Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

12 chuyện kể của nhà văn một thời cầm phấn

19-11-2011 02:58:18 PM

VanVN.Net – Nhà thơ, nhà báo, nhà văn (chuyên viết cho thiếu nhi) Trần Quốc Toàn trước khi chuyển về công tác tại tòa soạn một tờ báo thuộc ngành giáo dục, đã có khoảng thời gian khá dài gắn bó với bục giảng trải khắp từ chân núi Ba Vì tới miệt sông nước Cà Mau. Chính vì lẽ đó mà “tất cả mọi điều mà anh đã quan sát, ghi nhận và lên tiếng, không phải bằng những tuyên ngôn ồn ào to tát, mà chỉ bằng lời lẽ khiêm cung của một thầy giáo đầy trách nhiệm và đầy tự trọng” (trích lời nhà văn Ngô Thị Kim Cúc). Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu 12 mẩu chuyện viết về những buồn vui nghề giáo của một nhà văn đã một thời cầm phấn, thay cho lời chúc mừng gửi tới tất cả các thầy, cô giáo đã, đang và vẫn tiếp tục sự nghiệp trồng người cao quý.

 

 

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Trần Quốc Toàn

 

Bút lon gạo mực

    Một lần được đãi ăn, mới biết, có tiệm cơm chay bình dân trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Ăn xong, ra lấy xe ở sau bếp, thấy một ông cụ đang cầm ống lon sữa bò trên tay, ngồi rắc gạo xuống nền sân xi măng. Một nét phẩy, một nét sổ bên trái, hai nét ngang bên phải, gạo xếp thành hình chữ nhân. Ông lão vừa đứng lên, hàng trăm con  chim sẻ sà xuống lích chích ăn những hạt chữ. Lũ sẻ phố thị nhờ ăn mà được học! Chính tôi cũng được học lại một chữ đã xưa theo cách viết mới, học trong quán bình dân có ông lão viết bằng bút lon mực gạo. Chính tôi được biết thêm rằng, trong kho  từ vựng  giáo dục, bên các chữ khổ học, khuyến học, du học còn có chữ... dụ học nữa.

    Một trưa lỡ bữa, rẽ muộn vào quán bình dân này, đang ăn thì thấy một bầy lít nhít hơn 20 đứa bé cỡ tuổi những lớp đầu bậc tiểu học kéo vào. Trông đầu tóc bờm xờm, áo quần lem luốc đủ kiểu, biết ngay đây là một đám bụi đời. Lại nhận ra cái thằng đen nhẻm kia từng đánh giầy cho mình một lần trong tiệm phở, bé gái đầu ngoẹo kia vẫn ngoẹo đầu nhểu nhảo rao bán kẹo chewing gum cho người bỏm bẻm nhai trầu thời naydọc đường Đồng Khởi. Các em cũng ngồi bàn, và chưa gọi, những người chạy bàn đã xăng xái bưng cơm ra, cũng cơm trắng, thức ăn nóng bầy trên đĩa sứ. Thấy lạ, hỏi bà chủ quán, mới hay, đó là học sinh cô giáo Châu, ở lớp tình thương ngay vỉa hè ngoài kia.

    Đó là lớp xóa mù cho trẻ đường phố học dưới một  tán bàng xanh lề đường. Một lớp học mà “đồng phục” mới chỉ thấy ở những đôi chân trần! Cứ 10 giờ trưa, những đứa trẻ kia tới với cô giáo Châu của mình, cô sinh viên năm thứ ba trường luật. Xếp vào góc tường này hộp đánh giầy, góc tường kia giỏ nệm mọc bọc lượm rác, lận lưng tập vé số bán chưa hết... các em vào buổi học. Học bằng bút viết và tập vở, quà của  những người hảo tâm qua đường, động lòng trắc ẩn. Học xong, vào lúc 12 giờ mỗi đứa trẻ được thưởng một xuất cơm chay - cũng là quà tặng của người hảo tâm – vì vừa tỏ ra hiếu học. Hiếu học nhất trong lớp học vỉa hè là  bé gái chewing gum kia, cả lớp ngồi ghế, học trên bàn, riêng  em ngồi  phệt dưới đất mà học, bởi vì tay xụi, em phải viết bằng chân.

