Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Lâu rồi không thấy một đàn chim

Nguyễn Thế Tường - 23-08-2013 08:14:45 AM

Tháng mười, tháng mưa lụt. Đồng đất vùng trũng mênh mang nước. Sau lụt là tiết thu phân, trời xanh trong, gió hanh hao, hây hây mát. Cả cánh đồng ngập ngụa cỏ dại, năn lác. Đây đó nổi lên một vài cồn bãi. Lũ trẻ lùa cả đàn trâu thả ra đồng hoang rồi về nhà cắp sách tới lớp, nửa chiều lại rủ nhau đi đón trâu về. Và, khi đàn trâu còn lang thang đâu đó ngoài đồng xa, cả bọn bày ra vô số trò chơi dân gian có gốc gác từ xa xưa. Thảng hoặc có đoạn tơ trời bay xuống, người lớn gọi là bạch lộ. Nước vỗ ì oạp quanh cồn. Những con ốc bươu  béo mập dạt vào. Lũ trẻ vơ cỏ khô nổi lửa nướng ốc sủi bọt kêu xèo xèo. Vô tình có đứa nhìn trời bỗng a… lên, tay chỉ thiên. Tất cả ngước nhìn theo: Một đàn chim đang bay qua, đội hình xếp chữ A hướng theo chiều mũi nhọn, con sau nương theo cánh vỗ con trước, nhịp nhàng và lặng lẽ. Cả bọn như nín thở đăm đăm dõi mắt theo, cho mãi tới khi cái hình chữ A nhỏ dần rồi khuất hẳn. Một đứa thảng thốt: - Hắn bay đi mô rứa hè? - Ai biết!. Một đứa ra vẻ thành thạo: - Chim di cư - Răng mi biết?- Anh tau nói. Anh tau học lớp mười trường huyện cái chi cũng biết hết… Và rồi, chiều nào cũng có đàn chim bay qua. Chiều nào lũ trẻ cũng ngóng theo cho tới khi cái hình chữ A hoa khuất lấp phía chân trời. Cho tới một hôm, khi lũ trẻ đang ngửa cổ hoa mắt nhìn theo đàn chim thì một con bé bỗng ơ ơ chỉ tay lên: Có một con chim đang bay chậm lại, tụt sau đàn, đôi cánh của nó cơ hồ đang yếu đi. Rồi đột nhiên có một con chim nữa cũng tụt lại bay song song như đang dỗ dành khuyến khích con chim kia. Cả bọn nín thở ngoái đầu dõi theo. Nhưng dường như khoảng cách giữa đôi chim và cả đàn đang nới rộng dần ra. Mười giây, hai mươi giây, khi nhưng cái cần cổ trẻ con đã mỏi thì con chim mẹ dần dần bay vượt lên bám theo đàn. Con chim nhỏ tụt lại càng ngày càng xa hơn rồi đôi cánh buông thõng loạng choạng sa xuống như một tờ giấy trắng. Lũ trẻ chăn trâu hè nhau lội băng đồng. Con chim nằm xoãi cánh có vẻ mệt mỏi. Một thằng tóm lấy giơ cao lên. Bỗng vang lên một tiếng kêu lảnh lói. Cả bọn quay ngoắt lại. Mặt con Hến trắng bệch. Nó lao đến giằng con chim khỏi tay thằng kia. Mắt nó đẫm nước, chân lội ì oạp về phía cồn nổi…

Cũng phải mấy chục năm sau, khi đã đến tuổi trưởng thành, đọc ít sách vở tôi mới lý giải được tiếng kêu thương của con Hến. Nghe nói nó mồ côi mẹ. Cha nó là một gã lính tẩy, gặp mẹ nó trong một lần nào đó. Con Hến ở với dì ruột, cũng neo đơn lắm. Bọn trẻ “ra nghị quyết” nhất trí giao cho Hến chăm sóc con chim lạc đàn. Con bé hớn hở ra mặt. Chiều ấy, lùa trâu về chuồng, nó cứ thu lu con chim nhỏ trong vạt áo. Hoàng hôn, gió thu hây hẩy trên đồng, đã thấy se se lạnh.

*

Ba hôm sau, buổi chiều đi đón trâu, con Hến mang theo một cái bọc vải nhỏ. Ra tới cồn nổi, nó xổ xuống một vật gì trắng trắng. Cả bọn bu lại xem, hóa ra là con chim nhỏ đã chết từ bao giờ, cứng đơ. Lần này, con Hến không khóc. Nó kiếm một cái que, đi ra một góc hì hụi đào một cái lỗ, đặt con chim xuống, lấp đất cẩn thận. Cử chỉ của nó chậm rãi, bình thản. Gương mặt nó có gì lạ lạ không giống thường ngày khiến bọn trẻ trở nên cẩn trọng im lặng theo dõi, nghe rõ cả tiếng gió thổi mướt mát trên cánh đồng. Rồi, như có linh tính, cả bọn lại nhìn lên trời. Không phải chờ lâu, trên nền trời thu trong vắt lại một đàn chim bay qua, đội hình xếp chữ A, cánh vỗ thong thả nhịp nhàng và lặng lẽ. Vậy là, bắt đầu từ hôm ấy, cái việc chúng tôi chiều chiều tụ tập ra cồn bãi không chỉ để đón trâu về mà còn háo hức đón tiễn những đàn chim di cư.

Ngày tháng bay như cánh chim trời, khác chăng là một đi không trở lại. Gạo mùa, khoai sắn, cá đồng nuôi chúng tôi lớn dần lên. Đứa vào các trường chuyên nghiệp, đứa cầm súng ra chiến trường “một đi không trở lại”. Ba mươi, bốn mươi năm trôi vèo. Mỗi lần về thăm quê tôi những muốn lang thang ra những cồn nổi có nhiều cỏ may, cỏ mật, nghe lại tiếng gió râm ran mướt mát trên đồng. Rồi bỗng gặp một đoạn tơ trời sa xuống mà tự vấn rằng người quê gọi là “Bạch lộ” liệu có đúng chăng, và như có điều gì sâu đằm lắm trong ký ức mà chưa nhớ ra. Những trò chơi dân gian thuở trước? Bóng dáng những người bạn thiếu thời?... Phải thôi, nhưng không hoàn toàn đúng. Có lẽ là chân dung gầy guộc lẩy bẩy trong gió rét của một người bạn gái với tiếng kêu lảnh lói trong một chiều mùa thu đã xa lắm, nhưng vẫn tự lừa dối mình rằng: vì lâu rồi không thấy một đàn chim.

 

(Văn nghệ số 33/2013)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...