Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Thơ không sinh ra từ nửa lá bùa

(Đọc tập thơ “Gió bay mất nửa lá bùa” của Dương Thúy Mỹ, Nxb Hội Nhà văn)

Vương Trọng - 29-11-2013 12:25:43 PM

Có thâm niên làm thơ ba mươi năm, đến nay Dương Thúy Mỹ đã ra mắt bạn đọc bốn tập thơ, mà “Gió bay mất nửa lá bùa” là tập thơ mới nhất do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Như vậy, trung bình bảy, tám năm ra một tập thơ, chị không phải là người  xuất bản “cấp tập” như một số tác giả mới xuất hiện gần đây, nhưng cũng không phải là người viết ít, vì cả bốn tập đều dày dặn, và điều đáng nói hơn, không có hiện tượng “đẻ non” tác phẩm của mình.

Lấy tên một bài thơ tình yêu của mình làm tên chung cho tập thơ, nhưng chị không chỉ có thơ tình yêu, hay chính xác hơn, không chỉ có thơ tình yêu đôi lứa, mà còn nhiều đề tài khác, là tình yêu các vùng đất và những con người. Trong tập thơ này, có mặt tên riêng của nhiều địa phương, và ở đó tác giả gửi gắm tình cảm của mình qua những vần thơ. Đó là Yên Tử:

Phấn thông rắc bạc trên rừng trúc

Chim chuyền rả rích dưới vòm cây…

Với cảnh thiên nhiên yên tĩnh, thanh sạch đượm vẻ thiền. Đó là Tuyên Quang:

Mỏng manh đoạn thành nhà Mạc

Hoa bìm ngơ ngác tường rêu

Sông Lô lầm lỳ, gan góc

Mang mang sắc đỏ cuối chiều

là khi hồn lịch sử truyền cảm hứng tới nhà thơ.

Đó là chợ Viềng ở Nam Định, mỗi năm chỉ họp một phiên:

Rù rì ả bán, chàng mua

Ngả nghiêng may rủi,

đong đưa lời chào

Thế rồi đây nhận, đấy trao

Sinh tôi ra giữa khát khao chợ Viềng

Lời thơ đẫm chất dân gian, và thật khó tách bạch giữa thơ viết về vùng quê với tình yêu đôi lứa! Cũng như thế với nhiều bài thơ mang tên địa danh khác như “Ai về phố Hiến”,  “Trò chuyện với Ca Long”, “Giá như Trà Cổ”…

Một phần quan trọng trong tập thơ này là tác giả viết về các danh nhân, những người nổi tiếng. Không hẳn là thơ chân dung, mà với mỗi danh nhân, Dương Thúy Mỹ ghi lại cảm nghĩ của mình, một người hậu thế ham đọc sách và thích tìm hiểu. Chỉ bằng đôi nét chấm phá, có khi chưa nhắc tên, thì người đọc đã nhận ra. Ví như:

Ấy là bến vắng tháng ba

Lũ cò con vụt bay ra giữa đồng

Chợ tàn lều quán bỏ không

Ngựa ai rung tiếng nhạc đồng nhỏ to…

là “Bức tranh quê” và nữ sĩ Anh Thơ  hơn bảy mươi năm trước thấp thoáng đâu đây. Tương tự như vây:

Rượu này là rượu chân quê

Gió này là gió từ đê thổi vào

Nước này là nước sông Thao

Núi này núi Tản ngất cao ngang trời…

thì chưa cần nhắc tên các tác phẩm “Lời thề non nước”, “Con đường vô hạn” hay “Tống biệt”, bạn đọc đã manh nha thấy hình ảnh thi sĩ Tản Đà. Hay như với Nguyễn Công Trứ:

Tang bồng thuở mũ cánh chuồn

Tri ân để lại cho hồn thông reo…

Rồi với Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị…tuy thơ  chị viết dài, ngắn khác nhau, nhưng đã “điểm huyệt” đúng từng người, điều này ghi nhận  tác giả đã dày công tìm hiểu. Và chính ở phẩn này thể hiện tầm văn hóa của tác giả, nguyên là một cán bộ giảng dạy khoa Triết ở một trường đại học.

Là một nhà thơ nữ, Dương Thúy Mỹ quan tâm nhiều đến nỗi bất hạnh của những người phụ nữ trong và sau cuộc chiến tranh. “Đám cưới chị tôi” như một câu chuyện kể về nỗi đau của chiến tranh giáng xuống một người phụ nữ, ba lần cưới, ba đời chồng đều trở thành liệt sĩ, để lại chị tuổi già:

Ba đứa con mang ba dòng họ

Chị ấy bây giờ tóc bạc như Tiên

Một bà Tiên gánh nặng nỗi đau của chốn phàm trần!

Bi kịch sau chiến tranh không chỉ có thế, có người vợ vò võ đợi chồng suốt thời chiến, rồi chồng trở về, đi làm ăn xa với bao dự định tốt lành, nhưng khi trở về xơ xác, mang theo căn bệnh thế kỷ về với vợ, đưa đến hoàn cảnh:

Dẫn con chị về bên ngoại

Vật vờ anh sống một mình

Căn nhà trống huơ, trông hoác

Tiêu điều hơn cả chiến tranh

làm bạn đọc liên tưởng đến hoàn cảnh “Chị Hai Vui” của Trần Nhuận Minh.

Trở lại đề tài tình yêu đôi lứa,  Dương Thúy Mỹ “trung thành” với lứa tuổi của mình, không “cưa sừng làm nghé” ríu rít em anh hay giận hờn, trách móc…phần lớn thơ tình yêu trong tập thơ này là tình yêu “ngoái đầu nhìn lại” những mối tình đã qua, có nhớ thương, có luyến tiếc, có khi đặt giả thiết giá mà thế này, giá mà thế thế kia thì chắc kết cục đã khác, nhưng người tình nhận thức được “ăn năn thì sự đã rồi”, ngại ngùng khi gặp lại người xưa:

Bây giờ nắng nhạt, mưa hao

Ra đường ngại vấp lời chào

chênh vênh…

“Gió bay mất nửa lá bùa” là tập thơ đa dạng về đề tài, đa dạng thể thơ, từ truyền thống đến tự do. Người đọc có cảm giác rằng, tác giả nhận thức rõ trách nhiệm của người cầm bút, lao động nghiêm túc, cân nhắc câu chữ khá kỹ lưỡng trước khi cho bài thơ ra đời, chứ không hề có chuyện vội vàng, cẩu thả. ở một số bài, như khi viết về các nhà thơ cổ điển Trung Quốc hay vùng đất Tây Nguyên, tác gỉa tìm hiểu “đối tượng” khá kỹ càng, cung cấp cho bạn đọc các tư liệu đã khơi gợi cảm xúc thi ca cho tác giả. Tuy nhiên, phải dùng quá nhiều chú thích cho một bài thơ là điều nên tránh.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...