Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Truyện dài “Ngày thơ dại” của Trịnh Thanh Phong

10-07-2012 09:58:56 AM

VanVN.Net - Trịnh Thanh Phong sinh năm 1950. Dân tộc Kinh. Quê ở xã Lâm Xuyên - Huyện Sơn Dương - Tỉnh Tuyên Quang. Hiện nhà văn sống và viết tại Ỷ La - Thị xã Tuyên Quang. Trong tháng 6/2012 vừa qua, nhà văn Trịnh Thanh Phong được trao tặng Giải thưởng Tân Trào năm 2012 với tiểu thuyết "Đồng làng đom đóm". Mới đây, ông vừa hoàn tất truyện dài “Ngày thơ dại” và gửi bản thảo đến mong được VanVN.Net chia sẻ cùng bạn đọc. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu tác phẩm mới nhất của nhà văn Trịnh Thanh Phong.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong

 

Ngày thơ dại

(trích)

Trước khi viết những dòng này gã đã kính cẩn thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên vái nội gã ba lễ. Hương khói vừa cháy ngút, gã thấy hình ảnh Nội hiện về nhìn gã âu yếm. Giọng Nội thì thầm vừa gần gũi, vừa xa xôi. Gã biết chuyện này là Nội cho nên chả phải vò đầu bóp trán mà câu chữ cứ nối dòng cuồn cuộn như sông ngòi nơi cha sinh, mẹ đẻ.

 

Bắt đầu từ buổi gã biết dắt trâu ra đồng chăn thả, vốn là thằng bé nhút nhát nên chả bao giờ gã dám rời cái chạc của con trâu. Trâu ăn đâu gã theo đấy. Một buổi chiều mặt trời đã vàng, gã đang khư khư cái chạc theo con trâu gặm cỏ ở đồng Xó thì trời đột ngột mưa bão. Gã vội kéo con trâu thốc tháo đánh nó lồng tế về nhà để tránh bão mưa. Không may đến chỗ ruộng lúa nằm bên tả ngòi Thông, do cái bờ ruộng bé con trâu đang lồng té nó đà xuống ruộng làm nát một lối lúa. Gã đang lóng ngóng trong mưa bão để kéo con trâu lên bờ thì bất thần bên sườn gã đau điếng. Gã ngẩng nhìn chưa biết là cái gì phang vào mình thì giọng lão Thừng Đen như tia chớp lóe trong mưa, tay lão vẫn lăm lăm cái roi tre.

- Thằng ranh Ngỡn kia, mày đúng là con cháu nhà địa chủ cường hào có khác. Mới nứt mắt đã có âm mưu phá hại của công. Mày có biết đây là lúa của hợp tác xã không? Gã ấp úng chưa kịp nói gì thì lão Thừng Đen đã giằng cái chạc trâu trói nghiến hai tay gã lại và cứ thế quất con trâu lồng té. Gã co cẳng chạy theo con trâu mà vẫn bị ngã sấp, con trâu lôi đi làm mặt mày chân tay gã sứt sát, máu tứa ròng ròng. Đến cổng nhà gã, lão Thừng đen chống nạnh tay vào mạng sườn giọng gắt như chó sủa:

- Nhà Thát đâu, nhà Thát... Nội gã lật đật chạy từ trong nhà ra.  Lão Thừng đen đã lùa con trâu và gã vào giữa cái sân gạch. Nhìn thấy mặt mày gã sứt sát, tay lại bị trói chặt mấy vòng chạc. Nội gã vội quì thụp trước lão Thừng Đen cứ thế vái:

- Năm lại, mười lại ông cố nông, ông tha cho cháu, tội tình gì thì nó cũng chỉ là đứa trẻ...

- Tội gì à, tội phá hoại của công. Nguyên tang vật đây, tôi sẽ nhốt nó vào nhà kho cho nó biết mặt...

- Thôi, xin ông tha cho cháu, nó còn dại biết gì...

- Biết gì à, chính tay nó dắt con trâu lùa xuống ruộng lúa vừa mới cấy...

- Ông đổ oan cho cháu rồi, trời mưa con trâu nó lồng, cháu...

- Mày còn già mồm à. Lão Thừng Đen xấn lại gần gã, tay cứ dứ dứ quả đấm làm gã không nói được. Nội gã lại vừa vái, vừa xin:

- Ông tha cho cháu, lúa mới cấy, mai tôi sẽ ra giặm lại, tôi sẽ đến báo ông chủ nhiệm việc này và xin chịu phạt nhưng đêm hôm mưa gió có hai bà cháu ông tha cho, ông nhốt nó vào nhà kho có mệnh gì về cha mẹ nó oán tôi...

- Oán gì, cha mẹ nó là đám phản động, tội với cách mạng còn to hơn quả đồi Sao Vai, rồi nhà Thát sẽ biết...

- Ấy, ông cố nông đừng nói thế, con tôi đi bộ đội Cụ Hồ còn đang ở trên Điện Biên hẳn hoi, mẹ nó đi làm tà vẹt cũng là việc nước chứ...

- Nhà Thát biết gì, giải phóng Điện Biên phủ rồi mà nó vẫn chưa về chứng tỏ bọn nó chốn đi làm phản động hết rồi. Nếu còn là bộ đội Việt Minh, còn đi làm tà vẹt cho kháng chiến thì trên phải có giấy báo chứng nhận chứ. Nhà Thát đã là địa chủ cường hào ai còn để con cái nhà Thát trong đoàn thể nữa...

- Vâng, đành là vậy nhưng bây giờ con tôi vẫn chưa về, việc con trâu nó làm nát lối lúa tôi ngửa tay xin ông cố nông tha cho thằng bé.

- Tha để nó làm loạn à? Lão Thừng Đen vẫn sừng sộ. May, vừa lúc đó ông Cúc Xảo đội mưa từ ngoài cổng vào. Nhìn thấy ông Cúc Xảo, mồm miệng lão Thừng Đen liến thoáng:

- Nhà Thát phá hoại lúa của hợp tác, tôi tóm được quả tang...

- Ở đâu? Ông Cúc Xảo hỏi dồn.

- Ngoài ruộng Cây Mơ, lợi dụng lúc mưa to, thằng ranh kia đuổi phóng con trâu đà xuống một lối to. May mà lúc đó tôi kịp phát hiện không có ruộng lúa thành bùn cả rồi. Thằng này còn bé mà to gan thật. Phải nhốt nó vào nhà kho ông Xảo ạ...

- Không phải thế, không phải thế. Lúc mưa to, con trâu nó lồng, cháu, cháu...

- Mày vẫn còn già mõm à? Lão Thừng Đen lại xông đến tay dứ dứ quả đấm. Ông Cúc Xảo nghẹn ngào:

- Thôi, thế là rõ rồi ông Thừng Đen ạ. Thằng bé thế kia, con trâu to thế nó lồng làm sao khiển nổi. Cởi trói cho nó. Việc để mai giải quyết chứ đang mưa gió thế này...

- Ông vào hùa với bọn phá hoại à? Tôi đi báo đội...

- Báo đội thì cũng thế, lẽ nào ta lại đem hai bà cháu người ta ra trói gô ở nhà kho được. Ông không nên quá quắt, làng này có mấy nóc nhà với nhau, ai thế nào ta chả biết!...

- Vâng, vâng… Nội gã vẫn chắp hai tay vái. Vừa vái Nội gã vừa nói: Ngày mai tôi sẽ đi kiếm mạ cấy lại lối ruộng đó và chịu hình phạt của hợp tác nhưng đêm nay xin ông cố nông tha cho bà cháu tôi. Chân tay cháu máu đang tứa ra kia... Nghe Nội thống thiết lão Thừng Đen đảo mắt nhìn về phía gã,thấy máu đang tứa ra. Lão lẳng lặng khoác cái áo tơi đi thẳng. Ông Cúc Xảo nghẹn ngào:

- Thôi, bà lấy nước nóng rửa cho thằng bé, nếu có thuốc đỏ thì bôi vào chả con vi trùng nó bấu đến thì khổ. Tôi cũng phải về đây. Vừa nói ông Cúc Xảo vừa đội mưa đi. Nội ôm lấy gã thút thít khóc như đứa trẻ và Nội lẳng lặng lần cái mối dây chạc cởi trói cho gã rồi nội đun nước rửa sạch những vết máu chỗ bị sứt sát trên cánh tay, cổ chân gã. Vừa làm Nội vừa khóc. Xong việc Nội cõng gã lên giường và Nội lại lủi thủi xuống gời bếp. Một lúc sau Nội bê lên một bát ô tô cháo ễnh oãng nước. Giọng Nội bùi ngùi:

- Cháu ăn đi, Nội vét mãi đáy bì mới được vốc gạo, cháo hơi loãng nhưng có hành muối thơm lắm. Gã nhìn Nội rồi cầm cái thìa gỗ múc cháo nhưng cái thìa cháo vừa chạm vào môi thì tự nhiên gã òa khóc. Nội cũng khóc theo. Thấy nước mắt Nội ròng ròng gã lại cầm cái thìa múc cháo ăn. Nhìn gã ăn, nội kéo vạt áo chùi mắt, gương mặt Nội tự nhiên rạng ngời, dịu mát như ông trăng tràn khắp thân thể gã. Gã lặng lẽ ăn hết bát cháo rồi ngả vào lòng Nội. Nội bo chặt gã, giọng thầm thì. Nội không hỏi việc gã bị lão Thừng Đen trói, cũng không hỏi tại sao con trâu đà xuống ruộng lúa... Nội kể đời Nội cho gã nghe.

Nội bảo: ''Nội đẻ ra ở Phủ Vĩnh Tường. Cha Nội là ông đồ nho, mẹ Nội làm ruộng. Thời con gái Nội bám đám thợ cấy lên đây, Nội đi lánh nạn mà! Gã tròn mắt nhìn Nội nhưng chưa kịp thắc mắc thì giọng Nội lại thì thầm: Năm Nội mười bẩy tuổi thì lão Chánh Vò mang lễ vật đến ép Nội làm bà tư cho lão. Cha mẹ Nội vì thấp cổ bé họng nên phải nghe theo. Chánh Vò đắc ý lắm. Đi đâu hắn cũng loa bà tư của lão đẹp nhất phủ. Nội ngán đến tận cổ, nhưng phải ngậm bồ hòn. Ngày lão ta mang lễ vật đến nhà, hôm ấy họ hàng, làng xóm đông nườm nượp. Chánh Vò vận khăn xếp, quần áo the, cưỡi con ngựa trắng ô lọng dừng trước cổng. Họ hàng nhà Nội nem nép ra đón. Nội vẫn váy áo nâu sòng quét dọn nhà cửa. Chánh Vò thấy chớ mắt, lão ra lệnh cho đám tay chân bắt nội vào buồng thay váy áo. Họ quàng vào Nội bộ áo the dài cho môn đăng với chánh Vò. Nội cũng đành buông tay cho con tạo vần xoay. Đến giờ đẹp, họ làm nghi lễ rồi rước Nội lên ngựa sánh cùng chánh Vò rồi rồng rắn đưa Nội về nhà lão. Chắc là đắc ý, sau khi thắp hương bái gia tiên nhà lão xong, lão kéo Nội đi chúc rượu ra mắt họ hàng. Đến chỗ nào lão cũng vừa nói vừa cười sằng sặc. Bà tư tuy ít tuổi nhưng từ rày sẽ là "chính phi" của ta đấy... Nghe chánh Vò nói họ hàng vỗ tay rào rào. Bà cả, bà hai, bà ba thì cụp mặt lườm nguýt. Chánh Vò càng đắc ý vừa uống, vừa cười sặc sụa. Chưa bao giờ người ta thấy chánh Vò uống nhiều, cười nhiều như thế. Lúc ấy cháu biết không? Lòng Nội vừa tê tái, vừa bẽ bàng nhưng trong đầu Nội lại nảy ra ý nghĩ rất thú vị. Thế là Nội cũng uống rượu. Uống thật say. Khi Nội say, họ đưa Nội vào phòng the. Chánh Vò thì mềm nhẽo, lão gục xuống ngáy ò ò. Mặt giời tắt, lão vẫn nằm ngáy. Ngoảnh ra, nhìn vào không thấy ai, thế là Nội cởi bộ the, mặc vội bộ nâu sòng lách ra cửa sau. Giời tối mù mịt, Nội cứ bám con đê chạy ngược dòng sông Hồng. Đến đầu cầu Hạc Trì thì giời lại đổ mưa gió. Nội lần đường ra ga và chui vào cái ngách chỗ điếm canh đê nằn nghỉ. Khi nghe tiếng còi tàu đêm, Nội vội lần ra ga rồi lẻn lên tàu. Tàu chạy đến ga Tân Kiêng thì giời sáng. Nội xuống tàu bơ vơ một mình chưa biết đi về hướng nào thì gặp đám người quần nâu áo vá đang ngồi tụm dưới tán cây ổi ven đường tàu ăn cơm nắm. Thấy nội bơ thờ, một chị có dáng cao lực điền nhếch miệng cười:

- Đi đâu mà bơ thờ? Nội thật thà kể lại câu chuyện. Mọi người trố mắt nhìn. Vẫn cái chị người lực điền ấy vừa thở ra vừa nhìn Nội bảo:

- Hoàn cảnh ấy bây giờ mà nhà nó tìm thấy thì... Thôi chả quản gian nan cứ nhập vào hội các chị... Nội gật đầu và cái chị có sức vóc lực điền ấy bẻ nửa nắm cơm đưa cho Nội. Ăn xong họ cứ thế gồng gánh đi ngược. Nội lếch thếch đi theo. Tắt mặt giời thì thấy sông Lô, cả đám ngơ ngẩn nhìn con sông cuồn cuộn. Chợt thấy cái thuyền mui đang lách sóng dưới mấy bụi cây sậy ở men bờ, chắc là người đi thả cụp. Vẫn chị người lực điền ấy cất giọng:

- Thuyền ơi! Có rảnh cho đoàn qua sông. Không thấy có tiếng đáp lại, nhưng chiếc thuyền nghếch mũi bơi lại. Đến nơi, người lái thuyền nhe hàm răng đen nhánh cười:

- Các người gọi đò sang bờ?...

- Vâng, ông cho chúng tôi sang sông. Chị người lực điền niềm nở. Và cả đám lếch thếch xuống thuyền. Khi êm chỗ, con thuyền quay lái, sóng bắt đầu ì oạp vỗ vào mạn thuyền. Chị người lực điền thỏ thẻ làm quen người lái thuyền, chị tự xưng:                

- Tôi tên là Tạ (Ta Tạ).

- Sao lại thế? Người lái thuyền thắc mắc. Chị Tạ cười ha hả. Vì to béo lực điền nên người làng Phường Nam gọi thế để phân biệt với bà Tạ còm cùng làng.

- Thế là chị quê Hà Nam rồi.

- Vâng, chúng tôi ở Ý Yên - Hà Nam. Đất quê chiêm trũng quanh năm úng lụt nên phải lần lên mạn ngược để kiếm sống. Mấy chị em đều là người làng cả. Cô ngồi gần lái tên là Diếp, chị bên cạnh là Huệ, bà cuối mũi thuyền là Còm, bác cạnh đấy là Thê, còn mấy đứa choai choai kia là Thắm, Thiết, Tha anh em một nhà nhưng bố mẹ chúng đã chết thế là nó bám theo chúng tôi. Chị Tạ thở dài rồi lại nói tiếp. Còn cô này, chúng tôi vừa thu nhặt thêm ở ga tàu. À, mà cô tên là gì nhỉ? Nội tần ngần rồi bảo:

- Em là Thát (Phan Thị Thát)...

- Ừ, tên cũng đẹp, người cũng đẹp mà!... Chị người lực điền lại thở ra. Chắc là chị nghĩ lại câu chuyện Nội kể lúc ở ga Tân Kiêng. Chị không hỏi gì nữa, mắt chị cứ nhìn vợi theo dòng sông. Dòng sông vẫn trôi cuồn cuộn, sóng đánh vào mạn thuyền ì oạp. Tiếng sóng làm lòng Nội tự nhiên vời vợi. Nỗi nhớ quê và sự kinh hoàng lão Chánh Vò cũng cồn lên như sóng. Nội cứ tựa mạn thuyền, bo lấy vai chị lực điền nhìn sông nước...

Nhoạng tối thì con thuyền cặp bờ, chị lực điền mở hầu bao lấy tiền, người lái đò hua hua tay bảo:

- Giúp bà con thôi, tôi có phải làm nghề đò ngang đâu... Chị lực điền nghẹn ngào:

- Thế thì chị em tôi cảm ơn bác...

- Có gì mà ơn với huệ, các bác, các chị đi chân cứng đá mềm nhá. Sang sông, bên ấy đất rộng người thưa, có sức lực như các bác là tìm được việc đấy. Cứ tìm đến làng Thông, hỏi nhà ông cụ Đội Bờ, nhiều ruộng nương lắm mà ông cụ lại hiền lành, đức độ...

- Vâng cảm ơn bác. Nội cùng đám người chia tay người lái đò tốt bụng cứ bám theo chị Tạ đi ngược. Cứ bờ sông Lô đi ngược. Phải đến lúc sao Tua Rua cao đứng đỉnh đầu thì mới nhìn thấy lửa đèn nhoe nhói tận mãi dưới chân ngọn núi thật to (Núi Châm bây giờ đấy). Cả đám người lếch thếch nhằm lửa đèn tìm đến. Chị Tạ bảo: Đến đấy để tùy tình thế, mình chỉ xin nhờ ngủ một đêm thôi. Mọi người cứ để tôi lo liệu. Nói rồi chị cắm đầu đi trước, đám người lụi thụi theo sau. Đến nơi, thấy ngôi nhà rộng, có sân gạch, tường bao, lối vào là cái cổng tò vò cao ráo. Chị Tạ và đám người đang ngơ ngác thì thấy một người tuổi trạc ngũ tuần vóc dáng cũng lực điền ngó ra cổng. Thấy đám người đông, ông cẩn trọng đứng né vào mép cổng, giọng từ tốn:

- Mọi người đi đâu mà lếch thếch gồng gánh?...

- Chị Tạ bước lại gần ông, giọng thật thà: Thưa gia chủ, đám người chúng em đều lành hiền cả, lại toàn đàn bà con gái, chúng em ở dưới xuôi ngược lên đây để đi làm ăn, thuận thì sinh cơ lập nghiệp, ở quê chúng em đồng đất úng lụt khổ lắm...

- Nếu thật thế thì chị em cứ dừng lại đây, nhà tôi cũng đang cần nhân công đấy. Thuận ý thì làm mà chả thuận thì thôi. Vừa nói ông chủ vừa mở to cánh cửa. Đám người cứ bám theo chị lực điền đi vào. Đèn đóm trong nhà cũng được khêu to lên. Đám người cùng Nội được mời vào ngồi ở tấm phản gian cạnh ngôi nhà. Người đàn bà cũng chừng tuổi ông chủ bê ra một nồi nước và mấy cái bát, giọng bà ấm áp:

- Nước cây vối đấy, chị em uống đi cho mát. Nếu chưa cơm nước thì vào bếp nổi lửa lên...

- Vâng, cảm ơn bác nhưng đám chúng em còn cơm nắm đây, khỏi phiền gia đình nhiều. Nói rồi chị Tạ lôi cái đãy và những nắm cơm tròn trong cái mo cau ra.

- Thế thì chị em ra bể rửa chân tay rồi ăn cơm.

- Vâng, cảm ơn bác. Đám người ra bể rửa ráy chân tay rồi ngồi quây trên cái phản. Bữa cơm đơn sơ mà Nội thấy còn ngon đến giờ.

Đất lành chim đậu, Nội cùng đám người tụ ở đây đồng cam cộng khổ với gia chủ. Về sau Nội thành dâu con của gia chủ. Chuyện dài dài lắm cháu ạ.

- Vâng, Nội kể tiếp đi, Ngỡn thích nghe lắm. Giọng Nội lại thì thầm: Tảng sáng hôm sau, đám người cùng Nội thức dậy đã thấy gia chủ đặt nồi cơm to ở giữa nhà, giọng ông bà chủ thịnh tình: Mọi người cùng ăn cơm với nhà tôi, nếu thấy ở lại được thì nhà tôi sắp việc cho, còn không chị em cứ đi tiếp, lên các làng thượng sông đầy đất khai phá mà.

- Chúng em ở lại, đám người đông thế này sợ phiền...

