Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Những tiết học bụi đời

Trần Quốc Toàn - 24-08-2013 11:11:28 AM

Bao nhiêu đứa bé tới trường mỗi độ thu sang, nhưng chỉ mình bé Thanh Tịnh là tìm được cách đưa con đường dài và hẹp làng Mỹ Lý của mình vào văn chương, để rồi cứ nói tới khai giảng là người ta lại nhớ trời thu làng Mỹ Lý:

 “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. Cũng như tôi, mấy học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám đi từng bước nhẹ”.   

Nghĩ như trên là để thán phục một học sinh giỏi trường làng, thán phục văn tài Thanh Tịnh chỉ bằng tả cảnh, khéo nối từ cao tới thấp, khéo dẫn từ xa tới gần, tạo góc nhìn đặc biệt, giúp bạn đọc chúng ta nhìn thấy anh học trò kia như hiện ra từ bầu trời sương, bước tới trường trên con đường bỗng dưng khác lạ như đang diễn ra một phép màu. Cái - lạ - phép - màu của buổi đầu tới trường, của học hỏi khiến những anh chị học trò “chỉ dám đi từng bước nhẹ” sợ buổi sáng  thiêng liêng biến mất. Nhưng nghĩ thế, cũng là để kể ra bao thiệt thòi cho những học sinh khác vẫn cố gắng nên người, dù bắt đầu năm học của mình khác với khuôn mẫu bàng bạc sương thu và gió lạnh kia. Khác lạ như các em ở tôi gặp giữa mùa hè ở TP. Hồ Chí Minh.   

Một trưa lỡ bữa, rẽ vào quán bình dân mở trên đường mang tên một ông thầy Nam Bộ, thầy Nguyễn Đình Chiểu. Đang ăn thì thấy một bầy lít nhít hơn 20 đứa bé cỡ tuổi những lớp đầu bậc tiểu học kéo vào. Trông đầu tóc bờm xờm, áo quần lem luốc đủ kiểu, biết ngay đây là một đám bụi đời. Lại nhận ra cái thằng đen nhẻm kia từng đánh giầy cho mình một lần trong tiệm phở, bé gái đầu ngoẹo kia vẫn ngoẹo đầu nhểu nhảo rao bán kẹo chwingum cho người bỏm bẻm “nhai trầu” thời nay dọc đường Đồng Khởi. Các em cũng ngồi bàn, và chưa gọi,  những  người chạy bàn đã xăng xái bưng cơm ra, cũng cơm trắng, thức ăn nóng bầy trên đĩa sứ. Thấy lạ, hỏi bà chủ quán, mới hay, đó là học sinh lớp xóa mù cho trẻ đường phố. Lớp học mở ngay dưới một tán bàng xanh lề đường. Một lớp học mà “đồng phục” mới chỉ thấy ở những đôi chân trần! Cứ 10 giời trưa, những đứa trẻ kia tới với cô giáo Châu của mình, cô sinh viên năm thứ ba trường luật. Xếp vào góc tường này hộp đánh giầy, góc tường kia giỏ nệm móc bọc lượm rác, lận lưng tập vé số bán chưa hết... các em vào buổi học. Học bằng bút viết và tập vở, quà của những người hảo tâm qua đường, động lòng trắc ẩn. Học xong, vào lúc 12 giờ mỗi đứa trẻ được thưởng một xuất cơm chay - cũng là quà tặng của người hảo tâm, dành cho các trẻ hiếu học. Hiếu học nhất trong lớp học vỉa hè này là bé gái chwingum kia, cả lớp ngồi ghế, học trên bàn, riêng em ngồi  phệt dưới đất mà học, bởi vì tay xụi, em phải viết bằng chân.     

Chính người viết bài này cũng từng đi qua năm học đầu đời trên các hè phố Hà Nội, kiểu bụi đời như thế, một thứ bụi đời nghiệp dư. Hồi đang tuổi vỡ lòng, tôi đã được tự do vừa đi vừa học, chứ không bị đưa rước kè kè như người lớn làm với trẻ con hôm nay. Tôi được lang thang quanh Bờ Hồ mà về nhà sau buổi học, bài học vần đã sớm ngọt trên môi người học, mỗi khi đọc chữ Bốn Mùa tên tiệm kem gần đồn công an quận Hoàn Kiếm, xưa là bóp Hàng Trống. Từ Bờ Hồ theo Hàng Đào rồi rẽ vào Hàng Bạc tập đọc Chuông vàng thu đô rền nhạc cải lương; xa hơn, có hôm lên mãi chợ Đồng Xuân vào mùa trung thu tập đọc câu dài trên bảng hiệu một tiệm bánh. Dài những dễ thuộc Tùng Hiên cô tiên gảy đàn vì đã có vần, thuận miệng lại thơm mùi bánh dẻo bánh nướng.    

Nhớ lại ngày ấy, đã có lần cao hứng, trong một cuộc họp phụ huynh học sinh, tôi kiến nghị với cô giáo đang dạy lớp một cho con mình, nên tiến hành những tiết tập đọc dòng dòng ngoài phố, một tiết học bụi đời giúp học sinh thêm yêu tiếng mẹ, yêu mỗi tấc đất dưới chân mình. Để thuyết phúc cô giáo tôi còn dẫn ra một câu hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên bài “36 sợi phố” trong tập “Cánh én tuổi thơ” của ông - Mái rêu phong phím gõ/ lối cũ gìn tơ rung/ Hàng Mắm thêm hàmg Muối/ câu nhạc mặn đầu môi/ Hàng Đồng sang Hàng Bạc/ nhạc gõ theo bước dài…   

Cầu được ước thấy, hè năm ấy tôi được khai giảng một lớp học trên đường, không phải của riêng Hà Nội, cũng không phải của riêng TP. Hồ Chí Minh mà của chung Việt Nam. Một chị bạn Việt kiều, nhờ tôi kèm cặp tiếng Việt cho đứa con gái 20 tuổi, nhờ tôi đi cùng với gia đình chị trong một chuyến xuyên Việt, kiểu bụi đời. Cả bố và mẹ cháu đều là người Việt mình, nhưng mải lo kiếm sống và tranh đấu cho cố hương, lúc cháu còn nhỏ, họ gửi cháu cho một cô đầm vú già, vì vậy, đứa nhỏ suy nghĩ bằng Pháp văn và chỉ bập bẹ tiếng Việt. Những khóa tiếng Việt cấp tốc được khai giảng suốt dọc đường. Học trên vạt cỏ hoang đại nội Huế những chữ trái nổ, cây mắc cỡ. Học dưới tán tùng xanh chùa Linh Ứng đỉnh Bà Nà khi cháu chạm vào một nhành thông khô, cái nhành cây bỗng co chân hóa thành con cào cào thông. Cháu hiếu học, thích tìm hiểu, hỏi luôn miệng. Tại sao vẫn là cây ấy mà khi thì xấu hổ, khi mắc cỡ, khi lại kiểu cách trinh nữ thảo? Tại sao con đường nhỏ dẫn vào từ một đường lớn, ngoài Hà Nội là ngõ, ở TP. Hồ Chí Minh là hẻm mà ở Huế lại là kiệt. Sau ngõngách sau kiệthẻm là gì? Vui nhất là khi, trên bãi biển Lăng Cô, một cặp tây đầm ba lô, không biết vì thiếu tiền hay thiếu thời gian, chỉ để ba lô trên cát, cởi áo, vén quần và vã nước biển lên người. Ai đó trên bãi biển nhận xét: “Kìa! Xem Tây tắm Xẩm”! Đến cái ngữ tiếng Việt đa quốc gia có cả Tây và Tầu này thì cả tôi và cháu cùng xúm lại hỏi người nói, tắm xẩm là tắm thế nào? Cả già và trẻ cùng hỏi cùng học. Vui quá! Vui như hội, ngày hội toàn dân đưa trẻ tới trường.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...