    Dưới tán bàng xanh che chở, lớp học của các em là một thông báo sống, nói với khách thập phương qua đây về con số 6.200 trẻ đang lang thang như những con chim sẻ trên thành phố này.

 

Khuyển sinh

Ai ngờ lại có một ngày tôi được vào dự giờ một lớp học dành cho các chú chó. Không phải trong rạp xiếc, một lớp học thực sự. Giáo trình huấn luyện ghi rõ:

Sơ cấp: Ngồi. Nằm. Đứng. Bò. Lăn. Vượt chướng ngại…

Trung cấp: Bảo vệ chủ. Tấn công kẻ thù. Tìm đồ vật. Từ chối mồi bả…

Anh H. vốn là một quân nhân ngành quân khuyển giải ngũ về mở lớp tư dạy chó giữ nhà, dắt người mù. Lớp học hôm ấy có tới 20 khuyển sinh. Có khuyển sinh từ miền Trung vào ở nội trú tại nhà thầy H. để học cho mãn khóa 6 tháng. Anh H. nói về lớp học của mình:

 - Tôi không được dùng đồ ăn để dụ học trò của mình như người dạy làm xiếc. Học trò của tôi không cần làm trò khéo. Học trò của tôi cần trung thành và dũng cảm. Tôi chỉ thuyết phục, động viên nên thầy trò tình nghĩa lắm. Có trò về già bị chủ hắt hủi, tôi đón về nuôi. Chết thì chôn cất tử tế…

Nói tới đấy anh H. gọi một khuyển sinh dòng đô-bẹc-men tai cụp, lông trắng điểm đen, đi bằng hai chân tới bắt tay tôi. Cậu học trò ngồi thè lè cái lưỡi đỏ tươi như một tấm bằng tốt nghiệp loại ưu thật khó làm giả.

 

Trên từng cây số

Lần ấy phải xuống mãi bến tre để dự một hội nghị về chương trình giảng dạy trung học sư phạm. Trời tối đã lâu mới tới được Mỹ Tho. Còn phải qua phà Rạch Miễu rồi đi nữa mới tới được nơi hợp. Đành tìm cách ngủ lại Mỹ Tho.

Vào nhà trọ sợ tốn tiền, sợ các loài rệp. Tốt nhất là tìm một ngôi trường ngủ đậu. Tôi chọn trường sư phạm và gõ đại vào cánh cửa căn phòng ngoài bìa khu tập thể giáo viên. Cửa mở! “Thưa thầy. Thầy vô hồi nào”. Lạ chưa, đó lại là nhà của Đ., một cậu học trò đã học tôi từ hồi nảo nào mãi tít mù khơi ngoài Bắc. Thú thật, Đ. không phải học trò lớp tôi chủ nhiệm, tôi đã quên em. Nhưng Đ. thì vẫn nhớ. Đ. lo cho thầy một chỗ ngủ, lại thêm một tiệc nhỏ “tẩy trần”.

Sáng chia tay, Đ. ghi cho tôi địa chỉ bạn Đ., cũng là học trò của tôi, đang “làm lớn” bên kia sông.

Có còn học trò nào chờ tôi ở những điểm không hẹn mà gặp nữa không? Còn tôi, tôi vẫn chờ một ngày nào đó, có người gõ cửa nhà mình, đó là thầy tôi, để tôi thưa với thầy, cả trăm, cả ngàn học trò thầy dạy, vẫn chờ thầy trên từng cây số.

 

Đêm tình ca

   Đêm tình ca ấy là đêm có một nhóm học sinh kéo nhau vô quán  để ủng hộ thầy. Thầy dạy nhạc của họ đêm nay được quán nhạc mời hát tình ca.

   Vào quán nhạc khỏi phải mua vé, tiền lẻ ra mua vé thi mua nước giải khát với cái giá tính luôn cả tiền chỗ ngồi, thí dụ, một lon bia 24. 000 đồng. Mà theo chương tŕnh thì một lon bia chưa hết một  đêm nhạc,  chí ít phải hai, ba lon, kể cũng tốn. Đám học trò cổ động viên của thầy mình phần lớn lại là ông giáo với bà giáo có thâm niên nghề nghiệp cao cho nên thu nhập nói chung thấp.  Nhưng ba cây chụm lại nên hòn núi cao, họ vẫn kéo đến quán nhạc thật đông để ủng hộ thầy mình.

