Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tiếp nhận văn học hậu hiện đại ở Việt Nam - Tiềm năng và dự báo

Phan Tuấn Anh - 10-07-2012 03:19:12 PM

“Bất cứ thứ gì có thể tồn tại ở đó thì sẽ xác thực, không phức tạp, không ngớ ngẩn, không gian dối. Tạ ơn Chúa: ngay đến cả Gimpel cũng không thể bị lừa dối”

 [Gimpel thằng ngốc - I.Bashevis Singer]

 

1. Tổng quan tiến trình tiếp nhận lý thuyết văn học hậu hiện đại ở Việt Nam

    Với tính chất, ý nghĩa và vai trò của chủ nghĩa hậu hiện đại trong đời sống văn học nghệ thuật đương đại, có thể nói việc đánh giá lại quá trình tiếp nhận lý thuyết này ở Việt Nam là một nhiệm vụ cần thiết. Hậu hiện đại ngày nay không chỉ là sáng tạo của con người trên phương diện lý luận hay triết học, mà chính bản thân nó đã “tái tạo ra con người” theo những quy luật riêng. Có thể nói, hậu hiện đại không đơn thuần là một trào lưu nghệ thuật, một học thuyết, mà nó đang dần trở thành không gian và khả tính văn hóa trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, do khuôn khổ của bài viết có hạn, chúng tôi không thể liệt kê đầy đủ mọi bài viết, tác giả, dịch giả đã có công lao giới thiệu và tiếp biến lý thuyết văn học hậu hiện đại ở nước ta, mà chỉ bước đầu tổng quan lại chính những thành tựu đổi mới về mặt nhận thức và quan niệm văn học, được rút ra từ những công trình của các nhà nghiên cứu trong nhiều năm qua.

    Một cách tổng quan, có thể nhìn nhận rằng, vai trò cơ bản đầu tiên trong tiến trình tiếp nhận lý thuyết văn học hậu hiện đại ở Việt Nam thuộc về các nguyên tác đã được dịch và giới thiệu. Vai trò tiên phong của các nguyên tác trong quá trình tiếp nhận đã được thể hiện dưới nhiều góc độ như: xã hội học – văn hoá, triết học và nghiên cứu văn học nghệ thuật. Trên phương diện xã hội học – văn hoá, các nguyên tác đã góp phần xây dựng quan niệm mới về bản chất xã hội hậu hiện đại, với các thuộc tính cơ bản như: một trật tự thế giới mới (trật tự toàn cầu hóa), một “kích cỡ” địa cầu mới (thế giới cỡ nhỏ trong một nền phẳng), một phương thức tạo lập giá trị mới (phương thức tạo lập giá trị có tính chất “thậm phồn” (hyper) từ truyền thông và quảng cáo), và một quan hệ giao tiếp mới giữa con người với con người (giao tiếp qua những “vật thế vì” trên mạng). Chính trật tự xã hội đó đã tạo tiền đề cho việc kiến tạo nền văn hóa mới theo các quan niệm: văn hóa như là ngôn ngữ và kí hiệu (của U.Eco, Derrida, Lyotard…), văn hoá như sản phẩm của nền công nghiệp sản xuất tiêu dùng (Mc Luhan, J. Wolff…) và văn hoá như là quyền lực (Foucault). Ở lĩnh vực này, chúng ta có thể nhắc đến công lao của một số dịch giả, nhà nghiên cứu như Nguyễn Tuệ Đan, Tôn Thất Huy, Đỗ Lai Thúy, Trịnh Bá Đĩnh, Phương Lựu, Phùng Văn Tửu, Vũ Đình Phòng, Nguyễn Kim Loan, Thiệu Bích Hường, Trần Thiện Đạo, Vũ Ngọc Thăng, Lê Minh, Nguyễn Quang A, Nguyễn Hồng Quang…

    Quá trình tiếp nhận lý thuyết văn học hậu hiện đại còn được thực hiện qua một bộ phận nguyên tác quan trọng, đó là hệ thống các tác phẩm triết học. Có thể tạm chia các nguyên tác triết học có vai trò làm xuất hiện lý thuyết hậu hiện đại ở nước ta theo hai bộ phận cơ bản. Thứ nhất, đó là các tác phẩm của các nhà cấu trúc luận (và hậu/giải cấu trúc luận) như: J. Derrida, M. Foucault, U. Eco, R. Barthes, J. Lacan... những người đặt nền móng tư tưởng cho triết học hậu hiện đại. Thứ hai, đó là các nhà lập thuyết hậu hiện đại một cách chính thức như: J. F. Lyotard, F. Jameson, I. Hassan, J. Baudrillard, P. K. Feyerabend và G. Deleuze… Việc bước đầu dịch, giới thiệu và khảo cứu tư tưởng của các triết gia trên của một số nhà nghiên cứu Việt Nam như Trương Đăng Dung, Phương Lựu, Trần Quang Thái, Lê Huy Bắc, Thụy Khuê, Bùi Văn Nam Sơn, Inrasara… đã tạo tiền đề quan trọng trong việc nhận thức chủ nghĩa hậu hiện đại từ góc độ tư tưởng và triết học. Thông qua sự tìm hiểu về triết học hậu hiện đại, sẽ mở ra cánh cửa nhằm tiếp cận lý thuyết hậu hiện đại từ góc độ các công trình nghiên cứu nghệ thuật. Về cơ bản, các công trình nghiên cứu nghệ thuật hậu hiện đại ở Việt Nam đã phác thảo nên một số đặc điểm chính yếu như: tính giải thẩm mỹ, tính hậu thuộc địa, tính thị giác và quá trình số hoá nghệ thuật... Bên cạnh đó, các tác phẩm chuyên nghiên cứu về văn học hậu hiện đại được dịch ở nước ta đã góp phần đặt lại những quan niệm quan trọng trong nghiên cứu văn học. Điều này thể hiện một cách rõ nét trong việc chuyển biến những quan niệm thẩm mỹ về thể loại so với lý luận văn học truyền thống. Ba thể loại cơ bản có nhiều biến động nhất về quan niệm thẩm mỹ và thi pháp được nhận thức đó là thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn. Đối với thơ, đó là một loạt các quan niệm mới như: thi pháp khẩu ngữ, việc trình bày gắn với diễn xướng, sự loại bỏ cái tôi trong quan niệm nghệ thuật, bút pháp trung tính. Đối với tiểu thuyết, đó là hệ thống quan niệm thẩm mỹ mới như: thi pháp hỗn độn, sự loại bỏ nhân tính trong nhân vật, khuynh hướng tự ngắm vuốt, tính giễu nhại và carnaval hoá. Đối với truyện ngắn hậu hiện đại, đó là các đặc trưng như: tính mảnh vỡ, tính kì ảo và tính cực hạn. Có thể ghi nhận đóng góp của một số dịch giả, nhà nghiên cứu tiêu biểu trên lĩnh vực này như Nguyễn Trung Đức, Hoàng Hưng, Lê Huy Bắc, Hoàng Ngọc Tuấn, Khế Iêm…

    Tổng quan lại các ý kiến và quan niệm mang tính tiếp thu và cải biến của các nhà nghiên cứu Việt Nam về hậu hiện đại, có thể chia thành hai nhóm khuynh hướng cơ bản:

    + Khuynh hướng thứ nhất đó là những quan niệm xem hậu hiện đại là trạng thái tinh thần xã hội và là quy luật phát triển tất yếu của văn học. Đây là hệ thống những quan niệm ủng hộ, xác nhận về sự tồn tại của văn học hậu hiện đại trong đời sống văn hóa tinh thần ở nước ta nói riêng và thế giới nói chung.

    + Khuynh hướng thứ hai đó là những quan niệm xem hậu hiện đại chỉ là thuật ngữ rỗng và có tính chất mở. Tính nội hàm của thuật ngữ hậu hiện đại không thể xác định được. Quan niệm này nghi ngờ tính chất tồn tại một cách xác thực của thời kì hậu hiện đại nói chung và văn học hậu hiện đại nói riêng.

