Đoàn Việt Bắc: Sinh nhật mình năm nay lạ lắm/ Năm trăm rau muống luộc nhai suông/ Em không còn thuở tết tóc đuôi sam/ Đuổi bươm bướm và hái hoa cúc dại
   

Đồi thi nhân và hành trình tình yêu của Hàn Thi sỹ
Cập nhật: 16:16:00 20/10/2010

Cách trung tâm thành phố biển Qui Nhơn 2 km, đồi Thi Nhân là nơi an nghỉ của một nhà thơ tài hoa bạc mệnh, ra đi ở tuổi 28- Hàn Mạc Tử. Đến Quy Nhơn mà chưa đến đồi Thi Nhân thì xem như bạn đã không hiểu hết về miền đất Võ. Chính nơi đây, Nguyễn Trọng Trí (tên thật của Hàn) đã gởi nắm xương tàn và cũng là nơi phát tích để chúng tôi đi tìm hành trình tình yêu của Hàn Mạc Tử. ĐỒI THI NHÂN

Đoàn Chung

Vượt qua xóm Gành ẩn hiện trong vườn dừa ngát xanh, tương tự với rặng dừa làng Rạng tại Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận), nơi in dấu chuyện tình của Hàn và Mộng Cầm những năm 30 của thế kỉ trước, bạn sẽ lên con đường dốc đá, cỏ gai và hẹp lở mang tên dốc Mộng Cầm. Theo ý nhà thơ Chế Lan Viên thì đặt tên Mai Đình là đúng hơn cả (Mai Đình là người săn sóc Hàn những ngày cuối đời tại đây), còn dốc Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết nên đặt tên là dốc Mộng Cầm, vì nơi ấy cuộc tình Hàn đã in dấu đậm nét nhất trong cuộc đời ông.

Leo lên những bậc thang đá hoang sơ, với cây Thập Tự Giá lớn bằng xi măng cao độ nửa thước là mộ Hàn Mạc Tử. Mộ được kiến trúc theo kiểu tân thời đơn giản hình khối chữ nhật (người vẽ mẫu là em ruột Hàn, ông Nguyễn Bá Tín - kiến trúc sư công tác tại Lào về nước năm 1942). Hàn trút hơi thở cuối cùng tại khu điều trị phong Quy Hòa gần đó vào ngày 11- 11- 1940 và được cải táng về đây vào ngày 13- 2- 1959 do bạn Quách Tấn và gia đình Hàn thực hiện. Cũng xin nói rõ, thời Pháp thuộc để cách ly người bệnh phong (hủi) khi ấy với những người bình thường, người bệnh như Hàn phải sống cách biệt với bên ngoài bằng một con đèo uốn khúc. Sau khi từ giã cõi đời, Hàn được chôn trong trại phong trước khi về an nghỉ trên đồi Thi Nhân. Giờ đây những ngày cận tết, dòng bia mộ vẫn ghi rõ: “Đây an nghỉ trong tay MẸ MARIA- Hàn Mạc Tử…”. Một ngôi mộ vững chãi dù thời gian có phai dấu.

Ngay bên phải mộ Hàn là nhà lưu niệm, tại đây bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh thân thương nhất cũng như tiểu sử của người đã sáng tác nên những bài thơ bất hủ: Mùa xuân chín, Ở đây thôn Vĩ Dạ… Hàn sinh ra ở Đồng Hới (Quảng Bình), theo gia đình đi nhiều nơi như Huế, Qui Nhơn, vào Sài Gòn làm báo.

NHỮNG ĐIỀU VỀ HÀN LẦN ĐẦU TIÊN CÔNG BỐ

Phía bên trái mộ Hàn là lều thơ của Dzũ Kha - người đã hơn 25 năm qua âm thầm dựng lều cỏ, viết thư pháp thơ Hàn bằng bút lửa, giới thiệu tất cả những gì về Hàn qua bấy nhiêu năm sưu tầm, nghiên cứu, gặp gỡ những chứng nhân của cuộc đời Hàn. Hằng năm, người đàn ông hơn 50 tuổi này còn đứng ra tổ chức sinh nhật Hàn. Vườn thơ Hàn cũng mới được Dzũ Kha đưa vào hoạt động ngay tại quần thể với kiến trúc khá lạ mắt. Bạn sẽ được “người dựng lều cỏ bên mộ Hàn” đọc hai bài thơ Cửa sổ đêm khuya, Đi thuyền cả xuôi lẫn ngược – Hai bài thơ độc đáo nhất của Hàn, bằng tiếng xứ Nẫu thân tình và mến khách.

Nói về Hàn, Dzũ Kha công bố nhiều thông tin mới không phải ai cũng biết, và có những thông tin thật sự giá trị: Người có duyên với 4 chữ Bình (sinh tại Quảng Bình, làm báo Tân Bình ở Sài Gòn, có người yêu ở Bình Thuận, mất tại Bình Định). Trong khi đó, người Hàn yêu thương nhất là Mộng Cầm ở Phan Thiết lại gắn với những số 7 (sinh ngày 17-7- 1917, mất ngày 27- 7- 2007 tại huyện Bình Chánh, TPHCM). Mộng Cầm là một trong năm người con gái đi qua đời nhà thơ này: Hoàng Cúc (Huế), Thương Thương (Quảng Ngãi)… Đây là những thông tin Dzũ Kha sau nhiều năm nghiên cứu đã chính thức công bố. Và chúng tôi có may mắn được nghe anh nói tại một chiều xuân trên bãi tắm Hoàng Hậu- điểm đến của Nam Phương Hoàng Hậu cùng với Bảo Đại ngự mỗi khi ra đất Võ những năm giữa của thế kỉ 20.

Đứng từ mộ Hàn, bạn sẽ thấy toàn phố biển từ trên cao hay cảnh ghe thuyền đậu san sát cạnh bờ biển, một cảnh tượng quen thuộc với Hàn như khúc tình ca ngày nào ở Mũi Né. Thật thú vị khi mộ Hàn nằm gần Lầu Ông Hoàng Bảo Đại, và có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Hàn luôn gắn với hình ảnh các ông Hoàng. Ngày còn tay trong tay với Mộng Cầm tại Phan Thiết, Hàn cũng đã sáng tác một bài thơ về ông Hoàng tại Phan Thiết, rồi khi an nghỉ cũng nằm cạnh vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn. Đi tiếp hết con dốc là bạn đã tới bãi tắm Hoàng Hậu (còn gọi là bãi trứng).

TÌNH YÊU NƠI ĐỒI CÁT

Trong dịp công tác tại Phan Thiết (Bình Thuận) mới đây, chúng tôi đã đi tìm lại phế tích Lầu ông Hoàng, nằm trong cụm tháp Pôsanư nằm trên “con đường tơ lụa” dẫn đến đồi cát Mũi Né. Đây là nơi cách đây cả thế kỉ, Hàn vào Sài Gòn làm báo và quen nữ sĩ Mộng Cầm khi nàng hay gửi thơ cho Hàn đăng báo. Có điều kì lạ là thơ Hàn hay gắn với hình ảnh lầu ông Hoàng-Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Ngày yêu nhau mặn nồng với Mộng Cầm cũng là bên lầu ông Hoàng ở Phan Thiết, ngày ra đi vào cát bụi, Hàn cũng yên nghỉ cạnh lầu ông Hoàng ở Quy Nhơn-nơi ông Hoàng nghỉ ngơi mỗi khi đi kinh lý ngang qua. Nhắc đến lầu Ông Hoàng là nhắc đến nhà thơ Hàn Mặc Tử - bởi lẽ lầu Ông Hoàng là nơi hẹn hò và ngắm trăng của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm. Trong một bài thơ về Phan Thiết, ông có kể lại nơi này và gọi đó là "nơi đã khóc đã yêu thương da diết". Về sau Mộng Cầm có nói về câu chuyện tình lãng mạn này, trong đó thổ lộ nơi ấy là nơi hẹn hò yêu đương của họ: "Một dịp thứ bảy đi chơi lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau, nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mang chứng bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được, ý tôi muốn một người chồng mạnh khỏe, tráng kiện". Sau này nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cũng đã có một ca khúc rất hay, được nhiều người nhớ đến về lầu Ông Hoàng cũng như câu chuyện tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Bài hát có những câu mà rất nhiều người nhớ "Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng"...

Chúng tôi cũng đã tìm lại căn nhà Mộng Cầm trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết mà người dân nào ở đây cũng biết. Căn nhà của cụ bà quá cố Mộng Cầm giờ im lìm “ngủ yên” bên cạnh sự sầm uất của phố xá. Sau khi gõ cửa hồi lâu, con gái thứ 5 của nữ sĩ ngày nào, giờ cũng đã ngoài 60 tuổi, người đã được mẹ kể lại chuyện tình ngày nào với Hàn Mạc Tử giờ cũng không muốn nói nhiều về quá khứ. Đó cũng là chuyện bình thường vì sau khi Hàn mất, Mộng Cầm lấy chồng và không muốn nói nhiều về người tình cũ. Các con bà cũng vậy.

Mỗi năm đến ngày thơ Nguyên Tiêu (nhằm ngày rằm tháng giêng), ngày thơ Việt Nam, đồi Thi Nhân chính là nơi tổ chức hội thơ của đất Võ quy tụ nhiều chính khách, giới văn nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật từ khắp nơi đổ về.

Chú thích:

ảnh 1: đường lên dốc Mộng Cầm

ảnh 2: Mộ Hàn


1
2
3
Tin mới