   Thầy dạy nhạc của những học trò yêu ca hát kia từ lâu đã nổi tiếng, đã có ca khúc thuộc nằm lòng người hát, người nghe, đã có  giai điệu hào hùng được ghi vào lịch sử dân tộc. Người thầy nghệ sĩ ấy đã ôm đàn hát nơi chốt biên cương, ôm đàn trụ lại giữa Hà Nội-Điện Biên Phủ rung rinh bom B52 rải thảm... Nhưng ôm đàn hát  bên những lon bia  sủi bọt vui, những tách cà phê tí tách nhỏ giọt buồn thì thầy còn lạ lẫm lắm, thầy cần được động viên ủng hộ, như ngày nào học trò ủng hộ thầy một tiết thao giảng.

   Tôi chỉ là học trò của học trò vị nhạc sư kia cũng xin được làm một cổ động viên, một supporter tình nguyện. Tôi lại rủ thêm học trò của mình. Đêm tình ca đầy ắp người nghe,  đầy ắp hoa tặng, đầy ắp những tràng pháo tay giữ nhịp.

 

 Mắc nợ

   Nhiều khi văn chương chẳng vô bằng cớ chút nào. Đó là những khi học trò đòi giảng cho thật tường tận các đơn vị đo lường trong vai năm tấc rộng,thân muời thước cao; trong kẻ tám lạng, người nửa cân; hay trong của một đồng công một nén…  Tôi dốt toán cũng cố mà trả lời theo kiểu toán học, một thước có muời tấc, tám lạng cũng chính là nửa cân ta, mỗi cân 16 lạng, một đồng cân bằng 1/10 lạng, mỗi lạng 375 gam,

10 lạng thành một nén...

   Nhưng lần này các em không hỏi về  thước tấc, cân  lạng, đồng nén, các em hỏi về đơn vị...cục!

   A! Cục trong thần thoại cây khế chứ gì: Ăn một quả trả cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng. Không, các em hỏi về chữ cục khác, chữ cục đời thường trong bài viết trên một tờ báo dành cho thanh niên: "Tin bắt giam ba nhân vật chủ chốt ở Ngân hàng thương mại cổ phần Gia Định không hiểu vì sao lọt ra ngoài, chúng bỏ trốn. Điều  tra viên phải vào vai sa ngã, phải đi bia ôm, phải nhận hối lộ...mới lần ra manh mối, đưa cả ba nhân vật chủ chốt vào tù. Chẳng rõ liên quan với nhau thế nào mà khi bộ ba lừa đảo bạc tỷ vừa sa lưới thì một cán bộ cao cấp ngành ngân hàng đã "tự nguyện tự giác" đem tới nộp nhà chức trách một...cục vàng!"

   Vậy một cục là bao  nhiêu nén, bao nhiêu lạng, bao nhiêu đồng cân? Chịu, không biết trả lời thế nào. Đành mắc nợ các em câu hỏi này.

 

Góc đối đỉnh

   Có tấm bảng đen ghi bài toán học góc đối đỉnh đặt dưới chân tượng đức Phật Bà Quan Âm. Ở Diệu Giác Ni Tự sáng tôi vào lễ Phật có hai tấm bảng như thế, tấm này của môn toán còn tấm kia môn văn cấp Một, kiểu bài điền từ vào chỗ trống.

   Lễ Phật rồi vào viếng chùa, lại gặp ngay cảnh đời rất gần gũi với mình, mấy chục giường tầng kê san sát, hệt như cảnh ký túc xá sư phạm mấy mươi năm trước, hồi mình được học ngoài Hà Nội.

   Giữa hai giường tầng gợi nhớ thời đại học "ăn sư ở phạm" là một nhà trẻ thật sự, có giường vuông, nâng giấc bé Ngọc Tỷ, học sinh mới 7 tháng tuổi. Có người ghé tai dạy, Ngọc Tỷ là chữ trong sách Phật, chưa kịp hỏi nghĩa sách thì sư cô Hạnh Chơn đã kể cho nghe chuyện đời của cháu, mùng 5 Tết Ất Hợi, cháu bị bỏ ngoài cổng chùa, bị vứt vào đời trần trụi, cái tên cũng không có, Ngọc Tỷ là tên chùa khai sinh cho cháu.

   Chùa Diệu Giác có phấn bảng, có ký túc xá, có nhà trẻ... lại còn có cả chế độ ăn...mặn! Không phải mặn theo lối ngỗ ngược của thầy Trí Thâm, gánh rượu thịt về chùa, 32 ni sư chay tịnh chùa Diệu Giác chỉ biết tương chao, rau dưa, vẫn nghe theo lời khuyên của một bác sỹ Tây y, xin Phật mở lượng từ bi cho phép 65 trẻ mồ côi tới nương cửa Phật được ăn mặn để thoát đường suy dinh dưỡng, để có thể chấp nhận những đóng góp đời thường của bá tánh vào bữa ăn hàng ngày của các cháu.

 Ở Diệu Giác Ni Tự có tấm bảng dậy bài góc đối đỉnh. Có lẽ đối đỉnh là quan hệ đẹp nhất trong các mối quan hệ lượng giác, đối đỉnh như là sự chụm đầu để cùng tồn tại.

 

Bạn thổi búp đa

   Đối với bọn trẻ phố Hàng Bạc, Hàng Thùng, Hàng Tre, Hàng Vôi… chúng tôi, ông chẳng xa lạ chút nào. Ông đã từng trú nắng trú mưa với chúng tôi dưới cùng một mái nhà. Chẳng là ngày ấy dưới bóng cây đa đền Bà Kiệu bên hồ Gươm có một mái nhà lợp ngói cổ, xinh xinh như ngôi nhà mát trong công viên. Mùa hè chúng tôi kéo nhau ra lượm  búp đa đền bà Kiệu, mỗi khi trời ụp mưa rào thì chạy vào mái nhà ấy đợi trời tạnh. Trong nhà đã có nhiều người, phần lớn là dân kiếm sống quanh bờ hồ, mấy anh sơn mạ huy hiệu, một bà chè tươi kẹo bột, một ông nhổ răng không đau có một cây cung căng đầy răng sâu, một bác thợ cạo (không biết có phải nhà văn mở hầm Nguyễn Dậu?) và anh em Lê mù bán sáo trúc...

   Sao cái đám trú mưa ấy giống một cái lớp học thế! Có phải vì trong nhà kia đã có sẵn một tấm bảng, bảng đá chi chít chữ nghĩa, lại có thêm đám học trò chúng tôi bi bô chỉ tay lên bảng đá tập đánh vần quốc ngữ Đức A Lịch Sơn Đắc Lộ... Cho tới khi  hết tuổi thổi búp đa chúng tôi mới biết nhà mát ấy là nhà bia, đức ngài A Lịch Sơn Đắc Lộ ghi tên trên bia là Alexandre de Rhodes có công chế tạo thứ chữ viết mới của người Việt Nam. Nhưng đến khi ấy thì chiến tranh, chúng tôi phải xa Hà Nội, để rồi khi trở về không thấy tấm văn bia kia đâu! Không lẽ trăm năm bia đá thì mòn... Sao mòn nhanh vậy, mới vài chục năm. Có ai ngăn chặn được kiểu xói mòn cao tốc như thế?

   Có đê sông Hồng.Trên một đoạn đê xanh cỏ, người ta thấy tấm bia ấy bị vứt bỏ, đê sông Hồng có công giúp tấm bia không bị vứt tõm xuống sông. Có một ông cán bộ về hưu tên là Nguyễn Việt  Minh âm thầm thỉnh khối đá nặng sáu bảy tạ, lại vừa bị "cắt hộ  khẩu" về tạm trú ở nhà mình để cùng đợi tới ngày Thủ tướng chính phủ giao cho Bộ Văn hoá thông tin phối hợp với UBND thành phố Hà Nội rước tấm bia về đặt lại trong khuôn viên thư viện quốc gia!

   Tôi điện thoại báo tin này cho Khánh, một người bạn thổi búp đa đang dạy tại một đại học cách xa Hà Nội cả ngàn cây số.  Khánh: “thế chứ!” Rồi hẹn: “Thế nào mấy đứa mình cũng phải gặp Sơn Đắc Lộ ở nơi trú ngụ mới của ông.”

 

Nhà thơ Trần Quốc Toàn với các bé trường mầm non

 

Làm trò cũng khó thay

   Lớp bồi dưỡng kéo dài năm ngày. Người học là thầy giỏi các tỉnh. Có thầy được Nhà nước phong danh hiệu Giáoviên ưu tú.

   Đã là lớp thì có phấn có bảng. Ngày đầu học môn tiếng Việt, mấy câu thơ thí dụ thâm thúy kiểu Tôi đang ăn con mèo nhảy qua đã chiếm gần hết bảng. Bữa sau học Tagor vài danh từ triết học Ấn Độ chen vào những chỗ bảng còn trống. Bữa sau nữa, còn chỗ trống nào thì những điều liên quan tới Sile và những tên cướp chiếm nốt. Thành thử, tới bữa thứ tư, chỉ học văn học Việt Nam thôi mà được trực quan trên bảng từ con mèo qua Tagor, Sile  tới những tên cướp!

   Có người nói chỉ vì lớp thiếu cái giẻ lau bảng. Tôi thì nghĩ, có thiếu chăng là thiếu người học trò. Những cô cậu học trò dễ thương, tới phiên trực nhật, bao giờ cũng lau bảng sạch làu trước khi thầy bước vào lớp.

   Làm học trò cũng khó vậy thay.

 

Dâng lễ sửa văn

   Ông chủ biên một tờ tạp chí nhờ tôi biên tập bài viết của một giáo sư. Giáo sư là thầy tôi ở bậc đại học,  học lên nữa tôi vẫn được thụ giáo thầy.

   Tôi cầm cây bút biên tập và bắt  đầu sửa; lỗi đánh máy. Những lỗi này rồi cũng hết!

   Tôi buông bút biên tập và đọc lại bài viết như một độc giả trong cả trăm ngàn độc giả khắp Bắc Trung Nam. Nếu bài viết là của chung độc giả ba miền thì ở bài viết có ba dấu hỏi phải chuyển thành ngã.

   Tôi lại đọc như cả trăm, cả ngàn độc giả đủ mọi ngành nghề và thấy cần phải cắt bớt những đoạn đi quá sâu vào khoa học nhân văn, để giữ bài viết lại với các kỹ sư, chuyên viên điện tử...

   Tôi lại đọc cả trăm cả ngàn độc giả đủ mọi trình độ và thêm vào bài viết những chú thích để anh xích lô có thể biết Khổng Tử là ai khi đạp xe trên đường Khổng Tử - Chợ Lớn, để chị hàng cá chợ Đồng Xuân cũng học được cách mím miệng như nàng Joconde...

   Trò giữ lễ không dám biên tập thầy mà hóa ra biên tập rất kỹ, sửa chữa nhiều, thêm bớt nhiều. Nhưng thầy sẽ hiểu tôi, khuyến khích tôi vì thầy là ngườidạy tôi về quyền Dân chủ.

 

Chợ

   Tôi không dám nhận là tu mi nam tử nhưng cũng thuộc loại tốn lưỡi lam. Vậy mà ngoài việc ôm cặp lên lớp vẫn cứ phải xách giỏ đi chợ.

   Thì biết đùn đẩy cho ai. Bà ấy nhà tôi cũng đã ôm cặp lại còn bưng thêm khai bánh dừa bỏ mối căn tin, lại còn ẵm thêm thằng út những hôm nhà trẻ bị cúp nước không nhận cháu, lại còn cắp thêm cái sơ-mi ba giây nữ hiệu trưởng..

   Đi chợ rồi quen, rồi thích. Bước tới chợ là thấy mình hóa thành li ti hạt bụi muối tiêu giữa cái đĩa đời ngồn ngộn của ngon vật lạ, thả sức mà chiêm nghiệm đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà. Vàng rực bông điên  điển, nước đổ rồi nhìn cọng bông súng dài vài mét bày bán mà lo cho nước Tháp Mười. Đầu tôm càng xanh giăng giăng khắp chợ là nước đã giựt, Nhà nước xuất được nhiều thịt tôm nõn, mình mua bầu về nấu canh chua đầu tôm, cùng vợ con ăn mừng...

   Trong cái nhịp hải hà ấy, không muốn thì phải đếm thêm những bạn đồng nghiệp đã bỏ bục giảng để ngồi xuống bên một mẹt tương chao, một phản thịt,  một sạp vải, một tủ thuốc hút, một quầy xăng dầu...

   Ở một phản thịt tôi được tin tôi được tin thầy hiệu trưởng trường sư phạm V.L hồi nào vừa phải mổ mắt trên Sài Gòn. Mắt sáng lại rồi nhưng chưa được cho về vì còn thiếu viện phí. Chị chủ phản thịt, một cô giáo đã bỏ phấn bảng theo nghề phanh pha tự nhận lãnh cái việc lễ nghĩa là quyên góp đồng môn để thầy sớm được về mà nhìn đời.

   Tôi chỉ là học trò rể của thầy M, cũng xin thưa với thầy sáng nay tôi được vỡ lòng nhất tu thị, nhị tu sơn, sáng nay tôi đã hiểu vì sao khi học trò hỏi: "Thưa thầy, ở đâu hành đạo tốt nhất?" Mạnh Tử lại đáp: "Chợ".

 

Hương thị

   Bữa leo núi Ba Thê, ướm chân vào dấu chân tiên in trên tảng đá đỉnh núi, dù không là cô Tấm vẫn không thể không nhớ tới đoạn ướm hài. Thế rồi bỗng nhiên nghe hương thị. Đã lâu lắm rồi mới gặp hương cổ tích này. Gặp ở phiên chợ núi, thoang thoảng giọng Khơ-me và hăng hắc mùi xănghonda ôm.

   Tôi muốn giữ, muốn chia chút hương xưa cho bầy trò nhỏ chưa hết tin chuyện thần tiên của tôi, và mua một chục (chục Châu Đốc) mười sáu trái thị.  Vậy mà vẫn

không đủ chia. Đám bạn vong niên của tôi cũng nhiều. Em nào nhận quà cũng khum hai tay nâng trái thị và hít tới phồng hai cánh mũi nhỏ xíu. Dường như em nào cũng đã rành phép thưởng thức hương hoa, dù là gái hay trai: để bà ngửi chứ bà không ăn.

   Có phải cánh người lớn chúng ta vì đã quên câu này mà những trái cổ tích cứ mỗi ngay một ít đi?

 

Đổi thước lấy sào

   Tôi đọc Thánh Thán học được khứ trượng thủ xích, khứ xích thủ thốn pháp. Đó là phép bỏ trượng lấy thước, bỏ thước lấy tấc trong văn chương. Tôi có đem phép này dạy cho trò của mình. Trò T. của tôi học rồi đã hành theo quyết đoán của em, bỏ thước cầm lấy cái... sào chăn vịt.

   Số là tốt nghiệp sư phạm, đi dạy được mấy năm thì trường gợi ý giảm biên, vốn gốc nông dân, về vườn như  Ăng-tê gặp đất, T. làm đơn xin nghỉ việc trường, lãnh tiền chế

độ mua bốn trăm vịt mới bóc trứng về... dạy. Cũng điểm danh mỗi ngày, tiêm chủng mỗi mùa, cũng hiệu lệnh, đội ngũ... bài bản lắm. Và tiết mưa ngâu năm nay, thầy trò

tôi được bước theo đàn vịt đẻ mới điều từ ven sông Hậu vào chân núi Ba Thê tận thu lúa hè  thu, lội bì bõmtrong mênh mông nước ruộng tứ giác Long Xuyên. T. chăn vịt mà bận quần jean thứ thiệt, đội nón nệm rộng vành, trông em vừa cần lao vừa lãng tử.

   Tôi thắc mắc với chàng trai về sự hiếm hoi, thiếu vắng các giọng khàn vịt đực trong hợp xướng lắm điều của đàn vịt bốn trăm con và được giải thích: - Chỉ cần tám tới mười vịt cồ là đủ cho bốn trăm vịt đẻ. Nhiều hơn là hỏng chuyện. Chàng nọ trèo lên được chàng kia lại cắn cánh kéo xuống. Mải giành nhau, chẳng cậu nào hoàn thành nhiệm vụ của mình. Lò ấp người ta chê hột thiếu trống không mua.

   Vậy ra đổi dài lấy ngắn hay đổi ngắn lấy dài đều phải phép, miễn là tính cho vừa đủ.

   Bất chợt, T. đưa cao cây sào nhạc trưởng ngoại cỡ của mình. Đàn vịt vào giờ đồng ca.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

  • hung nguyen lúc 24-11-2011 02:35:55 PM

    Hi! Thầy! Em đã xem 1 mạch 12 chuyện về nghề giáo của thầy. Cảm ơn món quà dài như 12 tháng trong năm của thầy. Chúc thầy vui khoẻ!

    Trả lời

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn