VanVN.Net - Nói về “Thổ phỉ” – cuốn tiểu thuyết vừa đoạt Giải cao nhất của Hội Văn học - Nghệ thuật các DTTS Việt Nam, xin mượn lời nhà văn Trung Trung Đỉnh: Đoàn Hữu Nam là người Kinh sống nhiều năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh đã lặn sâu vào cuộc sống hàng ngày của đồng bào, hiểu biết vùng núi rừng với bao ngõ ngách của nó. Nhiều đoạn trong “Thổ phỉ” được viết một cách thăng hoa, bay bổng. Các trang văn đó ra đời qua sự chiêm nghiệm dài lâu từ đời sống thực của đồng bào thể hiện bởi tinh thần nghệ sĩ trong anh. Đó là điều đáng quý nhất. Nó không giả vờ mà rất thực. Có thể gọi đó là huyền ảo núi rừng dân tộc Việt Nam cũng được. Cạnh đó, theo dõi Đoàn Hữu Nam ta thấy ở tác phẩm này, anh thoát khỏi kể mà đã có ý thức dựng truyện rất rõ nét…VanVN.Net trân trọng giới thiệu 3 chương đầu của tiểu thuyết này…
Tiểu thuyết Thổ phỉ
THỔ PHỈ
1
Buổi lễ cấp sắc cho Triệu Phú Vương, con trai cả của Chủ tịch xã Sín Chải Triệu Tá Dùn đang vào giây phút quyết định. Căn nhà hai mươi mốt gian chật như củi bó. Người đến dự lễ có hoàn cảnh khác nhau, lý do khác nhau song tất cả đều nín thở dồn tâm nguyện vào người chịu lễ.
Trong khói hương nghi ngút, tiếng trống trầm hùng, tiếng chiêng chập cheng huyền bí, tiếng kèn lảnh lót thúc quân xung trận, tiếng tù và đánh thức rừng núi, tiếng xúc xắc sôi động, dưới sự điều khiển của thầy Sùng Peng ba thanh niên trang phục theo nghi lễ của người được phong sắc đến đứng trước bàn thờ đợi lệnh.
Cùng lúc thày Khòi Cháo cuộn ba tờ tranh thờ thần dựng tựa trên cái bàn kê sát vách. Triệu Phú Vương nhắm mắt, quay lưng, lùi lại ba bước, đưa tay ra đằng sau run run sờ vào bức tranh thần.
Người họ Triệu đứng tim.
Người Dao Sín Chải đứng tim.
Thành hay không thành? Số phận của người chịu lễ ra sao? Người Dao đỏ nơi đây trông cậy được ở người thanh niên này thế nào? Tất cả đều ở phút giây định mệnh đang chờ đợi.
Ba bức tranh thờ thần mà người thụ lễ sắp bắt, bức nào cũng có thần tài phù trợ? Thần Thài vẳy- Vị thần của sự bình yên, khiêm nhường, nín nhịn, coi trọng việc học hành thành đạt. Ở đâu có thần Thài vẳy hiển linh ở đó có quân sư tài giỏi, thông hiểu lý lối, chữ nghĩa. Người quân sư đó có thể dẫn dắt tộc người ra khỏi những rắc rối trên đời, tạo dựng cho rừng, cho núi, cho con người cuộc sống bình yên, giữ cho con suối, dòng sông xuôi về tận biển. Thần Zồng tàn - Vị thần dũng mãnh có thể đối mặt với cái ác, với thiên nhiên hung dữ. Người Dao coi mình là kềm mền ton (người ở rừng), trời định cho người Dao lấy núi làm chỗ chở che, lấy rừng làm nguồn sống. Cha núi cho người Dao điểm tựa, mẹ rừng cho người Dao nguồn sữa. Mẹ cha nâng đỡ, nuôi nấng người Dao từng ngày song cũng thử thách người Dao từng bước. Có thần Zồng tàn phù trợ là có những con người mạnh như hổ, khéo như báo, nhanh như hươu nai, đủ sức, đủ khéo léo chống chọi với gió mưa, thú dữ. Có thần Zồng tàn phù trợ là có những vị tướng tài cầm quân đánh giặc bảo vệ được bản làng. Nhưng trong lúc thời thế như nồi thắng cố đang sôi; thú to, thú nhỏ gầm ghè; tranh giành, cướp giật khắp nơi thì khát khao cháy bỏng của cả cộng đồng người Dao Sín Chải hướng cả vào thần Hòi Phan - Vị thần có thể phù hộ cho họ có người dẫn dắt ra khỏi cảnh múa dao trong sọt, giữ cho đất này trong ấm ngoài êm.
2
Trong khi đám người cuồng tín để cả hồn vía vào lễ bái thì trong một ngách buồng của chủ nhà, Triệu Tá Sắn đang một mình một mâm rượu.
Căn buồng giống như cái hang thuận cho Sắn việc giấu mình. Mâm rượu vừa lưu giữ Sắn, vừa tạo cho Sắn có thời giờ thu hết mọi động tĩnh từ bên ngoài để ngẫm ngợi, để chuẩn bị cho mai sau.
Triệu Tá Sắn là con cả của Châu đoàn Triệu Kim Vảng. Họ Triệu cha truyền con nối cai quản vùng Sán Chải. Triệu Kim Vảng là con cả, giàu có, lại có binh quyền trong tay nên đương nhiên quyền thế nghiêng trời lệch đất. Triệu Tá Sắn nối được nghiệp bố, còn hơn bố cả trong quan trường lẫn quan hệ trong, ngoài dòng tộc.
Sắn ra đời đúng vào mùa sinh nở của loài hổ, được loài hổ chở che, cho bú mớm. Tương truyền loài chúa sơn lâm có lãnh địa rộng lớn ở phía Tây dãy Hoàng Liên từ xửa xưa là vệ sỹ của thiên cung. Năm nọ loạn rừng, động biển. Trên trời, các loài chim tự nhiên bay vọt ra khỏi tổ, lao vào mổ xẻ lẫn nhau. Cuộc chiến của móng vuốt, mỏ, cánh làm cho bầu trời vùng rừng tối sầm, lông chim bay mù trời, cứt chim, máu chim, thịt chim rơi lả tả, tiếng quang quác kêu than náo loạn cả trời xanh. Dưới đất, các loài thú tự nhiên lao ra khỏi ổ, thú lớn cắn xé thú bé, thú lớn quần nhau với thú lớn, thú lớn, thú bé ăn thịt lẫn nhau. Dưới nước, thần rùa, thuồng luồng, cá lớn, cá bé tranh giành chỗ sống, đánh nhau một mất một còn, máu tanh nhuộm đỏ suối, đỏ sông, tôm cả nổi trắng mặt nước, đất đai ngập chìm, lũ lụt.
Loạn lạc làm cho gầm trời náo động, thần linh thổ địa kinh hoàng, oán hận động cả trời xanh. Ngọc Hoàng cả kinh, vội phái vệ sỹ hổ xuống trần gian dẹp loạn. Do oai phong lẫm liệt lại được theo học thập bát ban võ nghệ của Miêu sư nên hổ chiến thắng được muôn loài lấy lại được bình yên cho hạ giới. Với chiến công dẹp loạn, hổ được Ngọc Hoàng Thượng đế đóng dấu chữ Vương vào trán rồi cho cai quản bách thú sinh sống quanh núi Hoàng Liên.
Ngày Sắn sắp chào đời thì mẹ Sắn vô tình chui qua rừng ma. Hàng trăm con ma đói khát vây quanh đùa bỡn, một tốp thợ săn phát hiện ra đưa về nhà châu đoàn thì bà đang ngấp nghé ở cửa địa ngục.
Lễ bói ma tại nhà châu đoàn diễn ra trong trang nghiêm, bí hiểm. Trong chuồng, mấy chục con lợn, hàng trăm con gà bình thản chờ thần chết. Đầu hồi, mười con chó mực buộc sẵn chờ hóa kiếp. Trong nhà, người bệnh nằm thiêm thiếp trên giường, mọi người ngồi quanh nín thở chờ đợi. Nỗi lo lắng, mệt mỏi thành cái chài khổng lồ trùm lên cả họ tộc, lây lan ra cả những người khác dòng khác giống.
Thầy cúng vào cuộc. Trên mảnh vải đỏ trải trên bàn trước mặt thầy là đồ nghề mười đời ăn cơm thiên hạ. Tiếng cúng của thầy chỉ có hồn ma mới chịu nổi dai dẳng thúc vào đêm, vào trí não mọi người. Cái mâm chứa cả trăm cái răng nanh hội tụ hồn vía các loài mãnh thú như hổ, báo, gấu, lợn lòi... hất lên trời như hất ngô rồi lại tụ xuáy vào giữa mâm. Bỗng tiếng hét kinh thiên động địa của thầy phát ra làm mọi người giật mình. Người bệnh toàn thân đỏ như con tôm luộc, lông mọc dài, hai tay giang ra như một tội đồ, miệng hú hét kêu cứu. Tiếng ai đó trong đám đông ngoài sân thốt lên:
- Ma rừng bắt hồn, bắt vía bà chủ rồi!
Một người quỳ xuống ngẩng mặt lên trời:
- Trời ơi! Sao trời nỡ hại cả mẹ cả con bà chủ thế này!
Tất cả quỳ theo. Tất cả ngước mắt lên bấu víu vào bầu trời. Bầu trời tối đen như mực, thỉnh thoảng vài ngôi sao lóe lên rồi lại mất hút vào biển đêm – Trời vừa nhìn, vừa không nhìn xuống nhà họ Triệu ở Sán Chải.
*
* *
Cuộc chiến dai dẳng giữa thầy cúng với ma rừng kéo dài năm ngày năm đêm mà hành trình từ bến chết ra bến sống của người mang quan tài gặp nạn vẫn lạc trong thăm thẳm rừng mê. Đêm ngày thứ sáu bỗng dưng người bệnh biến mất. Cả vùng lao vào cuộc tìm kiếm. Mười hai đội thợ săn được ba mươi sáu tên lính khố xanh hỗ trợ khuấy đảo khắp vùng. Suốt dải rừng phía Nam, phía Đông dãy Phan Si bị người, bị chó quần nát. Mười sáu thầy mo trong vùng lần tìm nát sổ Nam Tào... Những gì làm được họ Triệu đã làm, cả vùng đã làm, song vợ của châu đoàn vẫn như rùa xuống vực. Cho đến ngày thứ mười bẩy một thằng bé khát sữa mò vào mút vú con hổ cái nhồi trấu ở góc nhà mọi người mới ồ lên. Chúa sơn lâm là nỗi khiếp sợ không cùng của các loài ăn cỏ, ăn thịt nhưng cũng là loài trừ tà ma, mang lại sự may mắn cho con người. Có thể trong mê trong tỉnh vợ châu đoàn đã nghĩ đến điều này nên đã mò đến lãnh địa của loài hổ, quyết đánh đổi mạng sống của mình để cứu được đứa con trong bụng.
Một quyết định chóng vánh được đưa ra. Món tiến thưởng gồm hai con trâu, năm con lợn, mười vò rượu, một trăm đồng bạc trắng, năm năm không phải đóng sưu thuế cho những ai dám vào lãnh địa của hổ tìm bà châu đoàn khiến ai nấy vừa hoa mắt, ù tai, vừa e ngại như chuẩn bị chui xuống địa ngục.
Lãnh địa của hổ ở phía Tây dãy Hoàng Liên.
Tương truyền khi bắt đầu giáng trần loài chúa sơn lâm võ nghệ cao siêu, tinh thần gan dạ, dũng cảm, thích mạo hiểm là một loài ăn cỏ. Thảo nguyên bao la, đất đai mầu mỡ, mưa nắng thuận hòa đã sản sinh ra một loài cỏ mềm, ngọt, hương mật thơm tỏa ngan ngát làm cho loài quanh quẩn trên chốn nghiêm trang, lạnh lẽo thích thú. Chúng quây quần, hòa thuận, cùng các loài ăn cỏ khác tung tăng khắp chốn, lấy cỏ nuôi mình, lấy mình nuôi cỏ, không loài nào bắt nạt loài nào. Trong thuận có nghịch, trong thuận nuôi dưỡng mầm họa, các loài sinh sôi nảy nở như nấm mùa mưa khiến loài cỏ thơm ngon không mọc kịp. Mùa hạ - ông trời đổ lửa rang khô mặt đất khiến cây cỏ khô héo. Mùa đông - sương muối, mưa tuyết làm cây cỏ lụi tàn. Loài người - mang lửa lòng, lửa giời đến quanh năm triệt phá..., Tất cả hùa nhau phá vỡ sự yên bình, làm cho thảo nguyên mất dần màu xanh, làm cho đói khát bao trùm, muốn tồn tại thú lớn phải nhai nuốt thú bé, thú bé phải cậy nhờ hang hốc, cây cối. Hổ là một loài háu đói và nóng tính. Thấy cái đuôi dài không dọa được những kẻ đói khát, vuốt sắc không làm kẻ thù khiếp sợ, hàm răng chắc khỏe không tranh nổi với tính cần mẫn, kiên nhẫn của trâu, bò, hươu, nai. Điên lên vì đói khát, điên lên vì tổn thương tự trọng và vì sự sống còn đã biến loài hổ thành những kẻ hiếu sát, những kẻ ăn thịt rùng rợn, nhất là khi loài người mê mẩn từng bộ phận trong cơ thể của chúng.
Cả vùng Phòng Tô chưa ai một lần dám đặt chân tới lãnh địa của loài hổ nhưng bếp nhà nào cũng rì rầm bàn tán, tai người cũng lọt qua những chuyện ly kỳ. Nó không chỉ nuôi dưỡng tính tò mò, gây nên nỗi sợ hãi truyền kiếp mà còn là niềm tự hào, thành kính của cả vùng. Trong tâm niệm của họ, lãnh địa của hổ là vương quốc thần tiên. Ở đó cứ mỗi tuần trăng là loài hổ lại về đây hội tụ. Ở đó vào mùa đực cái là khắp khu rừng rền vang tiếng gầm gào của những con hổ cái động đực, hổ đực khát tình. Ở đó vào mùa sinh nở những gia đình nhà hổ hiền như những chú mèo quấn quýt lấy nhau. Ở đó những con hổ biết tuổi giời đã hết, những con hổ bị tên bắn, bẫy sập, nếu thoát được sự vây hãm của con người là cố lết về quây quần để được chết trong nghĩa địa hổ. Người sắp chết thì buồn đau, lo sợ, nuối tiếc, hổ sắp chết vẫn tỏ rõ sự yêng hùng, chúng giúp nhau chết bằng cách cắn xé nhau, vả nhau cho máu chảy, xương lòi ra rồi con nào con nấy tự lấy cái lưỡi đầy gai sắc liếm cho chỗ bị thương thối loang ra để được hưởng cái chết đến dần dần. Quanh năm nơi này vang lên những tiếng gầm khàn khàn, trầm đục như tiếng khóc bi hùng tiễn đồng loại về thiên cổ...
*
* *
Đội thợ săn của Tả Chải hăng hái dấn thân cuộc phiên lưu. Những người thợ săn lão luyện lấy trước phần thưởng uống rượu, cắt máu ăn thề, nhốt những con chó trung thành, tinh khôn lại rồi ngậm ngải vào rừng. Họ cứ đi, đi mãi, hết chui qua khu rừng ma, trèo qua khu rừng quỷ, đặt chân vào khu rừng không tên, không dấu chân người. Trên đầu họ là lũ quạ dẫn đường. Trước mặt, quanh họ cả đàn sói đưa lối. Họ đi cho đến khi bầu trời roãng ra, rừng núi roãng ra, chó sói lui, chim mất dạng, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên cả đội mới giật mình kinh sợ. Cả đội nhìn nhau. Bản tính người vùng rừng là thích phiêu lưu, mạo hiểm, thích thể hiện mình, nhất là khi có được sự đồng tình, kích động. Đã là thợ săn ai cũng muốn một lần được chạm trán với hổ, huống hồ cả đội toàn những người con ưu tú của rừng. Và nữa, tiền thưởng đã được chẻ nhỏ ra, phần mang về cho vợ con, phần cho vào bụng. Và nữa, cứu một mạng người là phúc đẳng hà sa... Cả đội xiết chặt tay nhau lấy can đảm vào cuộc.
Từ trên ngọn cây mọi người rên lên. Trong tiếng rên lẫn lộn cả kinh hãi và thích thú.
Hổ đúng là một loài quy củ, trọng nghĩa, trọng tình. Trước mắt những người chuyên rình mò, rượt đuổi, lấy sự giết chóc làm vui, làm nguồn sống là cả một xã hội hổ. Họ rên lên khâm phục khi thấy trong khu nghĩa địa, đằng sau bộ xương trắng muốt của con hổ đầu đàn thoát xác là những bộ xương hàng ngũ chỉnh tề, tất cả phủ phục ngước lên đỉnh Phan Si như qua một cuộc hiến tế vĩ đại. Xung quanh những bộ xương là những con hổ đến tuổi chết, những con hổ bị thương biết mình sắp chết lê lết về để được chết có đàn, có gốc. Thường ngày hổ là chúa của sự hay quên. Không hay quên thì con mắt nghìn dặm của nó sẽ tóm gọn bất cứ con vật nào trong tầm mắt, cặp tai nghìn dặm của nó sẽ không để sót bất cứ kẻ nào dám đả động đến oai danh. Song chúng giống như loài người, khác với loài người. Những con hổ già đến nỗi rụng lông, rụng đuôi, khoang vàng, khoang xám trên đầu đã đổi sang màu trắng như cước vẫn trèo lên tảng đá trễm trệ thu vạn vật vào tầm mắt. Sức mạnh, trí thông minh, tốc độ cùng sự phối hợp tuyệt vời giời đất ban tặng đã đưa hổ lên vị trí đứng đầu các loài thú trong rừng. Một đời hổ biết bao đời thú, gây ra biết bao kinh hãi cho người, cho vật, vậy mà đến lúc quy tụ nơi về chầu tiên tổ chúng hiền lành như mèo. Con đứng choãi chân ra phía trước, chổng mông cao lên rồi vươn vai một cách uể oải. Con há cái miệng rộng hoác, lưỡi thè dài như lá gan đầy máu, hai răng nanh như hai quả chuối mắn chìa ra nhưng không dọa dẫm kẻ nào. Con ghếch chân lên tảng đá, hai chòm râu mầu bạc rung rung. ..
Những tiếng gầm đánh thức rừng, đánh thức núi kéo những cặp mắt tinh anh, mê muội của những người thợ săn đến với khu rừng hôn phối. Hàng trăm con hổ đang mê say với trò đực cái làm ai nấy vừa rùng mình, sợ hãi, vừa run lên trước sự mê hoặc man rợ, hào hùng. Đúng là làm tình theo kiểu mãnh hổ. Những con hổ đực hết vuốt ve, mơn trớn rồi lại lồng lộn, gầm gào. Con nào cũng cố khôn khéo, lì lợm nhét bằng được thanh sắt truyền giống vĩ đại của mình vào thịt da hổ cái. Những con hổ cái gầm lên, tưởng như cắn xé nát da nát thịt hổ đực, nhưng luồn trong tỏ vẻ oai hùng là sự mềm mại, giữ gìn cho bạn tình không bị xây xước... Mọi người chợt giật mình, ở góc phía Tây có một đám hổ đang quây quanh liếm láp, đùa rỡn với một sinh linh nhỏ bé. Gần đó, trên một tảng đá bằng gian nhà bà vợ quan châu đoàn đang nằm tã tượi. Có thể bà chết vì kiệt sực trong sinh nở, có thể bà tắt thở vì sợ hãi, có thể vì cả hai. Dường như đánh hơi thấy người, những con hổ hướng lên những ngọn cây gầm gào rồi bỏ đi, để lại chơ vơ trên bãi một thằng bé nằm khóc ngằn ngặt.
Mọi người đùn đẩy cho nhau, cuối cùng do ma lực xui khiến, máu anh hùng nổi lên cùng món thưởng quá đậm dồn lại khiến một kẻ vô sừng vô sẹo liều mạng tụt xuống ôm thằng bé chạy ù ra khỏi lãnh địa loài hổ.
*
* *
Đội thợ săn không cứu được vợ quan châu đoàn về song cứu được giọt máu của quan. Châu đoàn mừng rỡ khao cả tổng, thằng bé được đặt tên là Sắn – Triệu Tá Sắn.
Sắn sinh ra đã được hổ cứu sống, cho bú mớm nên pha trộn trong dòng máu của nó là dòng máu hổ. Sắn cao lớn, khỏe mạnh, trên trán lồi ra một chữ Vương như đắp, lông vàng, râu vàng, một nốt ruồi son to tướng đậu ngay đầu chim trông như cái mũ nồi đỏ. Dòng máu hổ khiến cho Sắn luôn thèm thịt sống, nhất là loài ăn thịt hai chân biết nói, biết nghĩ. Đặc biệt hắn như duyên, như nợ với rừng, tính phóng túng như ngọn gió luôn muốn trào ra mọi khuôn khổ. Ba tuổi Sắn đã kể vanh vách những loài cây, loài chim, loài thú trong rừng. Bẩy tuổi đã mang cung tên vào rừng săn chuột, săn sóc. Mười bẩy tuổi đã làm chủ một phường săn nổi tiếng, thành tích đầy mình. Khách đến nhà họ Triệu ở Sán Chải. Trước hàng trăm cặp sừng, nanh, móng vuốt của các loài thú dữ treo kín vách không thể không trầm trồ khâm phục. Khách được đãi các món gan hổ, chân gấu… được sưởi ấm bằng than xương thú thì dẫu chỉ một lần thôi là nhớ quên chết. Chưa hết, biết Sắn, hiểu Sắn không ai không kinh ngạc trước khát khao làm người đứng đầu của hắn. Khi còn cởi truồng bì bõm với đám chăn trâu, Sắn đã thỏa mãn đói khát của đám trẻ cùng đinh bằng cách để cho cả bọn đói mắt hoa cà hoa cải mới ngậm sữa dê nhả cho trôi xuống đầu con chim có nốt ruồi như cái mũ đỏ rồi khích chúng tranh nhau bú. Lớn lên một chút, Sắn nổi tiếng trong trang lứa về tính quân tử, thà hủy hoại thân mình chứ không phản bội chúng bạn. Để tỏ rõ oai hùng, Sắn lùa cả đàn vịt vào sâu trong rừng mổ thịt làm lễ ăn thề. Bố Sắn biết được, ông lôi con về trói vào cột giữa sân, quây rơm xung quanh đốt đùng đùng mà hắn vẫn không thay đổi nét mặt. Một đứa trong đồng bọn bị ngã ngựa, chùn sống lưng, thâm tím mặt mày, Sắn về nhà lấy trộm của bố cả cái mật gấu to tướng đem cho. Sắn trêu tổ ong bò vẽ bị ong đốt, mặt, gáy sưng vù, bị bố đánh liền cầm luôn con dao nhọn cắm phập xuống làm đầu ngón chân cái rơi ra… Khi đăng lính, Sắn được Quan Ba Đờ ri nhô sung vào quân số chốt giữ ngã ba hiểm yếu Sán Chải. Năm năm đội nón dẹt, dải đỏ, thắt lưng đỏ, góp sức với quân của quan Ba canh giữ, đánh dẹp. Từ thành tích bắn giết không ghê tay, hạ đối phương không từ một thủ đoạn Sắn được leo lên đến chức Đội. Nhật đuổi Pháp, Sắn vẫn được giữ nguyên chức tước. Quốc dân Đảng dựng lên chính quyền ở Tả Chải, Sắn không những không hợp tác mà còn tập hợp lực lượng đánh lại khiến chúng phải bỏ chạy về Lào Cai. Bộ đội Việt Minh tiến vào giải phóng Phòng Tô, dựng lên chính quyền cách mạng. Xứ Thái tự trị của Đèo Văn Ân điên cuồng chống lại, Sắn ra nhập ngay quân đội của Ân và được giao cho năm trăm tên phỉ, tùy ý hành động, tùy ý bắn giết. Cuối năm một chín năm mươi, Việt Minh mở chiến dịch Lê Hồng Phong màn hai làm cho quân Pháp thành bầy vịt cỏ từ Lào Cai ào qua Sa Pa, Phòng Tô, chạy sang tận Lai Châu mà vẫn hồn một nơi người một nẻo. Nước lũ cuốn trôi bè mảng, Xứ Thái tự trị - Một nhà nước thu nhỏ, một bộ máy công quyền khá hoàn chỉnh với đủ cả cơ quan hành chính, lập pháp, tư pháp, quân đội, ngân hàng, hội đồng dân biểu tan nhanh như bọt nước mùa lũ. Các quan chức đứng đầu, các chức dịch, một số vội vàng cuốn gói theo chân người Pháp, một số lẩn vào váy vợ, một số đem súng ra hàng. Sắn không làm thế. Bọn phỉ ở Phòng Tô trải bao chìm nổi thì Sắn nếm trải bấy nhiêu nổi chìm. Như người khác, sau một lần chết hụt, không sợ đến già thì cũng tự mình né tránh thời cuộc. Sắn khác người. Sắn cay cú. Sắn tự coi mình là người có chân mệnh đế vương, công việc Sắn và các huynh đệ đã và đang làm dẫu hoa chưa nở, trái chưa thành, nhưng mặt trời, mặt trăng còn thì cơ hội dẫn dắt thiên hạ còn. Sự cuồng tín, cay cú cùng khát vọng điên cuồng của những tên địa chủ, đặc vụ Quốc dân Đảng Tàu lưu vong, những tên trùm phỉ khét tiếng do người Pháp cài lại đã nuôi dưỡng trong Sắn mưu đồ giành chính quyền rồi tiến tới cái đích bá chủ thiên hạ. Sắn đang từng bước thực hiện mưu đồ của mình, sự có mặt trong buồng nhà Chủ tịch xã Sín Chải nằm trong kế hoạch chui sâu, lấy Việt Minh đánh Việt Minh của hắn.
Sắn với Dùn cố kết với nhau như duyên nợ. Cuối năm 1948 cả hai cùng là sỹ quan trong tiểu đoàn người Thái tự trị của họ Đèo. Là người cùng tuổi, cùng dân tộc, cùng họ, cùng vòng đời, cùng là học trò của ông nội Dùn, đặc biệt trong một trận càn quét ra Tam Đường, Dùn đã không quản hiểm nguy dẫn dắt Sắn rút khỏi vòng vây dày đặc của bộ đội Việt Minh. Từ khá nhiều cái “cùng” ấy Sắn và Dùn đã kết nghĩa anh em. Lễ kết nghĩa của hai người là một cuộc ăn thề đầy đủ lễ nghĩa. Giữa giời, giữa đất, giữa rừng, giữa núi, trước sự chúng kiến của thần rừng, thần núi, của quan Ba, của các thổ ty quanh vùng, không cần bánh giầy - con của đất, không cần gà sống lông vàng, mỏ vàng – con của rừng, cháu của cụ phúc đức, hai người cởi trần ngồi xếp bằng như võ sỹ. Đúng giờ rồng cuộn hổ ngồi, giờ Sắn chui ra khỏi bụng mẹ cất tiếng chào đời là cả hai giơ cánh tay về phía mặt trời dùng dao nhọn xiên nhẹ. Máu từ hai bắp tay cuồn cuộn rót xuống cái chậu sành chứa đầy rượu. Sắn lấy tay quấy đều chậu rượu pha máu hai người rồi múc một bát cho Dùn, một bát cho mình. Cả hai nâng bát rượu ngang đầu, cúi lạy bốn phương trời, mười phương đất. Tiếng khấn của Sắn vang lên rành rọt, vừa như cầu, vừa như lệnh: “Hôm nay ngày trời phù, đất phSaw, hai chúng tôi, Triệu Tá Sắn, Triệu Tá Dùn, sinh cùng tháng, cùng năm, lớn lên cùng chung cái đích giữ gìn bờ cõi người Dao, chúng tôi xin kết nghĩa anh em, có phúc cùng chung, có họa cùng chịu, xin trời, đất, thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối chứng dám, xin được các quan cùng các chiến hữu đồng lòng giúp sức.”. Cả đám quan quân vỗ tay hò hét phấn kích. Hai người uống cạn bát rượu pha máu rồi múc rượu dâng quan Ba. Quan Ba uống rồi chuyển cho thổ ty họ Đèo. Thổ ty họ Đèo uống rồi chuyển cho quân lính... Cứ thế, niềm phấn hứng nhân lên cùng rượu và máu của hai người.
Cuối năm 1953 tiểu đoàn Thái tự trị bị Việt Minh đánh cho tan tác. Nghe lời ông nội, Dùn bàn bạc với mười hai tên lính thất trận đều là anh em con cháu trong nhà rồi cùng nhau vác súng ra hàng. Từ sự thành khẩn và thành tích giác ngộ của người lầm đường lạc lối, Dùn được làm cán bộ thôn, cán bộ xã rồi leo lên chức chủ tịch xã, còn Sắn đứng lên xưng vua. Vua Sắn lại bị Việt Minh đánh cho không còn mảnh giáp, phải chui lủi trong hang trong hốc qua ngày. Sự có mặt của Sắn trong lễ cấp sắc cho con trai là ngoài dự kiến của Dùn. Thấy cái dáng cao lớn, da đầy lông lá của Sắn, Dùn hoảng hồn, ấn vội Sắn vào buồng cùng một mâm thịt, rượu.
Được Dùn chấp nhận cho đặt được một chân vào nhà là Sắn mãn nguyện lắm rồi. Lần nổi phỉ năm 1953 thất bại, Sắn tìm đến nhà Dùn, bị ông nội Dùn lấy lá dắt ra rừng. Kể từ đó Sắn từ mặt, bây giờ nhìn trước, nhìn sau, cá không bỏ được nước, hổ không bỏ được rừng, Dùn không chỉ là chỗ nương tựa của hắn khi cùng đường mà phải là cỗ xe tam mã khuấy đảo cái trật tự từ chính Dùn đã và đang góp công dựng lên. Sắn chọn đúng lúc nhà Dùn có việc để vào nhà là cách của con sói vào nhà lũ thỏ. Sự tụ họp đủ mặt già trẻ, lớn bé, cả anh hùng hảo hán lẫn những kẻ đầu b… chấm gio của cộng đồng người Dao đất Sín Chải là dịp để hắn lựa chọn, tìm cách móc nối và cũng là dịp Dùn không có cách gì từ chối gặp hắn.
3
Lễ cấp sắc đang kỳ cao trào.
Triệu Phú Vương run run cầm bức tranh, từ từ giơ lên cao rồi hồi hộp thả xuống.
Mọi người lặng đi.
Một nghìn năm trước thần Hòi Phan mải mê tiêu dao cùng mây gió.
Một trăm năm qua thần Hòi Phan quay mặt với khổ ải của người Dao.
Trời đã đến lúc rạng, lửa đã đến lúc cháy, thần Hòi Phan đã nhập vào Triệu Phú Vương. Sau bao năm khát khao Triệu Phú Vương là người Dao Sín Chải đầu tiên có niềm vinh quang được chân mệnh vua cha chiếu sáng.
Từ điềm báo đến hiện thực còn xa vời, song một con gà gáy cả bản bừng thức, trăm người như một, ai cũng rưng rưng mừng cho họ Triệu, mừng cho chính mình.
Vua ra…
Tiếng thầm thào cố nén của cả trăm con người cùng cất lên như tiếng nguyện cầu buổi sớm.
Vua ra…
Cái khát vọng đứng đầu thiên hạ của một trăm đời trước dồn tụ, cái hy vọng dẫn dắt thiên hạ của một trăm đời sau loe lóe từ phía hừng Đông.
Vua ra…
Trong buồng Triệu Tá Sắn nâng bát rượu lên từ từ uống cạn. Cặp mắt lươn của hắn lóe lên, đám dân đen cuồng tín bên ngoài mê muội bao nhiêu thì lòng dạ hắn hân hoan sôi réo bấy nhiêu.
Vua ra... vua ra... ha ha ha...
Trong mập mờ sáng tối, sống còn, con người thường bấu víu vào cái gì đó để hy vọng, để cộng thêm nghị lực mà sống, mà tồn tại. Cái bấu víu dễ nhất, mông lung, không bờ bến nhất là niềm tin, là tâm linh. Càng khổ ải, càng mất phương hướng con người càng nuôi dưỡng, tôn thờ niềm tin. Cứ bám vào cái dễ làm cho con người mê muội nhất là tất dẫn dắt được con người.
Vua ra... ha ha ha...
“Sự sinh ra và mất đi của mọi sự vật, hiện tượng đều do trời đất định đoạt. Cuộc sống hiện hữu của mỗi con người là do ông trời sắp đặt để thử thách. Con người ở trần gian, ai là người biết tu luyện tâm đức, làm việc thiện thì khi chết đi sẽ được về với vương quốc thiên đường, về với cái đích của con người...”. Ha ha ha… lời thày Sùng peng, lời thầy Khòi cháo nối nhau. Toàn những lời có cánh dẫn dụ con người vào chốn mông lung, bắt con người chui vào vòng khổ ải. Từ bấu víu tâm linh, từ khát vọng vua ra mà năm 1950 Phòng Tô này, Tây Bắc này trong cơn lũ ống. Lũ qua, cái gì trôi thì trôi, cái gì còn lại lại bật dậy, ngẩng lên, vươn cao mầm sống. Từ tâm linh, từ khát vọng vua ra ma từ năm 1950 đến năm 1955 Tây Bắc bốn lần nổi phỉ, bốn lần bị dẹp, nhưng dẹp gì, đánh gì thì mầm mống, khát vọng vẫn là hòn than ủ trong lòng người, lòng rừng. Nắm được cốt lõi này ta sẽ có tất cả, thả cốt lõi này ta sẽ không chốn nương thân.
Sắn lại nâng bát rượu lên uống cạn, niềm hân hoan chảy rần rật trong dòng máu của kẻ tự coi mình có chân mệnh đế vương.
*
* *
Sắn đã một lần được mang chân mệnh đế vương trùm lên thiên hạ. Đó là vào mấy năm đầu của những năm năm mươi. Phòng Tô là miệng của trời, là mường trời thét, song trước đây chỉ có sấm sét từ trời, từ thổ ty họ Đèo, thủ lĩnh họ Giàng nối nhau chứ làm gì đến lượt những người Dao thấp cổ bé họng. Việt Minh tràn qua, mấy đại đội lính khố đỏ, khố xanh trấn giữ ở các nơi hiểm yếu phải đội lốt vịt lạch bạch chạy về phía Lai Châu, Điện Biên. Các thổ ty - những kẻ cùng nhau uống máu ăn thề, hứa cùng nhau quyết tử với Việt Minh trông trước trông sau rồi mạnh thằng nào thằng ấy chạy.
Từ ngày bị Việt Minh đánh bật ra khỏi Sán Chải, phải chui vào rừng sâu nương náu Sắn luôn sống trong tiếc nuối, nhục nhã. Trong hơn ba mươi năm nhận biết được ở cõi đời chưa bao giờ hắn biết đến gục ngã. Vậy mà lần này…, hắn đau. Đau lắm. Đau như bị cắt mất bộ truyền giống. Thất bại trước những kẻ trên không chằng dưới không rễ đã là nỗi đau quá lớn, nhưng chưa thấm vào đâu với cảnh như con chó bị đuổi khỏi nhà. Cùng bị bứng theo hắn có hơn ba trăm đàn ông, trai tráng người Dao sinh sống quanh thung lũng Sán Chải mà thường ngày hắn vẫn gọi là chiến binh. Trong số hơn ba trăm chiến binh ấy chỉ có hơn hai mươi người thực sự làm con chó chuyên nghiệp giữ cửa. Số còn lại là những dân binh nửa vời. Người thì dây mơ rễ má trong dòng tộc. Người bị sợi dây luật tục buộc chặt. Người bị ruộng đất, nợ nần trói từ đời này sang đời khác. Thường năm, ngoài việc mùa vụ, có công việc của bản, của châu phải đến làm tập trung, còn bình thường, ban ngày họ được cầy thuê cấy rẽ, ban đêm thay nhau vác súng, vác kiếm đến nhà họ Triệu gác sách, tuần tra, hoặc ban ngày tuần tra, canh giữ, ban đêm về nhà uống rượu, ôm vợ. Họ là những kẻ đầy tớ trung thành, bảo canh giữ thì canh giữ, bảo đi theo thì đi theo. Cái đích của họ là được làm thuê, làm mướn, là được ăn cơm, mặc áo nhà họ Triệu. Làm cho nhà họ Triệu giầu có là được nương nhờ, dứt khỏi nhà họ Triệu là dứt khỏi con đường sống. Đời ông họ thế, đời cha họ thế, bây giờ họ là sợi dây nối tiếp mà thôi. Bộ đội Việt Minh tràn vào, theo tù và hiệu lệnh của Sắn, họ vội bỏ dở bữa cơm, bỏ dở đường cày vác súng đến đón đánh Việt Minh bảo vệ bản làng, thực chất là bảo vệ nhà họ Triệu. Bộ đội Việt Minh như lốc như bão khiến cả vùng chưa đánh đã vỡ, họ phải chạy theo họ Triệu vào rừng.
Những kẻ theo Sắn càng đơn giản bao nhiêu thì Sắn càng đau đớn bấy nhiêu. Dẫu đau, dẫu bực, dẫu xót Sắn vẫn tỏ ra mình là một thủ lĩnh cứng rắn. Không cứng rắn không được, mấy trăm con người bại trận vây quanh Sắn tỏ rõ sự ô hợp cả bên trong lẫn bên ngoài. Bình thường là một đám nông phu, lúc tập hợp giống như một nồi thắng cố, thua trận lại càng thảm bại hơn. Trước đây tiền bạc, quyền lực nhà họ Triệu thít chặt sợi dây vào cổ họ, tưởng như họ Triệu bảo sống là sống, bảo chết là chết, ai ngờ lúc lâm trận chúng mới phô ra sự hốt hoảng, bạc nhược. Cả đội quân toàn những kẻ nghe tiếng súng mắt đã dáo dác như gà con mất mẹ gặp diều hâu, vào rừng rồi mà hồn lúc nào cũng đau đáu phía gà gáy, bụng dạ lúc nào cũng như kiến cắn. Vậy mà vẫn phải nuôi nấng, vẫn phải phỉnh nịnh không nuôi, không phỉnh nịnh thì lấy gì mà chiến đấu, mà lấy lại cơ nghiệp, lấy lại uy thế.
Giữa lúc Sắn đang điên lên thì quan Ba Đờ ri nhô thân chinh đến tận hang ổ của Sắn tính kế lâu dài.
Quan Ba Đờ ri nhô là người Sắn mang ơn suốt đời. Là người coi việc cháy trước mặt, lửa cháy sau lưng là ghẻ lở, hòn than ủ trong bếp mới là gan ruột, quan Ba đã lấy việc người địa phương trị người địa phương làm trọng, coi việc huấn luyện, nuôi dưỡng người địa phương làm kế sách lâu dài. Có chính sách của quan các thổ ty họ Đèo, họ Giàng, họ Lù mới có cái thế để cát cứ, hoành hành. Có nuôi dưỡng, dạy bảo của quan dọc biên giới Tây Bắc mới có lớp chiến binh áo đen, áo chàm khét tiếng. Khi Sắn xung lính, có sự dẫn dắt, nuôi dưỡng của quan, Sắn mới leo lên được chức Đội, mới có thực lực lập nên đội quân người Dao ở Sán Chải. Tháng tư năm Ất Dậu, quân Nhật theo đường Sa Pa tiến đánh Phòng Tô, quân Pháp kháng cự không nổi phải bỏ đất chạy lấy người. Trước khi vượt cửa khẩu để chạy sang bên kia biên giới lánh nạn quan Ba đã kịp giao cho Sắn nhiệm vụ ở lại xây dựng lực lượng. Lúc đó bao nhiêu giá trị lộn nhào, mạnh ai nấy xưng hùng xưng bá, song dẫu hùng, dẫu bá, dẫu đội lốt mèo, lốt hổ, kẻ nào cũng phải nghe theo sự chỉ bảo ngầm của quan thầy, nhất là khi âm mưu tái chiếm Tây Bắc của người Pháp đang sôi sục. Trong cây gậy từ mẫu quốc những người Pháp bại trận ở Côn Minh đã lập ra Phái đoàn Năm nhằm cài cắm, xây dựng lực lượng tình báo, biệt kích tinh nhuệ chống phá Việt Minh. Ở Phòng Tô, người mà Đờ ri nhô nhớ tới đầu tiên là Sắn. Từ súng ống, đạn dược, từ chỉ đạo chiến thuật, chiến lược của quan thầy, Sắn đã đứng lên đánh tan bọn Quốc dân Đảng. Từ khích lệ tinh thần của quan thầy, Sắn đã đưa đội quân của mình ngẩng cao đầu sánh ngang với những thổ ty người Thái, người Hmông, người Pú Nả, những kẻ bao đời làm mưa làm gió ở đất này.
Lần ấy, theo lệnh của quan Ba Đờ ri nhô, Sắn cùng đám thuộc hạ thân tín đi Mường Xo để cùng tri châu họ Đèo, thủ lĩnh họ Giàng, họ Lù thành lập liên minh chống Việt Minh. Thực ra lúc đó các chúa đất mỗi người hùng cứ mỗi phương, có kẻ nào chịu kẻ nào mà liên minh, đứt minh, có chăng chỉ là dịp để các thủ lĩnh thăm dò lực lượng của nhau, thực lực của người Pháp ra sao, lo được gì cho mình.
Đúng như Sắn dự đoán, cuộc họp của liên minh lộn nhộn chẳng khác gì một nồi thắng cố. Khác chăng nồi thắng cố ấy đáng lẽ được đặt giữa chợ thì nó lại được đặt trong cái hang tối tăm giáp biên giới Việt Trung. Khác nữa thầy cúng Đờ ri nhô không điều khiển các âm binh mà để cho các âm binh tự điều khiển lẫn nhau.
Cuộc họp đi quá nửa ngày mà vẫn lùng nhùng, mọi nghi thức xã giao, mọi lối mở bị chôn cứng trong những cái đầu u mê, tham vọng, chỉ đến khi quan Ba tuyên bố các thủ lĩnh vùng nào sẽ chỉ huy kháng chiến vùng ấy. Căn cứ vào quân số và khả năng tác chiến của từng vùng máy bay Pháp sẽ thả dù súng ống, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho các thủ lĩnh thoải mái chi dùng trong năm năm, mười năm, lúc đó các thủ lĩnh mới hồ hởi như những kẻ đói khát được chia phần.
Trong cảnh mập mờ sáng tối những kẻ ma lanh có ưu thế của con rắn trong đêm. Chuyến đi đó Sắn bắt được vàng mười. Còn hơn cả vàng mười. Lấy lại được Sán Chải là thông lại được huyết mạch, là chặn đứng một hướng Tây tiến của Việt Minh, là nòng cốt để lan tỏa ra cả vùng, là… là… Những lời có cánh từ miệng quan Ba thổi vào tai Sắn. Cùng với những lời có cánh ấy, Sắn được hứa cấp súng đạn, lương thực, thực phẩm, bạc trắng gấp đôi vùng khác, nhận thêm hai trăm tàn quân Tưởng Giới Thạch chạy sang nương trú, có quân Pháp, quân các thủ lĩnh khác hỗ trợ để đủ sức đương đầu với bọn Kinh thật, Kinh giả…. Đặc biệt là Sắn được phép chuẩn bị mọi điều kiện để xưng vua.
Sắn ngỡ ngàng, hắn không tin vào tai mình. Làm vua thì phải có uy, có tín, có tôi hiền, tướng giỏi, hoặc chí ít phải có đám dân đen mê muội đến quên thân. Còn hắn, đức là cái mo nang trôi sấp trên suối; uy mới đủ khuất phục những kẻ lệ thuộc; quân là một đám nhộn nhạo, ô hợp; tiền bạc, kho lẫm vào cả trong tay kẻ thù thì làm sao đã đủ sức xưng vương, xưng vua.
Triệu Tá Sắn - Đội Sắn được quan Ba tiếp rượu thông đêm. Qua quan Ba, Sắn vỡ ra bao nhiêu điều mà chính hắn đã từng làm, từng nghĩ.
Sán Chải - Mảnh đất hiểm yếu, núi giữ chân người, người giữ chân núi.
Sán Chải - Trước đây các tộc người sinh sống nơi đây vốn cùng một gốc. Cũng chọc lỗ bỏ hạt. Cũng xe lanh dệt vải. Cũng lấy rừng làm nhà. Cưới cheo cô dâu theo hướng Đông vào nhà. Ma chay linh hồn theo thầy dẫn dắt về phương Đông tụ hội. Trước đây vì không hiểu nhau nên tay phải chém vào tay trái, máu đổ, đầu rơi. Bây giờ Việt Minh tràn đến. Thôn tính đất đai, vơ vét tài sản, làm cho bần hàn, cơ cực rồi đồng hóa là mục tiêu của bọn thống trị. Rồi đây con cháu người Dao sẽ chẳng còn biết đến Bàn Hồ, chẳng còn biết đến tổ tiên. Muốn Sán Chải này, Phòng Tô này, Tây Bắc này không thành rừng cây bị vặt trụi lá thì các bộ tộc phải quấn lấy nhau, phải tạo nên sức mạnh quét sạch bọn Việt Minh.
Xưng vua trong lúc cùng đường là việc làm điên rồ. Dù ta – Triệu Tá Sắn có chân mạng dẫn dắt thiên hạ đi chăng nữa thì lâu nay ta vẫn chỉ là kẻ a dua, là con dao trong tay kẻ khác, vòng hào quang trên đầu ta vẫn là mượn, là giả. Giữ chặt bọn nửa lính tráng nửa đầy tớ trong tay là chuyện đương nhiên, song nuôi chúng, gây dựng chúng thành công cụ lúc này là phải cho chúng lòng tin. Chúng không trực tiếp làm rối loạn lòng quân, không lôi kéo bè cánh, song ta đang ở tình cảnh chúng tin thì theo, không tin thì bỏ. Chúng mà bỏ thì sự nghiệp của ta sẽ là mô đất giữa lòng suối, lở được một sẽ lở mười và cuối cùng tất cả sẽ rữa ra rồi trôi theo dòng nước. Trong vòng xoáy của thời cuộc ta có muốn đứng ngoài, có cố tránh nó thì nó vẫn xoáy vào, hoặc phải dạt vào bờ bên này, hoặc phải dạt vào bờ bên kia. Nhưng dạt vào bến bờ nào? Theo Việt Minh ư? Bánh vẽ làm cho cái tai, con mắt no đủ nhưng cái bụng sẽ như cần cối đói nước. Làm người nước Pháp ư? Bao nhiêu năm đàn áp, mua chuộc, dụ dỗ, gây dựng trật tự sắt, vậy mà chỉ một cơn gió tràn qua người Pháp đã bị lật gốc trốc ngọn. Không! Một ngàn lần không! Tiền nhân đã dạy, Hà Bá mong mùa nước lũ để lấp cái dạ dày; hổ báo mong rừng động để khỏi phải khổ sở rình mồi, còn ta.... Biến hóa ư! Ta còn nguyên cái khéo léo của tổ tiên. Sức mạnh ư! Uy vũ của ta có cái thế của kẻ làm chủ núi rừng. Xưng vua là danh chính ngôn thuận, là tăng thêm sức mạnh, là dẫn dắt bọn dân đen chui sâu vào con đường mê muội, là nghiệp lớn sẽ thành. Quan Ba Đờ ri nhô muôn năm! Vua Dao Triệu Tá Sắn muôn năm!
*
* *
Sau khi nhận lệnh của quan Ba, Triệu Tá Sắn ngồi thông đêm với thây mo Quấy – Người có thể giao tiếp được với thần linh.
Sắn dính với thầy mo Quấy định mệnh.
Lần ấy Sắn đi Tà Thàng tìm gặp quan Ba.
Giữa mùa nắng nóng, tiếng sấm ì ầm doạ nạt chán chê mà ông giời không rặn nổi một giọt nước xuống trần gian. Ban ngày mặt trời nung cho những tảng đá nóng rẫy, phồng lên, bạc phếch. Ban đêm sương lạnh làm cho đá ướt át, co lại. Sự nóng lạnh bất thường khiến những rãnh đá nứt rộng dần rồi tụt hẫng, lở ầm ầm xuống chân núi.
Sắn cùng đám hộ vệ đang thả ngựa nước kiệu trên con đường vắt ngang sườn núi thì gặp một người đàn ông râu dài, mắt sáng, vóc dáng khác người từ trong rừng đi ra. Nhìn thấy Sắn cùng đám hộ vệ hùng hổ cưỡi ngựa đi về hướng Tây, người đàn ông ngẩng mặt lên trời cười lớn rồi nói một câu cụt lủn: “Đi đằng Đông thì sống, đi đằng Tây thì chết.”.
Nhìn kẻ mới cỡ tuổi mình đang ra cái vẻ tiên tri, Sắn bật cười, vung roi vút xuống. Kẻ ăn đòn không giật mình, không chống đỡ, hắn đứng lặng, mắt nhắm tịt, ngón tay trỏ của bàn tay phải đặt dọc sống mũi lẩm bẩm câu gì đó, có lẽ là thần chú. Sắn lẩm bẩm: “Đúng là thằng điên”, rồi ra roi cho ngựa vọt lên, đám hộ vệ của hắn vọt theo.
Sắn cùng đám hộ vệ qua ngã rẽ được một đoạn, thì gặp quan Ba cùng đám tùy tùng đang trên đường đến thăm mình. Chủ tớ gặp nhau tay bắt mặt mừng, Sắn hớn hở cùng quan thầy quay về Sán Chải. Cả bọn vừa đi được một đoạn thì một góc đỉnh núi phía Tây toác ra, đất đá ầm ầm đổ xuống. Cả bọn hú hồn, bầy ngựa sợ hãi hết tung vó trước lại hất cẳng sau, đám quan, lính, tây, ta hồn xiêu phách lạc.
Qua cơn nguy kịch Sắn nhớ tới kẻ lạc loài gặp ở dọc đường mà giật mình, thán phục. Gã cho người dò hỏi thì được biết người đàn ông đó tên là Quấy. Bàn A Quấy. Quấy mồ côi cha, hiện đang nuôi bà mẹ mù lòa. Quấy thông minh, có tài đoán định như thần. Những lời đoán sấm đoán chớp của Quấy thường ban đầu không ai tin, khi việc sảy ra như giời định mới bừng tỉnh, mới thấy sợ, thấy phục. Một lần giữa mùa hanh hao, Quấy bảo sắp tới sẽ có mưa đá lũ quét. Mọi người mặc kệ lời hắn bay lên giời. Hắn không nói không rằng, lập đàn cúng tế ngay tại ruộng trước cửa. Đàn cúng, cách cúng của hắn khác người, chẳng ra Dao, chẳng ra Tày, chẳng ra Nùng.... Giữa một vùng trời đất ảm đạm, lam sơn chướng khí ngùn ngụt, màu đen tuyền của giàn cúng, đồ cúng, quần áo người cúng khiến người ta coi hắn là phù thủy hơn là một thầy cúng. Mà hắn phù thủy thật. Hắn cúng hai ngày hai đêm, đến ngày thứ ba thì trời đất vần vũ, một trận mưa đá ầm ầm trút xuống. Sau mưa đá là lũ cuốn. Các loài vật biết chạy, biết bò, biết bay, biết bơi cuống cuồng vọt ra khỏi chỗ ẩn ấp. Riêng hắn không. Mặc mưa, mặc gió, mặc lũ đá, lũ bùn, hắn vẫn điềm nhiên ngồi cúng. Không biết vì lòng thành hay hắn điều khiển được cả giời đất, ma quỷ mà dòng lũ đang hung tợn như con hổ bị lửa đốt đít phóng đến gần đám ruộng nhà hắn bỗng rẽ ngang sang hướng khác. Cả vùng qua cơn lũ, ruộng ven suối thành dòng sông đá, cây cối, đất đá ngổn ngang, vùi lấp, riêng ngôi nhà và đám ruộng của hắn vẫn nguyên vẹn như được phù phép.
Sau trận mưa đá, lũ ống mọi người vừa kinh sợ vừa căm ghét hắn, coi hắn là quỷ, là ma, là kẻ rước họa. Mẹ con hắn bị đuổi ra khỏi bản. Trong cái cộng đồng phải nương tựa vào nhau như trong rừng cây tựa cây, dưới suối nước tựa vách đá, dứt ra khỏi bản coi như sống cũng như chết, vậy mà hắn vẫn nhơn nhơn, vẫn đưa ra những lời phán chết người, lời hắn thối đến nỗi thấy hắn ai cũng phải bịt tai, nhổ nuớc bọt.
Sắn tìm đến Quấy.
Nhìn hắn pha nước mời kẻ khét tiếng khắp vùng mà nét ung dung, tự tin, coi thiên hạ dưới tầm con mắt lộ rõ Sắn ngầm thích thú. Quấy có dáng người cao ráo, khuôn mặt thể hiện cá tính mạnh, nhạy cảm, ý chí lộ ra từ gò má gày gò, đôi lông mày rậm gãy rủ, nhân trung thẳng, sâu, rộng như ai hằn sâu vào đó cái ngòi bút.
Sau một hồi trò chuyện Quấy đã được lòng Sắn, được theo Sắn về Sán Chải. Dọc đường thấy đàn vịt quây trên bờ suối vươn cổ kêu quàng quạc đòi ăn. Vịt là loại sống dai, nhiều con bị lưỡi dao cứa ngang cổ, dốc sạch không còn một giọt tiết, đầu sắp lìa rồi mà chỉ cần buông tay ra là ngất nghểu chạy khắp vườn, lặn ngụp quanh ao, dọc suối như ma nhập. Bắt cả đàn vịt hóa kiếp không phù phép thì chỉ có cho ăn bả. Sắn mỉn cười tinh quái, bảo Quấy bảo làm phép cho lũ vịt hóa kiếp. Quấy nhìn Sắn cười mỉn rồi chắp tay đọc thần chú, vái bốn phương tám hướng, hú ba tiếng động giời sau đó mở tấm phên cửa vây bước vào, đưa tay khoát nhẹ như bơi. Như có phép lạ, Quấy bơi đến đâu đàn vịt rủ xuống tới đó. Những con mắt chữ A cái mồm chữ O chưa kịp khép lại mà cả trăm con vịt đã ngả trắng xóa cả bờ suối.
Sắn bị Quấy thuyết phục hoàn toàn. Hắn kết nghĩa anh em với Quấy, đón cả hai mẹ con Quấy về nhà, coi hắn như Khổng Minh tái thế. Ở bên Sắn, Quấy không phải làm việc gì trừ chuyện đọc sách, đoán định vận giời. Nhờ cưu mang của Sắn, Quấy đã được kinh qua cấp sắc bẩy đèn. Mặt âm, Quấy điều khiển bẩy mươi hai âm binh làm mưa làm gió. Mặt dương, Quấy được kè kè bên Sắn, đêm ngày bàn chuyện thời cuộc, bày mưu tính kế. Sắn bản tính bạo liệt, ham hành hạ, giết chóc nên gây thù chuốc oán nhiều, nhờ may mắn, nhờ cảnh báo của Quấy, hắn đã bao lần thoát hiểm, đã giữ được uy thế của mình.
*
* *
Được Sắn hỏi chuyện đại sự, thày mo Quấy bối rối. Thầy hoãn binh bằng việc bảo Sắn xưng vua phải được trời phù, đất phù, thiên cơ phát lộ. Lời thầy chọc vào tính tự ái của Sắn, hắn ngửa cổ lên trời nghiến răng rồi cười sằng sặc. Thầy mo Quấy sợ hắn phát khùng sẽ phạm vào chốn linh thiêng nên đã khuyên hắn muốn biết vận giời phải dọn mình ba ngày để làm thủ tục mở tranh. Trong ba ngày ấy hắn phải không giết người, không giết súc vật, không nói tục, không đàn ông đàn bà. Nghe lời quân sư, Sắn đổi ý, răm rắp nghe theo. Lễ mở tranh không được như ý. Mở đầu của lễ, chậu nước rửa tay của thầy, của người thụ lễ biến thành chậu máu. Vào lễ, con gà sống sau khi cắt tiết đầu một nơi, thân một nẻo vẫn bay loạn xạ quanh hang.
Điềm gở làm cho Sắn bực mình, hắn lồng lên rủa xả giời đất, thề không làm được vua không làm người. Sự cuồng loạn như trâu đực cột giữa bãi bị đuốc dúi đít của Sắn khiến thầy mo Quấy phải nén lòng lạy van giời đất, lạy van các thần phù hộ cho Sắn lên ngôi vua.
*
* *
Việc xưng vua của Sắn diễn ra vừa thuận vừa nghịch.
Khi ông mặt trời vừa bắt đầu một cuộc leo trèo mệt nhọc thì hơn ba trăm đàn ông trai tráng trong đội quân người Dao nhũng nhẵng bám theo Sắn ngược dốc lên đỉnh núi Phan Si làm lễ.
Hơn ba trăm con người, hơn ba trăm tâm trạng, buồn có, phấp phỏng có, hoảng hốt, lo âu có, song không đường cùng, không bĩ cực.
Hơn ba trăm con người, người đi trước dựa vào kẻ đi sau để vững bước, kẻ sau trông vào vết chân người đi trước để tìm chỗ đặt bàn chân. Tất cả đều hướng ngược lên người đi đầu là thủ lĩnh của họ. Cả đoàn nối nhau làm con rắn hổ mang khổng lồ trườn ngược. Dọc đường, cây cối gặp mưa phởn phơ, tươi rói, những cây vầu già mốc thếch như những chú trăn hoa dựng đứng rì rào chào đón.
Đỉnh Phan Si, chóp mũ của người khổng lồ đất Việt, nơi quy tụ sức mạnh, quy tụ khát vọng vươn tới của con người đồng thời thể hiện sức mạnh, chế ngự của thần linh.
Tương truyền từ thời dựng nước, vua Hùng cho sứ giả dâng thiên tử nhà Chu một đôi chim trĩ trắng để cầu thân. Chim trĩ trắng là con của thần núi Hoàng Liên, uống sữa núi Hoàng Liên lớn lên. Trĩ trắng tượng trưng cho tinh khiết, thanh cao, khéo léo, là linh khí của thần núi, thần rừng người đời ngàn năm mới gặp. Trong cái lồng sơn son thếp vàng, với trọng trách sứ giả của hòa bình đôi chim cùng đoàn sứ thần rời đất Việt. Qua nhiều ngày tháng lặn lội, cuối cùng đôi chim trĩ cùng gốc gác ly kỳ của nó cũng được dâng lên thiên tử. Cảm kích trước tấm lòng hữu hảo, cầu thân của vua tôi đất Việt, sau khi cho lưu đãi thăm thú khắp nơi thiên tử lưu luyến tiễn đoàn. Với năm cỗ xe chỉ Nam do vua nhà Chu ban tặng, đoàn sứ thần lại lặn lội chín lần đổi trạm, lại vượt qua bao gian nan trắc trở. Cả đoàn về tới biên ải. Cả đoàn đang bày tỏ mừng vui hoàn thành sứ mệnh thì đã thấy đôi bạch trĩ vắt vẻo trên ngọn trúc nước Việt tự lúc nào.
Tương truyền đôi bạch tượng, linh chủ của dãy Hoàng Liên trước khi về xuôi để thần dân Chân Đăng dâng vua Lý đã quỳ phục trên đỉnh Phan Si bảy ngày bảy đêm. Trong bảy ngày bảy đêm ấy trời đất cây cỏ được tắm trong ánh hào quang rực rỡ. Ban đêm bầu trời, mặt đất sáng như ban ngày. Ban ngày mặt trời dịu mát như mặt trăng. Những cây cầu vồng bẩy sắc đan nhau như cái chài khổng lồ úp chụp lên đỉnh núi. Vua nhà Lý nhận được voi thần như rồng thêm vây, hổ thêm vuốt. Nhà vua đi bình Chiêm thắng Chiêm, mở rộng bờ cõi được bờ cõi, mở mang bang giao được bang giao, mở rộng sự học được sự học, phát triển canh nông được canh nông… Đất nước thái bình, nhà nhà, làng làng yên vui, từ vua đến dân ai cũng biết ơn voi thần, biết ơn thần núi Phan Si.
Đó là chuyện của xa xưa, chuyện của biển cả bao la, còn với các tộc người mưu sinh dưới chân núi Phan Si thì từ khi sinh ra họ đã tin linh hồn những người về với ông bà, tổ tiên đã nhập vào từng gốc cây, tảng đá. Thần núi, thần sông cùng tổ tiên, linh hồn người Dao, linh hồn các tộc người khác quấn quýt đã cho con người nơi đây có sức mạnh, trí tuệ, phù hộ cho họ sinh sôi nảy nở, gốc ngọn vững bền. Song cuộc sống đâu chỉ có sự thuận chiều. Trong thế giới ánh sáng và bóng tối ngự trị, trong cái vòng quay biến hóa của sinh, tử, tái sinh, biểu hiện sức mạnh, biểu hiện quyền năng của giời đất, thần thánh nhiều khi làm khốn khổ chúng sinh.
Việc nổi giận của giời đất, thánh thần được các cư dân quanh chân núi Phan Si cắt nghĩa qua hai lần thủy, hỏa và với hai lần ấy dân chúng đã phải hai lần leo lên đỉnh núi Phan Si tế lễ thần linh.
Đó là một lần nghiêng mình đổ nước ông giời đã gây cho sườn núi phía Tây của dãy Phan Si một trận lũ bùn kinh hoàng. Trong trận lũ ấy hai mươi nóc nhà chứa hơn một trăm mạng sống bị cuốn theo nước, bùn, cây cối ra sông Cái. Theo lời thày mo thì con người nơi đây đã xâm phạm chốn thâm nghiêm, linh hiển, can thiệp vào biến hóa thống trị vạn vật của giời đất, thánh thần. Đó là sự đẽo gọt mẹ rừng để thỏa mãn mưu sinh, là lạm dụng thần lửa để thiêu cháy sự sống, là… là…là phải làm lễ tạ tội với thần linh trên đỉnh Phan Si.
Lời thầy là lời thánh, cả bản nhìn lại những việc làm của mình, cả bản thành kính, hối lỗi, cả bản bám đuôi nhau theo thày mo gùi những vật hiến tế lên đỉnh Phan Si làm lễ.
Lòng thành kính cùng khát khao của dân bản đã làm rúng động đến trời đất, thần linh. Sau lễ cúng ba ngày ba đêm thì trời đổ mưa. Một dòng chớp sáng lóe lên xua hết đám mây mù lưu cữu khiến cho tảng đá thần cùng người, vật, cây cỏ trên chóp núi sáng choang như vừa được gột rửa. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Với sự linh hiển của thần linh, của giời đất, người Sán Chải đã tìm kiếm và lấy về chín mươi nhăm cái xác trong số hơn một trăm cái bị làm mồi cho thần sông thần suối. Dưới sự che chở của thần, của giời đất, màu xanh nhanh chóng trùm lên khắp rừng khắp núi; người, vật hân hoan trong cuộc sinh tồn, năm nối năm mưa thuận gió hòa, trời yên vật thịnh, thóc lúa đầy gác, trâu ngựa đầy chuồng, hội hè như con suối chảy giữa làng bản hết mùa này sang mùa khác.
Sự hội tụ của Thiên - Địa - Nhân tưởng như quanh năm chỉ biết đến rộn rã hội hè, rộn rã mùa vụ, nhưng không! Năm nọ không biết do con người cố tình làm ô uế thần linh hay thần linh cố tình thể hiện sức mạnh mà từng nhà, từng nhà quanh chân núi lần lượt bị thần lửa hỏi thăm. Trong suốt những ngày ấy rừng núi răng rắc chuyển mình, cây cối ầm ầm trút lá, chim muông bật ra khỏi tổ vỗ cánh rợp trời, thú to thú nhỏ lao ra khỏi chỗ ẩn nấp, con người lấy hang hốc làm cứu cánh... Kinh sợ hơn là người ta nhìn thấy một con rồng lửa khổng lồ, khi ẩn, khi hiện. Con vật linh thiêng chuyên bảo vệ những nơi linh thiêng, diệt cái ác, tôn phù cái thiện, bảo vệ sự bất tử bỗng chốc là hiện thân của sự kinh hoàng.
Thần rồng cuộn ngang cuộn dọc khắp bầu trời. Hai mắt thần như hai ông mặt trời thu nhỏ nhìn vào đâu là chỗ đó rực sáng, lưỡi liếm vào chỗ nào là chỗ ấy thành tro bụi. Sán Chải bị lưỡi thần liếm đến ngôi nhà thứ năm mươi thì không còn cách nào khác mọi người lại bấu víu vào thày mo. Thầy mo không còn cách nào khác lại bấu víu vào thần núi đỉnh Phan Si, cả bản lại làm một cuộc hành hương cực nhọc. Lần này, trong khi thầy làm lễ, trời đất ầm ầm chuyển động, đang trong nắng rực mà sấm chớp xé toác bầu trời, cơn giông kèm theo mưa đá ầm ầm lướt qua. Sau cơn giông một con rắn trắng nằm chảy thượt từ đỉnh núi tới tận chân núi. Dân bản theo thày mo xuôi theo cái xác rắn khổng lồ, họ đã lấy được hàng lô hồng ngọc trôi ra từ miệng rắn.
Sau hai lần tế lễ linh nghiệm người Sán Chải gắn chặt linh hồn vào thần núi Phan Si. Sinh nở họ hướng về phía thần núi cầu khấn. Ốm đau - hướng về phía thần núi khẩn cầu. Tai ương, mùa màng, về với tổ tiên - hướng về phía thần núi… Hầu như những việc lớn, việc nhỏ của đời người, của cộng đồng đều có sự tham gia, chi phối của thần. Thần là mối liên kết giữa con người với con người, con người với thần linh, hiển hiện khát khao của con người.
Lần này, theo lời của thầy mo Quấy, theo lời thủ lĩnh Triệu Tá Sắn thì bọn Kinh áo đen, Kinh áo chàm ở Tây Bắc đang hợp sức đón bọn người Kinh ở cuối dòng sông lên xâm chiếm mảnh đất tổ tiên, đưa người Dao Sán Chải đến tuyệt diệt. Muốn bảo vệ giống nòi, muốn gìn giữ mảnh đất cha ông thì phải đánh đuổi bọn chúng. Muốn đánh đuổi được thì phải hợp sức lại, phải được thần núi Phan Si giúp sức, người Dao phải có vua của mình, vua đó chính là thủ lĩnh Triệu Tá Sắn, lễ xưng vua phải có sự chứng kiến, phù hộ độ trì của thần.
*
* *
Đoàn người theo thủ lĩnh Triệu Tá Sắn lên tế lễ trên đỉnh Phan Si bám nhau ngược núi. Càng lên cao không khí càng loãng, bầu trời như bị ụp xuống, sương mây quấn quýt, bảng lảng trên cây, trên lá, con đường lúc chìm trong rêu, trong cỏ, lúc bắt chân người sục trong mùn, trong lá mục. Hai bên đường miên man những cây sồi, sến, táu, dẻ, de, dổi lực lưỡng. Cây khoe tuổi mình bằng những lớp vỏ xù xì, mốc thếch, bằng từng mảng địa y ken dày, bằng cách thờ ơ với những toan tính của con người. Cây giống như những nhà hiền triết giấu mình ngàn năm trong biển mây màu xám bạc. Những tán lá xòa ra, đan nhau kết thành thảm xanh dày đặc khiến cho cả khu rừng thành mái nhà khổng lồ, mưa xuyên khó thấu, nắng khó dọi qua. Dưới gầm mái nhà màu lục là phong lan. Phong lan nhiều vô kể. Lan thả trên cây xuống. Lan bám vào vách đá vươn ra. Lan chui lên từ mùn đất. Các mầu tím, vàng, trắng của hoa như những cô gái dậy thì, vừa cố giữ vẻ e ấp, thẹn thùng, vừa hong hóng phơi bày vẻ đẹp giời cho trong mây, trong gió.
Đoàn người vừa chui ra khỏi rừng già đã phải đối mặt với phễu gió. Hai dãy núi như hai cánh cung chạy đến đây bỗng hụt hơi tụt sâu xuống thành một vệt răng cưa lồi lõm. Những ngọn gió vô hồi quanh năm đuổi nhau từ Tây sang Đông bị ép chặt bởi hai cánh cung được dịp tung hoành. Khắp một dải núi hoang tàn vì gió. Gió không thành cơn thành lớp mà cứ ào ạt như đổ sỏi. Gió như bốc cả người, cả vật, cây cối ném xuống hõm đá. Gió vót nhọn từng mấu đá, xoa nhẵn từng mỏm đá. Gió làm cho cả một vùng đất đá mênh mông chỉ có rêu và những búi trúc quân tử ngang tàng mọc được. Rêu kết thành một tấm thảm khổng lồ bám vào mặt đá, mặt đất. Chui lên từ thảm rêu dày là những bụi trúc quân tử lơ thơ, thân sắt lại như đá, lá bị vót nhọn như mũi dao. Ngày cũng như đêm trúc cựa quậy, rên rỉ. Biết làm sao được, cây không tự mình bò ra khỏi biển gió thì đành phải bóp nhỏ thân, bóp nhỏ lá để tránh gió, để la đà làm bạn với mặt đất, dựa vào mặt đất. Rêu giữ nước, cây giữ đất, làm giầu cho đất, có cây, có rêu cái cái phễu khổng lồ này mới có sự sống.
Qua phễu đá đoàn người chạm vào rừng trúc phất trần. Đúng là trúc núi Phan Si. Những cây trúc to hơn ngón tay ken dày như vườn cây cảnh. Cây lá vấn vít cùng mây khiến cả vùng lãng đãng như trong tranh cổ của người Tàu. Là họ hàng nhà tre, song trúc ở đây không uốn éo, cong cớn, chúng thẳng từ gốc đến ngọn, thẳng từ lúc còn măng, thẳng từ hàng, từ lối.
Qua rừng trúc mọi người như đi lên trời. Chìm trong mây, trong gió là những cây tùng còn sót lại từ thủa hồng hoang. Cây ở đây to nhưng lùn, rễ trồi lên gân guốc, địa y, phong lan ken kín làm cho chúng như cây cảnh. Quanh những cây tùng, cây bách là thảm hoa mênh mông. Trong nắng nhạt bủa vây cả một sườn đồi ngời ngợi sắc hoa đỗ quyên, anh đào, vàng anh, chè tuyết... Những cây hoa không vươn cao mà tỏa ra, la đà bò rộng. Chúng không cần làm duyên cho loài nào mà cứ tự nhiên với vòng quay tàn nở khiến cho mọi người cảm tưởng đã chạm được tới thiên đàng. Dọc đường, những con thú nhỏ dạn người thập thò, ngơ ngác rồi coi khinh, tiếp tục những trò chơi muôn thủa của mình.
Ngày kiên nhẫn ngược dốc, đêm nghỉ, đến sớm ngày thứ sáu đoàn người lên tới chóp núi Phan Si.
Theo lệnh của thầy mo Quấy mọi người dọn dẹp, chuẩn bị làm lễ. Một con dê, một con lợn được chọc tiết ngay tức khắc. Khi bụng con dê mở ra, quả mật to như quả gấc dính với lá gan, lá lách lằng nhằng làm mọi người mắt tròn mắt dẹt.
Quả mật được đưa lên cho thủ lĩnh Triệu Tá Sắn. Thủ lĩnh họ Triệu tái mặt hỏi thầy mo Quấy. Thầy mo Quấy gật gù hài lòng, thầy bảo:
- Ngày xưa vua nhà Lý đi đánh Chiêm Thành, khi làm cỗ Thái lao, mổ con dê ra, thấy trong bụng dê có cái mật to bằng quả bưởi. Mọi người thất kinh nhưng vua vui vẻ nói: “Chữ “đám” tức mật, gần với chữ “đam” tức vui. Cỗ thiếu lao mà có mật to báo cho ta chỉ khó nhọc một chút mà được niềm vui lớn”. Mọi người quỳ rạp chúc mừng vua cha song trong bụng nghi hoặc như đang đứng trước câu đố của giời. Trận ấy vua thắng lớn, bắt được cả vua tôi Chiêm Thành. Hôm nay thủ lĩnh làm lễ khởi sự dựng nghiệp đế vương mà được quả mật to thế này thì khác gì vua nhà Lý đi đánh Chiêm Thành ngày xưa.
Thủ lĩnh họ Triệu mừng rỡ kêu lên:
- Trời đất đã đón được ý ta rồi! Thần núi, thần suối, thần sông phù hộ ta rồi!
Sắn chưa dứt lời, trên trời, bầu trời đột nhiên vần vũ, từng đám mây đen ùn ùn kéo tới, phút chốc mặt trời chìm nghỉm trong cái ô mang màu chết chóc. Dưới đất, rừng núi lặng phắc như trước đám tang, lam sơn chướng khí bốc lên ngùn ngụt khiến từng đàn chim nhao ra khỏi tổ kêu inh ỏi, từng đàn khỉ, vượn lao ra khỏi hang ngửa mặt lên trời hú hét…
Mọi người kinh hãi hướng lên chóp núi Phan Si quỳ rạp.
Thầy mo Quấy môi bậm chặt, quai hàm bạnh ra, nét mặt như hóa đá. Thầy nhìn giời, nhìn đất, nhìn chóp núi rồi lẳng lặng cúi đầu vái bốn phương tám hướng, rền rĩ kêu cầu tam tầng tứ thế mở rộng lòng thương cứu giúp những người đang hy sinh thân mình vì nghĩa lớn.
Lời khẩn cầu của thầy thả lên bầu trời - bầu trời roãng ra, mặt trời thành miếng tiết hằm hè cảnh báo một mùa bão tố.
Lời khẩn cầu của thầy thả vào lòng rừng, lòng núi - thần núi, thần rừng, thần gió trở mình, một cơn lốc ào đến cuồng nộ bứt phá, lay dạt khiến vạn vật phải gồng lên chống đỡ, ba trăm con người mê muội phải nằm rạp xuống đất, bịt mặt, bịt tai phó mặc cho số phận.
Lời khẩn cầu rền rĩ, dai dẳng cuối cùng cũng lay động được lòng giời, lòng đất. Mặt trời cuối cùng cũng phải lùi lũi chui vào trong núi mây. Thần gió cuối cùng cũng hết hơi hết sức, phải theo lòng khe, lòng rừng trôi xuôi xuống chân núi.
Trong dáng vẻ thần bí, thầy mo Quấy kết thúc bài khẩn cầu bi hùng của mình bằng một câu ráo hoảnh:
- Thiên cơ mách bảo, muôn sự muốn thành phải biện đủ lễ, cúng đủ ngày, không thể đi tắt đón chặn được.
Thủ lĩnh họ Triệu ớ người không hiểu.
Thầy mo Quấy bảo:
- Tức là lễ vật cúng thần phải dâng đủ ba sáu con vật, mười loại ngũ cốc, năm loại rượu, ba loại thuốc lấy từ rừng, từ ruộng.
Triệu Tá Sắn thất kinh.
Các thuộc hạ của Sắn nhìn nhau lắc đầu.
Sắn vò đầu bứt tai, đi đi lại lại rồi dừng lại trước thầy mo:
- Giữa núi cao vực sâu, trốn chui trốn lủi thế này lấy đâu ra từng ấy lễ vật bây giờ.
Thầy mo Quấy lẳng lặng với cái điếu, tra thuốc, châm lửa. Khói thuốc cùng với làn sương mây bảng lảng vấn vít quanh cái dáng hiền triết đang thiền.
Sau một hồi suy ngẫm, thầy thủng thẳng:
- Có cách chữa rồi đấy, nhưng phải có lòng thành mới làm được.
Sắn sốt ruột:
- Cách gì, ông nói ngay đi, cứ như trâu ăn no thế này sốt ruột lắm.
Thầy khoát tay một vòng:
- Làm việc lớn không vội như mổ thú mắc bẫy được, phải làm cho thần rừng, thần núi thấy được từng này cái lòng mới thành được.
Mọi người nhìn nhau dò hỏi.
Thầy:
- Đừng có như đang chui qua rừng ma thế. Mọi việc ta đang làm, lòng ta đang nghĩ thế nào đều có các thần chứng giám. Khởi sự cái việc rúng động cả trời đất càng có sự chứng giám. Muốn biện đủ lễ vật lấy từ rừng, từ ruộng ư? Dễ thôi! Trời đất, thần phật ăn hương ăn hoa chứ có ăn thật bao giờ. Quanh ta bạt ngàn cây cối. Quanh ta toàn những bàn tay tài hoa, nếu tất cả cùng một lòng thì việc gì mà không làm đươc.
Mọi người ồ lên:
- Một lòng chứ, không một lòng thì lên đây làm gì!
- Tất cả theo thủ lĩnh thôi, thủ lĩnh bảo lên rừng lên rừng, bảo xuống vực xuống vực mà.
- Thủ lĩnh sống chết vì Phòng Tô thì chúng tôi cũng sống chết vì Phòng Tô thôi.
Triệu Tá Sắn đứng ngây người, cánh mũi nở dần như cánh hoa ăn sương.
Thầy mo Quấy:
- Vậy thì tốt, các vị mang lòng thành của mình vào việc đi. Hãy nhớ ai có ý nghĩ hai lòng, ai nghi ngờ các thần là đan bồ câu thành quạ, đan hổ thành lợn lửng đấy.
Lời cảnh báo của thầy lập tức nhập vào từng người. Mọi người nhìn thầy, nhìn nhau, đôi mắt rực sáng như đang lên đồng. Theo lệnh của thầy mỗi người cho vào mồm một đồng bạc trắng rồi tản vào rừng. Người chặt nứa, chặt giang đan các con vật. Kẻ lấy đất nặn nồi, nặn các loại ngũ cốc. Kẻ chặt cây làm giàn cúng, lột vỏ cây để làm dép, làm khố..., đồng bạc trắng trong mồm vừa thành bùa hộ mạng, vừa nhắc họ đang làm một việc thiêng liêng.
Chưa đầy hai canh giờ giàn cúng và lễ vật đã làm xong.
Thầy mo Quấy tay cầm hương, chân đi vòng quanh, miệng niệm thần chú. Thầy tung hoa lửa, thầy phun nham thạch, thầy lên đồng hú hét, nhảy quanh lũ con chim, con thú đan bằng lạt nứa, lạt giang.
Mặt đất rùng rùng chuyển động, trời đất vần vũ.
Mọi người mắt nhắm nghiền, toàn thân run sợ ngóng theo vận giời, vận đất.
Trời yên, đất lặng, một vệt sáng chói lòa xoẹt qua làm mọi người bừng tỉnh. Ai nấy đều ngỡ ngàng, một thế giới loài vật vừa thật vừa giả, vừa chết vừa sống ngổn ngang trước mắt. Thế vào thế giới thần chết là thế giới thần sống. Voi đực hua vòi, mèo hớn hở, chuột nhắt tinh khôn, trâu nhà suy tư, uể oải, lợn mẹ quấn lấy đàn con, dê, bò hớn hở, hổ ngồi chồm hỗm chầu giời, chó nhà nằm cạnh chó rừng, cá chép ngáp trên thớt, sóc lo ổ, chim lo tổ… tất cả hiền lành, tất cả là bạn với người, là bạn với nhau.
- Đến lúc bày giàn cúng rồi đấy! – Thầy mo Quấy ra lệnh.
Thủ lĩnh Sắn và đám tay chân răm rắp như những âm binh nghe lời thầy phù thủy.
Chỉ một loáng giàn cúng đã bày biện xong xuôi. Trên giàn cúng được tết bằng nan tre có ba con vật hiến tế là gà, lợn, dê vừa đi từ cõi sống sang cõi chết nằm phủ phục, đầu hướng đầu lên mỏm đá đỉnh núi. Hướng theo chúng là lũ chim, thú, cá từ cõi chết sang cõi sống. Các vật tượng trưng cho vũ khí, các loại bẫy, nông cụ, vật dụng trong nhà được bày đặt theo trình tự, tôn nghiêm. Ngọn đuốc bằng gỗ pơ mu phơi nỏ cháy đùng đùng như tẩm dầu vừa làm cầu nối giữa giời giữa đất, vừa xua đi cái hoang vu giá lạnh của nơi quanh năm không có hơi người.
Sau giàn cúng là ba trăm con người trong vai những chiến binh thời trung cổ. Ba trăm con người đóng khố, đi dép vỏ cây rừng, trong tay người nào cũng giáo mác, khiên đao làm bằng gỗ đẽo.
Thành kính, mê muội bao trùm.
Thủ lĩnh họ Triệu đi quanh giàn cúng gật gù vẻ hài lòng. Sự mê hoặc có sức mạnh bằng cả một đạo quân. Trong cảnh trốn chui trốn lủi, giữa vùng rừng núi mênh mông, thiếu thốn trăm bề mà chỉ vài câu sai khiến đã có một giàn cúng tế. Dẫu giàn cúng không được bẩy tầng lộng lẫy, không bày biện đủ các con vật, vật dụng phục vụ thần linh, phục vụ con người, song cũng đủ để tỏ rõ lòng thành với giời đất, với các thần, đủ để đám thần dân mê muội tự nguyện nhảy xuống nước, chui vào lửa.
Trong nghi thức trang trọng, trước sự thành kính của hơn ba trăm con người, thầy mo Quấy bình thản trộn tiết lợn, tiết gà, tiết dê vào nhau, vò nát nắm lá rong riềng dại, nhúng vào chậu tiết rồi lần lượt bôi lên các hòn đá, cây cỏ mời các thần về dự lễ.
Lễ cúng bắt đầu.
Những ngọn núi quanh đỉnh Phan Si lặng lẽ ngước đầu lên phía anh cả.
Những mỏm đá, cây cỏ đứng lặng như đang chứng kiến cảnh giời đất trước giờ sinh nở hay trước giờ tuyệt diệt.
Thầy mo Quấy lặng lẽ châm lửa cho đống củi bùng lên rồi bắt đầu cúng.
Ba trăm con người quỳ mọp trước ngọn lửa, tim như ngừng đập, phổi như ngừng thở, mọi động thái dồn cả vào người làm cầu nối giữa con người với các đấng thần linh.
Lời cúng của thầy lúc dồn dập như trời đổ mưa, lúc nhẩn nha kể lể. Cùng với lời cúng, cái vòng bạc trong tay thầy lúc rung nhanh, lúc uể oải. Trước mặt thầy, con dao dính tiết gà, tiết lợn, tiết dê hết xám đen lại rực hồng như đang tôi trong lửa.
Tiếng cúng từ từ chui vào đánh thức rừng, đánh thức núi.
Những lời cúng, những động tác huyền bí, mãnh liệt, kiên nhẫn từ từ lách vào sự u mê của những người dự lễ.
Bài cúng đang lê thê, kể lể bỗng dồn dập, làm cho người nào người nấy phừng phừng, dậm dựt.
Bài cúng đã tới hồi cao trào. Miệng thầy bắt đầu hú lên những tiếng dài. Vừa hú thầy vừa đung đưa chiếc vòng bạc, vừa chạy quanh, rót rượu vào các bát trên giàn cúng, sau đó toàn thân ngất ngưởng lên đồng. Bỗng từ bốn phương tám hướng những đàn kiến lổm ngổm bò tới. Những con kiến thân to như con bọ ngựa, càng sắc, răng sắc, hai mắt lồi ra, sáu cẳng bò nhanh như ngựa phi làm mọi người khiếp sợ. Họ chỉ nghe tiếng rào rào như mưa rơi, như nước cuốn đã thấy cây cối nghiêng ngả, một tấm thảm đủ màu đen trắng, vàng, vằn vện tràn tới, tỏa rộng. Cây chắn đường – mặc. Lá mục chắn đường – coi khinh. Rêu trơn - không là gì… Ầm ào song hàng lối, mệnh lệnh nghiêm chỉnh. Đông đúc song trật tự, kỷ cương, lúc vòng vèo như con suối, lúc dóng hàng một như duyệt binh.
Đàn kiến lổm ngổm bò đến quây quanh giàn cúng, chỉ một lát sau những hàm rằng đói khát đã xơi sạch xôi, lợn, gà, rượu.
- Vua kiến bị đánh thức rồi! - Tiếng rên của ai đó bật ra. Như một dây chuyền tất cả cùng rùng mình, cùng bật lên những tiếng rên khiếp sợ.
Kiến là đội quân đông đúc nhất thế gian. Kiến có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ. Bình thường kiến hiền lành, cần mẫn, không làm hại kẻ nào, tránh xa những kẻ hại mình, nhưng khi gặp cơn đói hoành hành, cơn giận trào sôi thì đội quân ấy có thể làm tan hoang cả một cánh rừng. Con vật dù to lớn hay nhanh nhẹn, thông minh đến mấy gặp chúng cũng biến thành đống xương khô.
Vua kiến là thống soái, là ông giời của tất cả các loài kiến sinh sống trong rừng. Vua kiến luôn sống trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Trong trạng thái ấy vua dồn sức cho việc nghe ngóng, dự báo và dạy bảo thần dân của mình. Vua kiến quay về hướng Tây rùng mình - họ nhà kiến biết trời đất sắp làm nên lũ lụt. Vua kiến hướng lên chị Hằng quầng vàng như đeo tang mà rơi nước mắt - họ nhà kiến biết mặt trời còn rang khô mặt đất. Vua kiến rùng mình, hai râu dựng ngược, hai hàm răng nghiến như cưa gỗ - quanh vùng có chết chóc, có tan nát, có những hàm răng đói khát, thù hận gặm sồn sốt trên cơ thể sống, trên cơ thể chết.
Cư dân quanh chân núi Hoàng Liên đã hai lần đánh thức vua kiến.
Lần nọ, một đàn hổ dữ từ phía mặt trời lặn xâm phạm lãnh địa của các loài ăn thịt dưới chân núi Hoàng Liên. Để sinh tồn, từ ngày ông Chằng bà Chằng nặn ra đất ra nước các loài dưới chân núi Hoàng Liên đã phân chia lãnh địa. Trên lãnh địa mỏng manh ấy tùy theo vóc dáng, nanh vuốt trời cho mà mỗi loài tự tồn tại, tự sinh sôi, tự làm mồi cho nhau. Cuộc tranh giành sự sống khắc nghiệt, dai dẳng hết đời này sang đời khác song chưa hề có sự tuyệt diệt. Hổ dữ đến, ranh giới lãnh địa bị xóa nhòa, các loài tan tác trong sợ hãi. Nghe tiếng gầm của chúng hầu hết các loài có da có thịt bọc xương tự ỉa, tự đái. Nghe tiếng gầm của chúng, thần núi thần rừng bạt vía, kẻ chui sâu vào lòng đất, cứt đùn khắp mặt đất như bãi biển ban sáng, kẻ bay vút lên giời cao, nước đái phọt ra rơi xuống như giời đang đổ mưa...
Vật vậy, thần vậy, song những con vật cùng loài thì khác. Không chịu nằm yên chờ chết, họ nhà hổ quanh núi Hoàng Liên xông vào cuộc chiến một mất một còn. Hai loài mãnh thú đánh nhau, một to lớn, hùng dũng, một nhanh nhẹn, thuộc núi, thuộc rừng. Mỗi loài đều lôi hết sức mạnh, trí khôn giời cho ra để tiêu diệt nhau. Hai bên quần nhau bẩy ngày bẩy đêm mà vẫn không bên nào chịu bên nào. Khắp vùng cây cối tan nát tan, đất sụt, đá, loài nào cũng bị vạ lây. Loài kiến cũng cùng chung số phận. Rừng cây gẫy cành rụng lá rụng luôn cả những tổ kiến chứa hàng tỷ con. Đất lún, đất sụt làm sụt luôn cả những lâu đài kiến yên ổn cả trăm đời. Các đàn tan tác, nháo nhác kéo đi cầu cứu vua kiến. Vua kiến nổi giận, hùng hổ dẫn các thần dân đi tiêu diệt những kẻ quấy phá. Loài kiến vốn có kỷ cương, kỷ luật, trong hỗn loạn bao trùm chúng vẫn loài nào ra loài ấy, đội nào ra đội ấy. Dẫn đầu đội quân trừng phạt là vua kiến. Tiếp theo là các kiến tướng, kiến quân. Kiến tướng đầu to, thân nhỏ, bụng to, sáu cái chân nguềnh ngoàng, hai râu vung vẩy, hai cánh to như hai cái quạt trong suốt như lụa tơ tằm. Kiến quân tỏ rõ sức mạnh của mình bằng sự hung tợn, bằng số đông. Tất cả ào vào tàn phá. Kiến nâu trung thành, đông đúc tạo nên một dòng chổi lớn, đi đến đâu quét đến đó. Kiến thợ mộc đục gỗ sồn sột, lem lém như cưa ăn, chỉ một lát bị gặm cây đã rỗng ruột, mất gốc, đổ rào rào. Kiến nâu đầu đen, ngực vàng, đầu to, càng sắc, râu chia làm ba đoạn, lông bạc dựng đứng, trông như những hung thần xông vào cắn lá. Kiến đất to như những con ong chậm rãi bò đến nhằm vào mọi con vật biết cựa quậy mài răng. Kiến đầu to kềnh càng, đầu thắt lại sau mắt, bám chắc vào từng con vật cắn xé. Kiến đỏ hung tợn tấn công đối phương chán chúng quay ra tấn công nhau.... Khắp rừng vang động những âm thanh giết, chết. Khắp vùng, cây đổ, cây trụi lá. Hươu, nai, dê, hoẵng... vừa kêu la tuyệt vọng, vừa chạy nhảy như động cỡn. Những con hổ đang hùng hổ lao vào cắn xé nhau phút chốc bị kiến bu đen phải lồng lộn trong hoảng loạn, gầm lên trong đau đớn. Những con hổ đực đang hung hăng trút giống nòi lên bụng con cái kẻ thù phút chốc cả hai đều chết cứng như bị đóng băng. Sau một buổi đàn hổ không còn, những con vật biết cựa quậy không còn, rừng núi rã rời, tan hoang để rồi mãi mãi trở thành vùng đất chết.
Sau trận loạn hổ đến trận loạn người.
Lần ấy người của chúa đất bản Nà Lùng mâu thuẫn đốt nhà giết người của chúa đất bản Tả Chải. Hai bản vốn truyền kiếp không chung đường nay hận thù có cớ bùng lên. Chúa đất bản Tả Chải mang người tàn sát bản Nà Lùng. Chúa đất bản Nà Lùng mang người đến làm cỏ bản Tả Chải. Đá chạm đá, lửa chạm lửa, chết chóc, đau đớn, thù hận làm cho trời rùng mình tối sầm, đất rùng mình đất sụt, cây cối rùng mình lật gốc, trốc ngọn, các tổ kiến, tổ bị sụt đất trơ hoang hoác, tổ bị cây đè, đá đè, thú dẫm. Lại một lần nữa các đàn kiến nháo nhác quây quanh vua kiến. Lại một lần nữa vua kiến nổi giận. Một lần nữa vua kiến chỉ huy thần dân xông vào khói lửa đòi lại sự yên ổn.
Lúc vua kiến dẫn đàn đàn lũ lũ thần dân xông vào cũng là lúc hai bản bị tuyệt diệt. Loáng một cái, những cái đầu u mê chứa đầy thù hận đang bàn mưu tính kế không còn mẩu thịt bám vào xương. Loáng một cái những cây cột cái, cột quân, xà dọc, xà ngang, rui mè, phên vách, mái lợp bị gặm rỗng. Ngôi nhà đổ sụp xuống, bếp lửa bùng lên, xác kiến, xác người, xác động vật, cây cối, phân gio bốc lên khét lẹt, gây như nướng cả rừng người. Cả hai bản bị xóa sổ từ vết máu đến ống xương mà vẫn chưa thỏa mãn những hàm răng đói khát của những đàn kiến.
Còn lần này!...
Mọi người rùng mình, nhắm mắt, nín thở đón đợi tai họa. Nhưng không! Mặc đàn kiến vây quanh dọa dẫm, đùa bỡn. Mặc vua kiến trèo lên đỉnh đầu thày đái xuống. Nước đái của vua theo dòng theo vệt mà lời cúng rền rĩ của thầy vẫn bình thản thả vào giời, vào đất.
Sau hồi lâu trêu chọc, thử thách thầy mo không kết quả vua kiến lắc đầu, tụt xuống rồi dẫn các thần dân lặng lẽ bò vào rừng.
Thầy vẫn đang trong trạng thái lên đồng.
Thân thể thầy dẹo dọ, ngất ngây. Thầy cầm bầu rượu tưới lên tảng đá thiêng. Tảng đá thiêng rực lên màu thép tôi. Bầu rượu tưới lên các con vật. Các con vật bừng thức, ngọ nguậy. Bầu rượu chuyền tay dọc hàng quân. Hàng quân người nấy phừng phừng ngậm lửa. Miệng thầy bắt đầu hú những tiếng man dại. Người thầy quỵ xuống trước giàn cúng rồi hai tay từ từ hạ đất. Âm thanh từ chiếc vòng bạc trong tay thầy thưa dần rồi im bặt. Trời bỗng đổ mưa rào. Những giọt mưa thi nhau quất xuống mặt đất ràn rạt, phút chốc cả mấy trăm con người cùng rừng cùng núi chìm trong mưa, trong gió.
- Trời giúp ta rồi! Trời giúp ta rồi! - Triệu Tá Sắn – Vị vua đầu tiên của người Dao Phòng Tô hứng khởi gào lên rồi nhảy lên tảng đá giương súng lên giời bắn liền ba phát.
Như hiệu lệnh các chiến binh ồ cả lên rồi cả vua lẫn tôi ôm nhau nhảy múa điên cuồng, những tiếng hú, tiếng hét vang lên khuấy đảo cả một vùng muôn năm chìm trong tĩnh lặng.
VanVN.Net - Nói về “Thổ phỉ” – cuốn tiểu thuyết vừa đoạt Giải cao nhất của Hội Văn học - Nghệ thuật các DTTS Việt Nam, xin mượn lời nhà văn Trung Trung Đỉnh: Đoàn Hữu Nam là người Kinh sống nhiều năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh đã lặn sâu vào cuộc sống hàng ngày của đồng bào, hiểu biết vùng núi rừng với bao ngõ ngách của nó. Nhiều đoạn trong “Thổ phỉ” được viết một cách thăng hoa, bay bổng. Các trang văn đó ra đời qua sự chiêm nghiệm dài lâu từ đời sống thực của đồng bào thể hiện bởi tinh thần nghệ sĩ trong anh. Đó là điều đáng quý nhất. Nó không giả vờ mà rất thực. Có thể gọi đó là huyền ảo núi rừng dân tộc Việt Nam cũng được. Cạnh đó, theo dõi Đoàn Hữu Nam ta thấy ở tác phẩm này, anh thoát khỏi kể mà đã có ý thức dựng truyện rất rõ nét…VanVN.Net trân trọng giới thiệu 3 chương đầu của tiểu thuyết này…
Tiểu thuyết Thổ phỉ
THỔ PHỈ
1
Buổi lễ cấp sắc cho Triệu Phú Vương, con trai cả của Chủ tịch xã Sín Chải Triệu Tá Dùn đang vào giây phút quyết định. Căn nhà hai mươi mốt gian chật như củi bó. Người đến dự lễ có hoàn cảnh khác nhau, lý do khác nhau song tất cả đều nín thở dồn tâm nguyện vào người chịu lễ.
Trong khói hương nghi ngút, tiếng trống trầm hùng, tiếng chiêng chập cheng huyền bí, tiếng kèn lảnh lót thúc quân xung trận, tiếng tù và đánh thức rừng núi, tiếng xúc xắc sôi động, dưới sự điều khiển của thầy Sùng Peng ba thanh niên trang phục theo nghi lễ của người được phong sắc đến đứng trước bàn thờ đợi lệnh.
Cùng lúc thày Khòi Cháo cuộn ba tờ tranh thờ thần dựng tựa trên cái bàn kê sát vách. Triệu Phú Vương nhắm mắt, quay lưng, lùi lại ba bước, đưa tay ra đằng sau run run sờ vào bức tranh thần.
Người họ Triệu đứng tim.
Người Dao Sín Chải đứng tim.
Thành hay không thành? Số phận của người chịu lễ ra sao? Người Dao đỏ nơi đây trông cậy được ở người thanh niên này thế nào? Tất cả đều ở phút giây định mệnh đang chờ đợi.
Ba bức tranh thờ thần mà người thụ lễ sắp bắt, bức nào cũng có thần tài phù trợ? Thần Thài vẳy- Vị thần của sự bình yên, khiêm nhường, nín nhịn, coi trọng việc học hành thành đạt. Ở đâu có thần Thài vẳy hiển linh ở đó có quân sư tài giỏi, thông hiểu lý lối, chữ nghĩa. Người quân sư đó có thể dẫn dắt tộc người ra khỏi những rắc rối trên đời, tạo dựng cho rừng, cho núi, cho con người cuộc sống bình yên, giữ cho con suối, dòng sông xuôi về tận biển. Thần Zồng tàn - Vị thần dũng mãnh có thể đối mặt với cái ác, với thiên nhiên hung dữ. Người Dao coi mình là kềm mền ton (người ở rừng), trời định cho người Dao lấy núi làm chỗ chở che, lấy rừng làm nguồn sống. Cha núi cho người Dao điểm tựa, mẹ rừng cho người Dao nguồn sữa. Mẹ cha nâng đỡ, nuôi nấng người Dao từng ngày song cũng thử thách người Dao từng bước. Có thần Zồng tàn phù trợ là có những con người mạnh như hổ, khéo như báo, nhanh như hươu nai, đủ sức, đủ khéo léo chống chọi với gió mưa, thú dữ. Có thần Zồng tàn phù trợ là có những vị tướng tài cầm quân đánh giặc bảo vệ được bản làng. Nhưng trong lúc thời thế như nồi thắng cố đang sôi; thú to, thú nhỏ gầm ghè; tranh giành, cướp giật khắp nơi thì khát khao cháy bỏng của cả cộng đồng người Dao Sín Chải hướng cả vào thần Hòi Phan - Vị thần có thể phù hộ cho họ có người dẫn dắt ra khỏi cảnh múa dao trong sọt, giữ cho đất này trong ấm ngoài êm.
2
Trong khi đám người cuồng tín để cả hồn vía vào lễ bái thì trong một ngách buồng của chủ nhà, Triệu Tá Sắn đang một mình một mâm rượu.
Căn buồng giống như cái hang thuận cho Sắn việc giấu mình. Mâm rượu vừa lưu giữ Sắn, vừa tạo cho Sắn có thời giờ thu hết mọi động tĩnh từ bên ngoài để ngẫm ngợi, để chuẩn bị cho mai sau.
Triệu Tá Sắn là con cả của Châu đoàn Triệu Kim Vảng. Họ Triệu cha truyền con nối cai quản vùng Sán Chải. Triệu Kim Vảng là con cả, giàu có, lại có binh quyền trong tay nên đương nhiên quyền thế nghiêng trời lệch đất. Triệu Tá Sắn nối được nghiệp bố, còn hơn bố cả trong quan trường lẫn quan hệ trong, ngoài dòng tộc.
Sắn ra đời đúng vào mùa sinh nở của loài hổ, được loài hổ chở che, cho bú mớm. Tương truyền loài chúa sơn lâm có lãnh địa rộng lớn ở phía Tây dãy Hoàng Liên từ xửa xưa là vệ sỹ của thiên cung. Năm nọ loạn rừng, động biển. Trên trời, các loài chim tự nhiên bay vọt ra khỏi tổ, lao vào mổ xẻ lẫn nhau. Cuộc chiến của móng vuốt, mỏ, cánh làm cho bầu trời vùng rừng tối sầm, lông chim bay mù trời, cứt chim, máu chim, thịt chim rơi lả tả, tiếng quang quác kêu than náo loạn cả trời xanh. Dưới đất, các loài thú tự nhiên lao ra khỏi ổ, thú lớn cắn xé thú bé, thú lớn quần nhau với thú lớn, thú lớn, thú bé ăn thịt lẫn nhau. Dưới nước, thần rùa, thuồng luồng, cá lớn, cá bé tranh giành chỗ sống, đánh nhau một mất một còn, máu tanh nhuộm đỏ suối, đỏ sông, tôm cả nổi trắng mặt nước, đất đai ngập chìm, lũ lụt.
Loạn lạc làm cho gầm trời náo động, thần linh thổ địa kinh hoàng, oán hận động cả trời xanh. Ngọc Hoàng cả kinh, vội phái vệ sỹ hổ xuống trần gian dẹp loạn. Do oai phong lẫm liệt lại được theo học thập bát ban võ nghệ của Miêu sư nên hổ chiến thắng được muôn loài lấy lại được bình yên cho hạ giới. Với chiến công dẹp loạn, hổ được Ngọc Hoàng Thượng đế đóng dấu chữ Vương vào trán rồi cho cai quản bách thú sinh sống quanh núi Hoàng Liên.
Ngày Sắn sắp chào đời thì mẹ Sắn vô tình chui qua rừng ma. Hàng trăm con ma đói khát vây quanh đùa bỡn, một tốp thợ săn phát hiện ra đưa về nhà châu đoàn thì bà đang ngấp nghé ở cửa địa ngục.
Lễ bói ma tại nhà châu đoàn diễn ra trong trang nghiêm, bí hiểm. Trong chuồng, mấy chục con lợn, hàng trăm con gà bình thản chờ thần chết. Đầu hồi, mười con chó mực buộc sẵn chờ hóa kiếp. Trong nhà, người bệnh nằm thiêm thiếp trên giường, mọi người ngồi quanh nín thở chờ đợi. Nỗi lo lắng, mệt mỏi thành cái chài khổng lồ trùm lên cả họ tộc, lây lan ra cả những người khác dòng khác giống.
Thầy cúng vào cuộc. Trên mảnh vải đỏ trải trên bàn trước mặt thầy là đồ nghề mười đời ăn cơm thiên hạ. Tiếng cúng của thầy chỉ có hồn ma mới chịu nổi dai dẳng thúc vào đêm, vào trí não mọi người. Cái mâm chứa cả trăm cái răng nanh hội tụ hồn vía các loài mãnh thú như hổ, báo, gấu, lợn lòi... hất lên trời như hất ngô rồi lại tụ xuáy vào giữa mâm. Bỗng tiếng hét kinh thiên động địa của thầy phát ra làm mọi người giật mình. Người bệnh toàn thân đỏ như con tôm luộc, lông mọc dài, hai tay giang ra như một tội đồ, miệng hú hét kêu cứu. Tiếng ai đó trong đám đông ngoài sân thốt lên:
- Ma rừng bắt hồn, bắt vía bà chủ rồi!
Một người quỳ xuống ngẩng mặt lên trời:
- Trời ơi! Sao trời nỡ hại cả mẹ cả con bà chủ thế này!
Tất cả quỳ theo. Tất cả ngước mắt lên bấu víu vào bầu trời. Bầu trời tối đen như mực, thỉnh thoảng vài ngôi sao lóe lên rồi lại mất hút vào biển đêm – Trời vừa nhìn, vừa không nhìn xuống nhà họ Triệu ở Sán Chải.
*
* *
Cuộc chiến dai dẳng giữa thầy cúng với ma rừng kéo dài năm ngày năm đêm mà hành trình từ bến chết ra bến sống của người mang quan tài gặp nạn vẫn lạc trong thăm thẳm rừng mê. Đêm ngày thứ sáu bỗng dưng người bệnh biến mất. Cả vùng lao vào cuộc tìm kiếm. Mười hai đội thợ săn được ba mươi sáu tên lính khố xanh hỗ trợ khuấy đảo khắp vùng. Suốt dải rừng phía Nam, phía Đông dãy Phan Si bị người, bị chó quần nát. Mười sáu thầy mo trong vùng lần tìm nát sổ Nam Tào... Những gì làm được họ Triệu đã làm, cả vùng đã làm, song vợ của châu đoàn vẫn như rùa xuống vực. Cho đến ngày thứ mười bẩy một thằng bé khát sữa mò vào mút vú con hổ cái nhồi trấu ở góc nhà mọi người mới ồ lên. Chúa sơn lâm là nỗi khiếp sợ không cùng của các loài ăn cỏ, ăn thịt nhưng cũng là loài trừ tà ma, mang lại sự may mắn cho con người. Có thể trong mê trong tỉnh vợ châu đoàn đã nghĩ đến điều này nên đã mò đến lãnh địa của loài hổ, quyết đánh đổi mạng sống của mình để cứu được đứa con trong bụng.
Một quyết định chóng vánh được đưa ra. Món tiến thưởng gồm hai con trâu, năm con lợn, mười vò rượu, một trăm đồng bạc trắng, năm năm không phải đóng sưu thuế cho những ai dám vào lãnh địa của hổ tìm bà châu đoàn khiến ai nấy vừa hoa mắt, ù tai, vừa e ngại như chuẩn bị chui xuống địa ngục.
Lãnh địa của hổ ở phía Tây dãy Hoàng Liên.
Tương truyền khi bắt đầu giáng trần loài chúa sơn lâm võ nghệ cao siêu, tinh thần gan dạ, dũng cảm, thích mạo hiểm là một loài ăn cỏ. Thảo nguyên bao la, đất đai mầu mỡ, mưa nắng thuận hòa đã sản sinh ra một loài cỏ mềm, ngọt, hương mật thơm tỏa ngan ngát làm cho loài quanh quẩn trên chốn nghiêm trang, lạnh lẽo thích thú. Chúng quây quần, hòa thuận, cùng các loài ăn cỏ khác tung tăng khắp chốn, lấy cỏ nuôi mình, lấy mình nuôi cỏ, không loài nào bắt nạt loài nào. Trong thuận có nghịch, trong thuận nuôi dưỡng mầm họa, các loài sinh sôi nảy nở như nấm mùa mưa khiến loài cỏ thơm ngon không mọc kịp. Mùa hạ - ông trời đổ lửa rang khô mặt đất khiến cây cỏ khô héo. Mùa đông - sương muối, mưa tuyết làm cây cỏ lụi tàn. Loài người - mang lửa lòng, lửa giời đến quanh năm triệt phá..., Tất cả hùa nhau phá vỡ sự yên bình, làm cho thảo nguyên mất dần màu xanh, làm cho đói khát bao trùm, muốn tồn tại thú lớn phải nhai nuốt thú bé, thú bé phải cậy nhờ hang hốc, cây cối. Hổ là một loài háu đói và nóng tính. Thấy cái đuôi dài không dọa được những kẻ đói khát, vuốt sắc không làm kẻ thù khiếp sợ, hàm răng chắc khỏe không tranh nổi với tính cần mẫn, kiên nhẫn của trâu, bò, hươu, nai. Điên lên vì đói khát, điên lên vì tổn thương tự trọng và vì sự sống còn đã biến loài hổ thành những kẻ hiếu sát, những kẻ ăn thịt rùng rợn, nhất là khi loài người mê mẩn từng bộ phận trong cơ thể của chúng.
Cả vùng Phòng Tô chưa ai một lần dám đặt chân tới lãnh địa của loài hổ nhưng bếp nhà nào cũng rì rầm bàn tán, tai người cũng lọt qua những chuyện ly kỳ. Nó không chỉ nuôi dưỡng tính tò mò, gây nên nỗi sợ hãi truyền kiếp mà còn là niềm tự hào, thành kính của cả vùng. Trong tâm niệm của họ, lãnh địa của hổ là vương quốc thần tiên. Ở đó cứ mỗi tuần trăng là loài hổ lại về đây hội tụ. Ở đó vào mùa đực cái là khắp khu rừng rền vang tiếng gầm gào của những con hổ cái động đực, hổ đực khát tình. Ở đó vào mùa sinh nở những gia đình nhà hổ hiền như những chú mèo quấn quýt lấy nhau. Ở đó những con hổ biết tuổi giời đã hết, những con hổ bị tên bắn, bẫy sập, nếu thoát được sự vây hãm của con người là cố lết về quây quần để được chết trong nghĩa địa hổ. Người sắp chết thì buồn đau, lo sợ, nuối tiếc, hổ sắp chết vẫn tỏ rõ sự yêng hùng, chúng giúp nhau chết bằng cách cắn xé nhau, vả nhau cho máu chảy, xương lòi ra rồi con nào con nấy tự lấy cái lưỡi đầy gai sắc liếm cho chỗ bị thương thối loang ra để được hưởng cái chết đến dần dần. Quanh năm nơi này vang lên những tiếng gầm khàn khàn, trầm đục như tiếng khóc bi hùng tiễn đồng loại về thiên cổ...
*
* *
Đội thợ săn của Tả Chải hăng hái dấn thân cuộc phiên lưu. Những người thợ săn lão luyện lấy trước phần thưởng uống rượu, cắt máu ăn thề, nhốt những con chó trung thành, tinh khôn lại rồi ngậm ngải vào rừng. Họ cứ đi, đi mãi, hết chui qua khu rừng ma, trèo qua khu rừng quỷ, đặt chân vào khu rừng không tên, không dấu chân người. Trên đầu họ là lũ quạ dẫn đường. Trước mặt, quanh họ cả đàn sói đưa lối. Họ đi cho đến khi bầu trời roãng ra, rừng núi roãng ra, chó sói lui, chim mất dạng, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên cả đội mới giật mình kinh sợ. Cả đội nhìn nhau. Bản tính người vùng rừng là thích phiêu lưu, mạo hiểm, thích thể hiện mình, nhất là khi có được sự đồng tình, kích động. Đã là thợ săn ai cũng muốn một lần được chạm trán với hổ, huống hồ cả đội toàn những người con ưu tú của rừng. Và nữa, tiền thưởng đã được chẻ nhỏ ra, phần mang về cho vợ con, phần cho vào bụng. Và nữa, cứu một mạng người là phúc đẳng hà sa... Cả đội xiết chặt tay nhau lấy can đảm vào cuộc.
Từ trên ngọn cây mọi người rên lên. Trong tiếng rên lẫn lộn cả kinh hãi và thích thú.
Hổ đúng là một loài quy củ, trọng nghĩa, trọng tình. Trước mắt những người chuyên rình mò, rượt đuổi, lấy sự giết chóc làm vui, làm nguồn sống là cả một xã hội hổ. Họ rên lên khâm phục khi thấy trong khu nghĩa địa, đằng sau bộ xương trắng muốt của con hổ đầu đàn thoát xác là những bộ xương hàng ngũ chỉnh tề, tất cả phủ phục ngước lên đỉnh Phan Si như qua một cuộc hiến tế vĩ đại. Xung quanh những bộ xương là những con hổ đến tuổi chết, những con hổ bị thương biết mình sắp chết lê lết về để được chết có đàn, có gốc. Thường ngày hổ là chúa của sự hay quên. Không hay quên thì con mắt nghìn dặm của nó sẽ tóm gọn bất cứ con vật nào trong tầm mắt, cặp tai nghìn dặm của nó sẽ không để sót bất cứ kẻ nào dám đả động đến oai danh. Song chúng giống như loài người, khác với loài người. Những con hổ già đến nỗi rụng lông, rụng đuôi, khoang vàng, khoang xám trên đầu đã đổi sang màu trắng như cước vẫn trèo lên tảng đá trễm trệ thu vạn vật vào tầm mắt. Sức mạnh, trí thông minh, tốc độ cùng sự phối hợp tuyệt vời giời đất ban tặng đã đưa hổ lên vị trí đứng đầu các loài thú trong rừng. Một đời hổ biết bao đời thú, gây ra biết bao kinh hãi cho người, cho vật, vậy mà đến lúc quy tụ nơi về chầu tiên tổ chúng hiền lành như mèo. Con đứng choãi chân ra phía trước, chổng mông cao lên rồi vươn vai một cách uể oải. Con há cái miệng rộng hoác, lưỡi thè dài như lá gan đầy máu, hai răng nanh như hai quả chuối mắn chìa ra nhưng không dọa dẫm kẻ nào. Con ghếch chân lên tảng đá, hai chòm râu mầu bạc rung rung. ..
Những tiếng gầm đánh thức rừng, đánh thức núi kéo những cặp mắt tinh anh, mê muội của những người thợ săn đến với khu rừng hôn phối. Hàng trăm con hổ đang mê say với trò đực cái làm ai nấy vừa rùng mình, sợ hãi, vừa run lên trước sự mê hoặc man rợ, hào hùng. Đúng là làm tình theo kiểu mãnh hổ. Những con hổ đực hết vuốt ve, mơn trớn rồi lại lồng lộn, gầm gào. Con nào cũng cố khôn khéo, lì lợm nhét bằng được thanh sắt truyền giống vĩ đại của mình vào thịt da hổ cái. Những con hổ cái gầm lên, tưởng như cắn xé nát da nát thịt hổ đực, nhưng luồn trong tỏ vẻ oai hùng là sự mềm mại, giữ gìn cho bạn tình không bị xây xước... Mọi người chợt giật mình, ở góc phía Tây có một đám hổ đang quây quanh liếm láp, đùa rỡn với một sinh linh nhỏ bé. Gần đó, trên một tảng đá bằng gian nhà bà vợ quan châu đoàn đang nằm tã tượi. Có thể bà chết vì kiệt sực trong sinh nở, có thể bà tắt thở vì sợ hãi, có thể vì cả hai. Dường như đánh hơi thấy người, những con hổ hướng lên những ngọn cây gầm gào rồi bỏ đi, để lại chơ vơ trên bãi một thằng bé nằm khóc ngằn ngặt.
Mọi người đùn đẩy cho nhau, cuối cùng do ma lực xui khiến, máu anh hùng nổi lên cùng món thưởng quá đậm dồn lại khiến một kẻ vô sừng vô sẹo liều mạng tụt xuống ôm thằng bé chạy ù ra khỏi lãnh địa loài hổ.
*
* *
Đội thợ săn không cứu được vợ quan châu đoàn về song cứu được giọt máu của quan. Châu đoàn mừng rỡ khao cả tổng, thằng bé được đặt tên là Sắn – Triệu Tá Sắn.
Sắn sinh ra đã được hổ cứu sống, cho bú mớm nên pha trộn trong dòng máu của nó là dòng máu hổ. Sắn cao lớn, khỏe mạnh, trên trán lồi ra một chữ Vương như đắp, lông vàng, râu vàng, một nốt ruồi son to tướng đậu ngay đầu chim trông như cái mũ nồi đỏ. Dòng máu hổ khiến cho Sắn luôn thèm thịt sống, nhất là loài ăn thịt hai chân biết nói, biết nghĩ. Đặc biệt hắn như duyên, như nợ với rừng, tính phóng túng như ngọn gió luôn muốn trào ra mọi khuôn khổ. Ba tuổi Sắn đã kể vanh vách những loài cây, loài chim, loài thú trong rừng. Bẩy tuổi đã mang cung tên vào rừng săn chuột, săn sóc. Mười bẩy tuổi đã làm chủ một phường săn nổi tiếng, thành tích đầy mình. Khách đến nhà họ Triệu ở Sán Chải. Trước hàng trăm cặp sừng, nanh, móng vuốt của các loài thú dữ treo kín vách không thể không trầm trồ khâm phục. Khách được đãi các món gan hổ, chân gấu… được sưởi ấm bằng than xương thú thì dẫu chỉ một lần thôi là nhớ quên chết. Chưa hết, biết Sắn, hiểu Sắn không ai không kinh ngạc trước khát khao làm người đứng đầu của hắn. Khi còn cởi truồng bì bõm với đám chăn trâu, Sắn đã thỏa mãn đói khát của đám trẻ cùng đinh bằng cách để cho cả bọn đói mắt hoa cà hoa cải mới ngậm sữa dê nhả cho trôi xuống đầu con chim có nốt ruồi như cái mũ đỏ rồi khích chúng tranh nhau bú. Lớn lên một chút, Sắn nổi tiếng trong trang lứa về tính quân tử, thà hủy hoại thân mình chứ không phản bội chúng bạn. Để tỏ rõ oai hùng, Sắn lùa cả đàn vịt vào sâu trong rừng mổ thịt làm lễ ăn thề. Bố Sắn biết được, ông lôi con về trói vào cột giữa sân, quây rơm xung quanh đốt đùng đùng mà hắn vẫn không thay đổi nét mặt. Một đứa trong đồng bọn bị ngã ngựa, chùn sống lưng, thâm tím mặt mày, Sắn về nhà lấy trộm của bố cả cái mật gấu to tướng đem cho. Sắn trêu tổ ong bò vẽ bị ong đốt, mặt, gáy sưng vù, bị bố đánh liền cầm luôn con dao nhọn cắm phập xuống làm đầu ngón chân cái rơi ra… Khi đăng lính, Sắn được Quan Ba Đờ ri nhô sung vào quân số chốt giữ ngã ba hiểm yếu Sán Chải. Năm năm đội nón dẹt, dải đỏ, thắt lưng đỏ, góp sức với quân của quan Ba canh giữ, đánh dẹp. Từ thành tích bắn giết không ghê tay, hạ đối phương không từ một thủ đoạn Sắn được leo lên đến chức Đội. Nhật đuổi Pháp, Sắn vẫn được giữ nguyên chức tước. Quốc dân Đảng dựng lên chính quyền ở Tả Chải, Sắn không những không hợp tác mà còn tập hợp lực lượng đánh lại khiến chúng phải bỏ chạy về Lào Cai. Bộ đội Việt Minh tiến vào giải phóng Phòng Tô, dựng lên chính quyền cách mạng. Xứ Thái tự trị của Đèo Văn Ân điên cuồng chống lại, Sắn ra nhập ngay quân đội của Ân và được giao cho năm trăm tên phỉ, tùy ý hành động, tùy ý bắn giết. Cuối năm một chín năm mươi, Việt Minh mở chiến dịch Lê Hồng Phong màn hai làm cho quân Pháp thành bầy vịt cỏ từ Lào Cai ào qua Sa Pa, Phòng Tô, chạy sang tận Lai Châu mà vẫn hồn một nơi người một nẻo. Nước lũ cuốn trôi bè mảng, Xứ Thái tự trị - Một nhà nước thu nhỏ, một bộ máy công quyền khá hoàn chỉnh với đủ cả cơ quan hành chính, lập pháp, tư pháp, quân đội, ngân hàng, hội đồng dân biểu tan nhanh như bọt nước mùa lũ. Các quan chức đứng đầu, các chức dịch, một số vội vàng cuốn gói theo chân người Pháp, một số lẩn vào váy vợ, một số đem súng ra hàng. Sắn không làm thế. Bọn phỉ ở Phòng Tô trải bao chìm nổi thì Sắn nếm trải bấy nhiêu nổi chìm. Như người khác, sau một lần chết hụt, không sợ đến già thì cũng tự mình né tránh thời cuộc. Sắn khác người. Sắn cay cú. Sắn tự coi mình là người có chân mệnh đế vương, công việc Sắn và các huynh đệ đã và đang làm dẫu hoa chưa nở, trái chưa thành, nhưng mặt trời, mặt trăng còn thì cơ hội dẫn dắt thiên hạ còn. Sự cuồng tín, cay cú cùng khát vọng điên cuồng của những tên địa chủ, đặc vụ Quốc dân Đảng Tàu lưu vong, những tên trùm phỉ khét tiếng do người Pháp cài lại đã nuôi dưỡng trong Sắn mưu đồ giành chính quyền rồi tiến tới cái đích bá chủ thiên hạ. Sắn đang từng bước thực hiện mưu đồ của mình, sự có mặt trong buồng nhà Chủ tịch xã Sín Chải nằm trong kế hoạch chui sâu, lấy Việt Minh đánh Việt Minh của hắn.
Sắn với Dùn cố kết với nhau như duyên nợ. Cuối năm 1948 cả hai cùng là sỹ quan trong tiểu đoàn người Thái tự trị của họ Đèo. Là người cùng tuổi, cùng dân tộc, cùng họ, cùng vòng đời, cùng là học trò của ông nội Dùn, đặc biệt trong một trận càn quét ra Tam Đường, Dùn đã không quản hiểm nguy dẫn dắt Sắn rút khỏi vòng vây dày đặc của bộ đội Việt Minh. Từ khá nhiều cái “cùng” ấy Sắn và Dùn đã kết nghĩa anh em. Lễ kết nghĩa của hai người là một cuộc ăn thề đầy đủ lễ nghĩa. Giữa giời, giữa đất, giữa rừng, giữa núi, trước sự chúng kiến của thần rừng, thần núi, của quan Ba, của các thổ ty quanh vùng, không cần bánh giầy - con của đất, không cần gà sống lông vàng, mỏ vàng – con của rừng, cháu của cụ phúc đức, hai người cởi trần ngồi xếp bằng như võ sỹ. Đúng giờ rồng cuộn hổ ngồi, giờ Sắn chui ra khỏi bụng mẹ cất tiếng chào đời là cả hai giơ cánh tay về phía mặt trời dùng dao nhọn xiên nhẹ. Máu từ hai bắp tay cuồn cuộn rót xuống cái chậu sành chứa đầy rượu. Sắn lấy tay quấy đều chậu rượu pha máu hai người rồi múc một bát cho Dùn, một bát cho mình. Cả hai nâng bát rượu ngang đầu, cúi lạy bốn phương trời, mười phương đất. Tiếng khấn của Sắn vang lên rành rọt, vừa như cầu, vừa như lệnh: “Hôm nay ngày trời phù, đất phSaw, hai chúng tôi, Triệu Tá Sắn, Triệu Tá Dùn, sinh cùng tháng, cùng năm, lớn lên cùng chung cái đích giữ gìn bờ cõi người Dao, chúng tôi xin kết nghĩa anh em, có phúc cùng chung, có họa cùng chịu, xin trời, đất, thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối chứng dám, xin được các quan cùng các chiến hữu đồng lòng giúp sức.”. Cả đám quan quân vỗ tay hò hét phấn kích. Hai người uống cạn bát rượu pha máu rồi múc rượu dâng quan Ba. Quan Ba uống rồi chuyển cho thổ ty họ Đèo. Thổ ty họ Đèo uống rồi chuyển cho quân lính... Cứ thế, niềm phấn hứng nhân lên cùng rượu và máu của hai người.
Cuối năm 1953 tiểu đoàn Thái tự trị bị Việt Minh đánh cho tan tác. Nghe lời ông nội, Dùn bàn bạc với mười hai tên lính thất trận đều là anh em con cháu trong nhà rồi cùng nhau vác súng ra hàng. Từ sự thành khẩn và thành tích giác ngộ của người lầm đường lạc lối, Dùn được làm cán bộ thôn, cán bộ xã rồi leo lên chức chủ tịch xã, còn Sắn đứng lên xưng vua. Vua Sắn lại bị Việt Minh đánh cho không còn mảnh giáp, phải chui lủi trong hang trong hốc qua ngày. Sự có mặt của Sắn trong lễ cấp sắc cho con trai là ngoài dự kiến của Dùn. Thấy cái dáng cao lớn, da đầy lông lá của Sắn, Dùn hoảng hồn, ấn vội Sắn vào buồng cùng một mâm thịt, rượu.
Được Dùn chấp nhận cho đặt được một chân vào nhà là Sắn mãn nguyện lắm rồi. Lần nổi phỉ năm 1953 thất bại, Sắn tìm đến nhà Dùn, bị ông nội Dùn lấy lá dắt ra rừng. Kể từ đó Sắn từ mặt, bây giờ nhìn trước, nhìn sau, cá không bỏ được nước, hổ không bỏ được rừng, Dùn không chỉ là chỗ nương tựa của hắn khi cùng đường mà phải là cỗ xe tam mã khuấy đảo cái trật tự từ chính Dùn đã và đang góp công dựng lên. Sắn chọn đúng lúc nhà Dùn có việc để vào nhà là cách của con sói vào nhà lũ thỏ. Sự tụ họp đủ mặt già trẻ, lớn bé, cả anh hùng hảo hán lẫn những kẻ đầu b… chấm gio của cộng đồng người Dao đất Sín Chải là dịp để hắn lựa chọn, tìm cách móc nối và cũng là dịp Dùn không có cách gì từ chối gặp hắn.
3
Lễ cấp sắc đang kỳ cao trào.
Triệu Phú Vương run run cầm bức tranh, từ từ giơ lên cao rồi hồi hộp thả xuống.
Mọi người lặng đi.
Một nghìn năm trước thần Hòi Phan mải mê tiêu dao cùng mây gió.
Một trăm năm qua thần Hòi Phan quay mặt với khổ ải của người Dao.
Trời đã đến lúc rạng, lửa đã đến lúc cháy, thần Hòi Phan đã nhập vào Triệu Phú Vương. Sau bao năm khát khao Triệu Phú Vương là người Dao Sín Chải đầu tiên có niềm vinh quang được chân mệnh vua cha chiếu sáng.
Từ điềm báo đến hiện thực còn xa vời, song một con gà gáy cả bản bừng thức, trăm người như một, ai cũng rưng rưng mừng cho họ Triệu, mừng cho chính mình.
Vua ra…
Tiếng thầm thào cố nén của cả trăm con người cùng cất lên như tiếng nguyện cầu buổi sớm.
Vua ra…
Cái khát vọng đứng đầu thiên hạ của một trăm đời trước dồn tụ, cái hy vọng dẫn dắt thiên hạ của một trăm đời sau loe lóe từ phía hừng Đông.
Vua ra…
Trong buồng Triệu Tá Sắn nâng bát rượu lên từ từ uống cạn. Cặp mắt lươn của hắn lóe lên, đám dân đen cuồng tín bên ngoài mê muội bao nhiêu thì lòng dạ hắn hân hoan sôi réo bấy nhiêu.
Vua ra... vua ra... ha ha ha...
Trong mập mờ sáng tối, sống còn, con người thường bấu víu vào cái gì đó để hy vọng, để cộng thêm nghị lực mà sống, mà tồn tại. Cái bấu víu dễ nhất, mông lung, không bờ bến nhất là niềm tin, là tâm linh. Càng khổ ải, càng mất phương hướng con người càng nuôi dưỡng, tôn thờ niềm tin. Cứ bám vào cái dễ làm cho con người mê muội nhất là tất dẫn dắt được con người.
Vua ra... ha ha ha...
“Sự sinh ra và mất đi của mọi sự vật, hiện tượng đều do trời đất định đoạt. Cuộc sống hiện hữu của mỗi con người là do ông trời sắp đặt để thử thách. Con người ở trần gian, ai là người biết tu luyện tâm đức, làm việc thiện thì khi chết đi sẽ được về với vương quốc thiên đường, về với cái đích của con người...”. Ha ha ha… lời thày Sùng peng, lời thầy Khòi cháo nối nhau. Toàn những lời có cánh dẫn dụ con người vào chốn mông lung, bắt con người chui vào vòng khổ ải. Từ bấu víu tâm linh, từ khát vọng vua ra mà năm 1950 Phòng Tô này, Tây Bắc này trong cơn lũ ống. Lũ qua, cái gì trôi thì trôi, cái gì còn lại lại bật dậy, ngẩng lên, vươn cao mầm sống. Từ tâm linh, từ khát vọng vua ra ma từ năm 1950 đến năm 1955 Tây Bắc bốn lần nổi phỉ, bốn lần bị dẹp, nhưng dẹp gì, đánh gì thì mầm mống, khát vọng vẫn là hòn than ủ trong lòng người, lòng rừng. Nắm được cốt lõi này ta sẽ có tất cả, thả cốt lõi này ta sẽ không chốn nương thân.
Sắn lại nâng bát rượu lên uống cạn, niềm hân hoan chảy rần rật trong dòng máu của kẻ tự coi mình có chân mệnh đế vương.
*
* *
Sắn đã một lần được mang chân mệnh đế vương trùm lên thiên hạ. Đó là vào mấy năm đầu của những năm năm mươi. Phòng Tô là miệng của trời, là mường trời thét, song trước đây chỉ có sấm sét từ trời, từ thổ ty họ Đèo, thủ lĩnh họ Giàng nối nhau chứ làm gì đến lượt những người Dao thấp cổ bé họng. Việt Minh tràn qua, mấy đại đội lính khố đỏ, khố xanh trấn giữ ở các nơi hiểm yếu phải đội lốt vịt lạch bạch chạy về phía Lai Châu, Điện Biên. Các thổ ty - những kẻ cùng nhau uống máu ăn thề, hứa cùng nhau quyết tử với Việt Minh trông trước trông sau rồi mạnh thằng nào thằng ấy chạy.
Từ ngày bị Việt Minh đánh bật ra khỏi Sán Chải, phải chui vào rừng sâu nương náu Sắn luôn sống trong tiếc nuối, nhục nhã. Trong hơn ba mươi năm nhận biết được ở cõi đời chưa bao giờ hắn biết đến gục ngã. Vậy mà lần này…, hắn đau. Đau lắm. Đau như bị cắt mất bộ truyền giống. Thất bại trước những kẻ trên không chằng dưới không rễ đã là nỗi đau quá lớn, nhưng chưa thấm vào đâu với cảnh như con chó bị đuổi khỏi nhà. Cùng bị bứng theo hắn có hơn ba trăm đàn ông, trai tráng người Dao sinh sống quanh thung lũng Sán Chải mà thường ngày hắn vẫn gọi là chiến binh. Trong số hơn ba trăm chiến binh ấy chỉ có hơn hai mươi người thực sự làm con chó chuyên nghiệp giữ cửa. Số còn lại là những dân binh nửa vời. Người thì dây mơ rễ má trong dòng tộc. Người bị sợi dây luật tục buộc chặt. Người bị ruộng đất, nợ nần trói từ đời này sang đời khác. Thường năm, ngoài việc mùa vụ, có công việc của bản, của châu phải đến làm tập trung, còn bình thường, ban ngày họ được cầy thuê cấy rẽ, ban đêm thay nhau vác súng, vác kiếm đến nhà họ Triệu gác sách, tuần tra, hoặc ban ngày tuần tra, canh giữ, ban đêm về nhà uống rượu, ôm vợ. Họ là những kẻ đầy tớ trung thành, bảo canh giữ thì canh giữ, bảo đi theo thì đi theo. Cái đích của họ là được làm thuê, làm mướn, là được ăn cơm, mặc áo nhà họ Triệu. Làm cho nhà họ Triệu giầu có là được nương nhờ, dứt khỏi nhà họ Triệu là dứt khỏi con đường sống. Đời ông họ thế, đời cha họ thế, bây giờ họ là sợi dây nối tiếp mà thôi. Bộ đội Việt Minh tràn vào, theo tù và hiệu lệnh của Sắn, họ vội bỏ dở bữa cơm, bỏ dở đường cày vác súng đến đón đánh Việt Minh bảo vệ bản làng, thực chất là bảo vệ nhà họ Triệu. Bộ đội Việt Minh như lốc như bão khiến cả vùng chưa đánh đã vỡ, họ phải chạy theo họ Triệu vào rừng.
Những kẻ theo Sắn càng đơn giản bao nhiêu thì Sắn càng đau đớn bấy nhiêu. Dẫu đau, dẫu bực, dẫu xót Sắn vẫn tỏ ra mình là một thủ lĩnh cứng rắn. Không cứng rắn không được, mấy trăm con người bại trận vây quanh Sắn tỏ rõ sự ô hợp cả bên trong lẫn bên ngoài. Bình thường là một đám nông phu, lúc tập hợp giống như một nồi thắng cố, thua trận lại càng thảm bại hơn. Trước đây tiền bạc, quyền lực nhà họ Triệu thít chặt sợi dây vào cổ họ, tưởng như họ Triệu bảo sống là sống, bảo chết là chết, ai ngờ lúc lâm trận chúng mới phô ra sự hốt hoảng, bạc nhược. Cả đội quân toàn những kẻ nghe tiếng súng mắt đã dáo dác như gà con mất mẹ gặp diều hâu, vào rừng rồi mà hồn lúc nào cũng đau đáu phía gà gáy, bụng dạ lúc nào cũng như kiến cắn. Vậy mà vẫn phải nuôi nấng, vẫn phải phỉnh nịnh không nuôi, không phỉnh nịnh thì lấy gì mà chiến đấu, mà lấy lại cơ nghiệp, lấy lại uy thế.
Giữa lúc Sắn đang điên lên thì quan Ba Đờ ri nhô thân chinh đến tận hang ổ của Sắn tính kế lâu dài.
Quan Ba Đờ ri nhô là người Sắn mang ơn suốt đời. Là người coi việc cháy trước mặt, lửa cháy sau lưng là ghẻ lở, hòn than ủ trong bếp mới là gan ruột, quan Ba đã lấy việc người địa phương trị người địa phương làm trọng, coi việc huấn luyện, nuôi dưỡng người địa phương làm kế sách lâu dài. Có chính sách của quan các thổ ty họ Đèo, họ Giàng, họ Lù mới có cái thế để cát cứ, hoành hành. Có nuôi dưỡng, dạy bảo của quan dọc biên giới Tây Bắc mới có lớp chiến binh áo đen, áo chàm khét tiếng. Khi Sắn xung lính, có sự dẫn dắt, nuôi dưỡng của quan, Sắn mới leo lên được chức Đội, mới có thực lực lập nên đội quân người Dao ở Sán Chải. Tháng tư năm Ất Dậu, quân Nhật theo đường Sa Pa tiến đánh Phòng Tô, quân Pháp kháng cự không nổi phải bỏ đất chạy lấy người. Trước khi vượt cửa khẩu để chạy sang bên kia biên giới lánh nạn quan Ba đã kịp giao cho Sắn nhiệm vụ ở lại xây dựng lực lượng. Lúc đó bao nhiêu giá trị lộn nhào, mạnh ai nấy xưng hùng xưng bá, song dẫu hùng, dẫu bá, dẫu đội lốt mèo, lốt hổ, kẻ nào cũng phải nghe theo sự chỉ bảo ngầm của quan thầy, nhất là khi âm mưu tái chiếm Tây Bắc của người Pháp đang sôi sục. Trong cây gậy từ mẫu quốc những người Pháp bại trận ở Côn Minh đã lập ra Phái đoàn Năm nhằm cài cắm, xây dựng lực lượng tình báo, biệt kích tinh nhuệ chống phá Việt Minh. Ở Phòng Tô, người mà Đờ ri nhô nhớ tới đầu tiên là Sắn. Từ súng ống, đạn dược, từ chỉ đạo chiến thuật, chiến lược của quan thầy, Sắn đã đứng lên đánh tan bọn Quốc dân Đảng. Từ khích lệ tinh thần của quan thầy, Sắn đã đưa đội quân của mình ngẩng cao đầu sánh ngang với những thổ ty người Thái, người Hmông, người Pú Nả, những kẻ bao đời làm mưa làm gió ở đất này.
Lần ấy, theo lệnh của quan Ba Đờ ri nhô, Sắn cùng đám thuộc hạ thân tín đi Mường Xo để cùng tri châu họ Đèo, thủ lĩnh họ Giàng, họ Lù thành lập liên minh chống Việt Minh. Thực ra lúc đó các chúa đất mỗi người hùng cứ mỗi phương, có kẻ nào chịu kẻ nào mà liên minh, đứt minh, có chăng chỉ là dịp để các thủ lĩnh thăm dò lực lượng của nhau, thực lực của người Pháp ra sao, lo được gì cho mình.
Đúng như Sắn dự đoán, cuộc họp của liên minh lộn nhộn chẳng khác gì một nồi thắng cố. Khác chăng nồi thắng cố ấy đáng lẽ được đặt giữa chợ thì nó lại được đặt trong cái hang tối tăm giáp biên giới Việt Trung. Khác nữa thầy cúng Đờ ri nhô không điều khiển các âm binh mà để cho các âm binh tự điều khiển lẫn nhau.
Cuộc họp đi quá nửa ngày mà vẫn lùng nhùng, mọi nghi thức xã giao, mọi lối mở bị chôn cứng trong những cái đầu u mê, tham vọng, chỉ đến khi quan Ba tuyên bố các thủ lĩnh vùng nào sẽ chỉ huy kháng chiến vùng ấy. Căn cứ vào quân số và khả năng tác chiến của từng vùng máy bay Pháp sẽ thả dù súng ống, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho các thủ lĩnh thoải mái chi dùng trong năm năm, mười năm, lúc đó các thủ lĩnh mới hồ hởi như những kẻ đói khát được chia phần.
Trong cảnh mập mờ sáng tối những kẻ ma lanh có ưu thế của con rắn trong đêm. Chuyến đi đó Sắn bắt được vàng mười. Còn hơn cả vàng mười. Lấy lại được Sán Chải là thông lại được huyết mạch, là chặn đứng một hướng Tây tiến của Việt Minh, là nòng cốt để lan tỏa ra cả vùng, là… là… Những lời có cánh từ miệng quan Ba thổi vào tai Sắn. Cùng với những lời có cánh ấy, Sắn được hứa cấp súng đạn, lương thực, thực phẩm, bạc trắng gấp đôi vùng khác, nhận thêm hai trăm tàn quân Tưởng Giới Thạch chạy sang nương trú, có quân Pháp, quân các thủ lĩnh khác hỗ trợ để đủ sức đương đầu với bọn Kinh thật, Kinh giả…. Đặc biệt là Sắn được phép chuẩn bị mọi điều kiện để xưng vua.
Sắn ngỡ ngàng, hắn không tin vào tai mình. Làm vua thì phải có uy, có tín, có tôi hiền, tướng giỏi, hoặc chí ít phải có đám dân đen mê muội đến quên thân. Còn hắn, đức là cái mo nang trôi sấp trên suối; uy mới đủ khuất phục những kẻ lệ thuộc; quân là một đám nhộn nhạo, ô hợp; tiền bạc, kho lẫm vào cả trong tay kẻ thù thì làm sao đã đủ sức xưng vương, xưng vua.
Triệu Tá Sắn - Đội Sắn được quan Ba tiếp rượu thông đêm. Qua quan Ba, Sắn vỡ ra bao nhiêu điều mà chính hắn đã từng làm, từng nghĩ.
Sán Chải - Mảnh đất hiểm yếu, núi giữ chân người, người giữ chân núi.
Sán Chải - Trước đây các tộc người sinh sống nơi đây vốn cùng một gốc. Cũng chọc lỗ bỏ hạt. Cũng xe lanh dệt vải. Cũng lấy rừng làm nhà. Cưới cheo cô dâu theo hướng Đông vào nhà. Ma chay linh hồn theo thầy dẫn dắt về phương Đông tụ hội. Trước đây vì không hiểu nhau nên tay phải chém vào tay trái, máu đổ, đầu rơi. Bây giờ Việt Minh tràn đến. Thôn tính đất đai, vơ vét tài sản, làm cho bần hàn, cơ cực rồi đồng hóa là mục tiêu của bọn thống trị. Rồi đây con cháu người Dao sẽ chẳng còn biết đến Bàn Hồ, chẳng còn biết đến tổ tiên. Muốn Sán Chải này, Phòng Tô này, Tây Bắc này không thành rừng cây bị vặt trụi lá thì các bộ tộc phải quấn lấy nhau, phải tạo nên sức mạnh quét sạch bọn Việt Minh.
Xưng vua trong lúc cùng đường là việc làm điên rồ. Dù ta – Triệu Tá Sắn có chân mạng dẫn dắt thiên hạ đi chăng nữa thì lâu nay ta vẫn chỉ là kẻ a dua, là con dao trong tay kẻ khác, vòng hào quang trên đầu ta vẫn là mượn, là giả. Giữ chặt bọn nửa lính tráng nửa đầy tớ trong tay là chuyện đương nhiên, song nuôi chúng, gây dựng chúng thành công cụ lúc này là phải cho chúng lòng tin. Chúng không trực tiếp làm rối loạn lòng quân, không lôi kéo bè cánh, song ta đang ở tình cảnh chúng tin thì theo, không tin thì bỏ. Chúng mà bỏ thì sự nghiệp của ta sẽ là mô đất giữa lòng suối, lở được một sẽ lở mười và cuối cùng tất cả sẽ rữa ra rồi trôi theo dòng nước. Trong vòng xoáy của thời cuộc ta có muốn đứng ngoài, có cố tránh nó thì nó vẫn xoáy vào, hoặc phải dạt vào bờ bên này, hoặc phải dạt vào bờ bên kia. Nhưng dạt vào bến bờ nào? Theo Việt Minh ư? Bánh vẽ làm cho cái tai, con mắt no đủ nhưng cái bụng sẽ như cần cối đói nước. Làm người nước Pháp ư? Bao nhiêu năm đàn áp, mua chuộc, dụ dỗ, gây dựng trật tự sắt, vậy mà chỉ một cơn gió tràn qua người Pháp đã bị lật gốc trốc ngọn. Không! Một ngàn lần không! Tiền nhân đã dạy, Hà Bá mong mùa nước lũ để lấp cái dạ dày; hổ báo mong rừng động để khỏi phải khổ sở rình mồi, còn ta.... Biến hóa ư! Ta còn nguyên cái khéo léo của tổ tiên. Sức mạnh ư! Uy vũ của ta có cái thế của kẻ làm chủ núi rừng. Xưng vua là danh chính ngôn thuận, là tăng thêm sức mạnh, là dẫn dắt bọn dân đen chui sâu vào con đường mê muội, là nghiệp lớn sẽ thành. Quan Ba Đờ ri nhô muôn năm! Vua Dao Triệu Tá Sắn muôn năm!
*
* *
Sau khi nhận lệnh của quan Ba, Triệu Tá Sắn ngồi thông đêm với thây mo Quấy – Người có thể giao tiếp được với thần linh.
Sắn dính với thầy mo Quấy định mệnh.
Lần ấy Sắn đi Tà Thàng tìm gặp quan Ba.
Giữa mùa nắng nóng, tiếng sấm ì ầm doạ nạt chán chê mà ông giời không rặn nổi một giọt nước xuống trần gian. Ban ngày mặt trời nung cho những tảng đá nóng rẫy, phồng lên, bạc phếch. Ban đêm sương lạnh làm cho đá ướt át, co lại. Sự nóng lạnh bất thường khiến những rãnh đá nứt rộng dần rồi tụt hẫng, lở ầm ầm xuống chân núi.
Sắn cùng đám hộ vệ đang thả ngựa nước kiệu trên con đường vắt ngang sườn núi thì gặp một người đàn ông râu dài, mắt sáng, vóc dáng khác người từ trong rừng đi ra. Nhìn thấy Sắn cùng đám hộ vệ hùng hổ cưỡi ngựa đi về hướng Tây, người đàn ông ngẩng mặt lên trời cười lớn rồi nói một câu cụt lủn: “Đi đằng Đông thì sống, đi đằng Tây thì chết.”.
Nhìn kẻ mới cỡ tuổi mình đang ra cái vẻ tiên tri, Sắn bật cười, vung roi vút xuống. Kẻ ăn đòn không giật mình, không chống đỡ, hắn đứng lặng, mắt nhắm tịt, ngón tay trỏ của bàn tay phải đặt dọc sống mũi lẩm bẩm câu gì đó, có lẽ là thần chú. Sắn lẩm bẩm: “Đúng là thằng điên”, rồi ra roi cho ngựa vọt lên, đám hộ vệ của hắn vọt theo.
Sắn cùng đám hộ vệ qua ngã rẽ được một đoạn, thì gặp quan Ba cùng đám tùy tùng đang trên đường đến thăm mình. Chủ tớ gặp nhau tay bắt mặt mừng, Sắn hớn hở cùng quan thầy quay về Sán Chải. Cả bọn vừa đi được một đoạn thì một góc đỉnh núi phía Tây toác ra, đất đá ầm ầm đổ xuống. Cả bọn hú hồn, bầy ngựa sợ hãi hết tung vó trước lại hất cẳng sau, đám quan, lính, tây, ta hồn xiêu phách lạc.
Qua cơn nguy kịch Sắn nhớ tới kẻ lạc loài gặp ở dọc đường mà giật mình, thán phục. Gã cho người dò hỏi thì được biết người đàn ông đó tên là Quấy. Bàn A Quấy. Quấy mồ côi cha, hiện đang nuôi bà mẹ mù lòa. Quấy thông minh, có tài đoán định như thần. Những lời đoán sấm đoán chớp của Quấy thường ban đầu không ai tin, khi việc sảy ra như giời định mới bừng tỉnh, mới thấy sợ, thấy phục. Một lần giữa mùa hanh hao, Quấy bảo sắp tới sẽ có mưa đá lũ quét. Mọi người mặc kệ lời hắn bay lên giời. Hắn không nói không rằng, lập đàn cúng tế ngay tại ruộng trước cửa. Đàn cúng, cách cúng của hắn khác người, chẳng ra Dao, chẳng ra Tày, chẳng ra Nùng.... Giữa một vùng trời đất ảm đạm, lam sơn chướng khí ngùn ngụt, màu đen tuyền của giàn cúng, đồ cúng, quần áo người cúng khiến người ta coi hắn là phù thủy hơn là một thầy cúng. Mà hắn phù thủy thật. Hắn cúng hai ngày hai đêm, đến ngày thứ ba thì trời đất vần vũ, một trận mưa đá ầm ầm trút xuống. Sau mưa đá là lũ cuốn. Các loài vật biết chạy, biết bò, biết bay, biết bơi cuống cuồng vọt ra khỏi chỗ ẩn ấp. Riêng hắn không. Mặc mưa, mặc gió, mặc lũ đá, lũ bùn, hắn vẫn điềm nhiên ngồi cúng. Không biết vì lòng thành hay hắn điều khiển được cả giời đất, ma quỷ mà dòng lũ đang hung tợn như con hổ bị lửa đốt đít phóng đến gần đám ruộng nhà hắn bỗng rẽ ngang sang hướng khác. Cả vùng qua cơn lũ, ruộng ven suối thành dòng sông đá, cây cối, đất đá ngổn ngang, vùi lấp, riêng ngôi nhà và đám ruộng của hắn vẫn nguyên vẹn như được phù phép.
Sau trận mưa đá, lũ ống mọi người vừa kinh sợ vừa căm ghét hắn, coi hắn là quỷ, là ma, là kẻ rước họa. Mẹ con hắn bị đuổi ra khỏi bản. Trong cái cộng đồng phải nương tựa vào nhau như trong rừng cây tựa cây, dưới suối nước tựa vách đá, dứt ra khỏi bản coi như sống cũng như chết, vậy mà hắn vẫn nhơn nhơn, vẫn đưa ra những lời phán chết người, lời hắn thối đến nỗi thấy hắn ai cũng phải bịt tai, nhổ nuớc bọt.
Sắn tìm đến Quấy.
Nhìn hắn pha nước mời kẻ khét tiếng khắp vùng mà nét ung dung, tự tin, coi thiên hạ dưới tầm con mắt lộ rõ Sắn ngầm thích thú. Quấy có dáng người cao ráo, khuôn mặt thể hiện cá tính mạnh, nhạy cảm, ý chí lộ ra từ gò má gày gò, đôi lông mày rậm gãy rủ, nhân trung thẳng, sâu, rộng như ai hằn sâu vào đó cái ngòi bút.
Sau một hồi trò chuyện Quấy đã được lòng Sắn, được theo Sắn về Sán Chải. Dọc đường thấy đàn vịt quây trên bờ suối vươn cổ kêu quàng quạc đòi ăn. Vịt là loại sống dai, nhiều con bị lưỡi dao cứa ngang cổ, dốc sạch không còn một giọt tiết, đầu sắp lìa rồi mà chỉ cần buông tay ra là ngất nghểu chạy khắp vườn, lặn ngụp quanh ao, dọc suối như ma nhập. Bắt cả đàn vịt hóa kiếp không phù phép thì chỉ có cho ăn bả. Sắn mỉn cười tinh quái, bảo Quấy bảo làm phép cho lũ vịt hóa kiếp. Quấy nhìn Sắn cười mỉn rồi chắp tay đọc thần chú, vái bốn phương tám hướng, hú ba tiếng động giời sau đó mở tấm phên cửa vây bước vào, đưa tay khoát nhẹ như bơi. Như có phép lạ, Quấy bơi đến đâu đàn vịt rủ xuống tới đó. Những con mắt chữ A cái mồm chữ O chưa kịp khép lại mà cả trăm con vịt đã ngả trắng xóa cả bờ suối.
Sắn bị Quấy thuyết phục hoàn toàn. Hắn kết nghĩa anh em với Quấy, đón cả hai mẹ con Quấy về nhà, coi hắn như Khổng Minh tái thế. Ở bên Sắn, Quấy không phải làm việc gì trừ chuyện đọc sách, đoán định vận giời. Nhờ cưu mang của Sắn, Quấy đã được kinh qua cấp sắc bẩy đèn. Mặt âm, Quấy điều khiển bẩy mươi hai âm binh làm mưa làm gió. Mặt dương, Quấy được kè kè bên Sắn, đêm ngày bàn chuyện thời cuộc, bày mưu tính kế. Sắn bản tính bạo liệt, ham hành hạ, giết chóc nên gây thù chuốc oán nhiều, nhờ may mắn, nhờ cảnh báo của Quấy, hắn đã bao lần thoát hiểm, đã giữ được uy thế của mình.
*
* *
Được Sắn hỏi chuyện đại sự, thày mo Quấy bối rối. Thầy hoãn binh bằng việc bảo Sắn xưng vua phải được trời phù, đất phù, thiên cơ phát lộ. Lời thầy chọc vào tính tự ái của Sắn, hắn ngửa cổ lên trời nghiến răng rồi cười sằng sặc. Thầy mo Quấy sợ hắn phát khùng sẽ phạm vào chốn linh thiêng nên đã khuyên hắn muốn biết vận giời phải dọn mình ba ngày để làm thủ tục mở tranh. Trong ba ngày ấy hắn phải không giết người, không giết súc vật, không nói tục, không đàn ông đàn bà. Nghe lời quân sư, Sắn đổi ý, răm rắp nghe theo. Lễ mở tranh không được như ý. Mở đầu của lễ, chậu nước rửa tay của thầy, của người thụ lễ biến thành chậu máu. Vào lễ, con gà sống sau khi cắt tiết đầu một nơi, thân một nẻo vẫn bay loạn xạ quanh hang.
Điềm gở làm cho Sắn bực mình, hắn lồng lên rủa xả giời đất, thề không làm được vua không làm người. Sự cuồng loạn như trâu đực cột giữa bãi bị đuốc dúi đít của Sắn khiến thầy mo Quấy phải nén lòng lạy van giời đất, lạy van các thần phù hộ cho Sắn lên ngôi vua.
*
* *
Việc xưng vua của Sắn diễn ra vừa thuận vừa nghịch.
Khi ông mặt trời vừa bắt đầu một cuộc leo trèo mệt nhọc thì hơn ba trăm đàn ông trai tráng trong đội quân người Dao nhũng nhẵng bám theo Sắn ngược dốc lên đỉnh núi Phan Si làm lễ.
Hơn ba trăm con người, hơn ba trăm tâm trạng, buồn có, phấp phỏng có, hoảng hốt, lo âu có, song không đường cùng, không bĩ cực.
Hơn ba trăm con người, người đi trước dựa vào kẻ đi sau để vững bước, kẻ sau trông vào vết chân người đi trước để tìm chỗ đặt bàn chân. Tất cả đều hướng ngược lên người đi đầu là thủ lĩnh của họ. Cả đoàn nối nhau làm con rắn hổ mang khổng lồ trườn ngược. Dọc đường, cây cối gặp mưa phởn phơ, tươi rói, những cây vầu già mốc thếch như những chú trăn hoa dựng đứng rì rào chào đón.
Đỉnh Phan Si, chóp mũ của người khổng lồ đất Việt, nơi quy tụ sức mạnh, quy tụ khát vọng vươn tới của con người đồng thời thể hiện sức mạnh, chế ngự của thần linh.
Tương truyền từ thời dựng nước, vua Hùng cho sứ giả dâng thiên tử nhà Chu một đôi chim trĩ trắng để cầu thân. Chim trĩ trắng là con của thần núi Hoàng Liên, uống sữa núi Hoàng Liên lớn lên. Trĩ trắng tượng trưng cho tinh khiết, thanh cao, khéo léo, là linh khí của thần núi, thần rừng người đời ngàn năm mới gặp. Trong cái lồng sơn son thếp vàng, với trọng trách sứ giả của hòa bình đôi chim cùng đoàn sứ thần rời đất Việt. Qua nhiều ngày tháng lặn lội, cuối cùng đôi chim trĩ cùng gốc gác ly kỳ của nó cũng được dâng lên thiên tử. Cảm kích trước tấm lòng hữu hảo, cầu thân của vua tôi đất Việt, sau khi cho lưu đãi thăm thú khắp nơi thiên tử lưu luyến tiễn đoàn. Với năm cỗ xe chỉ Nam do vua nhà Chu ban tặng, đoàn sứ thần lại lặn lội chín lần đổi trạm, lại vượt qua bao gian nan trắc trở. Cả đoàn về tới biên ải. Cả đoàn đang bày tỏ mừng vui hoàn thành sứ mệnh thì đã thấy đôi bạch trĩ vắt vẻo trên ngọn trúc nước Việt tự lúc nào.
Tương truyền đôi bạch tượng, linh chủ của dãy Hoàng Liên trước khi về xuôi để thần dân Chân Đăng dâng vua Lý đã quỳ phục trên đỉnh Phan Si bảy ngày bảy đêm. Trong bảy ngày bảy đêm ấy trời đất cây cỏ được tắm trong ánh hào quang rực rỡ. Ban đêm bầu trời, mặt đất sáng như ban ngày. Ban ngày mặt trời dịu mát như mặt trăng. Những cây cầu vồng bẩy sắc đan nhau như cái chài khổng lồ úp chụp lên đỉnh núi. Vua nhà Lý nhận được voi thần như rồng thêm vây, hổ thêm vuốt. Nhà vua đi bình Chiêm thắng Chiêm, mở rộng bờ cõi được bờ cõi, mở mang bang giao được bang giao, mở rộng sự học được sự học, phát triển canh nông được canh nông… Đất nước thái bình, nhà nhà, làng làng yên vui, từ vua đến dân ai cũng biết ơn voi thần, biết ơn thần núi Phan Si.
Đó là chuyện của xa xưa, chuyện của biển cả bao la, còn với các tộc người mưu sinh dưới chân núi Phan Si thì từ khi sinh ra họ đã tin linh hồn những người về với ông bà, tổ tiên đã nhập vào từng gốc cây, tảng đá. Thần núi, thần sông cùng tổ tiên, linh hồn người Dao, linh hồn các tộc người khác quấn quýt đã cho con người nơi đây có sức mạnh, trí tuệ, phù hộ cho họ sinh sôi nảy nở, gốc ngọn vững bền. Song cuộc sống đâu chỉ có sự thuận chiều. Trong thế giới ánh sáng và bóng tối ngự trị, trong cái vòng quay biến hóa của sinh, tử, tái sinh, biểu hiện sức mạnh, biểu hiện quyền năng của giời đất, thần thánh nhiều khi làm khốn khổ chúng sinh.
Việc nổi giận của giời đất, thánh thần được các cư dân quanh chân núi Phan Si cắt nghĩa qua hai lần thủy, hỏa và với hai lần ấy dân chúng đã phải hai lần leo lên đỉnh núi Phan Si tế lễ thần linh.
Đó là một lần nghiêng mình đổ nước ông giời đã gây cho sườn núi phía Tây của dãy Phan Si một trận lũ bùn kinh hoàng. Trong trận lũ ấy hai mươi nóc nhà chứa hơn một trăm mạng sống bị cuốn theo nước, bùn, cây cối ra sông Cái. Theo lời thày mo thì con người nơi đây đã xâm phạm chốn thâm nghiêm, linh hiển, can thiệp vào biến hóa thống trị vạn vật của giời đất, thánh thần. Đó là sự đẽo gọt mẹ rừng để thỏa mãn mưu sinh, là lạm dụng thần lửa để thiêu cháy sự sống, là… là…là phải làm lễ tạ tội với thần linh trên đỉnh Phan Si.
Lời thầy là lời thánh, cả bản nhìn lại những việc làm của mình, cả bản thành kính, hối lỗi, cả bản bám đuôi nhau theo thày mo gùi những vật hiến tế lên đỉnh Phan Si làm lễ.
Lòng thành kính cùng khát khao của dân bản đã làm rúng động đến trời đất, thần linh. Sau lễ cúng ba ngày ba đêm thì trời đổ mưa. Một dòng chớp sáng lóe lên xua hết đám mây mù lưu cữu khiến cho tảng đá thần cùng người, vật, cây cỏ trên chóp núi sáng choang như vừa được gột rửa. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Với sự linh hiển của thần linh, của giời đất, người Sán Chải đã tìm kiếm và lấy về chín mươi nhăm cái xác trong số hơn một trăm cái bị làm mồi cho thần sông thần suối. Dưới sự che chở của thần, của giời đất, màu xanh nhanh chóng trùm lên khắp rừng khắp núi; người, vật hân hoan trong cuộc sinh tồn, năm nối năm mưa thuận gió hòa, trời yên vật thịnh, thóc lúa đầy gác, trâu ngựa đầy chuồng, hội hè như con suối chảy giữa làng bản hết mùa này sang mùa khác.
Sự hội tụ của Thiên - Địa - Nhân tưởng như quanh năm chỉ biết đến rộn rã hội hè, rộn rã mùa vụ, nhưng không! Năm nọ không biết do con người cố tình làm ô uế thần linh hay thần linh cố tình thể hiện sức mạnh mà từng nhà, từng nhà quanh chân núi lần lượt bị thần lửa hỏi thăm. Trong suốt những ngày ấy rừng núi răng rắc chuyển mình, cây cối ầm ầm trút lá, chim muông bật ra khỏi tổ vỗ cánh rợp trời, thú to thú nhỏ lao ra khỏi chỗ ẩn nấp, con người lấy hang hốc làm cứu cánh... Kinh sợ hơn là người ta nhìn thấy một con rồng lửa khổng lồ, khi ẩn, khi hiện. Con vật linh thiêng chuyên bảo vệ những nơi linh thiêng, diệt cái ác, tôn phù cái thiện, bảo vệ sự bất tử bỗng chốc là hiện thân của sự kinh hoàng.
Thần rồng cuộn ngang cuộn dọc khắp bầu trời. Hai mắt thần như hai ông mặt trời thu nhỏ nhìn vào đâu là chỗ đó rực sáng, lưỡi liếm vào chỗ nào là chỗ ấy thành tro bụi. Sán Chải bị lưỡi thần liếm đến ngôi nhà thứ năm mươi thì không còn cách nào khác mọi người lại bấu víu vào thày mo. Thầy mo không còn cách nào khác lại bấu víu vào thần núi đỉnh Phan Si, cả bản lại làm một cuộc hành hương cực nhọc. Lần này, trong khi thầy làm lễ, trời đất ầm ầm chuyển động, đang trong nắng rực mà sấm chớp xé toác bầu trời, cơn giông kèm theo mưa đá ầm ầm lướt qua. Sau cơn giông một con rắn trắng nằm chảy thượt từ đỉnh núi tới tận chân núi. Dân bản theo thày mo xuôi theo cái xác rắn khổng lồ, họ đã lấy được hàng lô hồng ngọc trôi ra từ miệng rắn.
Sau hai lần tế lễ linh nghiệm người Sán Chải gắn chặt linh hồn vào thần núi Phan Si. Sinh nở họ hướng về phía thần núi cầu khấn. Ốm đau - hướng về phía thần núi khẩn cầu. Tai ương, mùa màng, về với tổ tiên - hướng về phía thần núi… Hầu như những việc lớn, việc nhỏ của đời người, của cộng đồng đều có sự tham gia, chi phối của thần. Thần là mối liên kết giữa con người với con người, con người với thần linh, hiển hiện khát khao của con người.
Lần này, theo lời của thầy mo Quấy, theo lời thủ lĩnh Triệu Tá Sắn thì bọn Kinh áo đen, Kinh áo chàm ở Tây Bắc đang hợp sức đón bọn người Kinh ở cuối dòng sông lên xâm chiếm mảnh đất tổ tiên, đưa người Dao Sán Chải đến tuyệt diệt. Muốn bảo vệ giống nòi, muốn gìn giữ mảnh đất cha ông thì phải đánh đuổi bọn chúng. Muốn đánh đuổi được thì phải hợp sức lại, phải được thần núi Phan Si giúp sức, người Dao phải có vua của mình, vua đó chính là thủ lĩnh Triệu Tá Sắn, lễ xưng vua phải có sự chứng kiến, phù hộ độ trì của thần.
*
* *
Đoàn người theo thủ lĩnh Triệu Tá Sắn lên tế lễ trên đỉnh Phan Si bám nhau ngược núi. Càng lên cao không khí càng loãng, bầu trời như bị ụp xuống, sương mây quấn quýt, bảng lảng trên cây, trên lá, con đường lúc chìm trong rêu, trong cỏ, lúc bắt chân người sục trong mùn, trong lá mục. Hai bên đường miên man những cây sồi, sến, táu, dẻ, de, dổi lực lưỡng. Cây khoe tuổi mình bằng những lớp vỏ xù xì, mốc thếch, bằng từng mảng địa y ken dày, bằng cách thờ ơ với những toan tính của con người. Cây giống như những nhà hiền triết giấu mình ngàn năm trong biển mây màu xám bạc. Những tán lá xòa ra, đan nhau kết thành thảm xanh dày đặc khiến cho cả khu rừng thành mái nhà khổng lồ, mưa xuyên khó thấu, nắng khó dọi qua. Dưới gầm mái nhà màu lục là phong lan. Phong lan nhiều vô kể. Lan thả trên cây xuống. Lan bám vào vách đá vươn ra. Lan chui lên từ mùn đất. Các mầu tím, vàng, trắng của hoa như những cô gái dậy thì, vừa cố giữ vẻ e ấp, thẹn thùng, vừa hong hóng phơi bày vẻ đẹp giời cho trong mây, trong gió.
Đoàn người vừa chui ra khỏi rừng già đã phải đối mặt với phễu gió. Hai dãy núi như hai cánh cung chạy đến đây bỗng hụt hơi tụt sâu xuống thành một vệt răng cưa lồi lõm. Những ngọn gió vô hồi quanh năm đuổi nhau từ Tây sang Đông bị ép chặt bởi hai cánh cung được dịp tung hoành. Khắp một dải núi hoang tàn vì gió. Gió không thành cơn thành lớp mà cứ ào ạt như đổ sỏi. Gió như bốc cả người, cả vật, cây cối ném xuống hõm đá. Gió vót nhọn từng mấu đá, xoa nhẵn từng mỏm đá. Gió làm cho cả một vùng đất đá mênh mông chỉ có rêu và những búi trúc quân tử ngang tàng mọc được. Rêu kết thành một tấm thảm khổng lồ bám vào mặt đá, mặt đất. Chui lên từ thảm rêu dày là những bụi trúc quân tử lơ thơ, thân sắt lại như đá, lá bị vót nhọn như mũi dao. Ngày cũng như đêm trúc cựa quậy, rên rỉ. Biết làm sao được, cây không tự mình bò ra khỏi biển gió thì đành phải bóp nhỏ thân, bóp nhỏ lá để tránh gió, để la đà làm bạn với mặt đất, dựa vào mặt đất. Rêu giữ nước, cây giữ đất, làm giầu cho đất, có cây, có rêu cái cái phễu khổng lồ này mới có sự sống.
Qua phễu đá đoàn người chạm vào rừng trúc phất trần. Đúng là trúc núi Phan Si. Những cây trúc to hơn ngón tay ken dày như vườn cây cảnh. Cây lá vấn vít cùng mây khiến cả vùng lãng đãng như trong tranh cổ của người Tàu. Là họ hàng nhà tre, song trúc ở đây không uốn éo, cong cớn, chúng thẳng từ gốc đến ngọn, thẳng từ lúc còn măng, thẳng từ hàng, từ lối.
Qua rừng trúc mọi người như đi lên trời. Chìm trong mây, trong gió là những cây tùng còn sót lại từ thủa hồng hoang. Cây ở đây to nhưng lùn, rễ trồi lên gân guốc, địa y, phong lan ken kín làm cho chúng như cây cảnh. Quanh những cây tùng, cây bách là thảm hoa mênh mông. Trong nắng nhạt bủa vây cả một sườn đồi ngời ngợi sắc hoa đỗ quyên, anh đào, vàng anh, chè tuyết... Những cây hoa không vươn cao mà tỏa ra, la đà bò rộng. Chúng không cần làm duyên cho loài nào mà cứ tự nhiên với vòng quay tàn nở khiến cho mọi người cảm tưởng đã chạm được tới thiên đàng. Dọc đường, những con thú nhỏ dạn người thập thò, ngơ ngác rồi coi khinh, tiếp tục những trò chơi muôn thủa của mình.
Ngày kiên nhẫn ngược dốc, đêm nghỉ, đến sớm ngày thứ sáu đoàn người lên tới chóp núi Phan Si.
Theo lệnh của thầy mo Quấy mọi người dọn dẹp, chuẩn bị làm lễ. Một con dê, một con lợn được chọc tiết ngay tức khắc. Khi bụng con dê mở ra, quả mật to như quả gấc dính với lá gan, lá lách lằng nhằng làm mọi người mắt tròn mắt dẹt.
Quả mật được đưa lên cho thủ lĩnh Triệu Tá Sắn. Thủ lĩnh họ Triệu tái mặt hỏi thầy mo Quấy. Thầy mo Quấy gật gù hài lòng, thầy bảo:
- Ngày xưa vua nhà Lý đi đánh Chiêm Thành, khi làm cỗ Thái lao, mổ con dê ra, thấy trong bụng dê có cái mật to bằng quả bưởi. Mọi người thất kinh nhưng vua vui vẻ nói: “Chữ “đám” tức mật, gần với chữ “đam” tức vui. Cỗ thiếu lao mà có mật to báo cho ta chỉ khó nhọc một chút mà được niềm vui lớn”. Mọi người quỳ rạp chúc mừng vua cha song trong bụng nghi hoặc như đang đứng trước câu đố của giời. Trận ấy vua thắng lớn, bắt được cả vua tôi Chiêm Thành. Hôm nay thủ lĩnh làm lễ khởi sự dựng nghiệp đế vương mà được quả mật to thế này thì khác gì vua nhà Lý đi đánh Chiêm Thành ngày xưa.
Thủ lĩnh họ Triệu mừng rỡ kêu lên:
- Trời đất đã đón được ý ta rồi! Thần núi, thần suối, thần sông phù hộ ta rồi!
Sắn chưa dứt lời, trên trời, bầu trời đột nhiên vần vũ, từng đám mây đen ùn ùn kéo tới, phút chốc mặt trời chìm nghỉm trong cái ô mang màu chết chóc. Dưới đất, rừng núi lặng phắc như trước đám tang, lam sơn chướng khí bốc lên ngùn ngụt khiến từng đàn chim nhao ra khỏi tổ kêu inh ỏi, từng đàn khỉ, vượn lao ra khỏi hang ngửa mặt lên trời hú hét…
Mọi người kinh hãi hướng lên chóp núi Phan Si quỳ rạp.
Thầy mo Quấy môi bậm chặt, quai hàm bạnh ra, nét mặt như hóa đá. Thầy nhìn giời, nhìn đất, nhìn chóp núi rồi lẳng lặng cúi đầu vái bốn phương tám hướng, rền rĩ kêu cầu tam tầng tứ thế mở rộng lòng thương cứu giúp những người đang hy sinh thân mình vì nghĩa lớn.
Lời khẩn cầu của thầy thả lên bầu trời - bầu trời roãng ra, mặt trời thành miếng tiết hằm hè cảnh báo một mùa bão tố.
Lời khẩn cầu của thầy thả vào lòng rừng, lòng núi - thần núi, thần rừng, thần gió trở mình, một cơn lốc ào đến cuồng nộ bứt phá, lay dạt khiến vạn vật phải gồng lên chống đỡ, ba trăm con người mê muội phải nằm rạp xuống đất, bịt mặt, bịt tai phó mặc cho số phận.
Lời khẩn cầu rền rĩ, dai dẳng cuối cùng cũng lay động được lòng giời, lòng đất. Mặt trời cuối cùng cũng phải lùi lũi chui vào trong núi mây. Thần gió cuối cùng cũng hết hơi hết sức, phải theo lòng khe, lòng rừng trôi xuôi xuống chân núi.
Trong dáng vẻ thần bí, thầy mo Quấy kết thúc bài khẩn cầu bi hùng của mình bằng một câu ráo hoảnh:
- Thiên cơ mách bảo, muôn sự muốn thành phải biện đủ lễ, cúng đủ ngày, không thể đi tắt đón chặn được.
Thủ lĩnh họ Triệu ớ người không hiểu.
Thầy mo Quấy bảo:
- Tức là lễ vật cúng thần phải dâng đủ ba sáu con vật, mười loại ngũ cốc, năm loại rượu, ba loại thuốc lấy từ rừng, từ ruộng.
Triệu Tá Sắn thất kinh.
Các thuộc hạ của Sắn nhìn nhau lắc đầu.
Sắn vò đầu bứt tai, đi đi lại lại rồi dừng lại trước thầy mo:
- Giữa núi cao vực sâu, trốn chui trốn lủi thế này lấy đâu ra từng ấy lễ vật bây giờ.
Thầy mo Quấy lẳng lặng với cái điếu, tra thuốc, châm lửa. Khói thuốc cùng với làn sương mây bảng lảng vấn vít quanh cái dáng hiền triết đang thiền.
Sau một hồi suy ngẫm, thầy thủng thẳng:
- Có cách chữa rồi đấy, nhưng phải có lòng thành mới làm được.
Sắn sốt ruột:
- Cách gì, ông nói ngay đi, cứ như trâu ăn no thế này sốt ruột lắm.
Thầy khoát tay một vòng:
- Làm việc lớn không vội như mổ thú mắc bẫy được, phải làm cho thần rừng, thần núi thấy được từng này cái lòng mới thành được.
Mọi người nhìn nhau dò hỏi.
Thầy:
- Đừng có như đang chui qua rừng ma thế. Mọi việc ta đang làm, lòng ta đang nghĩ thế nào đều có các thần chứng giám. Khởi sự cái việc rúng động cả trời đất càng có sự chứng giám. Muốn biện đủ lễ vật lấy từ rừng, từ ruộng ư? Dễ thôi! Trời đất, thần phật ăn hương ăn hoa chứ có ăn thật bao giờ. Quanh ta bạt ngàn cây cối. Quanh ta toàn những bàn tay tài hoa, nếu tất cả cùng một lòng thì việc gì mà không làm đươc.
Mọi người ồ lên:
- Một lòng chứ, không một lòng thì lên đây làm gì!
- Tất cả theo thủ lĩnh thôi, thủ lĩnh bảo lên rừng lên rừng, bảo xuống vực xuống vực mà.
- Thủ lĩnh sống chết vì Phòng Tô thì chúng tôi cũng sống chết vì Phòng Tô thôi.
Triệu Tá Sắn đứng ngây người, cánh mũi nở dần như cánh hoa ăn sương.
Thầy mo Quấy:
- Vậy thì tốt, các vị mang lòng thành của mình vào việc đi. Hãy nhớ ai có ý nghĩ hai lòng, ai nghi ngờ các thần là đan bồ câu thành quạ, đan hổ thành lợn lửng đấy.
Lời cảnh báo của thầy lập tức nhập vào từng người. Mọi người nhìn thầy, nhìn nhau, đôi mắt rực sáng như đang lên đồng. Theo lệnh của thầy mỗi người cho vào mồm một đồng bạc trắng rồi tản vào rừng. Người chặt nứa, chặt giang đan các con vật. Kẻ lấy đất nặn nồi, nặn các loại ngũ cốc. Kẻ chặt cây làm giàn cúng, lột vỏ cây để làm dép, làm khố..., đồng bạc trắng trong mồm vừa thành bùa hộ mạng, vừa nhắc họ đang làm một việc thiêng liêng.
Chưa đầy hai canh giờ giàn cúng và lễ vật đã làm xong.
Thầy mo Quấy tay cầm hương, chân đi vòng quanh, miệng niệm thần chú. Thầy tung hoa lửa, thầy phun nham thạch, thầy lên đồng hú hét, nhảy quanh lũ con chim, con thú đan bằng lạt nứa, lạt giang.
Mặt đất rùng rùng chuyển động, trời đất vần vũ.
Mọi người mắt nhắm nghiền, toàn thân run sợ ngóng theo vận giời, vận đất.
Trời yên, đất lặng, một vệt sáng chói lòa xoẹt qua làm mọi người bừng tỉnh. Ai nấy đều ngỡ ngàng, một thế giới loài vật vừa thật vừa giả, vừa chết vừa sống ngổn ngang trước mắt. Thế vào thế giới thần chết là thế giới thần sống. Voi đực hua vòi, mèo hớn hở, chuột nhắt tinh khôn, trâu nhà suy tư, uể oải, lợn mẹ quấn lấy đàn con, dê, bò hớn hở, hổ ngồi chồm hỗm chầu giời, chó nhà nằm cạnh chó rừng, cá chép ngáp trên thớt, sóc lo ổ, chim lo tổ… tất cả hiền lành, tất cả là bạn với người, là bạn với nhau.
- Đến lúc bày giàn cúng rồi đấy! – Thầy mo Quấy ra lệnh.
Thủ lĩnh Sắn và đám tay chân răm rắp như những âm binh nghe lời thầy phù thủy.
Chỉ một loáng giàn cúng đã bày biện xong xuôi. Trên giàn cúng được tết bằng nan tre có ba con vật hiến tế là gà, lợn, dê vừa đi từ cõi sống sang cõi chết nằm phủ phục, đầu hướng đầu lên mỏm đá đỉnh núi. Hướng theo chúng là lũ chim, thú, cá từ cõi chết sang cõi sống. Các vật tượng trưng cho vũ khí, các loại bẫy, nông cụ, vật dụng trong nhà được bày đặt theo trình tự, tôn nghiêm. Ngọn đuốc bằng gỗ pơ mu phơi nỏ cháy đùng đùng như tẩm dầu vừa làm cầu nối giữa giời giữa đất, vừa xua đi cái hoang vu giá lạnh của nơi quanh năm không có hơi người.
Sau giàn cúng là ba trăm con người trong vai những chiến binh thời trung cổ. Ba trăm con người đóng khố, đi dép vỏ cây rừng, trong tay người nào cũng giáo mác, khiên đao làm bằng gỗ đẽo.
Thành kính, mê muội bao trùm.
Thủ lĩnh họ Triệu đi quanh giàn cúng gật gù vẻ hài lòng. Sự mê hoặc có sức mạnh bằng cả một đạo quân. Trong cảnh trốn chui trốn lủi, giữa vùng rừng núi mênh mông, thiếu thốn trăm bề mà chỉ vài câu sai khiến đã có một giàn cúng tế. Dẫu giàn cúng không được bẩy tầng lộng lẫy, không bày biện đủ các con vật, vật dụng phục vụ thần linh, phục vụ con người, song cũng đủ để tỏ rõ lòng thành với giời đất, với các thần, đủ để đám thần dân mê muội tự nguyện nhảy xuống nước, chui vào lửa.
Trong nghi thức trang trọng, trước sự thành kính của hơn ba trăm con người, thầy mo Quấy bình thản trộn tiết lợn, tiết gà, tiết dê vào nhau, vò nát nắm lá rong riềng dại, nhúng vào chậu tiết rồi lần lượt bôi lên các hòn đá, cây cỏ mời các thần về dự lễ.
Lễ cúng bắt đầu.
Những ngọn núi quanh đỉnh Phan Si lặng lẽ ngước đầu lên phía anh cả.
Những mỏm đá, cây cỏ đứng lặng như đang chứng kiến cảnh giời đất trước giờ sinh nở hay trước giờ tuyệt diệt.
Thầy mo Quấy lặng lẽ châm lửa cho đống củi bùng lên rồi bắt đầu cúng.
Ba trăm con người quỳ mọp trước ngọn lửa, tim như ngừng đập, phổi như ngừng thở, mọi động thái dồn cả vào người làm cầu nối giữa con người với các đấng thần linh.
Lời cúng của thầy lúc dồn dập như trời đổ mưa, lúc nhẩn nha kể lể. Cùng với lời cúng, cái vòng bạc trong tay thầy lúc rung nhanh, lúc uể oải. Trước mặt thầy, con dao dính tiết gà, tiết lợn, tiết dê hết xám đen lại rực hồng như đang tôi trong lửa.
Tiếng cúng từ từ chui vào đánh thức rừng, đánh thức núi.
Những lời cúng, những động tác huyền bí, mãnh liệt, kiên nhẫn từ từ lách vào sự u mê của những người dự lễ.
Bài cúng đang lê thê, kể lể bỗng dồn dập, làm cho người nào người nấy phừng phừng, dậm dựt.
Bài cúng đã tới hồi cao trào. Miệng thầy bắt đầu hú lên những tiếng dài. Vừa hú thầy vừa đung đưa chiếc vòng bạc, vừa chạy quanh, rót rượu vào các bát trên giàn cúng, sau đó toàn thân ngất ngưởng lên đồng. Bỗng từ bốn phương tám hướng những đàn kiến lổm ngổm bò tới. Những con kiến thân to như con bọ ngựa, càng sắc, răng sắc, hai mắt lồi ra, sáu cẳng bò nhanh như ngựa phi làm mọi người khiếp sợ. Họ chỉ nghe tiếng rào rào như mưa rơi, như nước cuốn đã thấy cây cối nghiêng ngả, một tấm thảm đủ màu đen trắng, vàng, vằn vện tràn tới, tỏa rộng. Cây chắn đường – mặc. Lá mục chắn đường – coi khinh. Rêu trơn - không là gì… Ầm ào song hàng lối, mệnh lệnh nghiêm chỉnh. Đông đúc song trật tự, kỷ cương, lúc vòng vèo như con suối, lúc dóng hàng một như duyệt binh.
Đàn kiến lổm ngổm bò đến quây quanh giàn cúng, chỉ một lát sau những hàm rằng đói khát đã xơi sạch xôi, lợn, gà, rượu.
- Vua kiến bị đánh thức rồi! - Tiếng rên của ai đó bật ra. Như một dây chuyền tất cả cùng rùng mình, cùng bật lên những tiếng rên khiếp sợ.
Kiến là đội quân đông đúc nhất thế gian. Kiến có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ. Bình thường kiến hiền lành, cần mẫn, không làm hại kẻ nào, tránh xa những kẻ hại mình, nhưng khi gặp cơn đói hoành hành, cơn giận trào sôi thì đội quân ấy có thể làm tan hoang cả một cánh rừng. Con vật dù to lớn hay nhanh nhẹn, thông minh đến mấy gặp chúng cũng biến thành đống xương khô.
Vua kiến là thống soái, là ông giời của tất cả các loài kiến sinh sống trong rừng. Vua kiến luôn sống trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Trong trạng thái ấy vua dồn sức cho việc nghe ngóng, dự báo và dạy bảo thần dân của mình. Vua kiến quay về hướng Tây rùng mình - họ nhà kiến biết trời đất sắp làm nên lũ lụt. Vua kiến hướng lên chị Hằng quầng vàng như đeo tang mà rơi nước mắt - họ nhà kiến biết mặt trời còn rang khô mặt đất. Vua kiến rùng mình, hai râu dựng ngược, hai hàm răng nghiến như cưa gỗ - quanh vùng có chết chóc, có tan nát, có những hàm răng đói khát, thù hận gặm sồn sốt trên cơ thể sống, trên cơ thể chết.
Cư dân quanh chân núi Hoàng Liên đã hai lần đánh thức vua kiến.
Lần nọ, một đàn hổ dữ từ phía mặt trời lặn xâm phạm lãnh địa của các loài ăn thịt dưới chân núi Hoàng Liên. Để sinh tồn, từ ngày ông Chằng bà Chằng nặn ra đất ra nước các loài dưới chân núi Hoàng Liên đã phân chia lãnh địa. Trên lãnh địa mỏng manh ấy tùy theo vóc dáng, nanh vuốt trời cho mà mỗi loài tự tồn tại, tự sinh sôi, tự làm mồi cho nhau. Cuộc tranh giành sự sống khắc nghiệt, dai dẳng hết đời này sang đời khác song chưa hề có sự tuyệt diệt. Hổ dữ đến, ranh giới lãnh địa bị xóa nhòa, các loài tan tác trong sợ hãi. Nghe tiếng gầm của chúng hầu hết các loài có da có thịt bọc xương tự ỉa, tự đái. Nghe tiếng gầm của chúng, thần núi thần rừng bạt vía, kẻ chui sâu vào lòng đất, cứt đùn khắp mặt đất như bãi biển ban sáng, kẻ bay vút lên giời cao, nước đái phọt ra rơi xuống như giời đang đổ mưa...
Vật vậy, thần vậy, song những con vật cùng loài thì khác. Không chịu nằm yên chờ chết, họ nhà hổ quanh núi Hoàng Liên xông vào cuộc chiến một mất một còn. Hai loài mãnh thú đánh nhau, một to lớn, hùng dũng, một nhanh nhẹn, thuộc núi, thuộc rừng. Mỗi loài đều lôi hết sức mạnh, trí khôn giời cho ra để tiêu diệt nhau. Hai bên quần nhau bẩy ngày bẩy đêm mà vẫn không bên nào chịu bên nào. Khắp vùng cây cối tan nát tan, đất sụt, đá, loài nào cũng bị vạ lây. Loài kiến cũng cùng chung số phận. Rừng cây gẫy cành rụng lá rụng luôn cả những tổ kiến chứa hàng tỷ con. Đất lún, đất sụt làm sụt luôn cả những lâu đài kiến yên ổn cả trăm đời. Các đàn tan tác, nháo nhác kéo đi cầu cứu vua kiến. Vua kiến nổi giận, hùng hổ dẫn các thần dân đi tiêu diệt những kẻ quấy phá. Loài kiến vốn có kỷ cương, kỷ luật, trong hỗn loạn bao trùm chúng vẫn loài nào ra loài ấy, đội nào ra đội ấy. Dẫn đầu đội quân trừng phạt là vua kiến. Tiếp theo là các kiến tướng, kiến quân. Kiến tướng đầu to, thân nhỏ, bụng to, sáu cái chân nguềnh ngoàng, hai râu vung vẩy, hai cánh to như hai cái quạt trong suốt như lụa tơ tằm. Kiến quân tỏ rõ sức mạnh của mình bằng sự hung tợn, bằng số đông. Tất cả ào vào tàn phá. Kiến nâu trung thành, đông đúc tạo nên một dòng chổi lớn, đi đến đâu quét đến đó. Kiến thợ mộc đục gỗ sồn sột, lem lém như cưa ăn, chỉ một lát bị gặm cây đã rỗng ruột, mất gốc, đổ rào rào. Kiến nâu đầu đen, ngực vàng, đầu to, càng sắc, râu chia làm ba đoạn, lông bạc dựng đứng, trông như những hung thần xông vào cắn lá. Kiến đất to như những con ong chậm rãi bò đến nhằm vào mọi con vật biết cựa quậy mài răng. Kiến đầu to kềnh càng, đầu thắt lại sau mắt, bám chắc vào từng con vật cắn xé. Kiến đỏ hung tợn tấn công đối phương chán chúng quay ra tấn công nhau.... Khắp rừng vang động những âm thanh giết, chết. Khắp vùng, cây đổ, cây trụi lá. Hươu, nai, dê, hoẵng... vừa kêu la tuyệt vọng, vừa chạy nhảy như động cỡn. Những con hổ đang hùng hổ lao vào cắn xé nhau phút chốc bị kiến bu đen phải lồng lộn trong hoảng loạn, gầm lên trong đau đớn. Những con hổ đực đang hung hăng trút giống nòi lên bụng con cái kẻ thù phút chốc cả hai đều chết cứng như bị đóng băng. Sau một buổi đàn hổ không còn, những con vật biết cựa quậy không còn, rừng núi rã rời, tan hoang để rồi mãi mãi trở thành vùng đất chết.
Sau trận loạn hổ đến trận loạn người.
Lần ấy người của chúa đất bản Nà Lùng mâu thuẫn đốt nhà giết người của chúa đất bản Tả Chải. Hai bản vốn truyền kiếp không chung đường nay hận thù có cớ bùng lên. Chúa đất bản Tả Chải mang người tàn sát bản Nà Lùng. Chúa đất bản Nà Lùng mang người đến làm cỏ bản Tả Chải. Đá chạm đá, lửa chạm lửa, chết chóc, đau đớn, thù hận làm cho trời rùng mình tối sầm, đất rùng mình đất sụt, cây cối rùng mình lật gốc, trốc ngọn, các tổ kiến, tổ bị sụt đất trơ hoang hoác, tổ bị cây đè, đá đè, thú dẫm. Lại một lần nữa các đàn kiến nháo nhác quây quanh vua kiến. Lại một lần nữa vua kiến nổi giận. Một lần nữa vua kiến chỉ huy thần dân xông vào khói lửa đòi lại sự yên ổn.
Lúc vua kiến dẫn đàn đàn lũ lũ thần dân xông vào cũng là lúc hai bản bị tuyệt diệt. Loáng một cái, những cái đầu u mê chứa đầy thù hận đang bàn mưu tính kế không còn mẩu thịt bám vào xương. Loáng một cái những cây cột cái, cột quân, xà dọc, xà ngang, rui mè, phên vách, mái lợp bị gặm rỗng. Ngôi nhà đổ sụp xuống, bếp lửa bùng lên, xác kiến, xác người, xác động vật, cây cối, phân gio bốc lên khét lẹt, gây như nướng cả rừng người. Cả hai bản bị xóa sổ từ vết máu đến ống xương mà vẫn chưa thỏa mãn những hàm răng đói khát của những đàn kiến.
Còn lần này!...
Mọi người rùng mình, nhắm mắt, nín thở đón đợi tai họa. Nhưng không! Mặc đàn kiến vây quanh dọa dẫm, đùa bỡn. Mặc vua kiến trèo lên đỉnh đầu thày đái xuống. Nước đái của vua theo dòng theo vệt mà lời cúng rền rĩ của thầy vẫn bình thản thả vào giời, vào đất.
Sau hồi lâu trêu chọc, thử thách thầy mo không kết quả vua kiến lắc đầu, tụt xuống rồi dẫn các thần dân lặng lẽ bò vào rừng.
Thầy vẫn đang trong trạng thái lên đồng.
Thân thể thầy dẹo dọ, ngất ngây. Thầy cầm bầu rượu tưới lên tảng đá thiêng. Tảng đá thiêng rực lên màu thép tôi. Bầu rượu tưới lên các con vật. Các con vật bừng thức, ngọ nguậy. Bầu rượu chuyền tay dọc hàng quân. Hàng quân người nấy phừng phừng ngậm lửa. Miệng thầy bắt đầu hú những tiếng man dại. Người thầy quỵ xuống trước giàn cúng rồi hai tay từ từ hạ đất. Âm thanh từ chiếc vòng bạc trong tay thầy thưa dần rồi im bặt. Trời bỗng đổ mưa rào. Những giọt mưa thi nhau quất xuống mặt đất ràn rạt, phút chốc cả mấy trăm con người cùng rừng cùng núi chìm trong mưa, trong gió.
- Trời giúp ta rồi! Trời giúp ta rồi! - Triệu Tá Sắn – Vị vua đầu tiên của người Dao Phòng Tô hứng khởi gào lên rồi nhảy lên tảng đá giương súng lên giời bắn liền ba phát.
Như hiệu lệnh các chiến binh ồ cả lên rồi cả vua lẫn tôi ôm nhau nhảy múa điên cuồng, những tiếng hú, tiếng hét vang lên khuấy đảo cả một vùng muôn năm chìm trong tĩnh lặng.
VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...
VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...
VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...
VanVN.Net - Sau cuốn sách đầu tiên: “Không khóc ở Kualalumpur” ra đời cùng thời điểm này năm 2010, tác giả trẻ Linh Lê tiếp tục gửi tới bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ hai: “Mùa mưa ở Singapore” cũng trong ...
VanVN.Net - Nhằm góp phần tạo không khí sáng tác mới trong giới văn nghệ sĩ và những người yêu ca nhạc, văn học nghệ thuật, ngày 16/8, tại Hà Nội, Báo VietNamNet phối hợp cùng Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà ...
VanVN.Net - Nửa đầu thế kỷ XIX là sự bắt đầu vương triều Nguyễn với cuộc lên ngôi của Gia Long vào 1802. Tôi muốn gọi đó là một thời “khó sống” khi viết về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn