Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Dạ cổ hoài lang và phút xuất thần của người nghệ sỹ

Phan Trung Nghĩa - 23-08-2013 08:09:57 AM

Mấy chục năm qua, thân thế, sự nghiệp và đứa con tinh thần Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được trình bày khá rõ qua hai cuộc hội thảo lớn và nhiều cuộc tọa đàm, với sự góp mặt và đánh giá của nhiều tác giả, văn nghệ sĩ và nhà khoa học. Tác phẩm Dạ cổ hoài lang của ông đã được thống nhất nhận định là bài ca “vua” của các làn điệu vọng cổ, hay nói một cách khác là bài bản đứng đầu bộ vọng cổ. Bài ca ấy có tầm ảnh hưởng quyết định sự phát triển của sân khấu cải lương Nam bộ. Và như thế Dạ cổ hoài lang là một viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc dân tộc.

Để tạo được một viên ngọc, ruột trái đất phải làm việc đến hàng triệu năm, đó là quy luật của tự nhiên. Và như thế, để một tác phẩm đi vào lòng người, nói thay tình cảm nhiều người và có sức sống hàng trăm năm như thế, phải có điều kiện cần và đủ là được làm ra từ một phút xuất thần, một trạng thái thăng hoa cao nhất của người nghệ sĩ.

Trong hai lần hội thảo, có nhiều bài phát biểu, trong đó có cả bài phát biểu của con ruột nhạc sĩ Cao Văn Lầu: “Năm 23 tuổi, vì muốn có cháu nối dõi tông đường nên thân sinh nhạc sĩ đã gọi ông về quê cưới vợ. Vợ ông là một cô gái quê chưa hề quen biết. Vì chữ hiếu nên Cao Văn Lầu bỏ tất cả để về cưới vợ”. Vì chữ hiếu thì đành rồi, một con người sáng tạo ra tác phẩm như thế không có hiếu thì ai có hiếu? Thế nhưng, Cao Văn Lầu không đơn giản như thế, bởi ẩn khuất trong chữ hiếu có vấn đề khác!

Cao Văn Lầu có một người thầy gọi là Nhạc Khị, sau này được giới cổ nhạc phong là Hậu tổ cổ nhạc. Nhạc Khị bị mù bẩm sinh nhưng tài hoa lạ thường. Ông chơi nhiều nhạc cụ, từng là nhạc trưởng của một ban nhạc lễ lớn nhất tỉnh, rồi mở trường dạy cổ nhạc vào đầu thế kỷ 19. Cao Văn Lầu vào học trường của Nhạc Khị 4 năm và luôn là học sinh xuất sắc, được thầy tin yêu giao làm nhạc trưởng ban nhạc lễ. Trong 4 năm đó đã nảy nở mối tình giữa Cao Văn Lầu và cô Hai Sang - con gái lớn của nhạc sư. Cô Hai Sang có vóc dáng xinh đẹp, tính tình kín đáo, đoan trang. Cô Hai đã âm thầm yêu thương chàng trai tài hoa, còn Cao Văn Lầu thì đặt hết tình yêu và khát vọng đầu đời vào cô Hai Sang. Cao Văn Lầu về xin cha mẹ cưới cô Hai Sang. Thân sinh Cao Văn Lầu đi xem tuổi và thầy bói nói rằng tuổi hai người kỵ nhau, cương quyết không cho cưới. Thế là tan nát mối tình đầu! Cô Hai Sang biết chuyện nhưng vì yêu thương Cao Văn Lầu nên nấn ná chờ đến 2 năm. Đến khi hoàn toàn không còn hy vọng lại bị gia đình thúc ép, cô Hai Sang mới đi lấy chồng. Đêm nhóm họ đám cưới ấy, Cao Văn Lầu được mời nhưng không đến, ông nằm ở nhà lặng lẽ đếm những nỗi đau của một tình yêu bị chia cắt. Nhóm bạn trong ban nhạc lễ thấy ông buồn đến nhà kéo ông lại đám cưới để đờn ca cho khuây khỏa. Họ níu kéo đến nỗi ông không kịp thay áo. Vì thế, ông đến dự đám cưới người yêu với chiếc áo rách. Đêm đó, ông đàn một mạch từ đầu hôm đến 3 giờ sáng với những tiếng đàn nặng trĩu sầu thương. Nóng nực, ông cởi chiếc áo rách ra máng trên ghế rồi tiếp tục đàn. Gần sáng, ông lặng lẽ mặc áo vào để về thì mới hay cô Hai Sang đã lén lấy áo rồi ngồi lặng lẽ mạng vá lại áo cho ông trong đêm xuất giá. Những đường kim mối chỉ tuyệt đẹp như lời đoan thệ của một người con gái gởi cho ông một tình yêu trọn vẹn của đời con gái. Nhìn mảnh vá, Cao Văn Lầu rớt nước mắt, rồi một nỗi đau kinh khủng chạy khắp huyết quản của ông. Lần đầu tiên Cao Văn Lầu cảm nỗi đau khủng khiếp của tình yêu con người. Đó là một nhát chém ứa máu xối xả vào tâm hồn ông, nó hằn sâu trong hồn ông một vết tích không bao giờ phai.

Buồn tình, Cao Văn Lầu dẫn ban nhạc lễ đi phục vụ ở các đám cưới, đám ma đến thâu đêm suốt sáng. Một điều lạ lùng là càng buồn, ngón đàn Cao Văn Lầu càng du dương, xuất thần, nghe cứ day dứt như có hồn oan của một mối tình vừa chết ám ảnh. Ngón đàn đã làm nên danh tính nhạc sĩ cho Cao Văn Lầu. Thời điểm ấy lại xuất hiện phong trào ca ra bộ, ban nhạc lễ của ông tập luyện tuồng tích (như “Bùi Kiệm đi thi”...) để chương trình thêm phong phú mà phục vụ công chúng. Thế nhưng, điểm nút thành công của ban nhạc là khi Cao Văn Lầu thu nhận được cô Ba Phấn. Cho đến nay, gần một trăm năm trôi qua, có nhiều người cất công đi tìm nhưng thân thế, sự nghiệp của cô Ba Phấn cứ mơ hồ, lãng đãng như sương khói. Cuộc đời cô như một ngôi sao chợt lóe sáng rồi vụt tắt giữa bầu trời đêm đen kịt.

Người đời đặt tên cô Ba Phấn là vì mặt cô bình thường đã trắng như dồi phấn, môi cô đỏ tươi nhưng mắt lại thăm thẳm buồn như hồ thu. Dáng cô là dáng liễu mảnh mai mà thanh thoát. Đặc biệt là giọng ca của cô truyền cảm lạ thường. Khi cô cất lên tiếng hát, dù ở nơi sang trọng lẫn chốn bình dân, không gian chợt lặng yên như tờ. Chỉ có tiếng hát của cô réo rắt như tiếng suối, trầm lắng như tiếng lòng, dẫn dắt người nghe đến thoát tục mà cảm được những điều sâu lắng của tâm hồn. Với giọng ca và sắc đẹp, cô Ba Phấn vụt sáng rỡ trong lòng người hâm mộ Bạc Liêu.

Từ đó, ban nhạc cổ của Cao Văn Lầu không chỉ nổi danh trong tỉnh mà các tỉnh khác và Sài Gòn đều biết tiếng. Nếu trước đó, ban nhạc chỉ phục vụ ở các dịp quan, hôn, tang, tế của người bình dân, thì nay, các địa chủ, phú hào, quan lại đều mong muốn nhà mình, công sở mình được ban nhạc đến chơi. Cả nhóm Công tử Bạc Liêu cũng rước ban nhạc đến chơi thường xuyên. Những công tử và quan chức giàu sang vừa bị nghệ thuật, vừa bị tài sắc của cô Ba Phấn hút hồn hút vía. Có người ra sức săn lùng chiêu dụ nhưng cô Ba Phấn cự tuyệt tất cả, vì giữa cô và nhạc trưởng Cao Văn Lầu đã nảy nở một mối tình đằm thắm. Đây là lần thứ hai Cao Văn Lầu yêu, yêu tha thiết như mối tình đầu.

Vào một đêm đầu thế kỷ 19, cô Ba Phấn đi hát về, bọn giàu sang mà đê hèn vì quá yêu cô nên nổi cuồng. Chúng bắt giết cô giữa đường rồi quăng xác xuống cầu quay Bạc Liêu. Có người thì nói cô Ba bị bóp cổ đến chết, có người lại bảo cô bị đâm nhiều nhát dao... Nhưng dù cô chết cách nào thì cũng vẫn gây nên một sự căm phẫn, tiếc thương trong lòng người Bạc Liêu lúc bấy giờ. Nhiều năm sau, vẫn còn nhiều cô gái khóc cho cô – người tài hoa yểu mệnh, hồng nhan bạc phận. Thời ấy, người ta nói chính quyền thực dân có mở chuyên án điều tra nhưng sau đó vụ án bị “chìm xuồng”. Phải chăng bọn giàu sang đã dùng tiền mua chuộc?

Điều này đã chồng thêm lên nỗi đau cho Cao Văn Lầu. Mới 23 tuổi, cuộc đời đã quật cho ông tan tác. Một mối tình đầu gãy đổ, mối tình thứ hai nát vụn và giờ đây phải đối diện với oan án của người yêu. Có nỗi đau đời nào lớn hơn nữa không? Khi cha mẹ gọi về cưới vợ, Cao Văn Lầu về trong tâm thế khác, không hoàn toàn vì chữ hiếu (kẻ hậu sinh tôi nói ra điều này cũng mong con cháu bác Sáu Lầu tha lỗi vì không có hướng giải thích nào khoa học hơn). Đó là tâm thế của một người thất tình, bị cuộc đời quật cho tơi tả. Ông về và thả nổi, mặc tình cho dòng đời cuốn trôi! Hành trang mang về là nặng trĩu nỗi đau tình ái.

Cao Văn Lầu ở với vợ không bao lâu thì thân mẫu buộc chia lìa vì vợ ông không sinh được con. Cao Văn Lầu lại phải gánh chịu nỗi đau của kiếp làm người. Từ nỗi đau này, nhiều người cho rằng nó làm ra cái cảm tức của Dạ cổ hoài lang. Theo tôi thì không phải, chưa đủ. Nỗi đau này chỉ có tác dụng là một giọt nước làm tràn ly và nó chỉ có tác dụng kích hoạt các nỗi đau khác vốn cũng đầy ứ trong tâm hồn Cao Văn Lầu. Từ đó, làm nên một cuộc căng đầy, vỡ òa; làm nên một phút xuất thần, một trạng thái thăng hoa của con người nghệ sĩ trong Cao Văn Lầu. Chỉ có thể tổng hợp những nỗi đau, trải nghiệm những nỗi đau trên mới đủ chất liệu kiến tạo một tâm hồn thăng hoa xuất chúng, để có một tác phẩm hay như thế ra đời.

Cao Văn Lầu xuất thân là một tay đàn ở vùng quê hẻo lánh, học hành không đến nơi đến chốn, nhưng tầm vóc tác phẩm của ông có thể đo bằng chiều dài hàng trăm năm. Điều đó chứng tỏ ông đã sáng tạo tác phẩm không chỉ bằng khối óc mà còn bằng trái tim rỉ máu, bằng những rung động sâu thẳm nhất của tâm hồn con người.

Công việc sáng tạo nghệ thuật là thế!

 

(Văn nghệ số 33/2013)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...