VanVN.Net - Một tên trộm vào chùa không trộm nổi cái lư hương bằng trầm có giá ngàn vàng nhưng lại trộm được báu vật vô giá của ni cô trụ trì, mười năm trong tù y không biết có thằng con trai gửi lại, đứa con trai y đã trộm của Phật và Tạo hóa. Một tình yêu mãnh liệt là phép mầu chữa khỏi người tai biến não bán thân bất toại, nhưng sự ghen tuông lại là một phép mầu khác đưa người chồng người cha ra khỏi hạnh phúc gia đình. Những ánh nhìn của tình yêu có thể khích lệ nhau nhìn thấu khắp bầu trời khắp vũ trụ. Thật lạ, phải không? Nhưng lạ lùng hơn đó lại là minh triết về tình yêu của ông già đang minh mẫn bước vào tuổi 80 – nhà văn Trần Thanh Giao!
Nhà văn Trần Thanh Giao
SAO HÔM NHẤP NHÁY
Cuộc hội thảo quốc tế sắp kết thúc mà Thanh Vân chưa làm sao tiếp cận được giáo sư Trịnh. Ông ngồi trên đoàn chủ tịch, mái tóc lốm đốm bạc, gương mặt thanh tú và đặc biệt là đôi mắt “thoạt nhìn đã thấy có sao”. Thanh Vân “lưu vào bộ nhớ” nhận xét về vị giáo sư Việt Nam nổi tiếng thế giới trong khoa thiên văn học này.
Cuối buổi, mọi người tản ra, hướng về phía sảnh ăn của khách sạn, dự bữa liên hoan tiệc đứng cuối cùng. Thanh Vân bám theo giáo sư... Nhưng cô vẫn không thể đến gần: nhiều nhà báo trong và ngoài nước đã vây quanh ông… Cô nghe loáng thoáng giáo sư xin lỗi vì có việc riêng phải vắng mặt… Nghề nghiệp mách bảo, cô chạy ra trước, đón đầu… Khi giáo sư vừa tới thang máy, cô nhanh chân bước đến:
– Thưa giáo sư, em ở báo…, thầy có thể cho em hỏi một câu?
Giáo sư dừng lại, nụ cười nở trên môi:
– Một câu thôi chứ? Em muốn hỏi gì?
– Thưa giáo sư, vì sao thầy chọn ngành thiên văn ạ?
– À, chuyện hơi dài. Nếu chỉ một câu, thì đó là vì tôi thích ngắm sao.
– Sao gì ạ?
– Đây là câu thứ hai. Nhưng có thể trả lời ngay: Sao Hôm.
– Vì sao ạ?
Liếc thấy nhiều nhà báo cũng đang nhanh chân chạy đến, ông liền nói:
– Ta đã thỏa thuận chỉ một câu... Em bằng lòng vậy…
Ông định ấn nút thang máy nhưng thấy dáng vẻ tiu nghỉu của cô nên quay lại:
– Em thông cảm. Tôi đang vội đi ngay có việc riêng. Đi về mất bốn tiếng. Mười giờ tối phải ra sân bay cho kịp chuyến trở lại Pa-ri. Không phải tránh nhà báo đâu. Hẹn khi khác nhé.
Khi ông quay xuống, đến cửa khách sạn đã thấy cô đứng đó. Ông cười thân mật:
– Em chưa vào tiệc ư?
– Thầy… cho em cùng đi… Em chỉ hỏi thầy thêm ít câu… Vì nếu mười giờ đêm nay em không có bài nộp cho tòa soạn thì…
Nghe giọng nói khẩn thiết của cô, nhìn vào mắt cô, lại nhìn các máy móc, kể cả chiếc máy tính xách tay nhỏ gọn, ông suy nghĩ một giây rồi quay lại mỉm cười giơ tay về phía chiếc tắc-xi đậu gần đấy:
– Vậy mời em lên xe. Chúng ta đều có ít thời giờ…
***
Xe ra vùng ngoại thành một lúc thì trời sụp tối. Đèn đường, đèn xe, đèn các cửa hàng bên phố hắt ánh sáng nhoi nhói. Giáo sư hạ kính xe ngước nhìn khoảng không trên cao. Mặt trời đã lặn. Hoàng hôn len đến phủ nhẹ xuống đất tấm màn voan mỏng màu sữa loãng. Giáo sư quan sát hai bên rồi chỉ về bãi cỏ trước mặt. Ông mở cửa xe bước xuống:
– Ta nghỉ một lúc.
Thanh Vân ra khỏi xe, phóng mắt nhìn cánh đồng lúa xanh mênh mông, vươn vai hít sâu một hơi khoan khoái. Giáo sư bày ra bữa ăn dã ngoại do khách sạn làm sẵn và mời Thanh Vân ngồi xuống. Thanh Vân hơi bối rối:
– Dạ… Em cũng có cái bánh mì, để em ra lấy…
Ông cười:
– Nếu hết chỗ này, sẽ tới cái bánh mì… Mời em.
Giáo sư rót nước suối ra hai chiếc ly nhựa trong vắt, cầm một miếng xăng-uých trao cho cô gái. Ông nói đùa, gợi bữa tiệc ở khách sạn:
– Họ đang ăn đứng… Còn ta được ngồi. Họ ăn dưới ánh đèn, còn ta dưới ánh trăng…
Ông chỉ lên mảnh trăng giữa tháng lơ lửng một khối sáng xanh như đang tích tụ khí đất trời để vươn tới tròn đầy mà bay trong không trung xanh thẳm... Thanh Vân nở cười:
– Và cả dưới ánh sao Hôm…
Giáo sư có vẻ xúc động:
– Em đã nói đúng lý do tôi chọn dừng xe lúc này…
Ông trầm ngâm nhìn lên ngôi sao ban chiều vừa mọc phía chân trời, long lanh chớp ánh sáng xanh rực rỡ như cô tiên vừa tắm gội xong, ra hiên lâu đài vén hoàng hôn nhìn Trái đất. Hai người yên lặng hồi lâu… Có tiếng cào cào búng chân nhảy trong đám cỏ…
Rồi giọng giáo sư như vang đến từ nơi xa xôi:
– Hồi nhỏ, nhà tôi nghèo. Đồng quê mình thì mênh mông bát ngát. Chiều tối nào, tôi cũng cảm thấy một nỗi buồn mơ hồ khi nhìn ngôi sao Hôm nhấp nháy ánh sáng xanh phía chân trời... Riết rồi đâm nhớ, không nhìn sao, đêm đó không ngủ yên. Sau lớn lên vào trung học, tôi gặp lại sao Hôm trong một bài thơ có dính tới số phận tôi… Người dạy tôi bài thơ đó là cô giáo Pháp văn. Cô tên Mai, Lê Thị Hiểu Mai. Cô giỏi Pháp văn nhưng cũng rành rẽ Việt văn. Cô hơn tôi chỉ dăm tuổi. Gia đình cô là gia đình trí thức có tiếng trong tỉnh. Cô xinh đẹp, một vẻ đẹp sang trọng, trong tà áo dài nền nã mỗi lúc cô đến trường. Nhất là khi cô mặc áo màu thiên thanh, chiếc áo làm tôn lên làn da trắng mịn, đôi môi đỏ hồng và một lúm đồng tiền nơi má phải. Nhưng nổi bật hơn cả trên gương mặt ấy là đôi mắt, với hai hàng mi dài cong vút và ánh mắt sáng như mũi kiếm xuyên thẳng lòng người… Lần đầu tiên tôi gặp cô là sau kỳ thi tuyển, cô bảo tôi tới nhà chơi. Cô tiếp tôi thật thân mật, cho ăn bánh flan tự tay cô làm, và cho tôi một… “đồng tiền”, đúng ra là một cắc bạc... Tôi sung sướng lắm. Càng sướng hơn vì lời cô khen bài thi văn: “Bài của em cô chấm xong thích lắm, lúc chưa ráp phách, cô đưa cho cả hội đồng cùng xem và mọi người nhất trí cho điểm cao nhất.” Đó là bài giải thích và bình luận câu “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” và tôi kết bằng câu “Một nghề đặng khéo thì mình ấm no”. Chẳng biết sao mà lúc làm bài cao hứng lên, tôi lại chép ra như vậy, bài viết có vẻ hơi “tự do” chứ không nằm hẳn vào khuôn phép. Ra khỏi phòng thi, tôi hơi lo, vì văn nghị luận trong trường mà “tung tẩy” một chút e “phạm húy”. Có lẽ cô đã nhận ra cái mầm đó và muốn chăm chút cho nó khỏi bị thui chột chăng? Thật ra sự lo ngại mơ hồ của tôi không phải không có cơ sở. Sau này càng học, lên dần các lớp, tôi càng rõ thêm… Năm ấy, chủ nhiệm lớp tôi (lúc đó gọi professeur principal) là thầy Liêu, dạy địa lý. Ông người đẫy đà, cặp kính luôn trễ xuống mũi, học trò thường gọi ông là thầy “Địa”, mặc dù ông không vui đùa như ông Địa múa lân mà rất nghiêm khắc. Trong giờ học, ông giảng và ghi lên bảng y xì những gì in trong sách giáo khoa. Học sinh chán, nói chuyện riêng lào xào, ông liền quay lại nhìn qua gọng kính và hỏi: “Đứa nào đó bây?” Riết rồi đám học trò lấy hình ảnh “Ông Địa kiếng xệ” ra dọa nhau: hễ đứa nào có ý gì mới mẻ hoặc có ý muốn “quậy phá” thì một đứa liền cúi mặt xuống, mắt ngước lên, tay kéo trễ cái gọng kính tưởng tượng, rồi giả giọng ồm ồm: “Đứa nào đó bây?” là cả bọn cười ré… Nếu bắt được quả tang kẻ không chú ý vào bài giảng, ông liền hầm hầm bước lên bục, lôi quyển sổ điểm ra, dò đúng tên rồi cho hai số không đóng khung trong hình chữ nhật giống như cái còng. Vậy là rồi đời: anh đó bị còng-xin (consigne), chủ nhật phải đến trường chép bài phạt. Tôi cũng nhiều lần bị ông phê rất đau. Làm bài thi học kỳ, tôi tìm sách tham khảo, bỏ công soạn bài, viết ra những điểm thú vị mà sách giáo khoa không chép. Nhưng đến khi trả bài, tôi đều nhận được điểm kém, bài đầy những chỗ gạch dưới mực đỏ và lời phê “Không đúng sách giáo khoa”. Còn anh bạn thường được thầy yêu vì giống tính thầy, tên Ngọc Thọ, thì luôn được điểm cao với lời phê “Excellent” (Xuất sắc) vì anh chép lại sách giáo khoa không sai một dấu phẩy. Hình như ngoài sách giáo khoa, ông “Địa” chẳng hề đọc gì khác, mặc dù ông kê ra cho học sinh một lô sách gọi là “cần tham khảo”. Hiềm một nỗi, ông “Địa” là chủ nhiệm lớp, lại có rất nhiều uy quyền ở trường, các thầy cô không ai dám trái ý ông. Có lần, cô Đơn, dạy môn sinh vật lỡ nói một câu làm ông phật ý thì tuần sau, trong giờ ông dạy thêm Hán Việt, ông đưa ra những từ gần nghĩa với từ “một”, là: cá, độc, chích, cô, đơn, đọc liền một mạch là cá độc chích cô Đơn; mọi người cười ồ, ông thích chí vì “sáng tác phẩm” của mình nhưng có người rỉ tai nhau: con cá độc đó chính là ông, vì ai ở quê tôi mà không biết người bị cá độc chích vào đau nhức ra sao…
Tuy nhiên, cô Mai vẫn có cách khuyến khích tôi đừng nản chí. Có tuần, tiết học nào cô cũng truy bài tôi tới tấp, có khi cả tháng, cô không gọi đến tôi lần nào. Cô thử xem tôi có học bài theo lối “đối phó” không, có dò ý cô để “lấy điểm” không, có còn đọc thêm hoặc suy nghĩ “ngoài bài giảng” không… Hết học kỳ, tôi vẫn xếp hạng cao. Nên cô Mai kết lại: “Em như cái nút bần chai rượu, người ta ấn xuống đáy thùng, hễ buông tay ra thì lại trồi lên.” Tôi biết ơn cô và mọi khuyến khích tìm tòi tự thể hiện cô Mai chỉ bảo, đối với tôi là niềm an ủi lớn.
Nhưng có một lần, cô dám chống lại ông “Địa” chỉ vì để bênh tôi. Lần đó, cô và tôi cùng bị … “cá độc” chích, gây đau nhức cho tôi tới tận bây giờ… Việc này có dính đến bài thơ về cái sao Hôm định mệnh. Mỗi lần đọc bài thơ đó, tôi lại thấy ánh mắt cô Mai nhìn tôi với tia sáng thăm thẳm của ngôi sao xa…
Ông ngước lên ngắm ngôi sao và đọc nho nhỏ:
Pâle étoile du soir, messagère lointaine
Dont le front soit brillant des voiles du couchant
De ton palais d’azur au sein du firmament
Que regardes-tu dans la plaine?
(Nhợt xanh ngôi sao ban chiều, sứ giả trời xa
Vầng trán như rực rỡ màn sương buổi chiều tà
Từ lâu đài xanh thẳm giữa tầng không
Nhìn gì em xuống phía cánh đồng?)
Thanh Vân chợt giật mình kêu một tiếng nhỏ:
– Thơ Alfred de Musset!
Giáo sư nhổm lên nhìn cô gái:
– Em cũng thuộc thơ Musset?
Cô gái lúng túng:
– Dạ… em có được học và em cũng thuộc…
– Vậy em đọc tiếp đi…
Cô gái thong thả đọc những khổ thơ kế tiếp…
Giáo sư mỉm cười:
– Giờ thì tôi đã hết băn khoăn khi trả lời câu em hỏi “Vì sao tôi thích sao Hôm”… Trước đây, tôi định trả lời khác…
– Khác thế nào ạ?
– Ví như: Tôi thích sao Hôm vì vòng bụng nó to, đường kính tới mười hai ngàn một trăm lẻ hai ki-lô-mét…, còn chạm môi vào mặt nó thì thấy nóng tới bốn trăm bảy chục độ C...
Cả hai thầy trò cùng cười…
Giáo sư bỗng giật mình, nhìn đồng hồ:
– Thôi chết! Ta đi tiếp kẻo trễ…
***
Chiếc xe lại bon bon trên đường trong đêm trăng nhưng ánh trăng cứ bị mờ đi vì những ánh đèn pha ngược chiều lấp lóa. Giáo sư hạ cửa kính xuống, chăm chú quan sát con đường. Thanh Vân không dám hỏi tiếp sợ làm xao lãng ý nghĩ ông. Chợt ông nhổm lên, chỉ tay về phía con lộ đá dẫn tới chiếc cổng làng, không xa quốc lộ là mấy. Thanh Vân cảm thấy đây là một làng xưa, vì cái cổng mang chiều sâu văn hóa, hiếm có ở vùng này. Xe dừng lại, giáo sư thong thả lấy ra những thứ đã chuẩn bị sẵn: một thếp nhang, hai cây nến đỏ và một bó hoa huệ trắng ngần. Thanh Vân nhanh nhẹn xuống xe đỡ lấy nến nhang. Hai thầy trò thong thả bước đi, hướng về phía cánh đồng mênh mông thoảng thơm mùi hương lúa. Dưới ánh trăng, Thanh Vân thấy xa xa có một vùng mộ cũ quây quần, nổi lên giữa ruộng. Giáo sư tới thẳng ngôi mộ quen thuộc. Ông cẩn thận rút khăn tay ra lau mộ bia. Ánh trăng soi rõ tên người dưới mộ vì nước sơn nhũ vàng vẫn như luôn mới: Cô giáo Lê Thị Hiểu Mai… Sinh ngày… Mất ngày 21 tháng 7 âm lịch… Cô mất khi còn trẻ, chưa đầy 30 tuổi. Giáo sư cắm hoa vào chiếc bình gắn liền chân mộ, tỉ mẩn xếp lại từng bông cho thật đẹp, rồi châm nến, thắp nhang. Thanh Vân im lặng giúp ông. Hương huệ thơm nồng nàn. Gió đồng thổi từng chặp, hai ngọn nến thắp xong lại phải thắp tiếp. Còn thẻ nhang gặp gió đỏ rực, tàn cong oằn mà không rơi, một dấu hiệu Thanh Vân thường nghe nói là hồn người dưới mộ đang nương khói quyện hương về chứng giám…
Giáo sư ngồi bệt xuống đất, vai tựa vào mộ bia, trầm ngâm ngước nhìn bầu trời. Khói hương lan tỏa không trung khiến ánh sao nhợt xanh, run rẩy. Trăng trải sáng cánh đồng và trên cao, rất nhiều vì sao Thanh Vân chưa biết tên đang nhấp nháy. Cô lặng lẽ ngồi xuống cạnh ông… Giáo sư cất giọng:
– Em thuộc thơ Musset nên tôi có thể cho em biết chuyện này… Ngoài tình thầy trò, cô Mai còn đối với tôi rất… bình đẳng. Cô hay rủ tôi chơi trò “không chớp mắt”. Cô nói: “Ta thi xem ai chớp mắt trước nhé!” Rồi cô nắm hai tay tôi và cả hai đứng yên, nhìn vào mắt nhau, gần như là chạm mặt. Suốt cuộc chơi, tôi được chiêm ngưỡng thật gần đôi mắt có những sợi mi dài cong vút, và hít vào ngực hơi thở cô với mùi thơm riêng lạ, thoang thoảng từ cặp môi son… Lúc đầu, tôi thấy trong mắt cô ánh lên cái nhìn đầy uy lực như muốn dọa tôi: “Em đừng tự phụ, trèo cao thì ngã đau đấy.” Ánh mắt tôi đáp: “Thưa cô vâng, em cảm ơn cô đã răn dạy, nhưng em không sợ.” Ánh mắt cô hơi chế giễu: “Không sợ là tốt nhưng em dám làm gì nào?” – “Em có thể lên trời mang sao Hôm về cho cô.” Cô xúc động tràn khóe mắt, ánh nhìn dịu lại, thiết tha: “Cảm ơn em, nhưng có một việc này, em có dám làm không?” – “Việc gì, thưa cô?” – “Em có dám… hôn cô không?” Ánh mắt tôi chắc vô cùng bối rối, còn ánh mắt cô lại đăm đắm nhìn tôi... Tôi sắp thua nhưng cố bình tĩnh lại: “Nếu cô cho phép, em sẽ hôn cô ngay!” – “Hôn vào đâu?” – “Thưa, vào… lúm đồng tiền của cô.” Cô chớp mắt, cười phá lên: “Sai rồi!” Và cô tuyên bố: “Cô chịu thua em!” Tôi bàng hoàng cả người. Em có tin người ta có thể nói chuyện với nhau bằng mắt không? Vậy mà cô Mai với tôi nhiều lần nói chuyện với nhau bằng mắt như vậy. Nói những điều không thể nói bằng lời. Cho nên cô thỉnh thoảng cứ rủ tôi chơi trò “không chớp mắt”. Những lần tôi nhìn cô, thần thái hướng về phía “đồng tiền” thì cô lắc đầu nhè nhẹ. Còn khi tôi hướng thần siết chặt thật lâu đôi môi đang phả ra hơi thở thơm riêng dồn dập, thì tôi thấy cô ngất ngây như người uống rượu, đồng tiền và hai má đỏ lên, cặp môi ửng hồng he hé mở như cánh hoa chờ đợi hứng sương, từng sợi mi dài ưỡn cong run rẩy cố che những tia hạnh phúc ánh lên trong đáy mắt ngời ngời … Vì vậy cuối cùng lần nào cô cũng chớp chớp hàng mi cong, nhắm mắt lại, chịu thua tôi, bấu những vết hằn móng tay của niềm thỏa mãn để kết thúc cuộc chơi. Nhiều lúc cô nói với tôi: “Em sẽ đi xa, đến tận những thiên hà, chứ không chỉ tới sao Hôm…” Nhà báo, em nghĩ sao về lời tiên tri đó của cô Mai đối với một chú chim non “trắng mỏ” như tôi lúc bấy giờ? Chỉ có thể gọi đó là tri kỷ, phải không em?
Ông dừng lại, trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp:
– Em có biết vì sao tôi thích đọc Musset không, vì ông hay viết về Đêm, với những ngôi sao, và vì ông là người tình đau khổ của George Sand…
Thanh Vân buột miệng:
– Musset kém bà gần chục tuổi…
– Chính xác chỉ có sáu tuổi thôi… Nhưng khoảng cách tuổi tác không quan trọng. Cái chính là khoảng cách tâm hồn. Cô Mai với tôi không có khoảng cách đó…
Thanh Vân chợt hỏi:
– Cô mất trong hoàn cảnh nào ạ?
– Cũng lạ… Chuyện này kể ra phải chiếm vài chương tiểu thuyết… Lúc đó, một anh có học, con nhà giàu, ngỏ lời muốn lấy cô, nhưng cô từ chối. Lý do: cô đã có người yêu rồi. Nhưng thật ra vì anh kia đang làm thông ngôn cho Phòng nhì Pháp. Anh ta nhờ ông “Địa” nói giúp vì biết ông rất có uy quyền ở trường. Ông “Địa” ép ráo riết, cô vẫn không chịu… Và cô bị bắt vì “làm Việt Minh”, nhưng được thả vì “không đủ chứng cứ”… Rồi cô bị tai nạn và mất trên đoạn đường này…
Giáo sư dừng lời, ngước đôi mắt long lanh ngấn nước đăm đăm nhìn những ngôi sao. Một lúc, ông mới nói tiếp được:
– Ông “Địa” thù cô vì cô dám bênh tôi. Chuyện thế này: Một hôm trong giờ học, ông “Địa” ra câu hỏi: “Đố các trò: sao Hôm với sao Mai là mấy sao?” Câu hỏi quá dễ, chỉ để đố học trò lớp Một, ông đem ra đây đố chắc có cái “bẫy” gì chăng? Tôi lúc đó láu táu, muốn chứng tỏ mình thông minh vội giơ tay xin nói: “Thưa thầy, ba sao ạ!” Tôi chưa kịp nói rõ ý mình thì cả lớp cười ầm. Ông “Địa” giận đỏ mặt, dấu hiệu ông sắp tặng tôi cái còng, ông quát: “Biết thì nói, không biết nghe người khác nói. Đừng có tươm tướp!” Tôi thấy tủi thân, ức và nhục quá, phải kìm nén hết sức mới khỏi bật khóc. Ông chỉ bạn Ngọc Thọ, bạn ấy đứng lên: “Thưa thầy, chỉ là một sao thôi. Đầu hôm nó mọc thì kêu sao Hôm, sáng hôm sau nó lại mọc thì kêu sao Mai.” Thầy khen: “Excellent!” Thọ được 20 điểm, còn tôi bị cái còng hai con số không. Chủ nhật chép bài phạt: Sao Hôm sao Mai là một ngôi sao.
Cô Mai thấy tôi thẫn thờ suốt mấy hôm, cô thương lắm. Đến giờ Pháp văn, cô mang bài thơ của Musset ra giảng, bài có ngôi sao ban chiều ta vừa đọc lúc nãy. Cô hỏi: “Đố các em sao Hôm và sao Mai là mấy sao?” Rồi cô nói luôn: “Học sinh tiểu học trả lời là một sao. Còn học sinh trung học phải trả lời là bốn sao. Vì nó có bốn tên: sao Hôm, sao Mai, sao Kim, và Vénus nữa. Đó là chưa kể nó còn được gọi là Sao của người chăn cừu, L’étoile du berger… Em Trịnh nói là ba sao vì em chỉ mới nghĩ đến sao Hôm, sao Mai, sao Kim nên cũng còn thiếu, bị ăn còng là phải, chẳng oan ức gì.” Cả lớp và cả trường đều khen cô Mai “tế nhị”. Và tôi tự nhủ: Ơi, người tri kỷ, hiểu tôi đến thế thì dưới bầu trời này chỉ có một thôi…
Ông ngừng thật lâu… rồi lấy lại bình tĩnh:
– Trước khi cô mất ít năm, tôi bị qui là có hoạt động Việt Minh, phải bỏ trường tìm cách sang Pháp học, nếu không, chắc đã bị… còng tay.
Bỗng ông hỏi:
– Em có nhớ cái truyện Những vì sao của Alphonse Daudet không? Cô Mai cũng dạy tôi truyện này. Cái truyện có cô chủ nhỏ mang thức ăn lên núi cho chàng chăn cừu rồi bị nước lũ không về được phải qua đêm dưới trời sao, đầu gối lên vai chàng chăn cừu và chàng ta tưởng có một ngôi sao đi lạc rơi xuống đậu trên vai mình? Cô Mai phân tích: Cảm hứng của nhà văn lấy từ mấy chữ L’étoile du berger, một tên gọi sao Hôm rất hay của người Pháp, nó có trước khi các nhà thiên văn đặt cho sao Hôm cái tên của thần sắc đẹp: Vénus. Từ mấy chữ đó, Daudet sáng tạo ra truyện ngắn Những vì sao… Còn ta, sao Hôm lại có một tên đối ngược là sao Mai, ngôi sao của bình minh, ngôi sao buổi sớm… Ai nắm được bí quyết sáng tạo đó sẽ nắm được bí quyết thành công trong cuộc đời… Cô Mai “buổi sớm” của tôi cũng thường nói: Nhân tài không phải người biết kiếm bằng cấp cao mà là người biết sáng tạo… Em nghĩ sao? Tôi thì nghĩ: phải là nhân tài mới nhìn thấy được nhân tài từ khi nó vừa tượng hình, chưa nảy nở… và nâng niu ôm ấp sao cho nó nở ra đúng hướng. Luận nhân tài cũng phải từ cái hướng. Hít-le mà chẳng tài sao? Nếu tâng bốc người tài không đúng hướng thì có thể biến con người thành ra con “cá độc” gây đau nhức triền miên cho mọi sinh linh đang dính vào hành tinh xanh bay lơ lửng trong cõi vô biên này…
Giáo sư ngừng một lúc như để lấy lại hơi thở sắp đứt rồi mới tiếp:
– Em à, trên đời, xưa nay tri kỷ trước sau mấy người. Tôi may mắn có được người tri kỷ đã nhìn thấy nhà thiên văn bất kể nó đang là một chú nhóc. Vậy mà bây giờ, cho dù nhà thiên văn có mang cả dải Ngân Hà đến cầu hôn tri kỷ thì tri kỷ cũng đã bỏ đi ươm sao trên những thiên hà…
Giáo sư thôi không nói nữa. Thanh Vân ngồi bất động, sững sờ. Cô ngước nhìn lên cao, thấy trên bầu trời yên bình, tràn ánh trăng xanh sáng dịu đột nhiên lóe rực như có muôn vì sao băng vạch ngang…
Bỗng Thanh Vân chợt hỏi:
– Thưa thầy, Tết này thầy có về nước ăn Tết không?
Giáo sư im lặng ngước nhìn những vì sao trên cao. Hồi lâu ông mới cúi xuống ve vuốt mộ bia, đáp nho nhỏ như nói với riêng mình:
– Biết còn tri kỷ hay không mà về…
Cô phóng viên bỗng bật dậy:
– Thưa giáo sư, cho phép em chụp ảnh thầy tại đây, trong khoảnh khắc này…
Giáo sư mỉm cười độ lượng, choàng tay ôm lấy mộ bia. Bên trái tim ông, hình và tên người tri kỷ tạc vào đá xanh còn hoài trong bức ảnh…
***
Dọc đường về, trời đổ mưa. Thanh Vân liếc nhìn giáo sư đang lặng lẽ ngả đầu vào gối tựa, mắt khép hờ lắng nghe tiếng mưa rơi vẳng đến từ ngôi mộ giữa đồng đập vào kính xe như tiếng gõ của định mệnh... Ý tưởng vụt đến giống một vệt sao băng, cô bật máy… Nhịp gõ trái tim tràn xúc động của cô vang thành tiếng gõ máy rào rào lách tách hòa quyện với tiếng mưa gõ cửa lách tách rào rào. Màn hình sáng trong đêm, chữ trào theo vệt mi mắt ai đang nhấp nháy...
PHÉP MÀU
Tôi hết sức bàng hoàng, và lo lắng khi nghe tin anh Lam bị đứt mạch máu não đang nằm trong bệnh viện. Tôi phóng ngay tới nơi. Nhìn qua khe cửa khép hờ của phòng cấp cứu, tôi cố nhận diện anh Lam giữa hai dãy giường sắt, trên có những con người đang nằm thiêm thiếp, tay chân mồm mũi lằng ngoằng dây, nối với các ống truyền nước biển, truyền ô-xy, nối với những chiếc máy nhấp nháy đèn xanh đỏ, như nắm níu sự sống mong manh…
Chị Duyên, vợ anh Lam, kể sơ diễn biến bệnh tình của anh từ nửa đêm qua tới giờ, cuối cùng chị nói:
– Bác sĩ bảo anh hôn mê sâu, tình trạng rất xấu. Hạn chế tiếp xúc…
Tôi ra về, chỉ còn biết nén tình cảm lại và chờ đợi… một phép màu.
***
Tôi và anh Lam là bạn thân, cùng ở chung một đơn vị thời kháng chiến gian khổ. Anh thuộc lớp học sinh thành thị, khá đẹp trai, đàn hay hát giỏi, biết làm việc và nói năng lưu loát. Nhiều cô gái mê anh, kể cả các cô văn phòng cũng như các cô trong những xóm chúng tôi đóng quân. Tính anh cũng khá “bay bướm”, ai anh cũng có cảm tình, nhưng quả thật, anh chưa kết với ai. Nói cho đúng, anh là một người sống có trách nhiệm, được mọi người mến yêu, tin tưởng. Với tài đó, đức đó, anh dần được cấp trên “chấm” và giao cho những trách nhiệm từ thấp tới cao. Đến bây giờ, anh đã là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Nay anh bị tai biến, cả tỉnh đều lo lắng. Người ta đã dự tính danh sách ban lễ tang, chọn người viết điếu văn…
Chị Duyên, ngày trước là nhân viên văn thư đánh máy của văn phòng. Chị hiền dịu, tuy không thật “sắc sảo mặn mà”, nhưng rất có duyên. Nhiều người mê chị. Ai cũng bảo: lấy được một người như chị Duyên làm vợ thì thật có phúc. Chị không phải là người để anh Lam yêu mê say đắm. Nhưng anh đến tuổi phải có vợ và chị đúng là một người vợ “ích tử, vượng phu”. Hai người gặp nhau, lấy nhau như một lẽ đương nhiên. Anh có chị lo hậu phương vững chắc nên cứ thăng tiến dần. Chị có anh cũng nở mày nở mặt. Qua hơn chục năm chung sống, hai anh chị sinh được ba cháu gái, thông minh, học giỏi… Thỉnh thoảng có người chọc anh chỉ có “ba con vịt giời”, anh cười, tặc lưỡi: “Số phận mà, phải chấp nhận thôi. Vả lại thời buổi này, đâu có ai nặng lòng vì chuyện con trai, con gái…” Bây giờ anh nằm đó, rủi có bề gì thì lấy ai mà chống gậy đây…
Anh Lam hôn mê suốt ba mươi ngày đêm thì được bệnh viện kéo về từ cõi chết. Anh đã tỉnh lại. Đúng là có phép màu chăng? Tôi chạy ngay tới bệnh viện thăm anh.
Thật ra, “phép màu” cũng chỉ có thể cứu anh khỏi chết. Nhưng anh bị liệt nửa người, giọng nói méo mó, đầu óc lắm khi ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Điều trị một thời gian nữa, bệnh anh đã “ổn định”, bệnh viện trả anh về nhà, với lời dặn kỹ: tránh để anh bị xúc động mạnh.
Tôi liền đến nhà thăm anh. Anh cố đưa bàn tay phải ra bắt tay tôi, nhưng anh bất lực vì nửa người bên phải đã liệt rồi. Tôi đọc được nỗi đau trong ánh mắt anh, khi anh phát ra những tiếng ngọng nghịu, chào tôi và chìa bàn tay trái run run về phía tôi… Tôi nắm mấy ngón tay mềm nhũn, nhìn gương mặt dày bự, ngẩn ngơ như trẻ nít, thương anh quá… Anh còn sống đó, nhưng đã bị cuộc sống loại bỏ ra rồi… Nhìn quanh, tôi thấy khá đông bạn bè, người quen… Chị Duyên luôn cố gắng nở cười, trả lời những câu thăm hỏi gần như là giống nhau của những người đến sau, đến trước; những câu trả lời cũng gần giống nhau, lặp đi lặp lại. Ai ra về cũng nói chị thật có phước khi anh từ cõi chết trở về. Thầy hay thuốc giỏi đã đành, nhưng không phải ai cũng có phước. Thôi, bây giờ chỉ lo chăm sóc cho anh, mọi việc “đời” coi như bỏ hết…
Trong đám đông bạn bè thân sơ ấy, tôi chợt thấy đôi mắt lạ lùng của một người phụ nữ đứng lấp ló tít đàng xa. Đôi mắt lặng lẽ, mang một nỗi đau còn sâu hơn nỗi đau trong đôi mắt chị Duyên ngày đầu tiên anh đôt quị. Chị Duyên đau còn có thể kêu đau để mọi người chia sẻ, còn người phụ nữ kia đau đớn hơn nhiều mà chẳng dám kêu đau! Nỗi đau chỉ hiện hình lên đôi mắt. Phải rồi, tôi nhớ đôi mắt ấy và nhớ ra gương mặt chị, tuy chị đã thay đổi nhiều sau gần mười năm “mất tích”, để anh Lam có thể lên được chỗ đứng hôm nay. Đúng hơn là chỗ đứng hôm qua…
Anh Lam là một con người “bay bướm” nên nhiều chị em bắt được tín hiệu ấy và đến với anh. Nhưng vì có trách nhiệm nên anh không dối mình cũng không lừa người. Khi có ai đó nói rằng “em yêu anh nhưng chỉ có mình em chứ không còn ai khác”, thì anh thu mình lại, lẳng lặng rút êm. Anh biết, những người phụ nữ yêu anh đều là những người có tâm hồn rất gần gũi anh, họ chân thành và đứng đắn, yêu anh và muốn xây dựng cuộc sống hạnh phúc lâu bền với anh. Anh cũng muốn lắm chứ. Nhưng thật lòng mà nói, anh đang thiếu – hay đúng hơn đang khát – tình yêu, chứ hạnh phúc gia đình anh không thiếu. Anh chẳng lấy chị Duyên vì hạnh phúc gia đình đó sao? Xem ra kiếm được người yêu khó hơn kiếm được chồng hay vợ. Càng khó hơn khi tìm ra người tri kỷ. Hình như con người chỉ tìm được chồng hay vợ, còn người yêu hay tri kỷ, việc ấy là của trời cho. Vậy nên những người để trái tim mình rung động vì anh dần dần cũng biết kìm nén lại, không đến với anh nữa, để đi tìm một cuộc sống hạnh phúc bình thường, mà có khi họ cũng chẳng tìm ra. Chỉ có chị là khác. Chị đến với anh vì chị yêu anh, dù biết anh đã có vợ có con. Chị không đòi anh phải cam kết “chỉ có em chứ không còn ai khác”. Chị biết anh không làm được điều đó. Chị chỉ cần anh thật lòng yêu chị, yêu không dối lòng mình.
Chị có bằng thạc sĩ kinh tế, nghề nghiệp vững vàng, yêu âm nhạc, thích văn chương. Phải nói là chị khá xinh đẹp nhưng ngoài bốn mươi rồi mà chị vẫn sống độc thân. Chẳng biết chị quá lo học lo làm hay chị quá kén chọn. Dòng chảy cuộc đời đưa chị đến gặp anh, hay trời xui khiến chị gặp anh chăng? Lần đó, chị từ Hà Nội đi dự một cuộc họp ở Đà Lạt. Anh từ tỉnh cũng đến hội nghị ấy. Mọi người ở chung một khách sạn, họp chung, ăn chung… Trong hội nghị, anh nói ngắn gọn, nhưng ý kiến thật sắc sảo. Anh nói những điều chị rất muốn nói nhưng chưa biết diễn đạt thế nào. Nghe anh, mắt chị rực sáng. Trong tiếng vỗ tay vang dậy và kéo dài của cả hội trường, chị nhận ra ở anh một đồng chí, một đồng minh, hơn nữa, một người “soi đèn” trong cuộc sống mà chị cảm thấy rất tù mù, ngột ngạt, cần thay đổi nhưng chẳng biết phải thay đổi ra sao…
Buổi sáng, chị xuống phòng ăn sớm, đi la cà xem xét bữa ăn tự chọn: phở, hay bánh cuốn, hay bánh mì ốp-la, sốt vang… đây? Chị liếc nhìn khắp phòng… Anh đến sau chị, chọn ngay món phở. Chị cũng chọn ngay phở và bưng đến:
- … Em ngồi đây được không?
- Mời cô… Cô cũng thích phở?
- Vâng. Người mình xa xứ còn nhớ phở. Em dân Hà Nội mà không nhớ phở Hà Nội sao?
Anh cười:
- Thật ra quê của phở là ở Nam Định…
Chị ngạc nhiên vì một người nói giọng Nam bộ lại biết rõ quê gốc của phở. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nói tiếp:
- Nhưng khi lên Hà Nội, phở mới thật là phở Việt Nam…
Người phụ nữ nào mà không thích nịnh. Chị cũng vậy thôi. Suốt buổi sáng đó, chị lâng lâng với ý nghĩ: mình là người Hà Nội.
Buổi trưa, chị cũng “tình cờ” ngồi chung mâm với anh. Bữa ăn được khai vị bằng vang Đà Lạt. Có người chê vang Đà Lạt dở. Có người nói nó cũng không dở lắm đâu, vì nó được chọn làm thức uống trong các cuộc tiếp đãi sang trọng. Người chê vang Đà Lạt dở nói: “Tôi uống vang Bordeaux nhiều rồi. Vang Đà Lạt làm sao sánh kịp.” Mọi người cùng cười. Anh chỉ tủm tỉm và chẫm rãi nói: “Vang Bordeaux hay vang Đà Lạt cũng có nhiều loại. Chắc anh uống Bordeaux lâu năm đựng trong thùng gỗ sồi…” – “Đúng rồi!” – “Và chắc đó là thùng gỗ sồi bị sét đánh nên anh mới nhớ Bordeaux đến như vậy?” Mọi người cười phá lên. Chẳng biết vang đựng trong thùng gỗ sồi bị sét đánh ngon đến mức nào nhưng chị nếm vang Đà Lạt hôm đó thấy nó ngon như … sét đánh!
Buổi cơm chiều, chị lặng lẽ tìm anh để ngồi cùng, nhưng không thấy. Mãi sau, khi mọi người ăn gần xong, có người đã đứng dậy lên phòng, chị mới thấy anh ôm cặp từ ngoài đi vào, vẻ vội vã. Chị “tình cờ” bước ra:
- Anh ăn tối chưa?
- Chưa. Có chút việc ở tỉnh, tranh thủ làm cho xong.
- Em cũng bận nên bây giờ mới xuống. Còn mâm trong kia, ta vào đi anh.
Khi hai người ngồi xuống, chị đùa:
- Dù tuyết rơi gió nổi / Em vẫn đợi anh về…
Mắt anh sáng lên, nhìn chị, bỗng anh chợt cười:
- Dù có ai đến hỏi: / Anh đi ăn tiệc rồi? / Dù có ai đến nói: / Anh vẫn còn rong chơi / Thì em ơi cứ đợi…
Họ hiểu nhau… Và sau đó, trong các buổi tham quan đỉnh Lang Bian, hay đi chơi hồ Tuyền Lâm, chị cứ “tình cờ” ở cạnh bên anh. Họ có rất nhiều chuyện để nói với nhau, nói mãi không dứt, dường như trên đời này chẳng có thú nào vui hơn là được ở bên nhau và trò chuyện cùng nhau.
Sau đó, chị xin chuyển công tác về tỉnh này. Cũng chẳng khó khăn gì vì tỉnh đang “trải thảm đỏ” đón người tài. Ở chung thành phố, họ có điều kiện gặp gỡ nhau thường xuyên. Rồi chị chủ động “thiết kế” những cuộc đi chơi với những lý do rất “hợp lệ”, “hợp pháp”. Bạn bè thân quen thấy hai người kết nhau, lấy làm lo ngại cho anh, đúng hơn là lo ngại cho cái ghế của anh, vì mất anh, tỉnh sẽ mất một cán bộ lãnh đạo tốt. Chị cũng biết vậy nên về sau cố tránh những cuộc hẹn hò, gặp gỡ, “rút lui vào bí mật”. Có lần chị gặp tôi, đưa cho tôi tập sách của Stephan Zveig, trong có truyện Bức thư của người đàn bà không quen. Ít lâu sau, chị hỏi ý kiến tôi về tập sách đó. Tôi biết ý chị nên chỉ nói: truyện rất hay. Chị cười buồn: “Hay, nhưng tác giả của nó chẳng được một giải thưởng nào hết. Tôi đọc một số tác giả được giải Nobel nhưng tôi thấy ông này viết hay hơn họ…” Tôi hỏi: “Theo chị thì hay chỗ nào?” – “Hay ở chỗ chỉ cần yêu và được yêu thôi. Thậm chí giả vờ làm điếm để được sống hết mình một đêm với người mình yêu dấu… Giống y các cụ ta từng nói Một ngày quân tử gần kề…” Tôi nhìn chị ngạc nhiên: chị muốn “tuyên ngôn” gì chăng?
Nhưng sự đời, yêu nhau đâu thể nào “bí mật”. Tình yêu như đóa hoa tỏa hương, càng mãnh liệt hương càng đậm đà trong khí quyển… Anh không dám gặp chị thì chị đến gặp anh. Chị rất tài nghĩ ra nhiều cớ để đến gặp anh trong giờ làm việc. Gặp trong giờ chưa đủ, chị lại đến gặp anh tại nhà, đường hoàng, với những lý do thật chính đáng. Khi chị đến với bạn gái, khi đến với người phó của anh, khi rủ tôi cùng đến. Khi chị đến nói chuyện công tác, khi tình cờ trên đường ghé qua. Khi mang đến cho chị Duyên mớ rau tươi vừa mang về từ Đà Lạt. Khi mang đến cho con anh một món đồ chơi… Chị Duyên tinh lắm, nhìn ánh mắt hai người rạng rỡ khi gặp nhau, chị biết ngay. Nhưng chị Duyên là một phụ nữ dịu dàng, điềm đạm. Tuy vậy, phụ nữ dịu dàng, điềm đạm không có nghĩa là không ghen. Dĩ nhiên, phụ nữ dịu dàng, điềm đạm ghen theo kiểu riêng của mình. Đầu tiên, chị Duyên tiếp khách rất ân cần, trọng thị, pha trà ngon trong bộ ấm chén mời khách quí; bánh trái cũng đựng trong những đĩa hoa sang trọng mang ra. Chị Duyên rót nước, đưa bánh tận tay khách. Khách gọi chị, xưng em, dịu dàng thân mật. Còn chị Duyên cứ một mực gọi cô, và giữ thái độ trọng thị chứ không thân mật. Tiếp theo, chị Duyên sắp một bữa cơm gọn mà sang, mời khách đến ăn. Khách từ chối thì dở mà khách nhận lời, tới nơi sẽ thấy một gia đình đang ấm êm, hạnh phúc. Khách sẽ tự hiểu và tự chuyển từ tình yêu sang tình mến thương, cảm phục…
Nhưng nếu như vậy thì sao gọi là yêu. Mà chị đã yêu anh thì dù có mến thương cảm phục vợ anh, chị cũng cứ yêu. Chị nhận lời mời cơm, đến đúng hẹn, xách theo con vịt quay Bắc Kinh chặt sẵn. Trong bữa ăn, chị bắt chuyện với ba cháu gái về việc học hành, lướt web tìm học bổng, những chỗ làm lương cao ở các công ty… Các cháu thích thú vì những hiểu biết rộng, mới, về sự thông minh của cô, quấn lấy cô hỏi han không dứt… Chị Duyên cảm nhận được sự thua kém của mình, chuyển thái độ từ trọng thị sang lạnh nhạt, khó chịu nữa… Chị quát con: “Ăn đi, nói chuyện hoài…” Chị ấy im lặng… Chị biết cái đòn “lễ tiên binh hậu”, chị biết lắm chứ. Nếu chị cứ tiếp tục yêu anh thì sẽ đến màn “thương thuyết”: Tôi van xin cô, cùng chị em phụ nữ với nhau… Thương thuyết không xong thì sẽ tới chuyện “binh nhung”. Nhung ở đây không có nghĩa là cung nỏ giáo mác… mà là những ngón đòn êm như nhung của một người phụ nữ dịu hiền điềm đạm: yêu cầu lãnh đạo cơ quan cô chuyển cô đi tỉnh khác, thậm chí gây ra một vụ kỷ luật; lãnh đạo cô không làm thì tôi sẽ có yêu cầu lãnh đạo tỉnh làm… Cho kỳ đến lúc “chỉ có một mình em”. Về phần chị ấy, chị biết rõ nếu chị Duyên làm quyết liệt, anh sẽ chọn ai, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa là anh sẽ mất hết… Mà chị không muốn điều này xảy đến với anh, xảy đến với mảnh đất chị đang gắn bó…
Nhưng chị ơi, em có đòi hỏi gì đâu, em yêu anh và em chỉ cần anh yêu em. Chị vẫn là vợ anh kia mà. Anh vẫn còn nguyên cái gia đình của mình mà. Tự em nuôi sống em được, sống đàng hoàng sung túc nữa, không phải dựa vào ai. Em mang thêm cho chị, cho anh, cho các cháu, chứ không hề lấy mất. Sao chị lại đánh em? Người phụ nữ nào chẳng ước mơ một gia đình hạnh phúc. Em cũng có thể kiếm được một gia đình êm ấm bình thường như chị. Nhưng trời bắt em phải kiếm thứ hạnh phúc khó hơn. Mấy mươi năm em đi tìm kiếm nó, giờ mới gặp. Chị cũng là phụ nữ, chị có hiểu cho em, thương em bị trời đày đi tìm thứ khó khăn đó không…
Và rồi việc phải đến cũng đến. Nhân một chuyến anh đi công tác ở Đà Lạt, chị cũng có lý do rất chính đáng để “bí mật” ra đi. Hai người đi riêng, ngày giờ khác nhau, nhưng gặp nhau một đêm ở cao nguyên thơ mộng: một đêm trong rừng vắng! Chị đến chỗ họp gặp anh, lặng lẽ đưa ra hai vé mua của một tua du lịch sinh thái trong rừng, đi cùng với tốp du khách người Pháp. Chiều đi, ngủ trong rừng một đêm, sáng hôm sau anh một mình về thẳng đến nhà, giờ giấc “ngoại phạm” được chị tính kỹ…
Cô hướng dẫn tua cho xe dừng cuối đường mòn, đưa đoàn khách đi bộ khoảng hai cây số len lỏi vào rừng sâu. Trên đường đến nơi, anh sung sướng ngắm những mái lều tranh nho nhỏ và biệt lập, thấp thoáng trên lưng đồi, giấu mình giữa rừng thông hoang dã. Tại quầy tiếp tân, chị đưa vé nhận phòng đặt trước. Và anh thật bất ngờ: phòng cheo leo trên một ngọn cây cổ thụ, như một tổ chim. Bám cái thang nhỏ, anh theo chị trèo lên. Chị mở cửa phòng và anh thấy: trên sàn gỗ, tấm đệm và đôi gối bọc thổ cẩm, với hoa văn nhọn như núi và dốc như thác, rực màu đỏ của lửa quyện màu lam của rừng. Chị bật đèn giả hình nến, ánh sáng vàng trên vách lung linh. Anh vào rửa mặt ở toa-lét sát bên, nhỏ và sạch, lơ lửng giữa cành cây… Khi người phục vụ mang giúp hành lý vừa cúi chào, quay xuống, chị đóng cửa phòng lại, miệng nở cười, mắt rực sáng, dang rộng hai tay mời anh. Lần đầu tiên họ hôn nhau, hôn trên ngọn cây, nụ hôn chờ đợi từ lâu, kéo dài theo gió lạnh triền miên đung đưa cành thông xào xạc…
Họ xuống ăn tối bên đống lửa hồng. Những gộc củi to cháy rực, phả hơi ấm sực mặt anh. Thỉnh thoảng gió lạnh tạt vào, lửa bắn ra hoa cà hoa cải ửng hồng má chị. Anh nướng những bắp ngô và mấy xâu thịt rừng cắm vào que xiên, để sẵn trên khay, trở lại qua trên ngọn lửa, rồi mang đến cho chị. Chị cắn ngay vào xâu thịt nướng bốc mùi thơm lừng, và tẻ những hạt ngô vàng sém. Anh nhìn bên cạnh: trên quầy rượu giả dạng một hốc cây sần sùi, đủ loại bia và rượu mạnh, từ cô-nhắc XO đến uýtxki xanh sậm… Anh gọi thức uống nhẹ mà sang cho chị, và một cô gái mặc đồ thổ cẩm tuyệt đẹp mang ra…
Vừa ăn, cả đoàn du khách vừa trò chuyện. Chị không ngờ anh nói tiếng Pháp với khách du lịch lưu loát như vậy. Chị biết anh có tiếng Pháp, nhưng tiếng Pháp tới mức nào thì hôm nay chị mới rõ. Bữa ăn xong, khách ngồi lại bên đống lửa hồng cho qua buổi tối rừng sâu không trò giải trí. Chủ khách sạn “ngọn cây” đưa ra một chiếc ghi ta. Không ai biết chơi. Chị đón lấy, trao cho anh. Anh ôm đàn, so dây, vào nhịp tăng-gô, bảo chị hát bài Đêm đông. Chị không hiểu vì sao anh lại biết chị thích nhạc “tiền chiến” nhưng rất xúc động, cất lên tiếng hát theo nhịp đàn và ánh lửa bập bùng:
Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
. . . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thân lãng du cô liêu chán chường
Về đâu giữa trời đông đêm trường
Đêm giữa rừng u tịch, chị làm mọi người thấm đẫm cái lạnh đêm đông, lạnh buốt tâm hồn…
Anh dịch lời bài hát cho du khách nghe, họ trầm trồ vì ca từ đẹp, giai điệu mượt mà, và cũng vì những người bạn Việt Nam đã “thấu tình cô lữ đêm đông… xa nhà” trong rừng sâu.
Chẳng biết có phải điệu tăng-gô của Đêm đông gợi cảm xúc hay không mà một cô đầm trẻ cao hứng nhờ anh đánh bài Histoire d’un amour (Chuyện một mối tình), cũng là điệu tăng-gô, cho cô hát. Cô hát thật tha thiết, thật đắm say, có lẽ cô hát cho người cô yêu đang ngồi cạnh cô và cho mọi người đang yêu trên thế gian nhớ mãi cái đêm rừng kỳ lạ của Việt Nam. Anh dịch cho chị nghe lời cô gái đang hát lên mối tình của họ. Bản nhạc này mọi người yêu nhau trên thế giới đều biết, nên khi cô gái vừa hát dứt, anh hát tiếp lời Việt, hát riêng cho chị nghe. Bài hát chấm dứt bằng câu:
Lệ tình tuôn như sông chẳng dứt đâu
Còn làm cho bao nhiêu người đớn đau
Và thành muôn lời hát ru nhau.
Cuộc chơi càng về khuya càng lắng đọng. Các du khách Pháp yêu cầu anh kể chuyện đường rừng, vì ở giữa rừng, còn gì thú vị hơn là nghe chuyện đường rừng. Anh vâng lời, kể một chuyện mà trong những chuyến đi thơ mộng, lần nào anh cũng kể cho chị nghe. Lần này cũng vì chị …
Một tốp thợ săn bẫy được con heo rừng cái thật to, nhốt nó trong rọ thép. Ban đêm, heo rừng đực, bự và cao như con gấu, với cái mõm dài, lông vàng và cứng như dây đồng, hai nanh trắng nhọn cong vút, ra cắn rọ định giải thoát cho bạn tình. Nhưng rọ đan bằng dây thép, răng heo không sao cắn được. Heo cái bèn lùi sát lại, đưa mông cho bạn. Heo đực phủ lên…. cái rọ. Tốp thợ săn thấy động vội mang súng ra bắn. Heo đực bị thương, lê một chân què bỏ chạy vào rừng, cùng những giọt máu rơi thành vệt đỏ.
Sáng sớm, bọn thợ săn ra xem, thấy vết chân heo to quá, vừa mừng vừa sợ. Họ xách súng lần theo vết máu truy tìm. Đến một bụi rậm cây mọc um tùm, vệt máu mất hút. Lùng sục chung quanh chẳng thấy tăm hơi con heo. Bỗng họ nghe một tiếng hộc thật lớn, như trút hết căm giận, rồi bóng heo rừng đồ sộ từ chỗ nấp vụt ào ra, đầu cúi thấp, răng như hai mũi kiếm trắng ngà, theo đà đánh đầu hất ngược lên bụng tay thợ săn gần nhất. May cho tay thợ săn lão luyện, nghe tiếng gió vội nhảy trốn sau cây, nanh heo táng vào thân cây, xé toạc một lớp gỗ lớn bắn tung lên cao, nhựa cây trào ra, đỏ bầm, đặc quánh. Bọn thợ săn hoảng kinh hồn vía, vừa nổ súng loạn xạ vừa vội vã rút lui, trong khi con heo mắt đỏ hận thù vẫn còn rình đâu đó... Họ biết phải dùng chước, chứ không thể lấy sức mà chọi heo trong bụi rậm giữa rừng...
Đúng như họ tính, đêm sau, heo đực lại lê cái chân gãy, mò ra. Bị nhốt trong lồng hẹp, không xoay trở được, nhưng heo cái vẫn còn cách là chìa hai mông, giữa có cái hoa mọng bóng và trơn nhẫy qua mắt lưới thép. Heo đực ngửi thấy mùi, cuống cuồng vội vã chồm lên. Bọn thợ săn đã rình sẵn bèn giương súng…
Nhưng lần này heo đực không bỏ chạy. Bất chấp tiếng súng nổ kinh hoàng, bất chấp những hòn đạn sượt qua lớp da dày như áo giáp, nó cứ phủ lên lưng, ôm chặt bạn tình qua lưới rọ thép. Cũng bất chấp cái chết vừa bay đến theo viên đạn ghim đúng vào đầu, máu đỏ chảy ròng ròng xuống môi heo cái, nó cứ dồn dập trút hết sức lực cuối cùng, đáp lại tiếng heo cái đang rên rỉ đê mê, càng lúc càng rít cao gấp gáp, cho tới khi heo cái rú lên, đau thương và sung sướng tột độ, nó vẫn không chịu đổ xuống, chết cứng trong tim ruột bạn tình…
Cả đám du khách Pháp trố mắt, há mồm ngồi nghe, cuối cùng ào lên, vỗ tay vang dậy. Cô đầm trẻ ngồi cạnh vụt chồm sang, ôm đầu anh, hôn lên má anh một cái rõ kêu. Chị không ghen, nhưng nước mắt tự hào lại rơi ra: các bạn gái ơi, cứ hôn người tình của tôi đi, anh ấy đáng để chúng ta hôn… Ông chủ khách sạn “ngọn cây” liền bước tới đưa cho chị hai thẻ VIP và nói khi nào anh chị muốn lên, cứ gọi điện báo trước, anh chị sẽ là khách quí cho các tua du lịch của ông…
Thâu đêm, trong chiếc chòi nhỏ cheo leo trên ngọn cổ thụ giữa rừng sâu, đung đưa cùng gió lạnh và tiếng lá xạc xào, tiếng suối róc rách, chị tìm thấy cái hạnh phúc mà mấy mươi năm qua, chị đã bỏ cả tuổi xuân để đi tìm kiếm nó…
***
Kết quả cuộc tình đêm ấy là cái bụng của chị cứ lớn dần. Cả tỉnh lỵ xì xào, bàn tán. Chị cứ tỉnh như không, ánh mắt đằm sâu, chưa tan niềm hạnh phúc. Đám cán bộ tỉnh rỗi hơi, nhất là cánh đàn bà, túm tụm nhỏ to: Một phụ nữ kiêu sa, đài các, tài năng như thế thì… Chỉ có anh! Như vầy còn “lãnh đạo” ai nữa… Anh cũng tỉnh như không, sẵn sàng nhận hết trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra. Những ngày đó, chị Duyên gầy rộc đi, mắt trõm sâu, tóc thêm nhiều sợi trắng. Chị cảm thấy mất mát hẫng hụt đã kề bên; nếu làm căng ra, chị biết anh sẽ chọn ai. Chị sẽ mất hết, anh sẽ mất hết, còn “tình địch” thì được hết, vì cô ấy không cần tiền tài địa vị danh vọng của anh, cô chỉ cần tình yêu. Và nay cô đã đạt được, kiêu hãnh với cái bụng ngày một lớn của mình... Hay là chị chấp nhận mất một phần, như ý cô muốn, còn hơn mất hết? Không, không đời nào, mất một phần rồi sẽ thành mất hết. Không, chỉ có một thôi, không thể có ai khác. Nhưng nếu chỉ có một thôi thì … chị thua rồi, thua đau đớn. Chị thua vì chị chăm chút cho bữa cơm gia đình êm ấm, còn “tình địch” cho anh nếm thịt rừng nướng giữa đêm đông… Chị thua vì chị dựa vào “tổ chức”, dựa vào “cơ chế”… Còn “tình địch” thì được hết, vì biết dựa vào sức mạnh vô biên của tình yêu… “Tình địch” “diễn biến hòa bình” mà chị “ngủ trên cơ chế”. Chị thua rồi, thua đau đớn, đớn đau đến mức chị đã nghĩ tới cái chết…
Nhưng đùng một cái, chị ấy “mất tích”, chẳng biết đi về phương trời nào. Chị đi vì sự yên ổn cho trái tim chị Duyên, cho anh, và cho cả tỉnh. Và đúng như chị tính: mọi việc dần yên ổn lại. Bây giờ, hay tin anh thoát chết nhưng bị liệt nửa người, chị lại tìm về.
Tôi lặng lẽ đi ra phía ngoài, đến bắt tay, mừng gặp chị. Chị nói chị muốn vào thăm anh, nhưng biết có chuyện gì xảy ra không. Tôi bảo chị chờ cho một chút rồi vào báo với chị Duyên. Chị Duyên chẳng đắn đo gì: “Anh cứ mời cô ấy vào giúp tôi.”
Chị chậm rãi đi vào, đến chào chị Duyên. Chị Duyên cầm tay chị, dắt đến hỏi anh Lam:
- Anh có nhớ ai đây không?
Anh nhìn chị. Trên nét mặt ngơ ngơ ngẩn ngẩn của anh, tôi thấy như vừa có tia sét giáng xuống. Anh vụt ngồi nhổm dậy, miệng phát ra một tiếng thật tròn vành rõ chữ, từ khi anh bị tai biến đến giờ:
- Em!
Anh chồm tới, đứng dậy, dang hết hai tay, kể cả cánh tay phải bất động hàng tháng nay về phía chị và kêu tiếp:
- Em!
Chị Duyên, theo phản xạ thường ngày, vội đứng dậy đỡ anh, miệng kêu lên sung sướng mà nước mắt lăn dài:
- Ôi trời phật ơi! Tay chân anh cử động được rồi! Lạy Trời, lạy Phật!
Anh đưa cánh tay phải ôm vai chị, siết chặt chị vào lòng và hôn lên má chị. Đến lượt chị ngẩn ngẩn ngơ ngơ, nói năng ấp úng:
- Anh … anh không sao chứ?
- Ừ, anh không sao…
Mọi người ùa đến vây quanh, vừa mừng vừa ngạc nhiên trước phép lạ:
- Ôi, phúc đức quá!
- Trời phật phù hộ anh!
Một người đàn bà đến đập vai chị Duyên:
- Đó, chị thấy chưa? Đúng là cái viên thuốc tôi kêu chị mua hơn tám mươi đô. Thuốc của Đồng Nhân Đường ở Bắc Kinh. Thuốc trị bịnh cho vua chúa ngày xưa mà! Đúng là anh có phước lớn!
Sau khi mọi người vui sướng lần lượt ra về, chị Duyên mời tôi và chị ấy ở lại chơi, nói chuyện với anh Lam, rồi tất tả xuống bếp. Câu đầu tiên anh Lam hỏi chị:
- Con đâu em?
- Nó vẫn ở với em…
- Trai hay gái?
- Trai.
Mặt anh Lam rạng rỡ hẳn lên, như vừa uống xong một chục viên thuốc Đồng Nhân Đường.
- Nó chin tuổi rồi nhỉ?
- Tám tuổi rưỡi.
- Còn em?