    Quá trình thức nhận lý thuyết hậu hiện đại ở Việt Nam không chỉ là tiếp thu và cải biến, mà còn đạt đến trình độ áp dụng vào thực tiễn nghiên cứu và phê bình văn học. Một loạt những cây bút phê bình và nghiên cứu văn học như Inrasara, Cao Kim Lan, Lã Nguyên, Nguyễn Hưng Quốc, Phùng Gia Thế, Đoàn Ánh Dương… cũng đã ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại một cách đầy thuyết phục trong việc nghiên cứu đời sống văn học Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, lý thuyết hậu hiện đại còn được các học giả ở Việt Nam (Thích Thanh Thắng, Nhật Chiêu, Cao Huy Thuần, Trần Quang Thái…) ứng dụng nhằm nghiên cứu và đối sánh trong các lĩnh vực khác như: tôn giáo học, thiền học hoặc triết – mỹ học, tạo ra khoa nghiên cứu hậu hiện đại liên ngành. Với sự tổng kết quá trình tiếp nhận lý thuyết hậu hiện đại Việt Nam, có thể đưa ra một số nhìn nhận mang tính dự báo cho sự phát triển đời sống văn học nước nhà, từ thực tế cho đến viễn cảnh. Đầu tiên, cần khẳng định rằng hiện nay sự phát triển của văn học Việt Nam vẫn còn là sự băn khoăn và ngập ngừng giữa đường biên hiện đại với hậu hiện đại. Những ý kiến mang tính phản biện, phê phán các hạn chế và mâu thuẫn của lý thuyết văn học hậu hiện đại là cần thiết, mang tính phản tỉnh trong quá trình tiếp nhận. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cơ sở hy vọng vào tương lai không xa của văn học hậu hiện đại trong đời sống văn học Việt Nam. Đó là yêu cầu tất yếu của thời đại, là ước vọng đổi mới nền văn học dân tộc, là sự khẳng định bản sắc và vị trí của nền văn học Việt Nam trong dòng chảy chung của nền nghệ thuật thế giới.

    2. Văn học hậu hiện đại Việt Nam – tiềm năng và dự báo

      Mặc dù vẫn còn nhiều ngại ngần trước quá trình đổi mới nền văn học dân tộc theo hướng hậu hiện đại, nhưng rõ ràng vấn đề của lý luận hiện nay không phải là đồng ý hay phản đối, mà là dẫn đường cho sáng tạo phát triển sao cho hợp lý và đạt nhiều thành tựu nhất. Bởi vì, văn học hậu hiện đại trong đời sống văn học nước nhà đang là một thực tế, chứ không còn là khả năng. Tuy nhiên, về cơ bản văn học Việt Nam vẫn chịu nhiều bất lợi trong việc chuyển hướng sáng tạo theo hướng hậu hiện đại. Mặc dù vậy, chúng ta cũng có những thuận lợi rất cơ bản, đó là tâm thế ở Việt Nam hiện nay gần tương đồng với sự giải thiêng và bất tín đối với các đại tự sự. Hơn nữa, quá trình tiếp nhận lý thuyết hậu hiện đại ở Việt Nam chỉ mới diễn ra trong một giai đoạn ngắn nhưng đã hình thành một tâm thức hậu hiện đại, qua đó bù đắp phần nào sự thiếu vắng hoàn cảnh kinh tế hậu hiện đại. Có thể nói, ở Việt Nam hiện nay điều kiện kinh tế hậu hiện đại là chưa xuất hiện đầy đủ, nhưng tâm thức và kĩ thuật viết hậu hiện đại là khá rõ nét trong nhiều tác phẩm văn học.

      Mặc dù khuynh hướng văn học hậu hiện đại ở ta chưa đem lại nhiều thành tựu, nhưng rõ ràng nếu ta đòi hỏi ngay thành tựu thơ Mới ở Phan Khôi, hoặc sự cách tân tiểu thuyết triệt để ở Hồ Biểu Chánh sẽ là một đòi hỏi phi lịch sử. Cái mới chỉ xuất hiện trong lòng cái cũ, cái toàn bích chỉ được tạo nên từ sự mài giũa những cái thô sơ chất phác. Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa, việc đứng ngoài dòng chảy nghệ thuật đương đại không chỉ là ước muốn thủ cựu, mà bản thân ý định đó là không thể thực hiện được. Một lý do khác cũng cần được xét đến, theo Hans Bertens và Douwe Fokkema, ở những nước đã trải qua thời hiện đại một cách hoàn chỉnh, và bản thân nền văn hóa có tính “tiên phong” (avant-garde) mạnh mẽ, thường xuyên chấp nhận thể nghiệm và thay đổi, thì việc tiếp cận chủ nghĩa hậu hiện đại thường gặp khó khăn. Nước Pháp - quê hương của triết học hậu hiện đại với người lập thuyết Lyotard là một ví dụ điển hình. Trong khi đó, ở những nước chưa trải nghiệm tính hiện đại một cách sâu sắc, thì việc tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ dễ dàng hơn, dẫu diện mạo hậu hiện đại ở đó sẽ ít nhiều mang bản sắc địa phương ([1]).

      Thực tiễn sáng tạo cho thấy, văn học hậu hiện đại là một trào lưu quốc tế có sự phân bố đồng đều ở các nước đang phát triển, chứ không chỉ gói gọn vào những nền văn hoá lớn ở phương Tây. Một loạt các tác gia ở Zaire (Y.Mudimbe), Mexico (C.Fuentes), Maroc (A.Khatibi), Sri Lanka (M.Ondaatje), Kenya (Ngugi), Somali (N.Farah), Nigeria (B.Okri)... đã khẳng định được bản sắc nghệ thuật địa phương của mình trong dòng chảy hậu hiện đại, mà không phải chịu mặc cảm tiểu nhược khi đối diện với các cây bút hậu hiện đại lừng danh ở phương Tây. Nhìn sang bên cạnh, người hàng xóm Trung Hoa với nền văn học luôn suy tôn tính truyền thống nhiều lúc đến cực đoan, thì sự chuyển mình trong việc tiếp nhận - sáng tạo lý thuyết hậu hiện đại của họ cũng đã được thực hiện từ khá sớm (từ những năm 1993 - 1994) và thu được nhiều thành tựu. Theo nhà văn Zhu Binglong:

      “Dường như người Trung Hoa đã đón nhận chủ nghĩa hậu hiện đại không một chút lưỡng lự như là họ đã từng lưỡng lự khi đối diện với chủ nghĩa hiện đại. Các yếu tố hậu hiện đại trong văn chương Trung Hoa ngày nay, trong dáng dấp ban đầu của chúng, đã chín muồi và tinh xảo” ([2]).

      Như vậy, ở một nước văn hoá Á Đông đi theo chính thể vô sản, vẫn hoàn toàn có tiềm năng để tiếp thu lý thuyết hậu hiện đại vào khoa nghiên cứu văn học và cả thực tiễn sáng tạo. Quan trọng hơn nữa, chủ nghĩa hậu hiện đại không phải là chủ thuyết nghệ thuật có tính toàn trị, mà nó là một hệ thống mở. Việc đổi mới văn học nước nhà theo hướng hậu hiện đại không có nghĩa là loại trừ những thành tựu và bản sắc mà chúng ta đã có, hoặc nhất nhất chỉ đi theo lối hậu hiện đại. Trong tiến trình đổi mới văn học nước nhà, Xuân Diệu không làm mất đi Nguyễn Trãi, thơ Mới không phủ định giá trị của truyện thơ Nôm. Giá trị là những thuộc tính mà một khi đã khẳng định được chỗ đứng trong lịch sử thì sẽ khó bị mất đi. Cũng cần phải nhận định thêm rằng, không ai có thể lấy đi những thuộc tính giá trị mà chúng ta đã có, đúng như nhận định của U. Eco: “khi một nền văn hóa đã được một lịch sử cưu mang, chưa bao giờ xảy ra chuyện cái gì đó giết chết cái kia một cách giản dị. Chỉ có chuyện cái gì đó đã thay đổi cái kia một cách sâu sắc” ([3]).

      Nhưng vấn đề cơ bản được đặt ra ở đây là, vậy văn học hậu hiện đại ở Việt Nam sẽ có diện mạo riêng như thế nào? Bản sắc Việt trong dòng chảy văn học hậu hiện đại sẽ ra sao? Hay chỉ là một mớ bóng chữ lộn xộn, lai ghép hỗn độn như một món nộm của ý tưởng mà các nhóm Ngựa trời hay Mở miệng thời gian qua đang tiến hành thử nghiệm. Nhìn nhận một cách bình tâm, đời sống văn học nước nhà hiện nay có hai xu hướng phát triển theo hướng hậu hiện đại. Một xu hướng kết hợp các thủ pháp hậu hiện đại (giễu nhại, cực hạn, huyền ảo…) với đặc trưng thể loại, thi pháp và quan niệm thẩm mỹ truyền thống, đại diện cho khuynh hướng này có thể kể đến Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Lý Lan, Vi Thuỳ Linh, Trần Tuấn, Hồ Anh Thái, Thuận, Đoàn Minh Phượng… hoặc xa hơn một chút là Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Đây là xu hướng đổi mới có chừng mực nhất định và không hoàn toàn hậu hiện đại, không tuyên ngôn sáng tác của mình là tác phẩm hậu hiện đại. Tuy nhiên, các sáng tác của khuynh hướng này thực sự là những tác phẩm có giá trị quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Xu hướng thứ hai là sự đổi mới triệt để, từ hình thức cho đến nội dung theo hướng hậu hiện đại, cách ly hẳn với những truyền thống văn học cũ, đây là xu hướng hậu hiện đại toàn diện và “có ý thức” tự giác. Có thể kể đến một số cây bút trong xu hướng này như Khế Iêm, Inrasara, Bùi Chát, Lý Đợi, Đặng Thân, Phan Bá Thọ, Lê Minh Phong… mà đặc biệt là Đặng Thân. Tuy nhiên, những sáng tác của họ đa phần chỉ mới nằm ở “ngoại biên” đời sống văn học, dừng lại ở mức những thể nghiệm thăm dò, trừ những trường hợp bước đầu được thừa nhận như Đặng Thân, Inrasara, Khế Iêm. Mặc dù vậy, bản chất của nghệ thuật là những thể nghiệm, còn giá trị lại chỉ được tạo lập qua sự thử thách của thời gian. Chính vì thế, định mức giá trị của những thể nghiệm này cần có độ lùi về thời gian. Chưa nên vội phán xét phủ định triệt để hay vội tung hê đó là một cuộc cách mạng trong nghệ thuật.

      Diện mạo văn học hậu hiện đại Việt Nam, với sự quá độ từ nền văn học mang tính chủ nghĩa hiện thực của thời cận đại lên thẳng hậu hiện đại đương nhiên phải có những đặc thù riêng. Theo Nguyễn Hưng Quốc, chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam, nếu có, chỉ là sự pha trộn và kết hợp giữa những yếu tố hiện đại và hậu hiện đại, trong đó, yếu tố hậu hiện đại đóng vai trò chủ đạo. Do vậy, nhà nghiên cứu này đã đề xuất một thuật ngữ có tính lai ghép là “văn học h(ậu h)iện đại” nhằm diễn đạt tính pha trộn và kết hợp nói trên. Bởi nói cách khác, chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam là chủ nghĩa hậu hiện đại mang tính nguyên hợp (syncretism) ([4]). Nếu không trải nghiệm qua hiện đại, rõ ràng sẽ thiếu đi một cơ sở quan trọng nhằm đến với hậu hiện đại một cách bền vững. Tóm lại, tương lai văn học hậu hiện đại ở Việt Nam là một thách thức, đồng thời là một cơ hội nhằm hiện đại hóa nền văn học dân tộc lần thứ hai trong vòng hai thế kỉ qua. Khác với công cuộc hiện đại hóa giai đoạn 30 - 45, vốn là quá trình hiện đại hoá có tính “bắt buộc” của lịch sử (do đất nước bị Pháp thuộc). Công cuộc hiện đại hóa lần thứ hai (theo xu hướng hậu hiện đại) là quá trình tự giác, hoàn toàn xuất phát từ những nguyên nhân nội tại của nghệ thuật và yêu cầu của thời đại. Ít ra, trong công cuộc đổi mới này, chúng ta vẫn đi sau thế giới, nhưng may mắn không bị tụt hậu một khoảng cách quá xa. Một phần lớn lợi thế đó là nhờ nỗ lực tiếp nhận lý thuyết hậu hiện đại vào Việt Nam khá hiệu quả. Thách thức vẫn còn ở phía trước, bởi công cuộc hiện đại hóa lần thứ nhất đã để lại quá nhiều thành tựu (Thơ Mới, Tự lực văn đoàn, Dạ đài, Xuân thu nhã tập…), cho nên sức ép với những người chủ xướng cho công cuộc hiện đại hóa lần hai rất lớn.

      Trong truyện ngắn Gimpel thằng ngốc của nhà văn hậu hiện đại nổi tiếng người Mỹ I.Bashevis Singer, nhân vật chính đã bị đám đông gán ghép cho một người vợ đầy cay nghiệt và lang chạ. Nhưng Gimpel vẫn nhìn nhận được vấn đề rằng: “Nhưng khi kết hôn thì người chồng trở thành ông chủ và nếu cô ta đồng ý thì tôi cũng đồng ý theo. Thêm nữa, người ta không thể đi qua cuộc đời mà không bị xây xát cho dù không mong chờ vấp phải tí nào” ([5]). Quả thực, đứng trước một quá trình tiếp nhận đầy phức tạp và đối với một hệ thống lý thuyết mang tính chất giải cấu trúc như hậu hiện đại, mỗi chúng ta chỉ như một Gimpel ngốc nghếch đáng yêu đang đối mặt với một người vợ lang chạ đầy ác nghiệt. Tuy nhiên, có một chân lý rằng, “không thể đi qua cuộc đời mà không bị xây xát”, không thể thực hiện một nhiệm vụ khoa học mà không mắc phải những hạn chế hoặc thiếu sót. Nhưng điều quan trọng là, chúng ta đã dám dấn thân như Zarathustra và cuộc hành trình một mình xuống núi. Quá trình tiếp nhận lý thuyết hậu hiện đại ở Việt Nam mới chỉ qua chặng khởi đầu. Chính vì vậy, những thành tựu và cả những hạn chế trong quá trình tiếp nhận văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, cả trên phương diện lý thuyết lẫn sáng tạo, dù sao cũng chỉ mới là bước “khởi động” của một cuộc hành trình dài với nhiều gian nan và thử thách. Tuy nhiên, để tạm kết lại bài viết này, chúng tôi muốn nhắc lại nhận định của Inrasara về việc tiếp nhận văn học hậu hiện đại ở Việt Nam: “Nếu không tiếp nhận ngay từ hôm nay, tôi e rằng chúng ta tiếp tục chương trình làm kẻ trễ tàu thời đại” ([6]).

       


      [1] http://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=viewArtwork&artworkId=327

      [2] http://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=viewArtwork&artworkId=327

      [3] Umberto Eco (1988), Tên của đoá hồng, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 222.

      [4] http://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=viewArtwork&artworkId=327

      [5] Lê Huy Bắc (tuyển chọn) (2003), Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr. 666.

      [6]http://inrasara.com/2008/05/28/nh%E1%BA%ADp-l%C6%B0u-h%E1%BA%ADu-hi%E1%BB%87n-d%E1%BA%A1i-ki-2/

      Lên đầu trang

      Tiêu đề

      Hiện tại không có bình luận nào.

      Viết bình luận của bạn


      Nhân vật  

      Người đi về phía ánh trăng

      VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...