. Như thế là trách nhiệm tinh thần. Chúng mày đừng nhầm với trách nhiệm pháp lí. Chúng mày đi xem chớp bóng, câu chuyện xảy ra tận bên Nữu Ước, bên Matxcơva, bên Pari, thì bận gì đến chúng mày? Tại sao đêm về chúng mày trằn trọc. Chúng mày thương xót. Tại sao nhiều cô sụt sùi khóc trước màn ảnh. Chúng mày đừng cãi nữa. Nhất cử nhất động của chúng mày, của tao, đều có hại hay có lợi, rất xa, cho tận đến hòa bình thế giới". Chắt nói: "Nhưng cái gì cũng phải có mức. Giống như khi tao ném hòn bi cái. Hòn bi cái đụng vào hòn bi thứ hai, đụng lan sang hòn bi thứ ba, thứ tư, tùy theo. Đến hòn bi thứ bảy chẳng hạn, tác động hết. Lúc mày đẩy chiếc xe bò, lực mày còn bao nhiêu, sau khi trừ đi, các khoản ma sát hao hụt, chiếc xe bò sẽ nhích ngần ấy. Trong đời người cũng vậy, công và tội đều có mức. Không thể nói tràn lan, như mày được. Hành động của mày, của tao, chỉ có tác động, lợi và hại trong một phạm vi nhất định. Cái gì cũng cần khoa học. Luân lí cũng phải có khoa học. Trách nhiệm vung tàn tán như mày, tao nghe linh tinh bỏ mẹ. Có khi chính mày là vô trách nhiệm". Tôi nói: "Luân lí của nó, đúng như chữ của nó, là luân lí dã man và tiền sử. Thôi chúng mày ngồi chơi. Tao đi, có việc bận". Chắt nói với theo: "Dưỡng! Mày cần gì, cứ gọi tao. Tao sẵn sàng". Tôi xuống cầu thang, vẫn nghe tiếng hai thằng cãi nhau, rất to. Tôi không phải triết gia, lẫn tư tưởng gia. Thế là phải. Tội gì phải chìa vai ra, gánh tất cả mọi trách nhiệm trời đất ở đời.

 

 

Tôi về lấy xe, đạp túa lên ngôi nhà ba cổng. Nhà ông Phúc đóng. Ông Khang cho biết: vợ chồng ông Phúc đánh tacxi, đi từ hôm qua, tacxi chất đầy gà qué, hoa quả và đồ cúng. Ông Khang nói: "Họ đi từ 4 giờ chiều". Ông kể thêm: bà Phúc ăn mặc rất diện, phấn sáp đầy mặt, đeo vòng hột lòe loẹt, đúng là cái lối khoe của, đúng là rởm đời. Lúc ấy 8 giờ sáng. Tôi phóng đến địa chỉ cây-si-già-rễ-đỏ. Tôi lại gặp, những ngã tư và những cột đèn. Bà Hiếu đan len nói, bà đã trao tài-liệu của tôi, cho anh Thái. Tài-liệu, là chữ của bà. Tôi iên trí quay ra. Lại những ngã tư và những cột đèn, nhưng là cột đèn ngày, là ngã tư ngày. Tôi đạp xe, bao quanh tôi là nội ngoại thành, bận rộn sự bận rộn hôm nay. Tôi đạp xe xuống, bệnh viện Bạch Mai. Thường trực không cho vào. Nhưng thường trực đồng í gọi điện vào hỏi tin, rồi trả lời: "Bình thường thôi". Thường trực quay vào, với những người, những việc khác, để tôi đi về những ngã tư và những cột đèn. Với thường trực, bình thường là đủ. Nhưng với tôi, bình thường thôi, là như thế nào? Bình thường thôi, có nghĩa là không cái gì xảy ra cả. Bình thường thôi, nghĩa là mọi việc xảy ra, chả cái gì ăn khớp với mưu kế ban đầu. Tôi không dự tính Tình Bốp chết, không dự tính ông Phúc bà Phúc về quê ăn giỗ. Bình thường thôi, nghĩa là hôm nay, tôi không đi làm. Không đi làm, vậy thì tôi sang hàng phở thằng Ngỡi. 9 giờ 40, để làm bát tái mỡ. Ngỡi ghé tai thì thào trong lúc ăn. Tôi nói: "Hay". Rồi tôi nói: "Chẹẹc", là tôi chẹc lưỡi, vì chẹc lưỡi cũng là nói. Tôi ăn thêm bát phở nạm. Rồi trả tiền, tôi về.

 

 

Ngang qua cổng nhà Tình Bốp, tôi thấy lá lả tả phố. Cổng nhà Tình Bốp niêm phong. Tôi ngang qua phố, thấy lá lả tả ngã tư. Tôi rẽ vào ngõ, thấy lá lả tả vườn. Tôi vào buồng nằm, thấy buồng như buồng mồ. Tôi dậy. Bóng tôi trong gương, nhợt nhạt. Tôi đứng ngoài gương, nhợt nhạt. Đun nước pha càphê, thấy người như người đi mượn, của ai, mà mỗi nơi một mảnh. Tôi ngửi ngửi càphê, thấy ông Trung trố lại đánh tôi. Thằng Ngỡi lúc nãy mách: ông Trung trố tuyên bố, tôi là thủ phạm đầu độc Tình Bốp, tôi đã đóng kịch, đột nhập vào nhà tôi, và làm hại đời Cốm. Ông Trung trố còn nói, ông chưa nhìn thấy tang vật nào cả. Tôi không đem nộp ban bảo vệ khu phố, do vậy không có tang vật. Tôi không ngạc nhiên, khi nghe Ngỡi kể, nhưng lại ngạc nhiên lắm. Thì tôi đã nói rồi, những ngã tư và những cột đèn, không lường trước được đường rẽ, tôi lường một đằng, thực tế giằng một nẻo. Kẻ gian đột nhập vào nhà, tôi không lường trước được. Ông Trung trố đạp xiclô, đưa vợ tôi đi viện, tôi đã cảm động. Tôi ngỡ, ông đã nghĩ lại, đâu dè ở bệnh viện ra, ông lại tiếp tục đánh tôi, cũng không lường trước được. Tôi vuốt ngực, thấy phin càphê nhỏ giọt đen đặc, thấy lá lả tả cửa sổ. Trong sọ tôi, mọi í nghĩ lụn vụn, bùi bụi như sàng gạo. Buổi sáng trong ngõ iên tĩnh. Dân phố đi lại, bàn tán chuyện đêm qua, bàn tán cả chuyện không phải của đêm qua. Dân phố cười nói, ăn quà, thổi cơm trong bếp. Nhưng buổi sáng trong ngõ, vẫn iên tĩnh. Tôi dốc rượu rom vào càphê, tôi dốc quá tay. Nhớ lại thằng Đoành sáng nay, tôi chửi mẹ sư thằng Đoành, với mấy í kiến xã hội học kiêm đạo đức học, của nó. Tôi chửi bậy, mà cái giọng nam trầm của nó, vẫn vo ve bên tai, như ruồi như nhặng, đuổi lại bậu đuổi lại bậu. Có lẽ thằng Chắt lành mạnh, và dứt khoát hơn cả. Chắt là công nhân, nói gì cũng rành mạch, như công nhân cắt cái bánh. Tôi lại nghĩ sang thằng Đoành, vì nó cứ vo ve mãi vào tai, rằng tôi phải gánh tội, về cái chết của con tôi, và của Tình Bốp. Tôi từ vai nạn nhân, thành tội nhân. Nạn nhân và tội nhân chả khác gì nhau. Thằng giết người và thằng bị người giết, chả khác gì nhau. Tôi vuốt ngực, định bụng xong cốc càphê-rom, tôi sẽ đến nhà Đoành, để đánh nhau với nó. Vừa uống, tôi vừa đi lại, trước gương, thấy lá lả lả rơi trong gương, vườn cũng lả tả lá. Kẻ thù biến đâu mất. Tôi lí sự, nếu chúng muốn giết tôi, chúng thiếu gì cách. Sọ tôi nói, phải bắt đầu lại, từ sự kiện tối qua, để phán đoán hôm nay, và ngày mai. Tôi nói, tối qua còn gì phải nghĩ ngợi, lôi thôi. Kẻ gian vào nhà tôi tìm tang vật, tìm không được, thì giết Tình Bốp. Hai việc, thành công có một. Sọ nói, sau khi Tình Bốp ngoẻo, chiếc mùi soa không còn í nghĩa, như một tang vật nguy hiểm nữa, chiếc mùi soa bây giờ, là vật vô hại. Tôi thấy sọ có lí, hai việc tất nhiên liên quan nhau, trong đó việc giết Tình Bốp, có vẻ quan trọng hơn. Như vậy, tang vật chỉ nguy hiểm, cho một mình Tình Bốp. Như vậy, chiếc mùi soa là chìa khóa, mở đường dây phản gián dài, mà đầu dây chính là Tình Bốp. Đầu dây bị cắt tối qua, phần còn lại còn nguyên vẹn. Vậy là lúc 1 giờ chiều, tôi tìm ra một giả thiết. Không có giả thiết này, tôi có lẽ không qua nổi ngã tư này. Dĩ nhiên có giả thiết về sau đúng, có giả thiết về sau sai, vì vậy mà lắt léo sự đời.

 

 

 

Một ngày tím. Tôi đi từ tường bên này, sang tường bên nọ. Rồi từ tường bên nọ, sang tường bên này. Đi bộ thôi, nhưng vận tốc tăng dần, cho đến khi lớn bằng tacxi. Tôi định bụng, tối nay ông Phúc ở quê lên, ông Phúc rẽ ngả nào, ở ngã tư, tôi sẽ rẽ cùng ông, ngả nấy. Tôi và ông Phúc sẽ không nói chuyện tang vật nữa, vì Tình Bốp ngoẻo, làm cả tôi, cả tang vật bị mất giá. Trong giả thiết này, tất cả phải làm lại, từ đầu. Nhưng nếu tang vật vẫn còn giá, ông Phúc sẽ cài tôi, cái bẫy khác. Ông Phúc sẽ nói với tôi, một câu thế này, tôi sẽ kể sau. Tôi sẽ nói với ông Phúc thế này, tôi cũng sẽ kể sau. Bây giờ mới 1 giờ 30 trời rét, tôi không buồn ngủ. Ở phía xa xa, có một ngã tư nữa. Có một giả thiết nữa, một dự tính nữa, để dưới cột đèn soi soi, tôi đi qua ngã tư mới. Thế là, tôi xách xe đạp, khóa cửa lại. Tôi đi chơi.

 

 

 

 

2 tháng sau. Trích bản cung khai của Nhọn-cằm, tài liệu này do đồng chí Thái, nhân viên cục phản gián, cung cấp: 6 giờ tối thứ ba, lợi dụng lúc phố đông người, không ai để í, tôi mở khóa sắt nhà Tình Bốp tôi vào. Tôi khóa cổng lại như cũ. Xem xét dưới nhà một lượt, rồi lên cầu thang. Tình Bốp đang nằm, giật mình khi thấy tôi. Tôi hỏi: "Ốm à?" Tình Bốp nói: "Có tin gì của Lily không?" Tôi lắc đầu. Tình Bốp lảo đảo mãi, mới đứng dậy được, trông nó như người đã chết. Tôi nghĩ, tướng thằng này không thọ. Tôi hỏi: "Thế nào?" Tình Bốp nói: "Gay lắm". Tôi nói: "Chiếc mùi soa hả?" Tình Bốp gật đầu, rồi nhỏm dậy nói: "Để tôi khóa cổng đã". Tôi nói: "Khóa rồi". Tình Bốp đi lại trong buồng, mặt tái nhợt, thỉnh thoảng lại nhìn trộm tôi. Thái độ nó có vẻ gian giảo, lúng túng, như chó mắc ỉa. Tôi nghĩ nó phản tôi. Tôi hỏi: "Tình hình đến đâu rồi?" Nó nói: "Trưa nay, Dưỡng đến mượn tôi máy ảnh". Tôi nói: "Dưỡng chưa đả động với cậu về tang vật. Vậy là nó đang chụp lại, đống kỉ vật của Lily. Hành động lúc này vẫn kịp. Nhưng sao mặt cậu tái nhợt thế kia? Kinh Kha sang Tần, mặt trắng nhợt, như cậu bây giờ, là hỏng việc. Cậu mặc quần áo vào!" Tình Bốp không nói gì. Từ một tuần nay, sau vụ thủ tiêu hụt bằng rắn giun, tôi đã đặt kế hoạch khác. Tôi thủ tiêu Dưỡng trước, rồi đoạt lại tang vật sau. Tình Bốp đã lẻn vào nhà Dưỡng, vài lần khi cả hai vợ chồng Dưỡng đi làm vắng, lục tìm khắp nơi, mà không thấy chiếc mùi soa, cũng không thấy đồ vật nào của Lily. Tôi kết luận, Dưỡng đã chôn tang vật ở đâu đó. Kế hoạch thủ tiêu Dưỡng vẫn ổn nhất. Một khi Dưỡng ngoẻo, tang vật vẫn nằm muôn đời, dưới đất.

 

Kế hoạch của tôi là như thế này. Tối thứ hai, là tối hôm trước, Tình Bốp đến tìm Dưỡng, để đi ăn chả cá trên phố Lã Vọng. Tình Bốp có nhiệm vụ chuốc rượu, cho Dưỡng thật say. Trên đường về, Tình Bốp cùng Dưỡng vào thăm một cô chị họ, vốn là cán bộ khu phố, phụ trách phụ nữ, sống ở ngã tư P. Tình Bốp say quá, nên ngủ lại nhà cô chị họ, để Dưỡng ra về một mình. Có một quãng vắng ở ngã tư P. Tôi do dự giữa súng ngắn không kêu, và kim tiêm, là những thứ dành cho Dưỡng. Tôi quyết định, dùng thuốc độc acônitin. Acônitin là thuốc độc rất nhạy, chỉ chạm một mũi tiêm là đủ. Lúc Dưỡng ra ngoài ngã tư, tôi đến bên cạnh, chọc kim tiêm, vào vai Dưỡng, xiên qua ba lần áo. Dưỡng đang say, có lẽ không để í, mà có để í cũng không kịp phản ứng, vì thuốc này tác dụng ngay. Tôi chỉ việc nhặt lại ống kim tiêm, và ung dung biến mất. Nốt kim rất nhỏ, bé tí ở bả vai, bác sĩ không phát hiện được. Kế hoạch của tôi là như thế. Nhưng tối thứ hai, kế hoạch lại bị lỡ, vì Dưỡng đi đâu vắng. Tôi thấy Dưỡng cứ than phiền với tôi, số cậu ta đen đủi, nhưng tôi thấy ngược lại, cả hai lần cậu ta đều thoát chết, là nhờ vào số cậu ta may mắn. Sang ngày thứ ba, cảm thấy tình hình rất gay. Tôi bố trí một kế hoạch khác. Và vì kế hoạch này, tôi đến nhà Tình Bốp. Lúc 6 giờ 20 tối, tôi giục: "Cậu mặc quần áo vào". Tình Bốp nói: "Hôm nay có động rồi. Dưỡng nó đề phòng, chưa chắc chịu đi với tôi". Tôi nhắc lại: "Cậu mặc quần áo, đi giày vào. Lúc này không được lỡ 1 giây". Tình Bốp nói: "Tôi với nó dù sao, cũng chơi với nhau từ nhỏ. Bạn thân nhất của tôi là nó". Tôi nói: "Cậu vừa mặc quần áo, vừa nghe tôi giải thích". Tình Bốp mặc quần áo, vẻ lười biếng. Rồi cúi xuống đi giày. Tôi rút luôn ống kim tiêm, cắm vào bả vai cậu ta, bả vai bên phải. Tình Bốp ưỡn người, nhìn tôi trợn trừng, không kịp lộ vẻ đau đớn. Hai lông mày cong, như hai câu hỏi. Xem đồng hồ, thấy mới 6 giờ 33. Còn nhiều thời gian, cho nên tôi thu nhặt ống tiêm, kim tiêm, tôi xóa sạch mọi dấu vết. Tôi cố tình, không chạm vào bất cứ đồ vật nào, từ lúc tôi vào. Bây giờ, tôi mới đeo găng tay. Tôi lấy một ít bông từ trong gối, để vào hai lỗ mũi Tình Bốp, xem nó còn thở không. Mặt nó xám ngoét, tim đã ngừng đập. Tôi lại nhét bông vào trong gối. Tôi tụt giày Tình Bốp, cởi quần áo cho nó, mặc cho nó bộ pijama, i như lúc tôi vào, đặt giày vào chỗ để giày, treo véttông, vào tủ véttông. Rồi xốc cái xác Tình Bốp lên vai, tôi mang ra, để ngoài hành lang. Tôi khóa cửa buồng, rút chìa khóa khỏi ổ, nhưng vẫn để đèn sáng. Trong nhà êm ắng, tôi vẫn dừng lại, nghe ngóng một lúc, trong bóng tối. Tôi nghé cổ nhìn xuống sân, cổng, và nhìn ra phố. Sân vắng, cổng vẫn khóa. Phố láo nháo người qua lại. Có một chuyến xe điện chạy qua, đánh chuông lanh canh, cần xe điện lóe chớp xanh lè. Tôi nhớ lúc ấy quay lại nhìn Tình Bốp, thấy nó dường như cựa quậy, trong bóng tối. Bèn rút ống tiêm vẫn còn thuốc, tiêm vào bả vai bên trái, một nốt nữa. Tôi vác thây ma trên vai, từ từ xuống nhà dưới. Vừa đi vừa nghe ngóng, vừa sẵn sàng bỏ chạy, để tháo thân. Tôi có thể vượt tường, sang nhà bên, lên sân thượng, sang nhà khác, chuồn ra phố sau. Tôi đã nghiên cứu kĩ bản đồ khu phố này. Tình Bốp bị giết, bởi nhiều lí do. Thứ nhất, Macxen cho tôi toàn quyền quyết định sự sống, sự chết, của mạng lưới tình báo tôi phụ trách, kể cả Tình Bốp. Thứ hai, Tình Bốp là đứa duy nhất biết mặt tôi. Thứ ba, chiếc mùi soa nguy hiểm cho Tình Bốp, và các nhân viên của Macxen. Không có tên tôi trong danh sách. Chính tôi sai Tình Bốp chép danh sách này, bằng mật mã, lên mùi soa của Lily. Chiếc mùi soa đến tay công an, Tình Bốp sẽ bị lộ. Tôi tập hợp ba lí do này, để xác định hành động. Tôi chuẩn bị kim tiêm để cho cả hai, cả Dưỡng, cả Tình Bốp. Nhưng tôi chỉ thực sự quyết định xử sự với Tình Bốp như vậy, khi cậu ta nhắc tới tình bạn, của cậu ta với Dưỡng. Khoảnh khắc cho quyết định cuối cùng, chỉ là một phần nhỏ của giây. Vác Tình Bốp trên vai, tôi cẩn thận lần xuống cầu thang. Tay trái giữ cái xác, tay phải tôi lăm lăm khẩu súng ngắn không kêu. Tôi dò dẫm trong bóng đen, từng bước một, không biết bao nhiêu thời gian, mới tới được nhà vệ sinh, trong sân. Tôi mở cửa nhà vệ sinh, đặt cái xác xuống, tháo hộ nó cái dải rút quần. Cái xác đứng, mặt quay ra ngoài, được một lúc thì đổ kềnh, mặt úp xuống thềm gạch. Tôi khấn trong bóng tối, để Tình Bốp tha tội cho tôi, và để linh hồn nó siêu thoát. Khấn xong, tôi quay lên gác. Tôi nhặt đôi dép của Tình Bốp, để vứt bên xác nó. Rồi định ra lối cổng. Nhưng rồi đổi í, tôi trèo tường, sang nhà bên cạnh. Cổng nhà này không khóa, tôi nấp trong bóng tối, một lúc, rồi đi thẳng ra phố. Tôi còn quay lại nhìn nhà Tình Bốp một lúc. Sương mù từ đâu, bỗng dưng tràn xuống, chỉ một lúc sau, phố trắng xóa. Đồng hồ tôi chỉ 7 giờ 33. Như vậy tôi đã mất có 13 phút để giết Tình Bốp, nhưng cần 1 tiếng đồng hồ, để bố trí hiện trường, cho nó. Thật tình không biết, tôi mất nhiều thời gian như thế, để tác dụng và lợi ích gì. Tôi đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng, để bảo toàn sinh mệnh tôi. Đã bố trí cả buổi chiều, kế hoạch đánh lạc hướng các ông, và tất cả đều phải hoàn thành, trong ngày hôm nay. Ở nhà Tình Bốp ra, tôi rất hài lòng, rồi chỉ một lúc sau, chợt nhớ, tôi đã quên, không bật đèn nhà vệ sinh. Nhưng không quay lại. Tôi soát lại khắp người, các túi áo, các khuy áo, xem có mất cái gì không. Coi như keo này, tôi đã thắng. Nhưng còn cả một chương trình trước mặt. Phố sương mù, loa lóa ánh điện. Tôi đi trên vỉa hè, tôi chọn chỗ đông người, đi lẫn vào sương trắng. Không thấy ai đi theo: như vậy tôi đã làm xong những việc của đêm nay. Tôi xuống ngã tư S. Phố lúc này xe cộ, người đi bộ lấp loáng, trong sương mù, trong ánh điện đường, trong ánh điện lòe nhòe, hắt ra từ các cửa sổ. Còi ôtô, chuông xe đạp, xe điện lẫn lộn. Lúc này, tôi rất tỉnh táo, nhưng một thứ tỉnh táo kì lạ, như thằng say rượu. Lạ nhất là tôi luôn trùng trình, ở chỗ này, chỗ nọ, như để tự đánh lừa, rằng tôi rất bình tĩnh, rằng tôi đã thật sự thành công. Tôi mua diêm, thuốc, ở một hàng nước, tôi còn ngồi lại, hút hết một điếu. Tôi bước chầm chậm trên phố, vu vơ nhìn những cô gái xinh đẹp, nhìn phố và xe cộ. Chú í cả những vành nan hoa xe đạp, quay loang loáng. Có lúc, tôi đứng lại, xem bọn trẻ con đánh nhau, hoặc ngắm tủ kính một hiệu ảnh. Không thấy ai đi theo. Tôi có cảm giác, đã loanh quanh ở đây, lâu lắm rồi. Xem giờ, mới có 7 giờ 43. Tôi đi mất 10 phút. Bình thường từ nhà Tình Bốp đến ngã tư, khoảng non trăm thước, chỉ mất 1 phút đi bộ. Có thể do sương mù buổi tối dày đặc quá. Có thể tôi bị con ma Tình Bốp giữ tôi lại. Nếu không, tại sao sương mù xuống, bỗng dưng nhiều như vậy. Í nghĩ này làm tôi trợn. Tôi nhìn quanh. Nhưng phố xá hoàn toàn bình thường. Tôi tới đầu ngõ nhà cậu Dưỡng. Bỗng nhiên nhớ tới chiếc mùi soa quái ác. Tôi liền rẽ vào ngõ.

 

 

 

 

Chương XIII


Một ngày tím. Nhật kí tiếp tục: nội thành mùa đông thật rồi. Gió lốc nhốc kéo, những vệt lá, những vệt bụi, những vệt gì nữa không biết, mà cứ tím ngắt, làm láo nháo những ngã tư và những cột đèn. Là những ngã tư ngày, những cột đèn ngày. Bây giờ 2 giờ chiều. Tôi đạp xe loanh quanh. Tôi qua ngôi nhà ba cổng, không thấy chiếc tacxi. Cửa sổ trên gác đóng. Ông Phúc chưa về. Tôi mong ông Phúc về, để đến đấu trí, để tôi trả thù. Tôi đạp xe lững thững, trong đầu loáng thoáng một giả thiết. Tôi cho là ông Phúc đóng vai quan trọng, trong nhóm tình báo. Ông Phúc đã dò biết được hai điểm tai hại. Một, tôi có chiếc mùi soa bú dù. Hai, tôi sẽ dùng tang vật, để tấn công Tình Bốp. Ông Phúc cũng biết: tôi tấn công mạnh, Tình Bốp sẽ ra hàng. Tình Bốp ra hàng, sẽ khai toàn bộ mạng lưới tình báo. Ông Phúc đã họp với đồng bọn, và bọn chúng đã quyết định, khử Tình Bốp, để bịt đầu mối. Như vậy, trong giả thiết này, tôi không có trách nhiệm, pháp lí cũng như tinh thần, về cái chết của Tình Bốp. Tôi vẫn ức lí sự của thằng Đoành, lúc sáng. Luân lí của nó làm lẫn lộn cả. Là luân lí xóa nhòa. Nếu không rơi, vào ngã tư chảy máu, thế nào tôi cũng tin, vào đạo lí thâm thúy của nó. Sau vụ này, tôi sẽ đến nhà nó, để đánh nhau với nó. Tôi qua ngã tư chết người, nó không giúp, lại còn quăng ra những dây rợ bố láo, làm tôi vướng cẳng. Nhưng cũng phải thú nhận: tôi đã chủ quan, coi thường ông Phúc, tôi non tay hơn ông Phúc. Ông Phúc đã hành động nhanh hơn tôi. Ngay cả Tình Bốp lắm mưu mẹo, cũng tính không ra, huống hồ tôi, chưa bao giờ nhìn xa trông rộng. Nhưng tôi cho rằng, chiếc mùi soa vẫn là một tang vật nguy hiểm, bởi vì sau cái chết của Tình Bốp, ai đó còn đến, lục tìm ở nhà tôi. Ai đó lúc này, chỉ là mỗi một ông Phúc.

 

 

 

2 tháng sau. Trích bản cung khai của Nhọn-cằm, tài liệu này do đồng chí Thái, nhân viên cục phản gián, cung cấp: lúc ấy có lẽ tôi bị ma ám thật. Tôi vào ngõ lúc 8 giờ tối. Theo kiểu cầu may, không í định gì rõ rệt. Kế hoạch hôm nay đã xong. Nếu nhà có người, tôi đã bỏ về. Nhưng cả hai vợ chồng đều đi vắng. Nhà của họ tối om, vắng vẻ. Gặp lúc sương mù thế này, địa điểm lại rất tiện, để tẩu thoát. Thế là tôi nảy ra í định mới, khác hẳn với kế hoạch ban đầu. Vụ án mạng Tình Bốp đã làm trót lọt, bây giờ tôi tìm cách đoạt lại tang vật, để sự việc thêm rắc rối. Tôi lượn quanh nhà hồi lâu, vào cả trong vườn. Rồi dùng chìa khóa mở-đâu-cũng-được, để mở cửa. Tôi lọt vào. Khóa cửa lại. Tôi đeo găng tay da, tôi tháo cầu chì, định cho vào túi nhưng nghĩ thế nào, lại quẳng luôn qua cửa sổ, ra vườn. Tôi bắt đầu lục tủ, tất cả các tủ. Tìm thấy hộp bicqui, tôi chiếu đèn, xem bên trong, chỉ thấy chiếc quần lót, lọ nước hoa, biết là của Lily, nhưng không thấy chiếc mùi soa trắng. Tôi tiếp tục tìm, hết buồng trong, đến buồng ngoài. Rồi bỏ chỗ kín đáo, để lục chỗ hớ hênh, vì tôi biết cậu Dưỡng đọc lắm trinh thám, nên thế nào cũng bắt chước trinh thám, giấu tang vật ngay chỗ hớ hênh nhất. Những chỗ hớ hênh, là mặt bàn, là ngăn kéo không khóa, là bàn ngủ. Tôi xem cả những khung ảnh chụp vú các cô gái. Cho đến lúc có tiếng xe đạp vào sân. Sự việc sau đó như thế nào, các ông đã biết. Tôi vội thoát thân, Nhưng không ngờ cô Trinh, đang có thai, lại to gan thế. Cô đuổi theo, túm áo tôi. Tôi phải giật rất mạnh, rồi cứ thế nhảy xuống sân. Cô Trinh bị vạt áo kéo theo, nhưng chân cô bị vướng, vào chiếc xe đạp, do chính cô dựng, bên thềm. Thế là cả cô, cả xe đạp, rơi xuống sân. Giữa sân và nhà, là bốn thềm gạch cao. Nhưng cô không rơi vào bốn thềm gạch. Cô ngã vào khoảng không, nên mới đau đớn như thế. Cô ngã, bụng sấp xuống đất. Nhưng tôi không quay lại, xem cô thế nào. Trong óc tôi lóe lên, một í nghĩ rất nhanh: mẹ con cô có chết, là do lỗi của cô. Không bao giờ tôi thô bạo với phụ nữ. Tôi qua lối vườn sau, rồi vào các ngõ, sương mù vắng vẻ. Tôi chuồn thật nhanh, không kề cà nữa. Khi dân phố kéo đến nhà cô Trinh, tôi đã cao chạy bay xa từ lâu. Trong bụng có một chút áy náy, vẩn vơ, nhưng tôi gạt đi. Tôi tự nhủ, tình cờ gặp rủi. Tính toán chu đáo, mà vẫn gặp rủi. Nhưng tôi không ngờ, bị sa lưới ông tóc bạc nhanh thế.

 

 

 

Lúc này, 3 giờ chiều. Nhật kí tiếp tục: Tôi vẫn đi chơi, trên phố. Tôi đợi ông Phúc về, để nói với ông, tôi đã biết tất cả, để đòi ông Phúc trả tiền, rất nhiều tiền, nếu không tôi sẽ đưa chiếc mùi soa, cho công an, nếu không tôi sẽ kể hết cho họ. Sau đó, ông Phúc và đồng bọn, sẽ tìm cách thủ tiêu tôi, như đã thủ tiêu Tình Bốp. Sau đó, tôi phải tính toán kĩ lưỡng, đến từng giây, từng phút, đến từng ngã tư. Nghĩ vậy, tôi rẽ vào phố Bà Triệu. Phố Bà Triệu láo nháo gió, láo nháo lá. Tôi định bụng, đến địa chỉ bí mật cây-si-già-rễ-đỏ, tìm anh Thái. Định bụng, sẽ trình bày với anh, giả thiết và dự định của tôi. Lần này tôi không tự í làm bừa. Nhưng, dự định có vẻ pha mùi tiểu thuyết, thế là đổi í, tôi rẽ ngã tư Lý Thường Kiệt. Ngã tư láo nháo bộ hành, láo nháo xe cộ và cột đèn. Tôi thấy khó thật, đi trong phố thì dễ, đi trong đời khó hơn triệu lần. Đi trong thành phố, dù là thành phố lạ, rẽ vào ngã tư rất dễ. Ngã tư trong thành phố nào, cũng sờ sờ là ngã tư. Có rẽ nhầm, cũng quay lại được. Ngã tư trong đời khác, đời không cho quay lại, không có cách gì quay lại. Đời nghiệt ngã. Đời lằng nhằng, ngã tư đời do đó, lờ mờ và loằng ngoằng. Đời di động, ngã tư đời do đó di chuyển trong cuộc đời, không lúc nào iên. Đời di động, do đó 3 giờ 15, tôi rẽ phố ga. Ga lúc này láo nháo gió, láo nháo hành khách. Tôi rẽ phố ga, để tính toán cẩn thận, cho từng bước chân. 3 giờ 20, tôi đến ngã tư Cửa Nam, thì có người gọi: "Dưỡng! Dưỡng!" Tôi quay sang, thấy thằng Bú Dù. Tôi quên tên thật của nó, nhưng tên thật của nó không quan trọng. Thằng Bú Dù, tôi nhớ mùa hè vừa rồi, ra tòa cùng với thằng Hoóng và đồng bọn thằng Hoóng, quan hai biệt kích không di tản, mà ở lại Hà Nội. Bú Dù gọi tôi, từ một góc nhỏ ngã tư. Bú Dù đeo băng tang, người bé loắt choắt. Mặt nó bé như mặt khỉ, miệng cười nham nhở. Tay cũng dài như tay khỉ. Vì vậy mà cả phố gọi nó là Bú Dù, cả phố không biết tên thật của nó. Tôi dừng xe, phân vân, có nên dính thêm vào, với nó không, phân vân nhưng tôi vẫn dắt xe, đến với nó. Đứng giữa đường bất tiện, chúng tôi đem nhau vào một quán càphê. Té ra mẹ thằng Bú Dù chết ở quê. Trại cải tạo cho nó nghỉ phép cải tạo, để về đưa ma mẹ.

 

Trong quán càphê, Bú Dù kể lắm chuyện lạ. Bú Dù kể, chuyện trại cải tạo P.Q ở I.B. Hàng ngày gánh đất, mỗi tối có 2 giờ học tập. Hôm học nội qui của trại. Hôm học lí thuyết, thế nào là cách mạng. Hôm thì học, thế nào là phản cách mạng. Cũng có hôm học, đã phản cách mạng, muốn về với cách mạng, thì phải làm gì. Bây giờ, Bú Dù tuy học dốt, cũng biết thế nào là phẩm giá người lao động, thế nào là chương trình xây dựng miền Bắc. Bú Dù hỏi tôi: "Anh có biết người lầm lỗi phải làm gì, để quay về với cách mạng?" Tôi nói: "Không". Bú Dù nói: "Bây giờ tôi thuộc lòng. Trước kia có tội gì, giờ phải khai hết. Việc đầu tiên anh phải làm là như vậy, để quay về với cách mạng". Tôi nghe Bú Dù kể, cũng tò mò. Tôi gọi bánh ngọt, và hai phin càphê. Tôi hỏi nó: việc thứ hai là gì? Bú Dù bảo, phải thực hiện và nhắc nhở người khác thực hiện đúng nội qui của tập thể. Việc thứ ba, là buổi tối tự chấm điểm kết quả lao động trong ngày, rồi chấm điểm kết quả của người khác, cũng trong ngày. Việc thứ tư, là hằng tháng toàn bộ tội phạm họp, bình bầu tháng. Cuộc bình bầu này quan trọng và toàn diện hơn, vì dựa trên 4-Tiêu-Chuẩn là: tư tưởng, lao động, nội qui, và học tập. Đầu tiên, là mỗi cá nhân tự bình bầu. Sau đó, tập thể góp í và đánh giá. Sau đó, tập thể bình bầu lại cá nhân, để định mức ăn cho từng người, trong tháng tới. Anh được tiêu chuẩn 13 cân gạo, anh thì bị phạt mất 10 cân. Còn việc thứ năm, là trước khi ngủ, phải ôn lại bài đã học, để hôm sau kiểm tra miệng. Làm tốt năm việc này, là quay về được với cách mạng. Trại cải tạo đúng là một xã hội nhỏ, nằm trong xã hội lớn. Sống trong xã hội nhỏ, mà không tự giác, thế nào cũng bị phát hiện, rồi bị phạt. Bú Dù nói, hình phạt nặng nhất, đáng sợ nhất, là phạt ăn. Trong xã hội lớn, dù sao cũng khó biết, người nào không tự giác, người nào tự giác. Cái giống nhau, là cả hai xã hội đều lấy 4-Tiêu-Chuẩn giống nhau, để bình bầu thưởng phạt các thành viên. Tôi thấy thuộc làu được 4-Tiêu-Chuẩn này cũng không khó. Cái khó, là cái tự giác. Khó nữa, là làm ra vẻ tự giác. Tôi thấy, đúng là Bú Dù đã về đến cách mạng rồi, vì mọi chính sách, nội qui, cái gì nó cũng thuộc làu trôi chảy, và trông nó có vẻ tự giác thật. Tôi nghĩ, trước sau tôi cũng sẽ về, được với cách mạng, vì Bú Dù nói rằng, chỉ có hai loại người, trong xã hội tôi sống. Người cách mạng, và người không cách mạng. Người không cách mạng, tức là phản cách mạng. Không có loại người thứ ba. Tôi gọi thêm chầu càphê và bánh ngọt. Tôi còn lấy bao Hữu Nghị, tôi dúi cho Bú Dù. Tôi ngồi với nó mãi, đến 5 giờ 10.

 

Đến 5 giờ 10, Bú Dù nói: "Chuyện thế này, cả ngày mai cũng không hết. Tôi đi đây. Tôi đi tàu 6 giờ". Tôi lấy thêm đĩa bánh, gói cho nó mang đi. Tôi đứng, trông nó bé loắt choắt, tay đeo băng tang, balô to tướng trên vai, giữa chiều đông tím, láo nháo gió. Tôi thấy có cái gì tội tội. I như trong thánh kinh: tội phạm tự giác dẫn thân tới nhà giam, để đền tội. Tôi trông theo nó mãi, rất lâu, sau cả lúc bóng nó, bị một đám đông tím, lóa nhóa xóa đi.

 

 

 

Bú Dù đi rồi một lúc, tôi lên xe, mà chưa biết đi đâu. Thế là lại, những ngã tư và những cột đèn. Mạng đèn chiều bật đầy nội thành. Tôi đạp xe loanh quanh. Tôi rẽ Cửa Nam, tôi vào phố Tràng Thi, tôi qua Nhà hát lớn, rồi Hàng Khoai, tôi qua vườn hoa Hàng Đậu, rồi Hàng Lược. Trại cải tạo P.Q vẫn còn lởn vởn, trong đầu tôi. Nhưng những chi tiết cụ thể, thì quên cả. Chỉ còn lại, một ám ảnh thương xót, tồi tội. Cố nghĩ sang chuyện khác, nhưng tôi lại quay về, trại cải tạo P.Q. Tôi vào phố Hàng Quạt. Nhưng không nhìn phố. Mắt tôi lúc này quay vào bên trong. Quay vào bên trong cũng không thấy gì. Sọ tôi thấy vậy mới hỏi: "Làm sao thế?" Tôi không đáp. Sọ hỏi tiếp: "Thương thân à?" Tôi nói, có tội phạm đâu, mà thương thân. Sọ nói: "Thương Ngưu thì xót Mã". Tôi đổ ra Bờ Hồ tím, tôi nói ừ, thì thương người, là tôi thương thân. Nhưng kẻ nào không thương thân, mà biết thương người? Hòn đá bên lòng phố kia, không thương người, vì chẳng thương thân. Do đó thương thân, thì chả có gì mà xấu hổ. Thương người và thương thân, xét cho cùng chỉ là một. Tôi đạp xe quanh Bờ Hồ, từ Bờ Hồ, lại về trại cải tạo. Tôi nghĩ đến Tình Bốp. Tình Bốp nếu còn sống, trước sau cũng ra tòa, rồi đi tù. Lúc ngồi với Bú Dù, tôi đã nghĩ tới Tình Bốp, bây giờ càng nghĩ, nhiều hơn. Chưa biết hết tội, nhưng tôi biết con người nó. Tình Bốp sẽ ở trong trại P.Q bao nhiêu năm, mới đánh thức được, vài hạt lương tâm, vài hạt tự giác, trong nó? 10 năm, 20 năm, cũng có thể 5 năm. Từ hôm qua, tôi đã muốn khóc Tình Bốp, mấy câu. Mà không khóc được. Có cái gì, vương vướng trong họng. Tình Bốp mới 25 tuổi. Vẫn là tuổi xanh. Tuổi xanh mà nó đểu, như người ta phải sống vài trăm năm, mới đểu được như thế. Giờ nó chết rồi. Nó là bạn thân của tôi. Nghĩa tử là nghĩa tận, giờ tôi khóc nó vài câu, bên Bờ Hồ tím. Tôi khóc, mà mắt khô ráo, không phải vì không thương nó. Tôi vừa thương, vừa giận. Nó ngu, nó tham tiền, nó hại bạn. Chết rồi, mà vẫn đứng xoa tay trước mặt tôi, để dạy đời là thế. Tôi nói với nó, thầm thì trong đầu, để nhắc lại, những buổi sáng nhoe nhóe ấu thơ. Hồi ấy tôi và Tình Bốp và Đoành, ba thằng một đường đi học, khi thì trong nội thành rét, khi thì nội thành nực. Ba thằng thân nhau nhất. Ba thằng có đánh nhau, có đổ mực lên đầu, có réo tên bố tên mẹ ra chửi, vẫn là thân nhất. Ba thằng có chơi trò gì ác, cũng vì trò chơi nó ác, chứ không phải vì tính tình. Thân nhau như thế, vừa hết con đường thơ ấu, vừa đến ngã tư, ba thằng đã vào, ba ngả. Tôi đâu có biết, ngã tư nào lưu manh, ngã tư nào đọa lạc, ngã tư nào gian dối. Tôi đâu biết, Tình Bốp có lúc nào, buồn tiếc những buổi sáng, phía trước ngã tư. Tôi thì tiếc lắm. Tiếc cả cho Tình Bốp nữa. Giá như nó đừng chết. Giá như nó đi trại cải tạo, như Bú Dù, còn hơn. Tôi nói với Tình Bốp, tôi không có luân lí, cao ngất nghểu, như của Đoành, tôi không trách nhiệm gì, trong cái chết của Tình Bốp. Tội phạm, và các thứ tội phạm, phải tự gánh lấy tội lỗi của mình. Không thể trút sang ai. Tôi nói với Tình Bốp, hôm nay ở dưới ấy, nếu có dưới ấy, hôm nay trời có lạnh không, có tím không? Tôi hỏi nó, đang lang thang ở ngã tư nào? Tôi cũng dặn, phải cẩn thận, cả với những ngã tư và những cột đèn, nơi suối vàng. Rồi chia tay bạn, không hương khói, hẹn lại gặp nhau, vài chục năm nữa. Sau đó, Tình Bốp đi về suối vàng, để tôi rẽ phố Tràng Tiền. Phố Tràng Tiền láo nháo đèn, tôi lại quay về, trại cải tạo thiên đường, của tội phạm. So với trại phát xít, P.Q đúng là thiên đường thật. Bú Dù lúc này đang trên tàu, về trại thiên đường. Lúc này là 7 giờ 12, tôi rẽ vào một hiệu ăn. Một ngày tím chưa kết thúc.

 

 

 

 

 

Chương XIV


Tháng 5 năm 1966. Chị Hòa kể: tôi là nhân viên, ban bảo vệ khu phố. Trong công tác của tôi, nhiệm vụ trên hết, nhưng thực ra 80% khối lượng hoạt động, vì í nghĩa nhân đạo. Khu phố không có phòng lưu trữ tài liệu, tất cả nằm trong trí nhớ. Nhưng tôi không nhầm lẫn, dù chỉ một chi tiết, nhỏ nhất. Chuyện xảy ra 11 năm rồi, mà tôi cứ ngỡ, mới hôm qua. Tai nạn ập đến nhanh quá, nhưng không phải lỗi của khu phố và chính quyền. Cô Trinh vào bệnh viện tối thứ ba, lúc mê lúc tỉnh, mặt mày nhợt nhạt. Đúng 1 giờ đêm, mẹ chồng cô đến, khóc lóc ngoài cổng. Thường trực phải cho vào. Bà cụ mò đến tận chỗ tôi. Chưa hiểu chuyện gì, đã đổ tội hết lên đầu con trai. Bà nói: con trai bà rượu chè, giao du với đám lưu manh, nên mới xui, những tai bay, vạ gió, khốn khổ này. Tôi giải thích, cho bà cụ, tai nạn này không phải lỗi cậu Dưỡng. Dưỡng hồi này tích cực, muốn tu tỉnh, nhưng vướng cái quá khứ, còn dây dưa lại. Bà cụ nói nguyên văn như thế này: "Thì đấy, nó gieo gió, phải gặt bão. Từ hồi nó dính vào với con đĩ Phòng Nhì, là sinh ra bao nhiêu tai họa". Lúc bà cụ biết, cậu Dưỡng đã kí giấy, cứu vợ bỏ con, bà cụ mới làm ghê chứ. Bà khóc: "Cái giống tàu bò ấy, nó kí giấy, giết đứa hài nhi vô tội. Nó dã man còn quá súc vật". Nói rồi, bà cụ chạy vào phòng mổ, tôi vội chạy theo sau, sợ bà thương con xót cháu, mà mất trí, làm náo động cả bệnh viện. Bà vào phòng mổ, bà chắp tay vái, các bác sĩ, i sĩ và i tá, van xin họ cứu con dâu và cháu nội bà, tốn kém bao nhiêu, bà chịu hết. Trông bà tội nghiệp lắm. Nước mắt bà đầm đìa, miệng méo xệch, nói không ra hơi. Cô Trinh còn đang nằm bất tỉnh, đang được tiêm thuốc, hồi sinh và trợ lực. Ông bác sĩ nói: "Bà cụ cứ iên trí", rồi dìu bà ra ngoài. Ông bác sĩ giải thích gì, bà cũng không nghe, chỉ một mực xin cứu cho cả con dâu, cả cháu. Lúc này, cô Trinh cũng tỉnh lại, nghe thấy cứu mẹ bỏ con, cô lồng lên: "Cứu lấy con tôi! Cứu lấy con tôi!" Rồi cô rên rỉ, xin được chết, để con cô sống. Cô nói: "Sống thế thì mẹ nào sống được". Chị i tá, trong nhóm gây mê hồi sinh, phải nói dối, là cái thai đã chết cứng, trong bụng mẹ rồi. Nhưng cô Trinh nói, vẫn thấy cái thai còn đạp, cô không tin. Cô bảo bác sĩ, nếu cô sống, mà con cô chết, cô sẽ quyên sinh. Mấy ông bác sĩ đều phải vào cả phòng mổ, để an ủi và giải thích cho cô hiểu. Cô vẫn không nghe. Cô im lặng khóc hồi lâu. Rồi giấu mặt vào gối, cô cắn lưỡi, để chết thay con. Cô bất tỉnh. Các bác sĩ phải gỡ cô ra khỏi gối. Vết cắn chảy máu nhiều, nhưng không nguy kịch. Các bác sĩ hội chuẩn, cái thai quá to, người mẹ bị động thai ra huyết, thêm vết cắn ở lưỡi, tình trạng rất nguy kịch. Tôi nghe loáng thoáng các bác sĩ bàn, phải áp dụng phương pháp mổ mới, để tránh các biến chứng xấu sau này, cho người mẹ. Tôi không hiểu lắm, cũng không biết tôi nghe có đúng không, chỉ biết chắc chắn, là hi vọng rất mong manh. Bệnh viện đem những thuốc tốt nhất ra dùng. Cô Trinh người bé, nhưng sức đề kháng dai dẳng. Lúc lấy đứa bé ra khỏi bụng, cô vẫn tỉnh, cô hỏi: "Sao không thấy nó khóc?" Chị i sĩ dốc ngược đứa bé, vỗ vào mông mấy cái. Đứa bé khóc oe oe. Chị i sĩ nói: "Con trai", và đưa đứa bé đỏ hỏn ngang tầm mắt, cho cô xem. Cô Trinh đờ đẫn nhìn, không nói được. Chị i sĩ nói: "Cô nằm im. Mẹ tròn con vuông rồi". Thế là cô Trinh òa lên, khóc nức nở, rồi mê man bất tỉnh. Đứa bé thiếu tháng nuôi trong lồng kính, nhưng ngắc ngoải, từ trong bụng mẹ, nên rất iếu. 5 giờ chiều, đứa bé chết. Cô Trinh đã tỉnh táo. Theo lời bác sĩ, không còn gì đáng lo ngại. Lúc tôi về, bệnh viện vẫn giấu, không cho cô Trinh và mẹ chồng cô biết tin, đứa hài nhi tội nghiệp đã chết.

 

 

 

 

Một ngày tím. Nhật kí tiếp tục: anh Thái nhắn tôi, ở địa chỉ cây-si-già-rễ-đỏ, là cứ iên trí. Buổi tối, tôi đến bệnh viện. Thường trực không cho vào, chỉ trả lời: "Bình thường". Tôi hiểu hai chữ bình thường, có nghĩa là con tôi đã chết, như tôi đã kí giấy, đêm qua. Cũng có nghĩa, là Cốm vẫn nằm, trên bàn mổ, máu me bê bết. Nhưng tôi không biết, Cốm có qua khỏi, đúng như trong hợp đồng? Từ bệnh viện, tôi lại quay về, ngôi nhà ba cổng. Ông Phúc vẫn chưa về. 8 giờ tối, tôi xộc vào nhà ông Khang. Ông Khang đang ngồi đọc trinh thám. Ông Khang nói: "Có lẽ sáng mai ông Phúc về". Nhưng tôi không chờ được sáng mai. Tôi chìa cho ông Khang xem dự tính mới nhất. Trong hiệu ăn, tôi sốt ruột quá. Tôi cứ đi chơi, suốt cả ngày thế này trên phố, trong đầu cứ rỗng tuếch, thế này. Tôi chỉ muốn sơm sớm phát hiện, đứa nào đã giết, con tôi và Tình Bốp. Để sơm sớm nhìn thấy nó bị vào tù, hoặc ít nhất cũng vào trại cải tạo P.Q, và học các bài giảng bắt buộc, về tinh thần tự giác. Nó vào trại, tôi cầu mong, được chính phủ cho tôi vào chức giám thị trại giam, tôi sẽ giám sát nó, không cho một phút lơ là nội qui, của tập thể. Tôi sẽ cắt khẩu phần ăn của nó, từ 13 cân gạo một tháng, xuống chỉ còn 3 cân. Tôi sẽ kiểm tra nó, mỗi buổi sáng, các bài học tư tưởng, của hôm trước, của nhiều hôm trước nữa. Thế nào cũng có bài nó không thuộc. Không thuộc bài, nó sẽ bị tập thể dằn vặt, cho cả tháng. Nhưng đấy là sau này, còn tối hôm nay, tôi chỉ muốn biết mặt nó, để cho nó tí diuđô của tôi, lâu ngày không có dịp sử dụng. Tôi biết, lúc này tôi hung dữ, đến mức hung ác. Nhưng trong hiệu ăn, tôi cứ hình dung, như thế này. Tôi hình dung: Cốm nằm trên sân nhà, máu ra đầy một góc sân. Cốm ngồi trên xiclô, máu rỏ thành vệt, từ sân, qua ngõ, qua cột đèn đầu ngõ, qua phố, qua nhiều ngã tư, qua thường trực bệnh viện, qua sân bệnh viện. Máu rỏ vào tận phòng mổ. Máu rỏ nhiều như thế, đạo đức và luân lí cao cả, để làm gì? Cho nên, tôi cứ luân lí trung bình, là đủ. Bỏ hiệu ăn, tôi lên xe. Tôi hung dữ thế, nhưng buổi tối lại tím, đến kì lạ. 8 giờ tối, tôi chìa cho ông Khang xem cuộn phim, tôi nói: "Tôi chờ ông Phúc vì chuyện này". Tôi lấy thêm chiếc mùi soa trắng, là mùi soa giả, từ trong túi áo. Chìa cho ông Khang xem, rồi cất ngay vào túi. Tôi nói: "Tang vật quan trọng. Nhưng sao mãi ông Phúc không về? Tôi đã hứa với ông Phúc, nên phải chờ. Nhưng tôi chỉ chờ được, đến chiều mai. Chiều mai, 5 giờ, ông Phúc không về, tôi sẽ nộp công an". Ông Khang chả buồn nhìn tang vật. Ông cho tôi một gáo nước lạnh. Ông buông thõng một câu: "Đem mà nộp công an", rồi chúi mũi vào cuốn trinh thám, mặc tôi đứng tẽn tò. Tôi quay ra. Tôi chửi thầm: "Mẹ mày!" Tôi phóng xe, trong gió láo nháo. Tôi tới địa chỉ cây-si-già-rễ-đỏ. Bà Hiếu đan len bảo tôi: "Anh Thái lại nhắn anh lần nữa: là cứ iên trí". Tôi phóng xe, lên bệnh viện Bạch Mai. Thường trực lúc này là một ông già. Ông này không cho vào. Ông lại trả lời: "Tôi đã nói rồi, bình thường". Hóa ra, vẫn là người thường trực ban nãy, mà tôi không nhớ mặt. Tôi ra về. Lần này về thật. Tôi về đến ngõ, là 9 giờ 10. Trong ngõ tất cả đều tím, trong ngõ gió láo nháo. Tôi vào nhà. Đóng cửa cẩn thận. Cả cửa sổ, cả cửa ra vào. Không bật đèn, tôi dùng đèn pin. Tôi bố trí dao dựa, dao phay, búa, kìm, mỗi thứ một nơi, trong hai căn buồng, để từ bất cứ chỗ nào, tôi cũng lấy được một vũ khí, phòng thân. Tôi đợi kẻ gian quay lại, để cho ít nhất một thằng què chân, hoặc què tay. Bày trận xong, tôi bật đèn sáng trưng. Có rất nhiều tictăc láo nháo, từ đồng hồ đeo tay, trong buổi đêm iên tĩnh. Tôi nhìn khắp nhà, để ghi nhớ những đồ vật, tôi đã giấu ở đâu. Cả một trận địa ngầm, thuần bạch binh, sặc mùi diêm sinh, và nhiều thứ mùi khác. Tôi nhớ, cũng một đêm lạnh như thế này, hai năm trước, một mình quần nhau, với năm thằng nhảy dù, trong tiệm rượu. Thế mà tôi thoát được, chỉ có bàn ghế là bị gãy bị mẻ, vô tội vạ. Đêm nay tôi tin, cũng sẽ như vậy. Tôi làm vài động tác trước gương, để nhớ lại, các bài tập diuđô. Đến 10 giờ, nghe loáng thoáng có tiếng ai, chào chị Hòa ngoài ngõ. Tôi tắt điện, khóa cửa. Tôi chạy sang nhà chị Hòa.

 

 

Xóm ngõ láo nháo gió. Ở nhà chị Hòa, tôi bị sét đánh, vì cái tin chị kể. Tôi đã biết con tôi chết, nhưng không biết, con tôi phải chết đi chết lại, nhiều lần. Cả Cốm, cả mẹ tôi cũng vậy. Cả tôi nữa. Với bệnh viện, hóa ra sự chết và sự sống đều bình thường, như nhau cả. Tôi ra về, quên chào, quên cám ơn chị Hòa. 10 giờ 30, tôi quay lại, cám ơn chị Hòa. Tôi chào chị, rồi lảo đảo về. Trong ngõ lúc này láo nháo gió. Tôi gặp thằng Ngỡi đi tuần. Ngỡi bảo, theo sáng kiến của Chắt, ba thằng bạn tôi xung phong, đi tuần đêm nay, cốt để canh phòng, xung quanh nhà tôi. Chúng nó vẫn là bạn tôi thật, và là bạn tốt nữa. Thế mà, tôi quên cám ơn chúng. Sự tử tế trong tôi, bao giờ cũng chậm. Bao giờ cũng chậm, cho nên đã đi vài bước, tôi mới quay lại. Tôi gọi: "Ngỡi! Ngỡi!" để cám ơn nó, cám ơn cả hai thằng, Đoành và Chắt nữa. Ngỡi nói: "Sau này, nhớ có bữa chén, đàn anh nhé!" Tôi ừ, không nghĩ sau này, là bao giờ. Tôi lảo đảo về. Ngõ láo nháo, gió tím, cây tím, bóng tối màu tím, và tôi.

 

 

Buổi đêm iên tĩnh lì lạ. Buổi tối tím ăn lan sang đêm iên tĩnh. 11 giờ. Rồi 11 giờ 15. Tôi pha càphê. Tôi đi lại trong buồng. Tôi hút thuốc liền liền. Đêm nay chắc sẽ có chuyện, không biết lúc nào, nhưng sẽ vào một lúc bất ngờ nhất. Cho nên tôi sẽ thức suốt đêm. Uống càphê, tôi nghĩ đến Cốm. Tôi nghĩ, tôi không hiểu gì về Cốm cả. Cốm của đêm qua, hoàn toàn không giống Cốm, mà tôi đã quen thân. Bản năng sinh tồn của tôi, có lẽ mạnh hơn Cốm, bởi vì, nếu phải lên bàn mổ, thay vào chỗ của Cốm, tôi sẽ rất tự nhiên đồng í, để bác sĩ cứu tôi. Cốm cắn lưỡi, để chết thay cho con. Tôi không làm được như thế. Nhưng không nghĩ, tôi ích kỉ hơn Cốm. Dĩ nhiên, tôi không chấp nhận so sánh, theo kiểu xã hội học, để xem giữa người mẹ và đứa trẻ đỏ hỏn, người nào có ích lợi hơn, cho xã hội, về mặt sản xuất hoặc sinh sản. Tôi cũng không ưa kiểu ví dụ, nếu người mẹ sống, sẽ sinh những đứa trẻ khác, để bù vào sự thiếu hụt dân số. Người nào có ích hơn, cho xã hội, không thể trả lời được. Phải đợi, lúc kết thúc của hai cuộc đời, mới có thể có một kết luận, nào đó, nhưng kết luận cũng chưa chắc thỏa đáng, cho toàn bộ các lí thuyết. Vấn đề không ở, chỗ đúng chỗ sai, nhưng tôi không biết, lí luận thế nào. Bây giờ, nếu bác sĩ cho kí giấy lại, tôi vẫn cứ chọn Cốm, để sau đó lại dằn vặt lương tâm. Đêm qua, khi tôi kí giấy, toàn bộ bệnh viện, từ bác sĩ đến bệnh nhân, đều không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, bởi vì không phải họ quyết định, ai sống, ai chết. Nhưng cũng bởi vì, tôi và họ suy nghĩ, giống nhau. Chỉ có Cốm là khác. Tôi thiết tha cuộc sống, của tôi, còn Cốm sẵn sàng tiêu diệt, bản thân. Nếu Cốm phải kí giấy, thay cho tôi, không biết, Cốm sẽ chọn ai: tôi hay đứa hài nhi, tôi không muốn biết. Tôi chỉ nghĩ, Cốm khác tôi quá, điều này trước kia tôi không để í. Đêm qua, toàn bộ bệnh viện đều đồng tình, cứu sống Cốm, tôi thấy không một nhân viên, bác sĩ, lẫn bệnh nhân nào, bênh vực cái mầm sống, là con tôi. Có thể bởi vì, cái mầm sống ít nói, lại chẳng quen biết ai, chẳng ai biết nó. 12 giờ đêm, nhà tôi vắng, như cái nhà mồ. Không nghe thấy, bước chân tôi, chỉ có rất nhiều tictăc, của đồng hồ. Tôi lại nhớ, đêm qua trong phòng mổ. Các bác sĩ, i tá, i sĩ, toàn bộ mặc blu trắng, đội mũ trắng, đeo khẩu trang trắng, tôi không biết mặt họ. Họ giống nhau quá. Tôi chỉ nhìn thấy những đôi mắt, nhưng ngay cả những đôi mắt, cũng giống nhau. Họ đứng tất cả trong ngã tư, để chờ xem tôi rẽ ngả nào. Hầu như tôi không có, cả thời gian, cả lí trí, để lựa chọn. Tôi đâm vào một phố, như thể đã quyết định từ lâu. Tôi vào một phố, hết sức tự nhiên, không một suy tính, như muông cầm, như dơi chuột, như hoa cỏ. Bây giờ, là 12 giờ 30, tôi pha phin càphê thứ hai. Buồng tôi như buồng mồ. Là buồng mùa đông. Là buồng không có Cốm. Đêm iên tĩnh. Chiếc đồng hồ kêu nhiều tictăc trên tay, phải chú í lắm mới nhận thấy, chúng trùng khít với nhiều tictăc khác, mãnh liệt hơn, của chiếc đồng hồ để bàn. Không cần im lặng, cũng nghe được. Những tictăc láo nháo, làm cho đêm thêm tím. Tợp một ngụm, hết cốc càphê. Tôi châm thuốc lá. Tôi biết, ngoài trời đang láo nháo gió, dù không nghe thấy gió. Khu phố đang iên tĩnh, vì tôi không nghe thấy gì cả. Lúc này, không thằng Đoành, thì thằng Chắt, đang đi tuần đâu đây, nhưng tôi không nghe thấy. Ba thằng bạn còn lại của tôi, muốn đề phòng những bất trắc, cho tôi. Chúng tự giác đi tuần đêm, xung quanh ngõ nhỏ. Chỉ tiếc hình như tôi có ít bạn. Nhưng hình như, không nhất thiết tất cả phải là bạn của nhau, mới có thể sống được với nhau, thành thôn xóm, khu phố, thành phố, đất nước, và thế giới. 

 

 

1 giờ iên tĩnh. Buổi đêm đang ăn dần sang 2 giờ sáng iên tĩnh. Có lẽ nên bắt tay vào việc. Tôi tắt điện, dùng đèn pin. Đầu tiên, tôi xếp chăn gối phồng lên trên giường, như có người đang nằm. Tôi khiêng bàn ra, để dưới lỗ hổng trần nhà, kê thêm một chiếc ghế, trên mặt bàn. Tôi lấy một cuộn dây thừng to, rồi trèo lên bàn, rồi lên ghế, rồi chui vào cái lỗ hổng trần nhà. Tôi soi đèn, trần nhà ẩm mốc, đầy bụi lẫn mạng nhện. Tôi buộc dây thừng, lên xà nhà, buộc thật chắc. Dây thừng dài, thả xuống qua lỗ hổng, xuống tận đất. Tôi tụt xuống theo dây thừng. Bài học này tôi đã thực hành, đến thuộc lòng, từ hồi còn đi ngụy. Nhưng tôi lại nghĩ đến Tacdăng, trong xinê. Tôi xếp bàn ghế, ngay ngắn vào chỗ cũ. Rồi leo dây thừng lên trần nhà, cùng với con dao phay bạch binh. Ngồi trên trần nhà tôi thở. Dao phay và đèn pin, xếp gọn một bên. Xong xuôi, kéo dây thừng lên. Tôi bắt đầu rình. Rình thế này thế nào cũng rỗi việc. Cho nên tôi rỗi. Rỗi thế nào cũng buồn. Bởi vậy tôi buồn. Buồn thế nào cũng chán. Thế là tôi chán, tôi không muốn rình nữa. Rình được 20 phút, tôi đã chán. Thế rồi tôi nhận ra đủ các thứ mùi, xộc cả vào mũi. Sau 20 phút, tôi phân biệt được, đâu là mùi bụi, đâu là mùi mốc, mùi gián mọt, mùi nước đái chuột. Mũi tôi còn ngửi, thấy mùi lố bịch, và nhất là mùi lố bịch. Tôi cũng thấy vậy. Còn 4 tiếng nữa trời sáng. Tôi nhìn xuống, theo vệt đèn soi, thấy giường nệm ở một góc, phía bên dưới. Giường có chăn ấm, nệm êm, mà tôi lại ngồi đây, thu lu trên trần nhà. Nhưng tôi lại nghĩ, xuống giường để ngủ, ấm áp thật, nhưng kẻ gian ập vào thình lình, trở tay không kịp. Ngồi trên này, tôi nhìn thấy hết, và chủ động đối phó được. Nhất là có thể đánh, bất ngờ được. Người bị bất ngờ, thế nào cũng thua. Đêm qua, Cốm bị bất ngờ, nên đã bị tai nạn. Đêm nay, tôi phải trả thù cho Cốm. Tôi thích chữ trả thù, cho nên ngồi lại trên trần nhà. Và lấy thuốc ra hút. 1 giờ 50 vẫn đêm iên tĩnh. Hút thuốc trong bóng tối không ra gì, nhưng tôi vẫn hút. Tôi tìm một đầu đề để nghĩ chơi. Nhưng không có đầu đề gì thu hút. Tôi lại tụt dây xuống nhà. Cắp theo chiếu và chăn đơn. Tôi leo lên chỗ nấp. Tôi trải chiếu. Nhưng không nằm, chỉ ngồi, chăn đơn khoác kín vai. Tôi mà nằm, có khi ngủ quên mất. Thời gian trôi chậm. Rình thế này, khổ hơn chờ tàu, trên sân ga. Một phút chờ tàu, dài bằng một tháng, một năm. Chờ tàu sốt ruột, nhưng thế nào tàu cũng đến. Còn tôi ngồi rình, không biết, kẻ gian có đến không. Chờ thế này là chờ cầu may. Cho nên tôi chán. Tôi ngồi ngay sát mái nhà, nên nghe thấy gió, rất rõ rệt. Tôi nghe gió đến, từ bốn bề. Có lúc, tôi nghe được, gió láo nháo trong ngõ. Có lúc, gió láo nháo, chuyển vào trong vườn. Có lúc, hình như chỗ nào cũng láo nháo gió. Rồi cũng có lúc, gió cùng ập về một lúc, để láo nháo với nhau, đúng trên mái nhà tôi. Nhưng cũng có nhiều lúc, chứ không phải một lúc, tôi không nghe thấy gì cả. Không một tiếng chân người, không một tiếng động, không cả tiếng tôi thở nhẹ. Như vậy là, ba thằng bạn tôi có lẽ đã ngủ quên, quên cả chương trình đi tuần đêm, qua ngõ nhỏ nhà tôi. Những lúc ấy, không rõ mấy giờ, tôi không xem giờ. Chỉ biết, toàn bộ thành phố đã thực sự chìm sâu, vào giấc ngủ. Tôi nhắm mắt, rồi lại mở mắt. Để xem có gì khác nhau. Nhưng không khác nhau. Mắt tôi nhìn ra ngoài, và nhìn vào trong, đều thấy như nhau, đều không thấy gì, nhưng không phải màu đen, chỉ thấy một khoảng trống tím. Tôi nghĩ, khi người ta không nhìn thấy gì, thế nào cũng nói chỉ nhìn thấy, một màu đen. Thực tế đêm nay, tôi có thừa thời gian, để quan sát chăm chú, cái không nhìn thấy ấy. Tôi thấy không hoàn toàn, như người ta nói. Cái không nhìn thấy, không phải là màu đen, mà là một khoảng trống vô nghĩa. Khi người ta không nhìn thấy gì, là người ta nhìn thấy, cái vô nghĩa. Đêm nay vì vậy, tôi ngồi bó gối, trong cái vô nghĩa, ngay sát dưới mái nhà. Vô nghĩa cũng bởi vì, không kẻ nào mò đến. Xem đồng hồ dạ quang trên tay, đồng hồ chỉ 2 giờ 40. Tôi buồn ngủ. Mi mắt trĩu nặng. Tôi bấm vào đùi. Rồi tụt dây thừng, xuống nhà. Tôi đặt báo thức trên chiếc đồng hồ để bàn, là 3 giờ 30. Để nếu có ngủ quên, thì đồng hồ gọi tôi dậy. Nhưng rồi, lại nghĩ ra một cách khác, tôi lấy gói lạc rang, và chai rượu quê, đút cả vào túi, rồi lại leo dây thừng, lên trần nhà. Rút dây xong, tôi uống rượu bằng chai, tôi tí tép mấy hột lạc, thế là chẳng còn nghe thấy tiếng động nào, từ bên ngoài. Tôi uống theo kiểu dè sẻn, một chút một, trong buổi đêm vô nghĩa, trên trần nhà hôi hám, dưới mái nhà iên tĩnh. Chút rượu làm tôi thêm phấn chấn, còn bóng đêm, thì bớt vô nghĩa. Bên cạnh tôi chuột chạy, nhưng tôi không nhầm, với bước chân người. Gián cũng chạy xào xạc, nhưng tôi không nhầm với lá rơi, mùa đông. Không nhìn thấy bọn gián, nhưng tôi đoán được, lúc nào gián đập cánh bay, lúc nào gián bò trên xà gỗ. Tiếng chân gián, nghe luều nguều, luều nguều đâu đây, chắc chúng ngửi thấy mùi rượu thơm, và mùi lạc rang, nên đến gần tôi, để ăn cướp vài miếng. Bọn gián này là gián mùa đông, nên gầy bé. Gầy bé, nhưng cũng phải lớn, bằng chiếc lá cây khô. Cả bọn mà châu vào, rượu tôi không đủ, để chia cho chúng. Cho nên, tôi phải giấu kĩ chai rượu, trong ngực, dưới lần áo khoác. Lạc rang cũng vậy, tôi cất trong túi ngực. Tôi ăn uống, như đi ăn vụng. 3 giờ 20, rồi 3 giờ 25. Tôi đổi í định, tôi tụt xuống, hủy báo thức, trên chiếc đồng hồ để bàn. Tôi lấy một quyển sách nặng, tôi còn nhìn rõ, là một quyển trinh thám, để đặt nó lên, trên nút khóa chuông đồng hồ. Đồng hồ mà đổ chuông lúc này, là hỏng mất mọi dự tính. Thế mà tôi không nghĩ ra trước. Vẫn biết, trí thông minh bao giờ cũng đến chậm, cho nên tôi không tự trách mình. Tôi đứng một lúc, rồi nghĩ thế nào, tôi lấy đồng hồ để bàn, định đem lên chỗ nấp. Nhưng lại nghĩ, cứ đà này tôi sẽ dọn hết đồ đạc, lên trần nhà. Cuối cùng, tôi vặn kim báo thức, lên 6 giờ, rồi lên 7 giờ. Tôi đặt đồng hồ vào chỗ cũ. Rón rén đi lại, rồi rón rén leo lên, và rút dây. Tôi lại ngồi uống. Tôi cảm thấy say say. Cho đến lúc, gà gáy đợt đầu, ở một phố xa, rồi đến gà gáy trong ngõ nhỏ nhà tôi, nghe rất gần. Rồi tất cả lại im ắng. Vẫn không tiếng chân người. Chỉ thấy gió thổi nhẹ, làm đung đưa mái nhà. Phía trên mái nhà, là bầu trời, là mùa đông. Dưới chân tôi, là nhà tôi, là nhà mồ. Gió đêm làm tất cả đung đưa, rất nhẹ nhàng, êm ái. 4 giờ sáng rồi, tôi buồn ngủ thực sự, nhưng không ngủ. Tôi uống nốt chỗ rượu, để thức. Tôi tự nhủ, thức cả đêm thế này, mà không nghĩ lung tung, là tôi khá. Nhưng nếu có nghĩ lung tung, là tôi cũng khá, vì còn nghĩ được. Thức đêm, mà không nghĩ gì trong đầu, mới là tình hình xấu. Buồn ngủ, nhưng tôi không nằm, vì nằm, thì thế nào cũng ngủ, vì ngủ thì thế nào kẻ gian cũng vào nhà, để tôi không nghe thấy gì. Tôi buồn ngủ, cho nên lại tụt dây xuống. Thấy mặt đất tròng trành, đúng chỗ tôi đặt chân vào. Tôi lại leo lên, hồi lâu cũng leo đến nơi. Tôi rút dây. Rồi lại ngồi xổm, để muốn uống thêm, mà chai đã rỗng từ bao giờ. Tôi vứt chai, vào một góc, góc nào cũng được. Tôi để mặc cho lũ gián đói, chui vào lau dọn, cái chai rỗng.

 

 

 

Hình như tôi có chợp mắt, vài phút, hoặc vài giây, hoặc vài phần nhỏ của giây. Bởi vì tôi giật mình. Vẫn thấy tôi ngồi xổm, chiếc chăn đơn còn khoác, trên vai. Nhưng có tiếng lắc rắc, là tiếng cành cây gãy, là tiếng lá bị chân người giẫm lên. Tôi không nghe nhầm. Chắc chắn không nghe nhầm. Tôi nghe được ba lần lạo xạo tiếng lá khô, bị vỡ. Rồi iên ắng. Rồi một tiếng lạo xạo nữa, đến từ cửa sổ. Tôi tỉnh ngủ hẳn. Tôi lắng nghe, bằng tai, bằng mắt, bằng mũi, bằng toàn bộ lí trí. Mà không thấy gì nữa. Tiếng động khả nghi sau đó lại đến, từ mái nhà, khá rõ. Giống như có quả cây nào rụng vào, nhưng trên mái nhà, không có cây, và mùa đông, cây không ra quả. Vậy thì có kẻ đang ném đá. Nhưng cũng không phải, vì tiếng động lớn, nhưng rất êm. Tôi ngồi chờ, lâu lắm, cho đến khi gà gáy, lần thứ hai. Lần này bắt đầu từ xóm tôi, rồi lan sang các khu phố khác, rồi toàn bộ nội thành, rồi toàn bộ ngoại thành. Gà gáy te te khắp nơi. Gà gáy to thế này, kẻ trộm phải chạy hết. Rồi nhiều tiếng động bắt đầu, là các tiếng động không cần giấu giếm, của buổi sớm. Tôi nghe tiếng mở cửa, tiếng xê dịch đồ vật, tiếng ho, tiếng chân người, xung quanh khắp nơi. Có lẽ chỉ mỗi số nhà tôi, vẫn còn iên lặng. Tôi vẫn ngồi trên trần nhà, mà lắng nghe buổi sáng. Có tiếng người, ngay bên dưới, trong ngõ nhỏ. Nhiều tiếng người láo nháo, ngoài phố xa. Tiếng động buổi sáng làm tôi tự dưng thấy ấm lòng. Nhưng vẫn không rời chỗ nấp. Bỏi vì tôi nghĩ, biết đâu, đây mới là lúc bất ngờ nhất, để kẻ gian xuất hiện. Lúc này, đêm và ngày còn đang tranh chấp nhau, bóng tối vẫn còn bao trùm, toàn bộ nội ngoại thành. Lúc này, sẽ là thời điểm cuối cùng để kẻ gian đến, lấy lại tang vật. Sau đó, sẽ quá muộn. Tôi tìm một giả thiết mới. Để phán đoán thế này: kẻ gian đã đến bên cửa sổ, ít nhất từ một giờ nay, và đang đợi, giống như tôi đang đợi. Kẻ gian đã ném, một vật gì đó êm ái, lên mái nhà, có thể là xác chuột chết, để kiểm tra, xem tôi có ngủ say. Tôi nghe tiếng xiclô, từ trong ngõ đánh ra. Rất có thể chính là cái xiclô đã chở Cốm, đến bệnh viện tối qua. Nhưng tôi không biết, chủ nhân xiclô là ai. Tôi nghe thấy, tiếng chân người, là dân phố người đi chợ, người đi làm. Tôi nghe thấy tiếng bát đĩa, từ các nhà bếp. Nếu Cốm ở nhà, vào giờ này Cốm cũng đang thổi cơm, để nắm lại, để mang đi làm. Tôi thấy một màu trắng lờ nhờ, pha lẫn vào bóng tối, để tôi nhìn lờ mờ đồ đạc, dưới chân tôi, và lờ mờ cánh cửa ra vào, vẫn đóng kín. Thế rồi có thêm một ông già ho khan. Thêm một đứa trẻ con khóc. Có ai đánh vỡ cái bát. Rồi i như trong thánh kinh: có tiếng người chào trong ngõ, có tiếng người chào lại. Căn buồng dưới chân tôi rạng sáng, từ lúc nào không biết. Rồi rất nhiều tiếng động, của toàn bộ nội thành ập đến, trong một buổi sáng mùa đông, iên tĩnh, như một bản hòa tấu.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn