Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Đồng chí Võ Chí Công với khoán sản phẩm trong nông, lâm nghiệp

Phạm Quốc Doanh (NNVN) - 26-05-2011 02:24:55 PM

VanVN.Net - Chỉ thị 100 và sau này là Khoán 10 trong nông nghiệp là một quyết sách lịch sử. Để có quyết sách này, việc sâu sát với quần chúng nhân dân, nắm bắt thực tiễn đời sống, quy luật vận động xã hội và tinh thần dám nghĩ, dám làm là bài học lớn có tính quyết định. Nhân  sự kiện trọng đại của đất nước - Ngày hội bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp này, VanVN.Net xin giới thiệu bài viết của  tác giả Phạm Quốc Doanh về vị lãnh đạo tài đức - Đ/C Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam - một người đã góp phần rất lớn trong việc cho ra đời khoán sản phẩm trong nông nghiệp…

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đ/C Võ Chí Công

Mấy năm sau ngày thống nhất đất nước, kinh tế nước ta phải đương đầu với những khó khăn, thách thức chưa từng thấy; đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa của cả nước nhưng thiếu gạo, dân thành phố Hồ Chí Minh phải ăn bo bo, sắn tươi, khoai lang, lĩnh theo tem phiếu. Nhiều vùng ở phía Bắc ruộng đất phì nhiêu nhưng năng suất lúa thấp và giảm dần, nông dân không chấp nhận hình thức tổ chức quản lý của hợp tác xã nông nghiệp, với cảnh "cha chung không ai khóc" của hình thức khoán việc trên cơ sở tập thể đội, làm ít, làm nhiều, chăm và lười cũng hưởng như nhau. Nhưng hình thức quản lý này lại đuợc áp dụng máy móc đối với các Tập đoàn sản xuất nông nghiệp và Hợp tác xã ở các tỉnh phía Nam. Nền kinh tế trở nên khủng khoảng nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu trong nội bộ quản lý nền kinh tế. Do vậy, đổi mới là vấn đề sống còn và đổi mới được bắt đầu từ nông, lâm nghiệp. 

Năm 1976, đồng chí Võ Chí Công được Đảng phân công làm Bộ trưởng Bộ Hải sản. Nhận thấy đất nước ta có nhiều lợi thế phát triển mạnh kinh tế biển, nhưng sản lượng thủy hải sản giảm sút nghiêm trọng, đồng chí đã dành nhiều thời gian đi sâu nghiên cứu thực tế các cơ sở quốc doanh và hợp tác xã nghề cá ở các địa phương: Cát Bà, Hải Phòng, ven biển Thanh Hoá, Nghệ An, nơi có nhiều tiềm năng, nhưng sản xuất không phát triển. Một thực trạng khó khăn trong cơ chế bao cấp lúc này là các cơ sở đánh bắt hải sản (quốc doanh và hợp tác xã) không có đủ xăng dầu, không có đủ các phương tiện ngư lưới cụ đánh bắt hải sản v.v.(Quốc doanh đánh cá Chiến Thắng ở phía Nam nhập khẩu 5 tàu đánh cá của Pháp về nhưng không có xăng dầu nằm chết tại bến cảng), kinh doanh thua lỗ, nguyên nhân của tình trạng này là do bộ máy quản lý tổ chức cồng kềnh, không phù hợp với truyền thống ngành nghề và trình độ quản lý tồi "của chung không ai lo".

Từ thực trạng bức xúc nêu trên, để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đồng chí Võ Chí Công đã đề nghị Chính phủ cho các quốc doanh đánh cá, hợp tác xã làm nghề cá (kể cả xuất khẩu hải sản) thực hiện cơ chế "tự lo liệu, tự trang trải" để phát triển sản xuất kinh doanh, lời ăn, lỗ chịu, Nhà nước bỏ bao cấp, các hợp tác xã tự tổ chức lại sản xuất, bộ máy quản lý phù hợp với truyền thống đánh bắt. Ngay lập tức quyết định đó được thực tế chấp nhận, nhân dân nghề cá đồng tình; nhiều đơn vị đã dùng vốn tự có, tự phân công lao động khôi phục sản xuất kinh doanh và hình thành cơ chế quản lý mới trong ngành hải sản, tạo bước ngoặt phát triển để trở trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước sau này. 

Hội nghị lần thứ 6 (khoá IV) họp tháng 7/1979 đã thay cơ chế quản lý kinh tế lạc hậu đang bóp nghẹt mọi sức sản xuất, mọi sáng kiến của quần chúng và không khuyến khích các cơ sở sản xuất nông, công nghiệp tháo gỡ mọi khó khăn, để "bung ra sản xuất". Với mục tiêu đổi mới để đạt hiệu quả kinh tế cao đồng thời vẫn kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa là điều rất mới mẻ, vì vậy, có nhiều cách nghĩ, cách làm khác khau nhau. Một số hợp tác xã nông nghiệp đã lặng lẽ chọn cho mình cách làm khác gọi là "khoán chui" - khoán sản phẩm, loại bỏ khoán việc. Nông dân đều thích khoán sản phẩm nhưng ở nhiều nơi vẫn chưa dám bỏ khoán việc vì lãnh đạo một số địa phương tìm mọi cách giá bảo vệ khoán việc và lên án gay gắt "khoán chui" - khoán sản phẩm; thậm chí còn cho cách khoán đó là phá hoại chủ nghĩa xã hội ở nông thôn. Một số cơ quan tham mưu, quản lý giúp việc ở Trung ương lúc này cũng đứng về phía khoán việc và coi những nơi đang khoán sản phẩm là bất hợp pháp. Cuộc tranh luận về quan điểm giữa hai hình thức khoán, giữa khoán sản phẩm và khoán việc trở nên quyết liệt; thậm chí ở một số địa phương sẵn sàng kỷ luật nghiêm khắc bất cứ đảng viên, cán bộ nào ủng hộ khoán sản phẩm. Hai quan điểm khác nhau này đều xuất phát từ tấm lòng rất chân thành mong muốn xây dựng chủ nghia xã hội ở nông thôn. 

Lúc này đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp (nông-lâm-ngư nghiệp). Với trách nhiệm Đảng giao phụ trách lĩnh vực này, ngày đêm đồng chí trăn trở phải tìm ra biện pháp, giải đáp cho được sự băn khoăn, lo lắng của hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã, đồng chí đã trực tiếp khảo sát, đi sâu nghiên cứu hoạt động của nhiều nông, lâm trường quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc, gặp gỡ trực tiếp xã viên thăm hỏi và trao đổi về sản xuất, quản lý, thu nhập so sánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã với đất 5% của xã viên, đồng chí đã phát hiện một thực trạng là: sản xuất ngày càng kém phát triển, nhiều hợp tác xã làm ăn thua lỗ, tiêu cực tràn lan, thu nhập của lao động quá thấp, thậm chí nhiều xã viên xin ra khỏi hợp tác xã để làm nghề khác  v.v. nhiều nơi đã tự sửa đổi cách khoán việc của đội thành khoán cho cá nhân lao động đã đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập của xã viên nên họ phấn khởi lao động.

Từ khảo sát, nghiên cứu thực tế "khoán chui" - khoán sản phẩm ở các hợp tác xã đã có kết quả khá rõ, nhưng là việc làm tự phát của nông dân, do vậy cần phải có chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ, đánh giá khách quan, tổng kết thực tiễn để đề xuất Trung ương có chủ trương đúng. Từ suy nghĩ đó, đồng chí đã viết thư cho đồng chí Hoàng Quy, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú biểu thị thái độ ủng hộ và yêu cầu tỉnh chọn Hợp tác xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú làm điểm chỉ đạo để đánh giá, tổng kết; đồng thời đồng chí yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cử cán bộ xuống thống nhất với tỉnh, huyện cách làm cụ thể để triển khai. Bộ Nông nghiệp đã cử đồng chí Trần Ngọc Cảnh, Phó ban Quản lý HTX của Bộ (người trực tiếp đuợc đưa thư của đồng chí Võ Chí Công cho đồng chí Hoàng Quy, cùng tham gia với đồng chí Trần Ngọc Cảnh có đồng chí Lê Huy Ngọ (lúc đó là trưởng ban Quản lý HTX của tỉnh) và sau này là các đồng chí đã trực tiếp tham gia cùng với tỉnh, huyện chỉ đạo điểm. Sau khi nhận được tin này mọi người đều rất phấn khởi và triển khai thực hiện. 

Kết quả bước đầu triển khai thí điểm ở hợp tác xã Thổ Tang thấy rõ: lúa trên ruộng khoán tốt hơn lúa trên ruộng không khoán; nhưng cán bộ ở cơ sở huyện, tỉnh vẫn chưa giám báo cáo vì cho rằng đó là làm "chui" Trung ương thì chưa có chủ trương. Biết được tin này, đồng chí đã động viên cán bộ cơ sở yên tam với các làm mới, với trách nhiệm được phân công đồng chí khẳng định khoán mới không làm trái chủ trương, đường lối của Đảng và hơn nữa đây mới là thí điểm"; đồng thời đồng chí cũng gợi ý với tỉnh nếu có cán bộ và chỉ đạo chặt chẽ thì chọn thêm một số xã nữa làm thí điểm. Được sự ủng hộ và góp ý của đồng chí Võ Chí Công, ngay vụ đông năm đó, toàn huyện đã có 1 nửa số hợp tác xã triển khai khoán sản phẩm, đạt kết quả tốt hơn so với không khoán, cụ thể là: năng suất và sản lượng tăng 20%, số lao động, ngày công lao động tăng 20-25%, tinh thần xã viên phấn khởi, những tiêu cực trong các hợp tác xã biến mất. Từ kết quả bước đầu đạt được, đồng chí đã yêu cầu sơ kết thí điểm, chuẩn bị cán bộ, tài liệu nội dung, tổ chức tập huấn, có biện pháp chỉ đạo chặt chẽ để mở rộng ra toàn tỉnh ngay trong vụ mùa năm đó.

Trong thời gian này, Thành ủy Hải Phòng cũng ban hành Nghị quyết số 24 (tháng 6/1980) chuyển toàn bộ HTX nông nghiệp ngoại thành sang khoán sản phẩm, bỏ hẳn khoán việc. Đồng chí đã về thăm, làm việc tại Hợp tác xã Đoàn Xá, xã Minh Tân, huyện Đồ Sơn nơi đã "khoán chui" từ năm 1972. Sau khi kiểm tra thực tế trên đồng ruộng khoán sản phẩm và khoán việc, đồng chí đã trao đổi với lãnh đạo xã, huyện mang tính khẳng định và định hướng: khoán sản phẩm cuối cùng đến người xã viên làm cho sản xuất tăng lên và củng cố hợp tác xã. Đoàn Xá đã mạnh dạn làm, huyện Ủy Đồ Sơn đã mạnh dạn làm, lại được thành phố tán thành, thế là tốt. Kết quả đã rõ ràng, hiệu quả kinh tế cao, cường độ lao động tăng lên, lợi ích xã viên, lợi ích tập thể, lợi ích Nhà nước đều tăng. Quan hệ sản xuất được củng cố chứ có bị phá vỡ đâu? Lao động ngày nay có khi từng nhóm, từng gia đình làm nhưng đều do tập thể phân công, làm theo kế hoạch chung của hợp tác xã, sản phẩm cuối cùng làm ra do tập thể quản lý và phân phối, như vậy là lao động tập thể xã hội chủ nghĩa. Không phải cứ kéo nhau đi làm đông người mới là lao động xã hội chủ nghĩa. Vừa qua các đồng chí khoán 50%, các đồng chí cần khoán cả 100%. Thế giới bây giờ đều khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động, công nghiệp người ta khoán, nông nghiệp người ta cũng khoán. Khoán sản phẩm chỉ mới với ta thôi, chứ với thế giới là đã cũ rồi. Tôi khẳng định với các đồng chí hãy mạnh dạn làm hơn nữa, sai đâu sửa đấy, đừng sợ. Các đồng chí cố gắng phát huy sức mạnh của tập thể, kết hợp với sức mạnh cá nhân. Cần chú ý quan tâm đến lợi ích của người lao động, người xã viên. Và phải tiến tới áp dụng khoán sản phẩm vào các ngành sản xuất khác ở nông thôn. Đồng chí còn gợi ý "nhóm không phải là một đẳng cấp, chẳng qua là để tương trợ thôi, ta nên khoán hưởng thu nhập tăng lên, do vậy cần nghiên cứu chế độ khuyến khích cho cán bộ chỉ huy đội.

Ở các tỉnh phía Nam đang tiến hành công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp cũng thấy lúng túng về mô hình tổ chức quản lý, do vậy tuy mới thành lập nhưng cũng khoán chui. Nơi khởi đầu của khoán chui, khoán sản phẩm là các tập đoàn sản xuất nông nghiệp ở xã Hưng Lộc, huyện Thống nhất tỉnh Đồng Nai. Việc khoán chui ở Hưng Lộc đã đặt ra cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trước sự lúng túng- ủng hộ hay không ủng hộ. Biết được thực trạng trên, đồng chí Võ Chí Công đã gợi ý các địa phương nên đến Vĩnh Phú, Hải Phòng thăm quan, nghiên cứu; theo gợi ý này nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ về Hải Phòng nghiên cứu cách khoán ở Hợp tác xã Đoàn Xá để học tập, áp dụng. 

Từ kết quả làm thí điểm, xu hướng khoán sản phẩm đang tự phát lan rộng ở nhiều địa phương và sự lúng túng trong tư duy và chỉ đạo của các ngành các cấp ở Trung ương và địa phương, đồng chí đã đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng sớm có ý kiến chỉ đạo ủng hộ việc khoán mới để nông dân yên tâm đẩy mạnh sản xuất. Cuối tháng 10 năm 1980, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 22 do đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký với nội dung cơ bản là: công nhận khoán sản phẩm là cơ chế quản lý hợp pháp trong các hợp tác xã nông nghiệp. Các xã viên có quyền chọn khoán sản phẩm hoặc khoán việc, cán bộ các cấp không có quyền can thiệp vào sự lựa chọn của xã viên. Tuy Thông báo 22 không phổ biến rộng rãi trên báo chí do chưa khẳng định khoán sản phẩm là hình thức khoán duy nhất, nhưng ngay lập tức các địa phương đã nhận được thông tin và hàng chục triệu nông dân hưởng ứng và thực hiện rộng rãi thành cao trào ở khắp các hợp tác xã nông nghiệp. Tuy vậy, lúc này, vẫn còn một số lãnh đạo ở địa phương, có cả một số cán bộ công tác ở cơ quan quản lý của Trung ương, cơ quan nghiên cứu lý luận còn có ý kiến chưa đồng thuận với khoán sản phẩm, vẫn muốn kiên trì bảo vệ khoán việc và lo lắng phong trào hợp tác hoá nông nghiệp đang tan rã; mặc dù  thừa nhận áp dụng khoán sản phẩm năng suất lúa tăng hơn khoán việc nhưng vẫn cho rằng khoán sản phảm chẳng khác nào khát nước uống thuốc độc vì ruộng đất manh mún và khuyến khích xã viên làm ăn riêng lẻ, chỉ biết cá nhân và gia đình, quay về lối làm ăn phong kiến và tìm mọi cách chứng minh chỉ có khoán việc là cơ chế quản lý duy nhất đúng đắn trong các hợp tác xã nông nghiệp xã hội chủ nghĩa. 

Sau khi có Thông báo số 22 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng, phong trào khoán sản phẩm phát triển nhanh ở nhiều nơi trong cả nước nhất là sau khi có thí điểm ở Vĩnh Phú, tự phát ở Hải Phòng, các tỉnh trung du , đồng bằng bắc bộ và bắc khu 4 cũ, Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ đã có cơ sở thảo luận nhiều lần đi đến nhất trí cơ bản về khoán mới (khoán sản phẩm), nhưng cụ thể thì vẫn còn có ý kiến khác nhau. Bộ Chính trị, Thường vụ Chính phủ đã giao đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư và đồng chí Võ Chí Công Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao đổi thêm để có Chỉ thị của Ban Bí thư. Đồng chí Võ Chí Công được giao trực tiếp chỉ đạo xây dựng dự thảo Chỉ thị, nhưng sau khi soạn thảo xong vẫn còn có ý kiến đề nghị có thêm hình thức khoán sản phẩm đến nhóm lao động (chuyển từ khoán việc sang khoán đến nhóm lao động). Do đòi hỏi cấp bách của thực tiễn và yêu cầu của các địa phương cần có chỉ thị để triển khai thực hiện, nên đồng chí Võ Chí Công đã chấp thuận ý kiến này và trong Chỉ thị có thêm hình thức khoán sản phẩm đến nhóm lao động, nhưng đồng chí vẫn bảo lưu ý kiến và thực tế thực hiện thì không có nhóm lao động (theo lời đồng chí Võ Chí Công kể lại). 

Từ ngày 3 đến ngày 7/1/1981, Ban Bí thư triệu tập hội nghị tại Hải Phòng với các tỉnh, thành phố các tỉnh phía Bắc và một số cơ quan ban, ngành ở Trung ương trao đổi, thảo luận nội dung cơ bản của Chỉ thị cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp. Tại Hội nghị hầu hết các đoàn đại biểu địa phương tán thành khoán sản phẩm, nhưng vẫn còn một số đoàn địa phương nghiêng về khoán việc vì cho rằng khoán sản phẩm đưa nông thôn theo con đường tư bản chủ nghĩa. 

Đồng chí Võ Chí Công đã có bài phát biểu tại Hội nghị đã khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát rằng: chỉ có khoán sản phẩm mới cứu được phong trào hợp tác hoá nông nghiệp khỏi suy sụp vì: từ lâu các xã viên không chấp nhận khoán việc, không hăng hái sản xuất vì không công bằng, người làm nhiều lại chỉ được hưởng ít, dân không còn thiết tha với đồng ruộng nên nơi nào cũng thiếu ăn, một số vùng đói triền miên trong khi ruộng đất không thiếu. Chúng ta xa dân, không thấy dân đói vì dân không chịu nổi cách làm ăn không mang lại ấm no cho dân, các xã viên chỉ muốn làm theo khoán sản phẩm ta lại ngăn cấm suốt bao nhiêu năm. Còn về hợp tác xã, lắng nghe các xã viên mới thấy nông dân là những người trực tiếp canh tác đều chỉ muốn làm theo khoán sản phẩm. Nếu nói là khoán sản phẩm phá hoại phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, nếu đúng như vậy thì trời sập. Mấy lần đồng chí nói đến "trời sập" nếu khoán sản phẩm lại phá hoại chủ nghĩa xã hội ở nông thôn. Hội nghị đã nhất trí với Nghị quyết 9 của Trung ương họp tháng 12 năm 1980 "mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp".

Ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 100/CT-TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp đã được các các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng và thực hiện sôi nổi ở khắp các địa phương. Khoán sản phẩm đến người lao động đã trở thành một phong trào cách mạng sôi nổi hào hứng, dấy lên một khí thế mới trong lao động sản xuất chưa từng có ở nông thôn.

 Tháng 8/1981, Ban Bí thư triệu tập Hội nghị sơ kết Chỉ thị 100/CT-TW tại thành phố Nam Định (Hà Nam Ninh), thành phần tham dự có lãnh đạo các tỉnh, thành phố các tỉnh phía Bắc, các cơ quan quản lý, nghiên cứu lý luận và đào tạo ở Trung ương. Tuy vậy, tại hội nghị vẫn còn còn ý kiến lo lắng khoán sản phẩm đến người lao động sẽ làm xói mòn quan hệ sản xuất mới, sẽ khuyến khích làm ăn riêng lẻ và đề nghị chỉ khoán tới nhóm là cùng, không nên khoán tới người lao động, khoán sản phẩm chỉ làm vài vụ là cùng, rồi lại phải quay về với khoán việc. Thậm chí có một vài đồng chí lãnh đạo cao cấp vẫn còn lo lắng băn khoăn nên phát biểu không rõ ràng như “đây là một bước lùi để rồi tiến”, hoặc làm khoán kiểu này “sẽ teo cơ sở xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; có đồng chí công tác ở cơ sở đào tạo lý luận cao cấp viết bài cho rằng khoán sản phẩm như vậy làm thế nào để xây dựng cơ sở vật chất chủ nghĩa xã hội ở nông thôn được,.v.v. một số người kiên trì ủng hộ khoán việc còn đổ lỗi cho báo chí đã tuyên truyền rầm rộ cho khoán sản phẩm và lôi cuốn các xã viên nhẹ dạ đi theo cách làm ăn xa lạ với phong trào hợp tác hoá nông nghiệp. 

Nhiều vấn đề hồi đó còn phức tạp, lý luận thực sự chưa rõ ràng, mà phải lấy thực tế để chứng minh chủ trương đúng sai. Tại Hội nghị, đồng chí Võ Chí Công đã đọc bài phát biểu quan trọng và khẳng định rõ khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động là phù hợp với quy luật khách quan bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Chỉ có khoán đến từng người lao động thì tính kích thích sẽ mạnh mẽ hơn, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn. Khoán đến nhóm lại dựa dẫm vào nhau, chẳng ai muốn làm hết sức mình vì lại “cha chung không ai khóc". Khoán sản phẩm tới người lao động không phải trong thời gian ngắn, tất nhiên khi có hình thức khoán tiến bộ hơn, hiệu quả hơn thì lúc đó chuyển sang khoán mới hoàn toàn do xã viên quyết định. 

Tại hội nghị này, đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng tỏ niềm vui đối với những kết quả bước đầu trên nhiều mặt kinh tế chính trị xã hội nhờ khoán sản phẩm, đồng chí khẳng định: Đây là bước phát triển mới của nền nông nghiệp nước ta, là phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa rộng lớn, là ngày hội của quần chúng. Phong trào này có ý nghĩa chiến lược lâu dài và gắn liền với cả quá trình tiến lên của sản xuất nông nghiệp, quá trình phát triển của cách mạng quan hệ sản xuất và xây dựng nông thôn mới. 

Cuối năm 1981, Hội nghị cải tạo nông nghiệp miền Nam tổ chức ở thành phố Nha Trang, đồng chí Võ Chí Công đã chủ trì và chủ động yêu cầu các tập đoàn sản xuất nông nghiệp thực hiện khoán sản phẩm đến người lao động, nhằm gắn hoạt động tổ chức xây dựng tập đoàn sản xuất nông nghiệp với khoán sản phẩm, lấy khoán sản phẩm để thúc đẩy quá trình cải tạo nông nghiệp. Từ sau hội nghị này, phong trào khoán sản phẩm đến người lao động gắn với tổ chức, xây dựng tập đoàn sản xuất phát triển hầu khắp các tỉnh phía Nam, đã góp phần thúc đẩy nhanh hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam.

Chỉ thị số 100/CT-TW ra đời như đột phá khẩu trong nông nghiệp, tuy chưa phải đã có tư duy mới đầy đủ, chưa phải là liều thuốc chữa bách bệnh, chưa hình thành cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp rõ ràng, nhưng được đánh giá là quyết sách có tính lịch sử, bắt đầu từ thực tế mà dần dần hình thành tư duy mới, tìm ra cơ chế quản lý mới, thích hợp để đưa nông nghiệp phát triển không ngừng tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thoả mãn được yêu cầu về lương thực, thực phẩm trong toàn dân. Sau một thời gian không lâu, khoán sản phẩm đã nhanh chóng mở rộng ra cả nước, không còn đơn thuần thuộc phạm vi nông nghiệp, nó tác động tới mọi tầng lớp nhân dân và lôi cuốn mọi ngành, mọi giới vào công cuộc đổi mới. 

Khoán sản phẩm là sáng kiến trong lao động thực tế của quần chúng nông dân, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chống lại những tư tưởng bảo thủ, trì trệ để thoát ra cái nghèo nàn lạc hậu trong sản xuất và đời sống. Công lao to lớn của đồng chí Võ Chí Công là người lãnh đạo đi sâu đi sát quần chúng, tổng kết thực tế và sáng tạo của quân chúng đề ra cho Đảng một chủ trương khoán sản phẩm phù hợp với thực tế và nguyện vọng của hàng triệu nông dân để lãnh đạo xây dựng hợp tác xã và chủ trương đó đã trở thành một tư duy mới trong lãnh đạo và quản lý nông nghiệp và cũng từ đổi mới trong trong nghiệp làm nên khởi đầu cho sự nghiệp đổi mới của đất nước trước hết là đổi mới tư duy kinh tế.

(ghi theo lời kể của Đ/C Huỳnh Ngọc Lang, nguyên Phó Chủ nhiệm VP Chính phủ, nguyên trợ lý của Đ/C Võ Chí Công)

Lên đầu trang

Tiêu đề

  • Lâm Bằng lúc 28-05-2011 11:06:48 AM

    Bác Phạm Quốc Doanh ơi,phải gọi bác Võ là Cựu chủ tịch chứ (chứ không phải cố), bác Võ đang còn khỏe mà

    Trả lời

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...