Đoàn Việt Bắc: Sinh nhật mình năm nay lạ lắm/ Năm trăm rau muống luộc nhai suông/ Em không còn thuở tết tóc đuôi sam/ Đuổi bươm bướm và hái hoa cúc dại
   
Kỷ niệm 245 năm sinh, 190 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du
Nghĩ ngợi bên mộ cụ Nguyễn Du
Cập nhật: 7:00:00 27/11/2010

Bài này tác giả viết năm 2008, đã đăng trên phiên bản cũ của vanvn.net; nhưng theo một nguồn tin từ Hà Tĩnh, sáng nay 27 tháng 11 năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khởi công Dự án nâng cấp và mở rộng Khu tưởng niệm Nguyễn Du, gồm cả những gì mà bài viết kiến nghị; cũng là để tưởng niệm và chào mừng Đại lễ kỷ niệm 245 năm sinh của cụ (nằm trong khuôn khổ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội) sẽ diễn ra trong ngày 28 tháng 11. VanVN.Net trân trọng giới thiệu bài viết như một niềm phấn khích của các nhà văn và công chúng yêu thơ cụ nhân sự kiện tốt đẹp này.

Văn Chinh

 

Bức ảnh mà bạn thấy đây là lăng mộ tổ tiên của cụ Nguyễn Du, nằm ngay cạnh hàng rào phía Bắc nhà tưởng niệm tác giả Truyện Kiều. Trình độ chụp ảnh của tôi không cho phép lấy vào ảnh đươc di dít dấu chân trâu, bãi phân bò cùng những vết cọ vai gãi ngứa của trâu bò vào thành lăng mộ như nó bầy ra trước mắt.

Tôi ngậm ngùi nhớ thơ Vương Trọng:

Tưởng rằng phận bạc đạm Tiên

Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây

Thơ gây xôn xao dư luận và khi “cây súng rời vai”, Nghệ Tĩnh đã xây mộ, xây luôn khu tưởng niệm Nguyễn Du trên nền cũ nhà quan tể tướng Nguyễn Nghiễm. Nhưng, vẫn là tư duy cắt khúc, quy hoạch đã bỏ tổ tiên Nguyễn Du ra ngoài phúc phận của ông.

Để khu mộ tổ Nguyễn Tiên Điền dần trở nên hoang phế và bị thiên nhiên và con người cùng gia súc xâm hại như vậy, người đau lòng nhất phải là cụ Nguyễn Du. Cụ là người hay ngậm ngùi trước di tích của người xưa:

Sè sè nấm đất bên đường

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

Rằng sao trong tiết thanh minh

Mà đây hương khói vắng tanh thế này

Đi sứ qua sông Mịch La, Nguyễn Du nhân thấy các thi nhân xứ Bắc làm thơ chủ yếu là chiêu hồn chiêu tuyết cho Khuất Nguyên, cụ viết bài Phản chiêu hồn nổi tiếng:

Hồn hỡi hồn hề hồn về làm gì

Mặt đất người người là Thượng Quan

Đâu đâu cũng là sông Mịch La

Nhân thể xin nói ngay: Khuất Nguyên thấy vua Sở sa đọa, nghe bọn xiểm nịnh đứng đầu là Thượng Quan, hại bậc trung thần, ông tự trầm mình dưới dòng Mịch La. Khuất Nguyên chết với câu thơ nổi tiếng: Đời đục hề mà ta trong. Hồi nhỏ tôi rất thích câu này. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ, tư duy coi mình là tốt, coi kẻ khác là xấu đã chẳng từng là hạt nhân của mọi cuộc thanh trừng, chiến tranh; nó từng được dùng như một lá chắn để che giấu mọi cuộc trưng binh, thôn tính và xâm lược từ xưa đến nay ư? Tôi bèn nghi ngờ mọi nhà thơ từ Đướng Tống cả ngàn năm sau mỗi khi đi qua Mịch La lại làm thơ chiêu hồn Khuất Nguyên; ngay cả khi tôi vẫn trân trọng nét yêu trong ghét đục của họ. Cụ Nguyễn Du cũng từng làm văn chiêu hồn, văn tế thập loại chúng sinh. Nhưng đến Mịch La, cụ lại làm Phản chiêu hồn, hẳn không hề ngẫu hứng. Đằng khác, khi viết Kiều, Nguyễn Du nói một minh triết khác hẳn tư duy Khuất Nguyên:

Mà trong lẽ phải có người có ta.

Đó là minh triết của dân chủ, của hội nhập vậy!

Đến thăm đền thờ nàng Tiểu Thanh ở Hàng Châu, Nguyễn Du thương người con gái tài sắc mà yểu mệnh, viết bài thơ Độc Tiểu Thanh ký có câu vận vào thân phận mình:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Tôi không nhớ rõ ai đã nói, chỉ với một phần thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã là Nguyễn Du như hơn 200 năm chúng ta hằng kính yêu; việc có thêm truyện Kiều chỉ mở rộng lòng kính yêu ấy ra rộng hơn mà thôi; nhưng tôi hoàn toàn tán thành.



Thuỷ tổ Nguyễn Du là Nguyễn Thiến, người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội) không rõ năm sinh, đố Trạng nguyên triều Mạc khoa Nhâm Thìn (1532). Năm 1550, Mạc Phúc Nguyên nghe lời dèm pha, ngờ Nguyễn Thiến làm phản, ông vội vã đem hơn 100 gia nhân chạy vào Thanh Hoá đầu hàng vua Lê. Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi theo một bài thơ tiễn bạn:

Ta giúp con côi vì nghĩa trọng

Ông khi xử biến khá cam lòng

Rồi cũng đến lúc Trạng Trình rũ áo về thảo am đứng trên Lê Trịnh Mạc Nguyễn mà quy hoạch cho đất nước thêm rộng núi dài sông, nhưng khi hạ bút thế là cụ lấy mình làm thước đo lòng dạ bạn bè.

Cụ Nguyễn Thiến vào Thanh, làm đến Thượng thư nhưng ốm mất trong bất đắc chí. Các con của cụ là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn mà Lê Quý Đôn nhận xét rằng “đều có sức khoẻ, có tài làm tướng” nên, một mặt thì sợ Trịnh Kiểm sát hại, như từng sát hại bố vợ Nguyễn Kim; mặt khác, đang khi trấn thủ Thiên Trường thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa thư mời sang thuyền uống rượu rồi dùng mẹo đưa anh em Nguyễn Quyện về lại nhà Mạc. Các con ông cùng con của Nguyễn Miễn hoặc bị sát hại hoặc đang bị thanh trừng, Nguyễn Nhiệm (con Nguyễn Miễn) cùng mấy anh em khác chạy thoát về với nhà Mạc. Trong một trận đối đầu với Trịnh Tùng, Nguyễn Nhiệm đã giết được tướng tiên phong là Chấn Quận công nhưng do quân Trịnh đông quá, ông đã ngã ngựa nằm lẫn trong đám thi thể binh sĩ. Đêm tỉnh dậy giữa sa trường, ông đã ngẫm nghĩ rồi thay hình đổi dạng mà đi mãi về phương Nam. Vào đến Nghi Xuân, thấy lau sậy rậm rạp có sông Lam chắn phía Bắc, có Ngàn Hống sừng sững phía Tây còn mạn Đông là biển rộng, bèn ở lại làm nghề bốc thuốc ở nơi sau là làng Tiên Điền. Có sức khoẻ, Nguyễn Nhiệm khai khẩn đất hoang; lại có nghề bốc thuốc, thuốc hay nổi tiếng khắp vũng, dân quanh vùng ấy gọi ông là ông Nam Dương.

Từ cụ Nam Dương tính đến đời thứ 7 là cụ Nguyễn Du, thì 5 đời con cháu “Ông Nam Dương” đều làm quan có công trạng, được phong tước công, hầu:

Đời thứ 2: Tham đốc Khánh trạch hầu Nguyễn Chủng

Đời thứ 3: Đề đốc Phương trạch hầu Nguyễn Ôn

Đời thứ 4: Thiếu phó Phù quận công Nguyễn Thể

Đời thứ 5: Nhuận quận công Nguyễn Quỳnh (1675-1735)

Cụ Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du) học giỏi, nổi tiếng văn hay nhưng gặp khoa thi thì hoặc có tang hoặc ốm đau. Sau có ra làm quan nhưng bất đắc chí mà từ quan về soạn Dịch kinh quyết nghị gồm 15 quyển, nay chỉ còn 2 quyển là Từ ấu tân truyện và Đại hiệu chân kinh. Về sau, Trấn thủ Nghệ An mời ông làm quan, ông đã tạ từ bằng bài thơ (dịch):

Đường đời rất hiểm nghèo

Người đời chỉ sống trăm năm

Ngày đủ cơm ba bữa

Đêm ngủ trọn năm canh

Phú quý là khách Kinh thành

Thanh nhàn là tiên trần gian

Lặng suy lẽ thịnh suy

Tuổi già nên về nơi rừng suối

Hai con cụ Quỳnh đều đỗ tiến sỹ là Nguyễn Huệ (1705-1733) và Nguyễn Nghiễm (1708-1776). Gia phả Nguyễn Tiên Điền ghi, Nguyễn Huệ bình sinh hay nói, “thề rằng chỉ một lần nhẩy qua cửa rồng (đỗ Tiến sỹ) thì chết cũng cam lòng.” Năm 1733, ông đỗ Tam giáp tiến sỹ và chết thực. Dân làng Võ Phấn cảm cái chí “tử công phu” thành tài, xây đền thờ cụ để khích lệ trai đinh nối chí học hành, triều đình sắc phong làm Thượng đẳng phúc thần. Em trai cụ, Nguyễn Nghiễm, đỗ Nhị giáp tiến sỹ còn trước cả anh, năm Tân Hợi (1731) khi đó mới có 23 tuổi. Ông làm quan đến chức Tham tụng (tể tướng) triều Lê Trịnh còn kiêm Trung thư Quốc tử giám, Tổng tài Quốc Sử quán. Nguyễn Nghiễm có biệt tài quản lý đất nước, từ ông khởi lập hộ tịch và hồ sơ bờ cõi để quản lý giang san rành mạch. Tiếp đãi sứ thần nhà Thanh lịch thiệp mà biên cương yên ổn thuận hoà. Năm 1761, phó sứ Thanh là Cố Nhữ Tu có tặng ông bức liễn đề 4 chữ “Dịch thế thư hương” (dòng thi thư đời nối đời). Nguyễn Nghiễm chính là người phát hiện và trọng dụng nhà bác học Lê Quý Đôn (1767) trong kỳ vâng lệnh sát hạch văn võ quan ở Văn trạch các. Từ năm 1773, khi con trai trưởng là Nguyễn Khản (đỗ tiến sỹ năm 27 tuổi, từng dạy học thế tử Trịnh Sâm) vào triều làm Thập nhị bồi tụng, triều đình tặng ông tấm biển đại tự: Nhị thân phụ tử, ví cha con ông như Thân Nhân Trung, Thân Nhân Tín thời Hồng Đức.

Con trai thứ ba cụ Nguyễn Quỳnh là Nguyễn Trọng đỗ Phó bảng năm 1743, được phong tước Lam Khê hầu, về trí sĩ rất sớm, mở trường dạy học. Hậu duệ của cụ là cụ Nguyễn Mai (1876 – 1954), đỗ tiến sỹ cùng khoa với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp nhưng không ra làm quan.

Nguyễn Du sinh ngày 3.1.1766 (các sách trước đều chép sinh năm 1765, gần đây các nhà nghiên cứu đối chiếu Âm Dương lịch mới ra ngày Dương lịch trên, tôi theo thuyết này) mồ côi cha từ năm 11 tuổi, lên 13 thì mồ côi mẹ. Đó là lứa tuổi ngây thơ, rất dễ thương tổn và để lại mặc cảm nặng nề cho đến suốt đời nếu bị hắt hủi ghẻ lạnh. Chỉ có sinh trưởng trong một đại thế gia, trên nền một gia giáo vững vàng, cụ mới thành một văn nhân có tầm văn hoá nhân loại và mới đạt đến bậc trí lự trượng phu dường ấy.


1
2
3
4
Tin mới