Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Định nghĩa hai chữ Văn hoá

(Kỷ niệm 70 năm Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam)

Đặng Thai Mai và Nguyễn Hữu Đang - 02-03-2013 09:17:26 AM

Các n văn tại Đại hội Văn hóa Cứu quốc (10/1946). Từ phải sang: Nguyễn Huy Tưởng, Huy Cận, Xuân Diệu, Thôi Hữu, Nguyễn Đình Thi (ảnh tư liệu)

Trong đời sống văn hóa nước ta từ giữa thế kỷ XX đến nay, các đoàn thể của giới văn nghệ sỹ trí thức khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn hình thành dưới chính thể mới từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đều có một khởi nguồn chung, đó là Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam, được thành lập vào tháng Tư năm 1943 tại Hà Nội theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 2 năm 1943) đã đặt ra: “Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn vào hoạt động về văn hóa, đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc chống lại văn hóa phát xít thụt lùi. ở những đô thị văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Huế v.v… phải gây ra những tổ chức văn hóa cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hóa và trí thức…”.

Dưới ánh sáng của Đề cương Văn hóa Việt Nam, bản cương lĩnh văn hoá đầu tiên của Đảng ta; với tư cách là một thành viên của Mặt trận Việt Minh, do Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tổ chức và lãnh đạo, Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập với kỳ vọng là đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn sự sáng tạo văn hóa nghệ thuật, đề xuất những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của các nhà văn hóa Việt Nam.

Hai nhiệm vụ chính đặt ra cho Hội là:1/ Gạt bỏ những tiêu cực văn hóa phong kiến lạc hậu trong văn hóa Việt Nam, tuy nhiên loại bỏ không phải là xóa sạch những yếu tố văn hóa Việt Nam mà là phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống tích cực, sử dụng vào mục đích giữ nước, chỉ loại bỏ những yếu tố tiêu cực. 2/ Đánh đổ sự kiềm kẹp và nạn đầu độc văn hóa thực dân của Pháp, nhưng cũng phải biết thu nhận những yếu tố tiến bộ. Cụ thể trước mắt là xóa chính sách văn hóa “nhồi sọ” Đờ Cu, soi sáng các tầng lớp trí thức, văn nhân, nghệ sĩ và quần chúng nhân dân; bắt tay vào xây dựng văn hóa mới phục vụ công cuộc giải phóng. Hội văn hóa Cứu quốc vừa ra đời đã thu hút được đông đảo văn nghệ sĩ.

Với khẩu hiệu “Văn hóa khi đã xâm nhập vào đại chúng thì cũng tác động như một sức mạnh vật chất”, Hội Văn hóa Cứu quốc đã tích cực hoạt động trên nhiều lĩnh vực Văn học, Nghệ thuật, và đời sống xã hội, trong đó đặc biệt thông qua cơ quan ngôn luận của Hội là tạp chí Tiên Phong (ban đầu có tên là Tiền Tuyến). Với ba tiêu chí lớn là Khoa học, Đại chúng, Dân tộc. Trong hơn 1 năm hoạt động (từ ngày 10 tháng 11 năm 1945 đến ngày 1 tháng 12 năm 1946 phải tạm ngưng vì kháng chiến toàn quốc bùng nổ), tạp chí Tiên Phong đã phát hành được 21 kỳ với 24 số báo, hoàn thành tốt 2 trách nhiệm:

1. Kịch liệt chống những xu hướng văn hóa đầu cơ, xu nịnh, thoái hóa.

2. Kiến thiết một nền văn hóa mới với mục đích phục sự độc lập, tư do và hạnh phúc của dân tộc.

Cho đến hôm nay, chúng ta đã biết rõ các văn nghệ sỹ đầu tiên tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bao gồm những nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa như Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới…, và các cán bộ Đảng được cử trực tiếp chỉ đạo tổ chức Văn hóa Cứu quốc như các đồng chí Lê Quang Đạo, Trần Độ, Vũ Quốc Huy, Trần Quốc Hương (Mười Hương)... Đây là những hạt nhân sau này đã trở thành lực lượng nòng cốt của các ngành văn hóa văn nghệ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.

Hội Văn hóa Cứu quốc tồn tại cho đến Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (Tháng 7 năm 1948) thì hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và được thay thế bằng Hội Văn nghệ Việt Nam.

70 năm đã trôi qua, những đóng góp của Hội Văn hóa Cứu Quốc đối với dân tộc, và đặc biệt là đối với nền văn học Cách mạng của chúng ta hiện nay là điều không thể phủ nhận. Nói về điều này, nhà văn, nhà viết kịch, nhà hoạt động Cách mạng lão thành Học Phi, một trong những thành viên đầu tiên của Hội Văn hóa Cứu quốc hiếm hoi còn lại đến hôm nay đã khẳng định: “Nói đến Văn hóa Cứu quốc không thể không nhắc đến bản Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng... bây giờ đọc lại tôi thấy bản đề cương vẫn giữ nguyên giá trị. Nó không chỉ là bó đuốc soi đường cho chúng ta đi trong những năm sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát - xít Nhật, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Chủ trương xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta hôm nay cũng là bắt nguồn từ ba phương châm Dân tộc, khoa học, đại chúng của bản đề cương...”.

Kỷ niệm 70 năm Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam cũng là một trong những chủ đề hoạt động của Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI. Nhân dịp này, VanVN.Net xin giới thiệu bài viết đầu tiên đăng trên số 1 tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam. Đây cũng có thể coi là một quan điểm về văn hóa mà chúng ta đã bắt đầu trên con đường kiếm tìm và sáng tạo của mình.

 

Văn hóa thể hiện ở học thuật, văn chương, nghệ thuật, luân lý, tôn giáo, phong tục của một dân tộc. Và ta cũng có thể trong một phạm vi nào, nhận thấy trình độ văn hóa của một người ở sở thích, ở sự phán đoán, cùng cách làm việc của người ấy. 

Danh từ “Văn hóa” chúng ta đã mượn ở tiếng Tàu – người Tàu lấy hai chữ này ở sách cổ - bộ kinh Dịch – để phô diễn một khái niệm mới của Khoa học hiện đại. Cho nên xét theo từ nguyên thì chữ Văn hóa không ngụ được cái ý nghĩa cơ bản là trồng trọt, cày cấy, trong chữ “cultus” của tiếng Latin (Tiếng Pháp: Culture, - tiếng Anh:Cultures, tiếng Đức: Kultur).

Vậy muốn có ý niệm xác đáng, ta phải công nhận cho hai chữ “Văn hóa” hiện thời một nghĩa mới nguồn gốc tự Tây phương.

Một mặt nữa, hiện tượng xã hội rất là phức tạp, quan điểm nghiên cứu của học giả cũng khác nhau, cho nên sự biện biệt ý nghĩa các danh từ lắm lúc tinh vi đến nỗi khó thể chỉ ra những giới hạn rành mạch.

Vì thế mà nhiều nhà học giả đã dùng hai chữ “Văn hóa”  như là một danh từ khác âm đồng nghĩa với chữ “Văn minh”. Trong bộ Việt Nam Văn hóa sử cương, ông Đào Duy Anh theo giới thuyết của Félix Sartlaux mà thích nghĩa Văn hóa là: “chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt”.

Ở Tàu, Lương Thấu Minh cũng định nghĩa chữ Văn hóa trong một câu giới thuyết tương tự. Theo quan điểm của Lương thì Văn hóa “chẳng qua là sự sinh hoạt của một dân tộc về tất cả các phương diện” (tinh thần và vật chất).

Chính vì không định nghĩa cho đích xác, chặt chẽ, cho nên bộ sách của ông Đào cũng có thể gọi là Việt Nam Văn minh sử cương. Và tập sách của Lương Thấu Minh, tuy đề là Đông Tây văn hóa cập kỳ triết học cũng chỉ là một công trình khảo cứu về văn minh Đông Tây là thôi.

Cũng vì vậy mà nhiều học giả khác như Vương Vân Ngũ ở Tàu đã dùng hẳn chữ văn hóa để dịch nghĩa chữ civilization trong tiếng Anh và thích nghĩa văn hóa là hình thức sinh hoạt (dịch nghĩa chữ Life mode trong câu giới thuyết của một nhà xã hội học nước Anh).

Gần đây ở ta, trong tờ Văn mới nghị luận, số ra ngày 10-10-1944, ông Nguyễn Đức Quỳnh viết: “Đứng về phương diện tĩnh mà xét, văn hóa là ý thức hệ của một trạng thái xã hội nhất định” và “theo phương diện động của nó thì văn hóa là ý thức hệ của quá trình đấu tranh đẳng cấp trong một xã hội nhất định”. Vừa rồi, cũng trong tờ tạp chí đó (loại mới số một, ngày 5-6-1945) ông Nguyễn Bách Khoa lại nói thêm: “Khoa học, tư tưởng, nghệ thuật, văn chương, đó là những yếu tố cấu thành văn hóa”.

Trong hai câu kể trên, ta nhận thấy rằng: ông Quỳnh đã chỉ rõ tính cách hoạt động, tính cách tranh đấu của văn hóa. Nhưng đáng tiếc là chữ ý thức hệ, ông dùng để thích nghĩa chữ văn hóa lại cũng cần phải giải thích. Và trong lời nói của ông Nguyễn Bách Khoa, chữ “cấu thành” (gây nên) có thể làm cho ta hiểu rằng: nghệ thuật, văn chương, tư tưởng là “nguyên nhân” (yếu tố cấu thành) và văn hóa là “kết quả”. Có lẽ trong bản ý ông Bách Khoa, ông cũng chỉ muốn nói rằng: bấy nhiêu sự trạng đều là những trạng thái của văn hóa chăng?

*

Theo ý chúng tôi thì ta cần phân biệt hai khái niệm văn hóa và văn minh. Hai danh từ này đều căn cứ vào những hiện tượng chung trong xã hội học và sự biện biệt chỉ căn cứ ở quan điểm nghiên cứu mà thôi.

Văn minh là một thành tích của nghị lực giống người trên con đường tiến hóa, là tất cả thực trạng tiến bộ ở một giai đoạn nào trong lịch sử nhân loại. Hiểu như vậy, văn minh là một “số thành” gồm tất cả các hiện tượng kinh tế, chính trị, xã hội, bao quát cả đời sống công cộng vật chất và tinh thần.

Văn hóa, trái lại, thu gọn trong phạm vi của tinh thần(1). Đấy là bộ phận tinh vi cao thâm trong các thành tích tiến bộ của nhân quần. Trong một xã hội đã đến trình độ văn minh khá cao, người ta vẫn có thể phân biệt ra hai hạng người. Một hạng có đủ năng lực để thưởng thức, lý giải, hoặc sáng tác các công trình kiến thiết của loài người… ấy là những người có văn hóa (Tàu dịch là văn hóa nhân, theo chữ espirit cultivés trong tiếng Pháp). Một hạng nữa chỉ biết thừa nhận, hưởng thụ mà không biết lý giải; mà chính sự hưởng thụ của họ cũng rất là thô thiển.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh trong bài xã thuyết đã trích dẫn trên kia, có nói rằng: “Văn hóa không thuộc hẳn về tri thức”. Thực ra ý nghĩa thiết yếu của văn hóa vẫn là tri thức, đối với người sáng tác cũng như người hưởng thụ.

Văn hóa thể hiện ở học thuật, văn chương, nghệ thuật, luân lý, tôn giáo, phong tục của một dân tộc. Và ta cũng có thể trong một phạm vi nào, nhận thấy trình độ văn hóa của một người ở sở thích, ở sự phán đoán, cùng cách làm việc của người ấy.

Trong việc tạo tác những công trình văn hóa, trí khôn của cá nhân cố nhiên có công lao, địa vị của nó, song sự hoàn thành và ứng dụng những công trình ấy bao giờ cũng là sự nghiệp chung của một giai cấp, một xã hội luôn luôn tiếp tục và tiến bộ.

Còn nói nền văn hóa là nói gồm tất cả những công trình, những cụ tượng thuộc về tư tưởng hay tình cảm do cơ năng tinh thần của con người đã gây dựng được, nhưng nó cũng còn có ý nghĩa vận dụng, hưởng thụ, lý giải và sáng tác nữa. Bao nhiêu trạng thái ấy của nó đều có sự liên lạc, quan hệ cùng nhau họp nên một toàn thể mà sự cấu thành và sự phát triển đều theo những định luật nhân quả hẳn hoi, cho nên người ta có thể nói văn hóa là một “ý thức hệ”.

ý thức hệ đó nảy nở theo những điều kiện sinh hoạt vật chất của đoàn thể mà trình độ kỹ thuật đã tạo ra ở từng giai đoạn lịch sử. ở thời dã man, kỹ thuật chưa ngoài năng lực của đôi bàn tay không, ý thức của giống người chỉ tóm tắt trong việc nhặt hái để được no ấm. Đến đời thạch khí, kỹ thuật của đồ dùng bằng đá thô kệch giúp cho đời sống phong phú hơn đôi chút (săn, câu, trồng trọt), ý thức của giống người đã thêm lòng chuộng sống hợp đoàn và một mớ tín ngưỡng, kiêng kỵ đối với sức mạnh của ngoại giới hay đồng loại có thể xúc phạm đến sinh kế, tính mệnh. Tiến lên thời kim khí, nhờ có kỹ thuật điêu luyện của những đồ dùng tiện lợi, cuộc sinh hoạt kinh tế dồi dào và quy củ (nông nghiệp bành trướng) đã giúp cho bọn tù trưởng, quý tộc là bọn đoạt được nhiều quyền lợi có đủ thì giờ chuyên luyện sự suy nghĩ, sự súc cảm mà tạo ra hoặc chế biến những tin tưởng (tôn giáo) ước lệ (pháp luật, luân lý) và những cách tô điểm đời sống (ca, múa, hội họa, điêu khắc, kiến trúc) để củng cố địa vị của họ. Từ đấy ý thức hệ (nghĩa là văn hóa) có tính chất giai cấp rõ rệt. Và cũng từ đấy, văn hóa trở nên một lợi khí tranh đấu trong cuộc xung đột giữa các giai cấp.

Giai cấp thống trị nào cũng tạo ra một nền văn hóa riêng để phụng sự quyền lợi của họ. Bởi đã có những giai cấp quý tộc, thương nhân nhờ những lối sinh sản biến đổi mà thay phiên nhau giữ địa vị quản trị xã hội nên nhân loại đã lần lượt có những nền văn hóa phong kiến, tư sản.

Tuy văn hóa là sản phẩm trực tiếp của một giai cấp nắm những phương tiện sinh sản trong tay và do đó giữ quyền tổ chức và điều khiển xã hội, nhưng một là họ đã nhờ địa vị ưu thắng mà tiến hơn cả, hai là chính họ cũng không thoát khỏi sự chi phối toàn thể của xã hội, nên mặc dầu họ không phải là tất cả nhân dân, ý thức của họ lúc toàn thịnh có thể tiêu biểu được mực tiến hóa của xã hội thời ấy. Có điều nguy hại là một đằng thì trong lịch trình tiến hóa, một giai cấp thống trị chỉ có sứ mệnh lãnh đạo ở một giai đoạn nhất định và một nền văn hóa cũng chỉ có ích cho nhân loại ở một thời nào; một đằng thì các giai cấp thống trị cưỡng luật đào thải cứ muốn duy trì địa vị mãi mãi, cố nêu văn hóa của họ lên như một nền trật tự xã hội hoàn toàn, một kho chân lý đại đồng và bất diệt.

ấy là xu hướng bảo thủ, phản động, thoái hóa.

Nhưng không phải bao giờ giai cấp thống trị cũng giữ vững được độc quyền văn hóa, giai cấp bị trị vẫn ngấm ngầm sản xuất những giá trị văn hóa có tính cách đại chúng và luôn luôn chống chọi lại sự đè nén, bóc lột, bưng bít, xuyên tạc. Những đại biểu anh tuấn của họ, sau khi thừa hưởng được những ánh sáng mà kẻ thù để lọt ra, đã tự rèn luyện được những giá trị tinh thần và những thủ đoạn công phá để nhằm lúc phe địch suy đồi, xông vào nơi “cấm địa” mà ném ra những quả tạc đạn cách mạng nó làm rung chuyển cả lâu đài cũ nát.

Ấy là trào lưu văn hóa tiên phong.

 

(Chuyển dẫn từ Sưu tập trọn bộ Tiền Phong (1945-1946) Nxb Hội Nhà văn - Hà Nội 1996 - Trang 17-18-19).

________

1. Mặc dầu văn hóa vốn do nền kinh tế quy định rồi lại trở lại ảnh hưởng đời sống vật chất, nhưng hình thái của nó vẫn ở địa hạt tinh thần. Vấn đề văn hóa không phải chỉ là vấn đề tri thức, song tri thức đích là yếu tố chính của văn hóa.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...