- Phiền phức gì đâu, nhà tôi cũng đang thiếu người làm, năm xưa có vợ chồng ông Thừng Đen, ông Xảo ở xuôi lên đây, mới đầu cũng làm công cho nhà, sau đủ lưng vốn tôi chia ruộng cho, bây giờ họ đã có nhà, cũng ở quanh đây thôi. Chị em ở lại cũng có việc ngay. Tôi đang cùng với bà con họp sức đắp cái bờ to để ngăn nước từ chằm Đầu khỏi tuột về chằm Xao những lúc khô hạn và cũng để ngày lụt lội nước từ chằm Xao khỏi ứ lên, để chằm Đầu cấy được hai mùa. Công việc  nhọc nhằn lắm. Nếu được các chị ở lại thì tốt quá. Làm ăn cơm nước nhà nuôi, trả công thì tùy chị em lấy tiền hay lấy lúa cũng được. Mỗi công trả một hào bằng với ba thảng lúa...

- Vâng, thế thì chúng em ở.

- Vâng, vậy thì chị em cứ dọn đồ đạc vào cái chái kia, giường phản có đủ đấy. Chật chội một tý, sau này ta tính thêm. Chị em cứ gọi tôi là Đội Bờ, dân làng Thông gọi thế mà...

- Sao lại ?...

- Sao giăng gì đâu. Têm cái nhà tôi là Cẩm (họ Trịnh Quang) nhưng làm cái bờ kia những ngày mưa gánh gồng nó nhếch nhác, thế là tôi cứ cái thúng đội đất đắp lên bờ, khi cái bờ to lên, thấy có lợi cho việc cày cấy của làng Thông, làng Châm, người ta gọi tôi là ông Đội Bờ. Do vậy ở đây khi đi làm bờ ruộng người hai làng đều gọi là đi làm vở để tránh tên húy của tôi... Chủ nhà cười ha hả. Đám người cùng Nội cũng cười theo. Nội cùng đám người ở lại đây, những ngày đầu ở cùng nhau trong gian nhà của ông Đội Bờ. Ngày ngày gồng gánh cuốc mai đi đắp tiếp cái bờ to, lúc ấy chị Tạ được làm trùm. Chị nhận việc làm từ nhà ông Đội rồi cắt cử nhau cùng làm. Công xá nhà ông Đội trả sòng phẳng. Khi cái bờ to ra, nhà ông Đội bắt đầu khai khẩn chằm Đầu để cấy lúa hai vụ. Những người trong đám thợ cấy, thợ cày tự hợp tính nhau qua làm lụng như chị Tạ, bác Huệ, bác Còm thì lấy chồng và được ông Đội chia cho ruộng từ công sức khai vỡ của họ để tự lập gia đình riêng. Còn Nội và mấy chị em nhà Thắm, Thiết, Tha thì vẫn ở gian nhà ấy. Giời xui đất khiến cháu ạ. Nhà ông Đội lúc này lại có người con giai, sau này là ông Nội của cháu đấy!

- Thế ông Nội giờ ở đâu?

- Đừng hỏi, để Nội kể.

- Vâng, Nội kể đi. Gã lại áp mặt vào lòng Nội. Hơi ấm từ Nội lan sang làm những vết xước trên da thịt dịu lại. Giọng Nội vẫn thì thầm nhưng có lúc lại nghẹn ngào nức nở. Gã dẩng tai như nuốt từng lời. Nội bảo: Còn mấy chị em ở với nhau, lúc này ông Đội giao cho Nội làm trùm để cắt cử công việc hàng ngày. Mấy chị em thường dậy đi làm từ gà gáy, thời gian này ông Đội lại cắt cử người con giai tên là Phụng mang cơm. Cứ mặt giời bằng con sào là Phụng gồng gánh cơm ra bờ ruộng, chờ cho mấy chị em ăn xong rồi mới thu dọn nồi niêu bát đũa mang về. Đi làm ruộng ngày nắng, ngày mưa Nội đều trùm cái khăn mỏ quạ kín hết mặt. Lý do một phần quen thói từ cái đêm chạy khỏi tay lão Chánh Vò, một phần để tránh nắng mưa. Có lẽ cũng tại việc này nên người con giai của ông Đội hay để ý. Nhiều lần anh ta còn theo đám Nội ra tận bến Lai, nấp vào gốc cây gạo để chờ Nội cởi khăn ra mong được nhìn thấy mặt Nội. Mấy chị em nhà Thắm Thiết nom thấy cứ cười khúc khích và mấy đứa còn đặt thành vè cứ hát nghêu  ngao:

            Ve vẻ vè ve

            Cái vè chàng Phụng

            Cậu ấm cụ Đội           

            Vợ tự bỏ đi

            Chả tìm chả kiếm

            Chiều buông sương tím

            Ra đầu bến Lai

            Nấp sau gốc gạo

            Trộm xem chị Thát

            Gội đầu nước sông

            Ve ve cái vè...

Mấy đứa cứ hát thế, câu vè lan khắp làng Thông, làng Châm nhưng cũng không thấy ông bà Đội nói gì, chàng Phụng cũng thế. Thấy vậy cái Thắm bảo cái Tha:

- Chúng mày đừng hát vè, ông bà Đội biết đuổi việc thì thất nghiệp. Vả nhỡ thật, chị Thát không ở cùng với mình nữa buồn chết.

- Bận cái gì, các em cứ hát cho nó vui chứ đời nào cậu Phụng...

- Buồn bã cái gì, các cháu làm mệt tự hát cho nó vui, vui thì con người nó mới khỏe. Nếu anh Phụng nhà tôi mà được chị Thát... Bà Đội ngắt câu rồi đặt rổ ngô luộc xuống bờ ruộng cứ nhìn Nội từ đầu đến chân. Mấy chị em cái Thắm thì cười toe toét và cứ thế sà vào rổ ngô đang còn  bay hơi. Từ ấy Nội càng giữ ý, giữ cả trong lời ăn tiếng nói. Nhưng rồi chuyện gì xẩy ra nó cũng cứ xẩy ra. Mùa gặt năm ấy, lúa chằm Đầu tốt lắm. Nội gánh lúa về, đi qua cái cầu tre bắc qua ngòi Thông ở đoạn Gò Quả. Cây tre lâu ngày nó ruỗng bên trong, gánh lúa nặng nó gãy, Nội bị thụt một chân xuống gầm cầu, gánh lúa lại nặng mà phải gượng ghẹ để nó khỏi va vào cầu rụng mất hạt chắc. Nội đang xoay xở thì không biết từ đâu Phụng chạy đến, Phụng đỡ gánh lúa nặng đang đè trên vai Nội sang bên, kéo Nội đứng dậy và dìu qua cầu. Máu ở chỗ cổ chân Nội bị cật cây tre cứa tóa ra. Phụng lóng ngóng rồi kéo cái khăn mỏ quạ Nội đang bịt trên mặt, bứt lá cây chó đẻ nhai đắp vào vết thương rồi lấy cái khăn buộc lại. Việc song Phụng cứ nhìn Nội chằng chằng rồi bảo:

- Đẹp thế này mà cứ giấu người ta!...

Chỗ chân đang buốt xót mà mặt Nội cứ đỏ lên. Phụng lại Bảo:

- Thát ưng lấy tôi đi, Thát ưng tối nay tôi về bảo bố bầm tôi, gặt hái xong là cưới liền. Nói rồi Phụng tròn mắt nhìn. Nội chỉ nói được câu:

- Phải gió!... Lúc ấy mấy chị em nhà Thắm cũng quẩy lúa đến, thấy nguyên cảnh bọn nó cười khúc khích rồi cùng reo:

- Bắt được quả tang, về mách ông bà Đội!...

- Chả mách ông bà Đội tôi cũng biết thừa. - Giọng chàng Phụng rõ ràng. Mấy chị em lại cười toáng lên. Một hôm sau bữa cơm tối, ông bà Đội xuống gian nhà bếp, bà Đội ân cần:

- Chả chê chỗ khỉ ho beo gầm này, chị Thát về làm dâu con nhà tôi nhá. Tôi chỉ có mình anh Phụng... Nội đực mặt:

- Nhưng hoàn cảnh cháu éo le lắm, đâu xứng với...

- Ta rõ rồi, nhà Tạ nói với ta rồi. Miễn là chị ưng thằng Phụng nhà ta... Nội vẫn đực mặt chả biết nói gì thì mấy chị em nhà Thắm lại reo lên:

- Hoan hô chị Thát, hoan hô chị Thát... chúng em sắp được ăn cỗ rồi. Chị Thát thật là sướng. Và cả nhà cùng cười vang. Sau mùa gặt năm ấy thì cưới. Đám cưới vui vẻ và cũng linh đình lắm. Lo việc cho Nội xong, thấy ngày vui mà không có cái đình để hội họp mọi nhà thì cái làng cũng chả ra làng. Thế là ông cụ đón thầy chọn đất và kêu mọi người  trong làng cùng bỏ công sức lên núi vào rừng đốn gỗ làm đình. Cái đình xây xong cũng đang vào dịp xuân sang. Theo sách của ông thầy cả làng cùng góp lễ vật để làm lễ ơn giời đất đã phù hộ và cũng để ăn mừng công sức của mọi người. Hôm ấy là ngày mồng 7 tháng 3. Khi tế lễ xong cả làng Thông ăn cùng một bữa cơm ở tại sân đình, tối ông bà Đội còn đón phường về hát chèo đến tận khuya. Từ bữa ấy cứ đến ngày này là cả làng Thông lại tụ họp ở đình để bàn chuyện làm ăn qua một năm. Việc lặp đi, lặp lại thành nếp. Thế là cái ngày mồng 7 tháng 3 ấy cũng được làng đặt tên là ngày hội Nông Gia. Trong bài tế hát trong ngày hội có câu:

             "Ơn giời nhờ đất

              Cử ông Đội Bờ

              Về ngự núi Châm

              Đội đất đắp bờ

              Chằm Đầu thành ruộng

              Lúa xanh hai mùa

              Dân lành êm ấm

              Công ông Đội Bờ

              Làng ghi mãi mãi..."

Nội thành dâu con trong nhà được mấy năm thì tự nhiên ông cụ Đội bờ mắc bệnh ho, những trận ho dài thâu đêm. Khổ giữa lúc ấy người vợ cũ của Phụng lại trở về. Tràng Phụng (Nội gọi thế) chưa biết tính đếm kiểu gì thì ông cụ gọi Nội đến, giọng ân cần: Thát này! Ta bây giờ chỉ còn như cái lá vàng, được ngày nào hay ngày ấy. Chuyện chị cả đi, giờ trở về ta tỏ!... Đời người mọi chuyện đều có thể xẩy ra. Nhưng thôi, ta cũng chỉ có mỗi anh Phụng!... Con nhịn đi một tý là sẽ đẹp mọi bề. Nhà mình ít người, chị ấy cũng từng là dâu con, bây giờ chị ấy về, con cứ gọi là chị. Gia sản ta sẽ lo. Ta chưa chết ngay đâu! Ông cụ ngước mắt nhìn, cái nhìn như gắn vào kiếp Nội phải làm lẽ. Nội chỉ biết gật đầu vâng dạ. Rồi mọi việc ông bà cụ cũng thu xếp đâu vào đấy. Nội làm lẽ được ông bà cụ chia cho căn nhà này. Ông bà cụ ở với Nội, năm sau thì cụ mất. Làng thương tiếc cụ họ rủ nhau lập cái đền để ghi công ông cụ. Đặt tên là Đền Ông Đội Bờ. Mấy năm sau thì bà Đội cũng đi theo. Ông Phụng đứng ra lo toan cơ nghiệp. Cũng là người lam làm lại giống ông cụ Đội cái đức độ lượng nên gia thất cũng ổn. Nội đẻ được bố cháu và cô Đạt. Bà cả cũng sinh hạ được bốn anh chị nhưng chỉ đỗ được có chị Phẩm, chị Chức. Nội có con giai nên được ông Phụng chú trọng hơn nhưng hai chị em vẫn thuận chả điều ra tiếng vào gì. Năm bố cháu lên 9 tuổi thì tự nhiên ông Nội chết đột tử. Khi đó Nội mới ngoài hai chục tuổi. Thờ chồng, thương con dù bao kẻ lôi kéo Nội vẫn ở vậy. Ruộng nương ông Nội để lại cho nhiều, một mình Nội làm chả xuể, bằng những kinh nghiệm quản lý nông gia từ ông bà cụ để lại Nội cho cánh nhà Thắm, cánh bà Còm, bà Huệ, bà Diếp cấy dẽ, cùng cảnh với nhau mà. Ngày cô Đạt cháu chết, mấy năm sau bố cháu lên rừng đi làm Việt Minh, mấy chị em vẫn gắn bó với nhau. Ai ngờ bây giờ đổi thời lão Thừng Đen lại lật mặt ngay được. Không có Nội làm sao lão Thừng Đen có được cơ nghiệp như bây giờ! Như mà thôi, lòng người nông sâu biết thế nào được. Thời nào thế ấy. Bao giờ bố cháu về chắc mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Ngủ đi cháu ạ. Ngủ cho cái vết xước ở chân tay nó liền lại. Sáng ra Nội sẽ đi dặm lại bãi lúa bị con trâu nhà ta nó đà rồi giả tiền phạt cho hợp tác. Ngủ đi cháu. Nội bo chặt gã vào lòng và gã ngủ say trong câu chuyện của Nội.

Trời mới tảng sáng, gã mở mắt chạy ra sân, nhìn ra chỗ bờ ruộng đã thấy Nội đang lom khom cúi mặt chổng mông xuống bãi lúa. Gã mom men đi đến. Nhìn bàn tay Nội mềm mại vuốt từng khóm lúa, cái váy nơm chằng chéo những mụn vá, gã bấm bụng để nước mắt khỏi òa ra. Nội vẫn lặng lẽ vuốt từng khóm lúa và gã lại thấy nước mắt Nội rơi xuống ruộng tong tỏng. Sao Nội lại khóc nhỉ? Gã không hiểu được! Nội cực hay là Nội sợ?... Những hình ảnh ấy cứ tự nhiên hằn vào ký ức ám ảnh gã suốt đời! Và từ đây gã cũng sớm có ý thức để tìm hiểu cái bí quyết từ những mụn vá cũng như sự chát mặn trong những giọt nước từ mắt Nội rơi xuống ruộng lúa buổi tinh sương ngày ấy!...

Cha gã phục viên về làng, cả nhà đoàn tụ, gã không thấy Nội kể lại những chuyện thời gian hai bà cháu ở nhà. Lúc này quê hương đã hình thành nếp sống mới, đa phần người làng Thông đã góp ruộng vào làm của công và nhất nhất đi làm theo tiếng kẻng từ nhà ông chủ nhiệm vang lên một hồi chín tiếng vào đầu giờ buổi sáng, buổi chiều. Ai ở ngoài âm vang hồi kẻng này sẽ bị làng xếp vào hạng lỗi thời, lạc hậu, con cái đi học cũng bị coi thường. Người ta còn đặt vè giễu:

            "Chìa vôi mà vác đi cày

            Hì hục suốt ngày như lợn nằm co

            Người ta vừa hát vừa hò

            Đẩy cày cải tiến như đò vượt sông"...

Có lẽ vì cái danh dự quân nhân về làng cha gã khôn khéo to nhỏ với Nội, Nội không nói gì mà chỉ cười, nụ cười như mếu! Cha gã rất hài lòng và ông tự viết đơn xin vào hợp tác xã. Từ ấy cứ mỗi sáng ra gã thấy Nội cũng loe xoe theo tiếng kẻng ra đồng. Ngày thì đi bừa, ngày thì đi vơ cỏ, đi cấy... Nội trở thành một xã viên tích cực, những ông cố nông vốn sẵn tính biếng việc lại khôn lỏi đi làm cùng tổ với Nội đều ngán vì Nội làm rất khỏe và cứ đúng tiếng kẻng tầm Nội mới về. Thế là họ lại đặt điều cho Nội nào là vẫn còn tơ vương tư tưởng của địa chủ phong kiến, nào là tính chủ nghĩa cá nhân quá to. Lại cái đận hợp tác hô nhau xây dựng đời sống mới. Thế là đình chùa đều bị phá bỏ. Đền thờ ông cụ Đội Bờ cũng bị giỡ đi làm nhà kho hợp tác... Những chuyện này làm Nội ngán thế là Nội bắt cha nộp đơn xin ra hợp tác. Chỉ có một mẹ, một con, cha phải nghe theo. Nhà ra hợp tác, cái nhọc nhằn lại đổ lên đầu Nội. Ruộng vườn họ không trả lại ngay mà khi trả toàn là chỗ đầu hươu, mõm nai. Nội cũng chả màng, Nội cầm đầu cả nhà vào tận Bẩy Phần, Hang Móc khai vỡ những đầm lầy, bãi thụt để cấy lúa. Ngày ấy rừng còn rậm nên chuột bọ, chồn khỉ rất nhiều. Đêm đêm Nội lần mò một mình vào ruộng để đuổi chuột, đuổi khỉ. Gã cũng lóm thóm đi theo Nội. Có đêm giời mưa bão hai bà cháu phải ngủ dưới mấy tàu lá cọ khum lại. Nội bo gã và chỉ ngửa mặt nhìn giời. Có lẽ giời thương nên mùa vụ về những ruộng lúa cũng  trĩu hạt. Ngô lúa thu về đầy bồ, đầy thạp mà chả phải chầu chực ở nhà kho để gắp phiếu đợi đến lượt mình. Không khí trong gia đình đầm ấm dần, cha gã cũng yên dạ nhưng ông hay buồn, đôi khi còn hay bẳn gắt. Nội chỉ nói gọn một nhời: Vợ chồng anh Sắc (cha mẹ tôi) nếu không thích làm ăn cá thể thì nói khó với ông đội, cứ kệ hai bà cháu ta. Cha không nhả nhời Nội mà vẫn lầm lũi việc ruộng đồng. Một mùa lúa, lại một mùa lúa qua, gã lớn và cũng đến tuổi đi học trường làng. Ngày gã nhập trường Nội đưa đi. Đến trường thấy gã cứ lo so một mình, Nội quyệt tay ngang mắt và an ủi:

- Cháu vào lớp, nhớ lắng nghe nhời thầy. Sau những ngày ấy gã thấy gương mặt Nội hay tần ngần, nghĩ ngợi. Một hôm đang bữa cơm tối, Nội bảo cha.

- Nhà mình lại phải vào hợp tác thôi. Cha ngẩng nhìn Nội nhưng không nói gì và cơm nước xong gã thấy cha ngồi trước đèn. Mấy bữa sau thấy ông chủ nhiệm hợp tác đến nhà, chuyện ran như pháo và còn có quà cho gã nữa. Hôm sau gã thấy Nội cùng cha mẹ lại theo tiếng kẻng ra đồng mỗi chiều, mỗi sớm. Gã đến trường được thầy cô giáo, các bạn chan hòa hơn. Tự gã hiểu được cái điều Nội bảo cha gã vào hợp tác. Năm Nội hết tuổi lao động ngoài đồng ruộng thì cha mẹ  gã cũng đẻ thêm một đàn em lúc nhúc như hạt mít bám sau Nội. Nội thành người nom trẻ đắc lực trong nhà. Nội thường dậy từ gà gáy xay lúa giã gạo rồi xào cơm cho đám gã ăn. Cha mẹ gã chỉ việc theo tiếng kẻng ra đồng, gã thì lành phành mấy quyển vở đến lớp. Trước khi gã cắp sách ra khổi cổng bao giờ Nội cũng dặn với theo:

- Cháu nhớ nghe nhời thầy, không được bắt chước con nhà ta mà ham chơi đáo, chơi quay nhá... Gã chỉ biết vâng dạ và luôn nghe lời Nội dạy bảo. Nội ở nhà nom đàn em gã với cùng bao nhiêu việc không tên. Làm hết việc Nội lại tranh thủ ra vườn xé lá chuối khô về quận thành từng bó rồi mang ra chợ Xão, chợ Đồn bán. Gánh hàng của Nội ra phiên chợ lúc đầu chỉ có lá chuối, sau có thên con ốc, con cua... ốc cua là Nội tranh thủ đi bới vạch bờ ao bờ ruộng lúc giời mới tảng sáng. Ra chợ bán hết hàng, Nội lại mua thuốc lào, mắm muối... những thứ nhà nông hay dùng về bày bán ngay cổng. Bà con làng xóm không có điều kiện cứ đến mua, một lần hai lần thành nếp và cái việc buôn bán hàng xén của Nội được bày ngay cổng. Nhiều người ghen ghét lại buông tiếng Nội có máu con buôn chỉ rình cắt cổ dân làng. Cha gã thì bị nhắc nhở trong các cuộc họp chi bộ vì thế tình cảm trong nhà đôi khi cũng bị rạn vỡ. Nội đành dẹp gánh hàng xén quay trở về với việc nom cháu và đi xé lá chuối bán. Năm gã học hết trường làng, Nội bảo đi học tiếp trường huyện. Cha mẹ gã bảo: Nó là con cả, học thế được rồi, ở nhà đi theo công điểm nhường việc học hành cho đàn em nó sau này. Mà tạng nó nom ục ịch thế, sau này chỉ đi làm thợ thổ hoặc theo ông Cúc Xảo đi đóng cối xay chứ học hành gì!... Gã thỉu mặt, Nội nhìn gã mắt ngân ngấn nước. Gã đành bỏ học ở nhà, công việc của gã được cha mẹ nhận từ ông chủ nhiệm với những công việc như đi vơ cỏ, gánh phân khoán, cùng lắm là đi đuổi quạ ngô ở ngoài đồng. Nhiều buổi đi gánh phân, cái quang dài quệt đất, Nội nhìn mà chỉ lôi vạt áo lau mắt. Gã biết Nội rất thương gã. Đêm đêm gã vẫn ngủ với Nội và đòi nghe những câu chuyện cổ tích. Nội vỗ đít gã âu yêm: Cha bố anh, dài bằng Nội rồi còn cổ tích với cổ thần gì nữa! Rồi Nội đọc Kiều, đọc chuyện Phạm Công - Cúc Hoa, chuyện Lục Vân Tiên đánh cướp cho gã nghe. Nội thuộc chuyện Kiều từ đầu đến cuối không thiếu một chữ và có đoạn Nội còn đọc ngược mà vẫn tưởng là xuôi. Nhiều đoạn thấy giọng Nội buồn lại như có nước mắt chảy theo, gã hỏi:

- Sao Nội lại khóc? - Nội không nói chỉ vỗ đít gã rồi lại đọc tiếp:

            "Sân lai cách mấy nắng mưa

             Có khi gốc Tử đã vừa người ôm

             Buồn trông cửa biển chiều hôm..." 

Gã thắc mắc:

- Sân lai là cái gì hả Nội? - Nội lại vỗ đít gã:

- Sân lai là cái sân gạch, gốc Tử chính là cái cây giống cái cây xương rồng, người quê thường giồng nó ở bờ rào, nó chỉ to bằng dóng chân, cổ tay là cùng. Thế mà ở đây cô Kiều lại tưởng nó đã vừa người ôm... Câu này giải ra có ý như thế này: Cái sân gạch đã trải qua mấy mùa mưa nắng, cây Tử mà to vừa người ôm để nói thời gian cô Kiều đi lưu lạc xa quê đã lâu mà cháu...

- Có thế mà cháu không biết Nội nhể, Nội nói cháu tỏ rồi. Nội lại đọc tiếp cho gã nghe, thấy gã thiu thiu Nội bảo:

- Muốn biết cội gốc của cô Kiều là phải đi học, đi học mới hiểu được. Hiểu được cô Kiều thì mới thấu đời người cháu ạ.

- Vâng, Nội tỏ cô Kiều nhiều thế, chắc ngày xưa Nội học giỏi lắm Nội nhể?

- Nội có được ngày nào đi học đâu mà giỏi hả cháu. Nội không biết chữ đâu. Nội thuộc cô Kiều là Nội học lỏm được từ cha Nội qua các buổi dạy học ở nhà. Ông cụ làm đồ nho mà cháu.

- Cụ ở tận mãi dưới Vĩnh Tường, mà có khi cũng chả còn sống nữa! Nội thở dài. Thấy giọng Nội buồn, gã không hỏi nữa và thò tay bo ngang lưng Nội thiu thiu ngủ. Gã sống trong lòng Nội như thế. Một buổi chiều, gã đi gánh phân khoán về, mồ hôi, mồ kê nhếch nhác, Nội đang quét cổng. Chờ gã cất đôi quang dành vào xó bếp xong, giọng Nội ân cần:

- Ngỡn, Ngỡn ơi! Lại đây nội bảo. Gã rón rén đi lại. Nội ghé sát vào tai gã thì thào: Cháu làm cái đơn, xin đi học chuyên nghiệp, Nội hỏi ông giáo Giong rồi. Cháu cứ sang nhà ông giáo sẽ bày cho... Nói rồi Nội lại đưa đưa cái chổi quét nốt lối cổng. Tối hôm ấy gã rén sang nhà ông giáo Giong. Vừa vào đến nhà ông đã nở nụ cười:

- Ngỡn đấy à con.

- Vâng ạ! Gã ngập ngọng nhưng chưa biết trình bày đầu đuôi nguyện vọng của mình như thế nào, giọng ông giáo Giong lại ân cần:

- Con muốm làm đơn đi học chuyên nghiệp chứ gì? Con định đi học ngành nghề gì?

- Dạ, ngành gì cũng được ạ.

- Thế thì tốt nhưng theo thầy thì nên xin đi ngành sư phạm, ngày sau về làm thầy giáo dạy ngay cho con em ở làng mình thuận đôi bề con ạ... Nói rồi ông giáo Giong ngẩng nhìn gã. Thấy gã xuôi ý. Ông bảo:

- Giấy bút đây, con viết cái đơn, nói nguyện vọng thế này và xin hứa khi được vào học cũng như khi ra trường sẽ chịu mọi sự phân công của cấp trên. Gã khêu to ngọn đèn, ngồi viết một mạch. Viết xong đưa cho ông giáo Giong, ông gật đầu và bảo văn gã gọn gàng, rành mạch chỉ tội chữ hơi xấu. Rồi ông cất lá đơn vào ngăn kéo ân cần bảo gã:

- Con cứ về, thầy sẽ lo việc này cho. Gã vâng dạ rồi con cón bước đi. Thấp thỏm mấy tháng trời thì gã nhận được cái giấy báo đi học sư phạm ở mãi bên khu Thái Nguyên. Cha mẹ gã thì không ưng lắm vì muốn gã ở nhà đi làm công điểm lấy được nhiều lúa gạo, vả lại để gã đi học thì dù sao cũng phải tốn kém. Nội gã dứt khoát:

- Anh chị cứ để cho thằng cháu Ngỡn đi học. Tiền tàu xe tôi lo, xa nhà nó khó khăn gì tôi khắc liệu. Để nó ở nhà suốt ngày đi gánh phân bao giờ mới mở mày ra được. Mà nó cứ ở nhà rồi lại nối nghiệp anh làm cái chức chủ nhiệm hợp tác đi làm theo tiếng kẻng rồi đến đận lại dắt nhau lên núi Châm mà đào củ mài, củ ấu... Thấy Nội dứt khoát, cha mẹ gã không dám nói gì. Thế là gã khăn gói lên đường bắt đầu cuộc sống xa nhà, xa Nội. Hôm đi, Nội cởi hầu bao đưa cho gã mười đồng bạc. Nội bảo:

- Xa nhà, cái gì thật cần mới sắm, cố mà học cháu nhá, đừng bắt chước con nhà hư hỏng. Khi nào hết tiền, thật cần thì nhắn về Nội sẽ gởi cho. Gã nghe lời Nội đến chào ông giáo Giong và mọi người rồi khăn gói lên đường.                                                  

 

***

Về trường gã cùng bạn bè nhập cuộc, bắt đầu cuộc sống tự lập. Sau mấy tháng lao động cật lực xây dựng, mở mang trường sở thì vào năm học. Gã được phân vào học ban văn. Vốn không thích môn này, gã đến gặp thầy hiệu trưởng trình bày nguyện vọng. Thầy hiệu trưởng nhìn gã bao dung, nhân ái rồi ân cần: Xếp ban học cho các em, nhà trường đều căn cứ vào học bạ, có thể em thích ban toán thật nhưng thầy thấy điểm môn văn của em qua các lớp cấp hai đều khá, lại cái đơn em viết thấy câu văn sạch sẽ, rành mạch. Em nên theo môn này. Thầy thấy có nhiều triển vọng lắm... Nghe lời chân tình của thầy, gã không năn nỉ nữa.

Vào theo học môn văn, những bài làm đầu tiên gã đã được thầy chủ nhiệm chú ý đến. Một đêm rất khuya, trời lại rất lạnh gã vẫn say mê ngồi trước tập truyện ngắn Carmen của nhà văn Pháp Merimé. Thầy chủ nhiệm đến lúc nào gã không hay, mãi đến lúc thầy khẽ vỗ tay xuống bàn gã mới giật mình ngẩng lên. Nhìn thầy gã khúm núm vừa chào vừa gấp tập truyện lại. Thầy không nói gì và ngồi xuống cạnh gã, giọng thầy âm ấm làm lòng dạ gã phấn chấn. Thầy bảo:

- Tập truyện này hay lắm đấy, khi nào học đến phần văn học nước ngoài thầy sẽ nói thêm về ông nhà văn này với các em...

- Vâng, em cảm ơn thầy. Em cũng mê cái truyện này nên đọc quên cả trời rét...

- Học văn mà đam mê là rất tốt, nhưng khi đọc cũng cần có sự phân tích, lựa chọn để hiểu sâu bản chất mỗi tác phẩm, mỗi nhà văn. Đọc xong rồi quên đi để nó tự ngấm vào máu mình thì giảng văn cũng như làm văn nó mới thật là của mình. Đừng đọc theo kiểu thuộc lòng rồi đem kể lại… Gã ghi nhớ câu nói của thầy và mỗi khi đọc một tác phẩm văn học gã đều suy nghĩ theo hướng ấy. Văn chương bắt đầu bám vào gã, bám vào như định mệnh. Gã âm thầm mò mẫm từ việc học văn sang việc sáng tác văn. Lúc đầu gã võ vẽ làm thơ, làm xong thấy nó dở, lại xé bỏ. Biết mình không có khả năng ấy, gã chuyển sang viết văn xuôi. Mỗi lần cầm bút là hình ảnh Nội lại hiện lên, lúc này gã như nghe thấy giọng lão Thừng đen gay gắt trong cơn mưa bão năm xưa với chiếc váy nơm chằng chéo những mụn vá và những giọt nước từ mắt Nội rớt xuống bãi lúa làm ruột gan gã thắt lại. Con chữ chảy ra từ mạch nguồn ấy. Gã chỉ giống như cái máy chép lại. Chép xong ngồi đọc một mình, nước mắt cứ ứa ra. Gã chép sửa lại rất cẩn thận và đặt tên cho cái truyện cũng rất giản đơn: “Chân dung bà nội”. Việc xong gã cất nó vào cặp sách, chỉ khi nhớ Nội gã mới lấy ra đọc. Mỗi giờ văn trong lớp, thầy chủ nhiệm hay khen gã, nhất là mỗi khi trả bài thầy đều lấy bài của gã ra làm dẫn chứng điển hình. Bạn bè nhiều người quý nể nhưng cũng không ít người chẳng ưa. Gã đâu có để ý đến chuyện đó. Cứ suốt ngày vùi đầu vào sách vở, đọc rồi viết. Sự đam mê học hỏi và niềm tin thơ dại vào một tương lai là một thầy giáo dạy văn hay thôi thúc gã ngày ngày. Ai dè đây lại chính là cái dốc đứng cheo leo trước bước chân vừa đến ngưỡng cửa cuộc đời của gã và cũng chính là nỗi phiền muộn cho thầy chủ nhiệm và Nội gã những ngày dài ròng rã!

Chuyện cũng chả có gì to tát, sau giờ tan lớp, các bạn tấp nập về phòng nghỉ. Đi qua khu tập thể giáo viên, thấy thầy chủ nhiệm đứng thần thưỡi ở cửa phòng, thầy đưa tay vẫy ra hiệu cho gã vào gặp thầy. Cứ ngỡ có chuyện vui, gã nhảo chân thật vội. Đến nơi, giọng thầy buồn buồn, thầy bảo gã vào phòng khép cửa và nói nhỏ nhẹ.

- Thầy quí mến em, nhưng chuyện này rồi chả biết sẽ đến đâu! Thầy thở dài nhìn gã từ đầu đến chân rồi nói thêm: Em viết cái gì mà đưa ai đọc? Bây giờ bản thảo đang ở chỗ ban giám hiệu. Chiều nay 3h ban giám hiệu làm việc với em đấy, có cả... Thầy thở ra rồi lại nói thêm: Thôi, có thế nào em cứ nói thật thế, thầy cũng chưa biết thế nào vì cái bản thảo em viết thầy chưa được xem...

- Thầy khỏi lo, em sẽ không làm liên lụy đến ai đâu, truyện em viết là từ cảm xúc của mình, em viết về bà Nội em, chân thật lắm thầy ạ. Mà đây, bản thảo chính của em đây, thầy đọc xem giúp em. Nói rồi gã mở cặp sách đưa cho thầy cái bản thảo vẫn còn nguyên nếp giấy. Thầy đón cái bản thảo, giọng vẫn ân cần:

- Được rồi, em cứ về đi...

Gã vâng lời thầy cui cúi đi về phòng với nỗi niềm tâm trạng bồi hồi thấp thỏm. Quả việc gì xẩy ra nó cứ xẩy ra. 3h chiều anh cán bộ giáo vụ đến gọi gã lên phòng giám hiệu. Gã lủi thủi đi, cả lớp nhìn theo, người thì ngơ ngác, người thì ngẫm cười, mọi ánh mắt đều đổ dồn theo mỗi bước chân gã. Đến cửa phòng giám hiệu, gã thấy cánh cửa nửa mở, nửa khép, anh cán bộ giáo vụ hất hàm bảo gã vào. Gã vâng lời, đẩy to cánh cửa bước vào phòng. Ban giám hiệu có mặt đầy đủ, cả thầy chủ nhiệm và mấy người rất lạ, sau này gã mới biết họ ở bên an ninh bảo vệ văn hóa. Gã được chỉ ngồi ở cái bàn chỗ cuối phòng. Thầy hiệu trưởng bắt đầu vào việc ngay. Thầy để tập bản thảo nháp của gã lên bàn, nghiêm trọng:

- Nhà trường cũng rất bất ngờ, không rõ tại sao một em học trò còn trẻ măng, lại học giỏi như Ngỡn mà lại nung nấu trong đầu những tư tưởng tình cảm ủy mị lại có tính bôi đen thời đại. Cái này do dạy dỗ của thầy hay do em Ngỡn tham gia một tổ chức tái nhân văn nào đang ngóc đầu dậy?...

Gã tái mặt nhìn khắp căn phòng, mọi ánh mắt đều đổ vào gã dữ dội, đầy soi mói. Rồi nhiều ý kiến phù họa theo. Nghe gã đã tự biết mình sẽ phạm tội gì rồi. Nhưng gã không hốt hoảng, gã bình tĩnh chờ đợi thầy hiệu trưởng cho phép được phân bua. Nhưng không có chuyện ấy. Mọi ý kiến tiếp tục phân tích với những lời nửa như đe dọa, nửa như dỗ dành. Cuối cùng thầy hiệu trưởng kết luận: “Mọi việc tạm dừng ở đây, em Ngỡn về viết kiểm điểm, phải viết thật chân thật, nói rõ ai xui mình viết, viết để làm gì và nộp cho thầy chủ nhiệm, thầy chủ nhiệm có nhiệm vụ đưa vụ việc ra phân tích công khai ở lớp cả về nội dung tác phẩm và thái độ của người viết. Kết luận phải rạch ròi, có biên bản gửi ban giám hiệu vào đầu giờ chiều cuối tuần này”. Mọi việc rồi cũng xẩy ra như nó phải xẩy ra. Cuối cùng gã cũng phải nhận cái án buộc thôi học chuyển đi lao động thực tế trong nhà trường. Trước khi nhận cái án này gã phải đến phòng an ninh văn hóa ký giấy cam kết. Việc xong, người công an phụ trách công việc này lại nhìn  gã với ánh mắt đầy thiện cảm nhưng cũng rất nghiêm khắc. Ông nói: “Viết thế này, nếu cháu mà đã mười bẩy, mười tám tuổi thì cũng đủ mà ngồi tù rồi đấy. Cháu còn bé, về gắng tu dưỡng, cải tạo tư tưởng cho tốt, tương lai vẫn chờ cháu. Cháu đừng bi quan, các chú tin ở cháu...”. Gã vâng dạ rồi đi giật lùi ra khỏi căn phòng. Không rõ tại sao lúc này mồ hôi gã cứ đầm đìa vã ra. Gã đi một mạch về trường. Trở lại căn phòng tập thể, bè bạn nhìn gã nhiều người rơm rớm nước mắt nhưng chả ai dám đến gần. Gã nhận ra thân phận hẩm hiu cũng như cái dốc lớn trước mặt mình từ đây. Gã lẳng lặng đến phòng thầy chủ nhiệm. Mặt thầy cũng tái dại nhưng thái độ thầy rất bình thản. Thầy bảo: “Em cứ ở lại trường, lao động thật tốt, sang năm nhà trường xem xét, thầy...” Gã chả nói gì cứ thế quay mặt bước ra khỏi căn phòng. Thầy nói với theo: “Bây giờ em có thể khó khăn, thầy tin em vào đời sẽ có nhiều cái vững vàng hơn...” .Gã ngoái nhìn thầy, không giấu được những giọt nước mắt. Mấy ngày sau gã cũng thấy phòng thầy đóng cửa, gã biết việc gì sẽ xẩy ra với thầy nhưng gã an lòng vì những việc bên an ninh hỏi gã trả lời chả có gì liên lụy đến thầy. Gã tin sẽ không có điều gì hại xẩy ra cho thầy nhưng cũng tự ý thức được những ngây thơ của mình, sự ngây thơ thành dốt nát để thân phải làm tội đời. Gã nghĩ thế...

Gã xuống phòng hành chính nhận những việc như đi làm cấp dưỡng, đi trở hàng, xới cỏ sân trường... Được mấy bữa thì cái tính ngây thơ, niềm tin ngây thơ của gã bị rám nắng. Gã làm giấy xin về quê. Sau nhiều lần cân nhắc nhà trường chấp nhận nguyện vọng này. Gã khấp khởi ngỡ là mọi việc đã xong. Ai dè vừa khăn gói về đến nhà cha gã đã nổi khùng như Trương Phi. Giọng ông gay gắt:

- Mấy cái chữ ranh đã tưởng mình là ông thánh. Mai ra sân ủy ban xới cỏ, cái thứ anh nên cơ đồ gì! - Ông nhìn gã vè vè như nhìn một con chó. Nội chả nói gì cứ kéo vạt áo lau mắt. Gã sà vào lòng Nội nức nở. Nội khẽ vỗ tay vào mông đít gã như nựng đứa trẻ mới lên ba. Gã cứ ôm chặt lấy Nội như vậy, Nội bảo:

- Để Nội lấy cho bát cơm nguội ăn cho khỏi đói. Nói rồi Nội lọ mọ xuống bếp mở vung nồi vục đầy bát cơm, rắc mấy hạt muối trắng bưng lên cho gã. Gã ngẩng nhìn Nội rồi cúi đầu xúc cơm ăn hùng hục. Nhìn Gã ăn, gương mặt Nội vừa rạng rỡ, vừa chua chát! Cha gã vẫn ngồi lặng chỗ bàn nước, thi thoảng lại vằn mắt nhìn gã và Nội.

Ngày hôm sau, đúng giờ hành chính gã cầm tờ giấy của nhà trường ra trình trụ sở để có hộ khẩu và mong được ngày ngày ông chủ nhiệm phân công đi làm công điểm đến mùa vụ có thêm hạt lúa... Đến trụ sở, gã vừa đưa ra tờ giấy, ông chủ tịch xã nhìn gã cười nửa miệng:

- Cho nó đi xới cỏ sân ủy ban vài tháng để nó thấu hiểu thêm cái chân dung bà Nội nó. Nói xong ông kéo tờ giấy từ tay gã ghi mấy dòng có nội dung như ông vừa nói rồi hất hàm bảo gã. Mày cứ về nhà, từ mai ra xới cỏ sân ủy ban!...

Gã không nói gì, mà cũng chẳng cần nói gì, cứ thế lặng lẽ vỗ đít đứng dậy. Gã không hề biết những cử chỉ vô thức có tính tự nhiên ấy lại thêm nguy hại cho mình. Ngày hôm sau gã phải phơi mày làm lụng, mọi người nhìn gã như cái giẻ rách vứt ở xó nhà. Nhưng lúc này tự nhiên gã biết nhẫn nhục. Gã cứ lủi thủi xới cỏ, xới thật sạch mà cũng chả biết mình làm thế để ích gì! Nhiều hôm trời nắng quá gã phải bấm chóp tàu lá chuối làm cái mũ đầu mầu chụp lên đầu. Mấy cây chuối bị bấm chóp lá, thế là người ta lại qui cho gã thêm cái tội phá hoại của công. Phải làm việc thông trưa. Lúc này gã chỉ biết phục tùng. Gã cứ trần lưng giãi đày giữa trời nắng. Một buổi trưa gã đang nhễ nhại kéo cỏ, Nội gã loe xoe đến. Nội lấn đến chỗ gã giật cái cuốc thia lia vào bới chuối, kéo tay gã đi một mạch, vừa đi Nội vừa gào:

- Sao mà lắm người độc ác thế, cháu tôi mồm chưa sạch sữa mà các người nhẫn tâm. Gái già này từng sống qua ba đời thằng cát xít, thằng cát xít Pháp, thằng cát xít Nhật, thằng cát xít Tàu Ô mà chưa thấy nó ác như các người đâu. Đứa nào là phản động, đứa nào là địa chủ cường hào?... Gái già này tốc từ dưới Phủ Vĩnh lên đây, suốt ngày chổng mông khai khẩn ruộng nương, giời cho độc có thằng con thì đi lên rừng theo kháng chiến, lúa trong bồ gái già này từng múc cho đoàn thể... thế mà bảo gái già này bóc lột, bóc lột ai, gái già này chỉ có cái váy nơm đeo cả đời đây, các người không có mắt à! Giời ơi là giời! - Vừa la Nội vừa kéo gã về nhà. Gã lếch thếch đi theo Nội. Về đến nhà, nội gánh nước cho gã tắm, việc vừa xong thì ngoài cổng thấy có bóng người con gái, ngỡ là người mang giấy tờ triệu tập đến, gã vội so vào lòng Nội ngoái nhìn ra. Người con gái rón rén rẽ vào cổng. Gã dán mắt nhìn. Hóa ra là Thủy! Gã khẽ reo lên. Nội hỏi:

- Con bé từ đâu đến?

- Dạ, bạn học cùng lớp với cháu ạ...

- Ừ, cháu mời nó vào nhà đi. Gã thon thón chạy ra. Thủy nhìn gã cứ thế òa khóc. Nội bảo:

- Vào nhà đã, khóc mếu người ta.... Thủy nín bặt. Hai đứa cùng ngồi xuống cái chõng bên cạnh Nội. Giọng Nội dịu xuống:

- Cháu về chơi với thằng Ngỡn hay có việc gì? Thủy ngập ngừng:

- Dạ cháu về thăm Ngỡn... - Và cứ thế Thủy khóc. Nội ngọt ngào:

- Cháu nín đi, khóc có ích gì. Nước mắt không cứu được nhau đâu mà phải gắng mà vượt qua gian khổ thì mới ra con người được. Thế cháu cũng học lớp văn cùng với thằng Ngỡn à?

- Vâng ạ. Thằng Ngỡn nó làm cái chuyện ấy cũng tại Nội đấy, Nội hay kể chuyện cho nó nghe, nó vận vào đấy mà. Ở đời những người văn hay, chữ tốt thường hay khổ. Như cô Kiều ấy cháu ạ. Cứ dốt nát như Nội đây lại yên thân. Nội cảm ơn cháu đã về thăm thằng Ngỡn. Bạn bè thế mới phải. Chớ nề u hiểm mới là chị em mà cháu. Thằng Ngỡn nó không phải là người xấu đâu. Cháu của Nội, Nội biết chứ. Những người hành hạ nó mới là người xấu, con trẻ nó dại thì phải khuyên giải chứ cớ sao lại hành hạ. Mà cả cái thằng cha con mẹ đẻ ra nó cũng thế, cũng coi nó như quân hằn quân thù. Nó chỉ còn biết dựa vào Nội, nhưng Nội cũng già rồi. Cháu là bạn nó, nhớ động viên nó với nhá. Mai đây Nội sẽ có cách cho nó đi thoát ly... Nước từ hai hốc mắt Nội lại ứa ra. Đận ấy Thủy ở lại chơi nhà gã một ngày rồi về trường. Trước khi đi Thủy cho gã tấm ảnh bé xíu. Gã ở nhà chỉ có niềm vui với Nội và tấm ảnh. Cũng lạ từ sau vụ Nội la giời kéo gã về nhà, xã cũng thôi không triệu tập gã đi xới cỏ sân trụ sở nữa nhưng gã vẫn bị mọi người ghẻ lạnh. Tránh những cái nhìn khó chịu của mọi người nhất là cha gã, nhân có loạn tàu bay thằng Mỹ, Nội làm cái lán trong rừng dắt gã vào đó ở. Ngày ngày hai bà cháu làm nương rẫy, chăn nuôi lợn gà. Nội dạy gã trồng sắn, trồng khoai, trồng chuối, nuôi lợn. Cũng là đứa chịu khó, ngày ngày gã theo Nội đi nương, rồi xuống đồng cắt rạ phủ vào gốc chuối. Đêm về học bài, đọc sách. Đám mục đồng trong làng tối tối thường mò đến cái lán của hai bà cháu gã, lúc thì nghe Nội kể chuyện, lúc thì nghe gã đọc thơ. Việc lặp đi, lặp lại thành nếp. Thế là lại có người để ý. Một đêm, Nội đi đám ở làng bên, gã ở nhà một mình, mấy đứa bạn trong làng vẫn theo nếp đến, chúng nhờ gã giải toán, tìm đại ý những bài văn, việc xong lại quây quần nghe gã đọc sách, đọc thơ. Cả đám đang say sưa nghe gã đọc thơ của Hainơ, Êxênhin thì tự nhiên thấy đèn pin từ bốn phía rọi vào. Họ hô tất cả ngôi im rồi thu toàn bộ đám sách vở của gã và đám bạn vào cái bị. Gã ngẩng lên tưởng là ai, vẫn mấy cái mặt người trong làng, lão Thừng đen, ông Lơ đèn, bà Xôi Đỏ... Giọng lão Thừng Đen oang oang: 

- Thằng này vẫn tật nào chứng ấy, cứ đưa nó về ông trưởng xóm. Gã quắc mắt:

- Tôi tha đưa mấy người đến ông trưởng xóm thì thôi, chứ mấy người đừng già họng. Đêm hôm các người vào nhà tôi chỉ là kẻ cắp hoặc kẻ cướp thôi nhá. Tôi la làng lên xem cái gì là trắng, cái gì là đen nào. Thấy gã cứng cỏi, bà Xôi Đỏ khôn khéo:

- Thôi được, để rồi xem, chúng tao mang những quyển sách này đến trụ sở, mày ra đấy mà giải thích....

- Các người cứ mang đi, nhưng phải lập biên bản, mất quyển nào là tôi bắt đền gấp mười lần.

- Được rồi, chúng tao mà sợ mày à... Nói rồi mấy người đeo cái bị sách đi thẳng.

Ngày hôm sau, gã lại được triệu ra trụ sở. Gã vừa đến nơi thấy cái phòng đã đầy người, có đủ mặt mày mấy người tối hôm qua và cái bị sách đặt trên bàn. Gã đảo mắt nhìn lại thấy có một gương mặt quen quen. Gã tần ngần rồi cái miệng tự reo lên:

- Chú Tưng, chú Tưng công an. Căn phòng vẫn im phắc. Gã tự đoán sẽ có việc bất trắc xẩy đến. Bắt đầu lão Thừng đen móc bọc lấy ra tờ giấy biên bản tối hôm qua đưa cho bà Xôi Đỏ, Bà Xôi Đỏ xòe tờ giấy đọc. Văn vẻ vẫn nguyên như cái biên bản tối hôm qua. Việc xong lão Thừng đen bắt đầu mở cái bị lôi ra những quyển sách bày trên bàn. Bà Xôi Đỏ dòm, nhưng chữ thấy khó đọc, bà đẩy cho chị Sữa cán bộ văn phòng trụ sở. Chị Sữa đọc từng quyển: 1. Thép đã tôi thế đấy; 2. Hậu phương bao la. Chữ ở trên là: Co Nhít Tô Vôi Tô (Bôrít Bô Rivôi); 3. Thôn Bầu thắc mắc; 4. Bên kia biên giới; 5. Chuyện Tây Bắc; 6. Bình minh mưa... Đọc xong bà Xôi Đỏ bảo: Cả xã, cả trường học của ông giáo Giong cũng không có những thứ này. Toàn là sách tuyên tuyền phản động đấy. Các ông cán bộ xem phải xử lý thằng ranh này thế nào, cứ để thế này làm hỏng hết lý tưởng của các cháu trong làng...

- Có bà mới làm hỏng chúng nó chứ, dốt nát... Không để gã nói thêm, bà Xôi Đỏ và mấy người sấn đến. Mấy ông cán bộ vội hua tay như ra hiệu dừng lại. Lúc này gã mới thấy chú Tưng ngoảnh nhìn gã, cái nhìn rất thân ái, rồi chú ngậm ngùi:

- Việc làng xã quan tâm quản lý chặt chẽ lệ làng phép nước là rất tốt vì cả nước ta bây giờ đang tập trung sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Việc cháu Ngỡn và đám trẻ làm ta đã rõ cả rồi. Các cháu học hành trao đổi thế là tốt, những quyển sách bày trên bàn đây không phải là tài liệu phản động đâu, nó là các tác phẩm văn học của nước Nga Xô Viết đấy. Đáng khen cháu Ngỡn đã mang được những tác phẩm quý này về một vùng đất còn rất hẻo lánh. Có điều chú khuyên các cháu là việc học hành cũng phải có thời khóa biểu, có giờ giấc, không được làm ầm ĩ quá khuya để bà con hiểu nhầm sang việc khác. Cháu Ngỡn thời gian đi học chuyên nghiệp có vấp váp khuyết điểm này, khuyết điểm kia, nhưng cơ bản cháu đã nhận ra vấn đề, đang biết sửa chữa khuyết điểm. Cháu về đây có biết hơn tí chữ, cũng cần giúp đỡ bạn bè để cùng học hành tiến bộ, việc các cháu tụ tập để cùng Ngỡn học hành thêm là đáng khen nhưng cháu ngỡn vẫn rất cần sự đùm bọc của gia đình thôn xóm, mọi người đừng nhìn cháu từ một phía mà bỏ rơi một con người vốn bản chất rất tốt và đang tốt dần lên!... Nghe chú Tưng nói, mọi người im phắc, mấy người hùng hổ tự nhiên mặt mày cứ dại ra và lẻn vào ngồi một xó. Ngỡn được tự do. Mấy bữa sau, mấy ông xã lại mời Ngỡn ra ủy ban giúp các ông những việc lặt vặt có liên quan đến chữ nghĩa. Thấy Ngỡn xăng xái, Nội ân cần:

- Các bác ấy nhờ thì làm, nhờ việc gì làm chọn việc ấy rồi về mà phải cẩn thận cháu nhá, cái việc chữ nghĩa người ta dễ quy tội cho lắm. Tốt nhất là cứ ở nhà với Nội. Nay mai bán đàn lợn nái, Nội vào trong Lịch mua mấy con dê về thả, vừa nhàn vừa có lãi lắm...

- Vâng, Nội mua về, cháu đi chăn dê, thích lắm đấy Nội ạ. Gã cười tít mắt, Nội cũng cười theo và bảo. Đi chăn dê là một công đôi việc, cháu vẫn có thời gian đọc sách, đọc báo được, đêm về ngủ, đỡ tốn dầu đèn...

Mấy bữa sau, khi bán đàn lợn nái, Nội mua về mấy đôi dê, cả Nội và gã đều vui vẻ. Gã bảo Nội:

- Từ nay cháu nhận việc đi chăn dê. Nội cười:

- Cha bố anh, chả anh đi chăn thì Nội à! Gã reo lên và cứ thế nằm lăn vào lòng Nội. Nội vuốt từng ngón tay gã nhưng chả hiểu tại sao gã lại thấy trong hai hốc mắt Nội cứ nhấp nháy những giọt nước. Gã không hiểu được nhưng cũng chả dám hỏi gì thêm. Từ ấy, cứ mỗi sáng dậy gã vào bếp vục bát cơm nguội rồi lùa mấy con dê lên núi. Được cái giống dê nó cũng hiền nên dễ thuần. Chỉ vài buổi là gã điều khiển được nó. Theo đàn dê, gã bị giàng buộc giữa lòng núi lòng rừng và cứ thế tự vỡ ra nhiều tên tuổi, họ hàng cây cối. Gã hiểu được vóc dáng hình thù và những giọt nhựa đỏ từ cây Máu Chó ứa ra khi bị đàn dê ngứt lá, cả vị đắng chát của búp cây Sần Đen, Sầm Trắng từ vị thơm ngọt của cỏ mật, cỏ Dong, sự đậm đà của cỏ rác, cỏ Đòng qua điệu bộ nhai trên miệng đàn dê. Nhiều hôm gã cứ tha thẩn với đàn dê trong rừng, mặt giời vàng sau Núi Ải mà không biết. Nội phải lặn lội đi tìm. Tiếng Nội gọi “Ngỡn ơi!...” vọng trong rừng cứ ám ảnh suốt tuổi thơ gã cho đến giờ! Đàn dê mỗi ngày một đông, Nội bắt đầu phân loại và bán cho thợ hàng chợ. Có tiền Nội may quần áo đẹp cho gã những ngày hội, hay những đêm xem hát chèo thấy gã ăn diện hơn, làng xã lại lắm tiếng xì xèo, cha gã sợ và ông bắt đầu có những tính toán để dỡ bỏ cái lán của hai bà cháu và nhập đàn dê vào trại chăn nuôi của hợp tác xã. Một buổi tối hai bà cháu đang ăn cơm, cha gã đến. Vừa nhìn thấy ông, Nội đã xoay lưng lại chỗ nồi cơm, cha lóng ngóng chưa biết nói gì thì Nội thong thả:

- Anh đói thì ngồi vào ăn cơm, ăn xong về còn lo việc hợp tác, kệ bà cháu tôi. Đừng giở trò lấy không đàn dê của tôi nhá!... Biết tính Nội, cha gã chả nói gì, ông nhìn quanh quất căn lán rồi lẳng lặng đi ra. Nội không nhìn theo mà ngọt ngào bảo gã:

- Ăn đi cháu. Gã lại hùng hục và cơm ăn. Sau đận ấy một thời gian, tin cứ ồn khắp làng: Thằng Ngỡn đợt này đi bộ đội, có danh sách ở xã đội rồi. Nội nghe được mà vẫn bỏ ngoài tai nhưng việc ấy lại có thật. Chiều nay lúc mặt trời vàng, ông đưa thư lần lên lán đưa cho Nội cái giấy bọc trong cái bì thư. Nội đoán là giấy gọi gã đi bộ đội. Nội ra sau lán, bắc hai tay làm loa cứ thế gọi: Ngỡn ơi, Ngỡn ơi Ngỡn. Tiếng Nội vọng vào núi văng vẳng. Gã vội vớ cái roi lùa đàn dê về. Đàn dê chui tọt vào cũi, Nội đã đứng ngay cạnh, giọng Nội bồi hồi:

- Cháu bóc ngay cái giấy này ra đọc cho Nội nghe, phải giấy gọi đi bộ đội hay mấy ông xã lại gọi cháu có việc gì. Gã vội xoa xoa hai tay vào vạt áo rồi đón cái bì thư từ tay Nội. Vừa mở ra gã đã thấy chữ ký của ông Kỳ xã đội trưởng. Gã từ tốn nói với Nội:

- Giấy trên gọi cháu đi bộ đội Nội ạ.

- Ngày nào thì đi hả Ngỡn? Giọng Nội hơi rầu rầu! Gã nhẩm đọc tiếp mấy dòng rồi bảo Nội:

- Ngày mười chín tháng năm dương lịch (lịch trên ấy Nội ạ).

- Hôm nay mười lăm rồi, còn có bốn hôm nữa thôi!... Nội lặng nhìn gã, hai hốc mắt Nội như ứa đầy nước. Gã hồn nhiên:

- Bốn ngày nữa, Nội phải kể cho Ngỡn (mỗi khi làm nũng Nội gã thường xưng thế) nghe bốn câu chuyện, kể về đời Nội ấy để đi bộ đội, sống xa Nội cháu đỡ nhớ!...

- Cha đẻ anh, lớn tướng rồi còn nũng Nội! Mà này, Nội tần ngần rồi đổ giọng ngọt ngào:

- Bốn ngày nữa, có khi cháu nhắn cái con bé... Nội ngập ngừng. Tự nhiên mặt mày gã đỏ ran lên. Nội cười:

- Cha đẻ anh!..

- Nhưng mà còn có bốn ngày nữa làm thế nào nhắn được hả Nội?

- Thế là Nội biết bụng cháu rồi. Để Nội ra chợ Xão đánh dây thép cho nó. Nhưng đưa cái địa chỉ của nó đây cho Nội. Gã lặng lẽ nghe theo. Mọi việc thế mà thuận buồm xuôi gió. Ngày mười tám, Nội đang hì hụi ngâm gạo đồ xôi để làm cơm liên hoan cho gã lên đường thì Thủy về. Nội mừng lắm. Thủy mua cho Nội cái khăn sợi vuông. Nội vừa cười vừa nói: Cháu thật chu đáo, bà cám ơn nhiều. Nói rồi Nội đón cái khăn từ tay Thủy. Thủy òa khóc! Gã chả hiểu gì, cứ đứng ngẩn nhìn! Nội vỗ vỗ vào vai Thủy:

- Cháu của bà, đúng là cháu của bà thật rồi! Nhưng đừng mau nước mắt thế người đi xa nó hay nao lòng! Làm con giai khi nước non có loạn lạc phải ra trận, hết giặc thì về chứ có gì mà phải khóc cháu. Vừa nói Nội vừa vỗ vỗ bàn tay lên vai Thủy. Lúc này gã mới vỡ ra nhẽ tại sao Thủy khóc. Gã tần ngần hết nhìn Thủy lại nhìn Nội. Nội vẫn vỗ vỗ bàn tay lên vai Thủy như nựng đứa trẻ nhưng gã thấy trong hai hốc mắt Nội cũng ứa ra những giọt nước lấp lánh. Thấy gã tần ngần, Nội bảo:

- Hai đứa vào nhà cất đồ đạc rồi gúp Nội gời lửa lên để thổi cơm, cũng chiều chiều rồi đấy. Gã và Thủy chỉ biết vâng dạ rồi cứ thế làm theo lời Nội. Ba bà cháu mà tấp nập cả cái lán. Đến lúc lên đèn thì mâm cơm cũng dọn ra. Ba bà cháu vừa ngồi vào thì đám bạn của gã và bà con lối xóm cũng đèn đuốc đến chơi. Cha mẹ gã bảo:

- Sáng mai bà cháu về nhà, vợ chồng con làm mâm cơm... Nội cười:

- Nó ở đây, làm liên hoan ở đây, tôi liệu đủ cả rồi. Biết tính Nội, cha mẹ gã đành làm theo. Đêm ấy cái lán rộn ràng đến tận khuya. Mọi người về hết, chỉ có một cái giường. Thế là Thủy nằm một bên, gã nằm một bên cùng bo lấy Nội ngủ. Ngày hôm sau cha mẹ gã mang cỗ lên cái lán cùng góp vui, bà con làng xóm người cười người khóc, ai cũng cho gã tiền. Khoảng 9h thì có xe  đón. Gã cắp cái tay nải toàn là đồ ăn thức uống cùng anh em nhập ngũ trong đợt leo lên xe. Xe chạy, gã ngoái nhìn lại, cả làng vẫn đứng nhìn theo. Nội bo vai Thủy cũng lẫn trong đám người làng đông đúc. Lúc ấy trời đã đầy nắng, con xe để lại một vệt bụi cát kéo dài dọc con đê làng. Ngày đầu tiên, cũng là những ngày dằng dặc gã bắt đầu cuộc  sống xa Nội, xa quê.

(còn tiếp)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...