Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn “Thằng nhặt rác” - Nguyễn Huy Hiệp

10-08-2011 10:56:17 AM

Thành phố, sáng – trong những buổi sáng.

Ngách, hẻm, ngõ, phố, đường, đại lộ...nơi dành cho sự di chuyển, sặc sụa mùi xăng. Không phải là chạy loạn.

Những quân cờ đeo mặt lạ. Một thế cờ chưa xuất hiện cao nhân. Chúng tự vận hành. Tiền. Hậu. Tả. Hữu. Ánh sáng? Bóng tối? Vực thẳm? Chân trời? Thành phố, sáng – trong những buổi sáng.

Nắng. Nắng đậm đặc mọi nơi. Mới bắt đầu đã chói chang, đã rát da, đã lóa con ngươi. Nắng giữa hè. Một dòng sông chảy bên lề thành phố, dòng hạ lưu rộng đến xa xăm đôi bờ, sóng sánh toàn những nắng. Cánh cò, từ bụi cây nào ven sông bay ra lửng lơ giữa tầng trời, hoang mang vỗ cánh, một nốt ca, chơi vơi, chông chênh giữa năm ngả khuôn nhạc, u ám, mờ và tối trong nắng. Dòng sông hạ lưu rộng đến xa xăm đôi bờ, một ngày nọ hiện lên một cây cầu. Cây cầu dây văng, lướt thướt treo mong manh bằng những đường tơ mỏng mảnh mà ước mơ nối hai dòng đời.  Trên mặt cầu, vun vút xe. Một kẻ xù xì bị một chiếc xe bóng nhoáng mang thương hiệu quả cầu, tức là trái đất, lao chém qua mặt. Kẻ giật mình vội bước vào phía đường dành cho người đi bộ. Kẻ đó đang vào thành phố, qua cây cầu, bắt đầu một ngày tồn tại.

Bao giờ cũng thế, như một hành trình kiếm ăn của những con chuột, kẻ phải đến đây trước tiên, nơi vườn hoa thành phố. Kẻ đến đây làm gì? Không rõ. Có thể là ngồi thu lu, đầu gồi quá tai, bên một gốc cây, cạnh một ghế đá hay giữa thảm cỏ nào đó. Hoặc đứng. Hoặc đi lại lởn vởn. Cũng có thể, kẻ thấy, mỗi buổi sáng, người ta bỏ nhà ra đây rất đông để tiêu mỡ, để bôi trơn hệ tiêu hóa, hệ sinh dục, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh...và, kẻ cũng thế chăng? Như vậy, vô tình hay hữu ý kẻ đang hưởng một lợi ích xã hội. Sáng nay, kẻ ngồi cạnh một khóm hoa mới trồng, hoa gì đó màu đỏ. Nhiều người lại nhìn thấy kẻ, như bao ngày. Khuôn mặt tối om nhìn mãi mới thấy mắt, mũi, mồm vì nó ẩn trong đống tóc dài đến bả vai dính bết những thứ quái gì hẳn là rất tởm, cứng nhắc thành từng mảng. Phủ lên thân thể kẻ chắc là quần áo, một thứ vải không thể dùng được vào việc lau chùi. Còn đôi bàn tay đang đan vào nhau khoanh trước gối kia, nếu chặt phéng đi vứt giữa đường có nhìn thấy máu người ta mới công nhận đó là tay người. Nghều ngào đen xỉn. Kẻ ngồi đó, bên cạnh khóm hoa, hoa gì màu đỏ, lay lay. Một chiếc lá nhàn tản rơi, chao qua trước mắt kẻ, lặng lẽ.  Chỉ mình kẻ biết chiếc lá này vừa rơi, vừa rơi. Kẻ nhìn lên theo phản xạ, hai con chim xanh xanh nhỏ xíu đang lích tích trong vòm lá.

Vườn hoa nhốn nháo người. Chợt kẻ cười xì xì nhe nửa hàm răng rỉ vàng, một tiếng cười nằm trong đống tóc, xì xì. Tác nhân của nụ cười là lão kia, béo ị, ình ịch với đánh quả cầu lông nhưng không được, hẫng chân ngã. Tròn ủng, chổng vó lên giời như con rùa lật ngửa. Bên này, hai em non như rau muống sau mưa, lắc lắc trong bộ đồ thể thao gọn gàng ôm sát sạt. Vài người giới tính đực nhìn theo, đôi mắt trong veo và trong đầu trăm ngàn cơn tưởng tượng. Kẻ cũng nhìn theo, đôi mắt nằm trong đống tóc có biết đường mà tưởng tượng không?

- È è cái giống này, cút! Nhanh nhanh!

Kẻ bị một vị mặc bộ đồ xanh trên vai có một sao một vạch đá rịch rịch vào người xua đuổi. Đây là kịch bản ai đó viết vào trong đầu kẻ tự bao giờ. Kẻ đứng dậy bước đi. Kẻ đi hành nghề. Kẻ là thằng nhặt rác.

Những tòa nhà cao tầng, những văn phòng đại diện, những cửa hàng choáng ngợp...đã vơ hết một đống người. Đường phố thưa hẳn. Kẻ sẽ đi vào phố này đầu tiên để ăn sáng. Con phố có những hàng bánh đa, hàng phở nối tiếp nhau trên vỉa hè. Mặc dù các bà chủ hàng nhất định giữ lại những thùng cặn bánh dồn để cho mấy người chăn nuôi lợn đến thu gom nhưng kẻ sẽ có cách tiếp cận chúng. Kẻ sẽ lừa lừa khi các bà chủ mải bán hàng hay mải nói chuyện gì đó là nhanh chóng thò tay vào khua lấy vài đường là vớt lên được vài vốc bánh vụn. Chắc chắn thế. Mới đến đầu phố kẻ đã thấy mấy tiếng chửi nhau om tỏi:

- Tổ sư con cave bán trôn nuôi miệng kia, mày vu oan giá họa gì cho bà?

- Tao cave thì ông bà ông vải nhà mày nhìn thấy hả? Mày không nằm ngửa ra đấy mà bày được ngổn ngang bàn ghế ra cái ngõ này chắc.

Đó là cuộc khẩu chiến của  hai mẹ ghen tuông. Một mẹ ở trong ngõ. Một mẹ bán bánh đa ở ngoài phố. Nhiều người hóng hớt, rỗi chuyện xúm lại xem. Xem mãi mà không biết ai đúng ai sai chỉ thấy bao nhiêu thứ phải che lại cứ vạch ra toang hoác. Kẻ rảo chân đi đến đám đông. Không ai biết sự có mặt của kẻ ở đây hết. Bên cạnh cái lò than và chồng bát chưa kịp rửa kia là cái thùng nhựa đen đã chứa quá nửa nước cấn. Phía trên miệng thùng bám két từng mảng mốc khô loang loang, dầy cộm, cho thấy chức năng chuyên dụng của nó đã qua biết bao nhiêu tháng ngày. Kẻ lách qua một vài người rồi ngồi sụp xuống cạnh thùng. Một mầu trắng đục lờ lờ và một vài miếng thịt mỡ nổi lèo phèo in bóng cái đầu kẻ. Kẻ liền thò tay vào thùng. Có vẻ như hôm nay kẻ có đủ thời gian để từ từ mà vớt, chậm thôi kẻo chúng sẽ trôi hết khỏi lòng bàn tay. Những thứ nào là vài miếng xương gặm nhẵn nhụi, lổng chổng các loại rau xanh xanh nằm lẫn trong những sợi bánh nát vụn nở chương hồng hồng trắng của màu tương ớt. Kẻ gục đầu úp mặt vào miệng thùng, đôi vai rum rúm lại mỗi lần đưa vốc cặn lên mặt nước để bỏ vào túi li lông. Chẳng mấy chốc, cái túi li lông màu vàng úa nhàu nhĩ đã đầy đến miệng, nặng nặng trên tay kẻ. Đi thôi. Kẻ đứng dậy bỏ lại đám người dở hơi vừa đi vừa bốc cho vào mồm. Chọp chẹp, sụp sụp. Nước  bắn ra ướt nhày xung quanh mồm chảy xuống cổ thấm vào lớp áo thâm đen. Hết veo. Kẻ vén áo lên lau mồm rồi rút một cái bao giắt ở trong quần ra, phảy phảy, đủng đỉnh bước đi. Đi. Đi. Dừng lại dưới mỗi gốc cây rồi đi tiếp. Hết dãy phố, cái bao sau lưng kẻ đã được vài thứ chai lọ, giấy má và cái bụng no kềnh càng.

Ngã tư, kẻ ngáo ngơ rồi rẽ vào phố một chiều. Đến giữa phố thì đùng đùng một mẹ ô sin từ căn nhà hai tầng vây kín thép gai, hoa pháo phủ âm u, mang đủ thứ rác ra đường đổ trước mặt kẻ. Hôm nay, mẹ ô sin này thần kinh bị trục trặc nên mới mang bao nhiêu là thứ có thể bán đồng nát được cống dâng cho kẻ như vậy. Kẻ lại vén áo, móc trong quần ra một cái bao nữa. Không cần phải bới móc hai cái túi đầy phè rác kia làm gì, trong ấy sẽ chẳng có gì ngoài những phần không xơi được của các loại con sống dưới biển hoặc trên rừng. Trước khi mang ra đây, còn tí thịt thừa thãi nào cũng không qua được cái mồm của mẹ ô sin nên chẳng còn xẩu nào cho kẻ hết. Đây mới là phần giá trị, mấy quyển sách dày nhưng đã nhàu nát, sáu bảy thùng cát tông to lại lỉnh kỉnh cả chục chai lọ nhựa, vỏ bia, vỏ nước ngọt. Kẻ chúi đầu vào đống rác, đôi tay cào cào, vuốt vuốt những tờ giấy, xếp chúng hẳn hoi rồi mới đút vào bao. Thỉnh thoảng lại thấy kẻ lau tay vào áo hay cho lên miệng cắn cắn, giật giật. Rồi trong đống đồ đó, một thứ ánh sáng nhiều màu sắc chiếu vào mắt kẻ. Đó là chiếc đĩa CD trượt ra từ một phong bì đã bóc. Kẻ nhặt chiếc đĩa lên lật qua lật lại không thấy hình gì trên mặt đĩa. Kẻ bỏ tất vào bao. Xong. Gọn gàng. Kẻ đứng dậy xốc lại hai cái bao. Khoác lên vai, kẻ đi tiếp. Hôm nay là một ngày may mắn. Kẻ vừa đi khỏi thì trong căn nhà có những tiếng nói:

- Chị Sủi, chị Sủi đâu rồi? Đống rác dưới nhà đâu?

-  Thưa ông, tôi đổ rồi.

- Chết tiệt! Chị có thấy cái phong bì nào không?

- Dạ có!

- Ra nhặt vào cho tôi! Nhanh chân lên! Lúc nào cũng như đống thịt.

- Nhưng có thằng nhặt rác nó lấy đi hết rồi.

- Hả? Chị...chị...

- Ông đi ạ? Để tôi gọi lái xe, cậu ta uống nước chè ở dưới nhà.

- Khỏi. Ra mở cổng nhanh cho tôi! May ra còn đuổi kịp, thằng nhặt rác chết tiệt ấy...

Lát sau cánh cổng mở ra, tiếng xe máy gầm lên và chiếc dream II lao vút ra, ngồi trên đó là một lão với cái mũ bảo hiểm trùm đầu, cái khẩu trang che kín mặt. Lão đi nhanh một lúc rồi giảm ga, mắt ráo riết nhìn khắp ngả, trong đầu lởn vởn những dòng chữ: “Thưa ông Cao Nhân X, có hai sự lựa chọn được dành cho ông. Một, nhận lấy mười nghìn đô này, đầu tuần sau sẽ thêm mười lăm nghìn nữa, để tiếp tục lo cho chúng tôi vụ án này. Hai, những đoạn video nhận hối lộ hàng chục vụ án của ông trước đây sẽ được lên đài...” Lão đập tay  bộp bộp vào mặt đồng hồ xe, khự lại, lão gục đầu xuống tức tối. Một lát, lão lại tăng ga lao đi. Bằng giá nào cũng phải tìm được tên nhặt rác. Nó vừa mới đi chắc ở đâu đây thôi. Càng đi lão cang cay cú. Trời thì nóng như cái lò bát quái, mặc dù lão chẳng rõ cái lò bát quái dở hơi ấy nó nóng như thế nào, mà lão thì cứ đày đày ngoài đường phố. Cái mũ bảo hiểm to sụ như đang hấp cách thủy đầu lão, khó chịu, bức bối, ngứa ngáy. Chết tiệt! Chết tiệt! Chết tiệt! Từ ngày bước chân vào quan nghiệp chưa bao giờ lão nghĩ lại ở trong tình cảnh này; trở thành một thường dân bất đắc dĩ.

Kẻ vẫn thong thả bước đi. Một đường hè khá rộng, cây xà cừ rất to, gió thổi mát lành bay lên từ mặt hồ, nắng rung rinh như sao, kẻ ngồi phệt xuống đất tựa lưng vào gốc cây nghỉ ngơi chút đã. Chiếc dream II vừa sòng sọc lướt qua còn kẻ thì đang gật gù bên bao rác.

Phố cà phê, người ta đã quen gọi con phố có những chiếc ô tô sang trọng đậu san sát nhau này với cái tên như thế. Chín mười giờ sáng, những quán cà phê vẫn đông kín người. Con phố chuyên biệt một loại đồ uống này có những lý do hình thành cũng đơn giản thôi. Quanh đây có trụ sở của Ủy ban, Hội đồng, Sở, Ban, Ngành, Hội...Thêm nữa, phố có rất nhiều cây to, cây to thì tán cũng to vì thế phố lúc nào cũng mát. Sự mát của tán lá luôn làm con người cảm thấy dễ chịu, sung sướng. Sung sướng đến nỗi đang chán đời thành yêu đời ngay. Rồi một ngày, những người trong phố nhận thấy có rất nhiều người chờ đợi – đợi gì thì không biết - và những người thừa thời gian xuất hiện ở đây ngày một đông đảo. Như vậy, bằng sự khôn ngoan, họ đã tìm ra một nghề để sống suốt đời; nghề bán cà phê. Cà phê hảo hạng hẳn hoi. Suốt chiều dài dãy phố, quán bán cà phê một bên, ô tô đỗ một bên trông rất chuyên nghiệp, chỉ có điều vỉa hè ở chỗ nào không ai biết. Khách uống cà phê toàn là người đẹp, người sáng sủa; áo quần sang trọng, thượng lưu. Góc kia, từ tốn lắc cổ tay; ly cà phê nóng đong đưa. Góc này, điệu đà đôi viên đường vuông nhỏ rơi vào màu đen đặc. Xa xa, thành ly chạm vành môi; nửa ngụm trôi chậm chậm. Tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng cùi rìa chạm ly keng keng. Khói cà phê lượn lờ lên thẳng. Hương cà phê đắng đắng ngậy ngậy. Màu mỡ bazan ngọt dần nơi đáy họng.

Đã thấy kẻ đi vào phố cà phê. Kẻ có mặt ở đây dĩ nhiên không phải để uống cà phê; phê gì cái loại cà ấy, đắng ngăn ngắt. Mà kẻ vào đây, thứ nhất, nó mát, thứ hai, vì các tờ báo. Người ta uống cà phê, nếu không nói chuyện thì cầm tờ báo. Họ đọc rất say sưa, chăm chú nhưng khi có cuộc điện thoại hay một cái vẫy tay là họ đứng dậy vứt tờ báo xuống bàn đi mất. Kẻ chỉ việc lấy bỏ vào bao. Có những hôm kẻ thu được mười lăm, mười sáu tờ. Đó là con số đáng mừng trong dạ. Một con xe mẹt cua điệu nghệ vào phố cà phê, từ từ lùi tới chỗ đỗ:

- Ấy đừng, anh giết em đi còn hơn. Anh cố gắng để nó giải ngân hộ em, nửa tháng nữa mà không có tiền thì coi như dự án của em đổ bể. Anh nhớ...nhanh lên, sang quý tới là không giải ngân được đâu.

Cùng với giọng nói đầy nữ tính và sắc như dao đó là cánh cửa phía sau con mẹt mở ra, bước xuống một đôi chân trắng trẻo mịn màng với đôi giầy cao gót mười hai phẩy năm xăng – ti – mét. Cái đầu lù xù của kẻ đang hướng vào một ông khách đang nghe điện thoại, có vẻ như sắp đi. Phải nhanh chân mới chớp được tờ báo bằng không con bé hầu bàn nó giữ lại ngay. Mải quá, kẻ đâm sầm vào cánh cửa con mẹt đồng nghĩa là va chạm mạnh vào vị nữ khách thơm lừng:

- Á...! Cha mẹ ơi, cái gì thế này?

Vị nữ khách hoảng hồn ngồi giật xuống sàn xe nơi cánh cửa vừa mở, ngực căng phồng lên rồi xẹp xuống gấp gáp cứ như thể oxy sắp cạn kiệt:

- Hờ...hờ...hờ - móc điện thoại trong túi xách mang theo, bấm rất nhanh -  Anh, anh ...thắp...thắp cho em ba nén hương nhé, mới sáng ra đã bị quỷ ám, bẩn hết rồi anh ạ, thôi thôi em kể sau – tắt máy.

Trong khi đó, kẻ cứ loay hoay không biết tiến lui thế nào, chân tay rung lên. Bất ngờ, kẻ cúi gập người hai ba lần, hành động có vẻ như xin lỗi. Vị nữ khách càng sợ hãi hét toáng lên. Ngay lập tức, hai anh con trai ở trong quán cà phê lao ra đá tới tấp vào bụng khiến kẻ quay táng  ngã vật ra đường. Thêm mấy phát nữa vào mặt, nước dãi lẫn với máu sựa ra đầy mồm kẻ. Một vài người trong quán đổ ra xem. Lão đội mũ bảo hiểm đi vút qua, nhận ra thằng nhặt rác, lão quay lại. Dựng chân chống, lão vội kéo hai bao rác của kẻ ra một chỗ mê man sục sạo tìm kiếm, miệng lẩm bẩm:

- Đâu rồi? Thằng chết tiệt, cái phong bì của tao đâu?

Phạch phạch phạch, một chiếc xích – đờ - ca đi tới, hai vị công an phường bước xuống:

- Tránh ra! Đứa nào thích đánh nhau thì vào phường.

Hai vị công an phường thấy kẻ đang ôm bụng, miệng đầy máu, nằm co quắp dưới đường, liền rút dùi cui ra gõ mấy phát vào lưng kẻ:

- Đứng dậy, đứng dậy! Biến khỏi đây nhanh!

Vị công an đi cùng lên tiếng:

- Không dẹp được hết lũ khốn này thì xã hội còn loạn.

Bên ngoài, lão đội mũ bảo hiểm tìm mãi vẫn không thấy cái phong bì của mình vội vàng lên tiếng:

- Khoan!

Nhiều người quay lại nhìn lão, vị công an cầm dùi cui nói:

- Xe ôm, ông là người nhà của nó hả? Mang nó biến đi!

- Khốn kiếp, ai là người nhà của nó?

Vị công an trợn mắt đầy bất ngờ trước sự hỗn láo của lão:

- Mất dậy, chửi công an hả? Vào phường lập biên bản!

Nghe vậy, máu trong người lão cuộn như lũ, kéo nhiệt độ từ gót chân dồn lên đỉnh đầu, cộng hưởng với hơi nóng được bảo quản rất tốt trong cái mũ bảo hiểm đang trùm, khiến đôi mắt lão nong lên, lửa cháy trong con ngươi ngùn ngụt. Lão muốn sai ngay một thằng đệ đến túm cổ thằng công an chết tiệt không biết giời cao đất dày là gì này, dậy cho nó một bài học. Một lũ đần độn chỉ giỏi hống hách. Lập biên bản; nhãi ranh. Chỉ cần lão bỏ cái mũ bảo hiểm và khẩu trang ra thì chúng mày sẽ biết thế nào là lập biên bản? Nhưng không được. Lộ mặt ở đây, trong bộ dạng này? Khùng. Bao nhiêu cốt cách, uy lực cao vời vợi không lẽ để cho lũ kiến nó tha hay sao? Lão cố chấn tĩnh. Vị nữ khách vẫn ngồi yên vị cạnh cửa con mẹt, giờ, đứng dậy lấy tay vuốt ngực hai ba cái nói:

- Thôi bỏ qua đi hai anh công an ơi! Chấp gì những người này.

Lão nhận ra ngay vị nữ khách, quá quen thuộc, từ ngoài vào trong. Nói xong, vị nữ khách bước luôn vào trong xe, sập, bánh xe chuyển động từ từ rồi lao vút đi. Lão muốn chặn ngay xe lại để ôm chầm lấy vị nữ khách, tuần vừa rồi nàng kêu bận hoài, nhưng...thằng nhặt rác chết tiệt.  Hai vị công an bảo lão mang ngay thằng nhặt rác này đi rồi nhận thấy không còn nhiệm vụ gì nữa cũng phạch phạch  đi vể phía ngược lại. Đám đông giải tán. Người người vẫn uống cà phê còn kẻ vẫn nằm đó, đau quặn. Không biết lúc nãy hai thằng kia đá vào đâu mà kẻ thấy đau đến lịm người, ngạt thở. Những mảng tóc dính bết ngả về một bên để lộ ra đôi mắt kẻ. Một đôi mắt tròn tròn và nông như vũng nước, đơn giản đến nỗi chẳng thấy cọng lông mi nào. Nhưng hình như đang có nước. Kẻ khóc. Chẳng có gì lạ. Con chó còn rơi nước mắt khi nhìn thấy đồng loại bị bán đi làm món rượu mận cơ mà, huống hồ kẻ, một con người. Nước mắt, tạo hóa sinh ra thứ nước ấy để làm giảm đi nỗi đau. Tạo hóa có tầm nhìn xa đến kinh ngạc. Kẻ cố gượng dậy thì lão xông tới túm cổ áo:

- Cái phong bì đâu?

Kẻ nhìn vào mắt lão, lão nhìn ra xung quanh rồi buông tay ra lệnh:

- Vác hai bao rác kia theo tao! Nhanh lên thằng chết tiệt!

Kẻ chẳng hiểu gì nhưng trước thai độ cứng rắn của lão, kẻ đành leo lên xe. Lão phóng vút đi, vòng vèo ra một nơi hoang vắng. Lão dừng xe rồi hất kẻ ngã xuống bụi cỏ ngũ sắc. Hai thằng mặt mũi to bành, lực lưỡng, ở đó từ bao giờ, tiến sát đến trước mặt kẻ nói:

- Thằng này sao anh?

- Ừ. Chúng mày làm việc đi. Mệt quá – lão trả lời, tay bỏ vội cái mũ bảo hiểm và khẩu trang ra, thở, một cái mặt to bành nữa!

Lão nói tiếp:

- Mày hỏi xem nó để cái phong bì ở đâu, anh kiểm tra hai bao rác rồi, không thấy. Chắc nó chỉ lấy số đô la trong ấy thôi còn lá thư và cái đĩa nó không quan tâm đâu.

Lão vừa nói xong thì một thằng co chân giẫm lên mặt kẻ nói:

- Mày nghe thấy gì chưa? Cái phong bì trong đống rác mày nhặt được khi sáng đâu? Nói mau không ông giết bây giờ!

Hai thuộc hạ của lão vẫn thi nhau hỏi, chúng hết đá vào ngực lại đá vào lưng mà kẻ vẫn không nói gì. Chán rồi, lão cúi xuống gần mặt kẻ nói:

- Thôi được, mười nghìn đô ấy tao cho mày, thằng chết tiệt, đưa lá thư và cái đĩa CD ra đây.

Lão thì thầm, nhẹ nhàng một lúc, cuối cùng, kẻ cũng phát ra hai tiếng mờ đục trong cổ họng:

- Bán...rồi.

Lão giẫy lên:

- Cái gì? Bán rồi? Mày bán đô rồi? Trời, mày ma quỷ hơn tao tưởng. Cũng được, vậy lá thư và cái  đĩa CD đâu?

Kẻ vẫn cúi đầu:

- Bán cho thằng sắt vụn, mười hai nghìn năm trăm.

Vừa nói, kẻ móc trong túi ra số tiền ấy chìa vào mặt lão. Lão nhìn số tiền ấy như lồi cả mắt ra, một lúc lão đều đều giọng:

- Tất cả chỗ rác ấy, mạng sống, danh vọng, sự nghiệp của tao, mười hai nghìn năm trăm! Đ. mẹ mày!

Lão co chân đạp vào bả vai kẻ, kẻ lộn người về phía sau, mấy đồng tiền bay ra đám cỏ phất phơ. Hai tên thuộc hạ định xông vào đánh tiếp thì chuông điện thoại rung lên trong túi quần lão, chúng dừng lại để lão nghe điện thoại:

- A lô! Cái gì?

Nghe xong cú điện thoại, lão thở cái phù, lấy tay lau mồ hôi, quay ngoắt người ra phía con dream II nói:

- Về! Con mẹ thủng hậu môn chứ không chịu thủng ví nhà anh nó giữ tất rồi. Mẹ kiếp, hút chết.

Hai tên thuộc hạ đi sau lão cười hềnh hệch. Tiếng xe máy nổ giòn rồi nhỏ dần, im ắng. Kẻ vẫn nằm đó, toàn thân chỗ nào cũng đau. Bãi cỏ hoang với vài cây cột điện cong cong, chẳng có dây dợ gì, khô khốc, vỡ vụn. Mặt đất nhăn nhúm đi vì nắng. Kẻ nằm đó lịm dần, lịm dần rồi bất động.

Năm sáu cây trứng cá hoang, khắc khoải trên nền trời nhờ nhờ dày đặc mây của những ngày cuối tháng âm. Tiếng dế kêu quanh quanh, từng hồi xa xa, gần gần. Và, hình như, gió đến. Cơn gió nhỏ, là là trên mặt cỏ, mang về hơi thở hồi sinh. Kẻ cử động dần rồi chống tay ngồi dậy. Toàn thân ê ẩm, chạm vào chỗ nào cũng thấy đau. Kẻ cố đứng lên, mãi sau mới đứng được. Sực nhớ ra, kẻ mò mẫm đi tìm mấy đồng tiền bị đá bay ra bãi cỏ khi sáng. Xù xì, xù xì một bóng đen. Mỗi nơi một tờ, kẻ gom lại được số tiền, gấp lại cẩn thận rồi đút vào túi quần. Kẻ đến gần hai bao rác đang nằm chỏng chơ cạnh đó, khoác chúng lên vai, kẻ bước đi từng bước. Năm sáu cây trứng cá, khắc khoải trên nền trời khẽ lay lay.

Quán hàng bán bún riêu cua gần gốc cây phượng già đã chuẩn bị thu dọn đồ nghề. Người phụ nữ đứng tuổi cùng đứa con mới học mẫu giáo là chủ quán hàng đó. Khi giọng nói miền nam rất ấm của chị, sai đứa con nhặt mấy cái chén bỏ vào rổ, vang xa mãi mãi vào dãy phố, có nghĩa là thời khắc đêm đã khuya lắm rồi. Thấy cái bóng  gai nhọn, tua rua như bóng ma, từ từ đi đến và cái mùi hôi hám sộc thẳng vào mũi, chị quán hàng biết đó là kẻ, liền dở đồ nghề đã thu dọn gần xong ra, mau mắn làm một bát, một bát cuối cùng, để bán cho kẻ. Đã có vài lần, kẻ đến mua nhưng hàng chị hết sớm, kẻ không chịu mua thức đồ ăn khác mà lùi lũi bỏ đi, vài lần như thế, hàng cột đèn có vài bóng hỏng, mặt đường sáng không đều, chị tần ngần nhìn theo. Từ ấy, chị nhất định để dành một bát cuối cùng bán cho kẻ:

- Mẹ ơi, chú lười tắm kìa!

Đứa con chị vỗ vai mẹ vừa nói vừa trỏ tay về phía kẻ. Chị nhẹ nhàng:

- Má biết rồi.

Kẻ vừa đi đến thì chị cũng làm xong tô bún, không có tiếng nói mua bán nào, chị đưa túi li lông khi đã đổ tô bún vào đó về phía tay đang chìa ra nơi kẻ, còn kẻ thì móc mấy đồng tiền trong túi quần đưa cho chị. Rồi kẻ quay người bước đi, những bước đi mệt nhọc. Chị cũng quay người giục con dọn hàng. Thành phố chìm vào cơn nghỉ ngơi ngắn ngủi. Chỉ có cây cầu và dòng sông đang lấp loáng ánh đèn là không nghỉ ngơi bao giờ. Gió lồng lộng mát rượi tới tận trái tim. Kẻ ngồi trên cây cầu nhìn xa tắp về cuối dòng sông. Tiếng bì bụp của sóng nước đâu đó dưới sông vỗ vào bờ bến và tiếng sì sụp ăn bún riêu cua của kẻ giao thoa vào nhau, mắc víu giữa những sợi tơ đang nâng đỡ cây cầu. Ngày mai kẻ lại qua cây cầu này để vào thành phố.

Hà Nhuận, 4/8/2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...