Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện vui của Phùng Thành Chủng

11-07-2012 07:27:50 AM

 

CHẾT... NĂM NGOÁI !

 

Bố Gàn chết! Khách đến phúng viếng:

- Được tin cụ nhà hai năm mươi...

Vừa nghe đến đây, Gàn đã sừng sộ cắt ngang:

- Bố tôi còn nằm đó chưa ra ma, ông nói thế có khác gì rủa bố tôi sao không chết từ năm ngoái...

Khách ngớ người ra chẳng hiểu làm sao. Về sau mới vỡ lẽ, thì ra ông cụ (bố Gàn) thọ 101 tuổi!

 

ỐM!

 

Nhà kia chồng ốm, kêu không thèm gì, chỉ thèm bún chấm với nước mắm. Chị vợ mua một trăm lá bún mang về, anh chồng ăn hết chín mươi chín lá. Thấy vậy, chị vợ hỏi:

- Còn một lá, không ăn nốt để lại làm gì?

Anh chồng vừa rên hừ hừ trong chăn vừa trả lời vợ:

- Nếu mà ăn nốt đuợc thì tôi đã khoẻ!

 

CON CHÓ CỦA DƯƠNG BỐ

 

Quan huyện Dương Bố có thói quen chỉ thích vận đồ trắng khi đến nhiệm sở. Một hôm, vợ ông đưa cho ông một bộ đồ đen và bảo:

Ông cứ quanh năm vận đồ trắng như thế, không khéo người ta tưởng là quan  lớn nhất bộ...

Nể vợ, hôm đó Dương Bố vận bộ đồ đen đến công đường. Chẳng dè không ai nhận ra, chỉ có con chó của ông là vẫy đuôi, nhảy cẫng lên mừng rối rít! Thấy lạ, mọi người nhìn lại và giật mình khi nhận ra đó là...Dương Bố!

Vậy mà Dương Bố không hề tỏ ra sắc giận, ông chỉ bảo con chó:

- Thì ra chỉ có ngươi mới phân biệt được người với... quần áo!

 

BẮT ĐỀN

 

Ất và Kỷ sang chung một chuyến đò. Đến giữa dòng, không may đò bị thủng một lỗ khá to ngay chỗ Ất ngồi. Nước ồ vào. Ất lấy tay tạm thời bịt lỗ thủng lại. Bảo Kỷ:

- Anh quấn cho tôi xin nắm giẻ để tôi nhét nút nó lại; rồi lấy mũ mà tát nước ra...

Kỷ vẫn ngồi yên:

- Thủng chỗ anh chứ có phải thủng chỗ tôi đâu!

Đò chìm. Trước khi chết, Kỷ còn cố ngoi lên để bắt đền Ất.

 

BẢN CHẤT

 

Gà bới vườn rau, Chó ra đuổi. Mèo bảo Chó:

- Nó đói nó mới phải bới lấy nó ăn, anh đã không thương thì chớ lại còn đuổi nó...

Chó không nói gì.

Ngày mùa. Thóc phơi đầy sân, Gà no căng diều không ăn được nữa, vừa bới vừa ỉa đầy lên thóc.

Chó bảo Mèo:

- Đấy anh xem, bản chất nó hay bới thì thế nào nó cũng bới chứ có phải đói nó mới bới đâu...

 

CƠ CHẾ

 

Một người có cái thớt, dùng lâu, đã lõm giữa. Thái miếng thịt mãi không đứt, người ấy quẳng bỏ dao, ra chợ mua con dao khác. Thấy dao mới không hơn gì dao cũ, người ấy lại ra chợ tìm người bán dao, đòi đổi! Đến bốn năm lần như thế, cuối cùng người ấy đem dao ra trả, đòi lại tiền, không mua nữa. Bảo người bán dao:

- Nhà tôi có cái thớt, dùng đã mấy chục năm nay, không hiểu làm bằng gỗ gì mà còn tốt thế. Dao của bác tuy sắc nhưng đem về thử, thay đổi đến bốn năm lần mà không con nào chịu được...

 

KHUYỂN KINH

 

Chó nhà hỏi chó rừng:

- Có một cuốn sách hay lắm, không hiểu anh đã xem chưa?

- Cuốn gì?

- Khuyển kinh!

- Khuyển kinh?

- Phải, Khuyển kinh! Nghĩa là sách viết về phép xem tướng chó!

- Vậy thế nào là chó hay?

- Chó hay phải Tam tinh khoáy sọ, tứ túc huyền đề, tai phải cúp, đuôi phải cong...

Mới nghe đến đây, chó rừng đã cắt ngang:

- Thế là hay với người chứ không hay với chó! Bởi tướng ấy là tướng cam phận làm tôi tớ người ta...

 

CƯỜI HÁT ĂN CHÁO, MẾU MÁO ĂN CƠM!

 

Hai người bạn gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách:

- Ông còn nhớ cái lần hai thằng mình đi xem bói?

- Quên sao được! Tay thầy bói sau khi gieo quẻ, bảo ông tiền vận vất vả tuy rằng cười hát suốt ngày; còn hậu vận mặc dù suốt ngày chỉ khóc với mếu nhưng lại hay! Sau đó trên đường về, ông chẳng đã vừa đi vừa chửi cho lão một trận và cứ ca cẩm mãi về chuyện đã mất toi cho lão mấy đồng bạc là gì!

- Vậy mà bây giờ ngẫm lại mới thấy những điều lão ấy nói đều đúng cả ông ạ!

- Đúng thế nào?

- Thì sau đó vì có năng khiếu ca hát, tớ được lấy vào đoàn văn công tỉnh; nhưng ông bảo cái thời bao cấp, lương lậu có được là bao! Đành đi các địa phương lưu diễn nhằm quan hệ để xin lương thực, thực phẩm là chính! Tuy vậy, nhưng vẫn còn sống được, mặc dù đói! Hết thời bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, nhà hát vắng như chùa bà Đanh, có diễn không thu vé vào cửa cũng chẳng ai xem. Đoàn tớ chỉ hoạt động cầm chừng kiểu nhà trò giữ dịp, không thất nghiệp mà quá thất nghiệp! Nản quá, tớ xin về “một cục” vì chưa đủ năm công tác; tính ra chẳng được bao nhiêu. Đã thế sau đó đồng tiền lại bị trượt giá, thành thử mười mấy năm thoát ly hoá ra công cốc. Vậy thì chẳng phải tiền vận tuy cười hát suốt ngày mà hoá ra lại vất vả là gì!

- Thế còn hậu vận?

- Thì như ông thấy đấy: Có bát ăn bát để, lại còn làm được nhà được cửa...

- Nhưng vấn đề là ở chỗ lão thầy bói nó bảo ông hậu vận chỉ khóc với mếu?

- Đúng thế!

- Sao?

- Thì sau đó tớ xoay sang dịch vụ “than vay, khóc mướn”, tối ngày đi thổi kèn đám ma...

 

THÓC ĐẾM TRĂM

 

Xem tập san Kiến thức ngày nay thấy có chuyên mục Truyện ngắn 100 chữ, tôi hào hứng nhập cuộc. Viết một lèo xong năm cái gửi đi. Theo dõi, thấy có tên ở mục hộp thư, yên tâm không còn lo bài bị thất lạc; nhưng ngong đỏ  mắt, rốt cục chẳng chuyện nào được đăng...

Tháng 5, nắng như đổ lửa. Mẹ tôi phơi thóc ngoài sân. Bốc một nắm đem vào, mẹ bảo: Vụ này tốt quá, thóc đếm trăm được!

Xem lại mấy cái truyện ngắn đã gửi, giật mình chỉ thấy trấu.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...