- Em vẫn như xưa… Em với nó đã là một gia đình rồi…
Anh Lam không nói gì, cầm tay chị bóp chặt. Anh nhìn chị. Tôi thấy mắt anh rực lên tia sét của lòng biết ơn và tình yêu đắm đuối say mê không bờ bến…
(Truyện này viết xong, cất vào ngăn kéo, hai năm sau mang ra nhờ bạn bè đọc giúp. Một bạn bảo: Kết ở đây là được, con heo rừng nói đủ ý rồi. Bạn khác khuyên: Nên học các bậc tiền bối, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường là hết truyện, nhưng vẫn phải có khúc “đại đoàn viên”; nên thêm “vĩ thanh” cho bạn đọc “tùy chọn”…)
Mấy tuần sau đó, cả tỉnh lỵ ồn lên về phép lạ và về viên thuốc của Đồng Nhân Đường. Còn tôi, tôi tin vào một phép lạ khác…
Anh Lam hồi phục nhanh chóng cùng với sự thăm viếng và chăm sóc hàng ngày của chị. Người ta đã bàn đến chuyện đưa anh trở lại công tác, nhưng anh viết đơn xin nghỉ việc…
Đến khi mọi sự gần trở lại bình thường thì chị Duyên cũng trở lại thói “thường tình nhi nữ”. Chị ghen, ghen dịu dàng, ghen điềm đạm. Chị ghen khi thấy hai người quấn quýt trò chuyện bên nhau, cả các cháu gái cũng quấn quýt bên cô, cái việc chị chẳng bao giờ làm được. Nhưng lần này, chị chỉ còn biết ghen khổ ghen sở mà thôi. Mọi ngón đòn ghen xếp lại rồi. Tóc chị thêm bạc trắng…
Chị ấy thấy vậy nên đến chào chị Duyên, trở về với con. Trước khi đi, chị ấy đến gặp tôi, thở dài và hỏi: “Con người không thể vượt qua mình sao anh?” Tôi chẳng biết trả lời chị thế nào nữa…
Chị đi được dăm hôm thì đùng một cái, tôi nghe tin anh Lam phải vào bệnh viện cấp cứu lần thứ hai. Lần này nặng hơn. Anh hôn mê sâu hơn, toàn thân bất động. Chị Duyên liền vội vã nhờ tôi nhắn tin cho chị ấy trở về. Chị Duyên mong chị mang con trở về bên anh Lam mãi mãi…
Nhưng chị cũng chỉ trở về kịp đám tang anh Lam. Chị Duyên ôm chị ấy khóc nức nở:
- Em ơi! Anh bỏ chúng ta đi rồi…
Chị Duyên xé một mảnh vải trắng, đưa cho chị ấy. Chị khoác áo trắng đại tang lên mình đứa con trai và đặt lên đầu nó chiếc mũ mấn đã chờ sẵn. Chị bảo:
- Con tới lạy cha đi.
Đứa bé chin tuổi chẳng biết gì, chỉ làm theo lời mẹ bảo. Nó cúi lạy bức ảnh mà bây giờ nó mới biết người đó là cha. Đứa bé lạy xong bốn lạy, chị Duyên chỉ vào chiếc gậy dựng kề bên quan tài anh, rồi ôm chị ấy, nước mắt chảy đầm vai người bạn gái:
- Cảm ơn em, bây giờ anh đã có người chống gậy…
***
Ngày nối đêm, chị Duyên tự dằn vặt mình khi nghĩ đến cái phép màu vừa qua đã cứu anh sống lại. Chị cứ trăn trở mãi không nguôi. Cái đau âm thầm, thấm thía hơn cái đau … ghen…
Còn anh Lam? Anh có ân hận là mình đã sống không tròn trách nhiệm?
Anh mất rồi. Tôi biết hỏi ai?
MEN LAM
Đêm càng khuya, dòng sông càng rực rỡ, trong vắt ánh trăng thanh. Anh không ngủ được, chẳng biết vì nhà lạ hay vì trăng. Anh lặng lẽ ra đứng trước lan can lầu ngóng xuống. Gió vuốt ve mặt nước, sóng lao xao lấp lánh như những lưỡi búa vàng... Người ta bảo trăng hút nước biển tạo ra thủy triều và hút lòng người để tạo thành thơ nhạc, những Xô-nát Ánh trăng và những Tỳ bà hành với Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt / Một vầng trăng trong vắt lòng sông...
Hành trình tìm lại bí ẩn men lam của dòng họ anh lúc đầu tưởng chừng như là chuyện mò kim đáy biển... Chỉ có mấy dòng ghi trong gia phả: cụ tổ là một nghệ nhân xuất sắc của làng gốm Bát Tràng, làm một đĩa cổ men lam lung linh phép lạ, nhưng không ai biết giá trị của nó, trừ chúa Nguyễn Hoàng...
Từ Pa-ri, anh về Hà Nội, sang thăm làng gốm... Làng đẹp, bán buôn tấp nập nhưng cũng khá xô bồ... Anh dò đường, tìm vào xưởng gốm của lão nghệ nhân nổi tiếng nhất vùng, chọn mua một số tranh gốm, tranh đĩa... Ông lão thấy anh thích chơi gốm nên mời sang ngôi biệt thự mới cất, khoe tượng, khoe tranh... Chuyên trò càng lúc càng tương thân, tương đắc, anh lân la dò hỏi đĩa cổ men lam... Ông lão vui miệng kể: “Tôi có nghe từ cụ tổ về chiếc đĩa men lam tuyệt kỹ ấy. Gọi là đĩa Trương Chi... Truyền rằng khi tình cờ có được chiếc đĩa men lam lạ lùng đó, chúa ưu ái, đãi người tạo ra nó như bậc đệ nhất tài danh. Nhưng lúc bị nghi kỵ, mạng sống bị đe dọa, phải chạy vào Nam thì chúa mang theo chiếc đĩa cổ cùng người tạo ra nó... Qua gần nửa thiên niên kỷ lưu lạc, chiếc đĩa mất tăm và bí quyết men lam đĩa cổ cũng thất truyền...”
Anh nghiền ngẫm lời của lão nghệ nhân và quyết vào Nam, theo sự dẫn dắt của tiềm thức bãng lãng khói sương, cùng sự thôi thúc của dòng máu âm thầm chảy trong huyết quản... Anh chọn mua một suất du lịch Mekong Tour, vì anh thấy trong chương trình có mục “tham quan nhà cổ”, với hy vọng mơ hồ; hơn nữa, anh muốn đi chơi một mình cho thảnh thơi đầu óc.
Sau mấy giờ lênh đênh sóng nước, dọc những rặng bần trùng điệp xanh mướt ven bờ, thuyền ghé cho khách lên thăm một ngôi nhà cổ, rồi ăn chiều với tôm càng nướng, cá he vàng nấu mẵn và nghỉ lại một đêm... Giữa vùng xanh um cây trái miệt vườn mà người xưa cất một ngôi nhà lầu, dù sàn bằng gỗ, cũng là rất lý thú, để hôm nay, anh có dịp qua đêm tại đây. Chẳng phải chỉ có dòng sông và ánh trăng khiến anh không ngủ được. Mà tâm tư anh bị xáo trộn dữ dội từ khi bước vào phòng khách ngôi nhà... Bây giờ ra ngắm sông đêm, anh thấy lòng cũng lấp lánh những lưỡi búa vàng, xôn xao cùng gió...
Cô hướng dẫn tua xinh đẹp giới thiệu cùng khách:
- Ngôi nhà này xây từ lâu đời... Cây thủy tùng sau bàn thông thiên kia đứng ở đó đã ngót trăm năm... Lúc nó bằng cườm tay, có người đòi chặt đi làm cán siêu đao trong cuộc tranh quyền của các tín đồ giáo phái, nhưng ông chủ ngôi nhà khăng khăng giữ lại nên nó còn được sống tới hôm nay...
Anh ngắm những cành tùng xòe ra hình nón, lá kim nhỏ lăn tăn, bụng nghĩ chẳng biết ông chủ nhà này là ai, và hậu duệ của ông, cũng như mình, qua bao nhiêu năm biển dâu dời đổi, giờ ra sao...... Nhưng cô hướng dẫn đã mời khách theo những bậc thang xây hình trăng khuyết bên ngoài lên lầu...
Phòng khách sang trọng, với bộ xa-lông đóng theo kiểu Lu-i XVI bằng gỗ nu quí nhất trong các loại gỗ, thớ cây xoắn xuýt, lấy từ những u trong thân cổ thụ,. Hai bên là hai bộ bàn ăn mặt cẩm thạch, gỗ trắc, có bộ ấm trà để sẵn. Cô gái rót trà ướp sen trong chiếc ấm có quai trúc, đốt ngắn như đốt ngón tay, mà cô gọi là trúc quân tử, vào chén quả hồng mời khách. Anh đứng ngắm bức tranh thêu phủ kín một bên tường, hình chim công ngoái đầu nhìn bộ lông đuôi rực rỡ, trong khi du khách vuốt ve mặt gỗ cẩm lai của chiếc bàn thờ, khảm xà cừ óng ánh tích Lưu Bị cầu hôn Giang Tả trong tiếng trầm trồ... Cạnh đó là tủ chén với những muỗng “cổ lầu”, những đĩa “trúc lâm thất hiền” và những bát ăn mà cô hướng dẫn lưu ý khách là dưới trôn có chữ “nội phủ”... Anh tưởng tim mình ngưng đập khi thấy một chiếc đĩa đặt trên đế gỗ mun ba chân, màu men lam, vẽ cảnh người chèo thuyền giữa dòng sông có hàng liễu rũ bên bờ và ngôi lầu có cô gái ngồi bên cửa sổ chống tay lên cằm, mắt đăm đắm nhìn xuống nước; trên lầu, trăng bị mây che mờ và dưới sông lao xao sóng gợn... Mặt đĩa ghi hai câu thơ chữ Nôm. Cô hướng dẫn nói:
- Đây là một cổ vật rất quí vẽ tích Trương Chi – Mỵ Nương... Tương truyền nếu ai khóc đầy chiếc đĩa này thì sẽ thấy anh Trương Chi chèo thuyền động đậy trên dòng nước...
Du khách ồ lên, xúm xít lại xem chiếc đĩa... Có người hỏi:
- Vậy đã có ai khóc đủ để anh Trương Chi chèo thuyền động đậy chưa?
Cô gái nói:
- Thưa, chưa có ạ...
Mọi người cười xòa, ý rằng đây chỉ là một trò câu khách...
Còn anh, anh vẫn chưa hết xúc động: cái đĩa men lam Trương Chi mà cả dòng họ anh thì thầm truyền nhau suốt mấy trăm năm chẳng lẽ lại nằm ở đây? Anh hỏi cô gái với giọng run run:
- Cô ơi, cô có biết hai câu thơ này viết gì không?
- Thưa quí khách, đó là: Không cầm đến chén thì thôi / Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan...
Khắp người anh nổi hết gai ốc... Một ý nghĩ lóe trong đầu như chớp: Mật mã chế tác và thưởng thức men lam giấu trong những câu thơ...?
Anh liếc nhanh về phía cô gái: gương mặt thanh tú, vóc dáng cân đối, đặc biệt là đôi mắt thăm thẳm như ẩn chứa những điều huyền diệu sâu xa... Cô gái cũng liếc nhìn anh... Hai ánh mắt giao nhau như hai ánh chớp và cả hai đều cảm thấy lòng mình xao động...
Anh không hỏi gì thêm, biết rằng mình đang mang một bí mật hệ trọng không thể khinh xuất mà hé lộ cho ai... Anh chỉ còn cách đi theo cô gái, lắng nghe lời cô và lặng lẽ ngắm cô...
Đêm nay, đứng nhìn dòng sông lao xao sóng bủa dưới trăng, anh tự hỏi: Cô gái là ai? Hình như mình đã gặp cô từ kiếp nào thưở trước... Có phải... Anh khe khẽ ngâm mấy câu thơ thuộc lõm bõm:
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thật xấu mà hát thì thật hay
Và:
Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
Mà trông thấy mặt anh chàng lại chê...
Đêm sâu lắng khiến câu thơ có sức âm vang lạ lùng. Ánh trăng giật mình run rẩy trên mặt sông... Tiếng sóng bủa lao xao hay tiếng thơ, tiếng nhạc...
Anh chợt nghe tiếng chân bước nhẹ sau lưng, và tiếng hỏi dịu dàng:
- Anh chưa ngủ ư?
Anh hồi hộp quay lại và nhận ra cô hướng dẫn viên quen thuộc trong bộ váy ngủ mong manh... Tim anh đập rộn:
- Vâng, tôi thấy khó ngủ...
- Vì sao vậy anh?
- Có lẽ vì sóng nước... Vì trăng... Còn cô?
- Em... cũng vậy...
Anh lúng túng giây phút, nhưng chợt nhớ ra:
- À này, hai câu trong đĩa cổ mà cô đọc lúc chiều có phải lấy ra từ bài thơ Trương Chi không?
- Phải đó anh.
Anh hồi hộp hỏi cô trong hơi thở gấp:
- Cô có thuộc cả bài đó không?
- Có anh ạ. Nghề của em mà. Em phải tìm học...
- Vậy cô có thể đọc cho tôi nghe được không?
- Được thôi. Nhưng khá dài. Cả một chuyện tình mà anh...
- Tôi có thời giờ... Tôi rất cần bài đó... Nhưng... có phiền cô không?
- Phiền gì đâu anh. Em cũng có thời giờ mà...
- Vậy cô đọc cho tôi chép lại nhé?
- Vâng... Như giữa những câu mà anh ngâm nga lúc nãy, có một đoạn anh nhảy cóc... Em biết anh không thuộc, và cũng biết anh đang tha thiết với bài này, nên em ra đây... phục vụ quí khách...
Cô nhoẻn cười. Anh cầm ngay tay cô:
- Ôi, cám ơn em nhiều lắm! Đoạn ấy ra sao, em đọc coi...
Cô ngập ngừng hỏi:
- Mà anh có cho là em... bạo dạn quá không...
- Ôi em! Anh hiểu mà! Nghề nghiệp mà! Sao dằn lòng được...
- Cảm ơn anh... Đoạn này ai cũng biết, nhưng thuộc lời thơ thì bập bõm... Như anh vậy... Đây: Ngày xưa có anh Trương Chi / Người thì thật xấu mà hát thì thật hay / Cô Mỵ Nương người ở lầu tây / Con quan thừa tướng ngày rày cô cấm cung / Anh Trương Chi ở dưới dòng sông / Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu / Đêm thanh chàng hát một câu / Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương / Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương / Mà trông thấy mặt anh chàng lại chê...
Anh tràn xúc động, cầm tay cô lắc mạnh:
- Ôi, em đọc hay quá... Hình như bức tranh trong đĩa cổ là bức tranh mà người xưa đã vẽ bằng những câu thơ em vừa đọc...
- Vâng, em luôn nghĩ như vậy...
- Nhưng cô Mỵ Nương sao thương tiếng hát mà lại chê người có tiếng hát hay đến thế?
Cô gái cười:
- Em cũng thắc mắc. Nhưng em... đang làm một luận án... nên tìm hiểu và tự mình lý giải: trong cõi người ta, cái thanh cao và cái trần tục khéo là... chọi nhau... Khác với các nước có nền văn hóa ổn định, ở nước mình, văn hóa bị chiến tranh và nhất là bị thuyết “giai cấp” xáo trộn nên một thời kỳ dài cho tới tận bây giờ, người ta vẫn độc tôn thưởng thức cái nghèo đói, nhỏ mọn..., trong khi con người muôn thưở vẫn thiết tha hướng tới cái cao đẹp, tương tư một tiếng hát hay...
- Vậy em làm luận án gì?
- Rồi anh sẽ biết thôi mà... Để em đọc tiếp: Anh Trương Chi bèn trở ra về / Cắm thuyền cho chặt anh mới hát thề một câu / Kiếp này đành lỡ duyên nhau / Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành...
Anh bóp mạnh tay cô:
- Đúng rồi... Hình như kiếp trước anh đã gặp em...
Cô gái nhìn vào mắt anh, cười:
- Anh không lầm đấy chứ... Cứ nghe tiếp chuyện chê người nhưng tương tư tiếng hát hay: Cô Mỵ Nương tư lự thất tình / Kém nhan sắc trước, sút vỏ hình thuở xưa / Kém trang điểm, kém bữa cơm trưa / Kém ăn kém ngủ cô thẫn thờ chẳng yên / Thất tình bệnh phát liên miên / Ông bà thừa tướng lo đêm lo ngày...
- Ôi, đúng em rồi...
Anh ôm chầm lấy cô, vùi đầu vào khuôn ngực thơm mùi trinh nữ qua bộ váy ngủ mong manh, hững hờ... Cô đứng yên, người cô dường đang run rẩy Anh lần chạm đôi bầu ngực phập phồng... Cô chợt tỉnh, cầm tay anh, nhoẻn cười:
- Xin quí khách đừng sờ vào hiện vật...
Anh ngượng nghịu, cũng cười:
- Em... cứ méo mó nghề nghiệp...
Cô dí một ngón tay lên trán anh:
- Anh cũng méo mó nghề nghiệp: nghề nghiệp của bọn đàn ông tầm thường... Yên để em đọc anh nghe tiếp cách chữa bệnh tương tư tiếng hát: Truyền mời đến một ông thầy / Ông thầy bắt mạch đoán ngay sự tình / Bệnh này duyên nợ ba sinh / Tương tư ắt có cầu tình với ai / Bệnh này nếu muốn khỏi ngay / Truyền người xuống bến gọi ngay anh lái đò / Nhờ chàng sắc thuốc hộ cho / Chàng mà sắc thuốc tựa hồ thuốc tiên...
Anh kéo sát cô vào người mình, thầm thì:
- Ôi, sao em đáng yêu quá vậy!
Cô mỉm cười:
- Lại bệnh nghề nghiệp! Em tưởng bài thơ này đối với anh quan trọng hơn là chuyện tình cảm nên mới giúp anh...
Anh lúng túng:
- Ừ... đúng, đúng. Em đọc tiếp đi.
- Anh Trương Chi ở dưới đò lên / Quạt lò sắc thuốc anh ngồi bên cạnh lầu / Ngồi buồn anh hát một câu / Cô Mỵ Nương nghe tiếng giải cơn sầu như không / Mười phần bệnh đổ xuống sông / Lấy vàng ba lạng mà thưởng công cho ông thầy...
Anh cười:
- Trương Chi dùng tiếng hát giải sầu tương tư cho Mỵ Nương, nhưng người được thưởng vàng lại là ông thầy thuốc...
- Vì cái cao đẹp và cái trần tục luôn chọi nhau mà... Ở đời, chuyện này đầy dẫy...
- Em tuyệt lắm! Cho anh...cho anh... hôn em nhé...
- Vậy anh muốn nghe nữa hay muốn em bỏ về phòng...
Anh luống cuống:
- Không không, em đọc tiếp đi...
- Vậy anh phải ngoan nhé... Anh Trương Chi trở xuống đò ngay / Cắm sào cho chặt anh nhảy rày xuống sông / Xác thời trôi ở giữa dòng / Hồn thời mới nhập vào trong cây bạch đàn / Đến khi thừa tướng thăng quan / Mua được cây gỗ bạch đàn quí thay / Gỗ thời để đã lâu ngày / Truyền gọi thợ khéo tiện ngay bộ chén chè / Xong rồi quạt nước màn the / Cha con mang bộ chén chè uống chơi / Không cầm đến chén thì thôi / Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan / Cô Mỵ Nương đau đớn can tràng / Hạt châu rơi xuống mới vỡ tan khối tình...
Cô gái ngừng đọc, trầm ngâm nhìn xuống dòng sông lấp lánh ánh trăng... Anh cũng sững sờ, đứng yên lặng ngắt...
Bỗng cô hỏi:
- Ngoài Bắc gọi trà là chè phải không anh?
- Ừ, đúng rồi. Nhưng mà... đây là cái đĩa... sao lại viết hai câu thơ về cái chén...?
- Em không biết. Nhưng đó là hai câu hay nhất bài thơ... Đúng không anh?
- Đúng. Và nó là ... mật mã... Đúng, trước hết phải là trà... Chén trà...
Anh hấp tấp kéo tay cô:
- Đi, em vào phòng khách với anh... Và... đun nước pha trà...
Cô gái bị anh lôi đi, lúng túng chẳng biết làm gì hơn là theo những yêu cầu... vô hại của anh để tìm tòi giải mã nỗi niềm tương tư một tiếng hát hay...
Khi nước sôi được đưa tới, anh súc ấm để sẵn trên bàn, pha trà mới, rồi hãm kỹ trong chiếc bình quai trúc lâu ngày lên nước bóng. Anh khẩn khoản nhờ cô lấy chiếc đĩa cổ trong tủ kính. Cô dứt khoát:
- Miễn sờ vào hiện vật!
Nhưng anh vặt đầu vặt tai, hứa hẹn sẽ có phép màu xảy ra nên cô gái cũng tò mò, và xiêu lòng, đi thuyết phục người trông coi ngôi nhà dậy... Dưới sự giám sát chặt của người quản lý, cô thận trọng hai tay nâng chiếc đĩa đặt lên bàn...
Anh cẩn thận rót một chén trà, nâng ngang mày, thành kính khấn tổ tiên từ ngàn xưa về mở trí khai tâm cho cháu con thoát vòng mê muội... Rồi anh trân trọng cầm chén từ từ rót trà vào lòng đĩa... Anh nhìn trân trối vào nét vẽ men lam, vào đôi tay anh lái đò Trương Chi, vào cặp mắt cô Mỵ Nương ngồi trên lầu cao tít... Không một dấu hiệu gì. Cô bạn gái đứng sau anh chắc cũng hồi hộp không kém. Anh cảm nhận được hơi thở cô thơm ấm, phả hương vào má anh... Anh lại thành kính rót chén thứ hai, rồi thứ ba... Khi chiếc đĩa gần đầy nước, trà bốc hương, cả gian phòng mùi nhụy sen dâng thoang thoảng... Trong khói trà bãng lãng và trong hơi gió lạnh từ dòng sông thổi lên về sáng, anh thấy người lái đò trong đĩa sống lại, cử động tay chân, như đang chèo thuyền qua dòng sông ký ức... Sóng trên mặt nước lảo đảo vì tiếng hò khoan! Cô bạn gái cũng bíu chặt tay anh: “Kìa, Mỵ Nương đưa ống tay áo dài lau nước mắt!”
Mọi người sững sờ, nhìn chiếc đĩa không chớp mắt...
Cô gái bám chặt cánh tay anh, lệ rơi từng giọt ngắn dài. Nước mắt anh cũng rơi lã chã... Mật mã thưởng thức men lam đã được giải rồi...
Người quản lý vội vã đổ nước trà vào ống tống, lau khô đĩa, toan đem cất đi... Cô gái giằng ngay chiếc đĩa lại:
- Ông cứ để đây. Đã có ai lấy mất đâu... Để đây cho mọi người chiêm ngưỡng báu vật nhà cổ này...
Nước mắt cô như những hạt châu nối nhau rơi đầy trên đĩa. Và kỳ lạ thay: nước mắt người con gái rơi tới đâu thì màu men lam vẽ hình anh lái đò cứ mờ dần tới đó...
Anh cũng quàng chặt vai cô, nhìn sững vào lòng đĩa, nước mắt tuôn trào. Khi hai dòng nước mắt hòa quyện cùng nhau thì dòng thơ men lam trên đĩa cổ lại hiện lên y nguyên như cũ...
Không cầm đến chén thì thôi
Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan
***
Ba năm sau...
Anh thu xếp gấp công việc từ Pa-ri trở lại Sài Gòn, sau khi cật lực làm việc để gom một số tiền mua chiếc đĩa cổ, nếu cần...
Việc đầu tiên anh làm là đến ngay hãng du lịch Mekong Tour. Anh xin gặp cô. Người lễ tân nhìn anh với đôi mắt hơi ngơ ngác... Anh chìa tấm danh thiếp cô đưa cho anh khi hai người chia tay nhau ở gốc thủy tùng của ngôi nhà cổ, trong buổi sáng xúc động nghẹn ngào...
Người lễ tân như chợt hiểu ra, nhấc máy gọi. Chốc lát, một cô gái trong bộ đồng phục của hãng hiện ra. Cô cầm danh thiếp lên xem:
LƯU HƯƠNG
Tour-guide
Email:luuhuong@yahoo.com
Mobile:0986037290
Cô liền nở cười:
- Anh tìm chị Hương?
Anh mừng rỡ:
- Vâng, đúng rồi...
- Chị Hương có lời nhờ cậy em tiếp anh, nếu anh quay trở lại...
Anh mừng quá:
- Vậy Hương đâu cô? Cho tôi gặp đi...
- Rất tiếc, chị ấy đã sang Pa-ri...
- Thế ư! Sang làm gì, hở cô?
Cô gái nhìn kỹ gương mặt khách, rồi cười tủm tỉm:
- Sang bảo vệ luận án tiến sĩ...
- Ô thế a! Cô có biết địa chỉ của Hương ở Pa-ri?
Cô gái hơi lúng túng:
- Chị Hương có ghi cho em, hình như chị ở Val-de-Marne... nhưng em để đâu không nhớ nữa...
Anh thở dài:
- Cô cố tìm giúp và báo ngay cho tôi nhé...
- Vâng...
Chợt nghĩ ra, anh chỉ vào tấm danh thiếp:
- Có đúng địa chỉ email của Hương ghi trong này không? Tôi gửi không biết bao nhiêu lần mà thư cứ bị trả lại... Cả số điện thoại cũng vậy... “Tạm thời không liên lạc đươc”...
Cô gái nhìn danh thiếp, lại cười tủm tỉm:
- Chị Hương có hẹn anh là phải... “ngoan”, đúng không?
Anh thở dài: Ôi trời, lại có thứ khách “ngoan” và khách “không ngoan” nữa chứ, hãng này muốn sập tiệm chăng? Nhưng sập tiệm đâu chưa thấy, chỉ thấy anh nôn nao trở lại đây rồi... Và chắc chắn còn trở lại nhiều lần nữa... Cô gái có vẻ ái ngại:
- Mà anh tìm chị Hương có việc chi gấp?
- Tôi... muốn thăm lại ngôi nhà cổ...
Cô gái sáng mắt lên:
- Vậy quí khách sẽ được phục vụ ngay, với giá giảm trừ, vì có tấm danh thiếp này...
Sáng hôm sau, anh lênh đênh trên sông nước Mekong có cô hướng dẫn viên trẻ bên cạnh... Chiếc tàu du lịch ghé bến cho anh lên một vàm sông rộng. Cô gái trẻ đưa anh đi xem ngôi đình làng ẩn dưới tán hai cây còng xòe ra mênh mông... Cô dẫn giải:
- Khi ông cha ta mở cõi vào tới Mekong thì đặt hành dinh đầu tiên tại nơi này. Bằng chứng là ngôi đình làng xây xong vào năm 1832 như con số tạc trên cổng. Nghĩa là trước khi người Pháp xâm lược Việt Nam... Thành hoàng làng này là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một danh nhân có công lớn khai phá miền đất mới... Đình này có trước khi các đô thị lớn ở miền Tây mọc lên... Mời quí khách vào tham quan bên trong...
Cô gái liếc nhìn anh. Anh tỏ vẻ thờ ơ, ngán ngẩm... Cô gái đến bên thì thầm vào tai anh:
- Anh đừng buồn. Nhìn ngôi đình, anh sẽ hiểu thêm vì sao chị Hương đưa anh tới ngôi nhà năm trước... Chúng ta cũng sẽ đến ngôi nhà cổ ngay giờ đây...
Nhưng thật lạ lùng, ngôi nhà cổ này không có gì giống như ngôi nhà trước: chỉ là một biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, nhưng không có lầu. Vẫn có bộ xa-lông cổ nhưng không phải bằng gỗ nu đóng theo kiểu Lu-i XVI. Vẫn có tủ chén với muỗng “cổ lầu” và bát ăn có ghi “nội phủ”, nhưng không có đĩa men lam Trương Chi... Chỉ có thêm cái nhà gỗ rộng vừa cất phía sau vườn, và mấy bộ bàn ghế mới đóng để khách du lịch... ngồi ăn dưa hấu...
Anh lộ rõ vẻ thất vọng. Cô gái đến bên anh thủ thỉ:
- Anh muốn xem lại cái nhà của... chị Hương chứ gì?
- Đúng thế...
- Vậy chút nữa em đưa anh tới đó...
Khi phần đông du khách còn thưởng thức bữa ăn trưa có canh chua cá lóc và cá rô kho tộ, cô gái kéo tay anh:
- Ta đi anh nhỉ...
Hai người lặng lẽ ra ngoài. Cô gái vẫy hai chiếc xe ôm...
Xe chạy một đỗi, đến con rạch nhỏ có cây cầu bằng mấy tấm bê-tông đúc thả qua, cô hỏi lái xe:
- Đây là rạch gì, hở bác tài?
- Rạch Dầu.
Cô cuống quýt bảo xe dừng ngay... Rồi cô dắt anh đi bộ qua cầu ngược trở lại. Được vài trăm thước, cô hỏi:
- Anh đã nhận ra gì chưa?
Mải mê tránh những vũng nước mưa, bây giờ anh mới ngước nhìn phía trước. Ôi cây tùng! Cây thủy tùng! Nó đột khởi vươn cao trong khung cảnh miệt vườn xanh um cây trái... Nó đây rồi, cây thủy tùng của anh và Hương. Nó đứng làm chứng trong đêm hôm đó, khi anh và cô còn tràn đầy xúc động, rời phòng khách ra trước hiên lầu ngắm lại sông trăng... Anh ôm ghì Lưu Hương và nói: “Anh yêu em thật lòng... Anh sẽ trở lại ngay và xin cưới em...” Anh hôn cô. Cô run rẩy và hình như cô ghì cổ anh thật chặt... Người cô đầy và mát, khiến anh tưởng mình đang ôm sóng, ôm trăng... Phút run rẩy kỳ lạ đó chỉ có hai người, anh và cô, biết mà thôi... Và cây thủy tùng, người làm chứng không lời nhưng mãi mãi xanh tươi...
Nhưng sao... Nhưng sao... ngôi nhà cổ tràn đầy kỷ niệm cách đây vài năm, bây giờ biến đi đâu mất? Trước mắt anh, chỉ có một dải đất hoang cây cỏ um tùm và những mái tranh nghèo xơ xác... Anh dụi mắt... Ngôi nhà cổ? Nó đâu rồi?
Anh bật khóc... Nước mắt anh chảy đầm, không sao ngăn được... Cô gái trẻ rút khăn đưa cho anh. Đôi mắt cô cũng đỏ hoe...
Cô sụt sùi:
- Anh à, trong bài kệ của một giáo phái quê em, có câu: Mới thấy đó bỗng liền mất đó... Chị Hương đã nói cho anh biết khúc đầu của chuyện cây tùng. Nhưng còn khúc sau, lúc ấy chị chưa tiện nói. Vì sau đó, có người đi báo với Tây rằng chủ nhân ngôi nhà có cây tùng này theo Việt Minh! Tây đến san nhà thành bình địa, đá ngọc đều tan, chiếc đĩa cổ men lam chẳng biết giờ lưu lạc tới phương nào... Chị Lưu Hương mới nghĩ ra một đề án: Du lịch VỀ MIỀN KÝ ỨC... Và anh là người đầu tiên chị thử nghiệm thành công... Chị Hương bảo em: chị với anh có cùng “tần số tâm linh”... Anh biết không: chị Hương là cháu ba đời của ông chủ ngôi nhà xưa mà anh cùng chị đã sống qua một đêm tuyệt diệu...
Anh giật mình, sửng sốt, đứng lặng như trời trồng...
Cô gái nói:
- Chị Lưu Hương bảo: Luận án Du lịch về miền ký ức của chị dựa trên cơ sở cùng “tần số tâm linh”, đưa con người về miền ký ức hoặc hướng tới tương lai... Nó là ảo nhưng sẽ hóa thật nếu biết lấy cái cao đẹp kết nối trái tim con người, làm hiện lên ánh vàng lấp lánh như dòng sông trong vắt đêm trăng...
***
Chiếc thuyền du lịch chở khách ra về khi gió đêm vừa lên và trăng vừa tỏa sáng, làm cho dòng sông xôn xao những lưỡi búa vàng... Mật mã thưởng thức men lam đã được giải. Nhưng còn công thức chế tác loại men độc đáo ấy, ai sẽ giải đây...? Ai sẽ giải cái ảo cái thật của kiếp người, hay rốt cuộc cái hiển nhiên trước mắt rồi cũng là một giấc chiêm bao...
Anh trầm ngâm, nhìn ánh trăng bủa giăng mặt nước, nhớ đêm trăng kỳ ảo năm nào, với hương thơm còn lưu mùi trinh nữ, trong chiếc váy ngủ mong manh...
Bên tai anh, cô gái trẻ vẫn thì thầm về chiếc đĩa cổ men lam và những truyện đã trở thành tình sử:
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan...
CHUÔNG CHÙA
Chiều xuống nhanh trong tàn cây rậm rạp bên sườn núi. Hắn mệt mỏi lê từng bước qua các bậc đá trên con dốc quanh co dẫn lên chùa. Có tiếng chuông văng vẳng trôi trong không gian lạnh lẽo. Hắn ngồi phệt xuống một rễ cây bò ngang đường đã thành bậc dốc. Rễ to, nhẵn bóng. Chẳng biết bao nhiêu người đã dẫm lên, đã ngồi lên đây, trong biết bao nhiêu năm khi chưa có và khi đã có tiếng chuông chùa...
Hắn xoạc khuy kéo của chiếc áo khoác lấm màu đất núi, tháo nón quạt bộ ngực rịn mồ hôi, nuốt nước miếng khan. Gió lạnh rì rào thổi qua vòm lá như một ý thơ hay một nét nhạc chiều, gợi nhớ những bài thơ, bản nhạc hắn được nghe từ hồi còn là học sinh trung học. Đầu hắn dịu lại. Mấy mươi năm lẩn tránh trong cuộc đời, hắn đã gặp biết bao cảnh ngộ trớ trêu... Từ một cậu học trò con nhà khá giả, thích học âm nhạc, hắn cố lẩn tránh nhưng buộc phải đi học võ bị, thành sĩ quan khi còn rất trẻ; ra trận, hắn cố lẩn tránh bắn giết nhưng buộc phải bắn giết... Hắn nghĩ có lúc nào đó hắn sẽ viết một pho tiểu thuyết về cuộc đời mình, với nỗi hồi hộp thắt tim khi nằm trên trang thờ cùng con chuột tránh sự lùng sục của bọn đi bắt lính, với nỗi khiếp sợ són đái khi lần đầu ra trận đánh nhau, với lòng ân hận ray rứt âm ỉ từng cơn sau khi giết người cướp của... Khi chiến tranh chấm dứt, lẽ ra hắn phải đi trình diện, nhưng hắn lại lẩn tránh... Vì hắn không còn tin những lời nói nữa. Hắn chỉ tin ở hành động, hành động của chính mình. Và số phận cứ xô đẩy hắn đi... Nắng tắt hẳn. Gió thêm lạnh. Hắn uể oải chống cành cây bẻ vội làm gậy, khoác túi đứng lên bước tiếp...
Khi màn đêm bao trùm cảnh vật, hắn lên tới cổng chùa. Ngôi chùa thâm u, nép mình dưới một gốc đa xòe tán rộng mênh mông vào bóng tối. Trăng đầu hôm soi mờ khiến rễ đa thành một đàn rắn hình thù ngoằn ngoèo, chuyển động.... Các cửa vào chánh điện chùa đã đóng. Chỉ thấy ánh sáng le lói hắt ra qua những chấn song trên cao và một mùi hương trầm lan nhẹ trong gió thoảng. Tự nhiên hắn thèm biết ánh sáng và mùi hương phát ra từ đâu. Có phải từ cặp chân đèn và bộ lư bằng gỗ trầm chạm khắc hoa văn kỳ lạ mà du khách bốn phương từng đến đây chiêm ngưỡng mách bảo lẩn nhau. Lần theo các cánh cửa, hắn thấy một khe sáng. Mừng quá, hắn dán mắt vào. Không khí trong chánh điện rờn rợn, ánh sáng tỏa mờ mờ. Tượng Phật uy nghi, tay đặt lên đùi, tay để trước ngực, mắt lim dim thiền định bỗng như hé mở, nhìn hắn, cùng lúc với tiếng hỏi:
- A Di Đà Phật, ông tìm ai?
Hắn quay phắt lại, và không chút lúng túng (bao năm lẩn tránh, hắn từng đối phó với bao bất ngờ), đáp lại cũng bằng một câu hỏi:
- Mô Phật, thưa, chẳng biết sư trụ trì có nhà không?
Rồi hắn liếc nhanh chung quanh, phán đoán... Thần kinh hắn dịu lại. Trước mặt hắn là một ni cô trong bộ đồ dài màu khói nhang, áo cài chéo nách. Ni cô không còn trẻ, hơi gầy và xanh, nhưng nét mặt rất xinh và vóc dáng rất đẹp.
- Dạ, thầy tôi vừa có việc xuống núi ít hôm. Thí chủ quen thầy tôi?
Hắn cười gượng, đáp mơ hồ:
- Dạ... Tôi từng nghe tiếng thầy...
Ni cô nhìn hắn từ đầu tới chân... Hắn vội nói:
- Dạ... Tôi đi hành hương. Đến đây trời tối... Xin cho tá túc một đêm... Mai tôi vào đảnh lễ...
Ni cô phân vân một chút... Rồi nói:
- Mô Phật. Trời tối rồi. Đường xuống núi còn xa... Thôi, ông cứ qua bên kia, có mái tranh cho bá tánh thập phương lên vãn cảnh chùa nghỉ tạm... Xin theo tôi...
Ni cô đi trước. Hắn bước theo ánh chiếc đèn bão đu đưa nhè nhẹ dưới nhịp tay ni cô. Chẳng mấy chốc, một mái tranh lờ mờ hiện ra. Ni cô chỉ dẫn:
- Lu nước ngọt kia, đèn dầu và diêm đây... Ông có thể dùng nhưng xin tiết kiệm cho người đến sau...
Ni cô trỏ tiếp mấy chiếc chiếu để ở đầu tấm phản gỗ dài dùng cho khách thập phương trú tạm:
- Ông cứ trải chiếu ra mà nằm nghỉ. Đêm lạnh, có thể lấy đắp thêm... Nhà chùa còn nghèo, xin ông thông cảm...
Hắn vội đáp:
- A Di Đà Phật. Vầy là quí lắm rồi...
Hắn nói thật, vì trong cuộc đời rày đây mai đó, qua đêm ngoài trời là chuyện hắn thường nếm trải... Ni cô cúi chào, cáo lui. Hắn thở dài... Được ít bước, ni cô dừng lại, hỏi vọng sang:
- ... Mà ông ăn cơm chưa?
Hắn mừng quá nhưng cố kìm lòng, chậm rãi đáp:
- Dạ... tôi lỡ độ đường... nên chưa...
Ni cô quay lại mấy bước:
- Thôi, để tôi mời ông dùng tạm bữa... Cơm chỉ có rau và tương thôi... Ông vui lòng...
Hắn vội đáp:
- Dạ, vậy tốt quá rồi. Tôi đâu dám đòi hỏi...
Khi hắn rửa ráy xong, vừa trải chiếu ra nằm nghỉ một lúc thì ni cô tới với một niêu cơm, bát tương và dĩa cải luộc vun đầy trên chiếc mâm gỗ cũ đã sờn mẻ. Mùi cơm mới khiến hắn bật dậy.
- Mời ông dùng tạm.
Hắn xoa tay, nở cười:
- Xin cảm ơn.... Rất cảm ơn...
- Ông cứ dùng tự nhiên. Bát đũa để sáng mai tôi dọn...
Ni cô xách chiếc đèn bão dợm gót quay đi thì hắn vội vàng nói:
- Bạch... thầy... Không dám nào... thầy có thể cho tôi hỏi...
- Ông muốn hỏi chi?
- Thưa... tôi nghe đồn... chùa... có ma... Có đúng không thầy?
Ni cô dừng bước, ngoáy đầu lại, cười tủm:
- Ông cũng sợ ma ư?
Hắn làm ra vẻ bối rối vì thật ra mấy mươi năm lẩn tránh cuộc đời, hắn đã thấy đủ màu xanh đỏ tím vàng, có chi mà sợ... Hắn chỉ muốn... khai thác thông tin...
- Dạ thưa thầy...
Ni cô dường cũng muốn... thông tin nên quay gót đi về phía hắn:
- Đó là chuyện... mươi năm trước...
- Mà có chuyện đó thật không thầy?
Ni cô đặt chiếc đèn bão giữa hai người, ngồi ghé lên mép phản:
- Người ta đồn vậy mà...
- Thưa... khi thầy về đây thì còn chuyện đó không?
Ni cô nhếch mép cười mơ hồ:
- Cũng... còn một chút...
- Là sao, thưa thầy...
- Khi Đại dức trụ trì chùa vừa được bổ về đây vài tháng thì tôi cũng vừa lên chùa phát nguyện...
- A!... Chùa lúc đó ra sao, thưa thầy?
- Vùng này trước có chiến sự ác liệt, chùa gần như bỏ hoang. Trước khi chúng tôi về, tin đồn chùa có ma vẫn lan truyền. Mới chạng vạng tối, ông thủ tự vừa lên chánh điện đốt nhang thỉnh chuông thì có một cái chân người rớt bịch xuống trước mặt...
Ni cô liếc nhìn người khách... Hắn tiếp tục suy tư chứ không tỏ vẻ ngạc nhiên hay khiếp sợ... Ni cô kể tiếp:
- ... Kế đó, lại một cái chân rớt phịch xuống. Rồi một cái tay. Hai cái tay... Cuối cùng là mình, rồi cái đầu răng nanh gớm ghiếc... Chúng ráp lại với nhau thành một con quỷ định chụp bắt ông thủ tự nhai sống. Ổng sợ mất mật, tông cửa chạy bán sống bán chết xuống núi... Từ đó, không ai dám bén mảng vào chánh điện...
Ni cô lại liếc nhìn hắn... Hắn vội ôm ngực như mắc nghẹn:
- Ôi, ghê quá... Vậy thầy có lần nào gặp nó chưa?
Ni cô cười lảng:
- Khi tôi về đây, còn thấy bốn con kên kên ở gốc đa kia. Mỗi khi sắp bay, chúng dang cánh chạy lấy đà, sải cánh có tới năm mét. Ở trên cây, hàng ngàn con chim, ban đêm ríu rít nỉ non, nghe ai oán lắm...
- Vậy thầy làm sao?
- Sư thầy tôi trụ trì chùa bèn lập trai đàn giải oan, cúng ba ngày ba đêm, đèn nhang thắp sáng như sao, mõ chuông tụng niệm không dứt... Thập phương bá tánh, nhất là bà con quanh vùng tới cúng lễ, cầu siêu, nấu cơm, rửa chén... Sau ba ngày đêm thì mấy ngàn con chim bay đi hết, lũ kền kền cũng bay luôn. Đêm, cây đa chỉ rì rào, không còn tiếng nỉ non ai oán nữa... Các oan hồn đã được siêu thoát. Chùa thịnh lên từ đó...
- Thưa... Còn việc trong ... chánh điện...
Ni cô lại liếc nhanh khuôn mặt người khách:
- Bá tánh vào cúng dường ban ngày. Còn ban đêm, chỉ có người của chùa lên thỉnh chuông hay tụng niệm...
- Tụng niệm suốt đêm?
Ni cô nhếch mép cười:
- Công phu thì có thời có khắc... Phật đã dạy: Bể khổ mênh mông, quay đầu lại là thấy bờ...
Hắn thấy ni cô đưa mắt như gửi lời nói sang. Rồi ni cô đứng dậy:
- Thôi, ông cứ dùng cơm tự nhiên... A Di Đà Phật...
- A Di Đà Phật.
Hắn nhìn theo ánh đèn bão đu đưa xa dần qua các vòm cây, vừa nhai cơm vừa ngẫm nghĩ. Ni cô là ai? Người xinh đẹp thế, nói năng lưu loát thế sao lại đi tu? Hắn cố lục lọi trong trí nhớ thông tin về ngôi chùa: bộ lư đèn, sư trụ trì... Sư trụ trì đi vắng, thuận lợi cho hắn... Nhưng còn ni cô? Hắn cố nhớ thông tin về những ni cô mà hắn tình cờ nghe được qua những ngày tháng giang hồ... À, có một người, trước đi Thanh niên xung phong, yêu một anh lái xe Trường Sơn, yêu thắm thiết đến nỗi có một “nhà văn giang hồ” tưởng tượng ra cảnh họ trần truồng nô đùa, tắm táp và làm tình với nhau bên bờ suối giữa rừng, có bướm vàng bay, có hoa đào trôi theo dòng nước... Nhưng cuộc đời của cô cũng có khói lửa đất đá, bom rơi đạn nổ, có những đợt sốt rét rừng rụng hết cả mái tóc mây dài, có những lúc tắt kinh vì ăn hoài món muối sả và những lúc lên cơn bệnh kỳ lạ như người động kinh vì thiếu vắng hơi trai... Chiến tranh chấm dứt, cô chờ anh lái xe trở về, chờ mãi chờ mãi đến quá lứa lỡ thì đành ôm mối tình chung lên chùa qui y cửa Phật... Có gì giống nhau trong số phận, trong bản lĩnh cô gái ấy và ni cô hôm nay... Dù sao thì nụ cười bí hiểm và cơ thể dường như trong suốt mà quyến rủ của cô cũng làm cho gã giang hồ ngẩn ngơ mê mẩn, có khi hơn cả bộ lư đèn. Hắn tự hỏi: hai thứ đó, thứ nào quí hơn?
Thổi tắt ngọn đèn dầu, hắn ngả mình xuống phản, gác đầu lên chiếc gối đan bằng mây đã lên nước bóng, ngủ lơ mơ...
Hắn mơ về những trận ốm suýt chết, nằm queo dưới gầm cầu hay trong cái chòi nhỏ giữa rừng, không thuốc thang, không ai giúp đỡ chăm sóc, giữa cơn mưa lạnh tái tê... Ngọn đèn bão của ni cô đu đưa đốm lửa ấm khi gần khi xa... Hắn đưa tay chụp níu mãi không được... Hắn tuyệt vọng. Hắn khóc nhưng nước mắt chẳng còn... Một bàn tay ấm đặt lên trán hắn. Một chén trà nóng kề môi... Một mùi hương bảng lãng trong màu khói nhang, an ủi, nâng đỡ... Hắn mơ một mái ấm gia đình bên con suối giữa rừng... Rừng một dãy cây chen vạn gốc / Góc cây rừng một nóc nhà tranh.... Đêm xuống, ngọn đèn xanh giữa nhà vẽ bóng người vợ ru con, khuôn mặt sao giống ni cô quá vậy... Còn bóng người chồng lui cui đan sọt đựng than mai xuống núi bán là hắn đó chăng... Đêm khuya con ngủ đèn tàn / Bao nhiêu thế sự muôn vàn tình thâm...
***
Hắn ngủ thiếp đến quá nửa đêm, và tỉnh giấc khi ngọn gió về sáng chuyển lạnh. Mở mắt, định thần một lúc, hắn nhẹ nhàng ngồi dậy. Bên ngoài, trăng tà xuyên màn sương đỉnh núi soi quạnh quẽ cảnh vật quanh chùa. Hắn lục tìm trong túi xách mấy thứ đồ nghề rồi buông chân xuống đất. Rời khỏi nhà nghỉ, hắn di chuyển từng chặng, nép mình sau các gốc cây, hướng về phía chánh điện... Cây đa cổ thụ vẫn vươn bóng che thêm ngôi chùa u tịch. Rễ cây như đàn rắn xoắn xít, chuyển động theo gió lạnh dưới ánh trăng mờ. Lần theo vách hông ngôi chùa, hắn nhích dần về phía hậu liêu... Có một cửa ngách! Hắn áp tai lắng nghe. Bên trong im ắng. Trời đất như đang trong giấc ngủ sâu...
Hắn bật tách con dao nhọn, đưa vào khe cửa, loại cửa gỗ có then ngang thường thấy ở những ngôi chùa xưa, làm từ trăm năm trước. Then bên trên. Rồi then bên dưới... Hắn đưa tay đẩy nhẹ. Cánh cửa mở ra theo tiếng rít két trên trục xoay. Hắn đứng yên, nghe ngóng... Chỉ có hơi thở đều đều của đất trời say ngủ. Bước dứt khoát vào trong, hắn bật chiếc đèn pin nhỏ xíu soi lối, lần lên chánh điện...
Chánh điện rộng mênh mông. Hương khói lan tỏa quẩn quanh, phiêu diêu ngan ngát.... Hai ngọn nến vẫn cần mẫn cháy sáng trên cặp chân đèn, dưới tượng Phật. Ánh nến lung linh soi ánh vàng thân tượng lấp lánh, soi hơi thở bức tượng mùi trầm... Hắn không vội vã, từ từ rút mấy nén nhang, châm lửa, chấp tay thành kính đưa lên trán. Hắn khấn Phật phù hộ độ trì cho hắn, một tên “trộm cướp bất đắc dĩ”. Phật từ bi cứu độ chúng sinh. Hắn cũng là một sinh linh, mà sinh linh nào cũng muốn được sống hết năm tháng đất trời ban tặng. Hắn trộm cướp một món đồ, còn có kẻ trộm cướp những món to hơn: một dinh thự, một dòng sông, một quần đảo, một đất nước, và cướp cả thế giới nữa kia. Hắn cướp một mạng người nhưng có kẻ cướp hàng triệu mạng sống... Hắn cướp vì đói, còn có kẻ cướp vì lòng tham, vì danh vọng, và vì muôn ngàn ham muốn khác... Hắn nghĩ rằng con người khi hành động đều có “triết thuyết”, có “chủ nghĩa” để tự cổ vũ hay tự biện minh, hay chống lại các thứ triết thuyết của người khác, giành một chỗ đứng cao hơn dưới ánh mặt trời. Hắn cũng vậy. Đừng ai lạ khi một tên cướp như hắn cũng có triết lý hay luận thuyết... Tùy theo trình độ mà có những “luận thuyết tướng cướp” khác nhau. Theo hắn thì người được gọi là anh hùng hay tướng cướp, cấp tiến hay bảo thủ, hoặc gì gì nữa... cũng chỉ là do lợi ích của người phán xét... Vậy nên hắn cứ hành động theo “luận thuyết” của mình. Chẳng phải người ta vẫn nói “được làm vua, thua làm giặc” đó sao? Đêm nay, trước khi hành sự, hắn khấn Phật cũng là để khấn... mình. Khấn xong, hắn tiến lên cắm mấy nén nhang trong bát hương dưới chân Phật, rồi lùi ra, xá ba xá mong lời nguyện cầu được linh ứng.
Bỗng nhanh như chớp, hắn phốc lên bệ thờ, bật đèn pin, dán mắt săm soi chiếc lư trầm. Dưới ánh đèn xanh đom đóm, hắn thấy chiếc lư to tròn phản quang xanh biếc như một hành tinh thu nhỏ, hai bên tay nắm là đôi nam nữ đang vẽ những nét phượng múa rồng bay uốn lượn theo khói nhang. Trong lư hương, rực hồng một đốm lửa. Mùi hương ngan ngát quẩn quanh. Hơi nóng hắt vào mặt, lan nhanh khiến cả người hắn nóng lên rừng rực. Hắn thấy khó thở, cổ họng rát bỏng... Nhưng hắn vẫn không sao rời mắt khỏi chiếc lư kỳ lạ. Có lẽ nó được chế tác từ một khối trầm cực lớn lấy ra từ một cây dó cổ thụ cực to. Khói nhang lãng đãng xung quanh nên hoa văn chạm khắc trên lư hiện ra khi mờ khi tỏ và sống động lạ lùng. Dường có một đôi nam nữ hòa quyện cùng nhau đang giao hoan theo tư thế lộn ngược, đầu người nọ rúc vào chỗ kín của người kia, giông giống biểu tượng âm dương giữa bùa bát quái. Chỗ nào bên phần âm là có thì bên phần dương là không, chỗ nào bên phần dương lộ ra thì bên phần âm khuyết lại. Sắc sắc không không, sinh sinh hóa hóa... Mắt hai bên nam nữ đều đang độ rực sáng, ánh sáng rỡ ràng tuyệt cảm của đốm trắng phần âm và chiều sâu đê mê lịm tắt của đốm đen phần dương... Phần dương khắc nổi hiện lên dưới ánh nến lắc lay, động cựa; phần âm khắc chìm, khuyết sâu, để màu lửa đỏ thêm xanh thăm thẳm khôn cùng; hai phần đang quấn quít uốn lượn cùng nhau và quằn quại theo khói hương lan tỏa đất trời... Hắn cũng ngất ngây: đúng là tuyệt tác, đúng là có cảm hứng của Thợ tạo... Hoa văn này, chất liệu này, báu vật này... đúng là vô giá...
Bằng động tác dứt khoát, hắn thò tay đỡ lấy vật báu, thu nhanh về phía mình, nhưng bảo vật nhùng nhằng không chịu rời chỗ. Hắn giật mạnh. Bỗng một tiếng chuông “Boong” rõ to trong không gian tĩnh lặng, vang khắp chánh điện, vang ra cây đa trùm bóng, vang trong đêm sương về sáng... Hắn giật nảy mình. Cùng lúc, hắn dựng tóc gáy khi thấy một khúc chân ma trên nóc nhà rơi xuống, da trắng như lột, khớp háng tướp tơ đỏ máu đang lơ lửng, đu đưa... Hắn vẫn chưa chịu bỏ chiếc lư, giật mạnh lần nữa. Lại thêm tiếng chuông “boong” dường gấp gáp hơn, to hơn. Rồi một cánh tay ma rơi xuống trước mặt hắn. Cùng lúc có tiếng người âm vang trong chánh điện:
- Dừng tay! Ngươi vào lối nào thì ngươi ra lối đó...
Giọng nói theo hơi chuông ngân, vang đi dội lại, xoay tròn như biểu tượng âm dương...
Sợ toát mồ hôi, hắn đặt lư hương vào chỗ cũ, nhảy phịch xuống đất. Nhưng hắn chưa chịu trở ra. Hắn nép mình vào một thân cột, quan sát, chờ đợi. Chân tay ma vẫn lủng lẳng trên cao, chưa có mình, chưa có đầu ma ráp lại... Hắn nghĩ nhanh: một cái bẫy giữ gìn báu vật? Chờ thêm chút nữa, không thấy động tĩnh, hắn từ chỗ nấp mò ra, ngó trước ngó sau, lại lần về bệ thờ... Bỗng một lệnh dõng dạc:
- Dừng lại! Ngươi vào lối nào thì ngươi ra lối đó...
Hắn quay phắt về phía phát ra tiếng nói, bất chấp lời răn đe lần hai. Không một bóng người. Hắn suy nghĩ, phán đoán: hình như giọng nói của ni cô ban tối qua một tấm khăn bịt mũi bịt mồm. Hắn quả quyết tiến về phía đó, tay rút dao nhọn, bật tách. Một chiếc bóng như nhang khói cũng hiện ra... Hắn nhảy xổ tới. Chiếc bóng né sang bên, phất tay áo rộng khói nhang vào mặt hắn. Một mùi hương lạ xộc lên mũi, hắn thấy đầu choáng váng, dao nhọn rời khỏi tay. Hắn nghĩ thật nhanh: thuốc mê. Hắn cởi ngay áo, cuộn lại đưa lên bịt mũi mồm. Cùng lúc, hắn nhảy tới giật tung áo của chiếc bóng khói nhang, loại trừ nguồn mê. Bị bất ngờ, chiếc bóng không kịp chống đỡ, và trong khi giằng co, áo nhang rách toạc. Một khuôn ngực với hai bầu vú tròn căng, xanh và trong như ngọc tỏa ngát hương thơm... Hắn nghĩ nhanh: Báu vật thứ hai! Phật đã thấu lời ta cầu khấn! Hắn lao đến trong niềm ước vọng vùi đầu vào khuôn ngực, với sức mạnh của phần dương nhiều năm tích tụ trong lòng. Âm chống trả quyết liệt, cào cấu, cắn xé, quẫy đạp... nhưng dương trên đà thịnh, dồn dập, hừng hực, điên cuồng... Chẳng mấy chốc, dương lấn thế, lấn dần, tràn vào khắp phần âm... Âm không thể chống cự bèn nương theo tự nhiên, chờ lúc dương lên cao cũng tự lớn dần, trùm lên lật ngược tình thế và đè chặt... cho đến lúc dương tới đỉnh, lịm tắt thì âm liền úp chụp tay áo có mùi hương lạ lên mũi lên miệng hắn. Hắn cố vùng vẫy nhưng sức hắn bây giờ... tay chân như đã rã rời... Trước khi ngất luôn, không động cựa, hắn còn sững tròng nhìn lên khúc chân và cánh tay ma bợt bạc, đu dưa trong chánh điện ngát hương trầm, tai nghe văng vẳng tiếng chuông chùa như khuyên lơn, như cảnh tỉnh... giữa niềm ngây ngất chưa tan...
***
Mười năm sau.
Hắn ra tù với mái tóc pha sương, không gia cư, không nghề nghiệp. Một buổi chiều, hắn lê gót trên các bậc đá dẫn đến ngôi chùa cũ. Đường lên chùa rộng rãi hẳn ra, các bậc xây đá hộc, to và gọn, đẹp. Chiếc rễ cây bò ngang lối đi vẫn còn đây nhưng lớn hơn, bóng hơn và thêm những nhát khắc cho khách hành hương khỏi trợt chân ngày mưa. Hắn ngồi phệt xuống, xoa tay lên da người bạn cũ rễ cây, tháo chiếc nón lá rách phe phẩy làm dịu ngực mình trong nghẹn ngào kỷ niệm...
Cổng chùa xây mới, đẹp đẽ khang trang. Mấy ki-ốt bán kinh Phật, hương hoa, đồ mỹ nghệ, lưu niệm... sắc màu rực rỡ. Hắn đảo mắt nhìn quanh tìm một chỗ bên vệ đường, thu người ngồi xuống trên chiếc gậy, quai bị ngoắc vào tay, ngả nón trước mặt xin lòng thương của thập phương bá tánh... Và hy vọng tìm lại sự tha thứ của một người mà suốt những tháng năm ăn năn dằn vặt, hắn thường mơ tưởng bóng hình trong cái thế lật ngược âm dương... Nhiều phen hắn nghĩ nếu đó là thế võ để hạ gục hắn thì mối giao cảm kia cũng mạnh đến nỗi giữa bể khổ mênh mông, nó thành đốm lửa đu đưa khiến hắn phải quay đầu tìm về bờ bến... Một ông khách ngậm píp buông xuống chiếc nón lá rách vài xu lẻ. Một bà đeo vàng cúi xuống đặt hẳn một tờ tiền...
Bỗng hắn nghe tiếng con nít đánh lộn, xô đẩy nhau chí chóe. “Đồ con nhà hoang. Đồ con tướng cướp.” Thằng bé áo rách xoạc, mặt mũi bơ phờ mếu máo vừa quệt nước mắt nước mũi vừa vùng chạy khỏi lũ bạn cứ bám theo chọc chửi. Hắn nhói lòng khi nghĩ tới phận mình trong xã hội... Đến khi nhìn rõ mặt thằng bé và chiếc áo rách xoạc, hắn thấy tim như bị ai bóp chặt làm hắn suýt ngất xỉu: nó giống hắn như tạc!
Dò la ướm hỏi, hắn được biết thằng bé là con một ni cô trong chùa, chửa hoang... Ni cô có công bắt một tên cướp báu vật thờ tự của chùa, được mọi người ngợi khen, được ghi công trạng. Nhưng vì cô có chửa, lại đẻ ra một thằng con giống y tên cướp nên sư trụ trì đành phải cho cô ra dân, không thể để nhà chùa chịu gánh nặng của lời đàm tiếu...
Song còn Phật, Phật nỡ nào chối bỏ con người... Ni cô giờ ở đâu, số phận ra sao... Có ai kể cho hắn biết những nỗi bất hạnh mà ni cô phải mang trong mười năm qua, gánh nặng gấp trăm ngàn lần gánh nặng đời tù của hắn... Nỗi xót xa ân hận dày vò hắn phải chăng còn dịu dàng hơn là nỗi nhục nhã vò xé người mà hắn vẫn thường gặp trong mơ... Biết bao lần hắn đã nghĩ: Giá như mình đừng cậy khôn cậy khỏe cướp của hiếp người... Ngay cả khi hắn đứng đầu một đất nước khôn nhất, mạnh nhất hành tinh theo “triết thuyết tướng cướp” của hắn thì cũng có lúc hắn sẽ tự hỏi: sao loài người lại căm ghét mình đến thế nhỉ... Hít-le chẳng phải đã bị ngọn lửa hận đó thiêu xác hay sao... Còn giờ đây, hắn là cái thá gì... Và giấc mộng góc cây rừng một nóc nhà tranh với hình ảnh của ni cô cứ ám ảnh hắn không nguôi... Ni cô là người tu hành, là con của Phật từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha, sẽ tha thứ cho người đã ăn năn hối cãi suốt mười năm qua, nay quay đầu tìm về bờ bến? Và kiếp sau của ni cô với hắn: đứa con...
Phật từ bi cứu độ chúng sinh, nhưng còn Hóa công... Phải chăng ông sẽ chối bỏ con người vì những điều ác nó vẫn làm, ngược với ý muốn sáng tạo tốt đẹp của ông. Và cả vì điều thiện nó hằng mong nhưng biết bao giờ vươn tới... Ông sẽ chối bỏ cây đa lẩn lũ chim chóc nỉ non, cả chiếc lư hương ánh xanh và đốm lửa hồng trong ruột... Bằng những sấm sét bão bùng, bằng trò nương dâu bãi biển, bằng những con vi-rút sinh ra dồn dập và biến đổi khôn lường, tràn ngập như cơn đại hồng thủy... Và cuối cùng bằng nhịp hít mọi thứ vào cái lỗ mũi đen ngòm khiến cho mọi thiên hà đền tan nát, rồi sau đó hắt hơi để triệu triệu năm sau lại có thuyết Big Bang mới... Mọi lời cầu khấn thành tâm, mọi tiếng kêu thương đứt ruột đều không có nghĩa trước sự chán ngán đến thành vô cảm của Hóa công...
Nhưng đó là chuyện còn xa... Trước mắt, hắn mong một bữa cơm chiều nóng sốt với rau cải chấm tương, cháy lòng vì sự bất công với những gì là máu thịt của mình, và đau đáu đi tìm ánh lửa đu đưa trong đêm tối... Hắn gục xuống ôm tim thở dốc, mắt nhìn thấy bộ ngực trần xanh như ngọc qua manh áo rách, tai vẳng lên câu nói sấm truyền sinh hóa, sắc không: Ngươi vào lối nào, ngươi ra lối đó...
Hoàng hôn dần xuống trên đỉnh núi có ngôi chùa ẩn dưới gốc đa...
Chuông chùa ngân nga, lan trong không gian mênh mông mỗi chiều chạng vạng...
VanVN.Net - Một tên trộm vào chùa không trộm nổi cái lư hương bằng trầm có giá ngàn vàng nhưng lại trộm được báu vật vô giá của ni cô trụ trì, mười năm trong tù y không biết có thằng con trai gửi lại, đứa con trai y đã trộm của Phật và Tạo hóa. Một tình yêu mãnh liệt là phép mầu chữa khỏi người tai biến não bán thân bất toại, nhưng sự ghen tuông lại là một phép mầu khác đưa người chồng người cha ra khỏi hạnh phúc gia đình. Những ánh nhìn của tình yêu có thể khích lệ nhau nhìn thấu khắp bầu trời khắp vũ trụ. Thật lạ, phải không? Nhưng lạ lùng hơn đó lại là minh triết về tình yêu của ông già đang minh mẫn bước vào tuổi 80 – nhà văn Trần Thanh Giao!
Nhà văn Trần Thanh Giao
SAO HÔM NHẤP NHÁY
Cuộc hội thảo quốc tế sắp kết thúc mà Thanh Vân chưa làm sao tiếp cận được giáo sư Trịnh. Ông ngồi trên đoàn chủ tịch, mái tóc lốm đốm bạc, gương mặt thanh tú và đặc biệt là đôi mắt “thoạt nhìn đã thấy có sao”. Thanh Vân “lưu vào bộ nhớ” nhận xét về vị giáo sư Việt Nam nổi tiếng thế giới trong khoa thiên văn học này.
Cuối buổi, mọi người tản ra, hướng về phía sảnh ăn của khách sạn, dự bữa liên hoan tiệc đứng cuối cùng. Thanh Vân bám theo giáo sư... Nhưng cô vẫn không thể đến gần: nhiều nhà báo trong và ngoài nước đã vây quanh ông… Cô nghe loáng thoáng giáo sư xin lỗi vì có việc riêng phải vắng mặt… Nghề nghiệp mách bảo, cô chạy ra trước, đón đầu… Khi giáo sư vừa tới thang máy, cô nhanh chân bước đến:
– Thưa giáo sư, em ở báo…, thầy có thể cho em hỏi một câu?
Giáo sư dừng lại, nụ cười nở trên môi:
– Một câu thôi chứ? Em muốn hỏi gì?
– Thưa giáo sư, vì sao thầy chọn ngành thiên văn ạ?
– À, chuyện hơi dài. Nếu chỉ một câu, thì đó là vì tôi thích ngắm sao.
– Sao gì ạ?
– Đây là câu thứ hai. Nhưng có thể trả lời ngay: Sao Hôm.
– Vì sao ạ?
Liếc thấy nhiều nhà báo cũng đang nhanh chân chạy đến, ông liền nói:
– Ta đã thỏa thuận chỉ một câu... Em bằng lòng vậy…
Ông định ấn nút thang máy nhưng thấy dáng vẻ tiu nghỉu của cô nên quay lại:
– Em thông cảm. Tôi đang vội đi ngay có việc riêng. Đi về mất bốn tiếng. Mười giờ tối phải ra sân bay cho kịp chuyến trở lại Pa-ri. Không phải tránh nhà báo đâu. Hẹn khi khác nhé.
Khi ông quay xuống, đến cửa khách sạn đã thấy cô đứng đó. Ông cười thân mật:
– Em chưa vào tiệc ư?
– Thầy… cho em cùng đi… Em chỉ hỏi thầy thêm ít câu… Vì nếu mười giờ đêm nay em không có bài nộp cho tòa soạn thì…
Nghe giọng nói khẩn thiết của cô, nhìn vào mắt cô, lại nhìn các máy móc, kể cả chiếc máy tính xách tay nhỏ gọn, ông suy nghĩ một giây rồi quay lại mỉm cười giơ tay về phía chiếc tắc-xi đậu gần đấy:
– Vậy mời em lên xe. Chúng ta đều có ít thời giờ…
***
Xe ra vùng ngoại thành một lúc thì trời sụp tối. Đèn đường, đèn xe, đèn các cửa hàng bên phố hắt ánh sáng nhoi nhói. Giáo sư hạ kính xe ngước nhìn khoảng không trên cao. Mặt trời đã lặn. Hoàng hôn len đến phủ nhẹ xuống đất tấm màn voan mỏng màu sữa loãng. Giáo sư quan sát hai bên rồi chỉ về bãi cỏ trước mặt. Ông mở cửa xe bước xuống:
– Ta nghỉ một lúc.
Thanh Vân ra khỏi xe, phóng mắt nhìn cánh đồng lúa xanh mênh mông, vươn vai hít sâu một hơi khoan khoái. Giáo sư bày ra bữa ăn dã ngoại do khách sạn làm sẵn và mời Thanh Vân ngồi xuống. Thanh Vân hơi bối rối:
– Dạ… Em cũng có cái bánh mì, để em ra lấy…
Ông cười:
– Nếu hết chỗ này, sẽ tới cái bánh mì… Mời em.
Giáo sư rót nước suối ra hai chiếc ly nhựa trong vắt, cầm một miếng xăng-uých trao cho cô gái. Ông nói đùa, gợi bữa tiệc ở khách sạn:
– Họ đang ăn đứng… Còn ta được ngồi. Họ ăn dưới ánh đèn, còn ta dưới ánh trăng…
Ông chỉ lên mảnh trăng giữa tháng lơ lửng một khối sáng xanh như đang tích tụ khí đất trời để vươn tới tròn đầy mà bay trong không trung xanh thẳm... Thanh Vân nở cười:
– Và cả dưới ánh sao Hôm…
Giáo sư có vẻ xúc động:
– Em đã nói đúng lý do tôi chọn dừng xe lúc này…
Ông trầm ngâm nhìn lên ngôi sao ban chiều vừa mọc phía chân trời, long lanh chớp ánh sáng xanh rực rỡ như cô tiên vừa tắm gội xong, ra hiên lâu đài vén hoàng hôn nhìn Trái đất. Hai người yên lặng hồi lâu… Có tiếng cào cào búng chân nhảy trong đám cỏ…
Rồi giọng giáo sư như vang đến từ nơi xa xôi:
– Hồi nhỏ, nhà tôi nghèo. Đồng quê mình thì mênh mông bát ngát. Chiều tối nào, tôi cũng cảm thấy một nỗi buồn mơ hồ khi nhìn ngôi sao Hôm nhấp nháy ánh sáng xanh phía chân trời... Riết rồi đâm nhớ, không nhìn sao, đêm đó không ngủ yên. Sau lớn lên vào trung học, tôi gặp lại sao Hôm trong một bài thơ có dính tới số phận tôi… Người dạy tôi bài thơ đó là cô giáo Pháp văn. Cô tên Mai, Lê Thị Hiểu Mai. Cô giỏi Pháp văn nhưng cũng rành rẽ Việt văn. Cô hơn tôi chỉ dăm tuổi. Gia đình cô là gia đình trí thức có tiếng trong tỉnh. Cô xinh đẹp, một vẻ đẹp sang trọng, trong tà áo dài nền nã mỗi lúc cô đến trường. Nhất là khi cô mặc áo màu thiên thanh, chiếc áo làm tôn lên làn da trắng mịn, đôi môi đỏ hồng và một lúm đồng tiền nơi má phải. Nhưng nổi bật hơn cả trên gương mặt ấy là đôi mắt, với hai hàng mi dài cong vút và ánh mắt sáng như mũi kiếm xuyên thẳng lòng người… Lần đầu tiên tôi gặp cô là sau kỳ thi tuyển, cô bảo tôi tới nhà chơi. Cô tiếp tôi thật thân mật, cho ăn bánh flan tự tay cô làm, và cho tôi một… “đồng tiền”, đúng ra là một cắc bạc... Tôi sung sướng lắm. Càng sướng hơn vì lời cô khen bài thi văn: “Bài của em cô chấm xong thích lắm, lúc chưa ráp phách, cô đưa cho cả hội đồng cùng xem và mọi người nhất trí cho điểm cao nhất.” Đó là bài giải thích và bình luận câu “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” và tôi kết bằng câu “Một nghề đặng khéo thì mình ấm no”. Chẳng biết sao mà lúc làm bài cao hứng lên, tôi lại chép ra như vậy, bài viết có vẻ hơi “tự do” chứ không nằm hẳn vào khuôn phép. Ra khỏi phòng thi, tôi hơi lo, vì văn nghị luận trong trường mà “tung tẩy” một chút e “phạm húy”. Có lẽ cô đã nhận ra cái mầm đó và muốn chăm chút cho nó khỏi bị thui chột chăng? Thật ra sự lo ngại mơ hồ của tôi không phải không có cơ sở. Sau này càng học, lên dần các lớp, tôi càng rõ thêm… Năm ấy, chủ nhiệm lớp tôi (lúc đó gọi professeur principal) là thầy Liêu, dạy địa lý. Ông người đẫy đà, cặp kính luôn trễ xuống mũi, học trò thường gọi ông là thầy “Địa”, mặc dù ông không vui đùa như ông Địa múa lân mà rất nghiêm khắc. Trong giờ học, ông giảng và ghi lên bảng y xì những gì in trong sách giáo khoa. Học sinh chán, nói chuyện riêng lào xào, ông liền quay lại nhìn qua gọng kính và hỏi: “Đứa nào đó bây?” Riết rồi đám học trò lấy hình ảnh “Ông Địa kiếng xệ” ra dọa nhau: hễ đứa nào có ý gì mới mẻ hoặc có ý muốn “quậy phá” thì một đứa liền cúi mặt xuống, mắt ngước lên, tay kéo trễ cái gọng kính tưởng tượng, rồi giả giọng ồm ồm: “Đứa nào đó bây?” là cả bọn cười ré… Nếu bắt được quả tang kẻ không chú ý vào bài giảng, ông liền hầm hầm bước lên bục, lôi quyển sổ điểm ra, dò đúng tên rồi cho hai số không đóng khung trong hình chữ nhật giống như cái còng. Vậy là rồi đời: anh đó bị còng-xin (consigne), chủ nhật phải đến trường chép bài phạt. Tôi cũng nhiều lần bị ông phê rất đau. Làm bài thi học kỳ, tôi tìm sách tham khảo, bỏ công soạn bài, viết ra những điểm thú vị mà sách giáo khoa không chép. Nhưng đến khi trả bài, tôi đều nhận được điểm kém, bài đầy những chỗ gạch dưới mực đỏ và lời phê “Không đúng sách giáo khoa”. Còn anh bạn thường được thầy yêu vì giống tính thầy, tên Ngọc Thọ, thì luôn được điểm cao với lời phê “Excellent” (Xuất sắc) vì anh chép lại sách giáo khoa không sai một dấu phẩy. Hình như ngoài sách giáo khoa, ông “Địa” chẳng hề đọc gì khác, mặc dù ông kê ra cho học sinh một lô sách gọi là “cần tham khảo”. Hiềm một nỗi, ông “Địa” là chủ nhiệm lớp, lại có rất nhiều uy quyền ở trường, các thầy cô không ai dám trái ý ông. Có lần, cô Đơn, dạy môn sinh vật lỡ nói một câu làm ông phật ý thì tuần sau, trong giờ ông dạy thêm Hán Việt, ông đưa ra những từ gần nghĩa với từ “một”, là: cá, độc, chích, cô, đơn, đọc liền một mạch là cá độc chích cô Đơn; mọi người cười ồ, ông thích chí vì “sáng tác phẩm” của mình nhưng có người rỉ tai nhau: con cá độc đó chính là ông, vì ai ở quê tôi mà không biết người bị cá độc chích vào đau nhức ra sao…
Tuy nhiên, cô Mai vẫn có cách khuyến khích tôi đừng nản chí. Có tuần, tiết học nào cô cũng truy bài tôi tới tấp, có khi cả tháng, cô không gọi đến tôi lần nào. Cô thử xem tôi có học bài theo lối “đối phó” không, có dò ý cô để “lấy điểm” không, có còn đọc thêm hoặc suy nghĩ “ngoài bài giảng” không… Hết học kỳ, tôi vẫn xếp hạng cao. Nên cô Mai kết lại: “Em như cái nút bần chai rượu, người ta ấn xuống đáy thùng, hễ buông tay ra thì lại trồi lên.” Tôi biết ơn cô và mọi khuyến khích tìm tòi tự thể hiện cô Mai chỉ bảo, đối với tôi là niềm an ủi lớn.
Nhưng có một lần, cô dám chống lại ông “Địa” chỉ vì để bênh tôi. Lần đó, cô và tôi cùng bị … “cá độc” chích, gây đau nhức cho tôi tới tận bây giờ… Việc này có dính đến bài thơ về cái sao Hôm định mệnh. Mỗi lần đọc bài thơ đó, tôi lại thấy ánh mắt cô Mai nhìn tôi với tia sáng thăm thẳm của ngôi sao xa…
Ông ngước lên ngắm ngôi sao và đọc nho nhỏ:
Pâle étoile du soir, messagère lointaine
Dont le front soit brillant des voiles du couchant
De ton palais d’azur au sein du firmament
Que regardes-tu dans la plaine?
(Nhợt xanh ngôi sao ban chiều, sứ giả trời xa
Vầng trán như rực rỡ màn sương buổi chiều tà
Từ lâu đài xanh thẳm giữa tầng không
Nhìn gì em xuống phía cánh đồng?)
Thanh Vân chợt giật mình kêu một tiếng nhỏ:
– Thơ Alfred de Musset!
Giáo sư nhổm lên nhìn cô gái:
– Em cũng thuộc thơ Musset?
Cô gái lúng túng:
– Dạ… em có được học và em cũng thuộc…
– Vậy em đọc tiếp đi…
Cô gái thong thả đọc những khổ thơ kế tiếp…
Giáo sư mỉm cười:
– Giờ thì tôi đã hết băn khoăn khi trả lời câu em hỏi “Vì sao tôi thích sao Hôm”… Trước đây, tôi định trả lời khác…
– Khác thế nào ạ?
– Ví như: Tôi thích sao Hôm vì vòng bụng nó to, đường kính tới mười hai ngàn một trăm lẻ hai ki-lô-mét…, còn chạm môi vào mặt nó thì thấy nóng tới bốn trăm bảy chục độ C...
Cả hai thầy trò cùng cười…
Giáo sư bỗng giật mình, nhìn đồng hồ:
– Thôi chết! Ta đi tiếp kẻo trễ…
***
Chiếc xe lại bon bon trên đường trong đêm trăng nhưng ánh trăng cứ bị mờ đi vì những ánh đèn pha ngược chiều lấp lóa. Giáo sư hạ cửa kính xuống, chăm chú quan sát con đường. Thanh Vân không dám hỏi tiếp sợ làm xao lãng ý nghĩ ông. Chợt ông nhổm lên, chỉ tay về phía con lộ đá dẫn tới chiếc cổng làng, không xa quốc lộ là mấy. Thanh Vân cảm thấy đây là một làng xưa, vì cái cổng mang chiều sâu văn hóa, hiếm có ở vùng này. Xe dừng lại, giáo sư thong thả lấy ra những thứ đã chuẩn bị sẵn: một thếp nhang, hai cây nến đỏ và một bó hoa huệ trắng ngần. Thanh Vân nhanh nhẹn xuống xe đỡ lấy nến nhang. Hai thầy trò thong thả bước đi, hướng về phía cánh đồng mênh mông thoảng thơm mùi hương lúa. Dưới ánh trăng, Thanh Vân thấy xa xa có một vùng mộ cũ quây quần, nổi lên giữa ruộng. Giáo sư tới thẳng ngôi mộ quen thuộc. Ông cẩn thận rút khăn tay ra lau mộ bia. Ánh trăng soi rõ tên người dưới mộ vì nước sơn nhũ vàng vẫn như luôn mới: Cô giáo Lê Thị Hiểu Mai… Sinh ngày… Mất ngày 21 tháng 7 âm lịch… Cô mất khi còn trẻ, chưa đầy 30 tuổi. Giáo sư cắm hoa vào chiếc bình gắn liền chân mộ, tỉ mẩn xếp lại từng bông cho thật đẹp, rồi châm nến, thắp nhang. Thanh Vân im lặng giúp ông. Hương huệ thơm nồng nàn. Gió đồng thổi từng chặp, hai ngọn nến thắp xong lại phải thắp tiếp. Còn thẻ nhang gặp gió đỏ rực, tàn cong oằn mà không rơi, một dấu hiệu Thanh Vân thường nghe nói là hồn người dưới mộ đang nương khói quyện hương về chứng giám…
Giáo sư ngồi bệt xuống đất, vai tựa vào mộ bia, trầm ngâm ngước nhìn bầu trời. Khói hương lan tỏa không trung khiến ánh sao nhợt xanh, run rẩy. Trăng trải sáng cánh đồng và trên cao, rất nhiều vì sao Thanh Vân chưa biết tên đang nhấp nháy. Cô lặng lẽ ngồi xuống cạnh ông… Giáo sư cất giọng:
– Em thuộc thơ Musset nên tôi có thể cho em biết chuyện này… Ngoài tình thầy trò, cô Mai còn đối với tôi rất… bình đẳng. Cô hay rủ tôi chơi trò “không chớp mắt”. Cô nói: “Ta thi xem ai chớp mắt trước nhé!” Rồi cô nắm hai tay tôi và cả hai đứng yên, nhìn vào mắt nhau, gần như là chạm mặt. Suốt cuộc chơi, tôi được chiêm ngưỡng thật gần đôi mắt có những sợi mi dài cong vút, và hít vào ngực hơi thở cô với mùi thơm riêng lạ, thoang thoảng từ cặp môi son… Lúc đầu, tôi thấy trong mắt cô ánh lên cái nhìn đầy uy lực như muốn dọa tôi: “Em đừng tự phụ, trèo cao thì ngã đau đấy.” Ánh mắt tôi đáp: “Thưa cô vâng, em cảm ơn cô đã răn dạy, nhưng em không sợ.” Ánh mắt cô hơi chế giễu: “Không sợ là tốt nhưng em dám làm gì nào?” – “Em có thể lên trời mang sao Hôm về cho cô.” Cô xúc động tràn khóe mắt, ánh nhìn dịu lại, thiết tha: “Cảm ơn em, nhưng có một việc này, em có dám làm không?” – “Việc gì, thưa cô?” – “Em có dám… hôn cô không?” Ánh mắt tôi chắc vô cùng bối rối, còn ánh mắt cô lại đăm đắm nhìn tôi... Tôi sắp thua nhưng cố bình tĩnh lại: “Nếu cô cho phép, em sẽ hôn cô ngay!” – “Hôn vào đâu?” – “Thưa, vào… lúm đồng tiền của cô.” Cô chớp mắt, cười phá lên: “Sai rồi!” Và cô tuyên bố: “Cô chịu thua em!” Tôi bàng hoàng cả người. Em có tin người ta có thể nói chuyện với nhau bằng mắt không? Vậy mà cô Mai với tôi nhiều lần nói chuyện với nhau bằng mắt như vậy. Nói những điều không thể nói bằng lời. Cho nên cô thỉnh thoảng cứ rủ tôi chơi trò “không chớp mắt”. Những lần tôi nhìn cô, thần thái hướng về phía “đồng tiền” thì cô lắc đầu nhè nhẹ. Còn khi tôi hướng thần siết chặt thật lâu đôi môi đang phả ra hơi thở thơm riêng dồn dập, thì tôi thấy cô ngất ngây như người uống rượu, đồng tiền và hai má đỏ lên, cặp môi ửng hồng he hé mở như cánh hoa chờ đợi hứng sương, từng sợi mi dài ưỡn cong run rẩy cố che những tia hạnh phúc ánh lên trong đáy mắt ngời ngời … Vì vậy cuối cùng lần nào cô cũng chớp chớp hàng mi cong, nhắm mắt lại, chịu thua tôi, bấu những vết hằn móng tay của niềm thỏa mãn để kết thúc cuộc chơi. Nhiều lúc cô nói với tôi: “Em sẽ đi xa, đến tận những thiên hà, chứ không chỉ tới sao Hôm…” Nhà báo, em nghĩ sao về lời tiên tri đó của cô Mai đối với một chú chim non “trắng mỏ” như tôi lúc bấy giờ? Chỉ có thể gọi đó là tri kỷ, phải không em?
Ông dừng lại, trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp:
– Em có biết vì sao tôi thích đọc Musset không, vì ông hay viết về Đêm, với những ngôi sao, và vì ông là người tình đau khổ của George Sand…
Thanh Vân buột miệng:
– Musset kém bà gần chục tuổi…
– Chính xác chỉ có sáu tuổi thôi… Nhưng khoảng cách tuổi tác không quan trọng. Cái chính là khoảng cách tâm hồn. Cô Mai với tôi không có khoảng cách đó…
Thanh Vân chợt hỏi:
– Cô mất trong hoàn cảnh nào ạ?
– Cũng lạ… Chuyện này kể ra phải chiếm vài chương tiểu thuyết… Lúc đó, một anh có học, con nhà giàu, ngỏ lời muốn lấy cô, nhưng cô từ chối. Lý do: cô đã có người yêu rồi. Nhưng thật ra vì anh kia đang làm thông ngôn cho Phòng nhì Pháp. Anh ta nhờ ông “Địa” nói giúp vì biết ông rất có uy quyền ở trường. Ông “Địa” ép ráo riết, cô vẫn không chịu… Và cô bị bắt vì “làm Việt Minh”, nhưng được thả vì “không đủ chứng cứ”… Rồi cô bị tai nạn và mất trên đoạn đường này…
Giáo sư dừng lời, ngước đôi mắt long lanh ngấn nước đăm đăm nhìn những ngôi sao. Một lúc, ông mới nói tiếp được:
– Ông “Địa” thù cô vì cô dám bênh tôi. Chuyện thế này: Một hôm trong giờ học, ông “Địa” ra câu hỏi: “Đố các trò: sao Hôm với sao Mai là mấy sao?” Câu hỏi quá dễ, chỉ để đố học trò lớp Một, ông đem ra đây đố chắc có cái “bẫy” gì chăng? Tôi lúc đó láu táu, muốn chứng tỏ mình thông minh vội giơ tay xin nói: “Thưa thầy, ba sao ạ!” Tôi chưa kịp nói rõ ý mình thì cả lớp cười ầm. Ông “Địa” giận đỏ mặt, dấu hiệu ông sắp tặng tôi cái còng, ông quát: “Biết thì nói, không biết nghe người khác nói. Đừng có tươm tướp!” Tôi thấy tủi thân, ức và nhục quá, phải kìm nén hết sức mới khỏi bật khóc. Ông chỉ bạn Ngọc Thọ, bạn ấy đứng lên: “Thưa thầy, chỉ là một sao thôi. Đầu hôm nó mọc thì kêu sao Hôm, sáng hôm sau nó lại mọc thì kêu sao Mai.” Thầy khen: “Excellent!” Thọ được 20 điểm, còn tôi bị cái còng hai con số không. Chủ nhật chép bài phạt: Sao Hôm sao Mai là một ngôi sao.
Cô Mai thấy tôi thẫn thờ suốt mấy hôm, cô thương lắm. Đến giờ Pháp văn, cô mang bài thơ của Musset ra giảng, bài có ngôi sao ban chiều ta vừa đọc lúc nãy. Cô hỏi: “Đố các em sao Hôm và sao Mai là mấy sao?” Rồi cô nói luôn: “Học sinh tiểu học trả lời là một sao. Còn học sinh trung học phải trả lời là bốn sao. Vì nó có bốn tên: sao Hôm, sao Mai, sao Kim, và Vénus nữa. Đó là chưa kể nó còn được gọi là Sao của người chăn cừu, L’étoile du berger… Em Trịnh nói là ba sao vì em chỉ mới nghĩ đến sao Hôm, sao Mai, sao Kim nên cũng còn thiếu, bị ăn còng là phải, chẳng oan ức gì.” Cả lớp và cả trường đều khen cô Mai “tế nhị”. Và tôi tự nhủ: Ơi, người tri kỷ, hiểu tôi đến thế thì dưới bầu trời này chỉ có một thôi…
Ông ngừng thật lâu… rồi lấy lại bình tĩnh:
– Trước khi cô mất ít năm, tôi bị qui là có hoạt động Việt Minh, phải bỏ trường tìm cách sang Pháp học, nếu không, chắc đã bị… còng tay.
Bỗng ông hỏi:
– Em có nhớ cái truyện Những vì sao của Alphonse Daudet không? Cô Mai cũng dạy tôi truyện này. Cái truyện có cô chủ nhỏ mang thức ăn lên núi cho chàng chăn cừu rồi bị nước lũ không về được phải qua đêm dưới trời sao, đầu gối lên vai chàng chăn cừu và chàng ta tưởng có một ngôi sao đi lạc rơi xuống đậu trên vai mình? Cô Mai phân tích: Cảm hứng của nhà văn lấy từ mấy chữ L’étoile du berger, một tên gọi sao Hôm rất hay của người Pháp, nó có trước khi các nhà thiên văn đặt cho sao Hôm cái tên của thần sắc đẹp: Vénus. Từ mấy chữ đó, Daudet sáng tạo ra truyện ngắn Những vì sao… Còn ta, sao Hôm lại có một tên đối ngược là sao Mai, ngôi sao của bình minh, ngôi sao buổi sớm… Ai nắm được bí quyết sáng tạo đó sẽ nắm được bí quyết thành công trong cuộc đời… Cô Mai “buổi sớm” của tôi cũng thường nói: Nhân tài không phải người biết kiếm bằng cấp cao mà là người biết sáng tạo… Em nghĩ sao? Tôi thì nghĩ: phải là nhân tài mới nhìn thấy được nhân tài từ khi nó vừa tượng hình, chưa nảy nở… và nâng niu ôm ấp sao cho nó nở ra đúng hướng. Luận nhân tài cũng phải từ cái hướng. Hít-le mà chẳng tài sao? Nếu tâng bốc người tài không đúng hướng thì có thể biến con người thành ra con “cá độc” gây đau nhức triền miên cho mọi sinh linh đang dính vào hành tinh xanh bay lơ lửng trong cõi vô biên này…
Giáo sư ngừng một lúc như để lấy lại hơi thở sắp đứt rồi mới tiếp:
– Em à, trên đời, xưa nay tri kỷ trước sau mấy người. Tôi may mắn có được người tri kỷ đã nhìn thấy nhà thiên văn bất kể nó đang là một chú nhóc. Vậy mà bây giờ, cho dù nhà thiên văn có mang cả dải Ngân Hà đến cầu hôn tri kỷ thì tri kỷ cũng đã bỏ đi ươm sao trên những thiên hà…
Giáo sư thôi không nói nữa. Thanh Vân ngồi bất động, sững sờ. Cô ngước nhìn lên cao, thấy trên bầu trời yên bình, tràn ánh trăng xanh sáng dịu đột nhiên lóe rực như có muôn vì sao băng vạch ngang…
Bỗng Thanh Vân chợt hỏi:
– Thưa thầy, Tết này thầy có về nước ăn Tết không?
Giáo sư im lặng ngước nhìn những vì sao trên cao. Hồi lâu ông mới cúi xuống ve vuốt mộ bia, đáp nho nhỏ như nói với riêng mình:
– Biết còn tri kỷ hay không mà về…
Cô phóng viên bỗng bật dậy:
– Thưa giáo sư, cho phép em chụp ảnh thầy tại đây, trong khoảnh khắc này…
Giáo sư mỉm cười độ lượng, choàng tay ôm lấy mộ bia. Bên trái tim ông, hình và tên người tri kỷ tạc vào đá xanh còn hoài trong bức ảnh…
***
Dọc đường về, trời đổ mưa. Thanh Vân liếc nhìn giáo sư đang lặng lẽ ngả đầu vào gối tựa, mắt khép hờ lắng nghe tiếng mưa rơi vẳng đến từ ngôi mộ giữa đồng đập vào kính xe như tiếng gõ của định mệnh... Ý tưởng vụt đến giống một vệt sao băng, cô bật máy… Nhịp gõ trái tim tràn xúc động của cô vang thành tiếng gõ máy rào rào lách tách hòa quyện với tiếng mưa gõ cửa lách tách rào rào. Màn hình sáng trong đêm, chữ trào theo vệt mi mắt ai đang nhấp nháy...
PHÉP MÀU
Tôi hết sức bàng hoàng, và lo lắng khi nghe tin anh Lam bị đứt mạch máu não đang nằm trong bệnh viện. Tôi phóng ngay tới nơi. Nhìn qua khe cửa khép hờ của phòng cấp cứu, tôi cố nhận diện anh Lam giữa hai dãy giường sắt, trên có những con người đang nằm thiêm thiếp, tay chân mồm mũi lằng ngoằng dây, nối với các ống truyền nước biển, truyền ô-xy, nối với những chiếc máy nhấp nháy đèn xanh đỏ, như nắm níu sự sống mong manh…
Chị Duyên, vợ anh Lam, kể sơ diễn biến bệnh tình của anh từ nửa đêm qua tới giờ, cuối cùng chị nói:
– Bác sĩ bảo anh hôn mê sâu, tình trạng rất xấu. Hạn chế tiếp xúc…
Tôi ra về, chỉ còn biết nén tình cảm lại và chờ đợi… một phép màu.
***
Tôi và anh Lam là bạn thân, cùng ở chung một đơn vị thời kháng chiến gian khổ. Anh thuộc lớp học sinh thành thị, khá đẹp trai, đàn hay hát giỏi, biết làm việc và nói năng lưu loát. Nhiều cô gái mê anh, kể cả các cô văn phòng cũng như các cô trong những xóm chúng tôi đóng quân. Tính anh cũng khá “bay bướm”, ai anh cũng có cảm tình, nhưng quả thật, anh chưa kết với ai. Nói cho đúng, anh là một người sống có trách nhiệm, được mọi người mến yêu, tin tưởng. Với tài đó, đức đó, anh dần được cấp trên “chấm” và giao cho những trách nhiệm từ thấp tới cao. Đến bây giờ, anh đã là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Nay anh bị tai biến, cả tỉnh đều lo lắng. Người ta đã dự tính danh sách ban lễ tang, chọn người viết điếu văn…
Chị Duyên, ngày trước là nhân viên văn thư đánh máy của văn phòng. Chị hiền dịu, tuy không thật “sắc sảo mặn mà”, nhưng rất có duyên. Nhiều người mê chị. Ai cũng bảo: lấy được một người như chị Duyên làm vợ thì thật có phúc. Chị không phải là người để anh Lam yêu mê say đắm. Nhưng anh đến tuổi phải có vợ và chị đúng là một người vợ “ích tử, vượng phu”. Hai người gặp nhau, lấy nhau như một lẽ đương nhiên. Anh có chị lo hậu phương vững chắc nên cứ thăng tiến dần. Chị có anh cũng nở mày nở mặt. Qua hơn chục năm chung sống, hai anh chị sinh được ba cháu gái, thông minh, học giỏi… Thỉnh thoảng có người chọc anh chỉ có “ba con vịt giời”, anh cười, tặc lưỡi: “Số phận mà, phải chấp nhận thôi. Vả lại thời buổi này, đâu có ai nặng lòng vì chuyện con trai, con gái…” Bây giờ anh nằm đó, rủi có bề gì thì lấy ai mà chống gậy đây…
Anh Lam hôn mê suốt ba mươi ngày đêm thì được bệnh viện kéo về từ cõi chết. Anh đã tỉnh lại. Đúng là có phép màu chăng? Tôi chạy ngay tới bệnh viện thăm anh.
Thật ra, “phép màu” cũng chỉ có thể cứu anh khỏi chết. Nhưng anh bị liệt nửa người, giọng nói méo mó, đầu óc lắm khi ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Điều trị một thời gian nữa, bệnh anh đã “ổn định”, bệnh viện trả anh về nhà, với lời dặn kỹ: tránh để anh bị xúc động mạnh.
Tôi liền đến nhà thăm anh. Anh cố đưa bàn tay phải ra bắt tay tôi, nhưng anh bất lực vì nửa người bên phải đã liệt rồi. Tôi đọc được nỗi đau trong ánh mắt anh, khi anh phát ra những tiếng ngọng nghịu, chào tôi và chìa bàn tay trái run run về phía tôi… Tôi nắm mấy ngón tay mềm nhũn, nhìn gương mặt dày bự, ngẩn ngơ như trẻ nít, thương anh quá… Anh còn sống đó, nhưng đã bị cuộc sống loại bỏ ra rồi… Nhìn quanh, tôi thấy khá đông bạn bè, người quen… Chị Duyên luôn cố gắng nở cười, trả lời những câu thăm hỏi gần như là giống nhau của những người đến sau, đến trước; những câu trả lời cũng gần giống nhau, lặp đi lặp lại. Ai ra về cũng nói chị thật có phước khi anh từ cõi chết trở về. Thầy hay thuốc giỏi đã đành, nhưng không phải ai cũng có phước. Thôi, bây giờ chỉ lo chăm sóc cho anh, mọi việc “đời” coi như bỏ hết…
Trong đám đông bạn bè thân sơ ấy, tôi chợt thấy đôi mắt lạ lùng của một người phụ nữ đứng lấp ló tít đàng xa. Đôi mắt lặng lẽ, mang một nỗi đau còn sâu hơn nỗi đau trong đôi mắt chị Duyên ngày đầu tiên anh đôt quị. Chị Duyên đau còn có thể kêu đau để mọi người chia sẻ, còn người phụ nữ kia đau đớn hơn nhiều mà chẳng dám kêu đau! Nỗi đau chỉ hiện hình lên đôi mắt. Phải rồi, tôi nhớ đôi mắt ấy và nhớ ra gương mặt chị, tuy chị đã thay đổi nhiều sau gần mười năm “mất tích”, để anh Lam có thể lên được chỗ đứng hôm nay. Đúng hơn là chỗ đứng hôm qua…
Anh Lam là một con người “bay bướm” nên nhiều chị em bắt được tín hiệu ấy và đến với anh. Nhưng vì có trách nhiệm nên anh không dối mình cũng không lừa người. Khi có ai đó nói rằng “em yêu anh nhưng chỉ có mình em chứ không còn ai khác”, thì anh thu mình lại, lẳng lặng rút êm. Anh biết, những người phụ nữ yêu anh đều là những người có tâm hồn rất gần gũi anh, họ chân thành và đứng đắn, yêu anh và muốn xây dựng cuộc sống hạnh phúc lâu bền với anh. Anh cũng muốn lắm chứ. Nhưng thật lòng mà nói, anh đang thiếu – hay đúng hơn đang khát – tình yêu, chứ hạnh phúc gia đình anh không thiếu. Anh chẳng lấy chị Duyên vì hạnh phúc gia đình đó sao? Xem ra kiếm được người yêu khó hơn kiếm được chồng hay vợ. Càng khó hơn khi tìm ra người tri kỷ. Hình như con người chỉ tìm được chồng hay vợ, còn người yêu hay tri kỷ, việc ấy là của trời cho. Vậy nên những người để trái tim mình rung động vì anh dần dần cũng biết kìm nén lại, không đến với anh nữa, để đi tìm một cuộc sống hạnh phúc bình thường, mà có khi họ cũng chẳng tìm ra. Chỉ có chị là khác. Chị đến với anh vì chị yêu anh, dù biết anh đã có vợ có con. Chị không đòi anh phải cam kết “chỉ có em chứ không còn ai khác”. Chị biết anh không làm được điều đó. Chị chỉ cần anh thật lòng yêu chị, yêu không dối lòng mình.
Chị có bằng thạc sĩ kinh tế, nghề nghiệp vững vàng, yêu âm nhạc, thích văn chương. Phải nói là chị khá xinh đẹp nhưng ngoài bốn mươi rồi mà chị vẫn sống độc thân. Chẳng biết chị quá lo học lo làm hay chị quá kén chọn. Dòng chảy cuộc đời đưa chị đến gặp anh, hay trời xui khiến chị gặp anh chăng? Lần đó, chị từ Hà Nội đi dự một cuộc họp ở Đà Lạt. Anh từ tỉnh cũng đến hội nghị ấy. Mọi người ở chung một khách sạn, họp chung, ăn chung… Trong hội nghị, anh nói ngắn gọn, nhưng ý kiến thật sắc sảo. Anh nói những điều chị rất muốn nói nhưng chưa biết diễn đạt thế nào. Nghe anh, mắt chị rực sáng. Trong tiếng vỗ tay vang dậy và kéo dài của cả hội trường, chị nhận ra ở anh một đồng chí, một đồng minh, hơn nữa, một người “soi đèn” trong cuộc sống mà chị cảm thấy rất tù mù, ngột ngạt, cần thay đổi nhưng chẳng biết phải thay đổi ra sao…
Buổi sáng, chị xuống phòng ăn sớm, đi la cà xem xét bữa ăn tự chọn: phở, hay bánh cuốn, hay bánh mì ốp-la, sốt vang… đây? Chị liếc nhìn khắp phòng… Anh đến sau chị, chọn ngay món phở. Chị cũng chọn ngay phở và bưng đến:
- … Em ngồi đây được không?
- Mời cô… Cô cũng thích phở?
- Vâng. Người mình xa xứ còn nhớ phở. Em dân Hà Nội mà không nhớ phở Hà Nội sao?
Anh cười:
- Thật ra quê của phở là ở Nam Định…
Chị ngạc nhiên vì một người nói giọng Nam bộ lại biết rõ quê gốc của phở. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nói tiếp:
- Nhưng khi lên Hà Nội, phở mới thật là phở Việt Nam…
Người phụ nữ nào mà không thích nịnh. Chị cũng vậy thôi. Suốt buổi sáng đó, chị lâng lâng với ý nghĩ: mình là người Hà Nội.
Buổi trưa, chị cũng “tình cờ” ngồi chung mâm với anh. Bữa ăn được khai vị bằng vang Đà Lạt. Có người chê vang Đà Lạt dở. Có người nói nó cũng không dở lắm đâu, vì nó được chọn làm thức uống trong các cuộc tiếp đãi sang trọng. Người chê vang Đà Lạt dở nói: “Tôi uống vang Bordeaux nhiều rồi. Vang Đà Lạt làm sao sánh kịp.” Mọi người cùng cười. Anh chỉ tủm tỉm và chẫm rãi nói: “Vang Bordeaux hay vang Đà Lạt cũng có nhiều loại. Chắc anh uống Bordeaux lâu năm đựng trong thùng gỗ sồi…” – “Đúng rồi!” – “Và chắc đó là thùng gỗ sồi bị sét đánh nên anh mới nhớ Bordeaux đến như vậy?” Mọi người cười phá lên. Chẳng biết vang đựng trong thùng gỗ sồi bị sét đánh ngon đến mức nào nhưng chị nếm vang Đà Lạt hôm đó thấy nó ngon như … sét đánh!
Buổi cơm chiều, chị lặng lẽ tìm anh để ngồi cùng, nhưng không thấy. Mãi sau, khi mọi người ăn gần xong, có người đã đứng dậy lên phòng, chị mới thấy anh ôm cặp từ ngoài đi vào, vẻ vội vã. Chị “tình cờ” bước ra:
- Anh ăn tối chưa?
- Chưa. Có chút việc ở tỉnh, tranh thủ làm cho xong.
- Em cũng bận nên bây giờ mới xuống. Còn mâm trong kia, ta vào đi anh.
Khi hai người ngồi xuống, chị đùa:
- Dù tuyết rơi gió nổi / Em vẫn đợi anh về…
Mắt anh sáng lên, nhìn chị, bỗng anh chợt cười:
- Dù có ai đến hỏi: / Anh đi ăn tiệc rồi? / Dù có ai đến nói: / Anh vẫn còn rong chơi / Thì em ơi cứ đợi…
Họ hiểu nhau… Và sau đó, trong các buổi tham quan đỉnh Lang Bian, hay đi chơi hồ Tuyền Lâm, chị cứ “tình cờ” ở cạnh bên anh. Họ có rất nhiều chuyện để nói với nhau, nói mãi không dứt, dường như trên đời này chẳng có thú nào vui hơn là được ở bên nhau và trò chuyện cùng nhau.
Sau đó, chị xin chuyển công tác về tỉnh này. Cũng chẳng khó khăn gì vì tỉnh đang “trải thảm đỏ” đón người tài. Ở chung thành phố, họ có điều kiện gặp gỡ nhau thường xuyên. Rồi chị chủ động “thiết kế” những cuộc đi chơi với những lý do rất “hợp lệ”, “hợp pháp”. Bạn bè thân quen thấy hai người kết nhau, lấy làm lo ngại cho anh, đúng hơn là lo ngại cho cái ghế của anh, vì mất anh, tỉnh sẽ mất một cán bộ lãnh đạo tốt. Chị cũng biết vậy nên về sau cố tránh những cuộc hẹn hò, gặp gỡ, “rút lui vào bí mật”. Có lần chị gặp tôi, đưa cho tôi tập sách của Stephan Zveig, trong có truyện Bức thư của người đàn bà không quen. Ít lâu sau, chị hỏi ý kiến tôi về tập sách đó. Tôi biết ý chị nên chỉ nói: truyện rất hay. Chị cười buồn: “Hay, nhưng tác giả của nó chẳng được một giải thưởng nào hết. Tôi đọc một số tác giả được giải Nobel nhưng tôi thấy ông này viết hay hơn họ…” Tôi hỏi: “Theo chị thì hay chỗ nào?” – “Hay ở chỗ chỉ cần yêu và được yêu thôi. Thậm chí giả vờ làm điếm để được sống hết mình một đêm với người mình yêu dấu… Giống y các cụ ta từng nói Một ngày quân tử gần kề…” Tôi nhìn chị ngạc nhiên: chị muốn “tuyên ngôn” gì chăng?
Nhưng sự đời, yêu nhau đâu thể nào “bí mật”. Tình yêu như đóa hoa tỏa hương, càng mãnh liệt hương càng đậm đà trong khí quyển… Anh không dám gặp chị thì chị đến gặp anh. Chị rất tài nghĩ ra nhiều cớ để đến gặp anh trong giờ làm việc. Gặp trong giờ chưa đủ, chị lại đến gặp anh tại nhà, đường hoàng, với những lý do thật chính đáng. Khi chị đến với bạn gái, khi đến với người phó của anh, khi rủ tôi cùng đến. Khi chị đến nói chuyện công tác, khi tình cờ trên đường ghé qua. Khi mang đến cho chị Duyên mớ rau tươi vừa mang về từ Đà Lạt. Khi mang đến cho con anh một món đồ chơi… Chị Duyên tinh lắm, nhìn ánh mắt hai người rạng rỡ khi gặp nhau, chị biết ngay. Nhưng chị Duyên là một phụ nữ dịu dàng, điềm đạm. Tuy vậy, phụ nữ dịu dàng, điềm đạm không có nghĩa là không ghen. Dĩ nhiên, phụ nữ dịu dàng, điềm đạm ghen theo kiểu riêng của mình. Đầu tiên, chị Duyên tiếp khách rất ân cần, trọng thị, pha trà ngon trong bộ ấm chén mời khách quí; bánh trái cũng đựng trong những đĩa hoa sang trọng mang ra. Chị Duyên rót nước, đưa bánh tận tay khách. Khách gọi chị, xưng em, dịu dàng thân mật. Còn chị Duyên cứ một mực gọi cô, và giữ thái độ trọng thị chứ không thân mật. Tiếp theo, chị Duyên sắp một bữa cơm gọn mà sang, mời khách đến ăn. Khách từ chối thì dở mà khách nhận lời, tới nơi sẽ thấy một gia đình đang ấm êm, hạnh phúc. Khách sẽ tự hiểu và tự chuyển từ tình yêu sang tình mến thương, cảm phục…
Nhưng nếu như vậy thì sao gọi là yêu. Mà chị đã yêu anh thì dù có mến thương cảm phục vợ anh, chị cũng cứ yêu. Chị nhận lời mời cơm, đến đúng hẹn, xách theo con vịt quay Bắc Kinh chặt sẵn. Trong bữa ăn, chị bắt chuyện với ba cháu gái về việc học hành, lướt web tìm học bổng, những chỗ làm lương cao ở các công ty… Các cháu thích thú vì những hiểu biết rộng, mới, về sự thông minh của cô, quấn lấy cô hỏi han không dứt… Chị Duyên cảm nhận được sự thua kém của mình, chuyển thái độ từ trọng thị sang lạnh nhạt, khó chịu nữa… Chị quát con: “Ăn đi, nói chuyện hoài…” Chị ấy im lặng… Chị biết cái đòn “lễ tiên binh hậu”, chị biết lắm chứ. Nếu chị cứ tiếp tục yêu anh thì sẽ đến màn “thương thuyết”: Tôi van xin cô, cùng chị em phụ nữ với nhau… Thương thuyết không xong thì sẽ tới chuyện “binh nhung”. Nhung ở đây không có nghĩa là cung nỏ giáo mác… mà là những ngón đòn êm như nhung của một người phụ nữ dịu hiền điềm đạm: yêu cầu lãnh đạo cơ quan cô chuyển cô đi tỉnh khác, thậm chí gây ra một vụ kỷ luật; lãnh đạo cô không làm thì tôi sẽ có yêu cầu lãnh đạo tỉnh làm… Cho kỳ đến lúc “chỉ có một mình em”. Về phần chị ấy, chị biết rõ nếu chị Duyên làm quyết liệt, anh sẽ chọn ai, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa là anh sẽ mất hết… Mà chị không muốn điều này xảy đến với anh, xảy đến với mảnh đất chị đang gắn bó…
Nhưng chị ơi, em có đòi hỏi gì đâu, em yêu anh và em chỉ cần anh yêu em. Chị vẫn là vợ anh kia mà. Anh vẫn còn nguyên cái gia đình của mình mà. Tự em nuôi sống em được, sống đàng hoàng sung túc nữa, không phải dựa vào ai. Em mang thêm cho chị, cho anh, cho các cháu, chứ không hề lấy mất. Sao chị lại đánh em? Người phụ nữ nào chẳng ước mơ một gia đình hạnh phúc. Em cũng có thể kiếm được một gia đình êm ấm bình thường như chị. Nhưng trời bắt em phải kiếm thứ hạnh phúc khó hơn. Mấy mươi năm em đi tìm kiếm nó, giờ mới gặp. Chị cũng là phụ nữ, chị có hiểu cho em, thương em bị trời đày đi tìm thứ khó khăn đó không…
Và rồi việc phải đến cũng đến. Nhân một chuyến anh đi công tác ở Đà Lạt, chị cũng có lý do rất chính đáng để “bí mật” ra đi. Hai người đi riêng, ngày giờ khác nhau, nhưng gặp nhau một đêm ở cao nguyên thơ mộng: một đêm trong rừng vắng! Chị đến chỗ họp gặp anh, lặng lẽ đưa ra hai vé mua của một tua du lịch sinh thái trong rừng, đi cùng với tốp du khách người Pháp. Chiều đi, ngủ trong rừng một đêm, sáng hôm sau anh một mình về thẳng đến nhà, giờ giấc “ngoại phạm” được chị tính kỹ…
Cô hướng dẫn tua cho xe dừng cuối đường mòn, đưa đoàn khách đi bộ khoảng hai cây số len lỏi vào rừng sâu. Trên đường đến nơi, anh sung sướng ngắm những mái lều tranh nho nhỏ và biệt lập, thấp thoáng trên lưng đồi, giấu mình giữa rừng thông hoang dã. Tại quầy tiếp tân, chị đưa vé nhận phòng đặt trước. Và anh thật bất ngờ: phòng cheo leo trên một ngọn cây cổ thụ, như một tổ chim. Bám cái thang nhỏ, anh theo chị trèo lên. Chị mở cửa phòng và anh thấy: trên sàn gỗ, tấm đệm và đôi gối bọc thổ cẩm, với hoa văn nhọn như núi và dốc như thác, rực màu đỏ của lửa quyện màu lam của rừng. Chị bật đèn giả hình nến, ánh sáng vàng trên vách lung linh. Anh vào rửa mặt ở toa-lét sát bên, nhỏ và sạch, lơ lửng giữa cành cây… Khi người phục vụ mang giúp hành lý vừa cúi chào, quay xuống, chị đóng cửa phòng lại, miệng nở cười, mắt rực sáng, dang rộng hai tay mời anh. Lần đầu tiên họ hôn nhau, hôn trên ngọn cây, nụ hôn chờ đợi từ lâu, kéo dài theo gió lạnh triền miên đung đưa cành thông xào xạc…
Họ xuống ăn tối bên đống lửa hồng. Những gộc củi to cháy rực, phả hơi ấm sực mặt anh. Thỉnh thoảng gió lạnh tạt vào, lửa bắn ra hoa cà hoa cải ửng hồng má chị. Anh nướng những bắp ngô và mấy xâu thịt rừng cắm vào que xiên, để sẵn trên khay, trở lại qua trên ngọn lửa, rồi mang đến cho chị. Chị cắn ngay vào xâu thịt nướng bốc mùi thơm lừng, và tẻ những hạt ngô vàng sém. Anh nhìn bên cạnh: trên quầy rượu giả dạng một hốc cây sần sùi, đủ loại bia và rượu mạnh, từ cô-nhắc XO đến uýtxki xanh sậm… Anh gọi thức uống nhẹ mà sang cho chị, và một cô gái mặc đồ thổ cẩm tuyệt đẹp mang ra…
Vừa ăn, cả đoàn du khách vừa trò chuyện. Chị không ngờ anh nói tiếng Pháp với khách du lịch lưu loát như vậy. Chị biết anh có tiếng Pháp, nhưng tiếng Pháp tới mức nào thì hôm nay chị mới rõ. Bữa ăn xong, khách ngồi lại bên đống lửa hồng cho qua buổi tối rừng sâu không trò giải trí. Chủ khách sạn “ngọn cây” đưa ra một chiếc ghi ta. Không ai biết chơi. Chị đón lấy, trao cho anh. Anh ôm đàn, so dây, vào nhịp tăng-gô, bảo chị hát bài Đêm đông. Chị không hiểu vì sao anh lại biết chị thích nhạc “tiền chiến” nhưng rất xúc động, cất lên tiếng hát theo nhịp đàn và ánh lửa bập bùng:
Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
. . . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thân lãng du cô liêu chán chường
Về đâu giữa trời đông đêm trường
Đêm giữa rừng u tịch, chị làm mọi người thấm đẫm cái lạnh đêm đông, lạnh buốt tâm hồn…
Anh dịch lời bài hát cho du khách nghe, họ trầm trồ vì ca từ đẹp, giai điệu mượt mà, và cũng vì những người bạn Việt Nam đã “thấu tình cô lữ đêm đông… xa nhà” trong rừng sâu.
Chẳng biết có phải điệu tăng-gô của Đêm đông gợi cảm xúc hay không mà một cô đầm trẻ cao hứng nhờ anh đánh bài Histoire d’un amour (Chuyện một mối tình), cũng là điệu tăng-gô, cho cô hát. Cô hát thật tha thiết, thật đắm say, có lẽ cô hát cho người cô yêu đang ngồi cạnh cô và cho mọi người đang yêu trên thế gian nhớ mãi cái đêm rừng kỳ lạ của Việt Nam. Anh dịch cho chị nghe lời cô gái đang hát lên mối tình của họ. Bản nhạc này mọi người yêu nhau trên thế giới đều biết, nên khi cô gái vừa hát dứt, anh hát tiếp lời Việt, hát riêng cho chị nghe. Bài hát chấm dứt bằng câu:
Lệ tình tuôn như sông chẳng dứt đâu
Còn làm cho bao nhiêu người đớn đau
Và thành muôn lời hát ru nhau.
Cuộc chơi càng về khuya càng lắng đọng. Các du khách Pháp yêu cầu anh kể chuyện đường rừng, vì ở giữa rừng, còn gì thú vị hơn là nghe chuyện đường rừng. Anh vâng lời, kể một chuyện mà trong những chuyến đi thơ mộng, lần nào anh cũng kể cho chị nghe. Lần này cũng vì chị …
Một tốp thợ săn bẫy được con heo rừng cái thật to, nhốt nó trong rọ thép. Ban đêm, heo rừng đực, bự và cao như con gấu, với cái mõm dài, lông vàng và cứng như dây đồng, hai nanh trắng nhọn cong vút, ra cắn rọ định giải thoát cho bạn tình. Nhưng rọ đan bằng dây thép, răng heo không sao cắn được. Heo cái bèn lùi sát lại, đưa mông cho bạn. Heo đực phủ lên…. cái rọ. Tốp thợ săn thấy động vội mang súng ra bắn. Heo đực bị thương, lê một chân què bỏ chạy vào rừng, cùng những giọt máu rơi thành vệt đỏ.
Sáng sớm, bọn thợ săn ra xem, thấy vết chân heo to quá, vừa mừng vừa sợ. Họ xách súng lần theo vết máu truy tìm. Đến một bụi rậm cây mọc um tùm, vệt máu mất hút. Lùng sục chung quanh chẳng thấy tăm hơi con heo. Bỗng họ nghe một tiếng hộc thật lớn, như trút hết căm giận, rồi bóng heo rừng đồ sộ từ chỗ nấp vụt ào ra, đầu cúi thấp, răng như hai mũi kiếm trắng ngà, theo đà đánh đầu hất ngược lên bụng tay thợ săn gần nhất. May cho tay thợ săn lão luyện, nghe tiếng gió vội nhảy trốn sau cây, nanh heo táng vào thân cây, xé toạc một lớp gỗ lớn bắn tung lên cao, nhựa cây trào ra, đỏ bầm, đặc quánh. Bọn thợ săn hoảng kinh hồn vía, vừa nổ súng loạn xạ vừa vội vã rút lui, trong khi con heo mắt đỏ hận thù vẫn còn rình đâu đó... Họ biết phải dùng chước, chứ không thể lấy sức mà chọi heo trong bụi rậm giữa rừng...
Đúng như họ tính, đêm sau, heo đực lại lê cái chân gãy, mò ra. Bị nhốt trong lồng hẹp, không xoay trở được, nhưng heo cái vẫn còn cách là chìa hai mông, giữa có cái hoa mọng bóng và trơn nhẫy qua mắt lưới thép. Heo đực ngửi thấy mùi, cuống cuồng vội vã chồm lên. Bọn thợ săn đã rình sẵn bèn giương súng…
Nhưng lần này heo đực không bỏ chạy. Bất chấp tiếng súng nổ kinh hoàng, bất chấp những hòn đạn sượt qua lớp da dày như áo giáp, nó cứ phủ lên lưng, ôm chặt bạn tình qua lưới rọ thép. Cũng bất chấp cái chết vừa bay đến theo viên đạn ghim đúng vào đầu, máu đỏ chảy ròng ròng xuống môi heo cái, nó cứ dồn dập trút hết sức lực cuối cùng, đáp lại tiếng heo cái đang rên rỉ đê mê, càng lúc càng rít cao gấp gáp, cho tới khi heo cái rú lên, đau thương và sung sướng tột độ, nó vẫn không chịu đổ xuống, chết cứng trong tim ruột bạn tình…
Cả đám du khách Pháp trố mắt, há mồm ngồi nghe, cuối cùng ào lên, vỗ tay vang dậy. Cô đầm trẻ ngồi cạnh vụt chồm sang, ôm đầu anh, hôn lên má anh một cái rõ kêu. Chị không ghen, nhưng nước mắt tự hào lại rơi ra: các bạn gái ơi, cứ hôn người tình của tôi đi, anh ấy đáng để chúng ta hôn… Ông chủ khách sạn “ngọn cây” liền bước tới đưa cho chị hai thẻ VIP và nói khi nào anh chị muốn lên, cứ gọi điện báo trước, anh chị sẽ là khách quí cho các tua du lịch của ông…
Thâu đêm, trong chiếc chòi nhỏ cheo leo trên ngọn cổ thụ giữa rừng sâu, đung đưa cùng gió lạnh và tiếng lá xạc xào, tiếng suối róc rách, chị tìm thấy cái hạnh phúc mà mấy mươi năm qua, chị đã bỏ cả tuổi xuân để đi tìm kiếm nó…
***
Kết quả cuộc tình đêm ấy là cái bụng của chị cứ lớn dần. Cả tỉnh lỵ xì xào, bàn tán. Chị cứ tỉnh như không, ánh mắt đằm sâu, chưa tan niềm hạnh phúc. Đám cán bộ tỉnh rỗi hơi, nhất là cánh đàn bà, túm tụm nhỏ to: Một phụ nữ kiêu sa, đài các, tài năng như thế thì… Chỉ có anh! Như vầy còn “lãnh đạo” ai nữa… Anh cũng tỉnh như không, sẵn sàng nhận hết trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra. Những ngày đó, chị Duyên gầy rộc đi, mắt trõm sâu, tóc thêm nhiều sợi trắng. Chị cảm thấy mất mát hẫng hụt đã kề bên; nếu làm căng ra, chị biết anh sẽ chọn ai. Chị sẽ mất hết, anh sẽ mất hết, còn “tình địch” thì được hết, vì cô ấy không cần tiền tài địa vị danh vọng của anh, cô chỉ cần tình yêu. Và nay cô đã đạt được, kiêu hãnh với cái bụng ngày một lớn của mình... Hay là chị chấp nhận mất một phần, như ý cô muốn, còn hơn mất hết? Không, không đời nào, mất một phần rồi sẽ thành mất hết. Không, chỉ có một thôi, không thể có ai khác. Nhưng nếu chỉ có một thôi thì … chị thua rồi, thua đau đớn. Chị thua vì chị chăm chút cho bữa cơm gia đình êm ấm, còn “tình địch” cho anh nếm thịt rừng nướng giữa đêm đông… Chị thua vì chị dựa vào “tổ chức”, dựa vào “cơ chế”… Còn “tình địch” thì được hết, vì biết dựa vào sức mạnh vô biên của tình yêu… “Tình địch” “diễn biến hòa bình” mà chị “ngủ trên cơ chế”. Chị thua rồi, thua đau đớn, đớn đau đến mức chị đã nghĩ tới cái chết…
Nhưng đùng một cái, chị ấy “mất tích”, chẳng biết đi về phương trời nào. Chị đi vì sự yên ổn cho trái tim chị Duyên, cho anh, và cho cả tỉnh. Và đúng như chị tính: mọi việc dần yên ổn lại. Bây giờ, hay tin anh thoát chết nhưng bị liệt nửa người, chị lại tìm về.
Tôi lặng lẽ đi ra phía ngoài, đến bắt tay, mừng gặp chị. Chị nói chị muốn vào thăm anh, nhưng biết có chuyện gì xảy ra không. Tôi bảo chị chờ cho một chút rồi vào báo với chị Duyên. Chị Duyên chẳng đắn đo gì: “Anh cứ mời cô ấy vào giúp tôi.”
Chị chậm rãi đi vào, đến chào chị Duyên. Chị Duyên cầm tay chị, dắt đến hỏi anh Lam:
- Anh có nhớ ai đây không?
Anh nhìn chị. Trên nét mặt ngơ ngơ ngẩn ngẩn của anh, tôi thấy như vừa có tia sét giáng xuống. Anh vụt ngồi nhổm dậy, miệng phát ra một tiếng thật tròn vành rõ chữ, từ khi anh bị tai biến đến giờ:
- Em!
Anh chồm tới, đứng dậy, dang hết hai tay, kể cả cánh tay phải bất động hàng tháng nay về phía chị và kêu tiếp:
- Em!
Chị Duyên, theo phản xạ thường ngày, vội đứng dậy đỡ anh, miệng kêu lên sung sướng mà nước mắt lăn dài:
- Ôi trời phật ơi! Tay chân anh cử động được rồi! Lạy Trời, lạy Phật!
Anh đưa cánh tay phải ôm vai chị, siết chặt chị vào lòng và hôn lên má chị. Đến lượt chị ngẩn ngẩn ngơ ngơ, nói năng ấp úng:
- Anh … anh không sao chứ?
- Ừ, anh không sao…
Mọi người ùa đến vây quanh, vừa mừng vừa ngạc nhiên trước phép lạ:
- Ôi, phúc đức quá!
- Trời phật phù hộ anh!
Một người đàn bà đến đập vai chị Duyên:
- Đó, chị thấy chưa? Đúng là cái viên thuốc tôi kêu chị mua hơn tám mươi đô. Thuốc của Đồng Nhân Đường ở Bắc Kinh. Thuốc trị bịnh cho vua chúa ngày xưa mà! Đúng là anh có phước lớn!
Sau khi mọi người vui sướng lần lượt ra về, chị Duyên mời tôi và chị ấy ở lại chơi, nói chuyện với anh Lam, rồi tất tả xuống bếp. Câu đầu tiên anh Lam hỏi chị:
- Con đâu em?
- Nó vẫn ở với em…
- Trai hay gái?
- Trai.
Mặt anh Lam rạng rỡ hẳn lên, như vừa uống xong một chục viên thuốc Đồng Nhân Đường.
- Nó chin tuổi rồi nhỉ?
- Tám tuổi rưỡi.
- Còn em?
- Em vẫn như xưa… Em với nó đã là một gia đình rồi…
Anh Lam không nói gì, cầm tay chị bóp chặt. Anh nhìn chị. Tôi thấy mắt anh rực lên tia sét của lòng biết ơn và tình yêu đắm đuối say mê không bờ bến…
(Truyện này viết xong, cất vào ngăn kéo, hai năm sau mang ra nhờ bạn bè đọc giúp. Một bạn bảo: Kết ở đây là được, con heo rừng nói đủ ý rồi. Bạn khác khuyên: Nên học các bậc tiền bối, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường là hết truyện, nhưng vẫn phải có khúc “đại đoàn viên”; nên thêm “vĩ thanh” cho bạn đọc “tùy chọn”…)
Mấy tuần sau đó, cả tỉnh lỵ ồn lên về phép lạ và về viên thuốc của Đồng Nhân Đường. Còn tôi, tôi tin vào một phép lạ khác…
Anh Lam hồi phục nhanh chóng cùng với sự thăm viếng và chăm sóc hàng ngày của chị. Người ta đã bàn đến chuyện đưa anh trở lại công tác, nhưng anh viết đơn xin nghỉ việc…
Đến khi mọi sự gần trở lại bình thường thì chị Duyên cũng trở lại thói “thường tình nhi nữ”. Chị ghen, ghen dịu dàng, ghen điềm đạm. Chị ghen khi thấy hai người quấn quýt trò chuyện bên nhau, cả các cháu gái cũng quấn quýt bên cô, cái việc chị chẳng bao giờ làm được. Nhưng lần này, chị chỉ còn biết ghen khổ ghen sở mà thôi. Mọi ngón đòn ghen xếp lại rồi. Tóc chị thêm bạc trắng…
Chị ấy thấy vậy nên đến chào chị Duyên, trở về với con. Trước khi đi, chị ấy đến gặp tôi, thở dài và hỏi: “Con người không thể vượt qua mình sao anh?” Tôi chẳng biết trả lời chị thế nào nữa…
Chị đi được dăm hôm thì đùng một cái, tôi nghe tin anh Lam phải vào bệnh viện cấp cứu lần thứ hai. Lần này nặng hơn. Anh hôn mê sâu hơn, toàn thân bất động. Chị Duyên liền vội vã nhờ tôi nhắn tin cho chị ấy trở về. Chị Duyên mong chị mang con trở về bên anh Lam mãi mãi…
Nhưng chị cũng chỉ trở về kịp đám tang anh Lam. Chị Duyên ôm chị ấy khóc nức nở:
- Em ơi! Anh bỏ chúng ta đi rồi…
Chị Duyên xé một mảnh vải trắng, đưa cho chị ấy. Chị khoác áo trắng đại tang lên mình đứa con trai và đặt lên đầu nó chiếc mũ mấn đã chờ sẵn. Chị bảo:
- Con tới lạy cha đi.
Đứa bé chin tuổi chẳng biết gì, chỉ làm theo lời mẹ bảo. Nó cúi lạy bức ảnh mà bây giờ nó mới biết người đó là cha. Đứa bé lạy xong bốn lạy, chị Duyên chỉ vào chiếc gậy dựng kề bên quan tài anh, rồi ôm chị ấy, nước mắt chảy đầm vai người bạn gái:
- Cảm ơn em, bây giờ anh đã có người chống gậy…
***
Ngày nối đêm, chị Duyên tự dằn vặt mình khi nghĩ đến cái phép màu vừa qua đã cứu anh sống lại. Chị cứ trăn trở mãi không nguôi. Cái đau âm thầm, thấm thía hơn cái đau … ghen…
Còn anh Lam? Anh có ân hận là mình đã sống không tròn trách nhiệm?
Anh mất rồi. Tôi biết hỏi ai?
MEN LAM
Đêm càng khuya, dòng sông càng rực rỡ, trong vắt ánh trăng thanh. Anh không ngủ được, chẳng biết vì nhà lạ hay vì trăng. Anh lặng lẽ ra đứng trước lan can lầu ngóng xuống. Gió vuốt ve mặt nước, sóng lao xao lấp lánh như những lưỡi búa vàng... Người ta bảo trăng hút nước biển tạo ra thủy triều và hút lòng người để tạo thành thơ nhạc, những Xô-nát Ánh trăng và những Tỳ bà hành với Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt / Một vầng trăng trong vắt lòng sông...
Hành trình tìm lại bí ẩn men lam của dòng họ anh lúc đầu tưởng chừng như là chuyện mò kim đáy biển... Chỉ có mấy dòng ghi trong gia phả: cụ tổ là một nghệ nhân xuất sắc của làng gốm Bát Tràng, làm một đĩa cổ men lam lung linh phép lạ, nhưng không ai biết giá trị của nó, trừ chúa Nguyễn Hoàng...
Từ Pa-ri, anh về Hà Nội, sang thăm làng gốm... Làng đẹp, bán buôn tấp nập nhưng cũng khá xô bồ... Anh dò đường, tìm vào xưởng gốm của lão nghệ nhân nổi tiếng nhất vùng, chọn mua một số tranh gốm, tranh đĩa... Ông lão thấy anh thích chơi gốm nên mời sang ngôi biệt thự mới cất, khoe tượng, khoe tranh... Chuyên trò càng lúc càng tương thân, tương đắc, anh lân la dò hỏi đĩa cổ men lam... Ông lão vui miệng kể: “Tôi có nghe từ cụ tổ về chiếc đĩa men lam tuyệt kỹ ấy. Gọi là đĩa Trương Chi... Truyền rằng khi tình cờ có được chiếc đĩa men lam lạ lùng đó, chúa ưu ái, đãi người tạo ra nó như bậc đệ nhất tài danh. Nhưng lúc bị nghi kỵ, mạng sống bị đe dọa, phải chạy vào Nam thì chúa mang theo chiếc đĩa cổ cùng người tạo ra nó... Qua gần nửa thiên niên kỷ lưu lạc, chiếc đĩa mất tăm và bí quyết men lam đĩa cổ cũng thất truyền...”
Anh nghiền ngẫm lời của lão nghệ nhân và quyết vào Nam, theo sự dẫn dắt của tiềm thức bãng lãng khói sương, cùng sự thôi thúc của dòng máu âm thầm chảy trong huyết quản... Anh chọn mua một suất du lịch Mekong Tour, vì anh thấy trong chương trình có mục “tham quan nhà cổ”, với hy vọng mơ hồ; hơn nữa, anh muốn đi chơi một mình cho thảnh thơi đầu óc.
Sau mấy giờ lênh đênh sóng nước, dọc những rặng bần trùng điệp xanh mướt ven bờ, thuyền ghé cho khách lên thăm một ngôi nhà cổ, rồi ăn chiều với tôm càng nướng, cá he vàng nấu mẵn và nghỉ lại một đêm... Giữa vùng xanh um cây trái miệt vườn mà người xưa cất một ngôi nhà lầu, dù sàn bằng gỗ, cũng là rất lý thú, để hôm nay, anh có dịp qua đêm tại đây. Chẳng phải chỉ có dòng sông và ánh trăng khiến anh không ngủ được. Mà tâm tư anh bị xáo trộn dữ dội từ khi bước vào phòng khách ngôi nhà... Bây giờ ra ngắm sông đêm, anh thấy lòng cũng lấp lánh những lưỡi búa vàng, xôn xao cùng gió...
Cô hướng dẫn tua xinh đẹp giới thiệu cùng khách:
- Ngôi nhà này xây từ lâu đời... Cây thủy tùng sau bàn thông thiên kia đứng ở đó đã ngót trăm năm... Lúc nó bằng cườm tay, có người đòi chặt đi làm cán siêu đao trong cuộc tranh quyền của các tín đồ giáo phái, nhưng ông chủ ngôi nhà khăng khăng giữ lại nên nó còn được sống tới hôm nay...
Anh ngắm những cành tùng xòe ra hình nón, lá kim nhỏ lăn tăn, bụng nghĩ chẳng biết ông chủ nhà này là ai, và hậu duệ của ông, cũng như mình, qua bao nhiêu năm biển dâu dời đổi, giờ ra sao...... Nhưng cô hướng dẫn đã mời khách theo những bậc thang xây hình trăng khuyết bên ngoài lên lầu...
Phòng khách sang trọng, với bộ xa-lông đóng theo kiểu Lu-i XVI bằng gỗ nu quí nhất trong các loại gỗ, thớ cây xoắn xuýt, lấy từ những u trong thân cổ thụ,. Hai bên là hai bộ bàn ăn mặt cẩm thạch, gỗ trắc, có bộ ấm trà để sẵn. Cô gái rót trà ướp sen trong chiếc ấm có quai trúc, đốt ngắn như đốt ngón tay, mà cô gọi là trúc quân tử, vào chén quả hồng mời khách. Anh đứng ngắm bức tranh thêu phủ kín một bên tường, hình chim công ngoái đầu nhìn bộ lông đuôi rực rỡ, trong khi du khách vuốt ve mặt gỗ cẩm lai của chiếc bàn thờ, khảm xà cừ óng ánh tích Lưu Bị cầu hôn Giang Tả trong tiếng trầm trồ... Cạnh đó là tủ chén với những muỗng “cổ lầu”, những đĩa “trúc lâm thất hiền” và những bát ăn mà cô hướng dẫn lưu ý khách là dưới trôn có chữ “nội phủ”... Anh tưởng tim mình ngưng đập khi thấy một chiếc đĩa đặt trên đế gỗ mun ba chân, màu men lam, vẽ cảnh người chèo thuyền giữa dòng sông có hàng liễu rũ bên bờ và ngôi lầu có cô gái ngồi bên cửa sổ chống tay lên cằm, mắt đăm đắm nhìn xuống nước; trên lầu, trăng bị mây che mờ và dưới sông lao xao sóng gợn... Mặt đĩa ghi hai câu thơ chữ Nôm. Cô hướng dẫn nói:
- Đây là một cổ vật rất quí vẽ tích Trương Chi – Mỵ Nương... Tương truyền nếu ai khóc đầy chiếc đĩa này thì sẽ thấy anh Trương Chi chèo thuyền động đậy trên dòng nước...
Du khách ồ lên, xúm xít lại xem chiếc đĩa... Có người hỏi:
- Vậy đã có ai khóc đủ để anh Trương Chi chèo thuyền động đậy chưa?
Cô gái nói:
- Thưa, chưa có ạ...
Mọi người cười xòa, ý rằng đây chỉ là một trò câu khách...
Còn anh, anh vẫn chưa hết xúc động: cái đĩa men lam Trương Chi mà cả dòng họ anh thì thầm truyền nhau suốt mấy trăm năm chẳng lẽ lại nằm ở đây? Anh hỏi cô gái với giọng run run:
- Cô ơi, cô có biết hai câu thơ này viết gì không?
- Thưa quí khách, đó là: Không cầm đến chén thì thôi / Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan...
Khắp người anh nổi hết gai ốc... Một ý nghĩ lóe trong đầu như chớp: Mật mã chế tác và thưởng thức men lam giấu trong những câu thơ...?
Anh liếc nhanh về phía cô gái: gương mặt thanh tú, vóc dáng cân đối, đặc biệt là đôi mắt thăm thẳm như ẩn chứa những điều huyền diệu sâu xa... Cô gái cũng liếc nhìn anh... Hai ánh mắt giao nhau như hai ánh chớp và cả hai đều cảm thấy lòng mình xao động...
Anh không hỏi gì thêm, biết rằng mình đang mang một bí mật hệ trọng không thể khinh xuất mà hé lộ cho ai... Anh chỉ còn cách đi theo cô gái, lắng nghe lời cô và lặng lẽ ngắm cô...
Đêm nay, đứng nhìn dòng sông lao xao sóng bủa dưới trăng, anh tự hỏi: Cô gái là ai? Hình như mình đã gặp cô từ kiếp nào thưở trước... Có phải... Anh khe khẽ ngâm mấy câu thơ thuộc lõm bõm:
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thật xấu mà hát thì thật hay
Và:
Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
Mà trông thấy mặt anh chàng lại chê...
Đêm sâu lắng khiến câu thơ có sức âm vang lạ lùng. Ánh trăng giật mình run rẩy trên mặt sông... Tiếng sóng bủa lao xao hay tiếng thơ, tiếng nhạc...
Anh chợt nghe tiếng chân bước nhẹ sau lưng, và tiếng hỏi dịu dàng:
- Anh chưa ngủ ư?
Anh hồi hộp quay lại và nhận ra cô hướng dẫn viên quen thuộc trong bộ váy ngủ mong manh... Tim anh đập rộn:
- Vâng, tôi thấy khó ngủ...
- Vì sao vậy anh?
- Có lẽ vì sóng nước... Vì trăng... Còn cô?
- Em... cũng vậy...
Anh lúng túng giây phút, nhưng chợt nhớ ra:
- À này, hai câu trong đĩa cổ mà cô đọc lúc chiều có phải lấy ra từ bài thơ Trương Chi không?
- Phải đó anh.
Anh hồi hộp hỏi cô trong hơi thở gấp:
- Cô có thuộc cả bài đó không?
- Có anh ạ. Nghề của em mà. Em phải tìm học...
- Vậy cô có thể đọc cho tôi nghe được không?
- Được thôi. Nhưng khá dài. Cả một chuyện tình mà anh...
- Tôi có thời giờ... Tôi rất cần bài đó... Nhưng... có phiền cô không?
- Phiền gì đâu anh. Em cũng có thời giờ mà...
- Vậy cô đọc cho tôi chép lại nhé?
- Vâng... Như giữa những câu mà anh ngâm nga lúc nãy, có một đoạn anh nhảy cóc... Em biết anh không thuộc, và cũng biết anh đang tha thiết với bài này, nên em ra đây... phục vụ quí khách...
Cô nhoẻn cười. Anh cầm ngay tay cô:
- Ôi, cám ơn em nhiều lắm! Đoạn ấy ra sao, em đọc coi...
Cô ngập ngừng hỏi:
- Mà anh có cho là em... bạo dạn quá không...
- Ôi em! Anh hiểu mà! Nghề nghiệp mà! Sao dằn lòng được...
- Cảm ơn anh... Đoạn này ai cũng biết, nhưng thuộc lời thơ thì bập bõm... Như anh vậy... Đây: Ngày xưa có anh Trương Chi / Người thì thật xấu mà hát thì thật hay / Cô Mỵ Nương người ở lầu tây / Con quan thừa tướng ngày rày cô cấm cung / Anh Trương Chi ở dưới dòng sông / Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu / Đêm thanh chàng hát một câu / Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương / Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương / Mà trông thấy mặt anh chàng lại chê...
Anh tràn xúc động, cầm tay cô lắc mạnh:
- Ôi, em đọc hay quá... Hình như bức tranh trong đĩa cổ là bức tranh mà người xưa đã vẽ bằng những câu thơ em vừa đọc...
- Vâng, em luôn nghĩ như vậy...
- Nhưng cô Mỵ Nương sao thương tiếng hát mà lại chê người có tiếng hát hay đến thế?
Cô gái cười:
- Em cũng thắc mắc. Nhưng em... đang làm một luận án... nên tìm hiểu và tự mình lý giải: trong cõi người ta, cái thanh cao và cái trần tục khéo là... chọi nhau... Khác với các nước có nền văn hóa ổn định, ở nước mình, văn hóa bị chiến tranh và nhất là bị thuyết “giai cấp” xáo trộn nên một thời kỳ dài cho tới tận bây giờ, người ta vẫn độc tôn thưởng thức cái nghèo đói, nhỏ mọn..., trong khi con người muôn thưở vẫn thiết tha hướng tới cái cao đẹp, tương tư một tiếng hát hay...
- Vậy em làm luận án gì?
- Rồi anh sẽ biết thôi mà... Để em đọc tiếp: Anh Trương Chi bèn trở ra về / Cắm thuyền cho chặt anh mới hát thề một câu / Kiếp này đành lỡ duyên nhau / Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành...
Anh bóp mạnh tay cô:
- Đúng rồi... Hình như kiếp trước anh đã gặp em...
Cô gái nhìn vào mắt anh, cười:
- Anh không lầm đấy chứ... Cứ nghe tiếp chuyện chê người nhưng tương tư tiếng hát hay: Cô Mỵ Nương tư lự thất tình / Kém nhan sắc trước, sút vỏ hình thuở xưa / Kém trang điểm, kém bữa cơm trưa / Kém ăn kém ngủ cô thẫn thờ chẳng yên / Thất tình bệnh phát liên miên / Ông bà thừa tướng lo đêm lo ngày...
- Ôi, đúng em rồi...
Anh ôm chầm lấy cô, vùi đầu vào khuôn ngực thơm mùi trinh nữ qua bộ váy ngủ mong manh, hững hờ... Cô đứng yên, người cô dường đang run rẩy Anh lần chạm đôi bầu ngực phập phồng... Cô chợt tỉnh, cầm tay anh, nhoẻn cười:
- Xin quí khách đừng sờ vào hiện vật...
Anh ngượng nghịu, cũng cười:
- Em... cứ méo mó nghề nghiệp...
Cô dí một ngón tay lên trán anh:
- Anh cũng méo mó nghề nghiệp: nghề nghiệp của bọn đàn ông tầm thường... Yên để em đọc anh nghe tiếp cách chữa bệnh tương tư tiếng hát: Truyền mời đến một ông thầy / Ông thầy bắt mạch đoán ngay sự tình / Bệnh này duyên nợ ba sinh / Tương tư ắt có cầu tình với ai / Bệnh này nếu muốn khỏi ngay / Truyền người xuống bến gọi ngay anh lái đò / Nhờ chàng sắc thuốc hộ cho / Chàng mà sắc thuốc tựa hồ thuốc tiên...
Anh kéo sát cô vào người mình, thầm thì:
- Ôi, sao em đáng yêu quá vậy!
Cô mỉm cười:
- Lại bệnh nghề nghiệp! Em tưởng bài thơ này đối với anh quan trọng hơn là chuyện tình cảm nên mới giúp anh...
Anh lúng túng:
- Ừ... đúng, đúng. Em đọc tiếp đi.
- Anh Trương Chi ở dưới đò lên / Quạt lò sắc thuốc anh ngồi bên cạnh lầu / Ngồi buồn anh hát một câu / Cô Mỵ Nương nghe tiếng giải cơn sầu như không / Mười phần bệnh đổ xuống sông / Lấy vàng ba lạng mà thưởng công cho ông thầy...
Anh cười:
- Trương Chi dùng tiếng hát giải sầu tương tư cho Mỵ Nương, nhưng người được thưởng vàng lại là ông thầy thuốc...
- Vì cái cao đẹp và cái trần tục luôn chọi nhau mà... Ở đời, chuyện này đầy dẫy...
- Em tuyệt lắm! Cho anh...cho anh... hôn em nhé...
- Vậy anh muốn nghe nữa hay muốn em bỏ về phòng...
Anh luống cuống:
- Không không, em đọc tiếp đi...
- Vậy anh phải ngoan nhé... Anh Trương Chi trở xuống đò ngay / Cắm sào cho chặt anh nhảy rày xuống sông / Xác thời trôi ở giữa dòng / Hồn thời mới nhập vào trong cây bạch đàn / Đến khi thừa tướng thăng quan / Mua được cây gỗ bạch đàn quí thay / Gỗ thời để đã lâu ngày / Truyền gọi thợ khéo tiện ngay bộ chén chè / Xong rồi quạt nước màn the / Cha con mang bộ chén chè uống chơi / Không cầm đến chén thì thôi / Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan / Cô Mỵ Nương đau đớn can tràng / Hạt châu rơi xuống mới vỡ tan khối tình...
Cô gái ngừng đọc, trầm ngâm nhìn xuống dòng sông lấp lánh ánh trăng... Anh cũng sững sờ, đứng yên lặng ngắt...
Bỗng cô hỏi:
- Ngoài Bắc gọi trà là chè phải không anh?
- Ừ, đúng rồi. Nhưng mà... đây là cái đĩa... sao lại viết hai câu thơ về cái chén...?
- Em không biết. Nhưng đó là hai câu hay nhất bài thơ... Đúng không anh?
- Đúng. Và nó là ... mật mã... Đúng, trước hết phải là trà... Chén trà...
Anh hấp tấp kéo tay cô:
- Đi, em vào phòng khách với anh... Và... đun nước pha trà...
Cô gái bị anh lôi đi, lúng túng chẳng biết làm gì hơn là theo những yêu cầu... vô hại của anh để tìm tòi giải mã nỗi niềm tương tư một tiếng hát hay...
Khi nước sôi được đưa tới, anh súc ấm để sẵn trên bàn, pha trà mới, rồi hãm kỹ trong chiếc bình quai trúc lâu ngày lên nước bóng. Anh khẩn khoản nhờ cô lấy chiếc đĩa cổ trong tủ kính. Cô dứt khoát:
- Miễn sờ vào hiện vật!
Nhưng anh vặt đầu vặt tai, hứa hẹn sẽ có phép màu xảy ra nên cô gái cũng tò mò, và xiêu lòng, đi thuyết phục người trông coi ngôi nhà dậy... Dưới sự giám sát chặt của người quản lý, cô thận trọng hai tay nâng chiếc đĩa đặt lên bàn...
Anh cẩn thận rót một chén trà, nâng ngang mày, thành kính khấn tổ tiên từ ngàn xưa về mở trí khai tâm cho cháu con thoát vòng mê muội... Rồi anh trân trọng cầm chén từ từ rót trà vào lòng đĩa... Anh nhìn trân trối vào nét vẽ men lam, vào đôi tay anh lái đò Trương Chi, vào cặp mắt cô Mỵ Nương ngồi trên lầu cao tít... Không một dấu hiệu gì. Cô bạn gái đứng sau anh chắc cũng hồi hộp không kém. Anh cảm nhận được hơi thở cô thơm ấm, phả hương vào má anh... Anh lại thành kính rót chén thứ hai, rồi thứ ba... Khi chiếc đĩa gần đầy nước, trà bốc hương, cả gian phòng mùi nhụy sen dâng thoang thoảng... Trong khói trà bãng lãng và trong hơi gió lạnh từ dòng sông thổi lên về sáng, anh thấy người lái đò trong đĩa sống lại, cử động tay chân, như đang chèo thuyền qua dòng sông ký ức... Sóng trên mặt nước lảo đảo vì tiếng hò khoan! Cô bạn gái cũng bíu chặt tay anh: “Kìa, Mỵ Nương đưa ống tay áo dài lau nước mắt!”
Mọi người sững sờ, nhìn chiếc đĩa không chớp mắt...
Cô gái bám chặt cánh tay anh, lệ rơi từng giọt ngắn dài. Nước mắt anh cũng rơi lã chã... Mật mã thưởng thức men lam đã được giải rồi...
Người quản lý vội vã đổ nước trà vào ống tống, lau khô đĩa, toan đem cất đi... Cô gái giằng ngay chiếc đĩa lại:
- Ông cứ để đây. Đã có ai lấy mất đâu... Để đây cho mọi người chiêm ngưỡng báu vật nhà cổ này...
Nước mắt cô như những hạt châu nối nhau rơi đầy trên đĩa. Và kỳ lạ thay: nước mắt người con gái rơi tới đâu thì màu men lam vẽ hình anh lái đò cứ mờ dần tới đó...
Anh cũng quàng chặt vai cô, nhìn sững vào lòng đĩa, nước mắt tuôn trào. Khi hai dòng nước mắt hòa quyện cùng nhau thì dòng thơ men lam trên đĩa cổ lại hiện lên y nguyên như cũ...
Không cầm đến chén thì thôi
Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan
***
Ba năm sau...
Anh thu xếp gấp công việc từ Pa-ri trở lại Sài Gòn, sau khi cật lực làm việc để gom một số tiền mua chiếc đĩa cổ, nếu cần...
Việc đầu tiên anh làm là đến ngay hãng du lịch Mekong Tour. Anh xin gặp cô. Người lễ tân nhìn anh với đôi mắt hơi ngơ ngác... Anh chìa tấm danh thiếp cô đưa cho anh khi hai người chia tay nhau ở gốc thủy tùng của ngôi nhà cổ, trong buổi sáng xúc động nghẹn ngào...
Người lễ tân như chợt hiểu ra, nhấc máy gọi. Chốc lát, một cô gái trong bộ đồng phục của hãng hiện ra. Cô cầm danh thiếp lên xem:
LƯU HƯƠNG
Tour-guide
Email:luuhuong@yahoo.com
Mobile:0986037290
Cô liền nở cười:
- Anh tìm chị Hương?
Anh mừng rỡ:
- Vâng, đúng rồi...
- Chị Hương có lời nhờ cậy em tiếp anh, nếu anh quay trở lại...
Anh mừng quá:
- Vậy Hương đâu cô? Cho tôi gặp đi...
- Rất tiếc, chị ấy đã sang Pa-ri...
- Thế ư! Sang làm gì, hở cô?
Cô gái nhìn kỹ gương mặt khách, rồi cười tủm tỉm:
- Sang bảo vệ luận án tiến sĩ...
- Ô thế a! Cô có biết địa chỉ của Hương ở Pa-ri?
Cô gái hơi lúng túng:
- Chị Hương có ghi cho em, hình như chị ở Val-de-Marne... nhưng em để đâu không nhớ nữa...
Anh thở dài:
- Cô cố tìm giúp và báo ngay cho tôi nhé...
- Vâng...
Chợt nghĩ ra, anh chỉ vào tấm danh thiếp:
- Có đúng địa chỉ email của Hương ghi trong này không? Tôi gửi không biết bao nhiêu lần mà thư cứ bị trả lại... Cả số điện thoại cũng vậy... “Tạm thời không liên lạc đươc”...
Cô gái nhìn danh thiếp, lại cười tủm tỉm:
- Chị Hương có hẹn anh là phải... “ngoan”, đúng không?
Anh thở dài: Ôi trời, lại có thứ khách “ngoan” và khách “không ngoan” nữa chứ, hãng này muốn sập tiệm chăng? Nhưng sập tiệm đâu chưa thấy, chỉ thấy anh nôn nao trở lại đây rồi... Và chắc chắn còn trở lại nhiều lần nữa... Cô gái có vẻ ái ngại:
- Mà anh tìm chị Hương có việc chi gấp?
- Tôi... muốn thăm lại ngôi nhà cổ...
Cô gái sáng mắt lên:
- Vậy quí khách sẽ được phục vụ ngay, với giá giảm trừ, vì có tấm danh thiếp này...
Sáng hôm sau, anh lênh đênh trên sông nước Mekong có cô hướng dẫn viên trẻ bên cạnh... Chiếc tàu du lịch ghé bến cho anh lên một vàm sông rộng. Cô gái trẻ đưa anh đi xem ngôi đình làng ẩn dưới tán hai cây còng xòe ra mênh mông... Cô dẫn giải:
- Khi ông cha ta mở cõi vào tới Mekong thì đặt hành dinh đầu tiên tại nơi này. Bằng chứng là ngôi đình làng xây xong vào năm 1832 như con số tạc trên cổng. Nghĩa là trước khi người Pháp xâm lược Việt Nam... Thành hoàng làng này là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một danh nhân có công lớn khai phá miền đất mới... Đình này có trước khi các đô thị lớn ở miền Tây mọc lên... Mời quí khách vào tham quan bên trong...
Cô gái liếc nhìn anh. Anh tỏ vẻ thờ ơ, ngán ngẩm... Cô gái đến bên thì thầm vào tai anh:
- Anh đừng buồn. Nhìn ngôi đình, anh sẽ hiểu thêm vì sao chị Hương đưa anh tới ngôi nhà năm trước... Chúng ta cũng sẽ đến ngôi nhà cổ ngay giờ đây...
Nhưng thật lạ lùng, ngôi nhà cổ này không có gì giống như ngôi nhà trước: chỉ là một biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, nhưng không có lầu. Vẫn có bộ xa-lông cổ nhưng không phải bằng gỗ nu đóng theo kiểu Lu-i XVI. Vẫn có tủ chén với muỗng “cổ lầu” và bát ăn có ghi “nội phủ”, nhưng không có đĩa men lam Trương Chi... Chỉ có thêm cái nhà gỗ rộng vừa cất phía sau vườn, và mấy bộ bàn ghế mới đóng để khách du lịch... ngồi ăn dưa hấu...
Anh lộ rõ vẻ thất vọng. Cô gái đến bên anh thủ thỉ:
- Anh muốn xem lại cái nhà của... chị Hương chứ gì?
- Đúng thế...
- Vậy chút nữa em đưa anh tới đó...
Khi phần đông du khách còn thưởng thức bữa ăn trưa có canh chua cá lóc và cá rô kho tộ, cô gái kéo tay anh:
- Ta đi anh nhỉ...
Hai người lặng lẽ ra ngoài. Cô gái vẫy hai chiếc xe ôm...
Xe chạy một đỗi, đến con rạch nhỏ có cây cầu bằng mấy tấm bê-tông đúc thả qua, cô hỏi lái xe:
- Đây là rạch gì, hở bác tài?
- Rạch Dầu.
Cô cuống quýt bảo xe dừng ngay... Rồi cô dắt anh đi bộ qua cầu ngược trở lại. Được vài trăm thước, cô hỏi:
- Anh đã nhận ra gì chưa?
Mải mê tránh những vũng nước mưa, bây giờ anh mới ngước nhìn phía trước. Ôi cây tùng! Cây thủy tùng! Nó đột khởi vươn cao trong khung cảnh miệt vườn xanh um cây trái... Nó đây rồi, cây thủy tùng của anh và Hương. Nó đứng làm chứng trong đêm hôm đó, khi anh và cô còn tràn đầy xúc động, rời phòng khách ra trước hiên lầu ngắm lại sông trăng... Anh ôm ghì Lưu Hương và nói: “Anh yêu em thật lòng... Anh sẽ trở lại ngay và xin cưới em...” Anh hôn cô. Cô run rẩy và hình như cô ghì cổ anh thật chặt... Người cô đầy và mát, khiến anh tưởng mình đang ôm sóng, ôm trăng... Phút run rẩy kỳ lạ đó chỉ có hai người, anh và cô, biết mà thôi... Và cây thủy tùng, người làm chứng không lời nhưng mãi mãi xanh tươi...
Nhưng sao... Nhưng sao... ngôi nhà cổ tràn đầy kỷ niệm cách đây vài năm, bây giờ biến đi đâu mất? Trước mắt anh, chỉ có một dải đất hoang cây cỏ um tùm và những mái tranh nghèo xơ xác... Anh dụi mắt... Ngôi nhà cổ? Nó đâu rồi?
Anh bật khóc... Nước mắt anh chảy đầm, không sao ngăn được... Cô gái trẻ rút khăn đưa cho anh. Đôi mắt cô cũng đỏ hoe...
Cô sụt sùi:
- Anh à, trong bài kệ của một giáo phái quê em, có câu: Mới thấy đó bỗng liền mất đó... Chị Hương đã nói cho anh biết khúc đầu của chuyện cây tùng. Nhưng còn khúc sau, lúc ấy chị chưa tiện nói. Vì sau đó, có người đi báo với Tây rằng chủ nhân ngôi nhà có cây tùng này theo Việt Minh! Tây đến san nhà thành bình địa, đá ngọc đều tan, chiếc đĩa cổ men lam chẳng biết giờ lưu lạc tới phương nào... Chị Lưu Hương mới nghĩ ra một đề án: Du lịch VỀ MIỀN KÝ ỨC... Và anh là người đầu tiên chị thử nghiệm thành công... Chị Hương bảo em: chị với anh có cùng “tần số tâm linh”... Anh biết không: chị Hương là cháu ba đời của ông chủ ngôi nhà xưa mà anh cùng chị đã sống qua một đêm tuyệt diệu...
Anh giật mình, sửng sốt, đứng lặng như trời trồng...
Cô gái nói:
- Chị Lưu Hương bảo: Luận án Du lịch về miền ký ức của chị dựa trên cơ sở cùng “tần số tâm linh”, đưa con người về miền ký ức hoặc hướng tới tương lai... Nó là ảo nhưng sẽ hóa thật nếu biết lấy cái cao đẹp kết nối trái tim con người, làm hiện lên ánh vàng lấp lánh như dòng sông trong vắt đêm trăng...
***
Chiếc thuyền du lịch chở khách ra về khi gió đêm vừa lên và trăng vừa tỏa sáng, làm cho dòng sông xôn xao những lưỡi búa vàng... Mật mã thưởng thức men lam đã được giải. Nhưng còn công thức chế tác loại men độc đáo ấy, ai sẽ giải đây...? Ai sẽ giải cái ảo cái thật của kiếp người, hay rốt cuộc cái hiển nhiên trước mắt rồi cũng là một giấc chiêm bao...
Anh trầm ngâm, nhìn ánh trăng bủa giăng mặt nước, nhớ đêm trăng kỳ ảo năm nào, với hương thơm còn lưu mùi trinh nữ, trong chiếc váy ngủ mong manh...
Bên tai anh, cô gái trẻ vẫn thì thầm về chiếc đĩa cổ men lam và những truyện đã trở thành tình sử:
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan...
CHUÔNG CHÙA
Chiều xuống nhanh trong tàn cây rậm rạp bên sườn núi. Hắn mệt mỏi lê từng bước qua các bậc đá trên con dốc quanh co dẫn lên chùa. Có tiếng chuông văng vẳng trôi trong không gian lạnh lẽo. Hắn ngồi phệt xuống một rễ cây bò ngang đường đã thành bậc dốc. Rễ to, nhẵn bóng. Chẳng biết bao nhiêu người đã dẫm lên, đã ngồi lên đây, trong biết bao nhiêu năm khi chưa có và khi đã có tiếng chuông chùa...
Hắn xoạc khuy kéo của chiếc áo khoác lấm màu đất núi, tháo nón quạt bộ ngực rịn mồ hôi, nuốt nước miếng khan. Gió lạnh rì rào thổi qua vòm lá như một ý thơ hay một nét nhạc chiều, gợi nhớ những bài thơ, bản nhạc hắn được nghe từ hồi còn là học sinh trung học. Đầu hắn dịu lại. Mấy mươi năm lẩn tránh trong cuộc đời, hắn đã gặp biết bao cảnh ngộ trớ trêu... Từ một cậu học trò con nhà khá giả, thích học âm nhạc, hắn cố lẩn tránh nhưng buộc phải đi học võ bị, thành sĩ quan khi còn rất trẻ; ra trận, hắn cố lẩn tránh bắn giết nhưng buộc phải bắn giết... Hắn nghĩ có lúc nào đó hắn sẽ viết một pho tiểu thuyết về cuộc đời mình, với nỗi hồi hộp thắt tim khi nằm trên trang thờ cùng con chuột tránh sự lùng sục của bọn đi bắt lính, với nỗi khiếp sợ són đái khi lần đầu ra trận đánh nhau, với lòng ân hận ray rứt âm ỉ từng cơn sau khi giết người cướp của... Khi chiến tranh chấm dứt, lẽ ra hắn phải đi trình diện, nhưng hắn lại lẩn tránh... Vì hắn không còn tin những lời nói nữa. Hắn chỉ tin ở hành động, hành động của chính mình. Và số phận cứ xô đẩy hắn đi... Nắng tắt hẳn. Gió thêm lạnh. Hắn uể oải chống cành cây bẻ vội làm gậy, khoác túi đứng lên bước tiếp...
Khi màn đêm bao trùm cảnh vật, hắn lên tới cổng chùa. Ngôi chùa thâm u, nép mình dưới một gốc đa xòe tán rộng mênh mông vào bóng tối. Trăng đầu hôm soi mờ khiến rễ đa thành một đàn rắn hình thù ngoằn ngoèo, chuyển động.... Các cửa vào chánh điện chùa đã đóng. Chỉ thấy ánh sáng le lói hắt ra qua những chấn song trên cao và một mùi hương trầm lan nhẹ trong gió thoảng. Tự nhiên hắn thèm biết ánh sáng và mùi hương phát ra từ đâu. Có phải từ cặp chân đèn và bộ lư bằng gỗ trầm chạm khắc hoa văn kỳ lạ mà du khách bốn phương từng đến đây chiêm ngưỡng mách bảo lẩn nhau. Lần theo các cánh cửa, hắn thấy một khe sáng. Mừng quá, hắn dán mắt vào. Không khí trong chánh điện rờn rợn, ánh sáng tỏa mờ mờ. Tượng Phật uy nghi, tay đặt lên đùi, tay để trước ngực, mắt lim dim thiền định bỗng như hé mở, nhìn hắn, cùng lúc với tiếng hỏi:
- A Di Đà Phật, ông tìm ai?
Hắn quay phắt lại, và không chút lúng túng (bao năm lẩn tránh, hắn từng đối phó với bao bất ngờ), đáp lại cũng bằng một câu hỏi:
- Mô Phật, thưa, chẳng biết sư trụ trì có nhà không?
Rồi hắn liếc nhanh chung quanh, phán đoán... Thần kinh hắn dịu lại. Trước mặt hắn là một ni cô trong bộ đồ dài màu khói nhang, áo cài chéo nách. Ni cô không còn trẻ, hơi gầy và xanh, nhưng nét mặt rất xinh và vóc dáng rất đẹp.
- Dạ, thầy tôi vừa có việc xuống núi ít hôm. Thí chủ quen thầy tôi?
Hắn cười gượng, đáp mơ hồ:
- Dạ... Tôi từng nghe tiếng thầy...
Ni cô nhìn hắn từ đầu tới chân... Hắn vội nói:
- Dạ... Tôi đi hành hương. Đến đây trời tối... Xin cho tá túc một đêm... Mai tôi vào đảnh lễ...
Ni cô phân vân một chút... Rồi nói:
- Mô Phật. Trời tối rồi. Đường xuống núi còn xa... Thôi, ông cứ qua bên kia, có mái tranh cho bá tánh thập phương lên vãn cảnh chùa nghỉ tạm... Xin theo tôi...
Ni cô đi trước. Hắn bước theo ánh chiếc đèn bão đu đưa nhè nhẹ dưới nhịp tay ni cô. Chẳng mấy chốc, một mái tranh lờ mờ hiện ra. Ni cô chỉ dẫn:
- Lu nước ngọt kia, đèn dầu và diêm đây... Ông có thể dùng nhưng xin tiết kiệm cho người đến sau...
Ni cô trỏ tiếp mấy chiếc chiếu để ở đầu tấm phản gỗ dài dùng cho khách thập phương trú tạm:
- Ông cứ trải chiếu ra mà nằm nghỉ. Đêm lạnh, có thể lấy đắp thêm... Nhà chùa còn nghèo, xin ông thông cảm...
Hắn vội đáp:
- A Di Đà Phật. Vầy là quí lắm rồi...
Hắn nói thật, vì trong cuộc đời rày đây mai đó, qua đêm ngoài trời là chuyện hắn thường nếm trải... Ni cô cúi chào, cáo lui. Hắn thở dài... Được ít bước, ni cô dừng lại, hỏi vọng sang:
- ... Mà ông ăn cơm chưa?
Hắn mừng quá nhưng cố kìm lòng, chậm rãi đáp:
- Dạ... tôi lỡ độ đường... nên chưa...
Ni cô quay lại mấy bước:
- Thôi, để tôi mời ông dùng tạm bữa... Cơm chỉ có rau và tương thôi... Ông vui lòng...
Hắn vội đáp:
- Dạ, vậy tốt quá rồi. Tôi đâu dám đòi hỏi...
Khi hắn rửa ráy xong, vừa trải chiếu ra nằm nghỉ một lúc thì ni cô tới với một niêu cơm, bát tương và dĩa cải luộc vun đầy trên chiếc mâm gỗ cũ đã sờn mẻ. Mùi cơm mới khiến hắn bật dậy.
- Mời ông dùng tạm.
Hắn xoa tay, nở cười:
- Xin cảm ơn.... Rất cảm ơn...
- Ông cứ dùng tự nhiên. Bát đũa để sáng mai tôi dọn...
Ni cô xách chiếc đèn bão dợm gót quay đi thì hắn vội vàng nói:
- Bạch... thầy... Không dám nào... thầy có thể cho tôi hỏi...
- Ông muốn hỏi chi?
- Thưa... tôi nghe đồn... chùa... có ma... Có đúng không thầy?
Ni cô dừng bước, ngoáy đầu lại, cười tủm:
- Ông cũng sợ ma ư?
Hắn làm ra vẻ bối rối vì thật ra mấy mươi năm lẩn tránh cuộc đời, hắn đã thấy đủ màu xanh đỏ tím vàng, có chi mà sợ... Hắn chỉ muốn... khai thác thông tin...
- Dạ thưa thầy...
Ni cô dường cũng muốn... thông tin nên quay gót đi về phía hắn:
- Đó là chuyện... mươi năm trước...
- Mà có chuyện đó thật không thầy?
Ni cô đặt chiếc đèn bão giữa hai người, ngồi ghé lên mép phản:
- Người ta đồn vậy mà...
- Thưa... khi thầy về đây thì còn chuyện đó không?
Ni cô nhếch mép cười mơ hồ:
- Cũng... còn một chút...
- Là sao, thưa thầy...
- Khi Đại dức trụ trì chùa vừa được bổ về đây vài tháng thì tôi cũng vừa lên chùa phát nguyện...
- A!... Chùa lúc đó ra sao, thưa thầy?
- Vùng này trước có chiến sự ác liệt, chùa gần như bỏ hoang. Trước khi chúng tôi về, tin đồn chùa có ma vẫn lan truyền. Mới chạng vạng tối, ông thủ tự vừa lên chánh điện đốt nhang thỉnh chuông thì có một cái chân người rớt bịch xuống trước mặt...
Ni cô liếc nhìn người khách... Hắn tiếp tục suy tư chứ không tỏ vẻ ngạc nhiên hay khiếp sợ... Ni cô kể tiếp:
- ... Kế đó, lại một cái chân rớt phịch xuống. Rồi một cái tay. Hai cái tay... Cuối cùng là mình, rồi cái đầu răng nanh gớm ghiếc... Chúng ráp lại với nhau thành một con quỷ định chụp bắt ông thủ tự nhai sống. Ổng sợ mất mật, tông cửa chạy bán sống bán chết xuống núi... Từ đó, không ai dám bén mảng vào chánh điện...
Ni cô lại liếc nhìn hắn... Hắn vội ôm ngực như mắc nghẹn:
- Ôi, ghê quá... Vậy thầy có lần nào gặp nó chưa?
Ni cô cười lảng:
- Khi tôi về đây, còn thấy bốn con kên kên ở gốc đa kia. Mỗi khi sắp bay, chúng dang cánh chạy lấy đà, sải cánh có tới năm mét. Ở trên cây, hàng ngàn con chim, ban đêm ríu rít nỉ non, nghe ai oán lắm...
- Vậy thầy làm sao?
- Sư thầy tôi trụ trì chùa bèn lập trai đàn giải oan, cúng ba ngày ba đêm, đèn nhang thắp sáng như sao, mõ chuông tụng niệm không dứt... Thập phương bá tánh, nhất là bà con quanh vùng tới cúng lễ, cầu siêu, nấu cơm, rửa chén... Sau ba ngày đêm thì mấy ngàn con chim bay đi hết, lũ kền kền cũng bay luôn. Đêm, cây đa chỉ rì rào, không còn tiếng nỉ non ai oán nữa... Các oan hồn đã được siêu thoát. Chùa thịnh lên từ đó...
- Thưa... Còn việc trong ... chánh điện...
Ni cô lại liếc nhanh khuôn mặt người khách:
- Bá tánh vào cúng dường ban ngày. Còn ban đêm, chỉ có người của chùa lên thỉnh chuông hay tụng niệm...
- Tụng niệm suốt đêm?
Ni cô nhếch mép cười:
- Công phu thì có thời có khắc... Phật đã dạy: Bể khổ mênh mông, quay đầu lại là thấy bờ...
Hắn thấy ni cô đưa mắt như gửi lời nói sang. Rồi ni cô đứng dậy:
- Thôi, ông cứ dùng cơm tự nhiên... A Di Đà Phật...
- A Di Đà Phật.
Hắn nhìn theo ánh đèn bão đu đưa xa dần qua các vòm cây, vừa nhai cơm vừa ngẫm nghĩ. Ni cô là ai? Người xinh đẹp thế, nói năng lưu loát thế sao lại đi tu? Hắn cố lục lọi trong trí nhớ thông tin về ngôi chùa: bộ lư đèn, sư trụ trì... Sư trụ trì đi vắng, thuận lợi cho hắn... Nhưng còn ni cô? Hắn cố nhớ thông tin về những ni cô mà hắn tình cờ nghe được qua những ngày tháng giang hồ... À, có một người, trước đi Thanh niên xung phong, yêu một anh lái xe Trường Sơn, yêu thắm thiết đến nỗi có một “nhà văn giang hồ” tưởng tượng ra cảnh họ trần truồng nô đùa, tắm táp và làm tình với nhau bên bờ suối giữa rừng, có bướm vàng bay, có hoa đào trôi theo dòng nước... Nhưng cuộc đời của cô cũng có khói lửa đất đá, bom rơi đạn nổ, có những đợt sốt rét rừng rụng hết cả mái tóc mây dài, có những lúc tắt kinh vì ăn hoài món muối sả và những lúc lên cơn bệnh kỳ lạ như người động kinh vì thiếu vắng hơi trai... Chiến tranh chấm dứt, cô chờ anh lái xe trở về, chờ mãi chờ mãi đến quá lứa lỡ thì đành ôm mối tình chung lên chùa qui y cửa Phật... Có gì giống nhau trong số phận, trong bản lĩnh cô gái ấy và ni cô hôm nay... Dù sao thì nụ cười bí hiểm và cơ thể dường như trong suốt mà quyến rủ của cô cũng làm cho gã giang hồ ngẩn ngơ mê mẩn, có khi hơn cả bộ lư đèn. Hắn tự hỏi: hai thứ đó, thứ nào quí hơn?
Thổi tắt ngọn đèn dầu, hắn ngả mình xuống phản, gác đầu lên chiếc gối đan bằng mây đã lên nước bóng, ngủ lơ mơ...
Hắn mơ về những trận ốm suýt chết, nằm queo dưới gầm cầu hay trong cái chòi nhỏ giữa rừng, không thuốc thang, không ai giúp đỡ chăm sóc, giữa cơn mưa lạnh tái tê... Ngọn đèn bão của ni cô đu đưa đốm lửa ấm khi gần khi xa... Hắn đưa tay chụp níu mãi không được... Hắn tuyệt vọng. Hắn khóc nhưng nước mắt chẳng còn... Một bàn tay ấm đặt lên trán hắn. Một chén trà nóng kề môi... Một mùi hương bảng lãng trong màu khói nhang, an ủi, nâng đỡ... Hắn mơ một mái ấm gia đình bên con suối giữa rừng... Rừng một dãy cây chen vạn gốc / Góc cây rừng một nóc nhà tranh.... Đêm xuống, ngọn đèn xanh giữa nhà vẽ bóng người vợ ru con, khuôn mặt sao giống ni cô quá vậy... Còn bóng người chồng lui cui đan sọt đựng than mai xuống núi bán là hắn đó chăng... Đêm khuya con ngủ đèn tàn / Bao nhiêu thế sự muôn vàn tình thâm...
***
Hắn ngủ thiếp đến quá nửa đêm, và tỉnh giấc khi ngọn gió về sáng chuyển lạnh. Mở mắt, định thần một lúc, hắn nhẹ nhàng ngồi dậy. Bên ngoài, trăng tà xuyên màn sương đỉnh núi soi quạnh quẽ cảnh vật quanh chùa. Hắn lục tìm trong túi xách mấy thứ đồ nghề rồi buông chân xuống đất. Rời khỏi nhà nghỉ, hắn di chuyển từng chặng, nép mình sau các gốc cây, hướng về phía chánh điện... Cây đa cổ thụ vẫn vươn bóng che thêm ngôi chùa u tịch. Rễ cây như đàn rắn xoắn xít, chuyển động theo gió lạnh dưới ánh trăng mờ. Lần theo vách hông ngôi chùa, hắn nhích dần về phía hậu liêu... Có một cửa ngách! Hắn áp tai lắng nghe. Bên trong im ắng. Trời đất như đang trong giấc ngủ sâu...
Hắn bật tách con dao nhọn, đưa vào khe cửa, loại cửa gỗ có then ngang thường thấy ở những ngôi chùa xưa, làm từ trăm năm trước. Then bên trên. Rồi then bên dưới... Hắn đưa tay đẩy nhẹ. Cánh cửa mở ra theo tiếng rít két trên trục xoay. Hắn đứng yên, nghe ngóng... Chỉ có hơi thở đều đều của đất trời say ngủ. Bước dứt khoát vào trong, hắn bật chiếc đèn pin nhỏ xíu soi lối, lần lên chánh điện...
Chánh điện rộng mênh mông. Hương khói lan tỏa quẩn quanh, phiêu diêu ngan ngát.... Hai ngọn nến vẫn cần mẫn cháy sáng trên cặp chân đèn, dưới tượng Phật. Ánh nến lung linh soi ánh vàng thân tượng lấp lánh, soi hơi thở bức tượng mùi trầm... Hắn không vội vã, từ từ rút mấy nén nhang, châm lửa, chấp tay thành kính đưa lên trán. Hắn khấn Phật phù hộ độ trì cho hắn, một tên “trộm cướp bất đắc dĩ”. Phật từ bi cứu độ chúng sinh. Hắn cũng là một sinh linh, mà sinh linh nào cũng muốn được sống hết năm tháng đất trời ban tặng. Hắn trộm cướp một món đồ, còn có kẻ trộm cướp những món to hơn: một dinh thự, một dòng sông, một quần đảo, một đất nước, và cướp cả thế giới nữa kia. Hắn cướp một mạng người nhưng có kẻ cướp hàng triệu mạng sống... Hắn cướp vì đói, còn có kẻ cướp vì lòng tham, vì danh vọng, và vì muôn ngàn ham muốn khác... Hắn nghĩ rằng con người khi hành động đều có “triết thuyết”, có “chủ nghĩa” để tự cổ vũ hay tự biện minh, hay chống lại các thứ triết thuyết của người khác, giành một chỗ đứng cao hơn dưới ánh mặt trời. Hắn cũng vậy. Đừng ai lạ khi một tên cướp như hắn cũng có triết lý hay luận thuyết... Tùy theo trình độ mà có những “luận thuyết tướng cướp” khác nhau. Theo hắn thì người được gọi là anh hùng hay tướng cướp, cấp tiến hay bảo thủ, hoặc gì gì nữa... cũng chỉ là do lợi ích của người phán xét... Vậy nên hắn cứ hành động theo “luận thuyết” của mình. Chẳng phải người ta vẫn nói “được làm vua, thua làm giặc” đó sao? Đêm nay, trước khi hành sự, hắn khấn Phật cũng là để khấn... mình. Khấn xong, hắn tiến lên cắm mấy nén nhang trong bát hương dưới chân Phật, rồi lùi ra, xá ba xá mong lời nguyện cầu được linh ứng.
Bỗng nhanh như chớp, hắn phốc lên bệ thờ, bật đèn pin, dán mắt săm soi chiếc lư trầm. Dưới ánh đèn xanh đom đóm, hắn thấy chiếc lư to tròn phản quang xanh biếc như một hành tinh thu nhỏ, hai bên tay nắm là đôi nam nữ đang vẽ những nét phượng múa rồng bay uốn lượn theo khói nhang. Trong lư hương, rực hồng một đốm lửa. Mùi hương ngan ngát quẩn quanh. Hơi nóng hắt vào mặt, lan nhanh khiến cả người hắn nóng lên rừng rực. Hắn thấy khó thở, cổ họng rát bỏng... Nhưng hắn vẫn không sao rời mắt khỏi chiếc lư kỳ lạ. Có lẽ nó được chế tác từ một khối trầm cực lớn lấy ra từ một cây dó cổ thụ cực to. Khói nhang lãng đãng xung quanh nên hoa văn chạm khắc trên lư hiện ra khi mờ khi tỏ và sống động lạ lùng. Dường có một đôi nam nữ hòa quyện cùng nhau đang giao hoan theo tư thế lộn ngược, đầu người nọ rúc vào chỗ kín của người kia, giông giống biểu tượng âm dương giữa bùa bát quái. Chỗ nào bên phần âm là có thì bên phần dương là không, chỗ nào bên phần dương lộ ra thì bên phần âm khuyết lại. Sắc sắc không không, sinh sinh hóa hóa... Mắt hai bên nam nữ đều đang độ rực sáng, ánh sáng rỡ ràng tuyệt cảm của đốm trắng phần âm và chiều sâu đê mê lịm tắt của đốm đen phần dương... Phần dương khắc nổi hiện lên dưới ánh nến lắc lay, động cựa; phần âm khắc chìm, khuyết sâu, để màu lửa đỏ thêm xanh thăm thẳm khôn cùng; hai phần đang quấn quít uốn lượn cùng nhau và quằn quại theo khói hương lan tỏa đất trời... Hắn cũng ngất ngây: đúng là tuyệt tác, đúng là có cảm hứng của Thợ tạo... Hoa văn này, chất liệu này, báu vật này... đúng là vô giá...
Bằng động tác dứt khoát, hắn thò tay đỡ lấy vật báu, thu nhanh về phía mình, nhưng bảo vật nhùng nhằng không chịu rời chỗ. Hắn giật mạnh. Bỗng một tiếng chuông “Boong” rõ to trong không gian tĩnh lặng, vang khắp chánh điện, vang ra cây đa trùm bóng, vang trong đêm sương về sáng... Hắn giật nảy mình. Cùng lúc, hắn dựng tóc gáy khi thấy một khúc chân ma trên nóc nhà rơi xuống, da trắng như lột, khớp háng tướp tơ đỏ máu đang lơ lửng, đu đưa... Hắn vẫn chưa chịu bỏ chiếc lư, giật mạnh lần nữa. Lại thêm tiếng chuông “boong” dường gấp gáp hơn, to hơn. Rồi một cánh tay ma rơi xuống trước mặt hắn. Cùng lúc có tiếng người âm vang trong chánh điện:
- Dừng tay! Ngươi vào lối nào thì ngươi ra lối đó...
Giọng nói theo hơi chuông ngân, vang đi dội lại, xoay tròn như biểu tượng âm dương...
Sợ toát mồ hôi, hắn đặt lư hương vào chỗ cũ, nhảy phịch xuống đất. Nhưng hắn chưa chịu trở ra. Hắn nép mình vào một thân cột, quan sát, chờ đợi. Chân tay ma vẫn lủng lẳng trên cao, chưa có mình, chưa có đầu ma ráp lại... Hắn nghĩ nhanh: một cái bẫy giữ gìn báu vật? Chờ thêm chút nữa, không thấy động tĩnh, hắn từ chỗ nấp mò ra, ngó trước ngó sau, lại lần về bệ thờ... Bỗng một lệnh dõng dạc:
- Dừng lại! Ngươi vào lối nào thì ngươi ra lối đó...
Hắn quay phắt về phía phát ra tiếng nói, bất chấp lời răn đe lần hai. Không một bóng người. Hắn suy nghĩ, phán đoán: hình như giọng nói của ni cô ban tối qua một tấm khăn bịt mũi bịt mồm. Hắn quả quyết tiến về phía đó, tay rút dao nhọn, bật tách. Một chiếc bóng như nhang khói cũng hiện ra... Hắn nhảy xổ tới. Chiếc bóng né sang bên, phất tay áo rộng khói nhang vào mặt hắn. Một mùi hương lạ xộc lên mũi, hắn thấy đầu choáng váng, dao nhọn rời khỏi tay. Hắn nghĩ thật nhanh: thuốc mê. Hắn cởi ngay áo, cuộn lại đưa lên bịt mũi mồm. Cùng lúc, hắn nhảy tới giật tung áo của chiếc bóng khói nhang, loại trừ nguồn mê. Bị bất ngờ, chiếc bóng không kịp chống đỡ, và trong khi giằng co, áo nhang rách toạc. Một khuôn ngực với hai bầu vú tròn căng, xanh và trong như ngọc tỏa ngát hương thơm... Hắn nghĩ nhanh: Báu vật thứ hai! Phật đã thấu lời ta cầu khấn! Hắn lao đến trong niềm ước vọng vùi đầu vào khuôn ngực, với sức mạnh của phần dương nhiều năm tích tụ trong lòng. Âm chống trả quyết liệt, cào cấu, cắn xé, quẫy đạp... nhưng dương trên đà thịnh, dồn dập, hừng hực, điên cuồng... Chẳng mấy chốc, dương lấn thế, lấn dần, tràn vào khắp phần âm... Âm không thể chống cự bèn nương theo tự nhiên, chờ lúc dương lên cao cũng tự lớn dần, trùm lên lật ngược tình thế và đè chặt... cho đến lúc dương tới đỉnh, lịm tắt thì âm liền úp chụp tay áo có mùi hương lạ lên mũi lên miệng hắn. Hắn cố vùng vẫy nhưng sức hắn bây giờ... tay chân như đã rã rời... Trước khi ngất luôn, không động cựa, hắn còn sững tròng nhìn lên khúc chân và cánh tay ma bợt bạc, đu dưa trong chánh điện ngát hương trầm, tai nghe văng vẳng tiếng chuông chùa như khuyên lơn, như cảnh tỉnh... giữa niềm ngây ngất chưa tan...
***
Mười năm sau.
Hắn ra tù với mái tóc pha sương, không gia cư, không nghề nghiệp. Một buổi chiều, hắn lê gót trên các bậc đá dẫn đến ngôi chùa cũ. Đường lên chùa rộng rãi hẳn ra, các bậc xây đá hộc, to và gọn, đẹp. Chiếc rễ cây bò ngang lối đi vẫn còn đây nhưng lớn hơn, bóng hơn và thêm những nhát khắc cho khách hành hương khỏi trợt chân ngày mưa. Hắn ngồi phệt xuống, xoa tay lên da người bạn cũ rễ cây, tháo chiếc nón lá rách phe phẩy làm dịu ngực mình trong nghẹn ngào kỷ niệm...
Cổng chùa xây mới, đẹp đẽ khang trang. Mấy ki-ốt bán kinh Phật, hương hoa, đồ mỹ nghệ, lưu niệm... sắc màu rực rỡ. Hắn đảo mắt nhìn quanh tìm một chỗ bên vệ đường, thu người ngồi xuống trên chiếc gậy, quai bị ngoắc vào tay, ngả nón trước mặt xin lòng thương của thập phương bá tánh... Và hy vọng tìm lại sự tha thứ của một người mà suốt những tháng năm ăn năn dằn vặt, hắn thường mơ tưởng bóng hình trong cái thế lật ngược âm dương... Nhiều phen hắn nghĩ nếu đó là thế võ để hạ gục hắn thì mối giao cảm kia cũng mạnh đến nỗi giữa bể khổ mênh mông, nó thành đốm lửa đu đưa khiến hắn phải quay đầu tìm về bờ bến... Một ông khách ngậm píp buông xuống chiếc nón lá rách vài xu lẻ. Một bà đeo vàng cúi xuống đặt hẳn một tờ tiền...
Bỗng hắn nghe tiếng con nít đánh lộn, xô đẩy nhau chí chóe. “Đồ con nhà hoang. Đồ con tướng cướp.” Thằng bé áo rách xoạc, mặt mũi bơ phờ mếu máo vừa quệt nước mắt nước mũi vừa vùng chạy khỏi lũ bạn cứ bám theo chọc chửi. Hắn nhói lòng khi nghĩ tới phận mình trong xã hội... Đến khi nhìn rõ mặt thằng bé và chiếc áo rách xoạc, hắn thấy tim như bị ai bóp chặt làm hắn suýt ngất xỉu: nó giống hắn như tạc!
Dò la ướm hỏi, hắn được biết thằng bé là con một ni cô trong chùa, chửa hoang... Ni cô có công bắt một tên cướp báu vật thờ tự của chùa, được mọi người ngợi khen, được ghi công trạng. Nhưng vì cô có chửa, lại đẻ ra một thằng con giống y tên cướp nên sư trụ trì đành phải cho cô ra dân, không thể để nhà chùa chịu gánh nặng của lời đàm tiếu...
Song còn Phật, Phật nỡ nào chối bỏ con người... Ni cô giờ ở đâu, số phận ra sao... Có ai kể cho hắn biết những nỗi bất hạnh mà ni cô phải mang trong mười năm qua, gánh nặng gấp trăm ngàn lần gánh nặng đời tù của hắn... Nỗi xót xa ân hận dày vò hắn phải chăng còn dịu dàng hơn là nỗi nhục nhã vò xé người mà hắn vẫn thường gặp trong mơ... Biết bao lần hắn đã nghĩ: Giá như mình đừng cậy khôn cậy khỏe cướp của hiếp người... Ngay cả khi hắn đứng đầu một đất nước khôn nhất, mạnh nhất hành tinh theo “triết thuyết tướng cướp” của hắn thì cũng có lúc hắn sẽ tự hỏi: sao loài người lại căm ghét mình đến thế nhỉ... Hít-le chẳng phải đã bị ngọn lửa hận đó thiêu xác hay sao... Còn giờ đây, hắn là cái thá gì... Và giấc mộng góc cây rừng một nóc nhà tranh với hình ảnh của ni cô cứ ám ảnh hắn không nguôi... Ni cô là người tu hành, là con của Phật từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha, sẽ tha thứ cho người đã ăn năn hối cãi suốt mười năm qua, nay quay đầu tìm về bờ bến? Và kiếp sau của ni cô với hắn: đứa con...
Phật từ bi cứu độ chúng sinh, nhưng còn Hóa công... Phải chăng ông sẽ chối bỏ con người vì những điều ác nó vẫn làm, ngược với ý muốn sáng tạo tốt đẹp của ông. Và cả vì điều thiện nó hằng mong nhưng biết bao giờ vươn tới... Ông sẽ chối bỏ cây đa lẩn lũ chim chóc nỉ non, cả chiếc lư hương ánh xanh và đốm lửa hồng trong ruột... Bằng những sấm sét bão bùng, bằng trò nương dâu bãi biển, bằng những con vi-rút sinh ra dồn dập và biến đổi khôn lường, tràn ngập như cơn đại hồng thủy... Và cuối cùng bằng nhịp hít mọi thứ vào cái lỗ mũi đen ngòm khiến cho mọi thiên hà đền tan nát, rồi sau đó hắt hơi để triệu triệu năm sau lại có thuyết Big Bang mới... Mọi lời cầu khấn thành tâm, mọi tiếng kêu thương đứt ruột đều không có nghĩa trước sự chán ngán đến thành vô cảm của Hóa công...
Nhưng đó là chuyện còn xa... Trước mắt, hắn mong một bữa cơm chiều nóng sốt với rau cải chấm tương, cháy lòng vì sự bất công với những gì là máu thịt của mình, và đau đáu đi tìm ánh lửa đu đưa trong đêm tối... Hắn gục xuống ôm tim thở dốc, mắt nhìn thấy bộ ngực trần xanh như ngọc qua manh áo rách, tai vẳng lên câu nói sấm truyền sinh hóa, sắc không: Ngươi vào lối nào, ngươi ra lối đó...
Hoàng hôn dần xuống trên đỉnh núi có ngôi chùa ẩn dưới gốc đa...
Chuông chùa ngân nga, lan trong không gian mênh mông mỗi chiều chạng vạng...
VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...
VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...
VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...
VanVN.Net - Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển” - cuốn tiểu thuyết thứ 12. Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng ...
Tiếp tục chương trình hoạt động của kỳ họp thứ 4 (Khóa VIII), hôm nay, ngày 7/8/2011, BCH Hội Nhà văn VN đã có chuyến đi thực tế tại trại sản xuất giống tu hài của công ty TNHH Đỗ Tờ ...
VanVN.Net - Nửa đầu thế kỷ XIX là sự bắt đầu vương triều Nguyễn với cuộc lên ngôi của Gia Long vào 1802. Tôi muốn gọi đó là một thời “khó sống” khi viết về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn