Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Từ “Trở về” đến “Mùa thiêng”

(Đọc tập thơ "Mùa thiêng" của Đặng Cương Lăng, NXB Hội Nhà văn 2013)

Nhà thơ Đặng Huy Giang - 02-12-2013 04:40:25 PM

Từ 2009 đến 2013, trong vòng 5 năm, mỗi năm, Đặng Cương Lăng lần lượt trình làng một tập thơ mới qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Đó là “Trở về”, “Thắp lửa”, “Khát vọng”, “Đất làng” và “Mùa thiêng”. Chưa kể, cũng trong khoảng thời gian ấy, thơ Đặng Cương Lăng còn in rải rác trong nhiều tập thơ chung cùng nhiều tác giả khác và kịp để lại nét riêng của anh qua việc đoạt một số giải thưởng: Giải nhất cuộc thi thơ “Ngàn năm hồn Việt” năm 2011, giải nhất cuộc thi thơ “Đạo nghĩa” năm 2012, giải tư cuộc thi thơ “Thơ ca và cội nguồn” năm 2011… Điều này cho thấy khát vọng thơ và cuộc bứt phá thơ trong con người thi sĩ họ Đặng ở chặng đường đầu, đáng kể đến mức nào.        

Chính sự gặp gỡ giữa lòng đam mê, sự tác động khách quan, nhu cầu tự thân cùng với nguồn cảm xúc dồi dào đã giúp Đặng Cương Lăng làm nên một vài thành công ban đầu ấy. Và làm nên dấu ấn là những chi tiết thơ, những tứ thơ qua nhiều bài thơ. Đó là “Chị tôi”, “Đất làng”, “Phúc - họa” đã in trong tuyển thơ Hà Nam mang tên “Lửa quê” mới được ấn hành gần đây. Những câu thơ: “Từ nay rũ sạch phong trần/ Con sông trải kiếp trầm luân về nguồn”, “Một thời nhẹ dạ cả tin/ Lỗi lầm đem bán cả miền khói hương”, “Những người đi cầu phúc/ Phúc ở bến mù khơi/ Những người đi giải họa/ Họa ở chín tầng mây/ Mà sao người không biết/ Phúc – họa đầy trên tay…”đã đem đến cho độc giả cảm giác khác lẫn sự ngẫm ngợi không yên. Đó là những câu thơ đụng đến kiếp người, phận đất và cả những hiện tượng của đời sống tâm linh. Riêng bài “Phúc - họa” đã đụng đến cái tứ vừa giàu trải nghiệm, vừa có tính triết lý. Hình như con người, trong cuộc mưu sinh vẫn thường có những cuộc “thêm vào” và “bớt đi” rất nhầm lẫn và cũng rất xa lạ với họ như vậy. Và con người đã không hiểu được, xa xưa, các cụ nhà ta từng dạy “trời gần, đất cũng chẳng xa”. Riêng câu “Phúc – họa đầy trên tay” đủ để lại một ấn tượng không dễ quên.        

Nhưng thơ Đặng Cương Lăng không chỉ có thế.          

Đến “Mùa thiêng”, người đọc bắt gặp một Đặng Cương Lăng tỏ ra đầy đặn hơn và thi sĩ hơn. Đây là “Giọt thu Hà Nội” của anh: “Những giọt thu Hà Nội/ Thu gom cả đất trời/ Cầm giọt thu trong trắng/ Bao nỗi niềm đầy vơi”. Đây là “Chợ nổi” của anh: “Chơi vơi/ chơi vơi/ chơi vơi/ Phận chợ thì nổi/ phận người chìm sâu”. Đây là “Cao nguyên hoang sơ’ của anh với: “Bàn tay H’Mông làm mềm đá/ Bước chân người Dao đưa núi đi xa/ Giọt mồ hôi hóa thành hoa đá”. Đây là “Hat lúa” hay nói chính xác ra là “phận lúa” của anh: “Quanh năm quên mình lặng lẽ/ Mà ngậm ngùi, mà tủi phận bùn sâu/ Cả đời nuôi người, cả đời thua thiệt”…         

Trong khi nhiều nhà thơ có nhiều bài thơ thành công về miền trung, vậy mà khi trở lại với miền trung, Đặng Cương Lăng vẫn có những câu thơ mới lạ như là phát hiện của riêng anh. Câu “Nén khổ đau thành đá” trong “Miền trung ngày giông tố” và hai câu “Ôi! Mảnh đất gieo trồng bao đắng đót/ Gặt hái về bao mùa vụ trắng trong” trong “Miền trung” là hai ví dụ rất cụ thể, sinh động.          

Rồi trong một khoảnh khắc gần như là bừng rộ của cảm xúc, của tâm trạng, Đặng Cương Lăng đã nắm bắt được cái “quy luật của muôn đời” để rồi hạ bút viết những câu thơ thật xuất thần trong “Không đề”:

Gập núi sông để không còn cao thấp

Siết đất trời để khoảng cách không còn

 

Trăng già nào khác trăng non

Yêu em

             vẫn một đường mòn

                                                   anh đi.

 

Và thật thú vị khi làm được những việc ấy trong thơ, Đặng Cương Lăng đã bắt đầu từ “cái mong manh”, “đi tìm ánh sao rơi”, “đi nhặt mảnh trăng”, “đi gom gió”, “gom mưa”…- những thứ tưởng như không có thật. Phải chăng đó cũng là “đường đi nước bước” làm nên phẩm cách của người thơ?         

Người đọc dễ nhận ra thơ Đặng Cương Lăng thường đi vào các khía cạnh bức xúc và cập nhật của đời sống.Thơ anh nặng chất trữ tình và ngày một đa dạng về mặt hình thức. Nếu ở “Đất làng” (tập thơ thứ tư) có đến 2/3 là lục bát, thì đến “Mùa thiêng” (tập thơ thứ năm), liều lượng lục bát đã giảm hẳn và thế vào đó là các bài thơ được triển khai ở nhiều thể loại khác nhau.         

Ở đời, người ta thường làm những điều mình muốn, nhưng không bao giờ muốn được những gì mình muốn. Hình như đấy là trở lực luôn xuất hiện giữa mơ ước và thực tế. Giữa “Mùa thiêng” và Đặng Cương Lăng cũng vậy. Nêu thế cũng là để nói: Với Đặng Cương Lăng, hành trình thơ của anh vẫn không ngừng, không nghỉ và nhiều hứa hẹn vẫn còn đón đợi anh ở phía trước.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...